Mặc dù gặp nhiều thách đố như Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, phát biểu trong cuộc họp báo trên không, Đức Phanxicô vẫn lạc quan về chuyến đi của ngài tại Ái Nhĩ Lan.



Thách đố thì ai cũng biết: giải quyết tai tiếng lạm dụng tình dục và che đậy lạm dụng này, dù chủ đích của chuyến đi là cử hành vẻ đẹp của gia đình. Hai khía cạnh này cùng nổi bật ngay trong ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm: hàng ngàn người hoan hô ngài tại một vận động trường nhưng trước đó vào buổi sáng, thủ tướng, lãnh tụ công khai đồng tính đầu tiên của Ái Nhĩ Lan, không ngại liệt kê với ngài các thất bại của Giáo Hội.

Đức Phanxicô sẵn sàng nghe những phê phán ấy và đáp ứng một cách tích cực. Theo tạp chí Crux, trong 7 bài diễn văn của ngài, Đức Phanxicô đề cập đến các tội ác lạm dụng tình dục 4 lần. Hai lần thì ai cũng đã dự đoán: 1 lần (lần đầu) với các nhà cầm quyền dân sự và 1 lần (lần cuối) với các giám mục.

Ngài lên án “các tội ác ghê tởm” lạm dụng tình dục, nhưng không đề cập chi đến điều hàng ngàn nạn nhân bị lạm dụng khắp thế giới đang nóng lòng muốn biết: các giám mục che đậy tội ác lạm dụng sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao và bởi ai?

Ngài chỉ nói đến điều đó trên đường từ Dublin trở lại Rôma khi được các phóng viên đặt câu hỏi. Theo ngài, các tòa án đặc nhiệm (ad-hoc) được thiết lập mỗi khi có lời tố cáo chống lại một vị giám mục. Ngài nêu trường hợp cựu Tổng Giám Mục Guam, Đức Cha Anthony Sablan Apuron. Tòa án này được lập ra để xử vụ của ngài và thấy ngài có tội đới với “một số lời tố cáo” trong đó có lời tố cáo lạm dụng. Đức Phanxicô cho hay chính ngài đang thụ lý việc kháng án của vị giám mục này cùng với một nhóm chuyên gia giáo luật.

Hai lần khác Đức Phanxicô đề cập đến việc lạm dụng tình dục có mầu sắc mục vụ nhiều hơn. Cả hai diễn ra hôm Chúa Nhật. Một ở Đền Thánh Đức Mẹ tại Knock và một trong Thánh Lễ Đại Trào Bế Mạc Cuộc Gặp Gỡ Thế Giới Các Gia Đình. Tại Đền Đức Mẹ, ngài nói: “tôi nài xin sự tha thứ của Chúa cho các tội lỗi này và vụ tai tiếng cùng phản bội mà rất nhiều người khác trong gia đình Thiên Chúa vốn cảm nhận. Tôi xin Mẹ Diễm Phúc cầu bầu cho sự hàn gắn nơi các nạn nhân và củng cố mọi thành phần thuộc gia đình Kitô Giáo chúng ta trong quyết tâm không bao giờ còn cho phép các tình huống này xẩy ra nữa”.

Lời lẽ của ngài được hoan hô vang dậy cũng như “kinh nguyện thống hối” ngài đọc sau đó trước khoảng 300,000 tín hữu bất chấp thời tiết xấu tham dự Thánh Lễ do ngài chủ tế tại Công Viên Phoenix, Dublin. Ngài cho các phóng viên hay, ngài làm thế sau khi gặp các nạn nhân bị lạm dụng.

Các lời xin lỗi trên không phải là những lời xin lỗi đầu tiên của Đức Phanxicô. Ngài nói chúng bất cứ khi nào có dịp. Nhưng các nạn nhân bị lạm dụng tình dục ở Ái Nhĩ Lan dường như “cố thủ” trong các nhận định tiêu cực của họ.

Thực vậy, theo Elise Harris của tờ Crux, song song với Thánh Lễ tại Công Viên Phoenix, một nhóm nhỏ hơn gồm các người chỉ trích Đức Phanxicô đã tụ tập nhau để nói lên quan điểm của họ. Trong số này, có Donna Dent. Cô ta phát biểu: “tôi nghĩ vị giáo hoàng trơ tráo không thể tưởng tượng được khi không chịu qùy gối tạ lỗi. Tôi không nghĩ ngài nên cử hành Thánh Lễ”. Cô ta chỉ trích luôn những người tham dự Thánh Lễ của ngài “họ bịt mắt trước mọi điều Giáo Hội từng làm”.

Cô là 1 trong số khoảng 2,500 người tụ tập tại Vườn Tưởng Niệm ở Dublin để phản đối sự hiện diện của Đức Phanxicô tại Dublin. Người đứng đầu cuộc tụ tập này, O’Gorman, cho rằng tuy Đức Phanxicô lên tiếng trực tiếp về việc Giáo Hội lạm dụng từ lúc tới Ái Nhĩ Lan, đề cập đến vấn đề này trong hầu hết các bài diễn văn, nhưng lời lẽ của ngài thiếu sức mạnh cần thiết để được coi là nghiêm túc về vấn đề này. Theo ông, ngài cần nói rõ:Vatican sẵn sàng chịu tính sổ. Nói cách khác, Giáo Hội định chế cần phải “sở hữu việc che đậy cho dù ngài không trực tiếp chịu trách nhiệm”.

Garrett O’Keeffe, một người phản đối khác, cho rằng những người cử hành chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng không đúng khi ít có hành động nào được đưa ra trong trận tuyến chống lạm dụng. Ông bảo Đức Phanxicô không nên đến Ái Nhĩ Lan: “dù ngài có bò từ phi trường vào thành phố thì điều này vẫn chưa đủ. Ngài cần công bố các hồ sơ, ngài cần trả những gì mắc nợ, ngài cần thực sự thống hối và buộc phải tường trình cho toàn thế giới thấy các vụ lạm dụng đa dạng”.



Tuy nhiên, Đức Phanxicô vẫn thấy nhiều điều tích cực ở Ái Nhĩ Lan đặc biệt qua hai biến cố: nói chuyện với 350 cặp đính hôn và kết hôn và Lễ Hội Các Gia Đình.

Với các cặp đính hôn và kết hôn, ngài nói rằng nơi quan trọng nhất để truyền thụ đức tin là mái ấm gia đình nhờ “gương sáng âm thầm của cha mẹ... Đức tin được truyền thụ quanh ‘bàn ăn gia đình’, trong chuyện vãn thông thường, bằng ngôn từ mà chỉ tình yêu duy trì mới biết cách nói...”

Tại Phoenix Park, ngài bảo các gia đình nên dành thì giờ cho nhau, thiết lập cuộc đối thoại với nhau.

Có lẽ Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin đúng, khi phát biểu trong thánh lễ tại Phoenix Park: “Đối với con, dường như là một nghịch lý khi nói một hơi rằng đức tin ở Ái Nhĩ Lan mạnh mẽ, và đức tin ở Ái Nhĩ Lan mong manh".

Một số quan sát viên địa phương cho rằng chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô là một khởi điểm tốt hướng tới việc tái tạo niềm tin nơi Giáo Hội ở Ái Nhĩ Lan. Trong cuộc viếng thăm trung tâm dành cho người vô gia cư do Dòng Capuchin điều khiển, Đức Phanxicô trình bầy một số ý tưởng cho thấy việc này có thể diễn ra cách nào.

Ngài nói với các tu sĩ ở đó: “Việc làm chứng của các con dạy các linh mục biết lắng nghe, biết gần gũi, biết tha thứ và không đòi hỏi quá đáng”. Với các người vô gia cư, ngài bảo: “Hãy cầu nguyện. Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội. Hãy cầu nguyện cho các linh mục. Hãy cầu nguyện cho các cha Capuchin. Hãy cầu nguyện cho các giám mục, cho giám mục của các con. Và cũng hãy cầu nguyện cho cha nữa”.

Nữ ký giả Claire Giangravè, cũng của tờ Crux, thì cho rằng phần đông các tín hữu Công Giáo có mặt để nghinh đón Đức Phanxicô ở Dublin đều nghĩ Đức Phanxicô sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng lạm dụng và che đậy lạm dụng tình dục.

Theo nữ ký giả trên, chỉ căn cứ vào đám đông lớn lao và đầy phấn chấn ở Phoenix Park thì khó có thể quả quyết đang có tai tiếng lạm dụng tình dục và các lời tố cáo che đậy phát tán khắp nơi. Mary Royam, lội mưa lội gió, thời tiết lạnh lẽo tới Công Viên từ sớm, cho rằng “có nhiều chuyện tiêu cực, cả trong báo chí nữa, vào tuần trước và quả là đáng yêu khi cuối cùng cũng diễn ra và chúng tôi rất sung sướng được ở đây”.

Nhiều người khác tin rằng Đức Phanxicô cam kết xử lý cuộc khủng hoảng tình dục và đem thay đổi lại cho Giáo Hội. Teresa, từ quận Armagh ở Bắc Ái Nhĩ Lan, cho hay “Bạn không thể để một ít trái táo thối làm hư cả thùng rượu. Tôi rất buồn cho mọi nạn nhân, nhưng tôi nghĩ vị này sẽ thay đổi sự việc và sẽ làm tốt hơn cho các nạn nhân”.

Teresa nói rằng Ái Nhĩ Lan, một nước vốn kinh qua các cuộc cách mạng, các cuộc nội chiến, cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục rộng lớn và nhiều khó khăn tài chánh và kinh tế, nhưng vẫn là một quôc gia “mạnh mẽ” vì nhân dân Ái Nhĩ Lan cố kết với nhau qua mọi thách thức. Cô tin rằng “người này”, ám chỉ Đức Phanxicô, “sẽ giải quyết được mọi chuyện”.

Nhận định của Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin quả đã phản ảnh được bối cảnh trên, một bối cảnh được chính Đức Phanxicô xác nhận trong câu trả lời cuối cùng của cuộc họp báo trên không trên đường từ Dublin trở về Rôma:

“Tôi xin nói ít điều với những người Ái Nhĩ Lan có mặt ở đây. Tôi thấy nhiều đức tin ở Ái Nhĩ Lan. Rất nhiều đức tin. Thật vậy, người Ái Nhĩ Lan đã và đang chịu nhiều đau khổ vì các tai tiếng. Nhiều lắm. Nhưng vẫn có đức tin ở Ái Nhĩ Lan. Đức tin ấy mạnh mẽ. Và người Ái Nhĩ Lan cũng biết phân biệt. Và tôi xin trưng dẫn điều hôm nay tôi nghe được từ một giáo phẩm: người Ái Nhĩ Lan biết phải phân biệt ra sao giữa sự thật và sự thật nửa vời. Có một điều gì đó ở bên trong họ. Đúng là nó đang trong diễn trình khai triển, hàn gắn khỏi các tai tiếng này. Đúng là có các chủ trương đang được mở ra nhằm tự tách họ ra xa bất cứ đức tin nào. Nhưng người Ái Nhĩ Lan có một đức tin bén rễ sâu xa. Tôi muốn nói điều này vì đó là điều chính mắt tôi được thấy, tai tôi được nghe, được thông tri trong hai ngày qua”.