Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay rất có thể có tác động tích cực đối với hôn nhân. Vì tại Mỹ, năm 2008, ly dị giảm 4% xuống 16.9 vụ ly dị cho mỗi 1,000 phụ nữ có gia đình, sau khi từ 16.4 năm 2005 tăng lên 17.5 năm 2007.

Đó là một trong các điểm được nhấn mạnh trong phúc trình hàng năm của Dự Án Hôn Nhân Quốc Gia tại Đại Học Virginia và Trung Tâm Hôn Nhân và Gia Đình tại Viện Các Giá Trị Hoa Kỳ về tình trạng hôn nhân được công bố hồi tháng 12 năm ngoái. Bản phúc trình có tên “Tình Trạng Liên Bang Của Ta, Hôn Nhân Tại Hoa Kỳ năm 2009: Tiền Bạc và Hôn Nhân” này cũng xác nhận rằng người Hoa Kỳ tiếp tục trì hoãn việc lập gia đình hay bỏ qua nó hoàn toàn.

Một phần của việc giảm thiểu này phát sinh từ việc đình hoãn cuộc hôn nhân đầu tiên: tuổi trung bình kết hôn lần đầu tăng từ 20 đối với phụ nữ và 23 đối với nam giới vào năm 1960 lần lượt lên tới 26 và 28 vào năm 2007. Một yếu tố quan trọng khác là sự gia tăng hiện tượng sống chung trước hôn nhân.

Song song với các dữ kiện về hôn nhân và ly dị, bản phúc trình cũng trình bày một loạt các tiểu luận bàn tới các hệ luận của những con số thống kê mới nhất. Nói đến tác động của suy thoái kinh tế đối với hôn nhân, W. Bradford Wilcox, giáo sư xã hội học và giám đốc Dự Án Hôn Nhân Quốc Gia, ghi nhận rằng đây không phải là lần thứ nhất có sự liên quan qua lại giữa khủng hoảng kinh tế và việc giảm thiểu ly dị.

Điều ấy cũng đã xẩy ra trong Vụ Đại Suy Thoái của thập niên 1930. Một phần, sự giảm thiểu là do các yếu tố kinh tế khiến các cặp vợ chồng tạm thời trì hoãn việc ly dị. Tuy nhiên, theo Cox, cũng có một yếu tố khác có tính năng động và lâu bền hơn. Trong một ít thập niên qua, người Hoa Kỳ càng ngày càng tiến đến chỗ biết xem sét, coi hôn nhân chủ yếu là mối tương quan bằng hữu trong tâm hồn. Do đó, sự thân mật về xúc cảm, sự thoả mãn về tính dục, và hạnh phúc cá nhân đã được coi là các khát vọng đệ nhất đẳng của hôn nhân.

Wilcox nhận định rằng: “Cuộc suy thoái nhắc ta nhớ rằng hôn nhân không phải chỉ là một liên hệ xúc cảm; nó còn là một hùn hạp kinh tế (economic partenrship) và cái lưới an toàn về xã hội nữa”. Do đó, mất việc, thấy qũy hưu bổng mất giá, hay biết đánh giá tốt hơn nhu cầu cần tới hai thu nhập, đã khích lệ nhiều cặp vợ chồng tiếp tục ở lại với nhau.

Bất lợi

Wilcox nhìn nhận rằng các áp lực kinh tế cũng có điều bất lợi. Các khó khăn kinh tế có thể mang theo nạn nghiện ngập, trầm cảm và gia tăng các căng thẳng giữa vợ chồng với nhau, trong một số trường hợp còn dẫn tới ly dị nữa. Tuy nhiên, xét chung, đa số các cặp vợ chồng không đáp ứng khủng hoảng kinh tế bằng việc chọn ly dị.

Nhưng Wilcox cảnh cáo rằng tác động của khủng hoảng kinh tế có thể đè nặng trên những người ít học hơn. Nạn thất nghiệp thường xẩy ra một cách nặng nề nhất với những người không có bằng cấp đại học. Thực vậy, hơn 75% vụ mất việc tập trung trong nhóm này. Tư liệu trong tháng 9 năm 2009 của Văn Phòng Thống Kê Lao Động ghi nhận 4.9% phụ nữ có bằng đại học và 5% đàn ông cùng loại đã bị thất nghiệp. Ngược lại, trong số những người chỉ có trình độ trung học, 8.6% phụ nữ và 11.1% nam giới đã thất nghiệp. Wilcox tiếp tục trích dẫn các nghiên cứu do ông thực hiện để cho thấy: các ông chồng là những người ít hạnh phúc đáng kể trong cuộc hôn nhân của họ, và là những người có khuynh hướng toan tính ly dị, trong khi ấy, các bà vợ đang dẫn đầu việc kiếm cơm kiếm áo cho gia đình.

Xét trong hiện trạng, Wilcox cho hay hiện đang có sự phân chia về hôn nhân giữa những người Hoa Kỳ có bằng cấp đại học và những người Hoa Kỳ không có bằng cấp ấy, một sự phân chia trong đó những người không có nền giáo dục cao hơn thường có tỷ lệ cao về ly dị. Tỷ lệ gia tăng thất nghiệp trong số những người đàn ông thuộc giai cấp lao động cũng có thể gây hại thêm cho tình thế hôn nhân trong nhóm kinh tế xã hội này.

Các phụ bản thống kê đính kèm phúc trình này cung cấp nhiều tín liệu hơn nữa về khuynh hướng đáng lo ngại này. Các phụ nữ có bằng cấp đại học hiện lập gia đình với tỷ lệ cao hơn những người đồng trang lứa với họ. Không những thế, tỷ lệ ly dị giữa những phụ nữ này cũng tương đối thấp và đang giảm đi. Bản phúc trình nói thêm: “Thực vậy, các phụ nữ có giáo dục cao đẳng, có thời từng dẫn đầu cuộc cách mạng ly dị, nay đang có một cái nhìn về ly dị có tính giới hạn nhiều hơn là các phụ nữ ít giáo dục hơn”.

Mặt khác, trong số các phụ nữ trì hoãn hôn nhân đến quá tuổi 30, các phụ nữ có giáo dục cao đẳng là các phụ nữ duy nhất có khuynh hướng có con sau khi lập gia đình, hơn là trước đó. Khuynh hướng tích cực này bị bù trừ bởi sự kiện: người Hoa Kỳ có giáo dục cao đẳng với một gia đình hạnh phúc và ổn định thường lại không có đủ số con để thay thế chúng. Năm 2004, 24% phụ nữ trong hạn tuổi 40 tới 44 có bằng đại học không có con, so sánh với 15% phụ nữ cùng lớp tuổi ấy nhưng không có bằng đại học.

Giảm nợ

Jeffrey Dew, một giáo sư phụ tá tại Đại Học Tiểu Bang Utah, nhân khi nói tới khía cạnh tích cực, cũng nhấn mạnh rằng cuộc suy thoái kinh tế có nghĩa: người Hoa Kỳ đang cố gắng chấm dứt cơn ghiền dùng thẻ tín dụng. Đến tháng 12 năm 2008, người tiêu thụ Hoa Kỳ đã tích lũy một khoản nợ tín dụng khổng lồ lên đến 988 tỷ dollars, nhưng năm 2009 họ đã giảm 90 tỷ dollars khỏi món nợ này.

Dew cũng trích dẫn những cuộc nghiên cứu cho thấy món nợ của người tiêu thụ đóng một vai trò quan trọng trong việc sói mòn phẩm chất đời sống vợ chồng. Các nghiên cứu này chứng tỏ rằng các cặp mới lấy nhau nào nặng nợ tiêu thụ thì càng ngày càng trở nên bất hạnh hơn trong cuộc sống hôn nhân của họ. Ngược lại, những cặp nào trả hết các món nợ họ từng đem vào cuộc sống hôn nhân hay mắc phải vào lúc đầu cuộc hôn nhân ấy thì càng ngày càng hạn chế được đà đi xuống của phẩm chất cuộc sống lứa đôi của họ.

Trong một nghiên cứu, việc cảm thấy người phối ngẫu tiêu tiền một cách điên dại đã gia tăng khả thể ly dị tới 45% cho cả đàn ông lẫn đàn bà. Chỉ ngoại tình lăng nhăng và ghiền rượu với ma túy mới vượt qua bách phân ly dị trên.

Cuộc nghiên cứu của Dew cũng đưa ra một điều đáng lưu ý liên quan đến đời sống vợ chồng. Các cặp duy vật chất cũng là những cặp dễ gặp các vấn đề khó khăn đôi lứa. Vì các cặp này đặt phần lớn hạnh phúc của họ cũng như giá trị bản thân của mình trên việc sở hữu vật chất mà họ tích lũy được. Bởi thế, khi các vấn đề tài chánh xẩy ra, người ta thấy họ gặp nhiều tranh chấp hơn trong cuộc hôn nhân của họ.

Ích lợi tài chánh

Alex Roberts, một học giả tại Viện Các Giá Trị Hoa Kỳ, khi trích dẫn các dữ kiện của Bộ Y Tế Và Dịch Vụ Nhân Bản, đã chứng tỏ rằng: một lần nữa, cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy: khi vợ chồng ly dị, nhiều ích lợi về tài chánh mất hẳn đi. Ông chứng minh rằng: một gia đình gồm ba người, tức gồm cha mẹ và một đứa con, cần một thu nhập khoảng 18,311 dollars, mới được coi là ở trên mức nghèo. Nếu cha mẹ ly dị và do đó phải duy trì hai gia hộ tách biệt, thì tổng số thu nhập cần để giữ cho 3 người ở trên mức nghèo phải lên tới 25,401 dollars.

Bởi thế, nếu cha mẹ sống tách biệt, họ phải kiếm thêm 7,090 dollars nữa (tăng 39%) mới tránh được mức nghèo. Roberts nhận định: "Xem ra hôn nhân vẫn còn giá trị trong việc sản sinh ra các nền kinh tế có qui mô, nhất là với những người có thu nhập thấp”.

Hôn nhân cũng có một hiệu quả tích cực trong việc tạo ra giầu có. Roberts nhắc tới cuộc nghiên cứu của các nhà kinh tế học Joseph Lupton và James P. Smith. Hai nhà kinh tế học này theo dõi thu nhập và tài sản của 7,608 người chủ gia hộ giữa các năm 1984 và 1989. Họ thấy rằng với những người có gia đình thì thu nhập gia tăng từ 50% tới 100%, còn tài sản thuần thì gia tăng từ 400% tới 600%. Tính trung bình, các gia hộ liên tục sống trong hôn nhân có thu nhập hai lần cao hơn và có tài sản thuần bốn lần cao hơn những gia hộ ly dị hoặc chưa bao giờ kết hôn.

Đàng sau lợi điểm do hôn nhân mang lại này, ta thấy điều gì? Roberts trả lời: một phần có thể vì những người kiếm ra tiền, dành dụm nhiều có khuynh hướng muốn kết hôn. Mà cũng có thể vì những người có gia đình thường chịu khó làm việc và do đó kiếm được nhiều tiền hơn những người đồng trang lứa không lập gia đình.

Roberts cũng cho biết: các nhà nghiên cứu thấy rằng hôn nhân thường khuyến khích người ta sống theo kỷ luật và tinh thần trách nhiệm, kể cả trách nhiệm tài chánh. Điều này rõ ràng khích lệ các cặp vợ chồng biết khôn ngoan sử dụng các tài nguyên của mình. Hậu quả này không tìm thấy nơi các cặp sống chung (cohab) là những người ít chịu gộp chung các tài nguyên và do đó cũng ít được khuyến khích dành dụm và chi tiêu khôn ngoan. Roberts nhìn nhận rằng ta không thể rút gọn hôn nhân vào những yếu tố chỉ có tính kinh tế như trên. Nhưng xã hội chắc chắn sẽ được lợi nhiều nếu biết đánh giá đúng các ích lợi tài chánh của hôn nhân. Các nhà hoạch định chính sách và các chính trị gia nên để ý tới điều đó.