‘Mỗi người hãy tùng phục các thẩm quyền cai trị”

1. Sợi tơ chính từ trên rơi xuống

Khi trình bày các đặc điểm, hay các nhân đức, tỏa sáng trong đời sống của những người được tái sinh trong Thần Khí, Thánh Phaolô, sau khi nói về đức bác ái và đức khiêm nhường, giờ đây, ngài nói về sự vâng lời trong chương 13 của thư gửi tín hữu Rôma:

“Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại sẽ chuốc lấy án phạt” (Rm 13: 1tt).

Phần còn lại của bản văn này, trong đó ngài nói về thanh kiếm và thuế má, cùng với các bản văn khác của Tân Ước về cùng một chủ đề (xem Tt 3: 1, 1 Pr 2: 13-15), rõ ràng cho thấy: Thánh Tông Đồ không nói về thẩm quyền nói chung và về mọi thứ thẩm quyền, nhưng chỉ nói về thẩm quyền dân sự của nhà nước. Thánh Phaolô đang xử lý với một khía cạnh đặc thù của việc vâng lời đặc biệt có liên quan vào thời điểm ngài đang viết và có lẽ với cộng đồng mà ngài viết cho.

Đó là lúc, giữa lòng Do Thái Giáo ở Palestine, cuộc nổi loạn của phái nhiệt thành chống lại Rôma đang phát triển, một cuộc nổi loạn kết thúc một vài năm sau đó bằng cuộc tàn phá Giêrusalem. Kitô giáo được khai sinh từ Do thái giáo; nhiều thành viên của cộng đồng Kitô hữu ở Rôma là các người trở lại từ Do Thái Giáo. Câu hỏi về việc có phải tuân phục nhà nước Rôma hay không cũng là một vấn đề gián tiếp cho cả các Kitô hữu nữa.

Giáo hội tông truyền đang phải đối diện với một sự lựa chọn có tính quyết định. Thánh Phaolô, giống như tất cả các soạn giả khác của Tân Ước, giải quyết vấn đề dưới ánh sáng thái độ và lời nói của Chúa Giêsu, đặc biệt là những lời của Người về việc trả thuế cho Caesar (xem Mc 12:17). Vương quốc do Chúa Giêsu thuyết giảng "không thuộc thế giới này", nó không có bản chất quốc gia hay chính trị. Do đó, nó có thể tồn tại dưới bất cứ chế độ chính trị nào, chấp nhận các lợi điểm của nó (như quốc tịch Rôma) mà cả luật lệ của nó nữa. Tóm lại, vấn đề được giải quyết theo ý nghĩa của việc vâng lời nhà nước.

Sự vâng lời nhà nước là kết quả và là một khía cạnh của sự vâng lời toàn vẹn và quan trọng hơn mà Thánh Tông Đồ gọi là "vâng lời Tin Mừng" (xem Rm 10:16). Lời khuyên răn nghiêm khắc của Thánh Tông Đồ cho thấy rằng đóng thuế và chu toàn nghĩa vụ đối với xã hội nói chung không chỉ là một nghĩa vụ công dân mà còn là một nghĩa vụ luân lý và tôn giáo. Nó là một yêu cầu của giới luật yêu người lân cận. Nhà nước không phải là một thực tại trừu tượng; nó là cộng đồng của những con người tạo ra nó. Nếu tôi không đóng thuế, nếu tôi làm hỏng môi trường, nếu tôi vi phạm luật giao thông, là tôi làm hại và tỏ thái độ khinh thị đối với người lân cận của tôi. Về điểm này, người Ý chúng tôi (và có lẽ không chỉ chúng tôi mà thôi) cần thêm một số câu hỏi nữa để xét lương tâm mình.

Tất cả những điều này, như chúng ta thấy, rất có liên quan, nhưng chúng ta không thể giới hạn cuộc thảo luận của chúng ta về sự vâng lời vào khía cạnh vâng lời nhà nước mà thôi. Thánh Phaolô chỉ ra chỗ để các Kitô hữu thảo luận về sự vâng lời, nhưng ngài không nói với chúng ta mọi điều có thể nói về nhân đức này chỉ trong bản này mà thôi. Ở đây, ngài rút ra các hậu quả của các nguyên tắc đã được trình bày trước đây trong thư gửi tín hữu Rôma và trong những chỗ khác, và chúng ta cần phải tìm kiếm những nguyên tắc đó để có được một cuộc thảo luận hữu ích và có liên quan đối với chúng ta ngày nay về sự vâng lời.

Chúng ta cần phải khám phá ra sự vâng lời "căn bản", sự vâng lời từ đó tất cả các loại vâng lời khác phát sinh ra, bao gồm việc vâng lời các cơ quan dân sự. Đó là một sự vâng lời áp dụng cho tất cả chúng ta - người giám sát và cấp dưới, tu sỹ và giáo dân - và nó là sự vâng lời quan trọng nhất. Nó điều chỉnh và nên năng lực cho mọi loại vâng lời khác. Nó không phải là sự vâng lời của một con người đối với những con người khác, mà là của một con người đối với Thiên Chúa.

Sau Vatican II, có người đã viết, "Nếu có vấn đề vâng lời ngày nay, thì đó không phải là vấn đề ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Thần – Đấng mà mọi người đều cho rằng mình sẵn sàng vâng lời - nhưng đúng hơn là vấn đề vâng lời hàng giáo phẩm, lề luật, thẩm quyền trong biểu thức nhân bản của nó". Tôi tin rằng điều đó đúng. Nhưng chúng ta phải bắt đầu với sự vâng lời đối với Thiên Chúa và với Thánh Linh của Người chính là để có thể biến sự tuân phục luật pháp và thẩm quyền hữu hình thành cụ thể một lần nữa.



Sự vâng lời Thiên Chúa giống như "sợi tơ chính từ trên rơi xuống" nâng đỡ chiếc mạng nhện đẹp đẽ lơ lửng trên hàng rào. Rơi từ trên xuống bằng sợi tơ chính nó sản xuất ra này, nhện xây dựng một màng nhện rất hoàn hảo và căng thẳng ở mọi góc. Một khi công việc của nhện đã hoàn thành, sợi tơ chính được sử dụng để xây dựng màng nhện này không bị loại bỏ nhưng vẫn còn tại chỗ. Thực thế, sợi tơ chính là sợi giữ cho toàn bộ việc dệt của nhện kết hợp với nhau; không có nó mọi thứ sẽ sụp đổ. Nếu một trong những sợi ngang bị đứt (có lần, tôi đã thử việc này), con nhện liền vội vã nhanh chóng sửa lại chiếc màng của mình, nhưng nếu sợi tơ chính từ trên cao rơi xuống bị đứt, thì con nhện di chuyển đi chỗ khác vì không có gì có thể làm hơn được.

Một điều tương tự như thế cũng xảy ra với mạng lưới vâng lời trong xã hội, trong một dòng tu, và trong Giáo hội. Mọi người trong chúng ta đều sống trong một mạng lưới vâng lời, được dệt chặt chẽ với nhau, đối với các thẩm quyền dân sự và các thẩm quyền giáo hội - trong trường hợp Giáo Hội, đối với bề trên ở địa phương, với giám mục, với Bộ Giáo Sĩ hoặc Bộ Tu Sĩ, và với Đức Giáo Hoàng. Sự vâng lời Thiên Chúa là sợi tơ chính từ trên rơi xuống: mọi thứ đều được xây dựng xung quanh nó, nhưng nó không thể bị lãng quên sau khi việc xây dựng toàn bộ đã kết thúc. Nếu không, mọi thứ sẽ sụp đổ và người ta không còn hiểu tại sao họ nên vâng lời.

2. Sự vâng lời của Chúa Kitô



Điều tương đối đơn giản là khám phá ra bản chất và nguồn gốc của sự vâng lời trong Kitô Giáo: chúng ta chỉ cần hiểu khái niệm đặc biệt về sự vâng lời mà theo đó Chúa Giêsu đã được định nghĩa trong Thánh Kinh như "Đấng vâng lời". Chúng ta nhanh chóng khám phá ra rằng khi làm như thế, nền tảng thực sự của sự vâng lời trong Kitô Giáo không phải là ý tưởng vâng lời mà là hành động vâng lời. Đây không phải là nguyên lý trừu tượng lấy của Aristotle mà theo đó "cấp dưới phải tùng phục cấp trên" nhưng thay vào đó, là một biến cố. Nó không được thấy trong "lý lẽ đúng đắn" mà trong nội dung cơ bản của Tin Mừng (kerygma), và nền tảng của nó là Đức Kitô "đã vâng lời cho đến chết" (Pl 2: 8), và "Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người "(Dt 5: 8-9).

Trung tâm sáng láng làm sáng tỏ toàn bộ cuộc thảo luận về sự vâng lời trong Thư gửi tín hữu Rôma, là Rm 5:19: "Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính”. Bất cứ ai biết vị trí của công chính hoá trong Thư gửi tín hữu Rôma đều có thể hiểu vị trí của sự vâng lời!

Chúng ta hãy tìm hiểu bản chất của hành vi vâng lời này, một hành vi mà trên đó, trật tự mới đã được đặt căn bản; nói cách khác, chúng ta hãy cố gắng hiểu sự vâng lời của Chúa Kitô là gì. Khi còn là một trẻ em, Chúa Giêsu đã vâng lời cha mẹ Người; sau đó, khi đã thành người trưởng thành, Người tuân phục Luật Môsê, Thượng Hội Đồng, và cả Philatô. Tuy nhiên, Thánh Phaolô không nghĩ đến bất cứ sự vâng lời nào trong số sự vâng lời này. Thay vào đó, ngài nghĩ đến sự vâng lời của Chúa Kitô đối với Chúa Cha.

Sự vâng lời của Chúa Kitô được coi là phản đề chính xác của sự bất tuân nơi Ađam: "Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính" (Rm 5:19, xem 1Cr 15:22). Nhưng Ađam đã không vâng lời ai? Chắc chắn không phải cha mẹ ông, nhà nước, hay luật pháp. Ông không vâng lời Thiên Chúa. Tận nguồn gốc của mọi bất tuân là sự bất tuân đối với Thiên Chúa, và ở nguồn gốc của mọi vâng lời là vâng lời Thiên Chúa.

Sự vâng lời tràn đầy cuộc sống của Chúa Giêsu. Trong khi Thánh Phaolô và Thư gửi người Do thái nhấn mạnh vai trò của vâng lời trong cái chết của Chúa Giêsu, thì Thánh Gioan và các Tin Mừng Nhất Lãm đã làm loãng hình ảnh đó bằng cách nhấn mạnh đến vị trí của vâng lời trong cuộc sống của Chúa Giêsu, trong sinh hoạt hàng ngày của Người. Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng theo Thánh Gioan rằng "lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy", và "Tôi luôn làm những gì làm đẹp lòng Người" (Ga 4:34, 8:29). Cuộc đời của Chúa Giêsu như thể được hướng dẫn bởi một con đường rực sáng được hình thành bởi những lời viết về Người trong Thánh Kinh. "Có lời viết rằng.. . . Có lời viết rằng.. . " Đây là cách Người vượt qua các cám dỗ trong sa mạc. Chúa Giêsu thu thập trong Thánh Kinh các kiểu nói "phải như thế" (dei), những kiểu nói vốn điều hướng cả đời của Người.

Sự vĩ đại trong đức vâng lời của Chúa Giêsu được đo lường một cách khách quan "bằng những điều Người từng phải chịu" và một cách chủ quan bằng tình yêu và sự tự do mà Người vốn dùng khi vâng lời. Sự vâng lời con thảo được điển hình hóa ở mức cao nhất nơi Người. Ngay trong các giây phút khắc nghiệt nhất của Người, khi Chúa Cha trao cho Người sự thống khổ để uống cạn, tiếng kêu con thảo của Người không bao giờ rời khỏi môi miệng Người: "Cha ơi! Thiên Chúa của Con ơi, Thiên Chúa của Con ơi, sao Chúa nỡ bỏ rơi Con?", Người kêu lên như thế từ trên thập giá (xem Mt 27:46), nhưng, theo Thánh Luca, Người đã nhanh chóng nói thêm những lời này " Cha ơi, con phó linh hồn con trong tay Cha!"(Lc 23:46). Trên thập giá "Chúa Giêsu phó mình Người cho Thiên Chúa, Đấng đã bỏ rơi Người" (bất kể việc Chúa Cha bỏ rơi này có nghĩa gì). Sự vâng lời cho đến chết của Người là "Đá tảng cứu rỗi của chúng ta".

3. Vâng lời như Ơn Thánh: Phép Rửa



Trong chương thứ năm của Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô trình bày với chúng ta Chúa Kitô như người đứng đầu những người vâng lời, đối nghịch với Ađam, là người đứng đầu của những kẻ bất tuân. Trong chương tiếp theo, tức chương 6, Thánh Tông Đồ cho thấy cách thức qua đó, chúng ta bước vào thực tại của biến cố này: đó là qua phép Rửa. Trước nhất, Thánh Phaolô đưa ra một nguyên tắc: nếu qúy vị tự ý đặt mình dưới quyền tài phán của một ai đó, thì qúy vị hẳn có nghĩa vụ phải phục vụ và vâng lời họ.

“Anh em không biết sao? Khi đem thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của người mà anh em vâng phục: hoặc làm nô lệ tội lỗi, thì sẽ phải chết; hoặc làm nô lệ phục vụ Thiên Chúa, thì sẽ được nên công chính?” (Rm 6:16).

Bây giờ, khi đã thiết lập ra nguyên tắc này, Thánh Phaolô nhắc nhớ sự kiện này: các Kitô hữu thực sự tự ý đặt mình dưới quyền tài phán của Chúa Kitô vào ngày họ chấp nhận Người làm Chúa trong phép Rửa: "Trước kia anh em làm nô lệ tội lỗi, nhưng nay anh em đã hết lòng vâng theo quy luật đạo lý đã đào tạo anh em. Anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà trở thành nô lệ sự công chính” (Rm 6: 17-18). Với phép Rửa, có sự thay đổi chủ nhân, thay đổi vương quốc: từ tội lỗi qua công bình, từ bất tuân đến tuân phục, từ Ađam đến Chúa Kitô. Phụng vụ phép Rửa đã bày tỏ tất cả điều này trong các tuyên xưng tương phản của nó: "Tôi từ bỏ - tôi tin".

Như thế, vâng lời là điều thiết yếu trong đời sống Kitô hữu: đó là hệ luận thực tiễn và cần thiết của ngôi vị Chúa Tể của Đức Kitô. Sẽ không có ngôi Chúa Tể nào hiện hữu nếu không có sự vâng lời của một con người. Trong phép Rửa, chúng ta chấp nhận một vị Chúa, một Kyrios, nhưng là một vị Chúa "vâng phục", một người trở nên Chúa chính nhờ sự vâng lời của Người (xem Pl 2: 8-11), một người mà quyền Chúa Tể được minh chứng, có thể nói như thế, bằng sự vâng lời. Sự vâng lời ở đây không hẳn chỉ việc tùng phục như nó có vẻ là: vâng lời một vị Chúa như thế có nghĩa trở nên giống như Người, bởi vì chính nhờ sự vâng lời cho đến chết, Người đã chiếm được danh hiệu Chúa, vượt trên mọi danh hiệu khác (xem Pl 2: 8-9).

Từ điều trên, chúng ta khám phá thấy: trước khi là một nhân đức, vâng lời là một ơn phúc, trước khi là luật lệ, nó là ơn thánh. Sự khác biệt giữa hai điều này là luật lệ cho chúng ta biết phải làm gì trong khi ơn thánh ban cho chúng ta khả năng làm những gì chúng ta được truyền làm. Trên hết, vâng lời là việc làm của Thiên Chúa trong Chúa Kitô, sau đó được nêu làm gương cho các tín hữu để đến lượt họ, họ có thể diễn đạt nó trong đời sống của họ bằng cách bắt chước trung thành. Nói cách khác, chúng ta không những có nghĩa vụ phải vâng lời, mà bây giờ chúng ta còn có ơn thánh để vâng lời!

Như thế, sự vâng lời của Kitô Giáo bắt nguồn từ phép Rửa; trong phép Rửa, mọi Kitô hữu đều "được cung hiến" cho đức vâng lời, và theo một ý nghĩa nào đó đã thực hiện “lời khấn hứa” đó. Việc khám phá lại sự kiện chung đối với mọi người và được đặt nền trên phép Rửa này đáp ứng một nhu cầu thiết yếu cho người giáo dân trong Giáo hội. Vatican II đã công bố nguyên tắc "ơn gọi nên thánh phổ quát" cho dân Chúa (Lumen Gentium 40). Và vì không có sự thánh thiện nào mà lại không có đức vâng lời, nên nói rằng mọi người đã chịu phép Rửa đều được kêu gọi nên thánh cũng giống như nói mọi người đều được kêu gọi vâng lời.

Kỳ sau: Vâng Lời Như Một "Bổn Phận": Noi Gương Chúa Kitô