NHÀ THỜ CHÁNH TÒA LẠNG SƠN, MỘT CÔNG TRÌNH ĐÁNG NÓI

Nhà thờ chính tòa Lạng sơn đã được xây dựng lại thay cho nhà thờ chánh tòa cũ đã hoàn toàn bị phá hủy không còn dấu vết gì nữa. Nhưng trước khi nói đến diều đáng nói về ngôi nhà thờ mới này, thiết tưởng cũng nên nói đôi chút về giáo phận Lạng sơn, một giáo phận địa đầu tổ quốc. Giáo phận này đáng làm cho chúng ta ngạc nhiên và cũng đáng làm cho chúng ta thán phục nữa. Đáng ngạc nhiên vì từ khi được thành lập đến nay, giáo phận đã trải qua cuộc Đệ nhị Thế chiến, cuộc xâm nhập biên giới qua ngả Lạng sơn của quân đội Thiên hoàng Nhật bản năm 1940, cuộc đảo chính Nhật ngày 9.3.1945, cuộc chiến tranh Đông dương lần thứ nhất kéo dài chín năm từ 1945-1954, rồi cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Những tưởng giáo phận Lạng sơn bị chìm ngập trong bấy nhiêu biến cố, sẽ chẳng thể nào tồn tại và đã bị xóa sổ. Nào ngờ, nó vẫn còn, tuy còn trong xơ xác, ảm đạm và ngậm ngùi …

Thế rồi bỗng nhiên, Lạng sơn lại dần dần tái sinh, từng bước hồi phục, tuy khó khăn và chậm chạp. Một dấu chỉ báo hiệu cho giai đoạn tái sinh và hồi phục đó, là nhà thờ chánh tòa Lạng sơn mới được xây cất; nhà thờ Cao bằng, nhà thờ Bản Lìm và nhiều nhà thờ khác đang được lần lượt trùng tu và năng cấp. Song song với việc hồi phục và nâng cấp này là hai linh mục trẻ người địa phương mới được phong chức năm ngoái (2003), một vài nữ tu Đa Minh được gửi vào học và đào tạo ở Xóm Mới (Gò vấp), một số chủng sinh đang theo học tại Đại chủng viện Hà nội, một số khác đang được gây dựng tại miền Nam. Điều đáng thán phục là ở chỗ đó. Hoàn cảnh khó khăn, nhân sự hạn chế, nền móng cũ không còn, thế mà Lạng sơn vẫn không chùn bước.

Bây giờ xin nói đến điều đáng nói trong việc xây cất nhà thờ chánh tòa. Nhà thờ này được xây cất là điều chính đáng và hợp lý, vì nhà thờ cũ đã bị phá hủy, giáo phận cần phải có một ngôi nhà thờ chánh tòa làm biểu hiệu cho sự hiện diện của vị giám mục sở tại. Có mấy người Việt Nam ở Hoa kỳ đã phán đoán sai và không chính xác, khi nói rằng nhà thờ chánh tòa Lạng sơn được xây cất nguy nga đồ sộ và trang trí bằng những vật liệu đắt tiền mua ở nước ngoài. Tôi có hỏi hoạ sĩ Trần thanh Bình, người mới ở Lạng sơn về được mấy hôm nay. Ông có đến trao cho tôi tập ảnh chụp về nhà thờ đang xây. Ông là người được Đức Cha Kiệt nhờ và giao cho phụ trách công việc trang trí bên trong cũng như bên ngoài nhà thờ. Tôi hỏi họa sĩ Bình rằng có phải nhà thờ Lạng sơn được trang trí bằng những vật liệu đắt tiền mua ở nước ngoài không. Ông cho biết là không và ngược lại, nhà thờ dùng vật liệu mua ngay tại địa phương và trong nước, vì được xây theo kiểu Việt Nam và Phương Đông. Vậy, ai không tin thì khi về nước có thể đến Lạng sơn để kiểm chứng. Còn về sự nguy nga đồ sộ thì theo tôi thấy trong hình chụp, và khi tới xem đất trước khi nhà thờ được đặt viên đá đầu tiên, quả thật không có gì là nguy nga đồ sộ, mà chỉ là vừa phải và thích hợp thôi. Người ta cứ dựa vào chuyến đi thăm người anh ruột của Đức Cha Kiệt mấy năm trước đây tại San José và số tiền ủng hộ một giáo phận không may như Lạng sơn mà suy đoán ra những điều thuộc loại hoang tưởng, không dựa trên sự việc khách quan và đích thật.

Điều đáng nói nữa là tinh thần hội nhập văn hóa theo Huấn thị số 4 của Tòa thánh. Tòa thánh khuyến khích các nước không phải là Au châu nên đem Tin mừng vào nền văn hóa bản địa của mình, và làm cho Tin Mừng nhuần nhuyễn mà hóa thành cái gì như của chính nền văn hóa đó, hầu những người ở các nơi Tin Mừng được rao giảng, không còn cảm thấy lạc lõng và xa lạ với những kiểu cách sống và diễn tả Tin Mừng ở đấy nữa. Điều này đối với phần đông tín hữu Việt Nam, giáo dân cũng như linh mục còn khó lắm, vì mặc cảm nhà thờ giống nhà chùa và thiên kiến xây nhà thờ theo kiểu Việt Nam không uy nghi hoành tráng. Phải giống nhà thờ Tây mới sang và đẹp !

Về điểm này, nhà thờ chánh tòa Lạng sơn đáng được biểu dương và nêu cao thành tích. Số là Đức Cha Ngô quang Kiệt đã nhờ cha Phạm trung Thành Dòng Chúa Cứu Thế cùng mấy bạn kiến trúc sư trong nhóm vẽ bản mẫu thiết kế. Sau khi nhận được bản mẫu, Đức Cha đã hỏi han, xem xét, đề nghị sửa đổi một đôi nét rồi quyết định thực hiện. Công việc thực hiện được giao cho nhà thầu Đam và họa sĩ Trần thanh Bình trang trí bên trong cũng như bên ngoài. Họa sĩ Bình đã rời thành phố Sài-gòn ra ở hẳn ngoài Lạng sơn một thời gian để lo công việc, tuy thỉnh thoảng có về lại thành phố. Với kinh nghiệm sẵn có sau những lần lo cho nhà thờ Thánh Tâm (Bảo lộc, Lâm đồng) và Phú Hạnh (Gia định), họa sĩ Bình đã hăng hái say sưa bắt tay vào việc. Kết quả là ông đã đề nghị nên thay đổi một vài chỗ. Cuối cùng ông đã mô phỏng và kết hợp được kiểu nhà sàn các dân tộc miền núi phía Bắc với bộ mái cong kiểu cung đình truyền thống Việt Nam, với cây tháp cao năm tầng, tượng trưng cho mầu nhiệm Mân côi Năm sự sáng. Mái nhà thờ phía đầu hơi cong nhằm mô phỏng hình ảnh con thuyền trong nền văn hóa nông nghiệp. Rồi đến hai mái nhà thờ, mái trên ngầm nói về trời, mái dưới ngầm nói về đất. Hai mái diễn tả cảnh trời đất giao hòa, biểu dương hai chiều kích của mối tương giao giữa con người và Thiên Chúa; chiều dọc đi lên và chiều ngang hướng tới : đi lên với Thiên Chúa và hướng tới tha nhân. Đó cũng chính là hai nét cốt yếu của bác ái Ki-tô giáo : mến Chúa và yêu người.

Bên cạnh ngôi tháp năm tầng còn có hai cây tháp phụ ở bên hông nhà thờ theo hướng Bắc Nam, mỗi tháp treo một lồng đèn bằng gỗ; tháp phía bắc ngụ ý nói đến công cuộc truyền giáo lên phía Cao Bằng, Hà giang; tháp phía nam ngụ ý nói đến công cuộc truyền giáo cho tỉnh Lạng sơn.

Cách mặt tiền nhà thờ chừng năm trăm mét là núi Hang Dê, một núi nhỏ nhưng rất xinh xắn. Bên phía tay trái là thành cổ của nhà Mạc, về phía hướng nam là nhà truyền thống giáo phận. Xa hơn nữa là những dãy núi uốn lượn cùng một nhịp với núi Đại Tượng (cũng gọi là bọng Chúa tiên hay Long Tiên tự). Phía sau công trình chừng ba mươi mét là núi đồi thoai thoải làm như điểm tựa cho quần thể kiến trúc. Nó như một màn vũ nhiệm mầu múa nhảy để ca tụng quyền năng của Đấng uy linh cao cả đã tạo nên trời đất biển khơi cùng muôn loài trong đó.

Cuối cùng, một điểm đáng nói nữa là lòng quảng đại hào hiệp của tín hữu và ân nhân xa gần trong nước cũng như ngoài nước. Những người này đã không ngần ngại góp công, góp của, góp sức để xây dựng nên công trình này, một tác phẩm nghệ thuật hòa hợp lòng tin và nghệ thuật kiến trúc theo tinh thần Đông Phương, cũng như thể hiện tinh thần hội nhập văn hóa rất đáng được hoan nghênh và cổ võ trong giai đoạn lịch sử mới này.

(Tu viện Mai Khôi ngày 3.5.2004)