HÀ NỘI - Người ta đồn rằng: chính quyền quyết tâm làm đến cùng vụ bệnh viện Đống Đa hiện đang thuộc quyền sở hữu của tu viện dòng Chúa cứu thế Thái Hà vì tình hình có nhiều thuận lợi.

Tu viện St. Paul bị phá dỡ tháng 5-2011
Các nhân vật có tiếng gai góc như linh mục Nguyễn Văn Khải cũng đã được gửi ra nước ngoài du học. Linh mục Vũ Khởi Phụng Bề trên dòng CCT Thái Hà ốm yếu đang phải đi dưỡng bệnh. Thủ lĩnh tinh thần của Tổng giáo phận Hà Nội là TGM Ngô Quang Kiệt đã từ nhiệm về tĩnh dưỡng ở Châu Sơn từ hơn một năm nay và được thay bằng TGM Nguyễn Văn Nhơn- người được coi là “dễ thân thiện với chính quyền”. Bởi vậy, sau khi TGM Nhơn nhậm chức, một vị lãnh đạo của Hà Nội đã vui mừng thông báo rằng: từ nay chúng ta có thể kê cao gối mà ngủ vì chắc chắn sẽ không còn xảy ra những vụ tương tự như Thái Hà, Khâm Sứ năm 2007-2009 nữa.

Có lẽ vì quá yên tâm với vị lãnh đạo mới của Toà TGM Hà Nội nên chính quyền đã có triển khai xây dựng bệnh viện St. Paul (số 72 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) vốn là cơ sở của dòng thánh Phaolô hồi tháng 5-2011. Lập tức, hàng loạt đơn kiến nghị phản đối được gửi tới chính quyền Hà Nội trong đó có 2 văn thư kiến nghị khẩn cấp do chính TGM Hà Nội Nguyễn Văn Nhơn ký. Chính quyền giật mình, vội tìm cách xử lý. Người ta đi tìm ông Luật sư Dương Văn Đàm - nghe đâu đã thay mặt giáo hội Công giáo bàn giao bệnh viện St. Paul cho Nhà nước năm 1956. Nhưng ông Đàm đã chết cả chục năm rồi. Vả lại ông có còn sống cũng chẳng ai cho ông cái quyền đại diện phía Công giáo cả, mặc dù lúc đó ông là Phó Chủ tịch Uỷ ban liên lạc Công giáo. Vậy là phải tổ chức hai cuộc họp giữa đại diện Toà giám mục Hà Nội và phía chính quyền. Một giải pháp dung hoà được đưa ra. Bệnh viện chính quyền vẫn xây vì phục vụ công ích và hơn nữa chính TGM Ngô Quang Kiệt đã tuyên bố: “các cơ sở làm bệnh viện St. Paul, Việt Đức chúng tôi không đòi”. Cây Thánh giá sẽ được đặt trên nóc ngôi nhà 5 tầng cao nhất. Bệnh viện sẽ bố trí một phòng làm nơi cầu nguyện cho các bệnh nhân Công giáo và là nơi linh mục có thể đến ban phép xức dầu cho bệnh nhân. Bệnh viện vẫn giữ tên St. Paul như cũ và tượng Thánh Phaolô vẫn được bảo tồn trong khuôn viên.

Vậy là ổn thoả bệnh viện St. Paul. Chính quyền làm tiếp bệnh viện Đống Đa và nghĩ rằng cùng lắm là lại thoả thuận giữ nguyên cây Thánh giá trên nóc bệnh viện là xong. Nhưng xem ra vụ này khó trôi. Dòng CCT Thái Hà không phản đối việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải vì đấy là việc của bệnh viện. Bao nhiêu bệnh viện trên địa bàn thành phố làm nhà máy xử lý nước thải, dòng CCT Thái Hà đâu có ý kiến gì. Vấn đề là cơ sở của bệnh viện này cho đến nay vẫn là sở hữu hợp pháp của nhà dòng. Trong thời gian vừa qua (gần nhất là đến năm 2007), bệnh viện muốn sửa chữa, xây dựng bất cứ công trình gì, thậm chí chỉ cưa một cây si bị đổ do gió bão, giám đốc bệnh viện cũng viết giấy xin phép nhà dòng và cam kết sẽ giữ nguyên hiện trạng để hoàn trả nhà dòng khi nhà nước trả lại cơ sở này cho nhà dòng. Nhưng nay chính quyền làm ngược lại với cách truyền thống là ra “thông báo” và buộc nhà dòng phải chấp hành. Ngay cả “giấy mời” linh mục Nguyễn Văn Phượng- chính xứ Thái Hà cũng rất mệnh lệnh “đúng giờ x phải có mặt, không được cử ai đi thay”… Linh mục Phượng có phải là tội phạm đâu mà “mời” như vậy. Hơn nữa lại đúng vào ngày lễ buộc ngày 1tháng 11là lễ các Thánh, ngày 2 tháng 11 là lễ các linh hồn. Nhà thờ Thái Hà những ngày lễ lớn 5 lễ, kín lịch cả ngày, không cho người đi thay thì ai thay cho linh mục dâng lễ?

Bất ngờ nhất với chính quyền là sau khi nhận được báo cáo của xứ Thái Hà về vụ việc chiều ngày 30- 4 do các cựu chiến binh, hội người cao tuổi được chính quyền tổ chức xông vào nhà thờ Thái Hà gây hấn, Toà TGM Hà Nội đã ngay lập tức có văn thư trả lời ngày 4-11-2011. Bức thư dù chỉ do linh mục chánh văn phòng Nguyễn Hùng ký nhưng là truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Đức TGM Hà Nội. Có vị cán bộ đã kêu lên: Cái ông này sinh ngày 1 tháng 4 nên không thể tin được.

TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn có lẽ là ẩn số lớn nhất đối với chính quyền Hà Nội lúc này. Có thể năm ngoái khi chân ướt, chân ráo ra Thủ đô lạ người, lạ đất nên ngài phải im lặng quan sát. Nay đã biết người, biết ta nên ngài phải phản ứng. Hơn nữa, lâu nay, ngài vẫn mang tiếng là “thân thiện qúa mức với chính quyền”, bây giờ ngài có cơ hội để khẳng định mình trước dư luận. Có người còn suy đoán rằng, ngài sắp phải làm đơn nghỉ hưu theo luật định (ngài sinh 1- 4-1938) nên nếu ghi được điểm trước giáo dân và Toà thánh có khi lại còn được vinh thăng Hồng y và còn lưu lại chức TGM cả chục năm nữa cũng nên.

Nhưng ẩn số ở đây không chỉ là TGM Hà Nội. Sau lá thư của Toà TGM Hà Nội gửi cho Thái Hà, Toà giám mục Kontum cũng ta thư hiệp thông và cũng ngỏ ý muốn “xin lại” những cơ sở của giáo phận đang bị “mượn” mãi mà không trả. Một số giáo phận khác trong những ngày tiếp theo cũng sẽ lên tiếng như vậy... Phản ứng dây chuyền này sẽ tạo ra một áp lực cho Hà Nội khi hội đàm phái đoàn Toà thánh tại hội nghị vòng ba ở Hà Nội vào tuần tới. Mặt khác nó nói lên tinh thần hiệp thông và đoàn kết một cách cụ thể của Giáo hội Việt nam mà người giáo dân và Tòa thánh có thể dễ dàng nhận ra được...

Một ẩn số nữa là tinh thần đoàn kết của giáo dân Thái Hà lên rất cao. Có lẽ chưa có biến cố nào làm cho giáo dân gắn kết thành một khối bền vững như thế. Người ta chia nhau túc trực nhà thờ ngày đêm và quyết tâm bảo vệ tài sản giáo hội dù có phải trả giá bằng tù đày thậm chí bằng cả sinh mạng mình. Tối thứ bảy 5-11-2011, linh mục Nguyễn Văn Phượng một lần nữa xin mọi người bình tĩnh, hiệp thông bằng lời cầu nguyện theo tinh thần bất bạo động để làm chứng cho sự thật và công lý. Cả rừng người đã vỗ tay hồi lâu tán thưởng, đồng thuận. Nếu chứng kiến giây phút đó, có lẽ chính quyền sẽ có giải pháp hợp lý hơn cho vụ việc bệnh viện Đống Đa.