Ngày 15 tháng 7 vừa qua, Phòng Báo Chí của Tòa Thánh có công bố một bản tóm lược lịch sử việc khai triển các qui tắc liên quan tới các tội phạm nặng nề hơn.

Bộ Giáo Luật do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV ban hành năm 1917 nhìn nhận sự hiện diện của một số tội phạm theo giáo luật (gọi là delicts) dành riêng cho thẩm quyền duy nhất của Thánh Bộ Văn Phòng Thánh là Thánh Bộ, trong tư cách một tòa án, được cai quản bằng chính luật lệ riêng của mình (xem các điều 1555 Bộ Giáo Luật 1917).

Ít năm sau ngày công bố Bộ Giáo Luật 1917, Văn Phòng Thánh ban hành Huấn Thị "Crimen Sollicitationis" (1922), đưa ra các chỉ thị chi tiết cho các giáo phận và tòa án địa phương về các thủ tục phải theo khi giải quyết tội phạm khích dâm (solicitation) theo giáo luật. Tội phạm nặng nề nhất này liên quan tới việc linh mục Công Giáo lạm dụng sự thánh thiện và phẩm giá của Bí Tích Hòa Giải để khuyến khích hối nhân phạm tội lỗi điều răn thứ sáu, hoặc với chính vị giải tội hay với một đệ tam nhân. Các qui tắc ban hành năm 1922 là một cập nhật hóa, dưới ánh sáng Bộ Giáo Luật 1917, đối với Hiến Chế “Sacramentorum Poenitentiae” do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV ban hành năm 1741.

Một số lo ngại cần phải được giải quyết vì chính tính đặc trưng của luật lệ này. Đó là phải tôn trọng phẩm giá của bí tích, ấn tín không thể nào vi phạm được của tòa giải tội, phẩm giá của hối nhân và sự kiện này là không thể điều tra hoàn toàn vị linh mục bị cáo về những gì đã xẩy ra mà không khiến ấn tòa giải tội bị vi phạm.

Bởi thế, thủ tục đặc biệt phải dựa vào một phương pháp gián tiếp để đạt được sự chắc chắn hợp luân cần thiết cho việc đưa ra phán quyết dứt khoát cho vụ kiện. Phương pháp gián tiếp này bao gồm việc điều tra tính khả tín của người tố cáo vị linh mục và cuộc sống cũng như tác phong của vị linh mục bị cáo. Chính việc tố cáo bị coi là lời tố cáo nặng nề nhất mà người ta có thể đưa ra chống lại một linh mục Công Giáo. Cho nên, thủ tục buộc người ta phải thật thận trọng để đảm bảo cho một linh mục, rất có thể là nạn nhân của một lời tố cáo giả mạo và đầy vu vạ, được bảo vệ khỏi tai tiếng cho tới khi bị chứng minh là có tội. Việc này chỉ đạt được nhờ một qui luật nghiêm ngặt đòi phải kín tiếng (confidentisality) nhằm bảo vệ cho mọi người liên hệ khỏi bị công chúng soi mói một cách không cần thiết (undue publicity) cho đến khi tòa án Giáo Hội có phán quyết dứt khoát.

Huấn thị năm 1922 bao gồm một tiết ngắn dành cho một tội phạm nặng nề khác theo giáo luật đó là “crimen pessimum” (tội phạm xâu xa nhất) nói về thói xấu tình dục đồng phái của giáo sĩ. Tiết đặc biệt này ấn định rằng các thủ tục đặc biệt dành cho các vụ khích dâm cũng phải dùng cho các vụ “crimen pessimum” với những thích ứng cần thiết phù hợp với bản chất của tội phạm này. Các qui tắc liên quan tới “crimen pessimum” cũng được áp dụng cho tội phạm tình dục lạm dụng các trẻ em trước tuổi dậy thì và thú dâm (bestiality).

Bởi thế, Huấn Thị “Crimen sollicitationis” chưa bao giờ có ý định đề cập tới toàn bộ chính sách của Giáo Hội Công Giáo liên quan đến các tác phong tình dục bất xứng của các giáo sĩ. Đúng hơn, mục đích duy nhất của nó là qui định một thủ tục để đáp ứng tình huống hết sức tế nhị của bí tích xưng tội, trong đó, bổn phận linh mục phải hoàn toàn kín tiếng để tương ứng với sự cởi mở hoàn toàn của hối nhân tự tỏ bày các bí ẩn của đời sống linh hồn mình ra. Với thời gian và chỉ với tính cách loại suy, các qui tắc đó đã được nới rộng để áp dụng vào một số trường hợp liên quan đến tác phong vô luân của linh mục. Ý niệm phải có một luật lệ toàn bộ để xử lý tác phong tình dục của một số người được ủy thác trách nhiệm giáo dục người khác chỉ mới có gần đây; bởi thế, với lối nhìn này mà mưu toan phê phán các qui tắc giáo luật của thế kỷ trước là một điều hết sức lỗi thời.

Huấn Thị năm 1922 được đưa ra vì nhu cầu của các vị giám mục có nhiệm vụ phải đương đầu với các vụ đặc thù liên quan đến việc khích dâm, đồng tính luyến ái của các giáo sĩ, lạm dụng tình dục trẻ em, và thú dâm. Năm 1962, Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan XXIII cho phép in lại Huấn Thị năm 1922, có thêm một tiết nhỏ liên quan đến các thủ tục hành chánh phải dùng trong các trường hợp có liên quan tới các linh mục dòng. Các bản in lại năm 1962 này có ý dành cho các giám mục đang tham dự Công Đồng Vatican lúc ấy (1962-1965). Một ít bản in lại này được trao cho các vị giám mục lúc ấy cần đến để giải quyết các vụ vốn thuộc thẩm quyền của Văn Phòng Thánh, nhưng đa số các bản in lại này không bao giờ được phân phát.

Các cải tổ được Công Đồng Vatican II đề nghị đòi phải sửa lại Bộ Giáo Luật năm 1917 cũng như cải tổ Giáo Triều Rôma. Thời gian từ 1965 tới 1983 (lúc công bố Bộ Giáo Luật mới dành cho Giáo Hội La Tinh) được đánh dấu bằng nhiều khuynh hướng trong nền nghiên cứu giáo luật vì phạm vi hình luật giáo hội và nhu cầu tản quyền đối với các vụ cần nhấn mạnh tới thẩm quyền và đặc quyền của các vị giám mục địa phương. “Thái độ mục vụ” đối với tác phong xấu được ưa chuộng hơn và một số người coi các diễn trình giáo luật đã lỗi thời. “Mô thức trị liệu” thường được ưa chuộng hơn trong việc xử lý các tác phong tồi bại của giáo sĩ. Người ta muốn các giám mục “chữa lành” hơn là “trừng phạt”. Ý niệm quá lạc quan về lợi ích của khoa trị liệu tâm lý đã hướng dẫn nhiều quyết định liên quan tới các nhân viên giáo phận hay dòng tu, đôi khi không chú ý đủ tới khả năng tái phạm.

Các trường hợp liên quan tới phẩm giá Bí Tích Hòa Giải, sau Công Đồng, vẫn tiếp tục thuộc Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (trước đây gọi là Văn Phòng Thánh; tên này thay đổi năm 1965), và Huấn Thị "Crimen Sollicitationis" vẫn được áp dụng cho các trường hợp như thế cho đến lúc các qui tắc mới được công bố bởi tự sắc “Sacramentorum sanctitatis tutela" vào năm 2001.

Sau Công Đồng Vatican II, một số nhỏ các vụ liên quan tới tác phong tình dục xấu xa của giáo sĩ được trình cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Một số vụ này liên hệ tới việc lạm dụng Bí Tích Hòa Giải, nhưng cũng có những vụ sở dĩ trình cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin là do đơn yêu cầu được chuẩn khỏi các trói buộc của chức linh mục, trong đó có việc độc thân (đôi khi được gọi là hồi tục, “laicization”), vốn là thẩm quyền của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin cho tới năm 1989 (từ 1989 tới 2005, thẩm quyền được chuyển sang Thánh Bộ Bí Tích Và Thờ Phượng Thiên Chúa; từ 2005 đến nay thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo Sĩ).

Bộ Giáo Luật được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố năm 1983 đã cập nhật hóa toàn bộ điều 1395, tiết 2: “Giáo sĩ vi phạm cách nào khác đến giới răn thứ sáu, nếu đã phạm tội bằng bạo hành, hay ngăm đe, hoặc cách công khai hoặc với một vị thành niên dưới mười sáu tuổi, sẽ bị phạt những hình phạt xứng đáng, kể cả sự khai trừ khỏi hàng giáo sĩ, nếu hoàn cảnh đòi hỏi”. Theo Bộ Giáo Luật năm 1983, các vụ xử theo giáo luật được tổ chức tại các giáo phận. Kháng án chống lại các phán quyết của tòa này có thể nạp tại Tòa Tối Cao ở Rôma (Roman Rota), trong khi đó, các khiếu nại hành chánh chống lại các sắc lệnh hình sự thì được trình cho Thánh Bộ Giáo Sĩ.

Năm 1994, Tòa Thánh ban một đặc miễn cho các giám mục Hoa Kỳ được nâng tuổi phạm tội lạm dụng tình dục vị thành niên theo giáo luật lên 18 tuổi. Đồng thời, cũng gia tăng thời hiệu có thể áp dụng thủ tục hình sự lên 10 năm kể từ ngày nạn nhân đủ 18 tuổi. Các giám mục được nhắc nhở phải tiến hành các phiên xử theo giáo luật ngay tại giáo phận của mình. Kháng án thì là thẩm quyền của Tòa Rôma (Roman Rota). Thánh Bộ Giáo Sĩ thì đảm trách các kháng án hành chánh.

Trong khoảng các năm 1994-2001, không một trường hợp nào trên đây được đệ trình cho thẩm quyền vốn có trước đây của Văn Phòng Thánh. Đặc Miễn năm 1994 dành cho Giáo Hội Hoa Kỳ đã được nới rộng cho Ái Nhĩ Lan vào năm 1996. Trong khi ấy, vấn đề liên quan đến các thủ tục đặc biệt dành giải quyết các vụ lạm dụng tình dục đang được thảo luận tại Giáo Triều. Cuối cùng, vào năm 2001, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quyết định bao gồm việc giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em dưới 18 tuổi vào danh sách các tội phạm theo giáo luật vốn dành cho thẩm quyền của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Thời hiệu của hành động hình sự vẫn là 10 năm kể từ ngày nạn nhân đủ 18 tuổi. Luật mới này được cống bố bằng tự sắc "Sacramentorum sanctitatis tutela" ngày 30 tháng 4 năm 2001. Một lá thư ký bởi Đức HY Joseph Ratzinger và Đức TGM Tarcisio Bertone, lúc ấy là Tổng Trưởng và Thư Ký Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, được gửi cho toàn thể các giám mục Công Giáo vào ngày 18 tháng 5 năm 2001. Thư này thông tri cho các giám mục biết luật mới và các thủ tục mới nhằm thay thế Huấn Thị "Crimen Sollicitationis".

Lá thư trên cũng minh nhiên nhắc đến các hành vi tạo thành các tội phạm nặng nề nhất vốn thuộc thẩm quyền Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, cả các tội lỗi luân lý lẫn các tội lỗi trong lúc cử hành bí tích. Lá thư cũng trình bày các qui tắc đặc biệt thuộc thủ tục cần phải theo trong các vụ liên quan tới các tội phạm nặng nề này, trong đó có các qui tắc liên quan đến việc ấn định và áp đặt các chế tài theo giáo luật.

Các tội phạm nặng nề hơn (delicta graviora) dành cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin là các tội phạm sau đây:

1. Các tội phạm tới sự thánh thiện của Bí Tích Cực Thánh và Hy Lễ Thánh Thể: Ném đi, lấy hay giữ bánh rượu đã truyền phép với mục đích phạm thánh, hay xúc phạm tới bánh rượu đã truyề phép (Giáo Luật điều 1367); Không có chức tư tế mà dám cử hành hy lễ Thánh Thể hay dám giả bộ cử hành bí tích (điều 1378 tiết 2 và điều 1379); đồng tế hy lễ Thánh Thể với các thừa tác viên thuộc các cộng đồng giáo hội không có truyền thừa Tông Đồ (Apostolic Succession) hay không nhìn nhận phẩm giá bí tích của việc phong chức linh mục (điều 908, 1365); Khi cử hành Thánh Thể, chỉ truyền phép một chất liệu mà không truyền phép chất liệu kia hay truyền phép cả hai chất liệu nhưng ở bên ngoài việc cử hành Thánh Thể (xem điều 927).

2. Các tội phạm đến sự thánh thiện của Bí Tích Hòa Giải: Giải tội cho một tòng phạm lỗi điều thứ sáu (điều 1378 tiết 1); khuyến khích người ta phạm tội với vị giải tội, lỗi điều răn thứ sáu, trong lúc đang thực hiện hành vi Bí Tích Hòa Giải, trong bối cảnh của Bí Tích này hay viện cớ Bí Tích này (điều 1378); trực tiếp vi phạm ấn tòa giải tội (điều 1388, tiết 1).

3. Các tội phạm chống lại luân lý: Tội lỗi điều răn thứ sáu, do một giáo sĩ phạm với một vị thành niên dưới tuổi 18. Các qui tắc về thủ tục phải theo trong các vụ này như sau:

* Bất cứ khi nào vị bản quyền hay phẩm trật có một nhận thức cái nhiên (probable knowledge, tiếng La Tinh: notitiam saltem verisimilem habeat) về việc phạm một trong các tội phạm nặng nề hơn được dành riêng này, sau khi đã tiến hành một cuộc điều tra sơ khởi, ngài phải thông tri cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Thánh Bộ này, ngoại trừ vì những hoàn cảnh đặc biệt nào đó muốn tự tiến hành vụ việc, sẽ chỉ thị cho vị bản quyền hay phẩm trật biết cách thức phải tiến hành ra sao. Quyền kháng án chống lại một phán quyết của thẩm quyền ban đầu này chỉ được thực hiện trước Tòa Tối Cao của Thánh Bộ mà thôi.

* Hành động hình sự trong các vụ dành riêng cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ có thời tiêu là 10 năm. Luật cũng dự liệu rằng thời hiệu này sẽ được tính theo các qui tắc của điều 1362 tiết 2, trừ trường hợp tội phạm chống lại điều răn thứ sáu với vị thành niên. Trong trường hợp này, thời hiệu sẽ tính từ ngày vị thành niên tròn 18 tuổi.

* Tại các tòa án do các đấng bản quyền hay phẩm trật thiết lập cho các vụ vi phạm nặng nề hơn vốn dành cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin này, các chức năng thẩm phán, bảo vệ công lý, công chứng và biện hộ chỉ có thể đảm nhiệm hợp lệ bởi các linh mục mà thôi. Mặt khác, khi đã hoàn tất vụ xử tại tòa án, bất cứ theo cách nào, thì các pháp án (acts) của vụ xử phải được chính thức chuyển đạt càng sớm càng tốt về Thánh Bộ.

Chín năm sau khi công bố tự sắc "Sacramentorum sanctitatis tutela", Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin thấy cần phải đề nghị thay đổi một số các qui tắc này, không phải thay đổi toàn bộ bản văn, nhưng chỉ trong một số phạm vi, trong một cố gắng cải thiện việc áp dụng luật.

Sau một cuộc nghiên cứu nghiêm chỉnh và cẩn trọng về các đề nghị thay đổi này, các đức hồng y và giám mục thành viên của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã trình bày kết quả các quyết định của mình lên Đức Thánh Cha và vào ngày 21 tháng 5 năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã chuẩn y và truyền công bố bản văn đã duyệt lại. Vì thế, bản văn hiện hành áp dụng cho các tội phạm nặng nề hơn do đó là bản Các Qui Tắc Về Các Tội Phạm Nặng Nề Hơn do Đức Bênêđíctô XVI chuẩn y ngày 21 tháng 5 năm 2010 vậy.

Các thay đổi so với tự sắc "Sacramentorum Sanctitatis Tutela"

Cùng với việc công bố văn kiện “Các Qui Tắc Về Các Tội Phạm Nặng Nề Hơn”, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin có kèm theo hai lá thư để giới thiệu và giải thích các thay đổi đối với tự sắc "Sacramentorum Sanctitatis Tutela,", vốn là tự sắc nói tới các tội phạm nặng nề hơn. Cả hai lá thư này đều được ký bởi Đức Hồng Y William Levada, tổng trưởng Thánh Bộ và Đức TGM Luis Ladaria, thư ký Thánh Bộ. Theo hai văn kiện này, các thay đổi trên liên quan tới cả các qui tắc căn bản lẫn thủ tục của tự sắc "Sacramentorum sanctitatis tutela". Sau đây là các thay đổi mới được đưa vào:

A) Các năng quyền sau đây, nguyên khởi do Đức GH Gioan Phaolô II ban cấp cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và sau đó được vị kế nhiệm của ngài là Đức GH Bênêđíctô XVI xác nhận, đã được đưa vào bản văn:

1. Quyền, với uỷ nhiệm của Đức Thánh Cha, phán xử các hồng y, thượng phụ, khâm sứ Tông Tòa, giám mục và các thể nhân khác liệt kê tại điều 1405 tiết 3 Bộ Giáo Luật;

2. Gia tăng thời hiệu cho hành động hình sự lên 20 năm, vẫn duy trì quyền của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin được châm chước khỏi thời hiệu này trên căn bản từng trường hợp một (mục 7);

3. Năng quyền được miễn chuẩn đòi hỏi phải có chức linh mục và phải có tiến sĩ luật cho các nhân viên tòa án, luật sư và công tố viên (mục 15);

4. Năng quyền chỉnh sửa (sanate?) các pháp án trong các vụ chỉ vi phạm luật thủ tục bởi tòa dưới, dĩ nhiên luôn luôn phải tôn trọng quyền được bào chữa thích đáng (mục 18);

5. Năng quyền được miễn chuẩn khỏi tổ chức các phiên xử pháp lý và, do đó, được tiến hành bằng sắc lệnh ngoại pháp lý (per decretum extra iudicium). Trong những trường hợp này, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, sau khi xem sét các sự kiện một cách cẩn thận, sẽ quyết định, trên căn bản từng trường hợp một, khi nào thì nên cho phép một diễn trình ngoại pháp lý (hành chánh), theo yêu cầu của đấng bản quyền hay vị phẩm trật địa phương hay một chức sắc chính thức. Trong bất cứ trường hợp nào, thì việc áp đặt một hình phạt nào cũng đòi phải có phép của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (mục 21 tiết 2, số 1);

6. Năng quyền được đệ trình thẳng các vụ lên Đức Thánh Cha để sa thải khỏi bậc giáo sĩ hay huyền chức, đồng thời miễn khỏi bậc độc thân theo luật (for dimissio e statu clericali or depositio, una cum dispensatione a lege caelibatus); để tiến hành cách này, ngoài tính cách cực kỳ nghiêm trọng của vụ kiện, việc phạm tội nói ở đây phải hiển nhiên và quyền bào chữa thích đáng của bị cáo phải được bảo đảm (mục 21 tiết 2, số 2);

7. Năng quyền được kháng cáo lên phiên thường lệ của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin chống lại các pháp án hành chánh của cấp phán xử thấp hơn, được chính Thánh Bộ công bố hay chuẩn y, liên quan tới các tội phạm dành riêng (mục 27).

B) Các thay đổi sau đây cũng đã được đưa vào bản văn:

8. Các tội phạm chống lại đức tin (lạc giáo, bội giáo hay ly giáo) đã được cho vào; đối với các tội này, qui tắc ấn định thẩm quyền đặc biệt để vị bản quyền địa phương được tiến hành theo qui tắc pháp chế (ad normam iuris), hoặc theo cung cách pháp lý hoặc theo cung cách ngoại pháp lý, miễn là tôn trọng quyền được kháng cáo lên Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (mục 1 tiết 1 và mục 2):

9. Liên quan tới Phép Thánh Thể, hai tội phạm không có chức tư tế mà dám cử hành Hy Lễ phụng vụ Thánh Thể (giáo luật điều 1378 tiết 2 số 1) và dám giả bộ cử hành bí tích (giáo luật điều 1379) nay được xem sét dưới các số riêng biệt (mục 3 tiết 1 các số 2 & 3).

10. Cũng liên quan đến các tội chống lại Phép Thánh Thể, câu “alterius materiae sine altera” (truyền phép chất liệu này mà không truyền phép chất liệu kia) đã được thay thế bằng câu "unius materiae vel utriusque" (truyền phép một chất liệu hay cả hai chất liệu) và câu “aut etiam utriusque extra eucharisticam celebrationem" (hoặc cả hai chất liệu nhưng ở bên ngoài việc cử hành Thánh Thể) đã được thay thế bằng câu "aut extra eam" (hay ở bên ngoài việc đó ) (mục 3 § 2);

11. Liên quan đến Bí Tích Hòa Giải, các tội phạm qui định ở điều 1378 § 2 (mưu toan ban ơn giải tội theo bí tích hay nghe xưng tội theo bí tích, khi không thể làm thế một cách thành sự) và điều 1379 (giả bộ giải tội theo bí tích) đã được cho vào bản văn (mục 4 § 1 các số 2 và 3);

12. Cũng được kể là các tội phạm loại này việc gián tiếp vi phạm ấn tín giải tội (mục 4 § 1 số 5), việc ác ý ghi chép và phổ biến việc xưng tội theo bí tích (sắc lệnh của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin ngày 23 tháng 9 năm 1988) (mục 4 § 2);

13. Việc mưu toan truyền chức cho phụ nữ cũng được liệt vào loại tội phạm này trong bản văn mới, như đã được thiết lập bằng sắc lệnh của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin ngày 19 tháng 12 năm 2007 (mục 5);

14. Trong các tội phạm chống lại thuần phong (delicta contra mores): một người đã quá 18 tuổi nhưng khuyết tật về phương diện phát triển được coi tương đương với một vị thành niên, chỉ được đề cập ở mục 6 § 1 n. 1;

15. Cũng được kể là tội phạm nặng nề hơn việc giáo sĩ thủ đắc, chiếm hữu hay phân phát bất cứ dưới hình thức nào các hình ảnh khiêu dâm về các vị thành niên dưới 14 tuổi (mục 6 § 1 số 2);

16. Cũng nên hiểu rõ điều này nhiệm vụ điều tra sơ khởi (munera processui praeliminaria) có thể do, nhưng không nhất thiết phải do, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin trực tiếp đảm nhiệm (mục 17);

17. Được phép sử dụng các biện pháp thận trọng dự liệu ở điều 1722 của bộ Giáo Luật khi tiến hành điều tra sơ khởi (mục 19).