Nhà xuất bản Vatican - Libreria Editrice Vaticana – vừa xuất bản một cuốn sách dầy trình bày những cái chết bi thảm của 75 Giám Mục Trung Quốc. Cuốn sách có tựa đề “Vescovi Nella Terra Di Conucio” – "Các Giám Mục trên miền đất của Khổng Tử." Sandro Magister của tờ L’Espresso có bài nhận định sau đây:

Dal Vaticano una doccia gelata sui negoziati con Pechino (Một gáo nước lạnh từ Vatican tạt vào các cuộc thương thảo với Trung Quốc)

Đức Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên bay qua không phận Trung Quốc. Nhưng liệu ngài có đặt chân được trên mảnh đất này hay không vẫn là một điều còn phải chờ xem. Tháng 8 vừa qua, nhà xuất bản Libreria Editrice Vaticana của Tòa Thánh đã công bố một hồ sơ, như một gáo nước lạnh tạt vào mặt những ai tiếp tục cho rằng một thỏa thuận giữa Tòa thánh và Bắc Kinh sắp xảy ra.

Cuốn sách này do Gianni Cardinale biên tập. Ông là một chuyên gia về địa chính trị của Vatican và là một ký giả danh tiếng của hai tờ “Avvenire” và “Limes”. Ông không đưa ra lời bình luận nào mà chỉ đơn thuần là tổng kết những tài liệu của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh mà cho đến bây giờ người ta chỉ được biết từng phần một chứ không có một bức tranh tổng thể.

Đây là lần đầu tiên Vatican công bố tên của các giám mục của mỗi giáo phận Trung Quốc, cả các giám mục công khai lẫn các giám mục hầm trú, cả các vị hợp lệ lẫn những kẻ bất hợp lệ.

Nhưng trên hết, cuốn sách này bao gồm tiểu sử của 75 giám mục Trung Quốc đã chết thảm từ năm 2004 đến nay, tất cả đều bị bách hại trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ trong lao tù lao động cưỡng bức, các trại cải tạo, quản thúc tại gia, hay chí ít cũng bị công an mật vụ Trung Quốc liên tục đeo bám.

Qua việc công bố tài liệu này, Tòa Thánh có lẽ muốn nêu rõ với những ai hoài nghi về thái độ của Vatican đối với bọn cầm quyền Bắc Kinh là những cách hành xử mà chế độ cộng sản gây ra đối với các giám mục Trung Quốc tại quốc gia này cần phải được chấm dứt trước khi Vatican có thể đồng ý ký một hiệp định với chính quyền Bắc Kinh trong việc bổ nhiệm các giám mục.

Việc bách hại các giám mục Trung Quốc, trên thực tế, không chỉ diễn ra từ năm 2004 cho tới nay, nhưng đã được bắt đầu và có lẽ còn tàn khốc hơn dưới triều đại của Mao Trạch Đông và cuộc Cách mạng Văn hoá, khi bọn cầm quyền tuyên bố rõ ràng rằng mục tiêu của chế độ là hủy diệt Giáo hội Công giáo, hay chí ít là tạo ra một mô hình Giáo Hội Công Giáo Trung Hoa tách khỏi Rôma và hoàn toàn phục tùng bọn cầm quyền.

Việc hành hạ các Giám Mục cũng đã được tiếp tục sau cuộc Cách mạng Văn hoá ngay cả khi một số các Giám Mục hoặc các ứng viên Giám Mục được thả ra khỏi các nhà tù. Để sống sót các ngài bắt buộc phải làm việc trong các mỏ muối hoặc mỏ đá, chăn nuôi heo, nung gạch. Nếu may mắn hơn, các vị làm việc trong một tiệm ăn hay như những người bán rong trên hè phố.

Tiêu biểu trong danh sách các Giám Mục bị chết thảm dưới bàn tay sắt của bọn cầm quyền Bắc Kinh là Đức Giám Mục Gioan Gao Kexian thuộc giáo phận Yên Đài, chết thảm với nhiều thương tích trên người sau khi bị bắt cóc vào năm 1999.

Một Giám Mục phụ tá của giáo phận Yongnian là Đức Cha Gioan Han Dingxiang bị cầm tù trong 20 năm, được thả ra nhưng sau đó lại biến mất vào năm 2006, và năm 2007 Trung Quốc cho biết là ngài đã chết, được hỏa táng và chôn tại một địa điểm tới nay vẫn chưa được tiết lộ.

Năm 2010, lại có một giám mục khác là Gioan Yang Shudao thuộc giáo phận Phúc Châu, đã chết sau hai mươi sáu năm tù, và phần đời còn lại của ngài “hầu như luôn bị quản thúc tại gia và bị giám sát chặt chẽ.”

Chưa kể những khó khăn của các vị giám mục gần đây nhất của Thượng Hải, như Đức Cha Giuse Fan Zhingliang, Dòng Tên, qua đời năm 2014, là Giám Mục hầm trú; và người kế nhiệm của ngài là Đức Cha Thaddeus Mã Đạt Khâm, bị bắt giữ từ năm 2012 vì đã từ chức khỏi Hiệp hội Công giáo yêu nước vì cho rằng đường lối của hội này là “không phù hợp” với đức tin Công Giáo.

Trong năm qua lại xảy ra vụ bắt cóc và giam giữ Đức Giám Mục Phêrô Thiệu Chúc Mẫn thuộc giáo phận Ôn Châu tại một địa điểm chưa được tiết lộ. Đại sứ quán Đức ở Trung Quốc và sau đó chính Tòa Thánh đã lên tiếng hôm 26 tháng 6. Nhưng đến nay cả phía chính phủ Đức cũng như Tòa Thánh đều không nhận được bất kỳ phản hồi nào của bọn cầm quyền Bắc Kinh.

Trước những điều này, sự lạc quan mà Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ mỗi khi ngài được hỏi về Trung Quốc chỉ có thể được giải thích như là một thái độ đầy tính ngoại giao hơn là thực chất. Đúng là đang có một cuộc đàm phán giữa Vatican và Trung Quốc, với các cuộc họp ba tháng một lần luân phiên nhau giữa Rome và Bắc Kinh. Nhưng ngoài tình trạng thiếu tự do tôn giáo tại Hoa Lục và chính sách công khai bách hại người Công Giáo mà tài liệu vừa được công bố của Vatican trong những ngày gần đây đã nêu rõ, có ít nhất hai trở ngại đối với một thỏa thuận về các thủ tục bổ nhiệm giám mục trong tương lai.

Thứ nhất là Hội Đồng giám mục Trung Quốc, cơ cấu có trách nhiệm tuyển chọn ứng viên, hiện giờ chỉ gồm toàn các giám mục chính thức được Bắc Kinh công nhận, mà không có ba mươi vị giám mục “hầm trú” chỉ được Vatican công nhận. Đến nay, Tòa Thánh vẫn không có cách nào thuyết phục bọn cầm quyền Bắc Kinh nhìn nhận các vị này.

Trở ngại thứ hai, cũng nghiêm trọng không kém, là trường hợp của bảy vị giám mục “chính thức”, trong đó có ba người đã bị công khai rút phép thông công, một người có “con đàn cháu đống”, và một người có nhân tình.