Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa
Nguyên tác: Jaroslav Pelikan,
Bản tiếng Việt: Vũ Văn An





Chương mười lăm: Thầy dạy lương tri

Ánh sáng thật soi sáng mọi người

Thời đại Lý Trí, Phong trào Ánh sáng của các thế kỷ 17 và 18, hình ảnh chính thống Kitô giáo về Chúa Giêsu Kitô bị tấn công một cách trầm trọng và đòi được duyệt lại một cách triệt để. Trong nhiều cố gắng của thời kỳ này để xử lý Người, cố gắng nổi tiếng nhất là những mưu toan ban đầu nhắm vào tiểu sử Chúa Giêsu, điều mà Albert Schweitzer (hay đúng hơn dịch giả bản dịch tiếng Anh của ông) gọi là “cuộc truy tầm Chúa Giêsu Lịch Sử”. Nhưng cuộc truy tầm Chúa Giêsu Lịch Sử của Phong Trào Ánh Sáng chỉ trở thành khả hữu và cần thiết khi triết lý Ánh Sáng hạ bệ Chúa Kitô Vũ Trụ (1).

Năm 1730, ở London, xuất hiện cuốn thứ nhất của tác phẩm Christianity as Old as the Creation, or, The Gospel, a Republication of the Religion of Nature, của Matthew Tindal. Nếu chúng ta phán đoán qua hàng trăm câu trả lời ông đưa ra, Tindal dường như đã tấn công chính Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Trên thực tế, ông, hay ít nhất ông nghĩ ông bênh vực nó, nhưng chỉ theo cách ông tin là nó được mở ra cho ông lúc này, tức là đánh đồng yếu tính của Tin Mừng với lý trí và tôn giáo tự nhiên và nhận diện yếu tính Chúa Giêsu như Thầy dạy Lương tri (common sense). Một trong các nhân tố được ông trưng dẫn để hỗ trợ luận điểm cho rằng cần phải có một lối hiểu mới về Chúa Giêsu là việc bỏ các phép lạ làm bằng chứng cho tính độc đáo của con người của Người và giá trị sứ điệp của Người. Gần suốt lịch sử Kitô giáo, điều xem ra có thể thực hiện được là lập luận dựa trên chứng cớ có tính lịch sử gần như không thể tranh cãi về các phép lạ. Bất cứ nghi vấn nào về tính khả tín của các câu truyện phép lạ trong Kinh Thánh quả đều bị bác bỏ như là “một bác khước một là đối với sự kiện có một năng lực thần thiêng hai là đối với sự kiện năng lực này can dự vào vụ việc con người” (2). Chúa Giêsu “nhận được thẩm quyền cho chính Người nhờ các phép lạ”, vì mục đích của các phép lạ là “để Người được tin” (3). Tất nhiên, nhiều nhà bênh vực Kitô giáo từ lâu vốn ý thức rõ tính hàm hồ của các bằng chứng ấy, bị coi như một lập luận luẩn quẩn (in circle): tính khả tín lịch sử trong các câu truyện phép lạ dựa vào tín lý thần học về bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu, mà bản chất này, ngược lại, được chứng thực bởi khả thể phép lạ vốn giả thiết có tính khoa học và triết học. Nhưng lập luận vòng tròn này hữu hiệu, dù chỉ khi nào vòng tròn này không bị đứt đoạn. Ngược lại, nếu nó bị đứt đoạn, thì chỉ nên đứt đoạn ở một số lãnh vực: triết khoa học, lịch sử, và thần học, chứ không ở mọi lãnh vực cùng một lúc. Ta phải lần lượt xét từng lãnh vực một và hệ luận đối với hình ảnh về Chúa Giêsu.

Mặc dù việc tri nhận Chúa Giêsu như Logos và Đấng Kitô Vũ Trụ đã trở thành một trong những nguồn triết lý cho tư tưởng khoa học cận đại, tư tưởng khoa học của các thế kỷ 17 và 18 đã từ từ sói mòn nó. Isaac Newton cung cấp cho ta chứng cớ quan trọng nhất của việc thay đổi này. “Nền thần học tiêu cực” của các giáo phụ Hy Lạp xưa tiếp tục sống còn nơi Newton: Ông nói ở phần kết luận cuốn sách nổi tiếng nhất của ông rằng “như người mù không có ý niệm gì về mầu sắc thế nào, chúng ta cũng không có ý niệm gì về cách Thiên Chúa vô cùng thông minh tri nhận và hiểu biết mọi sự như thế”. Nhưng ông cũng tuyên bố xác tín của ông, như một mục trong triết lý tự nhiên có cơ sở, một triết lý có thể “nói về [Thiên Chúa] từ những vẻ bề ngoài của sự vật” rằng không thể gán “hệ thống tuyệt đẹp của mặt trời, các hành tinh, và sao chổi” cho một “sự tất yếu siêu hình mù quáng”, nhưng “chỉ có thể phát xuất từ dự định và quyền lực của Một Hữu Thể thông minh và quyền năng” Đấng cai quản mọi loài “không như linh hồn của thế giới mà như Chúa Tể muôn loài” (4). Ở một nơi khác, ông quả quyết, không hề có “mâu thuẫn” trong việc nhìn nhận rằng, là Nguyên Nhân Thứ Nhất, Thiên Chúa có thể “thay đổi các định luật của Thiên Nhiên” (do đó xem ra thừa nhận có phép lạ) nhưng đồng thời vẫn có thể giả định rằng thế giới “một khi đã hình thành...có thể tiếp diễn bởi các định luật ấy trong nhiều thời đại” (do đó xem ra bác bỏ khả thể phép lạ) (5). Trong các trước tác của ông về thần học và giải thích Kinh Thánh, Newton chấp nhận các câu truyện về phép lạ của Kinh thánh là đúng sự thật, nhất là các câu truyện được gán cho Chúa Giêsu, nhưng các phép lạ không dẫn đến hình ảnh chính thống về Chúa Kitô Vũ Trụ. Vì ông bác bỏ các học lý truyền thống về Chúa Ba Ngôi và con người của Chúa Giêsu, coi chúng như bất tương hợp với cả lý trí lẫn Kinh Thánh, và, giống như John Milton, dạy rằng Chúa Giêsu phụ thuộc vào Chúa Cha, một chủ trương khiến ông bị coi là theo phái “Ariô” (6).

Chỉ còn việc phải bác bỏ chính các phép lạ, coi chúng như một bằng chứng không thể chấp nhận. David Hume quả quyết rằng “trong suốt lịch sử, không tìm thấy bất cứ phép lạ nào được chứng thực bởi đủ số người có lương tri, có giáo dục và học hỏi mà không bị chất vấn, đủ bảo đảm để chúng ta khỏi bị ảo tưởng nơi chúng” (7). Phản ảnh thói quen của Phong Trào Ánh Sáng trong việc hạ giá toàn bộ Kitô Giáo về phương diện lịch sử bằng cách tấn công Đạo Công Giáo Rôma, ông nhắc đến một số được coi là phép lạ, trong quá khứ và hiện tại, “của Hy Lạp cổ, Trung Hoa, và Công Giáo Rôma” nhưng hoàn toàn im lặng đối với các phép lạ trong các Tin Mừng, thích xem xét các phép lạ trong Ngũ Kinh hơn. Bằng cách quả quyết rằng không phải lý lẽ mà là đức tin mới là nền tảng của “tôn giáo thánh thiện nhất của chúng ta”, ông kết luận bằng cách lập luận rằng đức tin là phép lạ vĩ đại nhất, và quả tình, là phép lạ duy nhất.

“Xét chung, chúng ta có thể kết luận rằng Kitô Giáo không những được lưu ý trước nhất nhờ các phép lạ, nhưng cả ngày nay, cũng không thể được bất cứ người có lý trí nào tin nếu không có phép lạ. Một mình lý trí mà thôi không đủ để thuyết phục chúng ta tin tính chân thực của nó: và bất cứ ai được Đức Tin đánh động mà bằng lòng tin nó, đều ý thức có một phép lạ tiếp diễn trong chính con người họ, một điều đảo ngược mọi nguyên tắc của trí hiểu của họ, và mang lại cho họ một quyết tâm tin điều trái ngược với phong tục và kinh nghiệm”.

Trong bối cảnh trên, các phép lạ của Chúa Giêsu mất hết năng lực để chứng minh Người là ai. Vì, như Goethe đã đặt vào miệng Faust câu nói này “phép lạ là con đẻ yêu quí nhất của đức tin [Das Wunder ist des Glaubens liebstes Kind]” hơn là ngược lại (8).

Do đó, phép lạ là một vấn đề cho cả khoa học (thường gọi là triết học tự nhiên) lẫn lịch sử. Trong khảo sát của Edward Gibbon về 5 nguyên nhân lịch sử làm Kitô giáo chiến thắng đế quốc Rôma, phép lạ là nguyên nhân thứ ba. Gibbon dùng vấn đề phép lạ để mô tả cách “cả tin” (credulity) và “cuồng tín” vốn rất thịnh hành trong phong trào Kitô Giáo của 3 thế kỷ đầu tiên. Ông nhận xét một cách tinh quái rằng “trong cuộc tranh cãi tốt đẹp và quan trọng này, nhiệm vụ của một sử gia không kêu gọi ông phải lồng phán đoán riêng của ông” vào vấn đề liệu các phép lạ có tiếp tục hay không sau thời các tông đồ. Và một cách còn tinh quái hơn, ông đã kết thúc chương bằng cách xem xét cả các phép lạ thời các tông đồ, nhất là các phép lạ do chính Chúa Giêsu thực hiện. Ông viết “làm thế nào ta có thể bào chữa việc thiếu lưu ý một cách lười lĩnh của thế giới Ngoại giáo và triết học vào các bằng chứng vốn được bàn tay Toàn Năng trình bầy, không phải vì lý lẽ của chúng, mà vì các ngữ nghĩa của chúng”. Vì, ông viết tiếp “thời Chúa Kitô, các tông đồ và các môn đệ đầu tiên của các vị, học lý các vị giảng dạy được xác nhận bởi rất nhiều các chuyện thần kỳ... Các định luật tự nhiên thường bị đình chỉ vì lợi ích của Giáo Hội”. Rồi, bằng cách tập chú vào phép lạ ngoạn mục nhất, ông dí dỏm tố cáo các nhà văn cổ điển đã “thiếu sót nhắc tới hiện tượng vĩ đại nhất mà đôi mắt trần tục từng được mục kích từ lúc tạo thiên lập địa... bóng tối siêu tự nhiên trong biến cố Thụ Nạn” khi mặt trời bị phủ kín suốt trong 3 tiếng đồng hồ vào Thứ Sáu Tuần Thánh khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá (9).

Cùng trong một tinh thần như thế, Gibbon đã tự chế, không liệt kê thẩm quyền luân lý và tôn giáo nổi bật của nhân vật Giêsu Kitô như một trong năm “nguyên nhân đệ nhị đẳng của việc phát triển nhanh chóng Giáo Hội Kitô Giáo” nhưng, để làm “câu trả lời hiển nhiên nhưng thỏa đáng” cho toàn bộ câu hỏi, ông cho rằng chiến thắng của Kitô Giáo (hay, như ông gọi sau này, “chiến thắng của chủ nghĩa man rợ và tôn giáo”) là “nhờ bằng chứng đầy thuyết phục của chính học lý, và nhờ ơn quan phòng thông trị của Tác Giả vĩ đại của nó”. Tuy nhiên, việc xem xét câu trả lời này vượt quá “nhiệm vụ của sử gia”. Thay vào đó, ông muốn đặt Kitô giáo tiên khởi vào một cuộc phân tích lịch sử có tính khảo cứu và xét theo nhiều khía cạnh, có tính phá phách. Trong các chương sau đó, ông thảo luận việc xuất hiện và phát triển của học lý Ba Ngôi, nhất là tuyên tín cho rằng Chúa Kitô có “cùng bản thể với Chúa Cha”, và lịch sử của học lý nhập thể (10). Nhưng chỉ trong tương quan tới các cuộc tranh cãi thần học về con người và các bản tính của Chúa Kitô, ông mới nói một điều gì đó có ý nghĩa về cuộc đời của Chúa Giêsu, nhưng sau đó đã bác bỏ nó trong một đoạn văn duy nhất:

“Những bạn đồng hành quen thuộc của Đức Giêsu Nadarét nói chuyện với bằng hữu và đồng bào của họ, những người, xét về mọi hành động thuộc đời sống lý trí và động vật, xem ra thuộc cùng loại như chính họ. Sự tiến triển của Người từ tuổi thơ sang tuổi trẻ và người lớn được đánh dấu bằng việc gia tăng tầm thước và sự khôn ngoan; và, sau một cơn hấp hối đau đớn cả trong tâm trí lẫn nơi cơ thể, Người đã tắt thở trên thập giá. Người sống và chết để phục vụ nhân loại... Những giọt nước mắt Người nhỏ ra vì một người bạn và quê hương Người có thể được trân trọng coi như bằng chứng trong sáng nhất về nhân tính của Người” (11).

Giờ đây, như một học giả thế kỷ 20 từng gợi ý, điều có thể đúng là việc gọi “sự lôi cuốn độc đáo của nhân vật chính của Kitô giáo như đã được trình bày trong các Tin Mừng Nhất Lãm... là nhân tố đệ nhất đẳng trong thành công của Kitô giáo” chỉ là “sản phẩm của chủ nghĩa duy tâm (idealism) và nhân đạo (humanitarianism) của thế kỷ 19” (12). Tuy nhiên điều này không có nghĩa lịch sử về cuộc đời và cái chết, các giáo huấn và phép lạ, sự tiền hữu (preexistence) và được tôn vinh, của Chúa Giêsu không nổi bật trong chiến thắng của phong trào Kitô giáo. Nhưng sử gia Gibbon lại không xử lý với lịch sử này.

Các sử gia khác thời Gibbon ít do dự hơn. Thực vậy, cố gắng nhằm tái dựng tiểu sử của Chúa Giêsu từ các dữ kiện trong các sách Tin Mừng, vào ngay lúc Gibbon cho xuất bản cuốn đầu tiên của ông ta vào năm 1776, sẽ trở thành bận tâm hàng đầu của các học giả và những nhà trí thức khác ở nhiều lãnh thổ khác nhau. Vì năm 1778, triết gia và là nhà phê bình văn học người Đức Gotthold Ephraim Lessing cho xuất bản một khảo luận mang tên Liên Quan Đến Ý Hướng của Chúa Giêsu và Các Giáo Huấn của Người, như cuốn cuối cùng của bộ sách gồm 7 cuốn tựa là Wolfenbüttel Fragments của một tác giả nặc danh. Khảo luận này mở ra cuộc tranh luận về sứ điệp và mục đích chân chính của Chúa Giêsu, một cuộc tranh luận vốn tiếp diễn đến nay đã hai thế kỷ và chưa cho thấy dấu hiệu nào sẽ ngưng lại. Tác giả của khảo luận, cũng như của 6 cuốn Fragments trước đó, chính là Hermann Samuel Reimarus, người vào lúc qua đời đã để lại một tác phẩm đồ sộ tựa là Hộ giáo cho Những Người Thuần Lý Thờ Phượng Thiên Chúa. Trong đó, ông bênh vực nền triết lý duy thần về tôn giáo, với nhiều cảm tình gần gũi với triết lý của Tindal, chống lại học lý truyền thống của Kitô giáo về Đấng Tạo Hóa và tạo thế, và ông nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu của các sách Tin Mừng “không dạy mầu nhiệm hoặc tín điều nào mới mẻ cả hoặc có ý định giảng dạy chúng”. Vì, “Nếu Chúa Giêsu muốn trình bày học lý lạ lùng về ba ngôi khác nhau trong cùng một bản tính Thiên Chúa... sao Người lại phải giữ im lặng về nó cho tới sau khi sống lại?” (13). Thành công của Chúa Giêsu và sứ điệp của Người không được qui cho các phép lạ, vốn là điều “không đáng để lưu ý” hay việc tỏ lộ các điều gọi là mầu nhiệm như Chúa Ba Ngôi, nhưng qui cho các động lực và nguyên cớ hoàn toàn tự nhiên, “một lý lẽ hoạt động và vốn từng hoạt động một cách tự nhiên đến nỗi ta không cần bất cứ phép lạ nào mới làm cho mọi chuyện trở nên khả niệm và rõ ràng. Chính làn gió mạnh thực chất (Cv 2:2) đã mau chóng mang mọi người lại với nhau. Đó chính là ngôn ngữ nguyên ủy thực sự đã tiến hành các phép lạ” (14).

Cuộc tranh cãi do việc Lessing công bố tác phẩm của Reimarus, dĩ nhiên, thuộc lịch sử thần học và nền bác học Tân Ước, nhưng nó trải dài quá giới thần học và do đó, cũng liên quan đến việc chúng ta khảo sát vị trí của Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa. Một thế kỷ sau Lessing, một nhà văn học người Đức khác và, như Leander Keck từng gọi ông, “một cựu thần học gia”, là David Friedrih Strauss, một lần nữa đã tập chú vào Reimarus để bảo vệ việc ông trình bày ý niệm “huyền thoại” như một phương thế tìm ra nhân vật khó nắm bắt bên trong và phía sau các trình thuật Tin Mừng (15). Cuốn Cuộc Đời Chúa Giêsu của Strauss, xuất bản lần đầu năm 1835-36, đã được phổ biến khắp thế giới, cả trong giới bình dân lẫn giới học thuật, khi nó được dịch sang tiếng Anh (nặc danh) bởi một nữ học giả trẻ người Anh là Mary Ann Evans, người, năm 1854, cũng sẽ dịch tác phẩm Yếu Tính Kitô Giáo của Ludwig Feuerbach; bà này được biết đến nhiều hơn qua bút hiệu George Eliot (16). Như người viết tiểu sử của bà ghi chú về bản dịch tác phẩm Feuerbach của bà, “Ít cuốn sách nào của thế kỷ 19 đã có một ảnh hưởng sâu xa hơn đối với tư duy tôn giáo ở Anh” (17). Và chính sự bạo dạn của Reimarus đã chuẩn bị đường để Strauss có được ảnh hưởng sâu xa đó, trước nhất ở Đức và sau đó ở Anh và Hoa Kỳ.

Như tư tưởng của Lessing và sự lưu ý của George Eliot đối với cuốn Cuộc Đời Chúa Giêsu của Strauss cho thấy, việc đi tìm Chúa Giêsu lịch sử không giới hạn nơi các học giả Kinh Thánh và thần học Đức mà tên tuổi đã tạo thành bản nội dung của cuốn “Cuộc Truy tầm Chúa Giêsu Lịch Sử” của Albert Schweitzer. Hơn thế nữa, như Otto Pfleiderer từng nhận định, đối với cả các nhà thần học, “việc khảo sát các chi tiết văn chương của các sách Tin Mừng” trở thành nổi bật “đến nỗi việc quan tâm tới các vấn đề tối cao của lịch sử tin mừng dường như không còn được ai nhìn ra nữa” (18). Nhưng ở hậu bán thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, cuộc truy tầm Chúa Giêsu Lịch Sử đã trở thành một ơn gọi đối với các nhà trí thức khác, ít nhất cũng giống như đối với các nhà thần học và học giả Tân Ước. Trong việc đi tìm các cách mới mẻ để hiểu thực tại, chứng thực nền luân lý, và tổ chức xã hội, lúc mà nền chính thống cũ đã mất hết tư thế, họ tự đảm nhiệm việc tái giải thích các tác phẩm cổ điển chính của nền văn hóa Tây Phương một cách khiến sứ điệp của chúng được thời đại mới tiếp cận. Nếu sự hợp nhất siêu hình với Thiên Chúa trong Ba Ngôi và mạc khải lạ lùng từ trên cao không còn tạo thế giá cho sứ điệp của Chúa Giêsu nữa, thì sự hoà hợp giữa sứ điệp của Người và những gì tốt đẹp nhất trong túi khôn nhân bản khắp nơi có thể tạo được điều đó. Trong khi người khác chỉ thấy một phần, thì “Người thấy đời sống một cách đều đặn và Người thấy nó một cách toàn diện” (như Matthew Arnold vốn nói về Sophocles); nhưng cách Người làm thế nằm trong thế liên tục với toàn bộ kinh nghiệm nhân bản.

Do đó, các học giả của Phong Trào Ánh Sáng truy tầm Chúa Giêsu Lịch Sử cùng một lúc cũng đã dấn thân vào điều có thể gọi là cuộc truy tầm Homer Lịch sử và cuộc truy tầm Socrates lịch sử, cũng như cuộc truy tầm Môsê lịch sử. Non hai thập niên sau khi công bố khảo luận của Reimarus về Chúa Giêsu trong các sách Tin Mừng, Friedrich August Wolf, một trong các nhà tiên phong của nền học giả cổ điển cận đại, viết cuốn Prolegomena ad Homerum (Dẫn nhập vào Homer). Trong đó, ông lập luận rằng Homer không phải là tên của một thiên tài thi ca cá thể nào đã sáng tác ra IliadOdyssey, nhưng là tên đặt cho nhiều nguồn nay được thu thập thành những vần thơ anh hùng ca đó. Phương pháp của Wolf giống nhiều kỹ thuật được dùng bởi các học giả khác trong việc nhận diện nhiều nguồn khác nhau đã được thu thập thành Ngũ Kinh và giống nhiều cố gắng tìm ra các tầng lớp khác nhau bằng cách lọc qua các sách Tin Mừng. Nhiều học giả cùng thời đã cố gắng một lần nữa nhằm giải quyết vấn đề mang tính Socrate; nhưng, như Jaeger nói,
“Schleiermacher là người đầu tiên phát biểu tính phức tạp trọn vẹn của vấn đề lịch sử này trong một câu hỏi cô đọng đơn nhất”. Trong một phát biểu khá gợi ý về vấn đề liên hệ giữa Các Tin Mừng Nhất Lãm và Tin Mừng Gioan, mà ông đích thân đề cập đến trong các Giảng Khóa của ông về Cuộc Đời Chúa Giêsu, Schleiermacher, người phiên dịch Platông sang tiếng Đức, đã đặt câu hỏi: “Socrates còn có thể đã là chi, ngoài những điều Xenophon nói ông là, không mâu thuẫn với các phẩm tính đặc trưng và qui luật sống mà Xenophon quả quyết tuyên bố là của Socrates, và ông phải đã là chi, để đem lại cho Platông sự thúc đẩy và sự biện minh trong việc mô tả ông như ông là trong các cuộc đối thoại” (19).

Các song đối giữa Socrates và Chúa Giêsu đã được đưa ra trong các thế kỷ thứ hai và thứ ba, như ta đã thấy trước đây. Và một lần nữa trong phong trào Ánh Sáng, các song đối này chắc chắn không phải chỉ có tầm quan trọng về văn học mà thôi. Cả Socrates lẫn Chúa Giêsu đều là những vị thầy xuất chúng; cả hai vị đều thúc đẩy và thực hành tính đơn giản trong đời sống; cả hai vị đều được coi như người phản bội tôn giáo của cộng đồng mình; không vị nào viết lách chi; cả hai vị đều bị hành hình; và cả hai vị đều trở thành chủ đề cho các truyền thống khó hay không thể hoà giải được. Tuy nhiên, việc nghiên cứu các song đối này còn đi xa hơn chính các điểm tương tự gây ngạc nhiên ấy. Vì, các nhà tư tưởng của phong trào Ánh Sáng vốn coi Socrates như bằng chứng cho sự hiện diện của một đức khôn ngoan và sức mạnh luân lý, mà vì vượt quá các giới hạn mạc khải vốn cho là của Kinh Thánh, nên hẳn phải phát xuất từ Đấng Thiên Chúa mà Chúa Giêsu vốn gọi là Cha. Nếu, như tự ngôn của Tin Mừng Gioan quả quyết, Lời-Logos từng nhập thể nơi Chúa Giêsu Nadarét là “ánh sáng thật chiếu soi mọi người” (Ga 1:9), bất luận là người Do Thái hay Kitô hữu, người Hy Lạp hay ngoại giáo, thì Socrates khiến cho việc giới hạn hoạt động mạc khải của Thiên Chúa, có lẽ cả hoạt động cứu rỗi của Người, vào lịch sử dân Israel và lịch sử Giáo Hội trở nên cực kỳ khó khăn. Và nếu Thiên Chúa chân thật từng lên tiếng và hành động qua Socrates, thì điều này rõ ràng có nghĩa chân lý thần thiêng có tính phổ quát. Nếu nó có tính phổ quát, thì cả Socrates lẫn Chúa Giêsu hẳn phải đã dạy rằng nó như thế.

Mặt khác, ngay những người sẵn sàng thừa nhận sức mạnh của song đối cũng quan tâm đến việc nhận diện tính trổi vượt và khác biệt của con người và giáo huấn của Chúa Giêsu, chỉ có điều là người ta có khả năng tìm ra đâu là con người đích thực và đâu là giáo huấn chân chính của Người, đàng sau bức màn của các tông đồ và tác giả tin mừng. Joseph Priestley, nhà khoa học và học giả, đã đảm nhiệm việc gỡ Chúa Giêsu Lịch sử ra khỏi mớ bòng bong gồm các nguồn từng nói về Người bằng cách viết một tác phẩm khá dài tựa là Các Sửa Đổi Sai Lạc của Kitô giáo (The Corruptions of Christianity) và thu thập Một Hòa Hợp Các Sách Tin Mừng (A Harmony of the Gospels). Trong một tác phẩm khác, một cuốn sách mỏng gồm 60 trang nói tới các tương đồng và dị biệt giữa Chúa Giêsu và Socrates, ông cố gắng tỏ ra công bằng với tính vĩ đại về triết học và tầm vóc về luân lý của Socrates, nhưng giảm nhẹ về khía cạnh trổi vượt có tính yếu tính của Chúa Giêsu:

“Khi so sánh nhân cách, giáo huấn luân lý, và toàn bộ tiểu sử của Socrates và Chúa Giêsu, tôi nghĩ, ta không thể không ngạc nhiên một cách hợp lý trước ưu thế lớn lao của tôn giáo mạc khải, chẳng hạn như tôn giáo của người Do Thái và các Kitô hữu, trong việc soi sáng và mở rộng tâm trí con người, và đem lại cho họ sự trổi vượt cao hơn về nhân cách. Điều này mà thôi có thể giài thích sự khác nhau giữa Socrates và Chúa Giêsu, và các môn đồ của mỗi vị; nhưng hoàn cảnh duy nhất này quá đủ cho mục đích” (20).

Đối với Priestley, Chúa Giêsu không còn là Đấng Kitô Vũ Trụ nữa hay Ngôi Hai Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng Người là bậc thầy được Thiên Chúa linh hứng, một cách mà đến Socrates cũng không sánh được.

Cuốn So Sánh Socrates và Chúa Giêsu (Socrates and Jesus Compared) của Priestley, cũg như các tác phẩm khác của ông về thần học và nghiên cứu Kinh Thánh đã gây một ảnh hưởng sâu xa đối với một người chắc chắn nổi tiếng nhất trong tất cả những người tham dự cuộc truy tầm Chúa Giêsu Lịch Sử (mặc dù Schweitzer không nhắc nhiều đến tên ông): đó là Thomas Jefferson, tổng thống thứ ba của Hiệp Chúng Quốc. Mà sự tò mò của Jefferson về vấn đề Chúa Giêsu và các sách Tin Mừng cũng không phải chỉ là một trong số gần như vô tận các thú giải trí (hobbies) bác học và khoa học trong đó, trí thông minh rộng lớn và sắc sảo của ông dấn bước vào; đúng hơn, Jefferson quan tâm tới các vấn đề này gần như suốt cả cuộc đời trưởng thành của ông. Như Daniel Boorstin từng nhận xét, ông xác tín rằng “một Kitô được tinh lọc có thể cổ vũ sự lành mạnh về luân lý trong khung cảnh thực tế của Nước Mỹ thế kỷ 18” (21). Bởi thế, ông đã hành xử cả như một chính khách và một nhà triết học khi ông đảm nhiệm việc khám phá (hay tái khám phá) ra thứ Kitô giáo được tinh lọc đó, và kết quả khám phá của ông đã góp phần hình thành ra truyền thống Hoa Kỳ.

Viết ở tuổi giữa 40, ông thú nhận rằng “ngay từ những ngày đầu đời” ông đã cảm thấy “sự khó khăn trong việc hòa hợp ý niệm Độc Nhất và Tam Vị” trong tín lý truyền thống của Kitô giáo. Theo phán doán của ông, các tín lý như Tam Vị là điều không cần thiết để giải thích về Chúa Giêsu Kitô, Đấng là “người, sinh bất hợp pháp, có trái tim nhân từ, và một tâm trí hăng hái, người khởi đầu không có cao vọng (pretensions) thần tính, kết cục đã tin các cao vọng đó, và đã chịu tử hình vì tội dấy loạn bằng cách bị chết treo theo Luật Rôma”. Và cũng không đủ khi chỉ bác bỏ truyền thống tín điều và phụng vụ của Kitô Giáo chính thống hay tái lập sứ điệp của Kinh Thánh. Jefferson xác tín rằng không được tự động đánh đồng Kitô giáo tinh lọc mà ông truy tầm, tức sứ điệp chân thực của Chúa Giêsu, với toàn bộ nội dung các Sách Tin Mừng, và do đó, điều cần là rút sứ điệp đó ra từ hình thức hiện nay của các bản văn. Xác tín này phát sinh ra hai cố gắng riêng biệt nhằm đạt được điều chính ông gọi là “rút điều thực sự của Người ra khỏi đống rác vốn chôn vùi nó, dễ dàng phân biệt bởi nét huy hoàng của nó so với nét rác rưởi của những người viết tiểu sử Người, và càng tách biệt càng tốt như kim cương ra khỏi đống phân” (22).

Cố gằng đầu tiên được thực hiện tháng Hai năm 1804, khi Jefferson làm tổng thống. Làm việc ở Tòa Bạch Ốc, “một cách quá hấp tấp” (như sau này ông thú nhận), ông hoàn tất nhiệm vụ trong “hai hoặc ba đêm mà thôi ở Washington sau khi hoàn tất nhiệm vụ buổi tối là đọc thư từ và báo chí trong ngày”. Như tấm hình chụp bản sao nguyên thủy trang đầu tiên cho thấy, mô phỏng lối chữ viết tay của chính Jefferson, tác phẩm mang tựa đề “The Philosophy of Jesus Christ” (Triết lý của Chúa Giêsu Kitô). Tựa đề phụ quả quyết rằng tác phẩm này “rút ra từ trình thuật về cuộc đời và học thuyết của Người như Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan trình bày” và điều được ông trình bày là “một bản tóm tắt Tân Ước dành cho những người Thổ Dân (indians) không bối rối với những vấn đề sự kiện hoặc đức tin vượt quá trình độ thấu hiểu của họ”. Bất chấp ông có ám chỉ người “Thổ Dân” khi dùng chữ “Indians” hay chỉ các đối thủ chính trị của ông, ông vẫn tự đảm nhiệm việc cắt xén từ hai bản in Tân Ước bằng tiếng Anh những câu nói được ông coi là chân chính, vì, như ông nói, chúng “dễ được phân biệt” với “rác rưởi” của các tác giả Tin Mừng.

Một thời gian lâu sau khi rời chức tổng thống, Jefferson trở lại với việc tìm tòi Tân Ước, và có lẽ, vào mùa hè năm 1820, hoàn thành một công trình thu thập nhiều tham vọng hơn, tựa là “The Life and Morals of Jesus of Nazareth Extracted textually from the Gospels in Greek, Latin, French & English” (Cuộc đời và Nền Luân Lý của Chúa Giêsu Nadarét rút từ bản văn của Các Sách Tin Mừng bằng tiếng Hy Lạp, Latinh, Pháp và Anh). Bản văn được trình bày bằng bốn cột song song trong 4 thứ tiếng, được ráp nối theo một thứ tự được ông phác thảo trong bản mục lục sơ khởi. Điều bị ông bỏ đi, xét về nhiều phương diện, nói với ta nhiều hơn là những điều được ông trình bày. Cả đoạn đầu cũng như đoạn cuối của trình thuật Tin Mừng đều bị ông xóa bỏ. Tự ngôn của Tin Mừng Gioan biến mất, các trình thuật truyền tin, sinh hạ đồng trinh, và việc các thiên thần hiện ra với các người chăn chiên cũng thế. Trình thuật của ông kết thúc với việc nối phần đầu của Tin Mừng Gioan 19:42 với phần cuối của Mátthêu 27:60 “Họ đặt Chúa Giêsu ở đó và lăn tảng đá lớn trước cửa mồ, rồi trẩy đi”. Không nhắc chi tới phục sinh. Trong cuốn Triết Lý Của Chúa Giêsu, Luca 2:40 được trích trọn vẹn “Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và ơn thánh Thiên Chúa ở trên cậu”. Nhưng trong cuốn Cuộc đời và Nền Luân Lý của Chúa Giêsu, ông đã xóa bỏ khỏi cả bốn ngôn ngữ, câu cuối cùng “và ơn thánh Thiên Chúa ở trên cậu” (23). Như người hiệu đính dịch bản Tin Mừng của Jefferson từng viết, một cách khá nhẹ nhàng nhưng không kém phần hữu hiệu, “mặc dù nhiều học giả Kinh Thánh lỗi lạc nản lòng trước thách thức gỡ rối nhiều lớp lang của Tân Ước, nhà duy lý Jefferson hết sức tự tin khả năng phân biệt của ông giữa các giới điều thực và giả của Chúa Giêsu” (24).

Chúa Giêsu, Đấng xuất hiện từ phương pháp phân biệt giữa thực và giả này, là Thầy Dạy Lương Tri, hoặc theo lời Jefferson, “Nhà Cải Cách vĩ đại nhất trong Mọi Nhà Cải Cách của tôn giáo suy đồi nhất của đất nước mình”. Nội dung sứ điệp của vị này là nền luân lý tuyệt đối yêu thương và phục vụ, một nền luân lý không lệ thuộc cả các tín điều Chúa Ba Ngôi lẫn hai bản tính nơi Chúa Kitô hoặc lệ thuộc chủ trương cho rằng vị này có ơn linh hứng độc đáo từ Thiên Chúa, nhưng tự nó được các người nghe thừa nhận bởi giá trị nội tại của nó. Nhưng như một nghiên cứu về ông nhận định, Jefferson có “một quan niệm về các chân lý hiển nhiên rất phù hợp với nền huấn luyện tổng quát, các sách ông đọc, và các khuyến cáo của ông, và ngôn ngữ ông dùng cả trong và của Tuyên Ngôn [Độc Lập]”; nhưng “các chân lý” ông coi là “hiển nhiên” vừa “chuyên biệt hơn” vừa “lẫn lộn hơn” các chân lý được một số người cùng thời với ông đề xuất (25). Hiển nhiên, nguồn gốc cho cả tính chuyên biệt lẫn tính lẫn lộn là việc ông hiểu “triết lý” và “luân lý” chứa đượng trong sứ điệp của Chúa Giêsu trong tư cách Thầy Dạy Lương Tri. Nhiều yếu tố này trong hình ảnh của phong trào Ánh Sáng về Chúa Giêsu đã được tóm lược cách súc tích trong lá thư nổi tiếng của đồng nghiệp Jefferson là Benjamin Franklin, viết cho Ezra Stiles, chủ tịch Cao Đẳng Yale, vài tuần trước khi chết:

Về Chúa Giêsu Nadarét, ý kiến của tôi về người mà ông đặc biệt ước muốn, tôi nghĩ hệ thống triết lý và luân lý, như Người để lại cho chúng ta, là hệ thống tốt nhất thế giới từng đã thấy và còn được thấy; nhưng tôi cảm thấy rõ nó vốn nhận được một số thay đổi làm nó ra sai lạc, và cùng với phần lớn những nhà bất đồng hiện nay tại Anh, tôi vốn có một số hoài nghi về thần tính của Người, dù đây là một vấn đề tôi không muốn nói tới một cách giáo điều, vì chưa bao giờ nghiên cứu về nó, và tôi nghĩ hiện không cần phải bận bịu với nó khi tôi hy vọng chẳng bao lâu sẽ có dịp biết sự thật cách đỡ rắc rối hơn. Tuy nhiên, tôi thấy chẳng hại chi khi tin điều đó, nếu niềm tin này mang lại hậu quả tốt, như có thể nó đã mang lại, khi làm cho học lý của Người được tôn kính hơn và tuân giữ tốt hơn” (26).

Có lẽ điều chính xác là cho rằng “ít người Hoa Kỳ nào khác thời ông có thể nói” được điều trên (27), nhưng đối với Franklin và Jefferson, sứ điệp lương tri ấy đã đủ, và người ta có thể đọc cuốn Poor Richard’s Almanak như một thu thập về nó. Nhưng đối với nhiều người khác, điều ấy một là quá nhiều hai là quá ít, hoặc có lẽ cả hai.

_____________________________________________________________________

Ghi Chú

(1) Xem Peter Gay, The Enlightenment : An Iterpretation , 2 vols. (New York: Alfred A. Knopf, 1966-69) 1:256-321.
(2) Thánh Augustine, City of God, 10.18.
(3) Thánh Augustine, On the Benefit of Believing 14.32.
(4) Isaac Newton, Mathematical Principles of Natural Philosopy, bk. 3, “The System of the World” General Scholium.
(5) Newton, bk. 3, pt.1.
(6) Edwin A, Burtt, The Metaphysical Foundations of Modern Science, 2d ed. (1932; Garden City, N.Y.: Anchor Books, 1954) tr. 283-302.
(7) David Hume, Enquiry concerning Human Understanding, se.10, pt. 2, trong The English Philosophers from Bacon to Mill, ed. Edwin A.Burtt (New YOrk: Modern Library, 1939) tr. 657-67.
(8) Goethe, Faust 766.
(9) Edward Gibbon, The History of the Decline and Fall of the Roman Empire, ed. John Bagnell Bury, 7 vols. (London: Methuen, 1896-1900) 2:28-31, 69-70.
(10) Gibbon, Decline and Fall, 2:335-87; 5:96-168.
(11) Gibbon, Decline and Fall, 5:97-98.
(12) Arthur Darby Nock, Conversion: The Old and The New in the Religion from Alexander the Great to Augustine of Hippo (Oxford: Oxford University Press, 1933) tr. 210.
(13) Hermann Samuel Reimarus, Fragments, bản tiếng Anh của Ralph S.Fraser, ed. Charles H. Talbert (Philadelphia: Fortress Press, 1977) tr. 72, 95-96.
(14) Reimarus, Fragments, tr.269.
(15) Leander E. Keck, ed., The Christ of Faith and Jesus of History, của David Friedrich Strauss (Philadelphia: Fortress Press, 1977) tr. xxxiii.
(16) David Friedrich Strauss, The Life of Jesus Critically Examined, 5th ed., dẫn nhập của Otto Pfleiderer (London: Swan Sonnenschein, 1906).
(17) Gordon Haight, George Eliot: A Biography (New York: Oxford University Press, 1968) tr.59
(18) Otto Pfleiderer, “Introduction” to English Translation of Strauss, Life of Jesus, tr. xxi.
(19) Werner Jaeger, Paideia: The Ideals of Greek Culture, bản tiếng Anh của Gilbert Highet, 3 vols. (New York: Oxford University Press, 1943-45) 2:21.
(20) Joseph Priestley, Socrates and Jesus Compared (Philadelphia, 1803) tr. 48.
(21) Daniel J. Boorstin, the Lost World of Thomas Jefferson (Boston: Beacon Press, 1960) tr.156.
(22) Jefferson to William Short, 31 October 1819, trong Jefferson’s Extracts from the Gospels, ed. Dickinson W. Adams (Princeton: Princeton IUniversity Press, 1983) tr. 388.
(23) Adams, Jefferson’s Extracts, tr.60; tr.135 và ghi hú (tr.300).
(24) Adams, Jefferson’s Extracts, tr. 27-28.
(25) Gary Wills, Inventing America: Jefferson’s Declaration of Independence (New York: Vintage Books, 1979) tr.191.
(26) Benjamin Franklin’s Autobiographical Writings, ed. Carl Van Doren (New York: Viking Press, 1945) tr. 784.
(27) Henry F. May, The Enlightenment in America (New York: Oxford University Press, 1976) tr. 128-29.