Xây nhà thờ Tam Tòa mới

Tin cho hay chính quyền tỉnh Quảng Bình đã chấp thuận cho Giáo xứ Tam Tòa xây nhà thờ trên một lô đất mới.

Nhà thờ Tam Tòa ở thị xã Đồng Hới vốn là tâm điểm của một vụ lộn xộn liên quan tới người Công giáo thu hút chú ý đặc biệt của dư luận hồi giữa năm 2009.

Nay Đức Giám mục Giáo phận Vinh Phaolô Nguyễn Thái Hợp cho hay đã có "thỏa thuận miệng" của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình về việc dành một lô đất "thuận tiện" cho giáo dân xây lại nhà thờ.

Tuy nhiên, vì chưa có văn bản giao đất nên chưa thể biết được bao giờ quá trình xây cất nhà thờ mới sẽ được bắt đầu.

Giáo xứ Tam Tòa, với khoảng 500 - 700 giáo dân, trước trực thuộc Giáo phận Huế nhưng nay thuộc Giáo phận Vinh.

Cũng theo Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp, một ban thiết kế đã được thành lập để nghiên cứu công trình Nhà thờ Tam Tòa, "có thể sẽ xây theo mẫu cũ nhưng được mở rộng hơn để thỏa mãn nhu cầu hành đạo của cộng đồng".

Đức Cha Hợp cho hay, đầu tháng 1/2011, lễ tái thành lập Giáo xứ Tam Tòa đã được tổ chức, cùng việc bổ nhiệm linh mục chủ quản Phêrô Lê Thanh Hồng.

Vụ Giáo xứ Tam Tòa

Vụ lộn xộn tại Giáo xứ Tam Tòa xảy ra hồi tháng 7/2009 khi giáo dân dựng nhà thờ tạm tại khu Nhà thờ Tam Tòa cũ trên phố Nguyễn Du, phường Đồng Mỹ, Đồng Hới.

Chính quyền địa phương nói việc dựng cơ sở sinh hoạt tôn giáo mà không có phép là vi phạm Pháp lệnh Tôn giáo và Nghị định 52 về quản lý đầu tư và xây dựng.

Nhân viên công quyền được cử đến giải tỏa đã đụng độ với giáo dân.

Các bản tin Công giáo sau đó nói những người tham gia việc dựng lều tạm trên nền nhà thờ đã bị nhân viên công quyền đánh đập, gây thương tích.

Trong vụ này hàng chục người bị bắt, sau được thả, một số người bị truy tố.

"Làn sóng Tam Tòa" lúc đó lan tỏa tới nhiều cộng đồng giáo dân khác, v́i các hoạt động hiệp thông khá rầm rộ.

Nhà thờ Tam Tòa cũ được xây dựng từ năm 1887, bị bom Mỹ làm đổ nát năm 1968 và hiện chỉ còn một phần.

Năm 1997, chính quyền tỉnh Quảng Bình quyết định đưa nhà thờ Tam Tòa vào danh mục di tích lịch sử, là một chứng tích tội ác chiến tranh, hành động mà Giáo hội và các giáo dân nói là không tham vấn họ.