Nghiên cứu nhân cách tôn giáo: Kinh nghiệm về Quá trình tiếp nhận Kitô-giáo của Người Tân Tòng
"Trái tim muốn điều trái tim muốn".

Mỗi một người tín hữu đều có kinh nghiệm sống với Thiên Chúa, cách riêng là với người tân tòng, quá trình tiếp nhận tôn giáo phụ thuộc vào đối tượng tôn giáo họ tiếp nhận được. Quá trình tiếp nhận tôn giáo Ki-tô giáo của người tân tòng là phương thức thể hiện rõ những sự kiện đặc trưng cho sự tiếp nhận tôn giáo mà người tân tòng tin theo. Các sự kiện tôn giáo là sự biểu hiện đời sống tín ngưỡng phong phú, đa dạng của người tín hữu tạo nên cái bên trong của những biểu hiện bên ngoài nơi người Ki-tô hữu, nên chỉ có thể dựa vào lòng tin với phương pháp tiếp nhận riêng biệt, những gì mà người tân tòng chưa thể tri giác được bằng mắt thường nhưng trong niềm tin vào Thiên Chúa thì người tân tòng đón nhận với tất cả tâm hồn của mình. Những phương pháp tiếp nhận cơ bản trong quá trình tiếp nhận tôn giáo Ki-tô giáo của người tân tòng đó là:

- Phương pháp quan sát;
- Phương pháp cầu nguyện;
- Sự nảy sinh nhu cầu tiếp nhận các ấn tượng thế giới Ki-tô giáo;
- Nguyện vọng trưởng thành đức tin và sự khủng hoảng của người tân tòng.

1. Phương pháp quan sát

Là phương pháp mà người tân tòng tìm hiểu có chủ định, để ý một cách có mục đích, có kế hoạch những hành vi, cử chỉ, lời nói của người Ki-tô hữu trong đời sống hàng ngày, trong mỗi thánh lễ hay khi người Ki-tô hữu cầu nguyện với Thiên Chúa và ghi chép lại một cách nghiêm túc những điều tai nghe, mắt thấy. Khi tìm hiểu những “quy luật” đó, người tân tòng rất thích theo dõi biểu hiện của những quy luật chung trong những trường hợp riêng. Trước mắt người tân tòng có biết bao điều mới lạ trong thế giới Ki-tô giáo mà người tân tòng khao khát muốn tìm hiểu. Dần dần người tân tòng thấy rằng, những gì mà người Ki-tô hữu tin theo là con đường dẫn tới những khám phá kỳ diệu ấy. Niềm tin của người tân tòng tiếp tục được củng cố và bền vững, tạo nên ở họ nguyện vọng được hướng về Thiên Chúa, Đấng Thánh là niềm tin của người tân tòng.

Ưu điểm của phương pháp quan sát là người tân tòng thu thập được những tài liệu sống, đúng với sự thực. Vì quan sát tiến hành trong đời sống hàng ngày, người Ki-tô hữu hoạt động một cách tự do thoải mái khi không biết có người tân tòng để ý đến mình. Việc quan sát nhằm giúp người tân tòng thấy điều tiêu cực để tránh, thấy điều tích cực thì noi gương theo.

Bên cạnh ưu điểm, phương pháp quan sát còn có hạn chế:

- Do quá trình người tân tòng chỉ quan sát, để ý, ghi chép hành vi của người Ki-tô hữu mà không can thiệp vào hành động của người tín hữu như là thắc mắc, so sánh... nên người tân tòng bị rơi vào thế bị động, chờ đợi hiện tượng hay tình huống có thể biểu hiện ra bên ngoài của người Ki-tô hữu;

- Người tân tòng có thể quan sát lại cùng một hiện tượng nơi một người hay nhiều Ki-tô hữu khác và thấy được những hành vi của người tín hữu này khác với người tín hữu họ đã từng gặp. Điều này dễ dẫn đến việc người tân tòng có thái độ đoán xét người Ki-tô hữu theo mức chuẩn mực như những gì người tân tòng tiếp thu trong giáo lý và nhất là trong Kinh Thánh.

Để sử dụng phương pháp quan sát đạt được hiệu quả tốt, người tân tòng khi quan sát cần được sự hướng dẫn từ phía những người tín hữu đã được Hội Thánh trao trách nhiệm nâng đỡ và luôn tích cực quan sát như là:

- Xác định rõ mục đích quan sát vì hành vi của người Ki-tô hữu muôn màu muôn vẻ, thể hiện nhiều mặt khác nhau của đời sống tôn giáo. Có xác định rõ mục đích quan sát thì mới định hướng được sự quan tâm đến những mặt nào trong hành vi của người Ki-tô hữu;

- Khi tiến hành quan sát, người tân tòng phải tế nhị để người Ki-tô hữu không biết là mình đang bị để ý! Nếu không người Ki-tô hữu sẽ mất tự nhiên và sinh ra nghi ngờ về người tân tồng, trong khi đó “bức tranh” hành vi của người Ki-tô hữu sẽ bị thay đổi. Trên thực tế, người tân tòng thường làm quen với người Ki-tô hữu trước, để sao cho sự xuất hiện của người tân tòng đối với người Ki-tô hữu là chuyện bình thường. Trong quá trình tiếp nhận Ki-tô giáo, người ta còn áp dụng phương pháp quan sát hình ảnh, phim chiếu hay qua camera.

- Thời gian để quan sát có khi là trở ngại cho người tân tòng vì họ vẫn cần thời gian sinh hoạt bình thường hàng ngày. Người tân tòng quan sát người Ki-tô hữu có thể quan sát toàn diện hoặc bao quát cùng một lúc nhiều hành vi của người tín hữu và cần phải được tiến hành trong một thời gian dài. Kết quả quan sát toàn diện thường được ghi chép dưới hình thức nhật ký, đó là nguồn quan trọng cung cấp những sự kiện để phát triển những quy luật sống niềm tin tôn giáo nơi người tín hữu.

- Thuật ngữ tôn giáo – thuật ngữ thần học – có thể nói đó là ngôn ngữ thứ hai đối với người tân tòng song song với ngôn ngữ thứ nhất là tiếng mẹ đẻ. Người tân tòng khi mới tìm hiểu về niềm tin Ki-tô giáo mình muốn theo và đến học giáo lý, tham dự thánh lễ nhưng chưa hiểu hết được các từ ngữ tôn giáo và thần học sử dụng trong Phụng vụ hay trong cầu nguyện, trong kinh nguyện và giao tiếp của người Ki-tô hữu với nhau. Người tân tòng rất cần sự giúp đỡ nhiệt tình của những người Ki-tô hữu, những người có trách nhiệm trong Giáo Hội ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ mọi hoàn cảnh.

Ví dụ: “Chia trí” không có trong thuật ngữ Thần học?!; “Sốt sắng (Devotio)”; “Bí tích (Sacrament)”; “Canh tân (Aggiornamento)”; “Chủ tế (Celebrant)”...

Phương pháp quan sát là một phương pháp không thể nào thay thế được để người tân tòng sơ bộ tiếp nhận sự kiện. Nhưng do hạn chế của phương pháp này mà trong nhiều trường hợp không cho phép người tân tòng tìm hiểu rõ được nguyên nhân đích thực của những biểu hiện tốt nơi người Ki-tô hữu. Nhiều người tân tòng đã có cùng nhận xét: “Bằng quan sát, chúng ta chỉ nhìn thấy những cái chúng ta có thể đã biết, chứ cái chưa biết thì vẫn chưa có trong tiềm thức của chúng ta”. Vì vậy trong quá trình tiếp nhận tôn giáo của người tân tòng còn sử dụng những phương pháp tích cực hơn.

2. Phương pháp cầu nguyện

Cầu nguyện là chủ động tác động vào hiện thực trong những điều kiện khách quan đã được xác định do chủ thể hướng tới Thiên Chúa, lặp đi lặp lại nhiều lần và sẵn sàng mở lòng mình trước Thiên Chúa. Cầu nguyện thực ra không có cấu trúc thể văn, nhưng tất cả đều xuất phát từ tấm lòng yêu mến và khao khát cầu nguyện cả tự phát lẫn vắn tắt.

Người tân tòng cầu nguyện, lời cầu nguyện của họ là lời tâm sự với Thiên Chúa – là lời nói tâm tình trong những hoàn cảnh, những vấn đề của mình trong cuộc sống – được diễn đạt ý tương đối trọng vẹn với Thiên Chúa.

Ưu điểm của phương pháp cầu nguyện:

- Người tân tòng có thể cầu nguyện tự phát với những lời tự nhiên, chưa chuẩn bị hay trau chuốt mà bộc bạch, chân thành. Lời cầu nguyện tự phát có thể là cầu nguyện ở trong nhà thờ, ở nhà hay trong lớp học giữa những giờ nghỉ giải lao, lúc đi dạo, giây phút thư giãn tinh thần sau những giờ làm căng thẳng... Việc cầu nguyện tự phát có thể là giữa cộng đoàn, cùng với cộng đoàn hoặc ngay chính một mình mình thôi, hay trước bất kể một vấn đề gì đó ta cũng có thể cầu nguyện tự phát được.

- Người tân tòng có thể cầu nguyện vắn tắt, cũng như cầu nguyện tự phát, bất kể lúc nào ta cũng có thể cầu nguyện được. Tuy nhiên, cầu nguyện vắn tắt có thể chỉ cần nói một lời thật ngắn như: “Lạy Chúa, con tin có Chúa”; “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa”; hoặc thì thầm rằng: “Con có Chúa trong trái tim con”; “Con xin tạ ơn Chúa”; “Xin Chúa giúp...”...

- Lời cầu nguyện, việc cầu nguyện có thể được lặp lại nhiều lần, đó là cầu nguyện liên lỉ;

- Người tân tòng trước khi cầu nguyện đã xác định được ảnh hưởng điều kiện khách quan tới việc cầu nguyện của mình như là khi tham dự thánh lễ, tham dự các giờ cầu nguyện chung trong các mùa Phụng vụ.

Bên cạnh ưu điểm, phương pháp cầu nguyện cũng có hạn chế khi mà người tân tòng chưa thực sự hiểu về ý nghĩa của cầu nguyện, có thể làm người tân tòng bối rối, sốt ruột, làm thay đổi hành vi, thái độ trong cầu nguyện, và đôi khi người tân tòng từ chối không chịu cầu nguyện hay không để tâm tới việc cầu nguyện. Điều quan trọng trong cầu nguyện đối với người tân tòng đó là họ cần phải biết tự cầu nguyện một mình với Thiên Chúa trước mọi hoàn cảnh và dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Nhưng trước hết, người tân tòng nên tham gia với nhóm cầu nguyện và để tiến hành phương pháp cầu nguyện cho người tân tòng đạt hiệu quả tốt cần có được những yêu cầu sau:

- Tổ chức chương trình cầu nguyện sao cho người tân tòng cầu nguyện tự nhiên, thoải mái, gần gũi với hoàn cảnh thực mà người tân tòng đang sống;

- Lên chương trình (thời gian cầu nguyện) và ghi những lời cầu nguyện, lời nguyện, bài hát, lời kinh ra giấy để người tân tòng tiện theo dõi tiến trình cầu nguyện đồng thời đọc đúng lời kinh, lời thánh ca, thánh vịnh;

- Nên giải thích trước cho người tân tòng biết những qui định, nghi thức, tư thế cầu nguyện để giờ cầu nguyện được cử hành một cách nghiêm túc trong từng phần việc phải làm;

- Hướng dẫn người tân tòng có tâm tình với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện của mình. Lời cầu nguyện được chia sẻ cho mọi người cùng lắng nghe, cảm nghiệm và tạ ơn;

- Giúp người tân tòng cầu nguyện đúng theo từng bước cầu nguyện của Hội Thánh;

- Người tân tòng có thể cầu nguyện khi tham dự thánh lễ, bởi vì Thiên Chúa là trung tâm của cầu nguyện; khi tham dự các giờ Kinh Phụng Vụ; khi tham dự các giờ Chầu Thánh Thể; khi tham dự tĩnh tâm, linh thao; khi lãnh nhận Bí tích Hòa Giải; hay tự lên chương trình cầu nguyện riêng cho mình như làm những việc đạo đức:Lần chuỗi Mân Côi; kinh nguyện trước và sau thánh lễ; im lặng; thinh lặng; đọc sách thiêng liêng; nghe thánh ca; đi Đường Thánh Giá; Rước kiệu Đức Mẹ và các thánh; Viếng vườn thánh, nghĩa trang; Hành hương viếng Nhà thờ; Hành hương kính Đức Mẹ; Hành hương kính các thánh Tử Đạo Việt Nam; tham gia công việc tông đồ; hãm mình, đánh tội (Giáo Hội không còn chấp nhận việc đạo đức này); tham gia các hoạt động bác ái, từ thiện...

Phương pháp quan sát và phương pháp cầu nguyện được nhận định là hai phương pháp chủ yếu của quá trình tiếp nhận Ki-tô giáo của người tân tòng. Ngoài ra, người tân tòng thấy có sự nảy sinh nhu cầu tiếp nhận các ấn tượng thế giới tôn giáo.

3. Sự nảy sinh nhu cầu tiếp nhận các ấn tượng thế giới Ki-tô giáo

- Tìm hiểu Ki-tô giáo qua “sản phẩm” tôn giáo: Người tân tòng tìm hiểu về tôn giáo khi xem một bức tranh về Chúa Giêsu, về Đức Mẹ, hay về các thánh (mẫu ảnh tượng); khi xem những bộ phim thuật lại cuộc đời của Chúa Giêsu; nghe và đọc những truyện về Thiên Chúa hay về các thánh; chiêm ngưỡng kiến trúc của ngôi nhà thờ, nhà nguyện hay tu viện; nhìn thấy những hành vi, cử chỉ của người Ki-tô hữu trong một vấn đề nào đó, trong hoàn cảnh nào đó và để lại ấn tượng cho người tân tòng. Đó có thể là những cử chỉ bác ái, nhưng cũng có thể là hành vi thiếu thiện cảm của người Ki-tô hữu. Qua đó, người tân tòng có thể hiểu được khả năng tri giác bình thường bằng đôi mắt xác thịt và bằng mắt đức tin. Khi kết hợp với cầu nguyện bằng xúc cảm và năng lực đón nhận đức tin của mình trong ơn Chúa ban thì hiệu quả ấn tượng được tăng lên rõ rệt;

- Giao lưu, gặp gỡ, đàm thoại với Ki-tô hữu: Đây là phương pháp đặt câu hỏi của người tân tòng. Người tân tòng hỏi người Ki-tô hữu những mong được hiểu biết về tôn giáo mình tin theo. Người tân tòng hỏi để giao lưu, thân thiện hơn với người Ki-tô hữu. Việc đàm thoại thành công sẽ giúp người tân tòng xác định vị trí của mình với thế giới tôn giáo, với chính bản thân mình trước Thiên Chúa. Người tân tòng nên có một quyển sổ tay để khi cần ghi lại những câu hỏi chợt đến trong đầu và sớm liên hệ gửi đến người dạy giáo lý cho mình hay gửi trực tiếp cho vị linh mục để có được những lời giải thích đúng với giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo. Trong thực tế, người tân tòng luôn gặp trở ngại về phía người Ki-tô hữu khi họ hỏi những câu hỏi về các lĩnh vực Giáo lý, Giáo luật, Thần học, Kinh thánh, Phụng vụ, Luân lý, Tín lý, Lịch sử Hội Thánh... đó là những vấn đề mà mỗi người Ki-tô hữu đều chỉ dừng ở kinh nghiệm bản thân và những gì vượt ra ngoài kinh nghiệm bản thân sẽ kèm theo thái độ thiếu ân cần, không cởi mở, có khi dẫn đến nghi kỵ về người tân tòng.

- Phương pháp trắc nghiệm (test): Là hình thức thực nghiệm đặc biệt, những trắc nghiệm là những bài tập thực tế và ngắn gọn đã được tiêu chuẩn hóa, được soạn ra để xác định mức độ niềm tin và lòng nhân đức của mình nơi người Ki-tô hữu.

Ví dụ: Khi vào nhà thờ tham dự Thánh lễ, bạn chọn ngồi ở vị trí nào?

a. Ngồi gần bàn thờ để sốt sắng tham dự thánh lễ
b. Ngồi ở cuối nhà thờ giống như người thu thuế trong Kinh Thánh nói đến
c. Ngồi ở ngoài sân nhà thờ cho mát.

4. Nguyện vọng trưởng thành đức tin và sự khủng hoảng đối với người tân tòng

Khi người tân tòng đã có ý thức về niềm tin của chính mình vào Thiên Chúa, Đấng Thánh mình tin theo, thì đồng thời xũng xuất hiện một thái độ mới với người hướng dẫn là vị linh mục hay là giáo lý viên. Đây là dấu hiệu rất đáng mừng của sự trưởng thành đức tin. Nhưng cùng với điều đó, người tân tòng sẽ có những “sáng tạo” trong ơn Chúa ban, bảo làm một đằng thì làm một nẻo?! Nếu không được sự để ý kịp thời của vị linh mục hay giáo lý viên thì sẽ dẫn đến khủng hoảng đức tin vì trong cách cầu nguyện của người tân tòng, người tân tòng muốn có “thẩm quyền” trong khi cầu nguyện, ý “Xin gì đó” sẽ nhiều hơn ý “Cảm tạ”, và nếu không được Chúa nhận lời thì người tân tòng sẽ có những biểu hiện của con người bình thường như là tính ích kỷ, giận phiền, buồn bực...

Đối với những người tân tòng đang ở vào tình trạng khủng hoảng đức tin, linh mục hay giáo lý viên có thể có những hiểu lầm về người tân tòng, tương quan sẽ rạn nứt và người tân tòng càng rơi vào tình cảnh bi quan hơn. Nhưng nếu được sự quan tâm đúng đắn trong yêu thương và nâng đỡ; nếu vị linh mục kịp thời nhận thấy những khả năng của người tân tòng và đáp ứng nguyện vọng trưởng thành đức tin của họ, bằng cách giúp họ tham dự các khóa học Thần học hay các khóa học giáo lý; cùng tham gia vào các công việc bác ái; tham gia vào các hội đoàn trong giáo xứ và giáo phận để người tân tòng có được những tương quan mới với những Ki-tô hữu khác thì những nhân đức của người tân tòng được phát triển tốt và sớm hoàn thiện nhân cách tôn giáo. Như thế, sự “khủng hoảng” của người tân tòng sẽ không kéo dài khi họ không phải tự một mình đứng trước thử thách và mỗi khi đối mặt với thử thách họ sẽ biết tìm một lối đi chứ không phải là một lối thoát.