TÂN ĐỊNH – Mừng kỷ niệm 150 năm thành lập giáo xứ và khánh thành tượng đài Lòng Chúa Thương Xót (LCTX), sáng Chúa nhật 13-11-2011, lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, ĐGM phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm – GM phụ tá TGP Saigon – đã đến chủ tế thánh lễ và làm phép tượng đài LCTX tại Gx Tân Định, cùng đồng tế có 11 linh mục, tham dự thánh lễ ước tính có gần 1.000 người. Đây cũng là dịp Năm Thánh đặc biệt của GX Tân Định.

10 giờ sáng, ĐGM Khảm làm phép tượng đài LCTX, sau đó đoàn rước tiến vào nhà thờ và bắt đầu thánh lễ. Ca đoàn hát nhập lễ là một bài thánh ca Năm Thánh.

Trong bài giảng, ĐGM Khảm kể về một lần các giám mục Việt Nam đi Ad Limina (viếng mộ 2 thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, và yết kiến ĐGH), một giám mục đề nghị mở án phong thánh cho ĐGM Pièrre Lambert de la Motte (2) và LM Phanxicô Trương Bửu Diệp (3), ĐHY Bộ trưởng Bộ phong thánh có nói về quy trình lập hồ sơ, phải điều tra kỹ và có phép lạ. Một giám mục hỏi: “Vậy phép lạ nào để Tòa thánh phong thánh cho các vị tử đạo Việt Nam?”. ĐHY Bộ trưởng nói: “Việt Nam có nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ, giáo dân Việt Nam sống đạo nhiệt tâm. Đó chính là phép lạ vĩ đại nhất”.

Việt Nam không chỉ có 117 thánh tử đạo mà có hàng trăm ngàn người đã đổ máu mình làm chứng về Chúa Giêsu, nhưng chỉ có 117 vị tử đạo được biết rõ tên tuổi và nguồn gốc. Ngày xưa, tại đất Thăng Long (Hà Nội ngày nay), người ngoại thấy đạo “lạ” nên đã gọi là “đạo yêu nhau”. Điều này cho thấy người Công giáo yêu thương nhau theo tinh thần Đức Kitô. Đó cũng là một cách làm nhân chứng.

Một tác giả viết trên internet rằng, từ khi có chính sách 1 con, ước tính tại Trung quốc đã có đến 400 triệu tử nhi. Theo tin từ UCANews ngày 8-11-2011, một nghĩa trang thai nhi tại Ngọc Hồ (quận Hương Trà, Huế) là nghĩa trang thai nhi lớn nhất Việt Nam có đến 43.000 tử nhi, mỗi ngày các sinh viên thu gom khoảng 10-20 tử nhi đem về chôn cất tại nghĩa trang này.

Tội lỗi ngày nay không phải là tội này hay tội kia, mà là “mất cảm thức tội lỗi”. ĐGM Khảm nói rằng khinh miệt thai nhi thì cũng sẽ khinh người khác. Vì vậy HĐGM Việt Nam đã lên tiếng kêu gọi “xây dựng văn minh tình thương và bảo vệ sự sống”.

Chính Karl Marx còn nói: “Chỉ có con vật mới quay lưng lại với đồng loại để chăm sóc bộ lông của nó”. Vậy con người không thể đối xử với nhau như loài vật.

ĐGM Khảm nói: “Tôn vinh LCTX không vì lợi ích riêng, kể cả phần rỗi của chính mình, mà phải để cho LCTX ngấm vào hơi thở của mình”. Thật vậy, lên thiên đàng một mình là ích kỷ, chưa thể hiện đúng Tình Yêu Chúa và Lòng Thương Xót của Chúa.

Chính Chúa Giêsu đã mạc khải LCTX, nhưng thật buồn khi một linh mục thuộc giáo hạt Tân Sơn Nhì đã “vô tư” nói: “LCTX chỉ là một nhóm người đạo đức, không là một hội đoàn”. Chúng ta biết rằng chính Chúa Giêsu đã yêu cầu thánh nữ Faustina xin giáo quyền thiết lập lễ kính LCTX vào Chúa nhật II Phục sinh, và chân phước GH Gioan Phaolô II đã chính thức công bố lễ đó cho Giáo hội toàn cầu. Chúa tha thiết kêu gọi mọi người mau chạy đến với LCTX, vì thời gian đang trong giai đoạn “nước rút”, thế mà vẫn có linh mục thẳng thừng từ chối thành lập cộng đoàn LCTX, thật “khó hiểu”!

Rước lễ xong, mọi người đứng và đọc Kinh Năm Thánh. Sau đó, ĐGM Khảm đã ban phép lành Tòa thánh cho những người tham dự thánh lễ theo quy chế Năm Thánh. Thánh lễ bế mạc lúc 11 giờ 30, mọi người hân hoan ra về, và mỗi người nhận phần nước giải khát do các em thiếu nhi đứng ở các cửa nhà thờ trao tận tay mỗi người.

Gx Tân Định là giáo xứ lớn trong TGP Saigon, tọa lạc tại số 289 Hai Bà Trưng, P.8, Q.3, Saigon. Gx Tân Định được thành lập năm 1860, nhà thờ xây dựng năm 1876, bổn mạng là Thánh Tâm Chúa Giêsu, Website: http://giaoxutandinh.net. Hàng tuần có Tờ tin Giáo xứ và Tờ tin Thiếu nhi phát miễn phí cho giáo dân tìm hiểu và học hỏi về cả đạo và đời. Quản xứ hiện nay là LM G.B. Võ Văn Ánh (sinh 1939), kiêm hạt trưởng hạt Tân Định, đặc trách giáo dân và tổng linh hướng cộng đoàn LCTX TGP Saigon (1). Gx Tân định hiện có 2 linh mục phụ tá.

Theo lịch sử Gx Tân Định, ngày 06-01-1929, nhà thờ Tân Định nhận được ba bàn thờ cẩm thạch trị giá 50.000 quan do gia đình ông Francois Haasz và bà Anna Tống Thị Mực dâng. Đây là bàn thờ quý nhất TGP Saigon và được làm toàn bằng cẩm thạch Ý.

Gx Tân Định đã có một ngày Chúa nhật đẹp trời với niềm vui thánh thiện “3 trong 1”: Mừng 150 thành lập giáo xứ, khánh thành tượng LCTX, và khai mạc Năm Thánh đặc biệt của giáo xứ.

Tạ ơn Chúa, vì đây là dịp để mọi người rao truyền và thể hiện LCTX, noi gương tiền nhân là các Thánh Tử đạo Việt Nam đã anh dũng làm chứng về Chúa.

(1) Xin được mở ngoặc: Đây là cộng đoàn chính thức của TGP Saigon, chứ không như đa số đều “bé cái lầm” là nhóm của Lm Giuse Trần Đình Long (Dòng Thánh Thể) vẫn tổ chức tại nhà thờ Chí Hòa (Saigon).
(2) ĐGM Phêrô Lambert de la Motte (16.1.1624 – 15.1.16790), người Pháp, sáng lập Hội Truyền giáo Paris (Paris Foreign Missions Society) và đi truyền giáo ở Á châu. Ngài lập Đại chủng viện Thánh Giuse (Seminary of St. Joseph) năm 1665-1666 tại Ayuthia (Thái Lan), và lập Dòng Mến Thánh Giá (Amantes de la Croix de Jésus-Christ) năm 1670 tại miền Bắc Việt Nam.
(3) Trương Bửu Diệp sinh ngày 1 tháng 1 năm 1897 tại làng Tấn Đức, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Thân phụ là ông Micae Trương Văn Đặng (1860-1935), thân mẫu là bà Lucia Lê Thị Thanh. Ngài được LM Giuse Sớm rửa tội ngày 2.2.1897 tại họ đạo Cồn Phước, lấy tên thánh là Phanxicô.
Năm 1904, lúc lên bảy tuổi thì mẹ mất, ngài theo người cha đến Battambang, Campuchia sinh sống bằng nghề thợ mộc. Tại đây, người cha lấy bà Maria Nguyễn Thị Phước, sinh năm 1890, quê quán họ Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang.
Năm 1909, LM Phêrô Lê Huỳnh Tiền đưa cậu Trương Bửu Diệp nhập Tiểu chủng viện Cù Lao Giêng, thuộc xã Tấn Mỹ, Chợ Mới, An Giang. Mãn tiểu chủng viện, thầy Diệp lên Đại chủng ciện Nam Vang (Campuchia) vì thời ấy, các họ đạo trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều trực thuộc Giáo phận Nam Vang.
Năm 1924, sau thời gian tu học, thầy Diệp được thụ phong linh mục tại Nam Vang, thời Giám mục Valentin Herrgott cai quản. Năm 1924-1925, LM Diệp được bổ nhiệm làm linh mục phó họ đạo Hố Trư, một họ đạo của người Việt sinh sống tại Kandal, Campuchia. Năm 1927-1929, ngài về làm giáo sư tại Chủng viện Cù Lao Giêng.
Tháng Ba năm 1930, ông về nhận nhiệm sở tại họ đạo Tắc Sậy. Trong những năm làm chính xứ, ngài đã liên hệ, giúp đỡ để thành lập thêm nhiều họ đạo lân cận như: Bà Đốc, Cam Bô, An Hải, Đầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Đồng Gò, Rạch Rắn. Năm 1945-1946, chiến tranh loạn lạc, giáo dân phải di tản khắp nơi, linh mục bề trên của giáo phận là Trần Minh Ký ở Bạc Liêu và cả người Pháp cũng gọi ngài đi lánh nạn, khi nào tình hình yên ổn thì hãy trở về họ đạo, nhưng ngài từ chối và trả lời: “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết”.
Ngày 12.3.1946, ngài bị bắt cùng với trên 70 giáo dân của họ đạo Tắc Sậy, bị giam chung với con chiên bổn đạo trong lẫm lúa của ông giáo Sự tại Cây Gừa. Do sự tranh chấp giữa các phe phái, và vì bênh vực quyền lợi của giáo dân, ngài đã xin chết thay cho những người bị bắt chung. Người ta phát hiện xác của ngài từ một cái ao nhà ông giáo Sự, với vết chém sau ót, ngang mang tai và thân xác trần truồng. Sau đó, thi hài ngài được chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo. Đến năm 1969, hài cốt được dời về nhà thờ Tắc Sậy, nơi ngài đã làm quản xứ trong 16 năm.