Cuộc khủng hoảng năm 2002 lại xuất hiện một lần nữa. Giáo Hội một lần nữa lại phải kinh qua một diễn trình đau đớn trong việc giải quyết một đợt sóng mới các lạm dụng tình dục. Nhưng lần này có điều hơi khác: Giáo Hội đã có nhiều hiểu biết hơn về chứng bệnh ấu dâm và 10 năm kinh nghiệm của các giám mục Hoa Kỳ để xem sét.

Đó là nhận định của Matthew Bunson và Gregory Erlandson trong cuốn sách mới xuất bản của họ, tựa là "Pope Benedict XVI and the Sexual Abuse Crisis: Working for Reform and Renewal" (Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và Cuộc Khủng Hoảng Lạm Dụng Tình Dục: Việc Cải Tổ Và Canh Tân) do nhà Our Sunday Visitor xuất bản năm 2010. Erlandson là chủ tịch và chủ nhiệm Nhà Xuất Bản Our Sunday Visitor Publishing. Còn Bunson là chủ bút của hai tờ The Catholic Almanac và The Catholic Answer magazine (cả hai đều do nhà Our Sunday Visitor xuất bản), đồng thời là cố vấn truyền thông về nhiều vấn đề Công Giáo.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin Zenit, hai tác giả này đề cập tới đợt sóng lạm dụng tình dục mới đây và giải thích tại sao cần phải chính xác khi sử dụng các hạn từ chuyên môn như ấu dâm, thiếu dâm và hậu thiếu dâm (pedophilia, ephebophilia, hebephilia) và tại sao đáp ứng của các giám mục Hoa Kỳ đối với cuộc khủng hoảng năm 2002 đã trở thành khuôn mẫu quan trọng cho các hội đồng giam mục khác.

Chơi chữ?

Trong tác phẩm trên, hai tác giả cho biết chỉ vào khoảng 6% các vụ tường trình về lạm dụng tình dục thực sự thuộc loại ấu dâm đúng nghĩa, là loại mà khoa lâm sàng định nghĩa là việc lạm dụng tình dục các trẻ em trước tuổi dậy thì. Nhưng tại sao lại cần phải nhấn mạnh tới điểm này, phải chăng Giáo Hội muốn tìm cách giảm nhẹ tầm nặng nề của cuộc khủng hoảng bằng cách cho rằng các trẻ trai nạn nhân thực ra lớn tuổi hơn, thuộc hàng thiếu niên (teenagers)? Hai tác giả này cho rằng: lạm dụng là lạm dụng và đều tởm gớm cả, bất luận nạn nhân tuổi tác ra sao. Tất cả đều vừa là tội ác vừa là tội lỗi hết. Đều là việc một người trưởng thành có quyền có thế, và trong trường hợp giáo sĩ còn là thần thế nữa, lạm dụng tình dục một vị thành niên, và do đó, không ai chịu thấu được. Đơn giản chỉ có thế. Ở đây không có chuyện chơi chữ để gỡ tội.

Tuy nhiên, theo hai ông, khi cuộc thảo luận nói đến các phạm trù lâm sàng hay bệnh lý (clinical), thì người ta phải nhìn nhận rằng một trong các khía cạnh khó khăn nhất của việc đương đầu với vấn đề lạm dụng tình dục là nhu cầu phải đào sâu nhận thức của ta về nạn ấu dâm. Dù nghề phân tâm học đã biết nạn ấu dâm về phương diện lâm sàng từ hơn một thế kỷ nay, nhưng mãi tới thập niên 1950, ngành chuyên môn này mới chính thức nhận diện ra nó và mãi tới năm 1980, các nhà chuyên nghiệp về sức khỏe tâm thần mới ấn định được các thông số chẩn bệnh của nó. Từ đó, các nhà lâm sàng đã phân biệt ba loại nạn nhân: tiền dậy thì, dậy thì và tiền trưởng thành (young adult).

Theo hai tác giả này, điều chủ yếu là các vị có thẩm quyền trong Giáo Hội phải hiểu rõ mọi khía cạnh của vấn đề này để có thể xử lý nó một cách hữu hiệu và toàn bộ và đưa ra các cơ chế thích đáng để ngăn ngừa nó trong tương lai. Việc này đòi phải có sự chính xác về lâm sàng khi tiếp cận vấn đề. Thí dụ, cần ghi nhận các nhóm tuổi khác nhau nơi các nạn nhân và dùng các hạn từ chính xác cho các hình thức bệnh lý khác nhau, như ấu dâm (dưới 10 tuổi), thiếu dâm (10 tới 14 tuổi), và tiền trưởng thành (14 tới 17 tuổi).

Các phân biệt trên, theo hai tác giả, được đưa ra không phải để cố gắng giảm thiểu hóa hay coi nhẹ vấn đề; trái lại thì có. Nếu có thể ấn định được nhóm tuổi nào dễ trở thành nạn nhân của việc lạm dụng tình dục, ta sẽ tập chú nhiều hơn để tìm ra các lý do gây ra việc ấy và khai triển ra các qui định cũng nhu rào cản để bảo vệ các em. Các nghiên cứu tại Hoa Kỳ từng cho thấy: đa số các vụ lạm dụng tình dục liên hệ tới nhóm tuổi từ 10 tới 14, là nhóm tuổi của các em giúp lễ. Hai ông cũng nhấn mạnh một điều: bất cứ ai mưu toan sử dụng các số thống kê để chứng minh rằng đây không phải là một vấn đề nghiêm trọng hay ít ra cũng có những giảm khinh đều đã đọc sai trính nặng nề của tội phạm và của tội lỗi này, và do đó, càng làm hại các nạn nhân, gia đình của họ và cả Giáo Hội nữa.

Kinh nghiệm Hoa Kỳ

Mục đích cuốn sách trên là giúp thông tri người ta về lịch sử thực sự của cuộc khủng hoảng cả ở Hoa Kỳ lẫn các nơi khác trên thế giới. Riêng tại Hoa Kỳ, khi Giáo Hội bó buộc phải giáp mặt với các tiết lộ của truyền thông năm 2002, các giám mục đã phản ứng bằng một “gói” (package) cải tổ có tính toàn bộ: Hiến Chương Dallas, Các Qui Tắc Cốt Yếu để giải quyết các vụ lạm dụng, thanh lý hàng năm và thực thi chính sách không mảy may dung thứ (zero tolerance) cũng như tạo môi trường an toàn tại các giáo xứ, trường học và định chế Công Giáo.

Lúc xẩy ra đợt tiết lộ mới của truyền thông trên khắp thế giới, người Công Giáo Hoa Kỳ có cảm tưởng trong 8 năm qua, ta đã không đạt được điều gì cả. Cuốn sách của hai tác giả này muốn nhắc nhở độc giả là họ đã quên đấy thôi. Chứ thực ra về lãnh vực này, đã có nhiều tiến bộ rất lớn tại Hoa Kỳ. Dù vẫn còn nhiều điều cần phải làm và người ta cần phải luôn luôn cảnh giác, song Hoa Kỳ hiện nay được kể là khuôn thước để các nơi khác mô phỏng mà giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Đây là một bối cảnh quan trọng khi xét tới thảm kịch hiện nay của Ái Nhĩ Lan và nhiều nơi khác. Phúc trình Ryan và Murphy tại Ái Nhĩ Lan, khi chi tiết hóa tầm cỡ đầy ngỡ ngàng và khiếp đảm của cuộc khủng hoảng cũng như của các thiếu sót nơi các định chế tại Ái Nhĩ Lan và đặc biệt tại Tổng Giáo Phận Dublin, đã làm rúng động Giáo Hội Ái Nhĩ Lan và gây ra nhiều tai hại khủng khiếp đối với tính khả tín và uy thế tinh thần của Giáo Hội tại nước đó. Nó cũng phá hoại tính khả tín của chính phủ, một chính phủ, trong nhiều thập niên qua, phần nào đã đồng lõa với việc lạm dụng tình dục và thể lý các trẻ em vì đã không chịu hành động chi và đã không có thiện chí giải quyết vấn đề.

Các giám mục và các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội Ái Nhĩ Lan biết rằng bản phúc trình kia sẽ tiết lộ nhiều điều khủng khiếp liên quan tới việc lạm dụng các vị thành niên, nhưng nguyên cái sức nặng và tính khủng khiếp của sự kiện mà thôi cũng đã làm người ta ngỡ ngàng rồi. Đức TGM Diarmuid Martin của Dublin từng nói dọc dài về điều ấy. Ngài quả là một nhà lãnh đạo chân thực khi chỉ ra cho Giáo Hội Ái Nhĩ Lan con đường lâu dài và khó khăn của cải tổ và canh tân. Quan trọng hơn nữa, Đức Thánh Cha đã tiếp nhận bản phúc trình và soạn thảo một lá thư vô tiền khoáng hậu gửi người Công Giáo Ái Nhĩ Lan hồi tháng 3. Đây là một văn kiện phi thường ở nét thành thực của nó, nói lên lòng buồn rầu, lời xin lỗi và cam đoan với mọi người Ái Nhĩ Lan rằng Giáo Hội thực sự cam kết đem lại sự chữa lành cho nạn nhân, công lý cho kẻ lạm dụng, tinh thần trách nhiệm cho các giám mục, những người lỗi nhiệm vụ, và sự canh tân thiêng liêng cho nhiều năm sắp tới.

Điều đáng buồn là chúng ta còn chứng kiến nhiều vấn đề tương tự như thế đang diễn ra khắp thế giới. Hiện đang có nhiều vụ xẩy ra tại Đức, Bỉ, Hòa Lan và Thụy Sĩ. Úc, Ba Tây và Phi Luật Tân cũng đang phải đương đầu với tệ trạng này. Về việc này, ta thấy kinh nghiệm của Hoa Kỳ rất qúy giá. Các qui tắc và chương trình được các giám mục Hoa Kỳ đưa ra hiện đang được sử dụng làm bản hướng dẫn cho các nước đang đương đầu với cùng một gương mù gương xấu này.

Đã có những chậm trễ

Đa số việc kiện cáo liên quan tới các vụ lạm dụng tình dục đã xẩy ra cách nay 30, 40 và có khi 50 năm. Đó là điều ta cần để ý mới có thể hiểu chính xác về khủng hoảng loại này. Thực vậy, tại Hoa Kỳ, một số vụ nổi tiếng xẩy ra trong 2 thập niên 1980 và 1990. Nhưng theo Bunson và Erlandson, tâm bão xoay quanh năm 2001-2002 lúc có tường trình nẩy lửa của tờ The Boston Globe nói là dựa vào tài liệu của Tổng Giáo Phận Boston. Tường trình này khiến nhiều nạn nhân khác lên tiếng. Người ta cũng thấy cùng một hiện tượng xẩy ra tại Âu Châu. Tại đây, các tin tức của báo chí cũng đã thúc đẩy nhiều nạn nhân khác lên tiếng tố cáo, kể cả các nạn nhân ở Hòa Lan, nơi giáo quyền đã làm mọi cách để khích lệ họ lên tiếng. Giáo Hội tại quốc gia này nói rõ mình thưc sự muốn đương đầu giải quyết vấn đề này một khi nó đã được đem ra ánh sáng công luận.

Như đã nói, Giáo Hội tại Hoa Kỳ đã đương đầu một cách tích cực với vấn đề này từ gần 10 năm nay. Nước Úc cũng đương đầu với cùng một vấn đề như thế trong nhiều năm qua. Nước Áo cũng vậy, vốn lao đao với vấn nạn này trong nhiều năm với việc từ chức năm 1995 của Đức Hồng Y Hermann Gröer, tổng Giám Mục Vienna, và vụ tai tiếng về hình ảnh khiếm nhã tại chủng viện Sankt Polten năm 2004.

Người ta dễ hiểu việc cơn khủng hoảng này ngày một tệ hơn lên, ngày một nhiều vụ tai tiếng được phanh phui hơn và hình như ta đã không làm gì cải thiện được tình huống. Sự thật là các nhà lãnh đạo của ta cần phải kinh qua một diễn trình đau đớn mới mong hiểu rõ phạm vi và tính nghiêm trọng của vấn nạn đang thách thức Giáo Hội. Trong quá khứ, nhiều lầm lỗi đã xẩy ra, và nhiều trường hợp và tình trạng đã bị làm ngơ. Bởi thế mới có những trường hợp chỉ được đem ra ánh sáng nhiều thập niên sau khi xẩy ra. Sau đó, thì như đã biết, phải có thời gian mới đưa ra được biện pháp và thi hành biện pháp ấy. Ngày nay, các vị giám mục tại Âu Châu đang phải đương đầu với cùng một tình huống như các vị giám mục Hoa Kỳ năm 2002.

Trách nhiệm của các cơ quan dân sự

Người ta cũng tin rằng các nhà chức trách dân sự phải chịu trách nhiệm phần nào đối với hiện tượng chậm trễ nêu trên. Theo Bunson và Erlandson, dù đã có các đạo luật về lạm dụng tình dục, nhưng trong nhiều năm qua, các nhà chức trách dân sự cũng có khuynh hướng thiếu hiểu biết đầy đủ về nạn lạm dụng tình dục trẻ em y như những giới khác. Họ thiếu cả ý thức đầy đủ về khuynh hướng xấu xa này cũng như tác dụng của nó đối với trẻ em nạn nhân. Phần các giám mục, thì như ta đã biết, trước đây các ngài có khuynh hướng dựa vào các nhà chuyên môn về bệnh tâm thần để có được các hướng dẫn cần thiết cho việc phải xử lý ra sao đối với các linh mục lạm dụng. Các ngài thường được các nhà chuyên môn này khuyến cáo nên cử nhiệm các linh mục đang được họ điều trị tới các nhiệm sở khác. Bây giờ ta mới biết đó là một sai lầm đầy thảm họa. Cũng thế, đôi lúc, các nhà chức trách dân sự cũng xử lý các tội phạm lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên như các tội ghiền rượu hay ghiền ma túy. Một số nhà chức trách ở Ái Nhĩ Lan hay ở Hoa Kỳ còn tỏ ra ngần ngại không chịu truy tố tội lạm dụng tình dục sợ gây tai tiếng cho các linh mục và do đó, tránh tiếng xấu cho các định chế tôn giáo. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã đề cập tới khía cạnh đó trong lá thư gửi người Công Giáo Ái Nhĩ Lan của ngài.

Hậu quả đối với Giáo Hội

Giáo Hội vẫn sống còn sau 2000 năm với thật nhiều cuộc khủng hoảng. Thử hỏi cuộc khủng hoảng lần này mang lại hậu quả gì cho Giáo Hội, nhất là cho các cá nhân tín hữu, bất kể họ là nạn nhân, là người lạm dụng hay là giáo dân nói chung? Bunson và Erlandson cho rằng: Giáo Hội thực sự bị cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục gây thương tích. Không những Giáo Hội bị xỉ nhục và tai tiếng mà còn phải nhìn nhận rằng những người chịu trách nhiệm nặng nề nhất về linh hồn người khác đã quá thiếu sót và thất bại. Cuộc đời các nạn nhân lạm dụng bị tơi tả và niềm tin của họ hoàn toàn lung lay, có khi bị hủy hoại. Tệ hơn nữa, các tội ác như lạm dụng tình dục còn có hiệu quả của vết dầu loang, gây ác mộng và tha hóa các gia đình và bằng hữu, và hiển nhiên phá hoại chứng tá của Giáo Hội đối với xã hội nói chung.

Đại đa số các linh mục là người tận tụy và trung thành với lời khấn hứa của mình, nhưng chính các ngài cũng thấy danh thơm tiếng tốt của mình bị vấy bẩn và cảm thấy không còn được tin tưởng như xưa. Tại các giáo xứ có chuyện linh mục lạm dụng tình dục trẻ em, thường là có việc mất tin tưởng và gây tổn thương dù các vụ này được xử lý ngay tức khắc. Liên hệ giữa linh mục và giám mục giáo phận cũng bị thương tổn. Nhiều linh mục cảm thấy rằng dù vì lầm lỗi mà danh tiếng của mình bị hủy hoại, nhưng xem ra đức cha chẳng hề nhận chút trách nhiệm nào, mọi tội đổ lên đầu mình như một thứ dê tế thần, tế cho nhiều nan đề khác của giáo phận. Nhiều người, trong đó có cả Đức Hồng Y quá cố Avery Dulles, từng cảnh giác rằng vụ xì-căng-đan này dám gây ra một phân rẽ giữa các linh mục và vị giám mục giáo phận của họ.

Các vị giám mục, mà phần đông chỉ là người “thừa hưởng” các vụ xì-căng-đan từng xẩy ra cách đây cả mấy thập niên và nay phải đương đầu với các vụ kiện liên quan tới chúng, thường thấy danh tiếng của mình cũng như thế giá tinh thần của mình bị mờ nhạt đi, giữa lúc tiếng nói của mình cần hơn bao giờ hết trước nhiều vấn đề phức tạp của thời hiện đại.

Còn đối với giáo dân những người phần lớn đọc tin từ giới truyền thông thế tục, thì các bản tường trình có tính thế tục này tiếp tục sói mòn niềm tin của họ vào Giáo Hội định chế và các nhà lãnh đạo Giáo Hội. Việc sói mòn lòng tin này có những hệ quả thật lâu dài, vượt quá cả việc tham dự Thánh Lễ. Những người Công Giáo vốn đã ra xa lạ với Giáo Hội thì ngày nay càng có cớ để mà chính thức thoát ly khỏi Giáo Hội. Mà cả những người chịu nán lại cũng không hiểu hết trọn bộ bối cảnh này hay nhìn thấy các cố gắng của Giáo Hội muốn điều chỉnh các lầm lẫn quá khứ và ngăn ngừa các lầm lỗi tương lai. Hai tác giả này cho hay: chính vì nhóm tín hữu sau cùng đó, mà họ viết ra tác phẩm vừa nói vì họ cho rằng những người đồng đạo này mới chỉ nhìn thấy nửa phần câu truyện.

Vai trò của Đức Đương Kim Giáo Hoàng

Theo hai ông, Đức Bênêđíctô XVI đã nối kết một cách chặt chẽ cuộc cải tổ của Giáo Hội trong lãnh vực lạm dụng tình dục với chương trình canh tân thiêng liêng rộng lớn hơn. Cuộc khủng hoảng này, vì thế, đã cung cấp cho Giáo Hội một cơ hội cải tổ về định chế và canh tân về thiêng liêng. Điều ấy thực ra rất phù hợp với các hoài mong lâu đời trong Giáo Hội muốn cải tổ và canh tân liên lỉ như lời khuyên bất hủ của Đức Giáo Hoàng Grêgoriô Cả.

Ai cũng thấy Đức Đương Kim Giáo Hoàng là một nhà lãnh đạo trong cuộc khủng hoảng này và triều giáo hoàng của ngài sẽ được định nghĩa dựa vào cung cách ngài giải quyết cuộc khủng hoảng tình dục trong Giáo Hội. Cuốn sách của Bunson và Erlandson trình bày thành tích của Đức Bênêđíctô XVI trong việc xử lý các vụ lạm dụng tình dục từ ngày còn là tổng giám mục Munich-Freising, qua thời làm bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và nay trên ngôi Giáo Hoàng.

Như thế, Đức Đương Kim Giáo Hoàng đã giáp mặt thực sự với vấn đề này từ lâu. Lúc làm bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngài đảm trách mọi vụ lạm dụng tình dục trên khắp thế giới sau khi Đức Gioan Phaolô II ra sắc chỉ vào năm 2001, tập trung việc giám sát tệ nạn này tại Tòa Thánh. Trong nhiệm vụ đó, chắc chắn ngài hiểu biết tầm cỡ và tính nghiêm trọng của vấn đề này hơn bất cứ nhà lãnh đạo nào khác trong Giáo Hội. Ngài ủng hộ các qui tắc và chương trình cải cách của Giáo Hội Hoa Kỳ. Ngài nhận đơn từ chức của nhiều giám mục thế giới vì thiếu khả năng lãnh đạo trong việc xử lý các vụ tai tiếng này. Ngài từng đề cập rộng dài vấn nạn này trong các cuộc tông du như các bài nói chuyện rõ ràng của ngài tại Hoa Kỳ năm 2008 và lá thư ngài gửi tín hữu Ái Nhĩ Lan. Ngài từng gặp các nạn nhân ở Hoa Kỳ, ở Úc Châu, ở Malta và ngay tại Vatican; ngài từng nói rằng ngài sẵn sàng gặp các nạn nhân bị lạm dụng tại Ái Nhĩ Lan. Ngài cũng nói rõ ngài sẽ tiếp tục đề cập đến vấn đề này và sẽ ban hành các qui tắc mới, có tính phổ quát cho toàn thể Giáo Hội về vấn đề này.

Hai tác giả này cho rằng về sự liên kết giữa các cải tổ có tính định chế và chương trình canh tân thiêng liêng có tính bao quát hơn, mấy tuần trước đây, nhân chuyến tông du Cyprus, ngài dạy rằng Giáo Hội có thể sống thoát các bách hại do các lực lượng bên ngoài gây ra, nhưng đe dọa lớn nhất đối với Giáo Hội là đe dọa từ bên trong, do tội lỗi và thiếu sót nơi các chi thể của mình tạo nên. Không còn hoài nghi gì nữa, cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục nói lên một thảm họa đối với toàn thể thế giới Công Giáo. Nhưng theo gương Đức Bênêđíctô XVI, người Công Giáo không nên sợ sự thật và nên ý thức rằng, đàng trước ta vẫn còn đường để tiến về phía trước. Đức Thánh Cha sẽ là người lãnh đạo của chúng ta trong cuộc hành trình lâu dài và khó khăn này.

Những qui tắc mới

Lúc xuất bản tác phẩm của mình và đưa ra các nhận định trên đây, Bunson và Erlandson chưa thấy các qui tắc mới vừa được Tòa Thánh công bố liên quan đến các “tội phạm nặng nề hơn”. Thực ra, theo lời Đức Cha Scicluna, người phối hợp công tác của 8 thẩm phán Giáo Hội, và là một trong các vị trình bày các qui tắc mới cho báo chí, thì các biện pháp này đã và đang hiện hành trong Giáo Hội từ trước đến nay rồi, chúng chỉ mới khi được qui định thành “qui tắc” (norms). Thực vậy, văn kiện mới thu về một mối mọi biện pháp liên quan tới việc xử lý các trường hợp lạm dụng tình dục do Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đảm trách, kể cả các biện pháp trước đây được dành cho Thánh Bộ dưới hình thức năng quyền (faculty).

Theo Đức Cha, năng quyền, từ bản chất, “có một đời sống rất mong manh (ephemeral)”, tùy thuộc ý chí của mỗi vị Giáo Hoàng. Bởi thế, ngay khi lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Bênêđíctô XVI ngỏ ý muốn tất cả các năng quyền này được ổn định hóa, trở thành các qui tắc “còn hiệu lực mãi cho tới khi Đức Giáo Hoàng chính thức cho phép sửa đổi”. Việc ấy, một lần nữa, cho thấy rõ hơn nữa thái độ cương quyết của Đức Đương Kim Giáo Hoàng đối với vấn đề khó khăn và tế nhị này.

Tuy nhiên, cũng có nhiều đổi mới về nội dung như việc tăng gấp đôi thời gian giới hạn theo luật từ 10 năm kể từ ngày nạn nhân 18 tuổi lên 20 năm để có thể đưa ra một hành vi hình sự. Như thế là lâu hơn luật dân sự. Ngoài ra, tùy trường hợp, thời gian này còn có thể nới rộng hơn 20 năm. Một điểm mới nữa là giáo dân cũng có thể phục vụ tại tòa án Giáo Hội trong tư cách luật sư.

Một điều mới được các nhà báo đặc biệt chú ý là “quyền, với ủy nhiệm trước đó của Đức Giáo Hoàng, được xử các hồng y, thượng phụ, đặc sứ Tông Tòa và giám mục”. Theo Đức Cha Scicluna, “đây là dấu chỉ quan trọng, vì nó có nghĩa là Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin có thể điều tra và đệ trình kết quả cho Đức Giáo Hoàng”. Tưởng cũng nên nói đến những việc như mua, sở hữu hay phân phối văn hóa khiêu dâm với chủ đề trẻ em cũng đã liệt kê trong danh sàch các "tội phạm nặng nề hơn". Ngoài ra, việc lạm dụng tình dục với người trưởng thành nhưng tật nguyền về phương diện tâm thần cũng được coi như các tội phạm đến trẻ vị thành niên.