Tây Tạng: Đức Ban Thiền Lạt Ma có lẽ qua đời vì đầu độc

Lhasa – Ngài Chadrel Jampa Trinley Rinpoche, vị hoà thượng lo việc tìm kiếm Đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, có thể đã qua đời, do bị các quan chức Trung Quốc đầu độc.

Từ năm 1995, Ngài đã bị Trung Quốc giam giữ. Ngài được Đức Đạt Lai Lạt Ma sai đến Tây Tạng và đã công nhận một cậu bé, tên là Gedhun Choekyi Nyima, là vị hóa thân của Đức Ban Thiền Lạt Ma, giám chức cao cấp hàng thứ nhì trong Phật giáo Tây Tạng. Sau khi bị bắt, Ngài bị kết án sáu năm lao động cưỡng bức và ba năm tù giam. Sau khi ra tù, Ngài đã bị quản thúc tại gia trên thực tế.

Nguồn tin nói với hãng tin AsiaNews: "Chúng tôi nghĩ là Ngài có thể qua đời rồi. Một số người nói rằng Ngài đã bị đầu độc tại nhà ở Shigatse, nơi Ngài bị giam cầm trong nhiều năm".

Chính phủ Tây Tạng lưu vong cũng đưa tin về cái chết của Ngài. Một tin nhắn âm thanh được gửi đến cho một trong các nguồn tin ở Lhasa, xác nhận Ngài bị chết do đầu độc.

Ngày 17-5-1995, Ngài Chadrel Jampa Trinley Rinpoche và Ngài Jangpa Chung-la đã bị bắt tại sân bay Thành Đô. Hai vị là Chủ tịch và Thư ký của Ủy ban tìm kiếm vị hóa thân của Đức Ban Thiền Lạt Ma, vị lãnh đạo cao cấp hàng thứ nhì trong Phật giáo Tây Tạng.

Họ đã buộc tội Ngài "gây nguy hiểm cho an ninh Nhà nước" và "làm rò rỉ bí mật quốc gia". Sau hai năm lao động cưỡng bức, họ kết án Ngài sáu năm tù, rồi đến bốn năm tù khác.

Ngài Chung-la qua đời hồi tháng 11-2010. Ngài đã bị bệnh một thời gian, và đã bị từ chối sự chăm sóc y tế cần thiết khi bị quản thúc tại gia.

Khi một Đức Đạt Lai Lạt Ma qua đời, Đức Ban Thiền Lạt Ma có nhiệm vụ tìm kiếm vị luân hồi của Ngài. Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện nay, là Tenzin Gyatso, đã công nhận Gedhun Choekyi Nyima là Đức Ban Thiền Lạt Ma ngày 14-5-1995 nhờ hai Ngài Chadrel Jampa Trinley Rinpoche và Đức Jangpa Chung-la, mà Ngài đã giao nhiệm vụ. Vài ngày sau đó, cảnh sát Trung Quốc bắt cóc cậu bé sáu tuổi và gia đình của cậu. Nơi ở của họ vẫn chưa được biết.

Hồi tháng 11-1995, chính Trung Quốc "đã chọn" Gyaltsen Norbu làm Đức Ban Thiền Lạt Ma ‘thật sự’, tuyên bố họ đã áp dụng nghi lễ tôn giáo đích thực hơn so với những vị được sai đi bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma, như một phần của chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn của Trung Quốc về các thực hành tôn giáo của Tây Tạng.

Năm ngoái, Norbu đi vào chính trị của Trung Quốc, bằng cách tham gia các hoạt động của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Quốc, vốn làm tư vấn cho Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), tức Quốc hội Trung Quốc. (AsiaNews 25-11-2011)

Phạm Kim An