1. Tôi trở lại Huế sau mười năm. Hình như nơi này vẫn thế, chỉ có đường xá là có phần thay đổi, còn cái “hồn Huế” vẫn trầm trầm, thơ mộng. Tôi không thể ăn một tô bún bò đúng nghĩa vì bận rộn; cũng không có xe ôm để tôi đi loanh quanh chỗ này chỗ khác, mà chỉ bó mình trong công việc với chiếc xe bốn chỗ mướn cho ba ngày ở đây.

Xem hình

Một buổi sáng, rời thành phố đi vào làng quê, chúng tôi đi qua cánh đồng Thanh Lâm – một vựa lúa của tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi thấy tầm nhìn của mình được trải dài một màu xanh. Anh tài xế còn giải thích cho tôi vì sao người ta gọi một vùng đất ở Huế là Lăng Cô, thì ra thời Pháp đó là một làng có nhiều cò bay đậu, lâu ngày người ta gọi “làng cò” thành Lăng Cô. Tôi vui khi thấy nét đơn sơ quen thuộc của người Việt nơi đồng lúa, ruộng vườn. Nếu có phải chia sẻ thì chỉ sẻ chia cho những gia đình đang gặp sự cố như bệnh tật, tai nạn...mà thôi. Tôi còn xúc động trước tâm tình hiếu khách của người dân quê ở đây.

Buổi chiều, đi cùng người quen đến thăm một nhà dòng nữ, tôi chỉ muốn ở lại đây vì nhà các chị “sạch từng centimet”! Cách tiếp chuyện cũng rất thanh lịch nên để lại cho tôi ấn tượng khó quên. Câu chuyện xã giao cũng thú vị khi sơ bề trên cho biết về một số sinh hoạt của nhà dòng, riêng công việc bác ái, vì là một cộng đoàn lớn nên công việc xã hội của các chị qui mô xứng tầm. Tôi nghĩ thầm, nếu trở lại thăm Huế, tôi sẽ đến đây để xin “một lều” (như sự việc xảy ra trên núi thánh Tabor ) đơn giản là vì nơi này thanh tịnh, thích hợp cho việc chay lòng.

2. Ấn tượng nhất trong chuyến đi Huế là khi ba người chúng tôi thăm nhà dòng Thiên An của quí thầy. Quang cảnh của nhà dòng trên núi cao, với cây cỏ hoa lá xanh tươi và kiểu kiến trúc đượm nét phương Đông làm tôi rất thích. Được nhìn thấy hình ảnh quí cha quí thầy đang đọc kinh trong lòng nhà thờ, tôi càng dâng trào cảm xúc! Từ trước đến nay, tôi vốn khâm phục những vị chân tu, đặc biệt là “tu dòng”, vì không “ôm” trong mình tiền bạc hay vấn vương của cải. Vì thế, khi nghe thầy quản lý kể về nếp sống ở đây của trên dưới 100 thầy thì tôi rất tâm phục. Tiêu chuẩn một thầy cho một ngày sống chỉ trong vòng 15.000 VNĐ ( bằng 2/3 một USD); rau củ quả thì tự trồng, còn cá thịt thì mua ở chợ đầu mối cho rẻ. Chẳng bù cho bên ngoài nói chung, ở Sài Gòn nói riêng, ăn uống thì thừa mứa, tiêu xài thì phung phí vì sĩ diện, sống không tiết độ.

Rồi trong một ngày lao động phải đọc kinh, cầu nguyện chung đến năm lần. Chúng tôi nhăn mặt e ngại tự hỏi: “Năm lần có nhiều quá không?”; nhưng chợt nghĩ, một ngày chúng tôi chầu Thánh Thể một lần, đọc kinh kính Lòng Chúa Thương Xót lúc ba giờ chiều và tham dự thánh lễ vào buổi tối; thế đã ba lần...vậy cầu nguyện và sống như quí thầy hẳn là không có gì là “nặng nề” cả, song một năm chỉ được ra ngoài rất ít...nói chung là rất nhiệm nhặt về thời gian. Hẳn là cách sống và lời cầu nguyện của quí thầy như bù đắp cho xã hội bên ngoài, đang có một cách sống thực dụng, đầy gian tham dối trá, ích kỷ, ghen tương, đố kỵ, bất công....đối nghịch với bài ca lòng mến và sự độc ác đang đẩy dần lên cao, đến độ tước mạng sống của người khác như một loài cầm thú. Trong mắt tôi, sống như quí thầy ở đây là chay tịnh cả một đời và là nhân chứng sống động cho một Đức Giêsu đã bị đóng đinh và một Đức Kitô sống lại vinh hiển đầy cuốn hút.

3. Gia đình chúng tôi vừa giỗ cha mẹ lần thứ mười vào cuối tháng 2. Nhìn các con, các cháu trong gia đình và con cháu từ mối quan hệ thiêng liêng(đỡ đầu) cùng đọc kinh, ăn uống, chúng tôi vui khó tả. Đã mười năm qua, tôi “né” nghe bài hát về mẹ, tránh đọc câu chuyện về mẹ, không xem phim về mẹ....Tôi hụt hẫng khi mẹ qua đời; nếu không có công việc từ thiện xã hội, tôi không thể quân bình trong tâm hồn. Từ miền Bắc di cư vào Nam, mẹ tôi không thích hợp khí hậu nên đau ốm liên miên. Đã hai lần, một lần 12 tuổi và một lần 26 tuổi, tôi quỳ gối trước tượng Đức Mẹ xin cho mẹ tôi thoát cơn bệnh nặng và hứa sẽ làm tất cả những gì Chúa muốn. Và tôi đã toại nguyện. Mẹ tôi thường chiên cơm cho tôi ăn khi tôi đi dạy về và không nấu canh rau đay vì biết tôi không thích. Cách sống nhân ái của mẹ tôi đã “bào nhẵn” tính ích kỷ của tôi thành một bông hoa nhỏ mà nhờ ơn Chúa, Mẹ Maria, sự trợ giúp của quí cha, quí ân nhân mà bông hoa đó lớn lên đậm màu và tỏa chút hương thơm. Ba tháng nữa, chúng tôi kỷ niệm 25 năm đi làm việc xã hội, không biết ngày đó, mẹ tôi có mỉm cười khi tôi tiếp tục chọn cách sống phục vụ người cùng khổ, hay không? Chỉ biết rằng ngày đó tôi sẽ nhớ mẹ, một người mẹ “chay tịnh” rất nhiều cho chồng con.

4. Khi giáo phận Phan Thiết có tin buồn, tôi gọi điện đến Đức Cha GB. Bùi Tuần để hỏi về cảm xúc của ngài khi có một nghĩa tử vừa qua đời. Đức Cha trả lời với giọng xúc động: “Con...con mở mạng ngay bây giờ đi, cha vừa viết một bài, tất cả cảm xúc của cha ở trong bài viết đó!”. Tôi mở mạng GP Long Xuyên và đọc ngay bài viết có tựa đề: “Tâm tình của người cha thiêng liêng với Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống”. Đọc xong, tôi nhắn tin vào điện thoại của Đức Cha dòng chữ: “Con đã đọc bài viết của Đức Cha. Bài có nhiều ý thần học sâu sắc và thật cảm xúc với ba lần: “Thống, con ơi!”. Đức Cha là người cha tuyệt vời!”.

Hai giờ đồng hồ sau khi nhận tin nhắn, ngài gọi cho tôi và nói một cách run run đầy cảm xúc: “Cha cám ơn con đã đọc bài viết. Con...con cầu nguyện cho cha thật nhiều nhé vì hai ngày qua hình ảnh cha Thống cứ chập chờn trước mắt cha!”. Ngay sau đó, tôi lấy tràng chuỗi, bật điện bàn thờ, đọc kinh cầu nguyện cho ngài, lòng lan man suy tư. Có lẽ Đức Cha sợ chết! Cũng đúng thôi, tuổi đã cao, sức đã yếu. Tôi tự suy diễn: hình như Đức Giêsu còn sợ chết hơn cả người ta nữa, người ta “đổ mồ hôi hột” vì sợ chết, còn Chúa sợ đến nỗi đổ mồ hôi máu. Có lẽ con người từ bụi đất mà ra nên khi về với đất bụi thì sợ tự nhiên; còn Chúa từ trời xuống, nên cái chết là một điều “trái ngược” với thiên tính của Ngài, nên Ngài sợ. Không ai có kinh nghiệm về sự chết vì thế dù cao ngạo, bạo tàn đến đâu cũng phải cúi đầu trước cái chết. Tôi bỗng nghĩ vui vui về mình: từ đầu năm đến nay, tôi quyết định không viết báo in nữa mà chuyên tâm cầu nguyện, làm việc bác ái xã hội tích cực hơn, sống thật thanh tịnh. Rồi tôi lại chột dạ dặn dò các em các cháu phải làm những gì khi tôi được Chúa gọi về. Tuổi đã trên sáu mươi thì “việc trăn trối” có gì là lạ! Tôi tự hỏi, nếu tôi qua đời khi Đức Cha vẫn còn đang viết báo thì Đức Cha có thiết tha nhớ về đứa con chuyên “đi bụi đời” là tôi không? Nghĩ đến đây tôi cười híc híc một mình. Mùa Chay, nghĩ về “cái chết sẽ đến” cũng là một sự chay tịnh tích cực.

5. Được lì xì một chút tiền ngày Tết, tôi đăng ký đi tour Phú Yên Qui Nhơn cho xa bầu khí ô nhiễm xăng chì của thành phố. Tỉnh Phú Yên còn nhiều nét hoang sơ, cái nghèo thấp thoáng ẩn sau vẻ chân chất. Cảnh đẹp thiên nhiên tùy theo cách đánh giá của mỗi người. Gành Đá Đĩa được nhiều người chú ý đến dù không màu mè, gọt giũa giả tạo. Tôi trò chuyện với mấy cháu trai đi học buổi sáng, buổi chiều bán ốc, trông chúng thật thà đáng mến. Ở đây hải sản, rau củ quả có giá rẻ nên hàng quán bán giá rất “mềm”. Đường phố thưa người, dường như thanh niên rời quê đến các thành phố lớn kiếm sống. Chúng tôi hớn hở khi được đến nhà thờ Mằng Lăng, đi vào hầm nhỏ nơi kính thánh Anrê Phú Yên và nhìn thấy quyển sách Phép Giảng Tám Ngày – cuốn sách in đầu tiên bằng chữ quốc ngữ của nước Việt Nam, in tại Roma năm 1651. Nghe thuyết minh về vị thánh trẻ, lòng không khỏi xúc động – vị thánh trẻ đã hiến trọn tuổi xuân, không ngại gian nan rao giảng Tin Mừng, góp phần xây dựng Hội Thánh Việt Nam thuở ban sơ, hiến mạng sống quyết một lòng trung nghĩa với Chúa Giêsu... – Chúng tôi nghĩ, những chứng tích này phải được gìn giữ để vun trồng đức tin cho giới trẻ ngày nay, một giới trẻ bận rộn kiếm sống, mải miết làm giàu, thực tế trong suy tính, sống ảo nhiều và có một số bạn trẻ đang “chập chờn” về một Thiên Chúa thật.

Đất Qui Nhơn không còn “gầy” để đón chân du khách đến vì ngày càng phát triển, du lịch khởi sắc. Dù thành phố Qui Nhơn được thiên nhiên có phần ưu đãi khi phía đông có biển Đông và phía bắc có đầm Thị Nại bao quanh; phía tây có núi Xuân Vân và phía nam có Vũng Chua che chắn; thành phố có những chỗ khá đẹp nhưng đi vào ngõ ngách của tỉnh Bình Định thì miền cát trắng này chỉ có cây xương rồng và cây dương là nhiều, cây cỏ hoa trái khác vắng bóng. Hình ảnh tổng quan khô cằn này làm tôi liên tưởng đến một tâm hồn thiếu vắng sự vun tưới về niềm tin, về cách sống. Người ta phải tưới tắm cho tâm hồn mình thế nào khi đời sống xã hội ngày càng thực thực ảo ảo, truyền thông của xã hội là con dao hai lưỡi, bát nháo không thể tả được; những giá trị đáng quí của hôn nhân và gia đình như chung thủy, hy sinh, gắn bó...dần mờ nhạt. Sự thực dụng tinh quái len lỏi cả vào những môi trường tâm linh. Sự thanh tao khó diễn đạt của tình yêu cũng thấp thoáng những tính toán tầm thường.

Vun đắp cho tâm hồn như thế nào cho đúng? Mùa Chay nào Giáo Hội cũng trình bày những thông điệp ý nghĩa, sâu sắc; những bài giảng tĩnh tâm ở các nhà thờ là cả tâm tình tha thiết của quí cha được thỉnh giảng; những cách bố thí tích cực hơn; nhưng năm nào cốt lõi của lời kêu gọi trong Mùa Chay cũng là cầu nguyện, chay tịnh và chia sẻ thì cũng không phải là thừa cho những tâm hồn còn khôn cằn bị những cơn sóng đời thường cuốn đi.