Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa
Nguyên tác: Jaroslav Pelikan,
Bản tiếng Việt: Vũ Văn An





Chương Mười Bẩy: Đấng Giải Phóng

Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô.
Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa.


Đôi khi khó thấy nơi Chúa Giêsu của cả chủ nghĩa duy lý lẫn chủ nghĩa lãng mạn lý do tại sao Người có bao giờ chịu đóng đinh. Hình ảnh về Người đã bị tinh thần của thời đại thích ứng rất nhiều. Chẳng hạn, một trong những cuốn sách được đọc rộng rãi nhất xưa nay bằng tiếng Anh, tức cuốn In His Steps (Theo Bước Chân Người) của Charles Monroe Sheldon xuất bản năm 1896, là một mô tả đầy tính lý tưởng hóa về sự thành công trong thương trường và trong xã hội, một thành công đang chờ đón một cộng đồng Hoa Kỳ trong đó, mọi người quyết định bước chân theo Chúa Giêsu một cách nghiêm túc. Chắc chắn, một điển hình về tính thực tiễn tuyệt vời như thế, một bâc thầy về tính hữu lý đầy thuyết phục như thế, một khuôn mặt đẹp đẽ trong sáng như thế hẳn phải hấp dẫn đối với thế kỷ thứ nhất cũng như đối với thế kỷ 18 và 19.

Ấy thế nhưng, cùng nhà văn Nga thế kỷ 19, mà trình thuật trong Crime and Punishment về Sonia và Raskolnikov cùng nhau đọc truyện Tin Mừng về việc phục sinh Ladarô đã đem lại một phát biểu hết sức sinh động cho việc tri nhận Chúa Giêsu như Thi Sĩ của Thần Khí, cũng phát biểu, có lẽ còn sâu sắc hơn bất cứ ai trước đó và kể từ đó, ý nghĩa của Chúa Giêsu, Đấng Giải Phóng, như Đấng mà thế kỷ thứ nhất, hay bất cứ thế kỷ nào của lịch sử con người, buộc phải bác bỏ. Dostoevsky thực hiện điều này trong viễn kiến của Ivan Karamazov về Đại Quan Tòa Dị Giáo (Grand Inquisitor) (1). Chúa Kitô trở lại trần gian và được nghinh đón bởi những người được Người chúc phúc bằng sự hiện diện và các phép lạ của Người. Nhưng một lần nữa, Người lại bị bắt, lần này bởi lệnh của Đại Quan Tòa Dị Giáo, Hồng Y tổng giám mục của Seville và là người bênh vực đức tin, và bị đối chất bởi phát ngôn viên này của một Kitô giáo định chế từng thành công sửa lại mọi sai lạc Người đã làm lúc còn trên dương thế. Trong một bức khắc gỗ nổi danh của William Sharp, hai người đứng ở một thế tương phản đầy kịch tính. Hình dáng dữ tợn của Quan Tòa Dị Giáo già nua, mặc áo giáo sĩ, được chiếu sáng, đối diện với Chúa Giêsu Tù Nhân. Gương mặt Chúa Giêsu không trông rõ vì Người quay về phía Quan Tòa Dị Giáo, quay lưng lại người xem; nhưng đó là khuôn mạo đen tối của một Tù Nhân, không phải khuôn mặt được chiếu sáng của Quan Tòa Dị Giáo, một khuôn mặt nổi bật bức tranh. Vì Chúa Giêsu, thực sự, là Chúa Giêsu Đấng Giải Phóng. Như Quan Tòa Dị Giáo nhìn nhận khi nhắc lại 3 câu hỏi mà Satan “thần khôn ngoan và đáng sợ, thần tự hủy và không hiện hữu” đã ngỏ cùng Chúa Giêsu lúc cám dỗ Người trong Hoang Địa. “Vì trong 3 câu hỏi này, toàn bộ lịch sử tiếp sau đó của nhân loại, như thể, được đem lại với nhau kết thành một toàn bộ duy nhất, và được loan báo trước, và trong đó, mọi mâu thuẫn lịch sử chưa được giải quyết của bản chất nhân loại đã được thống nhất”.

Câu hỏi đầu tiên của Satan, “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy truyền cho các viên đá này thành các ổ bánh mì” (Mt 4:3), trình bày một lựa chọn giữa việc biến các viên đá thành bánh mì, để “nhân loại khỏi chạy theo ông như một đoàn cừu, biết ơn và vâng phục” và “một lời hứa hẹn tự do nào đó, sự tự do mà trong tính đơn sơ và tính vô kỷ luật tự nhiên của họ, đến hiểu họ cũng không thể có”; “vì không có điều gì khó hỗ trợ đối với con người và xã hội hơn tự do”. Chúa Giêsu quyết định làm Đấng Giài Phóng hơn là Vua Bánh Mì, nhưng trong điều này, Người đã bị hiểu lầm. Tự do được Người hứa hẹn không phải chỉ dành cho giai cấp ưu tú. Từ lúc có sự hiểu lầm này, các kẻ theo Người đã nắm được quyền lực thế gian, cả trong Giáo Hội lẫn Nhà Nước, để “đặt tự do của họ dưới chân ta, mà nói, ‘Hãy biến chúng tôi thành nô lệ của ngài, nhưng hãy nuôi sống chúng tôi'”. Khi Quan Toà Dị Giáo kết thúc nhận định của mình về cơn cám dỗ của Chúa Giêsu,

“Ông đợi một thời gian để Tù Nhân của ông trả lời ông... Nhưng [Chúa Giêsu] bỗng nhiên im lặng tiến lại gần người đàn ông già, và nhẹ nhàng hôn đôi môi già hết máu của ông ta. Câu trả lời của Người chỉ có thế. Người đàn ông già rùng mình. Môi ông động đậy. Ông buơớc về phía cửa, mở nó ra, và nói với chính mình ‘đi khuất đi, đừng đến nữa... đừng đến nữa, đừng bào giờ, đừng bao giờ nữa’. Và ông ta để Người đi vào ngõ hẹp tối tăm của thị trấn.Tù Nhân đi khỏi”.

Và Dostoevsky (hay, đúng hơn, Ivan Karamazov) ngầm cho thấy như thế, Người không bao giờ trở lại nữa.

Bên cạnh những bức chân dung qui ước nói về Chúa Giêsu như trụ cột của hiện trạng (status quo) nơi nhà nước và Giáo Hội, vẫn có truyền thống liên tiếp mô tả Người, vào thời của Người và mọi thời tiếp sau đó, như là Đấng Giải Phóng. Điều ấy rõ ràng đến nỗi nhiều người cùng thời với Người đã coi Người như Đấng thách thức mọi hệ thống xã hội và đòi nó phải giải trình trước phiên tòa của Thiên Chúa. Nhưng trước hết, trong các thế kỷ 19 và 20, vị Tiên Tri của thế kỷ thứ nhất, Đấng vốn rao giảng công lý của Thiên Chúa như có chiều hướng chống lại các kẻ áp bức của nhân loại, mới trở thành Chúa Giêsu Đấng Giải Phóng. Và Chúa Giêsu Đấng Giải Phóng trở thành, và trong thời đại ta đã trở thành và hiện là, một lực lượng chính trị lật đổ các đế quốc, kể cả thứ gọi là đế quốc Kitô giáo. Hiến chương và nghị trình giải phóng nơi Chúa Giêsu Kitô đã được lên khuôn trong điều gọi là Đại Hiến Chương Tự Do Kitô Giáo, tức thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát: “Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô... Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa” (2). Không còn là Do Thái hay Hy Lạp; không còn là nô lệ hay tự do; không còn là nam hay nữ, mỗi thứ trong tư thế lịch sử của nó, cả ba thứ cầm tù này nguyên ủy được biện minh nhân danh Chúa Kitô Tạo Dựng và là Chúa trong tư cách thuộc về trật tự tự nhiên và luật tự nhiên, nhưng cuối cùng đã bị thách thức, và kết cục đã bị vượt qua, nhân danh Chúa Giêsu Đấng Giải Phóng.

Từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, lý lẽ thử thách dai dẳng nhất để giải quyết thế lưỡng nan phức tạp trong tính liên quan của tước hiệu Chúa Giêsu Đấng Giải Phóng đối với trật tự xã hội là cuộc tranh luận về nạn nô lệ (3). Cả hai phía đều nại tới bản văn Kinh Thánh và thế giá của con người Chúa Giêsu. Như Abraham Lincoln đã nói trong Lễ Nhậm Chức Lần Thứ Hai, ngày 4 tháng 3 năm 1865, cả hai phía “cùng đọc một Kinh Thánh, và cầu nguyện với cùng một Thiên Chúa; nhưng mỗi bên khẩn cầu sự giúp đỡ của Người chống lại bên kia”. Mặt khác, như ông đã vạch ra, “điều xem ra lạ lùng là bất cứ người nào cũng dám cầu xin sự giúp đỡ của Thiên Chúa công chính để vắt bánh mì của mình từ mồ hôi trán người khác”. Nhưng ông nói thêm, bằng cách trích dẫn giới răn của Chúa Giêsu trong Bài Giảng Trên Núi, “chúng ta đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán” (Mt 7:1). Nhưng trên hết, chính ý thức tin rằng “vì con người là hữu hạn nên họ không bao giờ có thể biết chắc một cách tuyệt đối rằng mình cảm nhận đúng thánh ý của Thiên Chúa vô hạn” đã làm cho “Abraham Lincoln trở thành trung tâm lịch sử Hoa Kỳ theo nghĩa đích thực” (4). Đối với một nhà chủ trương bãi bỏ (abolitionist) như James Russell Lowel, chủ bút tờ Anti-Slavery Standard và là nhà văn học sáng chói của vùng New England, thế giá của Chúa Giêsu đối với tình thế ít mơ hồ hơn (5). Đối đầu với các hệ quả cuộc chiến tranh với Mễ Tây Cơ vì tương lai nô lệ, ông lớn tiếng chống lại sự bất công của cả nạn nô lệ lẫn chiến tranh, trong một bài thơ viết năm 1845, một bài thơ, trong hơn 100 năm sau, đã trở thành chiến ca của Tin Mừng Xã Hội:

Mọi người mọi nước
Đến lúc phải quyết định,
Trong cuộc chiến sự chân với sự giả,
Cho sự thiện hay sự ác;
Một số chính nghĩa vĩ đại, Đấng tân Mêxia của Thiên Chúa,
Mỗi người cung ứng tuổi nở hoa hay tuổi tàn rụi,
Và sự lựa chọn mãi mãi diễn ra
Giữa bóng tối và ánh sáng.

Nhờ ánh sáng các tử đạo
Tôi luận tìm bàn chân chẩy máu của Chúa Giêsu,
Vất vả leo lên mãi những đồi Canvari mới
Với cây thập giá không bao giờ lui bước;
Cơ hội mới dạy những bổn phận mới,
Thời gian khiến điều tốt xưa trở thành thô vụng;
Những ai muốn theo kịp chân lý
Vẫn cứ phải leo lên, tiến lên phía trước.

Do đó, một đàng, Robert Sanderson, một Giám Mục Anh Giáo ở thế kỷ 17, tuyên bố rằng các Kitô hữu “không nên thừa nhận bất cứ ai làm Chủ Tể Tối Cao của chúng ta, cũng không nên để mình bị cai trị hoàn toàn hay tuyệt đối bởi ý chí của bất cứ người nào... nhưng chỉ bởi Chúa Kitô, Chúa và Chủ ta ở trên trời”. Nhưng mặt khác, trong cùng bài giảng ấy, ngài lại bác bỏ bất cứ giải thích nào về quyền chúa tể tối cao của Chúa Kitô đối với mọi ông chủ trần gian diễn tiến “như thể Chúa Kitô hay các Tông Đồ của Người nhằm mục đích... làm giảm bớt các gân cốt... vốn cột thành một cơ thể... tứ chi và nhiều thành phần làm nên các xã hội con người” và điều đó bao gồm các gân cốt của nạn nô lệ (6).

Việc đặt cạnh nhau hai tuyên bố trên trong cùng một bài giảng về điều nó có nghĩa gì, và không có nghĩa gì, khi gọi Chúa Giêsu là Đấng Giải Phóng, rất dễ được lặp đi lặp lại trong các trước tác của cuộc tranh luận về nạn nô lệ. Tuy nhiên, sự căng thẳng được chúng đại diện không độc đáo đối với thời hiện đại, vì dường như nó đã có trong chính các mô tả của Tin Mừng về Chúa Giêsu rồi. Trong số những người tự coi mình là người theo chân Chúa Giêsu, từ lâu vẫn cảm thấy khó chịu đối với định chế nô lệ. Họ thừa nhận rằng vì sự xuất hiện của Người “nạn nô lệ mất hết việc cho mình là một cần thiết nội tại phát xuất từ cơ cấu bản chất con người” (7). Thánh Augustinô phát biểu rõ sự khó chịu này khi ngài tuyên bố ý định nguyên thủy của Đấng Tạo Dựng là “tạo vật có lý trí của Người không có quyền làm chủ trên bất cứ điều gì mà chỉ trên các tạo vật không có lý trí mà thôi, con người không thống trị con người, nhưng con người chỉ thống trị thú vật mà thôi”. Cho nên, nạn nô lệ không phải là một định chế tự nhiên do Thiên Chúa tạo ra, nhưng nó là kết quả của việc loài người sa vào tội lỗi” (8). Nhưng trong thế giới sa ngã, nơi cần phải chấp nhận các thiếu sót trong các định chế của con người, nạn nô lệ cũng cần được dung túng, và không nên nại tới thẩm quyền của Chúa Kitô Giải Phóng để biện minh cho việc lật đổ nó bằng sức mạnh cách mạng. Chứng từ thuyết phục nhất biện hộ cho chủ nghĩa bảo thủ xã hội như thế tìm thấy trong thư Thánh Phaolô gửi Philêmôn. Trong đó, cũng vị tông đồ này, người từng công bố Đại Hiến Chương “không còn nô lệ hay tự do nữa” đã thông báo cho Philêmôn, một người chủ nô lệ, rằng ngài gửi Onesimus, một nô lệ trốn thoát, trả về cho ông, để “không làm điều gì không có sự đồng ý của anh”; nhưng ngài hy vọng Philêmôn “được lại người này vĩnh viễn, không như nô lệ, nhưng hơn một người nô lệ, như một người anh em”, điều mà John Knox hiểu là Onesimus có thể trở thành một Kitô hữu rao giảng Tin Mừng (9). Mặc dù, theo lời Giám Mục Lightfoot, “chữ ‘giải phóng’ dường như run run trên môi miệng ngài” (10), Thánh Phaolô bác bỏ việc buộc Philêmơn phải giải phóng Onesimus như một bổn phận của Kitô hữu (Pl 14-16), và ngài không đề cập (cách này hay cách khác) đến vấn đề tổng quát trong thái độ của Kitô giáo đối với nạn nô lệ như một thể chế.

Những ai tiếp tục thấy thể chế ấy có thể dung túng được, do đó, có thể cho rằng lá thư đó là điều Tân Ước đã nói: nói đúng ra, cả trong Cựu Ước lẫn trong Tân Ước, việc sở hữu một con người khác chắc chắn không chống lại luật” (11). Như việc trả thuế cho Xêda (Mt 22:21), ở đây cũng thế, Tân Ước dường như coi là đương nhiên việc có nạn nô lệ trong xã hội. Thậm chí nó còn sử dụng việc này như một loại suy để so sánh với mối liên hệ của tín hữu đối với quyền chúa thượng của Chúa Kitô, cũng như mối liên hệ của kẻ có tội đối quyền chúa tể của ma qủy (12). Thành thử, sử dụng lời nói của Chúa Giêsu như một vũ khí chống nô lệ không chính đáng gì hơn việc sử dụng lời nói của Người về Nước Thiên Chúa làm cơ sở để lên án mọi vương quốc trần gian là tiếm quyền. Nhưng tinh thần của lá thư gửi Philêmôn, nếu không phải chính lá thư, quả có nghi vấn thể chế nô lệ, và các hoàn cảnh mới quả có dạy các bổn phận mới. Cho nên dù Giáo Hội “để cho [thể chế nô lệ] tồn tại, nhưng vẫn ý thức trọn vẹn tính bất nhất giữa thể chế này và sự tự do và bình đẳng nội tại vốn là lý tưởng của Kitô giáo” (13). Chỉ là vấn đề thời gian, dù quả là một thời gian dài, trước khi việc thừa nhận sự bất nhất ấy giữa việc dung túng nạn nô lệ và việc công bố Chúa Giêsu như Đấng Giải Phóng tạo được hành động dứt khoát.

Việc tái khám phá Chúa Giêsu Giải Phóng không chỉ giới hạn trong cuộc tranh luận về nạn nô lệ, hay trong tư duy Anh và Mỹ. Có lẽ việc tái khám phá nổi tiếng khắp nơi trong thế kỷ 19 là của Lev Tolstoy. Trong cuốn tiểu thuyết Resurrection (Phục Sinh) của ông, mà bản không bị kiểm duyệt được xuất bản 2 thập niên sau Anh Em Nhà Karamazov, cùng một tương phản giữa Đấng Giải Phóng và Quan Tòa Dị Giáo đã xuất hiện, một lần nữa trong một nhà tù, nơi một khách vãng lai “ngạc nhiên thấy bức Tượng Chịu Nạn treo ở một hốc tường, ông ta tử hỏi ‘tượng ở đây để làm gì?’, tâm trí ông tự động liên kết hình ảnh Chúa Kitô với việc giải phóng, chứ không với việc giam cầm” (14). Sứ điệp của cuốn Resurrection của Tolstoy là giáo huấn của Chúa Giêsu có ý định được hiểu theo nghĩa chiểu tự. Chương cuối cùng của cuốn tiểu thuyết là một lời bình luận về một số phần trong các sách Tin Mừng, trên hết, là các mệnh lệnh của Bài Giảng Trên Núi, trong đó, người chủ đạo “vẽ cho mình điều cuộc đời này có thể là nếu người ta được dạy phải vâng theo các mệnh lệnh này”. Sự phấn khích và ngất trí, lúc ấy xâm chiếm ông, “như đã xâm chiếm số rất đông những người đọc các sách Tin Mừng”, thuyết phục ông rằng “bổn phận duy nhất của con người là chu toàn các mệnh lệnh này, đến nỗi ý nghĩa hữu lý duy nhất của đời người hệ ở việc đó”. Trong cái ngộ ra đó, “dường như, sau một cuộc đau buồn và đau khổ lâu dài, bỗng nhiên ông tìm được bình an và giải phóng” (15).

Một khảo cứu bác học chuyên đề của sử gia văn học Xôviết G.I. Petrov từng nhận xét “Khi tiểu thuyết Resurrection ra đời năm 1899, nó là dịp không vui và bối rối cho chính phủ và giới cao cấp của Giáo Hội” (16). Kitô giáo cấp tiến của Tolstoy bị Giáo Hội Chính Thống Nga ra vạ tuyệt thông nhưng việc ông tái giải thích sứ điệp của Chúa Giêsu cũng đã lôi kéo sự chú ý sùng đạo của hàng ngàn người cả bên trong lẫn bên ngoài Nga và cả Nền Chính Thống nữa. Họ hành hương tới Yasnaya Polyana để viếng thăm nhà tiên tri của tân Kitô giáo này, và họ viết cho ông từ khắp nơi trên thế giới. Ngay George Bernard Shaw cũng thư từ với ông về nền “thần học” của riêng ông ta, mặc dù Tolstoy coi là xúc phạm sự khiếm nhã của Shaw khi đối sử với Tin Mừng, vì “vấn đề về Thiên Chúa và sự ác là điều quá quan trọng đến không thể nói đùa giỡn được” (17). Như Isaiah Berlin từng phát biểu, trong các tiểu thuyết của ông, “Tolstoy tri nhận thực tại trong tính đa dạng của nó, như một hợp tuyển các thực thể riêng biệt mà quanh đó và trong đó ông thấy rất rõ và sâu sắc như chưa từng có”. Nhưng trong triết lý và thần học của ông, “ông chỉ tin vào một toàn bộ rộng lớn duy nhất, đơn nhất” điều cuối cùng ông phát biểu như “nền đạo đức học Kitô giáo đơn giản ly dị khỏi bất cứ nền thần học hay siêu hình phức tạp nào..., sự cần thiết phải trục xuất mọi điều không chịu suy phục một tiêu chuẩn rất tổng quát, rất đơn giản nào đó: như, các nông dân muốn gì và không muốn gì, hoặc các sách Tin Mừng công bố điều gì tốt” Hai tiêu chuẩn thường như nhau đối với Tolstoy (18). “Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa (Mt 5:39). Các quan điểm cấp tiến của Tolstoy về việc áp dụng từng chữ các lời lẽ này của Chúa Giêsu, đối với phần lớn các tiên tri của giải phóng và các mạnh thường quân của người bị áp bức, xem ra ở đỉnh cao của tính không thực tiễn (impracticality), một thứ đầu hàng bất công, quả là “thuốc phiện lê dân”.

Ngoại lệ là viên luật sư trẻ gốc Ấn Độ ở Nam Phi, người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nền triết lý tôn giáo và đạo đức của Tolstoy. Cuốn The Kingdom of God Is within You (Nước Thiên Chúa Ở Trong Các Ngươi) của Tolstoy, một cuốn ông sẽ viết sau này, “tràn ngập tôi. Nó để lại một ấn tượng lâu dài trên tôi. Trước lối suy tư độc lập, nền luân lý sâu sắc, và tính nói thật của cuốn sách này, mọi cuốn sách (Kitô giáo khác)... xem ra đều vô nghĩa” (19). Sau đó, ông còn thiết lập một công xã Tolstoy ở Nam Phi năm 1910, năm Tolstoy qua đời. Tolstoy viết một lá thư (bằng tiếng Anh) cho người ái mộ mình này ở Nam Phi ngày 7 tháng 9 năm 1910, chỉ 2 tháng trước ngày qua đời. Ngoại trừ một số nhận định cá nhân ngắn gọn gửi cho bạn bè và gia đình ra, đây quả là lá thư cuối cùng, gần như một chúc thư tôn giáo và triết lý cuối cùng của ông:

“Càng sống, và nhất là nay khi cảm thấy rõ ràng sắp sửa qua đời, tôi muốn nói với nhiều người khác điều tôi cảm nhận một cách hết sức thấm thía, và điều theo ý kiến tôi hết sức quan trọng, tức là điều được gọi là bất đối kháng, nhưng là điều trong yếu tính chẳng là gì khác hơn là giáo huấn yêu thương không bị bóp méo bởi các giải thích sai lệch... Luật này được công bố bởi mọi hiền triết của thế giới, Ấn Độ, Trung Hoa, Do Thái, Hy Lạp và La Mã. Tôi nghĩ nó được phát biểu rõ ràng nhất bởi Chúa Kitô.... Toàn bộ nền văn minh Kitô giáo, hết sức sáng chói ngoài mặt, đã lớn lên trên một sự hiểu lầm và mâu thuẫn rõ ràng, lạ lùng và đôi khi hữu thức nhưng thường là vô thức [về giáo huấn chân chính của Giêsu Đấng Giải Phóng]... Suốt 19 thế kỷ, nhân loại theo Kitô giáo đã sống cách này... Có một mâu thuẫn rõ ràng đến nỗi chẳng sớm thì muộn, có lẽ rất sớm, nó sẽ bị vạch trần và sẽ kết liễu một là việc chấp nhận Kitô giáo vốn cần thiết cho việc duy trì quyền lực hai là sự hiện diện của một đạo quân và trọn bạo lực nâng đỡ nó, điều cũng rất cần để duy trì quyền lực” (20).

Chính phủ “Anh của ông, cũng như chính phủ Nga của chúng tôi”, với việc trung thành gắn bó của họ vào quyền chúa tể của Chúa Giêsu Kitô, sẽ phải đối diện với sự mâu thuẫn này và các hậu quả của nó.

Tên của người học trò và thư tín Ấn độ của Tolstoy ở Nam Phi chính là Mohandas K. Gandhi. Triết lý của ông ta về điều Erik Erikson gọi rất đúng là “bất bạo động đấu tranh” (militant non-violence) là một pha trộn các yếu tố của Ấn giáo cổ truyền, mà thoạt đầu ông vốn bác bỏ nhưng sau đó đã nhìn một cách thuận lợi hơn, và các yếu tố của Kitô giáo, hay nói chuyên biệt hơn, của giáo huấn Chúa Giêsu. Các giải thích của Tolstoy giúp ông hiểu sứ điệp chân chính của Chúa Giêsu, trong và đàng sau Kitô giáo cổ truyền mà ông và các đồng bào Ấn độ của ông đã học được từ các nhà truyền giáo. Và nhờ thế, “một tập hợp các nhà kinh tế học thấy mình được thuyết giáo (‘có lẽ ông coi việc can dự của tôi như một đi trệch đáng hoan nghinh khỏi con đường đã bước’) về Chúa Giêsu” (21). Đến lúc Gandhi qua đời như một vị tử đạo vào ngày 30 tháng 1 năm 1948, lịch sử đã ứng nghiệm lời tiên tri của Tolstoy. “các đế chế “Anh của ông” và “Nga của chúng tôi”, cả hai vốn cho là mình hiện thân cho các giá trị Kitô giáo trong chính phủ, đã bị lật nhào bởi các lực lượng tự cho là quán quân giải phóng và bất bạo động, dù không phải là niềm tin truyền thống của Kitô giáo vào sứ điệp của Chúa Giêsu Giải Phóng.

Tuy thế, Gandhi tiếp tục có nhiều đệ tử tin vào tin mừng bất bạo động của ông theo tinh thần của Chúa Giêsu Giải Phóng. Họ nên học điều này là bước chân theo Chúa Giêsu Giải Phóng, và theo Mahatma Gandhi, có thể tạm thời dẫn họ, như đã dẫn chính Gandhi, tới cuộc diễn hành chiến thắng giống cuộc diễn hành vào Chúa Nhật Lễ Lá (Mt 21:1-11). Nhưng cuối cùng, nó có thể dẫn họ đến chỗ đối đầu với giới quyền uy (Establishment), một đối đầu tiếp liền ngay sau việc chiến thắng (22). Và có thể có một số người mà nẻo đường theo chân Chúa Giêsu Giải Phóng (nói theo tựa sách của Sheldon) “theo gót chân Người” sẽ dẫn họ vượt qua trọn khoảng cách từ Chúa Nhật Lễ Lá qua Thứ Sáu Tuần Thánh, cho con đường chiến thắng trở thành con đường thập giá và việc noi gương Chúa Kitô mang một hình thức hoàn toàn theo nghĩa đen, nói theo Tân Ước, là “trở nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người” (23). Một trong số những người này là Martin Luther King Jr., người, giống như Gandhi, đã tử vì đạo bởi viên đạn của kẻ sát nhân ngày 4 tháng Tư năm 1968.

Triệt để đồng hình đồng dạng với cuộc đời Chúa Giêsu, và thậm chí với cả cái chết của Người nữa, và vâng theo một cách cách mạng mệnh lệnh của Người không hề xa lạ đới với các truyền thống đặc thù mà từ đó, Martin Luther King vốn phát xuất. Cả như một người Mỹ Da Đen lẫn như một người Baptist Mỹ tin mình cũng thuộc dòng dõi tinh thần của những người Tái Tẩy (Anabaptist) thế kỷ 16 ở Lục Địa, ông đều là hậu duệ của những bậc cha ông, trong lịch sử, vốn là nhóm thiểu số bị khinh miệt và thường bị buộc phải học “cái giá làm môn đệ” là chịu bị áp bức và thậm chí chết chóc. Giống nhiều nhà lãnh đạo Thệ Phản, ông xuất thân từ một gia đình có nhiều người làm mục sư, và trong nhiều năm sau này, ông hay nhắc lại việc nghe các câu truyện và lời nói của các sách Tin Mừng trong nhà thờ và trong gia đình trước khi học đọc chúng ở trường. Quyết định cuối cùng của ông trong tư cách một sinh viên chưa tốt nghiệp bước chân theo cha và ông nội gia nhập thừa tác vụ Kitô giáo đã đưa ông vào chủng viện thần học rồi vào trường cấp bằng tiến sĩ. Các nghiên cứu học thuật của ông phát triển nơi ông các nguyên tắc thần học, triết học và luân lý sẽ lên khuôn đời ông, lên khuôn sứ điệp của ông, xác định nghề nghiệp công khai của ông, và đem ông đến cái chết.

Mặc dù nhiều cuốn sách ông nghiên cứu khi còn là một chủng sinh và sinh viên tiến sĩ đều là những tựa sách tiêu chuẩn mà phần lớn các sinh viên thần học Thệ Phản thời ấy quen đọc, luận án của ông bàn về học lý Thiên Chúa trong tư tưởng Paul Tillich và Henry Nelson Wieman: một tên tuổi nổi bật trong danh sách các sách đọc của ông nhưng vắng mặt đối với hầu hết các danh sách khác là Mohandas K. Gandhi, mà cái chết vào năm 1948 trùng hợp với kỳ thi tuyển vào đại học của ông ở chủng viện. Gandhi, trong khi sử dụng các phương tiện bất bạo động trong cuộc chiến đấu giải phóng Ấn Độ khỏi chủ nghĩa thực dân dưới thời đế quốc Anh, vốn tỏ ý hy vọng rằng nhờ người da đen Mỹ, “sứ điệp tinh tuyền bất bạo động sẽ được chuyển tới khắp thế giới”. Một Kitô hữu da đen có ảnh hưởng ở Hoa Kỳ mang nợ nhiều ở Gandhi là Howard Thurman (24). Nhờ triết lý của Gandhi, Thurman đã đạt tới, thậm chí vượt quá, sứ điệp của Chúa Giêsu, một sứ điệp mà Gandhi vốn dựa vào, mô tả Chúa Giêsu như Đấng Giải Phóng, đặc biệt của những ai bị tước mất cơ hội và thành tựu. Nhưng chính Mordecal Johnson, một nhà giảng thuyết và tư tưởng gia da đen hàng đầu khác, người mà bài giảng tại Chủng Viện Thần Học Crozer ở Philadelphia đã đem người sinh viên thần học trẻ đối diện với tư tưởng của Gandhi như một hệ thống đương thời có hiệu quả một cách ưu việt. Ông cho hay chính Johnson đã gợi dậy nơi ông xác tín rằng Gandhi là “người đầu tiên trong lịch sử biết sống đạo đức yêu thương của Chúa Giêsu cao hơn tương tác đơn giản giữa các cá nhân”. Nhiều năm sau này, trong cuốn sách sau cùng của ông, ông vẫn trích dẫn Gandhi để chống lại “nền triết học chủ hư vô” (nihilistic philosophy) và căm thù vốn đe dọa biến cuộc cách mạng của ông thành “đổ máu và bạo động”. King tuyên bố “điều mới mẻ về phong trào của Mahatma Gandhi ở Ấn độ là ông phát động một cuộc cách mạng hy vọng và tình yêu, hy vọng và bất bạo động”(25).

Lối giải thích ấy về giáo huấn của Chúa Giêsu như một nền đạo đức học tình yêu chủ trương bác bỏ bạo lực và vượt quá chủ nghĩa cá nhân nói lên nền tảng tri thức và luân lý của tư tưởng và hành động nơi King. Vì cần cả hai hành động và tư tưởng. Bài Giảng Trên Núi, tức bài giảng ông từng học ở chủng viện như một bản văn Kinh Thánh, đã trở nên, trong các năm tháng trưởng thành làm thừa tác vụ, một sách giáo khoa cho hoạt động tranh đấu xã hội và chính trị. Như ông nhớ lại vào những năm sau này:

“Khi tôi tới Montgomerry trong tư cách mục sư, tôi không hề có bất cứ chút ý nghĩ nào là sau này mình sẽ liên lụy tới một cuộc khủng hoảng trong đó việc đối kháng bất bạo động có thể áp dụng được. Tôi cũng không khởi đầu cuộc biểu tình phản đối hay gợi ý về nó. Tôi chỉ đáp lại lời kêu gọi của người dân muốn có một phát ngôn viên. Khi cuộc biểu tình bắt đầu, tâm trí tôi, một cách có ý thức hay vô thức, được đầy trở lại với Bài Giảng Trên Núi, với giáo huấn tuyệt vời của nó về tình yêu, và với phương pháp đề kháng bất bạo động của Gandhi” (26).

Gandhi và Bài Giảng Trên Núi là gợi hứng liên tiếp của ông. Âm điệu của Bài Giảng Trên Núi, như chính ông học được suốt trong các kinh nghiệm nhằm giải thích nó, vang lên trong mọi bài diễn thuyết và tài liệu công khai của ông.Tài liệu sâu sắc nhất trong số này có lẽ là “Lá Thư Gửi Từ Nhà Tù Birmingham” của ông, viết xong ngày 16 tháng 4 năm 1963, trong đó, ông nói lên niềm hy vọng có tính tiên tri rằng “một ngày kia, Miền Nam sẽ biết rằng khi những con cái Thiên Chúa bị tước đoạt gia sản này ngồi quanh quán ăn trưa, họ thực sự đang đứng lên vì những điều tốt đẹp nhất trong giấc mơ Hoa Kỳ, và vì các giá trị thánh thiêng nhất của gia tài Do Thái – Kitô giáo” (27).

Điều ấy nghe có vẻ ngây thơ đối với những người phê phán ông vả cả môt số người ủng hộ ông nữa, cũng như đối với phần lớn các nhà giải thích bác học và thần học về giáo huấn của Chúa Giêsu và Bài Giảng Trên Núi, những vị, đến lúc đó, đã phần nào đạt được sự nhất trí cho rằng sứ điệp của Chúa Giêsu là một “cánh chung nhất quán”. Nhưng giải thích của King về Bài Giảng Trên Núi, thực ra, đã được suy tư cẩn thận và là một chiến lược tinh vi cao độ. Năm 1959, ông và vợ, Bà Coretta Scott King, đi hành hương Ấn Độ, quê hương của Gandhi, nơi họ thấy một số thành quả cụ thể đã được Mahatma “ngây thơ” thu hái được. Qua “bất bạo động đấu tranh”, Gandhi đã hoàn thành một cuộc giải phóng mà những cuộc nổi dậy nhiều lần tại Ấn độ trước đây, từ cuộc Binh biến Sepoy năm 1857 và sau đó, đã không thu hái được. King báo cáo, “khi tôi rời Ấn Độ, xác tín hơn bao giờ hết rằng đối kháng bất bạo động là vũ khí hiệu nghiệm nhất sẵn có cho những người bị áp bức trong cuộc chiến đấu giành tự do của họ”. Ông nói thêm về thành tựu có tính lịch sử của Gandhi, “Quả là một điều tuyệt diệu được thấy các kết quả của chiến dịch bất bạo động” (28).

Trong loạt chiến dịch bất bạo động của chính ông trong một thập niên sau, Martin Luther King đem triết lý ấy ra thử nghiệm. Ngay nhiều người theo ông, cả da đen lẫn da trắng, cũng thúc giục ông rằng thời dành cho bất bạo động đã qua đi rồi, sứ điệp giải phóng trong Bài Giảng Trên Núi không thể thành công như “vũ khí hiệu nghiệm nhất sẵn có cho những người bị áp bức trong cuộc chiến đấu giành tự do của họ”. Ông liên tiếp công nhận rằng càng ngày ông càng thấy luận điểm của họ có tính thuyết phục hơn, sự mất kiên nhẫn của họ có tính lôi cuốn hơn, các chiến lược hành động trực tiếp của họ có tính cám dỗ nhiều hơn. Nhưng lần nào, kết cục ông cũng tái khẳng định cam kết nền tảng của ông với tính thực tiễn của giáo huấn trong Bài Giảng Trên Núi, coi nó như một chương trình chính trị nhằm giải phóng người da đen Hoa Kỳ. Ở tâm điểm chương trình này là viễn kiến coi xã hội con người như một “cộng đồng của những người thương yêu nhau” (beloved community) (29). Ông mô tả cộng đồng này một cách chi tiết đặc biệt trong cuốn Stride toward Freedom (Bước Dài Hướng Tới Tự Do) (30). Đó phải là một xã hội trong đó, trong bộ ba tiêu chuẩn công lý, quyền lực, và tình yêu, định nghĩa có tính lịch sử về công lý dần dần trở thành một thực tại qua việc tình yêu làm dịu (moderation) quyền lực. Ông biết điều này không diễn ra một cách đột ngột và ông thực tiễn đủ để nhìn nhận rằng có rất nhiều cá nhân mà mệnh lệnh yêu thương của Tin Mừng không thay đổi được; chỉ có pháp luật, và việc chấp hành pháp luật, mới có thể thay đổi họ. Nhưng ông học được từ Gandhi rằng “tương tác giữa các cá nhân mà thôi” không phải là ý nghĩa sâu sắc nhất “của đạo đức học tình yêu của Chúa Giêsu”, bất chấp hàng thế kỷ giải thích. Đúng hơn, đạo đức học tình yêu cần phải thấm sâu và cải tổ các cơ cấu của chính xã hội và, qua các cơ cấu này, tạo nên một bối cảnh yêu thương và công lý mà qua quyền lực ngay cả người ngoan cố nhất cũng phải sống theo.

Khi một học giả lỗi lạc của nền văn chương da đen Mỹ được hỏi tại sao Martin Luther King không trở thành một người Macxít và tại sao những người theo ông không chấp nhận triết lý bất bạo động của ông, đã do dự trả lời: “Vì sức mạnh quá thắng thế của nhân vật Giêsu”. Đây cũng là lý do để có câu trả lời tích cực, dù đến hết sức chậm, câu trả lời mà sứ điệp của King vốn kêu gọi nơi các Kitô hữu da trắng. Hiển nhiên, vẫn còn một nhóm lớn không trả lời kiểu này, và Martin Luther King Jr., đã trở thành nạn nhân của họ, như từ lâu ông đã biết thế. Nhưng trong cái chết của mình, ông đã thực hiện điều ông biết lúc còn ở trên đời, rằng ông được kêu gọi bước theo chân Một Người Khác. Và do đó, khi nhận Giải Nobel Hoà Bình năm 1963, ông nhắc lại, một lần nữa, các giới điều và lời hứa của Chúa Giêsu trong tin mừng giải phóng như đã được liệt kê trong Bài Giảng Trên Núi:

“Khi các năm tháng qua đi và khi ánh sáng chói chang của sự thật tập chú vào thời đại diệu kỳ chúng ta đang sống trong này, các người đàn ông và đàn bà sẽ biết các trẻ em sẽ được dạy rằng chúng ta đang có một lãnh thổ đẹp đẽ hơn, một dân tộc tốt đẹp hơn, một nền văn minh cao quí hơn, vì những con cái này của Thiên Chúa sẵn lòng ‘chịu đau khổ vì công chính’”.

Bất chấp tính hàm hồ của nó, thuộc thần học cũng như chính trị, lối đọc như thế đối với sứ điệp của Chúa Giêsu tiếp tục gây cảm hứng cho chiến dịch giải phóng con người. Đặc biệt trong Thế Giới Thứ Ba, Chúa Giêsu Giải Phóng đang được đặt ở thế chống lại mọi thứ Quan Tòa Dị Giáo, bất kể là thánh thiêng hay phàm tục. Nhưng nay, Người được coi như đảo ngược lời tuyên bố khởi thủy của Người (Mt 4:4) để đọc là: con người không sống nguyên nhờ Lời Chúa, mà còn sống nhờ cơm bánh nữa, như chế tài không những bất bạo động đấu tranh mà cả hành động trực tiếp, như không những chúc lành cho đức nghèo khó thiêng liêng vốn chờ mong thiện ích siêu nhiên ở đời sau mà còn lãnh đạo người nghèo của thế giới này tới các thiện ích tự nhiên ở cuộc sống này và ở thế giới này. Đó là điều Casalis gọi là “Kitô học của triết lý hành động cách mạng” (christology of revolutionary praxis) (31). Sự tương phản giữa hình ảnh này về Chúa Giêsu Giải Phóng và các hình ảnh trước đây về cùng một Chúa Giêsu Giải Phóng có lẽ trở nên hiển hiện hơn nếu ta so sánh hai phiên bản trong Tân Ước về cùng một Mối Phúc. Như các người ủng hộ lối giải thích phi chính trị về Chúa Giêsu Giải Phóng lúc nào cũng chỉ ra, phiên bản quen thuộc hơn trong Tin Mừng Mátthêu đọc như sau: “Phúc cho người nghèo khó trong tinh thần, vì nước trời là của họ” (Mt 5:3). Thế nhưng, nền thần học giải phóng dựa trên nhắc nhở cho rằng trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng “Phúc cho người nghèo...nhưng khốn thay cho các ngươi những kẻ giầu có” (Lc 6:20, 24) (32). Nhưng nếu dã sử của Dostoevsky về Quan Tòa Dị Giáo là bức chân dung sâu sắc nhất về Chúa Giêsu Giải Phóng, thì chính Cuộc Chiến Tranh Hoa Kỳ giữa các Tiểu Bang đã khơi dậy không những việc Lincoln nhìn nhận tính hàm hồ khi trích dẫn Chúa Giêsu như một thẩm quyền cho hành động chính trị chuyên biệt, mà cả lời kêu gọi kích thích nhất phải sống và chết nhân danh Chúa Giêsu Giải Phóng. Tháng hai năm 1862, Julia Ward Howe, dựa vào hình ảnh Chúa Giêsu của phong trào Lãng Mạn, đã cho xuất bản cuốn “Ca Khúc Chiến Đấu Của Nền Cộng Hòa”:

“Giữa những bông huệ đẹp tươi, Chúa Kitô ra đời bên kia biển cả,
Với vinh quang trong lòng Người hiển dung bạn và tôi;
Người đã chết để làm con người nên thánh thiện thế nào,
Ta cũng hãy chết để làm con người được tự do như vậy,
Trong khi Thiên Chúa tiếp tục tiến bước”
______________________________________________________________________________________

Ghi chú

(1) Dostoevsky, The Brothers Karamazov 5.5.
(2) Gl 3:28; 5:1.
(3) Muốn có một tường thuật ngắn, xin xem John Francis Maxwell, Slavery and the Catholic Church (London: Barry Rose, 1975) nhất là các trang 88-125.
(4) Mead, Lively Experiment, tr. 73.
(5) Xem Julian, Dictionary of Hymnology, 2:1684.
(6) David Brion Davis, The Problem of Slavery in Western Culture (Ithaca, N.Y., Cornell University Press, 1966) tr. 199-200.
(7) Wilhelm Gass, Geschichte der christlichen Ethik, 3 vols. (Berlin: G. Reimer, 1881-87) 1:226.
(8) Thánh Augustine, City of God 19.15.
(9) John Knox, Philemon among the Letters of Paul. (Chicago: University of Chicago Press, 1935) tr. 46-56.
(10) J.B. Lightfoot, Saint Paul’s Epistles to the Colossians and to Philemon (London:Macmillan, 1900) tr.321.
(11) Isaac Mendelsohn, Slavery on the Ancient Near East: A Comparative Study (New York:Oxford University Press, 1949).
(12) Rm 6:16; Ga 8:34; 2Pr 2:19.
(13) Ernst Troeltsch, The Social Teachings of the Christian Churches, bản dịch của Olive Wyon, 2 vols. (1931; New York: Harper Torchbooks, 1960) 1.133.
(14) Lev Nikolaevich Tolstoy, Resurrection, pt. 1, chap.41
(15) Tolstoy, Resurrection, pt. 3, chap.28.
(16) G.I. Petrov, Otluchenie L’va Tolstogo od Tserkvi (Việc Tách rời của Lev Tolstoy khỏi Giáo Hội) (Moscow: Isdatyelstvo “Zannie”, 1978) tr. 28.
(17) Tolstoy to Shaw, 9 May 1910, trong Tolstoy’s Letters, ed. R.K. Christian, 2 vols., (New York: Charles Scribner’s Sons, 1978) 2:700.
(18) Isaiah Berlin, “The Hedgehog and the Fox”, Russian Thinkers, ed. Henry Hardy and Aileen Kelly (New York: Penguin Books, 1978) tr.51-52.
(19) Mohandas K. Gandhi, An Autobiography: The Story of My Experiments with Truth, bản dịch của Mahadev Desai (BOston: Beacon Press, 1957) tr.137-38.
(20) Tolstoy to Mohandas K. Gandhi, 7 September 1910, Letters 2:706-08.
(21) Erik Erikson, Gandhi’s Truth: On the Origins of Militant Non-violence (New York: Norton, 1969) tr.281.
(22) Mt 21:12-17; Mt 23.
(23) Pl 3:10.
(24) Howard Thurman, Jesus and the Disinherited (New York: Abingdon-Cokesbury Ptress, 1949).
(25) Martin Luther King, Jr., Where Do We Go from Here: Chaos or Community? (Boston: Beacon Press, 1968) tr. 44.
(26) Martin Luther King, Jr., Stride toward Freedom (New York: Harper and Brothers, 1958) tr.101.
(27) David Levering Lewis, King: A Critical Biography (1970;in lại, Baltimore: Penguin Books, 1971) tr. 191.
(28) Lewis, King tr.105.
(29) Kenneth L. Smith and Ira G. Zepp, Jr., Search for the Beloved Community: The Thinking of Martin Luther King, Jr. (Valley Forge, Pa.: Judson Press, 1974).
(30) King, Stride toward Freedom, tr. 102-06, 189-224.
(31) Casalis, Correct Ideas Don’t Fall from the Skies, tr.114.
(32) Gustavo Guttierez, A Theology of Liberation: History, Politics, and Salvation (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1973).