Trung Quốc: Sách Kinh Thánh và sách Hạnh Đức Bà trong thập niên 1930 được phát hiện tại giáo xứ duy nhất của Tây Tạng

Tây Tạng - Sách Kinh Thánh và sách Hạnh Đức Bà bằng tiếng Tây Tạng đã được phát hiện gần đây, trong điều kiện rất tốt, tại giáo xứ Công giáo duy nhất ở Tây Tạng, là giáo xứ Mang Kang (hoặc Shang Yan Jing).

Theo tin tức của Hội Đức tin ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, gửi đến hãng tin Fides, 45 sách Kinh thánh bằng tiếng Tây Tạng đã được dịch và xuất bản năm 1931, trong khi 489 sách Hạnh Đức Bà được xuất bản năm 1932.

Theo các chuyên viên, đây là các sách Công giáo duy nhất bằng tiếng Tây Tạng được bảo quản trong điều kiện hoàn hảo như vậy. Nhiều tín hữu đã yêu cầu in lại hai sách này, vốn còn hữu ích cho đời sống của Giáo Hội và sứ mạng của giáo xứ.

Nhà thờ giáo xứ Mang Kang (hoặc Shang Yan Jing) được xây dựng vào năm 1855, sau khi các nhà truyền giáo của Hội Thừa Sai Paris (MEP) đến sống ở Yan Jing. Phong cách kiến trúc là sự pha trộn giữa kiến trúc Hán và Tây Tạng, với hàng chục bức tranh về Đức Mẹ và Chúa Giêsu, và một cây thánh giá lớn cũng được nhìn thấy từ xa. Từ 1865 đến năm 1959, có 17 nhà truyền giáo tại Yan Jing, trong đó bảy vị chịu tử đạo cùng với 11 giáo dân địa phương. Giáo xứ đã được mở cửa trở lại vào ngày 24-12-1988.

Hiện nay, giáo xứ có một linh mục Tây Tạng làm cha quản xứ, hai nữ tu lớn tuổi, hai nữ tập sinh và 740 giáo dân. Ngày thường có hai Thánh lễ và ngày chủ nhật có ba Thánh lễ. Một bà cụ 84 tuổi trong làng đã học thuộc lòng sách Kinh thánh bằng tiếng Tây Tạng.

Theo lịch sử của đạo Công giáo Tây Tạng được trình bày bởi hội Đức tin, nhà thừa sai dòng Phanxicô, nay là Chân phước, linh mục Odorico Mattiuzzi đến từ Pordenone (1265-1331), một người cộng tác tuyệt vời của Chân Phước Giovanni da Montecorvino, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Bắc Kinh, trên đường từ Bắc Kinh về phương Tây, đã đến Tây Tạng năm 1328.

Vì vậy, linh mục này trở thành người phương Tây đầu tiên đến Tây Tạng trong lịch sử Trung Hoa, và cũng là linh mục Công giáo đầu tiên đến Tây Tạng trong lịch sử đạo Công giáo Trung Hoa, và việc này đánh dấu sự khởi đầu của hơn 700 năm lịch sử đạo Công giáo ở Tây Tạng.

Chuyến đi này cũng được thuật lại trong cuốn nhật ký nổi tiếng của Ngài về sứ mạng của Ngài ở vùng Viễn Đông. Trong những năm 1603, 1633, 1640 và 1661, luôn có các nhà thừa sai Dòng Tên ở Tây Tạng, những người cố gắng truyền giáo cho Tây Tạng, nhưng không may các vị luôn bị giết chết hoặc bị trục xuất, hoặc buộc phải chạy trốn.

Năm 1707, các nhà thừa sai người Ý Dòng Vinh Sơn (CM) đã đến Tây Tạng, như được nhắc nhớ bởi một chiếc chuông lớn trong Đại Chiêu Tự (chùa Jokhang) ở Lhasa (tiếng Tây Tạng là "ngai vàng Thượng Đế"), vốn đã được linh mục Desideri, Dòng Vinh Sơn, tặng vào năm 1729.

Năm 1741, 9 thừa sai Dòng Vinh sơn đã được gửi đến các khu vực truyền giáo khác của Tây Tạng, nhưng các vị đã buộc phải rút lui năm 1745, do sự phản ứng mạnh mẽ với Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Năm 1812, một thừa sai giáo dân người Hoa đầu tiên đã cố gắng truyền giáo ở Tây Tạng, nhưng đã bị trục xuất ngay lập tức.

Năm 1846, bề trên của cộng đoàn Dòng Vinh Sơn của Tổng Giáo Phận Bắc Kinh đã gửi hai nhà truyền giáo đến Tây Tạng. Năm 1861, Hạt Đại diện Tông toà Tây Tạng được thành lập. Năm 1890, đã có hơn một ngàn tín hữu Công Giáo Tây Tạng.

Năm 1920, có 776 người Công giáo ở Tây Tạng, 1.222 người Công giáo trong khu vực Tây Tạng của tỉnh Tứ Xuyên, 1.544 người Công giáo Tây Tạng tại tỉnh Vân Nam. Trong số các nhà thừa sai thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP) đến Tây Tạng, và các linh mục dòng Kinh Sĩ Âu Tinh đến năm 1933, tất cả đều bị trục xuất do cuộc cách mạng văn hóa. (Agenzia Fides 14-11-2011)

Nguyễn Trọng Đa