Tháng 8 năm nay, tại Hội Nghị của Liên Đoàn Các Cặp Vợ Chồng Giúp Đỡ Nhau (Couple to Couple League) tổ chức tại Green Lake, Wisconsin, Hoa Kỳ, Đức Cha Jean Laffitte, thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình đã tới đọc một bài diễn văn. Ngài nhấn mạnh: Giáo Hội là nền tảng cho niềm hy vọng của ta trong nan đề hôn nhân và gia đình. Theo Đức Cha, hôn nhân và gia đình tạo nên một trong các giá trị nhân bản cao quí nhất. Vì theo Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, phúc lợi của cá nhân cũng như của xã hội con người mật thiết có liên hệ với những điều kiện lành mạnh do hôn nhân và gia đình mang lại. Tuy nhiên, đức cha muốn mọi người tự hỏi xem cái tầm quan trọng ấy có được phản ảnh một cách rõ rệt trong xã hội ngày nay hay không.

Thách đố hiện nay của hôn nhân và gia đình

Theo đức cha, ta có thể coi xã hội Tây Phương ngày nay là xã hội buông thả (permissive) trong đó các giá trị chủ quan và phiến diện được đề cao. Các giá trị này, trên thực tế, đã không được cảm nghiệm trên bình diện đạo đức. Trong số các giá trị ấy, ta thấy có tự do cá nhân tuyệt đối, hạnh phúc dưới hình thức duy khoái lạc, hay bất cần mọi ràng buộc luân lý; trong lãnh vực đời sống tình cảm, chỉ những xúc cảm tức khắc, hạnh phúc cảm tính và thèm khát thể lý mới được coi là yếu tố tạo ra bản chất tình yêu. Phải hoàn toàn phân ly giữa tự do và bản nhiên. Cuối cùng, việc đó góp phần hủy diệt hoàn toàn mối liên kết có tính cơ cấu và nền tảng giữa hôn nhân và gia đình.

Phá hủy có hệ thống cấu trúc của hôn nhân và gia đình

Đức Cha Laffitte nhấn mạnh tới việc phân ly hoàn toàn giữa quan niệm truyền thống và tôn giáo về hôn nhân và mẫu mực gia đình tự nhận là mới do nền văn hóa hậu hiện đại đưa ra. Xét theo truyền thống, không hề có sự khác biệt giữa điều các nhà cầm quyền dân sự và tôn giáo hiểu về quan niệm hôn nhân. Cho tới 30 hay 40 năm trước đây, khi một người đàn ông và một người đàn bà đến gặp viên thị trưởng để kết hôn về phương diện dân sự, họ được yêu cầu thề nguyền cùng một lời thề hứa như cặp vợ chồng Kitô Giáo thực hiện trong hôn nhân Kitô Giáo. Họ đoan hứa với nhau lòng trung thành và bày tỏ sự sẵn sàng đón nhận hoa trái của tình yêu; và một cách đương nhiên, hôn nhân được hiểu như sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Sự khác nhau duy nhất chỉ là vấn đề giáo dục theo Kitô Giáo mà cặp vợ chồng Kitô Giáo cam kết sẽ lo cho con cái mình.

Điều quan trọng cần ghi nhớ là Giáo Hội không bao giờ thay đổi các điều trên. Cả nay nữa, Giáo Hội vẫn đòi hỏi cùng những điều như thế nơi các cặp đính hôn tới nhận lãnh bí tích hôn phối tại các giáo xứ. Với các chuẩn bị thích đáng, Giáo Hôi đoan hứa với các cặp vợ chồng sẽ trợ giúp họ, nhìn nhận họ như cặp vợ chồng mới trong cộng đồng Kitô Giáo và giúp họ xây dựng một gia đình tốt đẹp. Trong tất cả những việc ấy, Giáo Hội hoàn toàn có liên quan và nhất quán. Giáo Hội luôn nhìn nhận sự kiện: gia đình được xây dựng trên cam kết có tính khế ước giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Ta gọi sự cam kết ấy là hôn nhân, một định chế được khắc ghi ngay trong bản tính con người, và là một sự kiện được mọi luật lệ nhìn nhận cho đến mấy thập niên gần đây.

Trái lại, ngày nay việc hủy diệt có hệ thống đối với định chế hôn nhân đang được đặt lên hàng đầu; thậm chí, tại một số nước, hôn nhân không còn có nghĩa một sự kết hợp giữa người đàn ông và một người đàn bà nữa mà là “giữa nhiều người”, đơn giản chỉ vì người ta bác bỏ sự hiện hữu của hai cách thế làm người khác nhau, làm người nam và làm người nữ; sự dị biệt giới tính chỉ còn là vấn đề lựa chọn và văn hóa. Ý thức hệ về phái tính đã đề xướng như thế. Điều ấy dẫn ta tới đâu?

Chắc chắn dẫn tới việc tương đối hóa thiện ích công cộng và các nền tảng của sự sống con người vốn được bao thế kỷ qua trân trọng; tới những điều tự mệnh danh là “mẫu gia đình mới” trong đó, hạn từ “gia đình” và hạn từ “hôn nhân” được áp đặt một cách võ đoán trên mọi thứ thực tại xã hội: nào là gia đình tái ráp nối (reconstructed), nào là kết hợp tự do (không cần hành vi xây nền nào khác ngoài ý muốn duy nhất của đôi bên), nào là kết hợp đồng tính… Dưới những hình thức ấy, ta thấy điều gì? Ta thấy việc sống chung không còn đặt căn bản trên thiện ích khách quan của xã hội nữa, mà chỉ dựa vào ý muốn cá nhân mà thôi…

Điều 16 Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền nói rằng gia đình là cốt lõi nền tảng của xã hội và nhà nước và trong tư cách ấy, nó phải được nhìn nhận và bảo vệ. Sở dĩ như thế, là vì gia đình phục vụ hoàn toàn lợi ích công cộng.

Tầm thường hóa tính dục nhân bản

Như một hệ luận của việc phá hủy cơ cấu hôn nhân và gia đình nói trên, người ta thấy xã hội ngày nay tìm cách che lấp ý nghĩa chân thực của tính dục nhân bản. Hôn nhân luôn được quí chuộng như là nơi chốn duy nhất và thích đáng cho việc con người thể hiện các khả năng tính dục của mình. Cái nhìn ấy đã bị các thực tại ngày nay đặt thành nghi vấn. Hiện nay, tính dục nhân bản được nhìn từ viễn tượng thỏa mãn và xúc cảm bản thân, do đó, đã quên khuấy giá trị nội tại của hành vi vợ chồng vốn tự nó nhằm truyền sinh; hiện nay, tính dục bị lấy hết ý nghĩa xã hội của nó tức việc truyền sinh bên trong mối liên hệ bền vững giữa người đàn ông và người đàn bà. Điều còn lại chỉ là để tái biện minh cho khoái lạc. Hậu quả là ngừa thai để làm tình (contraceptive sex) và đồng tính luyến ái để tìm thỏa mãn tối đa về tính dục. Tính dục như thế đã không còn là ngôn ngữ nói lên việc tự hiến hoàn toàn và tầm quan trọng của tính bổ túc giữa hai giới tính cũng mất luôn.

Đàng khác, nếu người ta thực hành tính dục chỉ để khoái lạc, thì hôn nhân và gia đình chỉ còn là nơi chốn tư riêng nơi cá nhân tiếp tục tìm kiếm thoả mãn cho các thèm muốn tính dục và cảm xúc của mình. Và mọi cố gắng mở rộng ý nghĩa hôn nhân và gia đình tới mọi thực tại xã hội khác tương tự như hôn nhân và gia đình chỉ là thế này: kết hợp đồng phái, kết hợp trên thực tế (de facto)… Bất hạnh thay, nhà nước đang bắt đầu coi đó là việc thực thi quyền lợi của người ta; rồi nhà nước còn ban hành các luật lệ để bảo đảm việc ấy như một tự do lựa chọn cá nhân. Hậu quả là cá nhân được coi như sở hữu “quyền” được thành lập một gia đình theo điều tự mệnh danh là “khuôn mẫu gia đình mới”. Tuy nhiên, vì điều “mệnh danh là quyền” ấy chỉ dựa trên ý muốn cá nhân của người ta, nên mọi sự đều trở thành võ đoán, tùy tiện. Kết cục, hôn nhân và gia đình không còn đòi hỏi sự cam kết tuyệt đối nữa. Cam kết từ nay chỉ là một trách nhiệm tương đối, có giới hạn. Việc tự hiến được biểu thị bằng hành vi tính dục đã mất bản chất và biến thành một vay mượn, có giai đoạn, tùy thuộc sự thay đổi sau đó.

Việc thực hiện khả năng tính dục tự nó đã mất đi ý nghĩa phong phú từ lúc nó không nói lên sự hiến thân bất phản hồi, một hiến thân duy nhất và độc chiếm giữa hai người phối ngẫu. Nếu việc kết hợp thể lý của vợ chồng không còn được xây dựng trên lòng trung thành tuyệt đối, mà loại bỏ hoàn toàn mọi điều tìm cách hợp nhất hôn nhân, thì nó sẽ không còn nói lên được tình yêu phu phụ một cách tượng trưng nữa; dù thoả mãn, nó chỉ còn là một biểu thức của cảm xúc mà thôi.

Từ cách mạng tính dục tới cách mạng chính trị

Các thách đố nói trên phát sinh từ cuộc cách mạng tính dục của thế kỷ 20, một cuộc cách mạng văn hóa, nhưng trên thực tế đã dẫn tới cuộc cách mạng chính trị. Ta biết rõ nhiều nhà nước và chính phủ đã ghi thành luật điều cho tới nửa thế kỷ trước vẫn còn bị coi là xấu xa, đáng khinh bỉ. Thí dụ, mới gần đây thôi, Argentina đã hợp pháp hóa việc kết hợp giữa những người đồng tính, coi nó ngang hàng với hôn nhân. Một số quốc gia Châu Âu và một số tiểu bang Hoa Kỳ cũng đã ban hành các đạo luật tương tự. Điều ấy khiến sự việc ra phức tạp hơn. Đây không còn là vấn đề cá nhân nữa, mà là vấn đề chính trị được sức mạnh luật pháp bảo vệ.

Muốn hiểu rõ hơn các hệ luận của việc trên, thiết nghĩ nên xét qua lịch sử diễn biến sự việc. Năm 1920, Wilhelm Reich và Otto Gross bắt tay khai triển công trình của Sigmund Freud trên bình diện xã hội học. Nhưng khi đem điều được Freud nghiên cứu trong bối cảnh trị liệu bản thân vào bối cảnh xã hội, hai tác giả trên đã mở ra một chân trời mới có ảnh hưởng lớn lao đối với quan niệm xã hội về tính dục. Các bàn bạc về tính dục trước đây luôn mang tính dè dặt, nhã nhặn thì nay đã dần dần trở thành những cuộc tranh luận công khai, tạo ra hàng loạt nghiên cứu và tìm tòi và ngay cả tranh đấu chính trị. Trước đây, người ta nói tới tính dục trong bối cảnh phụ tạo (sinh sản); nay, người ta thường chỉ nói tới nó trong bối cảnh thể lý và thỏa mãn. Tính dục trở thành hoàn toàn độc lập đối với việc truyền sinh. Chẳng mấy chốc, các quan điểm ấy trở thành các thực hành cụ thể trong xã hội. Trong khi ấy, các đề tài liên quan tới tính dục mà trước đây người ta chưa bao giờ đề cập tới, nay tràn ngập các cuộc tranh luận và thảo luận công khai: các thực hành đồng tính, tìm kiếm khoái lạc tối đa, tính dục bên ngoài bất cứ cam kết hay trách nhiệm nào.

Cuối cùng, những nhà chủ trương cách mạng tính dục vĩ đại đã nhân danh Reich và Marcuse minh nhiên dựa vào chủ nghĩa duy vật biện chứng của Karl Marx để khai triển cuộc cách mạng tính dục, đem lại cho nó không những một phạm vi bản thân mà còn cả một phạm vi xã hội nữa. Từ đó, cuộc cách mạng tính dục trở thành cuộc cách mạng xã hội, triệt để thách thức định chế hôn nhân và gia đình mà về phương diện dân sự vốn là địa bàn duy nhất để người ta thể hiện khả năng tính dục của mình. Thành ra, ngay chính chủ trương của Giáo Hội, người giữ vai chính trong việc cổ vũ những cuộc bàn bạc hợp đạo đức và tâm linh về tính dục, cũng bị thách thức.

Tất cả những điều trên giúp ta hiểu rằng thứ ngôn từ chuyên tầm thường hóa tính dục dưới những hình thức đa dạng và mâu thuẫn nhau chỉ góp phần hủy diệt tận gốc mọi giá trị từng lên cơ cấu cho xã hội từ nhiều thế kỷ qua; tức tính độc chiếm trong mối liên hệ yêu thương vợ chồng, tình yêu thương đối với con cái, lòng kính trọng đối với thế hệ đi trước, cảm thức được thuộc về một gia đình lịch sử…

Hiển nhiên, sự xuất hiện của nền luân lý buông thả này luôn mang theo việc phá hủy bất cứ hình thức thẩm quyền nào trong mọi phương diện của nó: phương diện gia đình, phương diện chính trị, giáo dục, hay tôn giáo. Tiếp theo đó là việc bác bỏ và thách thức có hệ thống bất cứ khuôn mặt thẩm quyền nào: khuôn mặt người cha trong khung cảnh gia đình, khuôn mặt nhà lãnh đạo chính phủ trong lòng dân tộc, khuôn mặt nhà giáo dục trong hệ thống giáo dục, và sau cùng khuôn mặt thẩm quyền luân lý và thiêng liêng nơi linh mục, giám mục và huấn quyền Giáo Hội nói chung.

Thực vậy, việc chuyển dịch từ ngôn từ đặt căn bản trên luật tự nhiên qua cuộc cách mạng xã hội từ từ sẽ dẫn tới cuộc cách mạng chính trị trong mọi khía cạnh của sinh hoạt nhân bản. Sau đây là một vài nhận xét có tính lịch sử cho thấy cuộc cách mạng này đã bắt đầu có ý nghĩa mạnh mẽ từ thập niên 1930. Năm 1948, cuộc nghiên cứu của Kinsey về tác phong tính dục của đàn ông đã được công bố và mấy năm sau là cuộc nghiên cứu về tác phong tính dục của đàn bà. Năm 1966, có bản phúc trình nổi tiếng của Masters và Johnson. Cuối thập niên 1950, thuốc viên ngừa thai cho phụ nữ đã được khám phá và gia nhập thị trường Mỹ vào năm 1960, sau đó vào Châu Âu. Ngừa thai trở thành chủ đề cho các cuộc tranh luận suốt thời gian này. Ngày 25 tháng 7 năm 1968, thông điệp “Sự Sống Con Người”, tức văn kiện dứt khoát của Giáo Hội về ngừa thai, được công bố. Cũng trong thời gian này, phong trào duy nữ xuất hiện. Năm 1975, tại Pháp, đạo luật đầu tiên miễn phạt tội phá thai được công bố; đầu thập niên 1980, phương pháp “Thụ Thai trong Ống Nghiệm” được khai triển. Cũng trong giai đoạn này, việc bãi bỏ sự phân biệt giữa con hợp pháp và con không hợp pháp đã xẩy ra và cuộc tranh luận công khai về an tử (euthanasia) được đẩy mạnh. Năm 1998, những cuộc hôn nhân trên thực tế (De Facto Union) đã được luật pháp nhìn nhận; việc khai triển các áp dụng của khoa di truyền học bên ngoài phạm vi chữa trị cũng trở thành phổ biến, kết quả ta có khoa ưu sinh (eugenics); và hiện nay, ta có các đạo luật nhìn nhận các cuộc hôn nhân đồng tính.

Qua những biến cố ấy, ta thấy rõ mưu toan tách biệt hai chiều kích trong tính dục con người, đó là chiều kích kết hợp và chiều kích phụ tạo (sinh sản). Điều ấy phát sinh ra hai hậu quả. Một đàng, tính dục, khi loại bỏ phụ tạo, chỉ còn là duy hưởng lạc và mất hết mọi trách nhiệm; nó thúc đẩy người ta phá thai và dần dần làm họ mất hết cảm thức về vẻ đẹp của việc truyền sinh; mang thai trở thành một đe dọa, nên giao hợp tính dục phải được “bảo vệ” để đừng có con. Mặt khác, việc sinh sản hoàn toàn tách rời khỏi hành vi giao hợp cụ thể đầy yêu thương quả là một hình thức thao túng sự sống con người, trong đó, đứa trẻ bị coi nguyên tuyền như một thoả mãn ý muốn cá nhân. Ích lợi chủ yếu của đứa trẻ cũng như quyền được sinh ra trong mối liên hệ bền vững và đầy yêu thương của cha mẹ em đã không được đếm xỉa. Điều đáng buồn ấy cũng xẩy ra nơi việc ly dị. Tất cả những thực tại ấy cho ta thấy người ta đã đánh mất cảm thức thánh thiêng của hôn nhân. Đặc biệt hơn cả, chúng có ý định áp đặt trên chúng ta một nền luân lý mới. Áp lực chính trị từ các cơ quan quốc tế cũng đang cố gắng áp đặt các tiêu chuẩn mới về đạo đức. Họ làm thế qua việc dẫn khởi những quan niệm mới như sức khỏe sinh sản (reproductive health), tự do hóa việc phá thai, coi nó như quyền của người đàn bà được làm chủ thân xác mình… Dưới chiêu bài áp đặt nền văn hóa và các tiêu chuẩn đạo đức mới, điều người ta thực sự nhằm là có được sự thống trị hoàn toàn đối với sự sống con người, nhất là việc truyền sinh. Điều ấy giải thích được phong trào ban hành các đạo luật phản sự sống và phản gia đình tại nhiều quốc gia ngày nay.

Tình yêu và niềm hy vọng nhân bản: giáo huấn của Giáo Hội

Tình thế trên, tuy nhiên, không làm ta thất vọng. Nhưng điều gì giúp ta duy trì hy vọng? Đức Bênêđíctô XVI, trong thông điệp Spe Salvi, nói tới bản chất của hy vọng như một điều gì đó bén rễ sâu vào một thực tại bất biến và trường cửu. Nhờ sự kiện không bao giờ lung lay trong giáo huấn về tính dục, hôn nhân và gia đình của mình, Giáo Hội đã trở thành nền tảng cho niềm hy vọng của ta. Giáo Hội luôn là định chế duy nhất có khả năng điều hướng và hướng dẫn ta. Là Kitô hữu và là người thiện chí, các thực tại đáng buồn trên chính là lời mời đầy quan phòng gửi tới để ta thâm hậu hóa một cách sâu sắc các nhận thức và hiểu biết của ta về sự sống con người và việc lưu truyền sự sống ấy qua việc thực hành tính dục nhân bản.

Trong phạm vi này, Giáo Hội là người hướng dẫn bất biến và có liên hệ với ta. Trong suốt thế kỷ 20, song song với các hoàn cảnh đáng buồn trên đây, nghịch lý thay, lại có cả một lòng hăng say mộ mến mới đối với linh đạo nơi các cặp vợ chồng. Đây hiển nhiên là đáp ứng tích cực đối với thông điệp “Casti Connubii” của Đức Giáo Hoàng Piô XI. Thực vậy, thông điệp này tái khẳng định rằng hôn nhân và gia đình là cách thế chân thực và thích đáng để các cặp vợ chồng nên hoàn hảo, và do đó nên thánh. Ngoài ra, triết học nhân vị, rất thịnh hành trong thế kỷ ấy, đã khích lệ lòng mộ mến sốt sắng nơi các cặp vợ chồng Công Giáo. Điều ấy dạy ta nhớ rằng Giáo Hội không bao giờ bỏ rơi các tín hữu của mình, nhất là trong những lúc họ gặp khó khăn. Ở đây, chỉ xin kể ra một số văn kiện có tính huấn quyền được Giáo Hội công bố gần đây: Hiến chế Gaudium et Spes, thông điệp Humanae Vitae, chỉ thị Donum Vitae, tông huấn Familiaris Consortio, tông thư Mulieris Dignitatem. Ngoài ra, còn có thông điệp Evangelium Vitae, giáo lý của Đức Gioan Phaolô II về tình yêu nhân bản thường được gọi là thần học thân xác, thông điệp Deus Caritas Est của Đức Bênêđíctô XVI chú tâm đến việc tái hiểu biết tình yêu. Tất cả các văn kiện ấy rất thích hợp để trợ giúp và hướng dẫn ta.

Điều cũng quan trọng cần nhớ liên quan tới hôn nhân và gia đình là việc thành lập và động viên rất nhiều cơ cấu giáo hội: Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, Viện Gioan Phaolô II Nghiên Cứu Hôn Nhân và Gia Đình, Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống, và sự hiện diện hết sức tích cực của Giáo Hội tại các cơ quan và hội nghị quốc tế. Tuy nhiên, điều cần là ta hãy xét xem đâu là các chủ đề chính yếu được huấn quyền Giáo Hội đào sâu liên quan tới hôn nhân và gia đình

a) Bản chất hôn nhân

Giáo Hội luôn nhấn mạnh tới hôn nhân như là một cộng đồng thân mật của sự sống và yêu thương do Thiên Chúa thiết lập với những quy luật riêng. Giáo Hội hiểu rằng người đàn ông và người đàn bà, về cấu trúc, đã được dựng nên một cách khiến họ có khả năng tự hiến trọn vẹn cho nhau suốt đời. Bản chất con người là hướng về hiệp thông, vì họ vốn được Thiên Chúa dựng nên theo bản chất của Người, một bản chất vốn là hiệp thông giữa các Ngôi Vị. Đức Gioan Phaolô II không nói đến sự thành toàn (fufillment) của con người trong cảnh đơn lẻ của họ mà là trong hiệp thông. Quả thế, con người trở thành hình ảnh Thiên Chúa khi họ cảm nghiệm được sự hiệp thông thực sự với người khác. Điều ấy có nghĩa: khi nói đến hôn nhân và gia đình, Giáo Hội sử dụng luận lý của bản nhiên để nói về chúng, một thứ luận lý dễ hiểu đối với lý trí con người. Thực thế, con người được dựng nên có nam có nữ để bước vào hiệp thông với nhau.

Sự hiệp thông của người đàn ông và người đàn bà trong hôn nhân này được điều hướng cho thiện ích của hai người phối ngẫu, cho việc sinh sản và giáo dục con cái. Sự hiệp thông ấy có đặc tính bất khả tiêu (indisolluble). Trong một xã hội theo chủ nghĩa buông thả và duy cá nhân, tính bất khả tiêu bị nghi vấn, bị coi như hạn chế quyền tự do của người ta và chỉ là áp đặt của Giáo Hội. Tuy nhiên, trên thực tế, tính bất khả tiêu trong dây liên kết vợ chồng thuộc bản tính của chính tình yêu nơi họ, chứ không bao giờ do Giáo Hội áp đặt. Xét một cách thích đáng, hôn nhân là một dâng hiến bản thân trong đó, người đàn ông và người đàn bà thề hứa một cách độc chiếm cho nhau, nói lên sự hiến thân trọn vẹn. Dâng hiến bao giờ cũng giả thiết tính toàn bộ mà không có nó, người ta không thể nói tới lòng trung thành trong hôn nhân. Vì nếu không, như trên đã nói, sự dâng hiến này trở thành một cuộc vay mượn. Có khi, tính bất khả tiêu này bị thử thách, nhưng Giáo Hội luôn tin rằng nếu Đấng Tạo Dựng đã dựng nên con người cho sự hiệp thông này, hẳn Người phải ban cho họ khả năng sống trọn sự hiệp thông ấy.

Nhiều người hỏi: tại sao lại có Bí Tích Hôn Phối nếu quả thật tính bất khả tiêu nằm ngay trong bản chất của tình yêu phu phụ? Bí tích củng cố tính bất khả tiêu của hôn nhân, giúp cặp vợ chồng nhiều khả năng hơn để sống sự kết hợp của họ theo đúng bản chất thiêng liêng của mình. Thiên Chúa đã ký kết một giao ước dứt khoát với Dân của Người và bí tích hôn phối chính là sự thể hiện thực sự tình yêu vĩ đại của Người đối với họ.

b) Gia đình như nơi truyền sinh

Giáo Hội coi gia đình là nơi tự nhiên trong đó sự sống được lưu truyền và do đó là nơi chăm sóc sự sống nhân bản qua việc giáo dục con cái. Không có gì độc đáo đối với việc ấy cả. Tuy thế, cuộc khủng hoảng gia đình tại Tây Phương với nhiều hậu quả tai hại cho con cái, cũng như các kỹ thuật giúp người ta sinh sản mà không cần có mối liên hệ yêu thương giữa hai người phối ngẫu đòi người ta phải đặt câu hỏi nhân học sâu sắc liên quan tới sự sống nhân bản và việc lưu truyền nó. Nếu hôn nhân được xếp đặt cho việc sinh sản và giáo dục con cái, thì theo sự xếp đặt tự nhiên của tạo hóa, ta có thể hiểu rằng việc kết hợp giữa người đàn ông và người đàn bà hẳn phải phong phú mầu mỡ để sản sinh ra một sự sống nhân bản mới. Trong hôn nhân, sự kết hợp này nói lên sự hiến mình trọn vẹn, độc chiếm và dứt khoát. Nhờ cách đó, hai người phối ngẫu trở thành những người cộng tác vào tình yêu Thiên Chúa, đồng thời là những người phụ tạo của Người. Thiên Chúa vẫn là đấng tạo dựng duy nhất. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tạo ra linh hồn mang sự sống đến cho cơ thể con người. Như thế, sự sống nhân bản luôn là một hồng phúc và cặp vợ chồng phải sẵn sàng đón nhận hồng phúc ấy. Điều đó hàm nghĩa: vợ chồng không sở hữu quyền có con; họ được ban tặng hồng phúc là đứa con. Nếu có con được coi là quyền của vợ chồng, thì việc này tất nhiên cho phép người ta ngừa thai để làm tình (contraceptive sex), hay có thể có con mà không cần tác động vợ chồng, và nhiều tập tục khác vi phạm tới tính độc chiếm (exclusivity) của hôn nhân.

Điều ấy thực sự làm đứa trẻ bị lột hết phẩm giá, không còn là một hồng phúc cần trân quí nữa, chỉ là điều gì đó để thoả mãn ích lợi của vợ chồng. Một đàng, quyết định không có con cho thấy người ta thiếu hy vọng nội tại: một là hai vợ chồng không thấy điều họ có thể lưu truyền có giá trị; hai là họ không coi chính họ có giá trị. Người không có cảm thức gì về hậu duệ là người không tin vào chính mình. Đó là thái độ của chủ nghĩa bi quan nhân học. Niềm hy vọng của Kitô Giáo là điều thúc đẩy con người hành động chứ không phải là một nhân đức tĩnh không hề có bất cứ ảnh hưởng nào trên cách hành động của họ. Ở đây, ta đang nói tới các cặp vợ chồng quyết định không có con vì bất cứ lý do nào, chứ không nói về những cặp vợ chồng thành thực mong muốn có con nhưng không thể có được vì một lý do gì đó. Ta biết rằng sự hiếm muộn con cái, sự son trẻ, khó được các cặp vợ chồng chấp nhận. Nhưng sự hiện hữu và cường độ trong ý muốn của họ quả là một bằng chứng của niềm hy vọng nhân bản và Kitô Giáo, một niềm hy vọng muốn nói rằng sự sống con người là điều tốt, đáng ước ao, bảo vệ và cổ vũ.

c) Gia đình trong xã hội

Hiệp thông phu phụ không phải tự nó là một cùng đích. Nhưng nó tạo nền tảng cho việc xây dựng gia đình mà Giáo Hội vốn coi như một hiệp thông thực sự phục vụ cá nhân trước hết; sau mới phục vụ các liên hệ liên bản ngã giữa nhiều cá nhân: tình phụ tử, tình mẫu tử, tình hiếu thảo, tình anh em. Gia đình là nơi tiếp xúc tự nhiên giữa các thành viên của nhiều thế hệ, đảm nhiệm vai trò trung gian giữa các cá nhân và xã hội, và phục vụ như định chế đầu hết để xã hội hóa con người. Familiaris Consortio nói tới gia đình như một trường học của tính nhân bản sâu sắc. Nhờ cảm nghiệm được tinh thần “cho không” (gratuity), yêu thương và kính trọng trong gia đình, con người biết phải làm gì để trở thành nhân bản. Thực vậy, sự hiện hữu của một gia đình vững chắc và lành mạnh quả là một chủ thể và tài nguyên hữu hiệu cho việc nhân bản hóa và nhân vị hóa của xã hội. Bởi thế, có rất nhiều chức năng gia đình đòi ta phải bảo vệ nó: giáo dục con cái, chăm sóc người bệnh và trợ giúp người già, những chức năng mà không định chế nào khác có thể đảm nhiệm tốt hơn. Đó là lý do tại sao Giáo Hội mạnh mẽ bênh vực gia đình theo mẫu mực cổ điển của nó; nếu không, sự suy thoái của gia đình sẽ kéo theo sự sụp đổ của xã hội. Nhưng thiện ích chung chỉ có thể được phục vụ bởi những định chế sẵn sàng góp phần một cách triệt để và chủ yếu vào đó: định chế đó chính là định chế hôn nhân giữa người đàn ông và người đàn bà được dùng làm nền tảng cho bản chất gia đình. Không một hình thức kết hợp nào khác có thể bảo đảm được thiện ích chung của xã hội.

Tóm lại, điều đầu tiên là Kitô hữu không nên quá lo âu về sự lan tràn của các ý thức hệ hiện đại hay về các thực tại đang đe dọa hôn nhân và gia đình. Vì mặc dù có những thực tại làm người ta đôi khi nản lòng, nhưng gia đình vẫn phong phú trong ơn thánh, trong bản chất và trong sứ mệnh của nó. Nên ta phải yêu nó. Yêu gia đình là biết trân quí các giá trị và khả năng của nó và luôn tìm cách phát huy chúng. Ngoài ra, yêu gia đình cũng là biết nhận dạng các nguy hiểm và các sự xấu đang đe dọa nó để thắng vượt chúng; yêu gia đình cũng có nghĩa phải tạo ra một môi trường thuận lợi để nó phát triển. Nhìn quanh, ta vẫn thấy nhiều vùng trên thế giới, cụ thể là ở Á Châu và Phi Châu, nơi đời sống gia đình đang ảnh hưởng tốt đối với sinh hoạt xã hội. Đức tin càng là lý do khiến ta chú tâm tới thực tại gia đình.

Thứ đến, tính lạc quan của ta dĩ nhiên đặt căn bản trên tin mừng của Phúc Âm. Người đàn ông và người đàn bà sở dĩ tìm được hạnh phúc trong việc xây dựng gia đình, là nhờ Thiên Chúa đã dựng nên họ với khả năng thiết lập được loại hiệp thông ấy. Người thổi vào cuộc hiệp thông ấy thần khí yêu thương của Người và ơn thánh của Con Một Người luôn giúp đỡ vợ chồng sống tốt cuộc hiệp thông này. Khi Thiên Chúa hiện diện với gia đình qua cuộc Nhập Thể của Con Một Người giữa lòng gia đình, cuộc sống gia đình không bao giờ còn như trước nữa; vẻ sáng lạn của nó được biểu lộ và sứ mệnh của nó được vén mở: nó thực là đường hoàn thiện của con người và là đường cứu độ của họ. Ta không thể nào quên lời thách đố vang dội của Đức Gioan Phaolô II gửi các gia đình: “Hỡi gia đình, các bạn hãy trở nên chính các bạn!”.