Muốn hiểu cho đúng bối cảnh buổi cầu nguyện đại kết giữa hai vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và Giáo Hội Luthêrô, Đức Giám Mục Younan, ta cần đọc chính bản văn Lời Cầu Nguyện Chung, vốn là kết quả của nhiều cuộc đối thoại giữa hai Giáo Hội, ít ra cũng từ năm 2013, khi hai Giáo Hội công bố văn kiện “Từ Tranh Chấp Tới Hiệp Thông” nhằm kỷ niệm 500 năm Phong Trào Cải Cách do Martin Luther chủ xướng.

Đầu tháng Giêng năm nay, tại Vatican, Tổng Thư Ký Liên Minh Luthêrô Thế Giới, Tiến Sĩ Martin Junge, và Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo, đã chính thức công bố Bản Văn này và khuyến khích hai Giáo Hội sử dụng Bản Văn này trong các buổi cầu nguyện đại kết.

Lời giới thiệu của bản văn này cho rằng “Nó cung cấp một cơ hội để nhìn lui mà tạ ơn cùng xưng thú và nhìn tới mà dấn thân làm chứng chung và tiếp tục hành trình với nhau”. Bởi thế, bản văn được xây dựng quanh chủ đề: tạ ơn, thống hối và dấn thân làm chứng chung
.

Mở đầu



Bài hát mở đầu

Chủ tế I:

Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.

Amen.

Chúa ở cùng anh chị em!

Và ở cùng ngài!

Lạy Chúa, xin hãy mở môi con

Và miệng con sẽ cao rao lời ngợi khen Chúa.

Sáng danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần;

Như đã có trước vô cùng, bây giờ và đời đời chẳng cùng. Amen.

Chủ tế I:

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô! Xin chào mừng anh chị em tới tham dự buổi cầu nguyện đại kết này, nhằm kỷ niệm 500 năm Phong Trào Cải Cách. Trong hơn 50 năm qua, người Luthêrô và người Công Giáo đã cùng trên đường hành trình từ tranh chấp tới hiệp thông.

Với niềm hân hoan, chúng ta đã tiến tới chỗ nhìn nhận rằng điều hợp nhất chúng ta lớn hơn điều chia rẽ chúng ta rất nhiều. Trong cuộc hành trình này, sự hiểu biết và tín thác lẫn nhau đã lớn mạnh.

Chủ tế II:

Bởi thế, chúng ta đã có thể tụ họp nhau hôm nay. Chúng ta tới đây với những ý nghĩ khác nhau và các cảm xúc tạ ơn và than thở, vui mừng và thống hối, vui mừng trong Tin Mừng và buồn sầu vì chia rẽ. Chúng ta tụ họp để kỷ niệm trong tưởng nhớ, trong tạ ơn và xưng thú, và trong việc làm chứng và dấn thân chung.

Người đọc I

Trong văn kiện Từ Tranh Chấp Tới Hiệp Thông, chúng ta đọc thấy: “Giáo Hội là thân thể Chúa Kitô. Như chỉ có một Chúa Kitô thế nào, thì Người cũng chỉ có một thân thể như thế mà thôi. Nhờ phép rửa, con người trở thành các chi thể của thân thể này” (số 219).

“Vì người Công Giáo và người Luthêrô liên kết với nhau trong thân thể Chúa Kitô như các chi thể của thân thể này, nên về họ, đúng như Thánh Phaolô đã nói trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô 12:26: ‘nếu một chi thể đau, mọi chi thể đều cùng đau; nếu một chi thể được tôn vinh, mọi chi thể đều cùng hân hoan’. Điều tác động lên một chi thể của thân thể cũng tác động lên mọi chi thể. Vì lý do này, khi các Kitô hữu Luthêrô tưởng nhớ các biến cố dẫn tới việc tạo nên các Giáo Hội đặc thù của họ, họ không muốn làm thế nếu không có các đồng Kitô hữu Công Giáo của họ. Bằng cách cùng tưởng nhớ với nhau việc khởi đầu của phong trào Cải Cách, họ đang coi trọng phép rửa của họ” (số 221).

Chủ tế I:

Chúng ta hãy cầu nguyện!

[im lặng giây lát]

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa của Giáo Hội, xin Chúa sai Thánh Thần Chúa xuống! Xin Chúa soi sáng tâm hồn chúng con và hàn gắn ký ức chúng con. Lạy Chúa Thánh Thần: xin giúp chúng con biết hân hoan trước các hồng phúc đã đến với Giáo Hội qua Phong Trào Cải Cách, xin chuẩn bị để chúng con biết thống hối vì các bức tường chia rẽ mà chúng con, và cha ông chúng con, đã xây nên, và xin trang bị để chúng con cùng nhau làm chứng tá và phục vụ trong thế giới.

Amen.

Bài hát khẩn cầu Chúa Thánh Thần

Tạ ơn



Người đọc I:

Trích văn kiện Từ Tranh Chấp Tới Hiệp Thông: “Người Luthêrô tạ ơn trong lòng vì những gì Luther và các nhà cải cách khác đã đem đến cho họ: sự thông hiểu tin mừng của Chúa Kitô và đức tin vào Người; sự thông biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng đã tự hiến cho con người nhân trần chúng ta hoàn toàn vì ơn thánh và là Đấng chỉ có thể được tiếp nhận nếu biết tín thác hoàn toàn vào lời hứa hẹn của Người; sự tự do và tin chắc rằng tin mừng có tính sáng tạo; sự tín thác hoàn toàn vào tình yêu phát xuất từ và được đánh động bởi đức tin, và vào niềm hy vọng vào sự sống và sự chết mà đức tin vốn đem theo; và vào việc tiếp xúc sống động với Sách Thánh, các sách giáo lý, và thánh ca nhằm đem đức tin vào cuộc sống” (số 225), vào chức linh mục của mọi tín hữu đã chịu phép rửa và ơn gọi phụng sự sứ mệnh chung của Giáo Hội”.

“Người Luthêrô… hiểu rõ ràng rằng điều họ đang tạ ơn Thiên Chúa không phải là một hồng phúc họ chỉ giành lấy cho riêng mình. Họ muốn chia sẻ hồng phúc này với mọi Kitô hữu khác” (số 226).

Người đọc II:

“Người Công Giáo và người Luthêrô có rất nhiều đức tin chung với nhau đến nỗi họ có thể… cùng nhau tạ ơn” (số 226).

Được khuyến khích bởi Công Đồng Vatican Hai, người Công Giáo ‘vui mừng nhìn nhận và tôn trọng những giá trị thật sự Kitô giáo, xuất phát từ cùng một gia sản chung được tìm thấy nơi các anh em ly khai. Nhìn nhận những kho tàng phong phú của Chúa Kitô và những hoạt động của quyền lực Người trong đời sống của những kẻ đang làm chứng về Người - có khi phải đổ máu mới nói lên được - quả là điều chính đáng và có giá trị cứu rỗi: vì Thiên Chúa luôn đáng khâm phục và việc Người làm bao giờ cũng kỳ diệu (Unitatis Redintegratio, Chương 1).

Trong tinh thần này, người Công Giáo và người Luthêrô ôm nhau như anh chị em trong Chúa. Họ cùng nhau hân hoan trong các hồng phúc thực sự Kitô Giáo mà họ đều đã nhận lãnh và tái khám phá ra nhiều cách qua việc canh tân và thúc đẩy của Phong Trào Cải cách. Những hồng phúc này là lý do để tạ ơn.

“Hành trình đại kết giúp người Luthêrô và người Công Giáo biết cùng nhau đánh giá sự thông biết và trải nghiệm thiêng liêng của Martin Luther về tin mừng công chính của Thiên Chúa, vốn cũng là lòng thương xót của Người” (số 244).



Chủ tế I:

Chúng ta hãy cầu nguyện!

[im lặng giây lát]

Chúng con cảm tạ Chúa, Lạy Thiên Chúa, vì nhiều tầm nhìn thông sáng có tính hướng dẫn về thần học và tâm linh mà tất cả chúng con đã nhận lãnh qua Phong Trào Cải Cách. Chúng con cảm tạ Chúa vì các biến đổi và cải cách tốt lành đã được Phong Trào Cải Cách khởi động hay nhờ cuộc tranh đấu với các thách thức của Phong Trào này. Chúng con cảm tạ Chúa vì cuộc công bố tin mừng đã diễn ra trong thời Cải Cách và từ đó đã củng cố vô số người sống cuộc sống đức tin trong Chúa Giêsu Kitô.

Amen.

Bài ca tạ ơn

Thống hối



Người đọc I:

“Việc kỷ niệm trong năm 2017 khiến nói lên niềm vui và biết ơn thế nào, nó cũng giúp cả người Luthêrô và người Công Giáo có cơ hội cảm nghiệm sự đau đớn vì các thất bại và sai phạm, vì các lỗi lầm và tội lỗi trong những con người và những biến cố được kỷ niệm như thế” (số 228).

“Trong thế kỷ 16, người Công Giáo và người Luthêrô không những hay hiểu lầm mà còn phóng đại và châm chọc các đối thủ của mình nhằm biến họ thành trò cười. Họ liên tiếp vi phạm điều răn thứ tám, là điều răn cấm làm chứng gian chống lại người lân cận của mình” (số 233).

Người đọc II:

Người Luthêrô và người Công Giáo thường chú mục vào những gì chia rẽ họ hơn là tìm kiếm những gì hợp nhất họ. Họ nhìn nhận rằng Tin Mừng có cả các quyền lợi chính trị và kinh tế của những người nắm quyền. Các thất bại của họ kết quả mang lại chết chóc cho hàng trăm ngàn con người. Các gia đình tan nát, người người bị bỏ tù và tra tấn, nhiều cuộc chiến tranh diễn ra và tôn giáo cũng như đức tin bị lạm dụng. Con người nhân bản chịu đau khổ và tính khả tín của Tin Mừng bị phá hoại với những hậu quả vẫn còn ảnh hưởng tới ta ngày nay. Chúng ta hối hận sâu xa vì các sự ác mà người Công Giáo và người Luthêrô đã gây ra cho nhau.

Chủ tế I:

Chúng ta hãy cầu nguyện!

[im lặng giây lát]

Chủ tế II:

Lạy Thiên Chúa của lòng thương xót, chúng con than van vì ngay các hành động cải cách và canh tân tốt lành thường lại có các hậu quả tiêu cực vô ý.

Xin Chúa thương xót chúng con!

Chủ tế I:

Chúng con đặt trước Chúa các gánh nặng tội lỗi của quá khứ khi cha ông chúng con không tuân theo Thánh Ý Chúa muốn chúng con nên một trong sự thật của Tin Mừng.

Xin Chúa Kitô thương xót chúng con!

Chủ tế II:

Chúng con xưng thú cung cách suy nghĩ và hành động của chính chúng con đã kéo dài mãi các chia rẽ của quá khứ. Như các cộng đồng và các cá nhân, chúng con đang xây quanh chúng con nhiều bức tường: bức tường tâm trí, bức tường tâm linh, bức tường thể lý, bức tường chính trị gây nên kỳ thị và bạo lực. Lạy Chúa, xin Chúa tha thứ chúng con.

Xin Chúa thương xót chúng con!

Thánh Vịnh 130

[Thánh vịnh này có thể hát theo thể thánh vịnh hay hai phe thay nhau đọc trọn từng câu].

Chủ tế I và II:

[Các lời sau có thể được chủ tế I và II thay phiên nhau đọc]

Chủ tế I:

Chúa Kitô là đường, là sự thật và là sự sống. Người là sự bình an của chúng ta, Đấng phá đổ mọi bức tường chia rẽ, Đấng, qua Chúa Thánh Thần, ban cho chúng ta các khởi đầu luôn luôn mới mẻ.

Trong Chúa Kitô, chúng ta lãnh nhận ơn tha thứ và hòa giải và chúng ta được củng cố để cùng nhau làm chứng tá trung thành trong thời đại chúng ta.

Amen.

Dấu bình an

Chủ tế II

Hãy để bình an của Chúa Kitô thống trị trong tâm hồn anh chị em, vì là các chi thể của một thân thể duy nhất, chúng ta được kêu gọi tiến tới bình an.

Bình an của Chúa Kitô ở cùng anh chị em mãi mãi!

Và ở cùng ngài.

Chủ tế I

Chúng ta hãy tặng nhau dấu chỉ hoà giải và bình an

[mọi người chia sẻ bình an, trong khi bài “Ubi Caritas” hay 1 bài thánh ca khác được hát lên)

Tin mừng

Người đọc I:

Tiếp tục cuộc hành trình từ tranh chấp tới hiệp thông, ta hãy nghe Tin Mừng theo Thánh Gioan:



“Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:1–5).

Tin Mừng của Chúa!

Tạ ơn Chúa!

Bài giảng chung

Chủ tế I:

Cùng nhau, chúng ta hãy tuyên xưng đức tin của chúng ta

Kinh Tin Kính Các Thánh Tông Đồ

Bài ca

Các cam kết: 5 mệnh lệnh



Chủ tế II:

Cuộc hành trình đại kết của chúng ta tiếp tục. Trong buổi thờ phượng này, chúng ta cam kết lớn lên trong hiệp thông. Năm mệnh lệnh trong Từ Tranh Chấp Tới Hiệp Thông sẽ hướng dẫn chúng ta.

[Một cây nến lớn sẽ được đốt lên sau mỗi lời cam kết. Ánh sáng mỗi lần có thể lấy từ Nến Phục Sinh. Giới trẻ có thể được yêu cầu đọc 5 lời cam kết còn nến thì có thể được các trẻ em và gia đình thắp sáng. Đàn organ hay nhạc cụ khác có thể cử các bài như “In the Lord I’ll be ever thankful” (Taizé) hay một bài khác đệm cho việc thắp nến].

1. Cam kết thứ nhất: “Người Công Giáo và người Luthêrô sẽ luôn khởi đi từ viễn tượng hợp nhất chứ không khởi đi từ quan điểm chia rẽ, ngõ hầu củng cố những gì được giữ chung dù các khác biệt vẫn còn được thấy và được trải nghiệm dễ dàng” (số 239).

Đốt một cây nến

2. Cam kết thứ hai: “Người Luthêrô và người Công Giáo sẽ để mình liên tục được biến đổi bởi việc gặp gỡ người khác và bởi việc cùng nhau làm chứng cho đức tin” (số 240).

Đốt một cây nến

3. Cam kết thứ ba: “Người Công Giáo và người Luthêrô tái cam kết tìm kiếm sự hợp nhất hữu hình, cùng nhau khai triển xem điều này có nghĩa gì trong các biện pháp cụ thể và liên tục cố gắng đạt cho được mục tiêu này” (số 241).

Đốt một cây nến

4. Cam kết thứ tư: “Người Luthêrô và người Công Giáo sẽ cùng nhau tái khám phá sức mạnh của tin mừng Chúa Giêsu Kitô cho thời đại ngày nay” (số 242).

Đốt một cây nến

5. Cam kết thứ năm: “Người Công Giáo và người Luthêrô sẽ cùng nhau làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa bằng việc công bố và phục vụ thế giới” (số 243).

Đốt một cây nến

Bài ca

Lời nguyện chuyển cầu

[Các người đọc lời nguyện chuyển cầu có thể khác với những người đọc trên đây].

Chủ tế I:

Dấn thân đại kết cho việc hợp nhất Giáo Hội không chỉ để phục vụ Giáo Hội mà cả thế giới nữa để thế giới có thể tin”. Chúng ta hãy cầu nguyện cho thế giới, cho Giáo Hội và mọi người thiếu thốn…

1. Lạy Thiên Chúa của lòng thương xót, suốt trong lịch sử, lòng nhân hậu của Chúa luôn thắng thế, xin Chúa mở cửa tâm hồn mọi người để họ tìm thấy Chúa và lòng thương xót tồn tại muôn đời của Chúa.

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

2. Lạy Thiên Chúa của bình an, xin Chúa bẻ gẫy những gì cứng ngắc, những rào cản gây chia rẽ, những gắn bó phá hoại hoà giải. Xin Chúa đem bình an đến cho thế giới, nhất là tại [nước hoặc nơi nào đó]. Xin Chúa phục hồi sự toàn vẹn nơi chúng con và cho chúng con thấy lòng thương xót của Chúa!

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

3. Lạy Thiên Chúa của công lý, Đấng hàn gắn và cứu chuộc, xin Chúa cứu chữa người đang đau khổ vì bệnh tật, nghèo khó và loại trừ. Xin Chúa đẩy mạnh công lý cho những người đang đau khổ dưới ách sự dữ. Xin Chúa ban đời sống mới cho mọi người và cho chúng con thấy lòng thương xót của Chúa!

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

4. Lạy Thiên Chúa, đá tảng và thành lũy, xin Chúa che chở người tỵ nạn, những ai không nhà cửa và an ninh, tất cả các trẻ em bị bỏ rơi. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết bênh vự nhân phẩm. Xin cho chúng con thấy lòng thương xót của Chúa!

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

5. Lạy Thiên Chúa tạo dựng, mọi sáng thế đang rên rỉ chờ mong, xin Chúa hoán cải chúng con, đừng bóc lột sáng thế nữa. Xin Chúa dạy chúng con sống hoà hợp với sáng thế của Chúa. Xin cho chúng con thấy lòng thương xót của Chúa !

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

6. Lạy Thiên Chúa của thương xót, xin Chúa tăng sức mạnh và che chở những người đang chịu bách hại vì đức tin vào Chúa và những người thuộc các tín ngưỡng khác cũng đang chịu bách hại. Xin Chúa ban cho chúng con lòng can đảm để tuyên xưng đức tin. Lòng thương xót Chúa tồn tại muôn đời.

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

7. Lạy Thiên Chúa của sự sống, xin Chúa hàn gắn các ký ức đau thương, biến đổi mọi tự mãn, dửng dưng và ngu dốt, xin Chúa đổ tràn tinh thần hòa giải. Xin Chúa hướng chúng con về Chúa và về nhau. Xin Cho chúng con thấy lòng thương xót của Chúa!

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

8. Lạy Thiên Chúa của tình yêu, con Chúa là Chúa Giêsu mạc khải mầu nhiệm tình yêu giữa chúng con, xin Chúa củng cố sự hợp nhất mà chỉ có Chúa mới nâng đỡ được, giữa sự đa dạng của chúng con. Lòng thương xót Chúa tồn tại muôn đời!

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

9. Lạy Thiên Chúa, Đấng nâng đỡ chúng con, xin Chúa đem chúng con cùng đến bàn thánh thể của Chúa, xin Chúa nuôi dưỡng trong và giữa chúng con sự hiệp thông bắt nguồn từ tình yêu của Chúa. Lòng thương xót Chúa tồn tại muôn đời!

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

Chủ tế II:

Lạy Thiên Chúa, tin tưởng rằng Chúa nghe lời chúng con cầu xin cho các nhu cầu của thế giới và sự hợp nhất mọi Kitô hữu trong việc làm chứng của họ, hãy để chúng con cầu nguyện như Chúa Giêsu đã dạy chúng con…

Lạy Cha chúng con…

Chủ tế I:

Vì tất cả những điều Thiên Chúa làm trong chúng ta, vì tất cả những điều Thiên Chúa làm ngoài chúng ta,

Tạ ơn Chúa!

Chủ tế II:

Vì tất cả những người Chúa Kitô đã sống trong họ trước chúng ta, vì tất cả những người Chúa Kitô đang sống trong họ bên cạnh chúng ta,

Tạ ơn Chúa!

Chủ tế I:

Vì tất cả những ai Chúa Thánh Thần muốn đem chúng ta tới, vì những nơi Chúa Thánh Thần muốn sai chúng ta tới,

Tạ ơn Chúa!

Cả hai chủ tế cùng chúc lành

Xin phúc lành của Thiên Chúa, là Cha, Con và Thánh Thần, ở cùng anh chị em và ở trên đường anh chị em đi chung với nhau, bây giờ và mãi mãi

Amen.

Bài ca kết thúc