TRÀ KIỆU - Nhân kỷ niệm 30 năm ngày ban hành Tông Huấn Familiaris Consortio, Uỷ Ban Mục Vụ Gia đình của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã tổ chức cuộc Hội thảo và học hỏi Tông Huấn về Gia Đình của Chân Phước Gioan Phaolô II tại Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu, từ ngày 17 đến ngày 18/11/2011.

Xem hình ảnh

Tông Huấn Familiaris Consortio đã được Đức Hồng Y Ratzinger- nay là Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, giới thiệu như là “bản tóm lược những vấn đề thần học và mục vụ về hôn nhân và gia đình mà từ trước đến nay chúng ta chưa hề có” (J.Ratzinger, trong "L'Osservatore Romano, 18.12.1981)

Thánh Lễ khai mạc cho cuộc Hội thảo được cử hành trên đồi Bửu Châu tại Đền Đức Mẹ Trà Kiệu vào lúc 06g00 ngày 17/11/2011, do Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, chủ tịch Uỷ Ban Mục Vụ Gia Đình chủ tế. Cùng đồng tế, có quý Cha Trưởng Ban mục vụ gia đình của các giáo phận, quý Cha trong và ngoài địa phận.

Hình ảnh mọi thành phần dân Chúa cùng nhau quy tụ về bên Mẹ Maria Trà Kiệu để một lần nữa nhắc nhở mỗi người chúng ta tôn vinh Mẹ Maria với tước hiệu “Nữ Vương các Gia Đình”.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha đã hướng cộng đoàn sống lại mầu nhiệm gia đình Chúa Kitô và những định chế gia đình được thiết lập trên nền tảng của Chúa Ba Ngôi. Đặc biệt, Đức Cha đã nhắc lại cho cộng đoàn nghe về những biến cố lịch sử cùng những phép lạ Mẹ Maria đã làm tại Trà Kiệu để che chở, cứu thoát con cái Mẹ trong cơn bách hại.

Khoảng 8g00, mọi người tập trung về hội trường, bắt đầu bước vào giờ học hỏi và Hội thảo về Tông Huấn Familiaris Consortio.

Hiện diện trong cuộc Hội thảo gồm có Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Chủ tịch Uỷ ban Mục vụ gia đình, Đức Cha Phụ tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Tổng thư ký của Uỷ Ban Mục Vụ Gia Đình, quý Cha Trưởng Ban mục vụ gia đình các giáo phận, quý Cha và quý nữ tu các Dòng...cùng đại diện các phong gia đình, các đoàn thể đến từ 16 giáo phận.

Trong lời mở đầu cuộc Hội thảo về Tông Huấn, Đức Cha Chủ tịch đã giới thiệu bản Tông Huấn Familiaris Consortio bằng tiếng Việt do Cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ đã chuyển dịch, dẫn nhập và phát hành vào năm 2001, kỷ niệm 20 năm công bố Tông Huấn, với lời giới thiệu trang trọng của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, lúc ấy là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình. Nhưng rất tiếc, tài liệu quý báu này cho đến nay cũng chưa được phổ biến rộng rãi đến các gia đình, và chưa trở thành thủ bản cho những tác viên mục vụ gia đình tại các giáo phận và giáo xứ...Trong dịp này, Uỷ Ban Mục Vụ Gia đình đã phát hành lại toàn văn Tông Huấn do Cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ chuyển dịch và dẫn nhập.

Đức Cha Chủ tịch Uỷ Ban Mục Vụ Gia đình cho rằng việc kỷ niệm 30 năm Tông Huấn Familiaris Consortio dù có muộn màng, nhưng có còn hơn không!.

Tiếp sau lời mở đầu của Đức Cha Giuse, Cha Augustinô giới thiệu cùng cử tọa một cách tổng quát về một vài đặc điểm của Tông Huấn trong giai đoạn lịch sử của Giáo Hội và của thế giới. Tông Huấn Familiaris Consortio là thành quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 1980 về “những bổn phận của Gia Đình trong thế giới ngày nay”. Đây là Thượng Hội Đồng Giám Mục đầu tiên dưới triều đại của Đức Gioan Phaolô II và Tông Huấn này được ban hành vào ngày 22.11.1981, nghĩa là đúng vào thời điểm mà Giáo Hội và Quê Hương chúng ta đang gặp khó khăn về mọi mặt, nên nhiều người chưa hề biết đến hoặc chưa được giới thiệu và học hỏi một cách sâu rộng.

Bởi vậy, vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày ban hành Tông Huấn, Uỷ Ban Mục vụ Gia đình đã tổ chức cuộc Hội thảo về Tông Huấn để cùng nhau nhìn lại và học hỏi về Tài Liệu quan trọng này của Giáo Hội, làm nền tảng cho việc mục vụ gia đình trong giáo phận, giáo xứ... Vì Tông Huấn được xem như là thành quả và là một sự nối tiếp công việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục, nên việc làm của mỗi người là phải học hỏi và thấu hiểu ý nghĩa để tìm cách đưa vào trong giáo lý và hoạt động mục vụ của từng Giáo Hội địa phương.

Tiếp đến, anh Phanxicô Xaviê Trần Anh Dũng đến từ Tổng giáo phận Sài Gòn với bài thuyết trình “Ánh sáng và bóng tối nơi gia đình ngày nay” đã gợi lên một hoàn cảnh lịch sử mà gia đình đang trải qua ngày ngày như một bức tranh hòa lẫn ánh sáng và bóng tối. Bởi một đàng, người ta có được một ý thức sống động hơn về tự do cá nhân và chú ý nhiều hơn đến những tương quan liên vị trong hôn nhân, đến việc làm thăng tiến phẩm giá người phụ nữ, đến việc truyền sinh có trách nhiệm và giáo dục con cái, đến sự hợp tác giữa các gia đình để cùng nhau tăng trưởng trong đức tin và trong cuộc sống hôn nhân. Nhưng đàng khác, cũng cho chúng ta thấy có những dấu chỉ suy thoái về những giá trị luân lý, một quan niệm sai lầm về sự độc lập giữa vợ chồng, quyền bính của cha mẹ trên con cái, khó khăn trong việc truyền đạt những giá trị, thiếu can đảm trong việc truyền sinh sự sống mới, tìm kiếm những phương thuốc ngừa thai và nhiều lúc còn tìm cách triệt sản, nạn phá thai ngày càng lan tràn...

Sau phần giải lao khoảng 15 phút, Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Mục vụ Gia đình Tổng giáo phận Sài Gòn đã khéo léo trình bày với cử tọa đề tài “Ý định của Thiên Chúa: Gia đình là một cộng đoàn hiệp thông các ngôi vị - hình ảnh của gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi”. Với đề tài chia sẻ đó, Cha Luy đã gợi nhắc mọi người cần nhìn lại hoàn cảnh thế giới ngày nay trong đó các gia đình chúng ta đang sống với những đặc điểm về não trạng của nó. Kế đến, chúng tìm hiểu xem đâu là ý định của Thiên Chúa khi Ngài tạo dựng nên con người có nam có nữ, tạo dựng gia đình. Từ đó, ta biết sứ mạng cụ thể của gia đình của những bậc làm cha mẹ là gì?

Tiếp nối đề tài chia sẻ của Cha Luy, Cha Phaolô Nguyễn Hữu Trường Sơn thuộc Giáo phận Đà Nẵng, xuất thân từ học viện nghiên cứu về Hôn Nhân và Gia Đình, cùng với những suy tư của ngài đã chia sẻ cùng cử tọa đề tài “Đào tạo cộng đồng ngôi vị”, đó là một yếu tố quyết định cho sự hình thành một cộng đồng nhân loại theo ý định của Thiên Chúa để trở thành một cộng đồng “chư thánh trên trời”, mà “Ngay giữa lòng cuộc sống hôn nhân và gia đình, toàn bộ những tương quan liên vị được dệt nên- những tương quan về tình vợ chồng, tình phụ mẫu, tình con thảo, tình anh em qua những tương quan ấy mỗi ngôi vị được dẫn vào trong “gia đình nhân loại” và gia đình Thiên Chúa” (FC 15).

Sau khi kết thúc bốn đề tài chia sẻ, Đức Cha Phụ Tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng đã bày tỏ ý kiến với lòng thao thức và ước muốn theo như lời mời gọi trong Tông Huấn “Hỡi Gia Đình! Hãy trở nên điều mà mình là! Nghĩa là hãy trở nên đúng với bản chất của mình”. Với ý nghĩa sâu sắc đó, ngài đã đưa ra hai bản chất cụ thể của gia đình liên quan đến hoàn cảnh xã hội hiện tại: Gia đình phải là một tổ ấm hạnh phúc và gia đình là cái nôi của sự sống, “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất" (St 1, 28).

Cùng với Đức Cha Phụ Tá Tổng Giáo phận Huế, quý Cha Trưởng Ban Mục vụ gia đình đại diện các giáo phận đã lần lượt nêu lên những ý kiến tham luận cũng như những băn khoăn, trăn trở trong việc mục vụ hôn nhân và gia đình, khiến cho bầu khí Hội thảo thêm phần sống động và thấy rõ hơn những điều thực tại trong hoạt động mục vụ gia đình ở mỗi giáo phận, giáo xứ.

Buổi sáng đã khép lại với bốn đề tài chia sẻ. Đến 14g00, mọi người trở lại hội trường cùng sinh hoạt khởi động và đọc kinh để chuẩn bị cho bốn đề tài chia sẻ tiếp theo.

Trước bối cảnh văn hóa sự chết và não trạng chống sự sống đang trở nên dày đặc nơi gia đình ngày nay bởi nhiều nguy cơ: Cá nhân chủ nghĩa chủ trương; Tiến bộ khoa học kỹ thuật; Chủ nghĩa duy lợi; Lập trường bi quan của “môi sinh học” hay “tương lai luận”; Chủ nghĩa đa nguyên luân lý; Não trạng “bất mãn”; Tình trạng “vắng bóng Thiên Chúa” khiến cho đời người trở nên bấp bênh và vô nghĩa. Đứng trước hiện trạng có nhiều bóng tối che phủ đó, Cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến thuộc Tổng giáo phận Huế, tiến sĩ thần học luân lý, đã cùng với cử tọa tìm hiểu Tông Huấn qua đề tài chia sẻ “Gia đình phục vụ sự sống”.

Đứng trước sứ mạng “phục vụ sự sống” đang gặp nhiều khó khăn vì phải đối diện với nhiều thách đố lớn từ “não trạng chống sự sống”, đang thôi thúc Giáo Hội thi hành trách nhiệm làm “Mẹ và Thầy”, để luôn gần gũi, cảm thông, nâng đỡ và truyền dạy các gia đình Kitô hữu những quy tắc luân lý đặt nền tảng trên “sự thật” mạc khải về “sứ mạng Truyền Sinh và Giáo Dục con cái”, những sứ mạng cao cả đã được Tông Huấn xác định là những “thừa tác vụ đích thực” của Ơn Gọi Hôn Nhân và Gia Đình.

Tông Huấn nói đến việc phục vụ sự sống, trong đó bao gồm cả “Bổn phận giáo dục con cái theo đường lối của Tông Huấn Familiaris Consortio”, đó cũng là đề tài thuyết trình của Cha Giuse Đinh Quang Vinh, thuộc Giáo phận Đà Lạt, cử nhân thần học từ Học viện nghiên cứu về Hôn Nhân và Gia Đình.

Tiếp đến, anh Anrê Nguyễn Hữu Nghĩa, đại diện phong trào Khôi Bình đã chia sẻ đề tài “Trách nhiệm phát triển xã hội của gia đình”.

Bài thuyết trình cuối cùng của ngày Hội thảo đầu tiên do nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, Dòng Đaminh Tam Hiệp với đề tài “Gia đình tham dự vào cuộc sống và sứ mạng của Hội Thánh”.

Sau một ngày cùng nhau tích cực tìm hiểu, học hỏi và Hội thảo về Tông Huấn với tám đề tài được thuyết trình, chia sẻ một cách sâu sắc mang nhiều yếu tố thần học nên đòi hỏi mỗi người phải suy tư và làm việc trí óc nhiều.

Buổi cơm chợ quê của giáo xứ Trà Kiệu đã giúp mọi người có những giờ phút thư giãn, vui vẻ và thân mật bên nhau với những món ăn đặc sản, dân dã của vùng đất Quảng.

Ngày Hội thảo đầu tiên kết thúc bằng giờ tĩnh nguyện và chia sẻ chứng từ của các đôi vợ chồng đại diện các phong trào gia đình ở các giáo phận.

Bước sang ngày thứ hai, là phần về “Mục Vụ Gia Đình”, phần thứ IV của Tông Huấn đã được Cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ trình bày qua các đề tài liên quan đến những vấn đề hôn nhân như chuẩn bị từ xa ngay trong bổn phận gia đình cho đến việc chuẩn bị gần và liền trước lúc cử hành Hôn lễ trong trách nhiệm của giáo xứ; đồng hành với gia đình trẻ, tổ chức cơ cấu, nhân sự. Những trường hợp khó khăn và trái quy tắc của Hôn nhân và thái độ của người mục tử với tư cách là người đại diện cho Giáo Hội là “Mẹ và Thầy”. Là Mẹ thì phải cảm thông cho hoàn cảnh của con cái mình. Là Thầy thì phải chỉ dẫn cho con người đi đúng với sự thật.

Cũng trong dịp này, đại diện các phong trào gia đình đã lần lượt giới thiệu tổ chức và linh đạo của mình: Cộng đoàn Gia đình Chúa (hay còn gọi là Gia đình thiêng liêng) sinh hoạt với tôn chỉ “Nên thánh qua ơn gọi gia đình” bằng việc liên kết các gia đình Kitô hữu thành từng nhóm nhỏ gọi là “Gia đình” như những Cộng đoàn Giáo Hội cơ bản, nhưng có liên kết và thống nhất thành cộng đoàn Gia Đình Chúa với một linh đạo chung.

Tiếp đến là Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm với tôn chỉ “hợp nhất với Chúa Giêsu yêu thương cứu độ nhân loại”, đây là một tổ chức tông đồ giáo dân, chuyện việc cầu nguyện và hoạt động tông đồ trong sự hợp nhất với Chúa Giêsu, lấy việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa và đời sống hiệp thông thường xuyên với Chúa làm nền tảng cho mọi hoạt động tông đồ của mình. Đồng thời, lấy việc bước theo Chúa yêu thương đến cùng và khiêm tốn phục vụ cho sự sống dồi dào cùng sự phát triển toàn diện và vững bền của gia đình nhân loại.

Phong trào Gia đình Khôi Bình, sinh hoạt theo linh đạo của chân phước Ađôn Khôi Bình được đặt trong bốn chữ vàng “Thăng Tiến Xã Hội”, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn về ba phương diện tâm linh, tinh thần và vật chất.

Phong trào Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình với mục đích thương yêu gần gũi bằng việc làm, trên nền tảng khiêm nhường biết lỗi, nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi và tha lỗi.

Gia đình Cùng Theo Chúa: là một hiệp hội phục vụ việc loan báo Tin Mừng cho các gia đình Kitô hữu, nhằm canh tân đời sống bản thân, gia đình theo Lời Chúa, trong Chúa Thánh Thần, qua đó góp phần xây dựng Giáo Hội và xã hội.

Ngoài ra, còn có Cộng đoàn Gia đình Emmanuel, khởi đi từ nhu cầu của các cặp gia đình trẻ cần có sự nâng đỡ nhau trước thách đố của thời đại, bằng việc thờ phượng, thương xót và truyền giáo.

Theo Đức Cha chủ tịch, các Hiệp hội gia đình được ví như “cánh tay phải” đắc lực cho Uỷ ban Mục vụ Gia đình. Đó là những đặc sủng Chúa ban cho mỗi Cộng đoàn gia đình để cộng tác với các Giám mục, Linh mục thực hiện công tác mục vụ gia đình theo sứ mạng của mình tham dự vào đời sống của Giáo Hội.

Sau khi lắng nghe Cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ chia sẻ đề tài “Mục Vụ Gia Đình”, toàn thể tham dự viên đã chia ra thành 4 nhóm khác nhau, thảo luận theo 4 đề tài : Nhóm 1: Làm sao khởi động Ban Mục vụ Gia đình Giáo phận? Nhóm 2: Ban Mục vụ Gia đình Giáo phận lên kế hoạch 3 năm. Nhóm 3: Giới thiệu các Hiệp hội tông giáo dân về Gia đình. Nhóm 4:Giới thiệu tuần lễ gia đình, hướng về Đại hội Gia đình thế giới tại Milanô từ ngày 30/05 đến 03/06/2012.

Sau phần đúc kết các cuộc thảo luận nhóm, Đức Cha chủ tịch đã giới thiệu Ban Nghiên Huấn do Cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ làm trưởng ban. Đồng thời, ngài cũng nhấn mạnh đến vai trò và công việc của Ban truyền thông để giúp cho hoạt động mục vụ gia đình được phổ biến rộng rãi và có hiệu quả hơn.

Cuộc Hội thảo kỷ niệm 30 năm Tông Huấn Familiaris Consortio được kết thúc bằng Thánh lễ đại triều lúc 12g00 do Đức Cha Giuse chủ sự.

Sau bữa cơm trưa thân mật, mỗi tham dự viên ra về mang theo niềm hăng say mới quyết tâm phục vụ các gia đình được tỏ bày trong bức “Tâm thư gửi đến các gia đình và những ai đang phục vụ gia đình” - như muốn chia sẻ những nét chính yếu của Tông Huấn nhằm giúp cho các gia đình sống đúng bản chất và bổn phận của mình trong thế giới ngày nay.