Tháng 11, Mùa Thu, Mùa Tạ Ơn, và Những Kỷ Niệm

Cali trời vừa sang thu, mới chơm chớm thôi. Có lẽ vì còn ảnh hưởng bởi cơn bão bất chợt vừa thổi qua vùng đất này mang theo những ngày mưa gió ướt át sớm hơn thường lệ. Điều này khiến cho những người nhà vườn nơm nớp lo sợ, nhất là vụ nho đang bắt đầu thu hoạch. Còn những ai trồng cà chua thì lo hái vội kẻo hư. Lá vẫn chưa ngả mầu nhiều, nhưng ánh nắng thu vàng đã óng ả rực rỡ lắm rồi. Trong cơn gió mơn man nhẹ nhàng se lạnh, bước thu sang nghe sao dịu dàng đáng yêu đến thế. Cũng như mọi năm, bạn bè đã bắt đầu gửi cho nhau những cảnh thu vàng đỏ tuyệt vời, lồng trong những bài hát và những bản nhạc về thu, mà bao giờ “Autumn Leaves” cũng đứng đầu danh sách. Ai chẳng mềm lòng khi nghe tiếng ca thổn thức “but I miss you most of all, my darling, when autumn leaves start to fall”?

Rồi tháng 11 cũng vừa đến, tháng có những ngày không thể nào quên: sinh nhật, kỷ niệm thành hôn, tưởng niệm những người đã khuất, lễ Tạ Ơn, ôi sao mà đầy đủ ý nghĩa và hương vị cuộc đời đến thế?

Nhân nói về Sinh Nhật

Cứ mỗi lần viết lời mừng sinh nhật ai đó, thì không thể không nhắc tới một câu nói rất bình dị, rất vô thưởng vô phạt, nhưng ngày càng trở nên phổ biến, được trưng dẫn rất nhiều nơi trên thế giới. Tác giả không ai khác ngoài cha cố Larry Lorenzoni, Dòng Don Bosco, hiện cư ngụ tại vùng Cựu Kim Sơn đây, tuổi đã ngoài bát tuần, nhưng tính tiếu lâm và hài hước vẫn còn phong độ. Đó là câu: “Mừng sinh nhật thì tốt cho bạn lắm đó. Thống kê cho biết rằng ai mừng sinh nhật nhiều nhất thì sẽ sống lâu nhất.” Đúng là huề vốn kiểu Ý Đại Lợi!

Mừng một sinh nhật mới, được thêm một tuổi...thọ, cũng có nghĩa là mình đã đến gần khu vực ngày càng phát triển, tức nghĩa trang Oak Hill, hơn một bước. Nhưng sao lại nói..gở thế? Người ta kiêng lắm đấy! Phải, có kiêng mới có lành. Thôi, nói chuyện thực tế và có hậu chắc sẽ vui hơn. Thực tế thì thế này: tuổi già cứ y như là chiếc phi cơ cất cánh trong một ngày giông bão. Nếu bạn đã ngồi nai nịt gọn gàng yên vị trên chuyến bay đang lao vút đi rồi, bạn còn làm gì được hơn nữa? Dẫu sao, mình vẫn có thể lạc quan được chứ! Này nhé, thay vì bảo rằng mình đã ‘già’ hơn, ai cấm mình nói rằng mình đã “chin mùi” hơn? Đó là ý tưởng của cô đào B.B. một thời làm mưa gió trời Âu. Cũng đúng thôi: gừng càng già thì càng cay, rượu càng để lâu càng ngon nồng. Chẳng thế mà cụ tiên điền Nguyễn Công Trứ đã phải thốt lên: ‘càng già, càng dẻo, càng dai.’ Nữ minh tinh Ý Anna Magnani của thế kỷ trước, đã có lần tự trào rằng: “Chớ có động đến những nét chân chim trên mặt tôi, bởi vì phải chờ lâu lắm mới có được nó đấy.” Cũng thấy an ủi chút đỉnh: sắp hết rồi cái ngưỡng cửa hưởng dương, được nhập bọn dung dăng dung dẻ với quý vị hưởng…thọ thì vui biết chừng nào!

Nói đến ‘sinh’ thì phải nói ngay đến ‘tử.’ Không phải chỉ vì trong tháng 11 hàng năm, khi nhớ đến những người quá vãng, thì nhân tiện mình nhớ đến cái chết luôn thể. Không phải chỉ có thế đâu! Cả thế giới vẫn còn đang xúc động trước cái chết “hưởng dương” của tài năng xuất chúng Steve Jobs, cha đẻ của các thứ sản phẩm điện tử đầy sáng tạo hiện đang làm điên đảo thế giới. Ông là một con người rất thâm trầm, chỉ biết làm mà không biết…nổ, ngoại trừ bài diễn văn tuyệt vời của một nhân vật đã bỏ ngang việc học, nhưng nay lại đứng trên bục cao dõng dạc tuyên đọc nhân lễ ra trường năm 2005 cho các sinh viên Stanford trong mũ áo cân đai đàng hoàng nghiêm chỉnh. Chính qua bài diễn văn này mà người ta mới biết thêm được chút ít về một con người khác, đứng nấp đàng sau bóng dáng của nhà sáng chế ra những sản phẩm điện tử để đời. Bài diễn văn đơn giản, chỉ nói lên ba câu chuyện của chính cuộc đời ông. Cả ba câu chuyện đều thấm thía, nhưng đáng nhớ nhất có lẽ là câu chuyện về cái chết mà ông đã linh cảm sau khi khám phá ra căn bệnh ung thư tụy tạng nan y của mình. Ông nói: “Khi lên 17 tuổi, tôi có đọc được một câu trích dẫn đại khái thế này: Nếu mỗi ngày bạn sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng của đời bạn, thì một ngày nào đó chắc chắn bạn sẽ đúng.” Ông thú nhận câu nói đó đã ảnh hưởng sâu xa suốt 33 năm trời ròng rã cuộc đời ông. Dường như ông cũng thuộc bài hát: “Nếu chỉ còn một ngày để sống” thì phải? Y như một nhà tu đức (hình như ông là một tín đồ Phật giáo), ông thành thật khai báo rằng sáng nào ông cũng soi gương và tự hỏi: “Nếu hôm nay đúng là ngày cuối cùng của đời tôi, liệu tôi có tiếp tục làm điều tôi đang toan tính hôm nay chăng? Và nếu câu trả lời là ‘không’ cứ tiếp nối trong nhiều ngày, thì tôi biết tôi phải thay đổi.” Tiếp sau đó là những suy tư rất nhân bản, rất đáng trân trọng về mặt tâm linh, không thua kém gì những phát minh mà ông đã cống hiến cho đời trong lãnh vực điện tử. Xin được trích dịch nguyên văn: “Nhớ rằng chẳng bao lâu nữa mình sẽ ra đi đã trở thành thứ dụng cụ quan trọng nhất chưa hề sử dụng, giúp tôi quyết định những chọn lựa lớn trong đời. Bởi lẽ, hầu như tất cả mọi sự--tất cả những hoài vọng bên ngoài, tất cả những huyênh hoang tự đắc, tất cả những nỗi lo sợ vì hoang mang bối rối hay thất bại--tất cả những thứ này đều tan thành mây khói trước cái chết, để chỉ còn lại những điều thật sự hệ trọng. Nhớ rằng mình sắp ra đi chính là cách tốt nhất khiến tôi thoát khỏi cái bẫy cho rằng mình sẽ đánh mất một cái gì đó. Bạn đã trắng tay trần trụi rồi. Đâu còn lý do gì để không chiều theo tiếng nói của con tim mình.”

Kề cận với cái chết, một rình chờ rất thật, chứ không còn là một khái niệm tri thức viễn vông, những tâm sự ‘hiện sinh’ của Steve Jobs đã đánh động rất nhiều người, không kể những sinh viên ra trường được nghe ông nói chuyện trực tiếp ngày hôm ấy. Tưởng không hề thừa thãi, mà còn hữu ích nữa là khác, nếu được phép trích dẫn thêm một chút suy tư về cái chết, được nói bằng một thứ ngôn ngữ khác của nhà phát minh Steve Jobs: “Chẳng ai muốn chết đâu. Ngay cả những kẻ muốn lên thiên đàng cũng chẳng có ai muốn chết. Nhưng chết vẫn là định mệnh tất cả chúng ta cùng chia sẻ. Chưa hề có ai thoát được cái chết. Và phải thế thôi, bởi lẽ Chết rất có thể là phát minh tối hảo duy nhất của Sống. Chết là tác nhân thay đổi của Sống. Nó hủy diệt cái cũ để mở đường cho cái mới.” Thứ ngôn ngữ và suy luận này về cái chết thiết tưởng phải là của một triết gia.

Kỷ Niệm Thành Hôn

Theo “Chứng Ngứa Bẩy Năm” (‘The Seven-Year Itch,’), tựa đề cuốn phim, sản xuất năm 1955, trong đó Marilyn Monroe mặc bộ áo đầm trắng trinh nguyên, đứng gần lò sưởi trong hầm xe điện ngầm, thì sau bẩy năm keo sơn, một trong hai người phối ngẫu sẽ thấy chán chường và toan bỏ đi. Nói một cách khác, sau bẩy năm, thời kỳ trăng mật coi như chấm dứt: cho dù cặp phối ngẫu vẫn còn yêu nhau đấy, nhưng không nhất thiết phải “phấn khởi hồ hởi” với nhau nữa. Cả hai chợt thấy bồn chồn. Khi ngứa, thì tất nhiên và tự nhiên là phải…gãi. Đây là những dẫn chứng: Ashton và Demi (đang làm xôn xao dư luận) đã lấy nhau được 6 năm rưỡi rồi, sắp sửa tới hạn bẩy năm. Reese Witherspoon và Ryan Philippe chia tay nhau sau bẩy năm chung sống. Jennifer Aniston và Brad Pitt ly dị sau bẩy năm làm đám cưới. Dường như con số bẩy này đang ám ảnh những cặp giai nhân tài tử ở Hollywood. Vì xu hướng này mà một vài năm trước, ở Đức, người ta đã dự định cấp giấy chứng hôn chỉ có hiệu lực trong vòng bẩy năm. Ai muốn lâu hơn, thì xin gia hạn thêm bẩy năm nữa. Thế nhưng, gần đây nhất, người ta bảo rằng bẩy năm vẩn còn dài quá, ba năm thôi! ‘Seven-Year Itch’ được thay bằng ‘Three-Year Glitch’ (tạm dịch: Sự Cố Ba-Năm). Trong bối cảnh này mà nói đến Ngân Khánh hay Kim Khánh, Ngọc Khánh Thành Hôn thì quả là quá lỗi thời rồi còn gì nữa! Bỗng chốc thủy chung, trung thành, cam kết dấn thân trở thành không…tưởng. Cứ y như, trong thời buổi cách mạng phái tính này, mà còn nói đến nết na, đức hạnh, đoan trang, đồng trinh, thanh khiết…thì không còn gì lạc giọng và lạc điệu cho bằng! Biết làm sao đây? Thế thời như thế thời phải thế! Một thoáng ngậm ngùi thế nào ấy!

Thấm thoát mà đã hai mươi lăm năm rồi. Cái hôm đám cưới ấy, còn nhớ rõ như in, tại nhà thờ TV, có hai đôi tân hôn cùng bước lên bàn thờ một lúc. Năm ấy được mùa cưới! Thực ra thì một hay hai ba đôi thì cũng chẳng khác chi. Bởi vì “all weddings are similar, but every marriage is different.” Thật đúng như thế: trong hai đôi hôm ấy, một đôi đã rã đám sau khoảng chừng mười năm. Năm mươi phần trăm: cái tỉ lệ còn đúng cho đến hôm nay, tại đất nước này. Chung thủy còn ý nghĩa gì nữa hay chăng? Tại sao hôn nhân là ‘phải lòng’ một người suốt cả cuộc đời? Nữ văn sĩ Hoa Kỳ Amy Bloom cho rằng: “Nhìn thấy nhau lần đầu mà đã yêu nhau ngay thì cũng còn dễ hiểu--tiếng sét ái tình ấy mà-chứ hai kẻ cứ nhìn nhau suốt cả cuộc đời thì phải gọi là phép lạ!” Thế nào gọi là trung thành mãi mãi với nhau mà chỉ sự chết mới có đủ mãnh lực chia lìa đôi ta? Thế nào là cam kết dấn thân, vốn được coi như yếu tố làm nên một con người bản lãnh? Có phải là vui thì ở, buồn thì bỏ đi chăng? Đâu là yếu tố mang lại niềm vui và hạnh phúc cho hôn nhân đây? Tình, tài, tiền, sắc đẹp, quyền hành, hay đức độ? Cái nào cũng đúng, có cái ít hơn, có cái nhiều hơn, nhưng không vị tất, và cũng không có gì bảo đảm cả. Hình như câu trả lời đúng toàn diện chỉ có trên mặt lý thuyết. Trên thực tế, gom lại tất cả các yếu tố, cộng hết lại với nhau, vẫn thấy hụt hẫng thế nào ấy. Có cái gì đó vượt qua và vượt trên cái tổng số lý thuyết ấy. Leo Tolstoy, nhà văn lớn của Nga, đã nói một câu, mà càng nghĩ càng thấy sát với thực tế: “Cái đáng kể nhất trong một hôn nhân hạnh phúc không phải là cặp hôn phối đó hòa hợp với nhau đến mức nào, mà là ở chỗ cặp đó hành xử, ứng biến những cái không tương hợp của hai người như thế nào.” Xem thế, hạnh phúc hôn nhân là một công trình tiệm tiến, vun xới từng bước, ngày qua ngày, rất nhiều khi phải kinh qua những căng thẳng, trong kiên nhẫn lặng thầm, trong hy sinh chịu đựng, và trong sâu kín của một cõi lòng yêu thương chân thành. Trong khi đó, Mark Twain, văn sĩ lừng danh của Mỹ quốc, lại nhấn mạnh đến tính cách “đường trường” của tình yêu hôn nhân: “Tinh yêu cứ ngỡ là nhanh chai lắm, nhưng thực ra lại chậm rề. Chẳng ai, cả nam lẫn nữ, biết được tình yêu tuyệt hảo nó như thế nào cho đến khi họ có cơ may đón mừng kỷ niệm ngân khánh thành hôn của mình.” Cha đẻ công cuộc đấu tranh bất bạo động, Mahatma Gandhi, đã tuyên bố một câu thẳng thừng: “Chính từ trong cuộc sống hôn nhân mà tôi đã thuộc nằm lòng bài học đầu tiên về bất bạo động.” Hôn nhân quả thật là cam go. “Trong hôn nhân, nói đến độc lập thì nam nữ phải bình đẳng; nói đến lệ thuộc thì nam nữ phải tương thuộc; còn nói đến bổn phận thì nam nữ phải hỗ tương,” đó là tuyên bố của một văn sĩ Hoa Kỳ khác: Louis K. Anspacher. Vì gay cấn như thế thành ra rất nhiều người bỏ cuộc. Hôn nhân cứ y như là một cuộc thi chạy ở cự ly maratông. Một trăm người chạy thì một nửa đành phải bỏ cuộc, trước khi về đến đích. Nói tới nói lui, có vẻ như văn sĩ kiêm nhạc sĩ Mỹ Tom Mullen là có lý nhất: “Hôn nhân hạnh phúc khởi đầu khi ta cưới được người ta đã đem lòng thương yêu; và hôn nhân nở hoa khi ta yêu thương người mà ta đã cưới.”

Mừng kỷ niệm thành hôn trong mùa Tạ Ơn thì không thể không nói lên lời “tạ ơn em,” đơn giản là vì bản tango hôn nhân chỉ có thể thực hiện được nếu có hai người. Tạ ơn em, người bạn đời, người-bạn-sống-chết-cả-một-đời, người cuối cùng còn lại trong danh sách những người mình sống không thể thiếu vắng.

Mùa Tạ Ơn Năm Nay

Biết ơn sâu xa tự đáy lòng và thốt ra lời cám ơn trên cửa môi chân thành, đó là thái độ phải có đối với các vị ân nhân, các đấng sinh thành, bè bạn xa hay người láng giềng gần. Nhưng trên hết và trước hết, tâm tình này phải dâng về Thiên Chúa, Đấng “đã chẳng bỏ con không đời đời, mà lại sinh ra con, cho con được làm người…” Tạ ơn Chúa đã cho con làm người, sống giữa ‘thiên đàng hạ giới’ này, cho con một mái nhà, sống an toàn trong một xã hội thượng tôn luật pháp, để mỗi sáng thức dậy, nhìn mặt trời lên, trong tia nắng sớm ban mai—ngày nào cũng như thế, nhưng chẳng ngày nào giống ngày nào--để dâng ngày cho Chúa; và rồi mỗi lúc đêm về, trước khi lên giường ngủ, ngắm bóng trăng soi nghiêng bên thềm, mà dâng lời tạ ơn Chúa, đã cho con một ngày bình an. Phải chăng đó là ý nghĩa của mùa Tạ Ơn, được cử hành rất trang trọng và linh thiêng, tại đất nước này, nơi người ta thần phục Chúa một cách công khai—“In God We Trust”--để rồi được Ngài chúc phúc, ban cho muôn ơn lành tỏ tường, tạo cho nên như một vùng đất hứa, dẫn đầu thế giới dân chủ tự do, cho dù không thoát khỏi cơn suy thoái toàn cầu.

Thực ra, suy trầm là thân phận của kiếp người. Cái hữu hạn của cõi nhân sinh đã cưu mang trong nó những khiếm khuyết cố hữu. Còn nữa, dấu ấn nguyên tội, tức tội tổ tông xưa, vẫn còn đó, gây tác hại khôn lường. Cái nghịch lý giữa lời cảm ơn—vì được Thiên Chúa sinh ra, cho ta được làm người, như lời kinh “Cám Ơn” đã gợi lên—với trào lưu “hạn chế sinh sản,” được ngụy trang dưới chiêu bài “kế hoạch hóa gia đình,” đã thực sự là nguyên nhân đưa đến sự suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay.

“Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất."29 Thiên Chúa phán: "Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi.30 Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy."31 Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu.”

Tường thuật của sách Sáng Thế Ký, Chương 1, trên đây cho thấy lệnh truyền của Thiên Chúa về việc sinh sản thật rõ ràng. Nhưng chưa bao giờ như thời đại hôm nay, thiên hạ không còn tuân giữ lệnh truyền này nữa. Con người đã tách hẳn ý nghĩa truyền sinh ra khỏi hành vi dục tính, thậm chí còn “vô tư” phá bỏ các bào thai vì bị coi là “những vị khách không mời.” Lời tiên tri hãi hùng của Chân Phước Giáo Hoàng (GH) Gioan Phaolô II đang tỏ hiện từng nét, sắc như một nhát chém: “Một nhân loại tiêu diệt hậu duệ của chính mình là một nhân loại không còn tương lai.” Thực ra, lời loan báo đó là tiếng vọng của lời ngôn sứ mà Đức GH Phaolô VI đã gióng lên qua thông điệp Mạng Sống Con Người (“Humanae Vitae,”) cách đây hơn 40 năm. ĐGH Biển Đức XVI đã tóm tắt thế này: căn nguyên của cuộc khủng hoảng chính là do con người không biết tôn trọng sự sống toàn vẹn và phẩm giá con người. Ta quá dễ đổ lỗi cho các phương tiện, trong khi trên thực tế, chính chúng ta là kẻ đã sử dụng chúng một cách tồi tệ. Do đó, cái cần thay đổi không phải là các phương tiện, mà là chính con người. Y khoa, kinh tế, giáo dục, v.v. chỉ là các phương tiện; chính cách thức con người sử dụng chúng đã ban phát cho chúng tính chất đạo đức cần thiết. Khái niệm đúng đắn về nhân vị, về gia đình và dịch vụ thương mại đã xây nên chính nền móng hành động cho đời sống. Đó là gương mặt nhân bản mà thế giới kinh tế phải mang lấy (xem “Family Values: the Solution to Economic Crisis, Says Pope”, zenith.org, ngày 10/19/11).

Rồi đây thế giới này sẽ phải đối đầu với tình trạng thế hệ trẻ đi làm nuôi không nổi con số quý cụ cao niênvề hưu—cho dù tuổi hưu sẽ phải tăng, có thể tới tuổi 67 như đang được đền nghị tại tiểu bang California. Các cụ toàn là trên cỡ thất thập cổ lai hy, sống dài dài trong các viện dưỡng lão, mọc lên khắp nơi, làm cho thế giới này già đi trông thấy. Tre thì già mà măng mọc không kịp. Qúy cụ càng nhiều, thế hệ các vị hưu dưỡng càng đông thì dĩ nhiên các viện dưỡng lão càng vui, nhưng cũng càng hao…tài. Một vị giáo sư địa lý học tại Đại Học Sheffield vừa cho biết rằng “trong vòng 100 năm nữa, dân số thế giới này sẽ ít hơn dân số hiện nay.” Trong khi Văn Phòng Dân Số Liên Hiệp Quốc tiên đoán rằng dân số thế giới sẽ gia tăng từ 7 tỉ hiện nay lên đến 10.1 tỉ vào năm 2100, thì Danny Dorling cho rằng “có một viễn ảnh khác là dân số thế giới đã đạt tới đỉnh điểm, rồi sẽ rơi xuống (xem “Demographer: World Population May Decline In 100 Years,” CWN, ngày 10/21/11).

Bản phúc trình của Viên Nghiên Cứu Xu Hướng Xã Hội—có trụ sở đặt tại Barcelona, Tây Ban Nha và New York, Hoa Kỳ--mới đây đã công bố rằng: Việc có ít trẻ em hơn và con số các cặp hôn nhân đang giảm thiểu lẽ tất nhiên ảnh hưởng rất lớn về mặt phát triển kinh tế và khả năng chính phủ tài trợ các chương trình phúc lợi của dân chúng. Cơ hội kinh tế phát triển lâu dài tăng hay giảm là đều tùy thuộc vào điều gì đang xẩy ra trong các gia đình. Hai trào lưu rất đáng quan tâm: (1) con số quý cụ cao niên đang trên đà gia tăng, trong khi con số những người còn lao động được lại đang dậm chân tại chỗ, thậm chí còn giảm bớt tại nhiều quốc gia đang phát triển; (2) con số giảm sút các con trẻ đang lớn lên trong các gia đình có bố mẹ còn đang sống đời hôn nhân với nhau. Thí dụ cụ thể là nền kinh tế trì trệ của Nhật trong một ít năm gần đây phần nào là do việc hạn chế sinh sản đã được áp dụng từ thập niên 1970. Trung Quốc, nơi mà số sinh thấp hơn số tử, kể từ thập niên 1990, tất sẽ cùng chung số phận: phát triển kinh tế sẽ giảm thiểu trong những thập niên sắp tới, khi nguồn lao động co rút lại.

Đó là chưa nói đến phẩm chất của các trẻ em lớn lên ngoài vòng hôn nhân, vốn chiếm hơn 40 phần trăm, nghĩa là các em có bố mẹ ly dị, cha/mẹ độc thân, sống chung không hôn thú, thường có nếp sống bất ổn định. Riêng tại Thụy Điển, nơi có 55% các trẻ em lớn lên cùng cha mẹ chung sống không kết hôn, thì 75% (so với các em sống trong các gia đình hôn nhân ổn định) sẽ thấy cha mẹ chia tay nhau vào năm 15 tuổi. Trong khi đó hơn một nửa các em—so với các em có đủ cha lẫn mẹ--sẽ gặp những vấn đề tâm lý, nghiện ngập, tự tử, học hành kém, công ăn việc làm không khá…

Mới đây ĐGH Biển Đức XVI, khi tiếp xúc với một nhóm các anh chị em đang trong thời kỳ đính hôn tại Ancona, đã khuyến khích họ vượt qua những thách đố văn hoá về sự thủy chung trong hôn nhân. Ngài nói: “Sự kết hợp vững bền của các con trong bí tích hôn phối sẽ khiến cho con cái mà Thiên Chúa tặng ban biết sống tin tưởng vào sự thiện ích tốt lành của đời sống. Sự thủy chung, bất khả phân ly, và truyền sinh sẽ là những trụ cột cho mỗi gia đình, trở thành một thiện ích chung đúng nghĩa, và là một gia sản qúy giá cho toàn thể xã hội, không chỉ về mặt tôn giáo, mà cả về phương diện kinh tế nữa” (xem ‘Low Fertility and Low Economic Growth—The Importance of Marriage and the Family,’ trong EWTN.com ngày 10/10/11).

Mùa Tạ Ơn về, xin cảm tạ Chúa vì muôn ơn lành hồn xác. Xin cho con biết thể hiện lòng tri ân Chúa qua việc tuân giữ giới răn Ngài. Xin cho thế giới này, khi đang kiệt quệ vì kinh tế suy thoái, biết tin tưởng thi hành mệnh lệnh Chúa truyền: “hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều cho đầy mặt đất,” và giáo dục thế hệ trẻ cho nên người chân chính, hầu tìm lại cơ hội phục hồi kinh tế.

Dường như loài người vẫn còn hoài nghi lắm trước lệnh truyền đầy nghịch lý này. Oái oăm thay, đó lại là đầu mối đưa đến nhiều thứ nguy cơ mà chính loài người đang tự tạo cho mình.

“Lậy Chúa, xin thêm lòng tin cho chúng con.” (Luca 17:5)

Lễ Chư Thánh

11/01/11

Nguyễn Kim Ngân