Câu truyện bắt đầu với ý kiến của Pat Robertson, một thế lực truyền thông, một chủ tịch điều hành, một cựu mục sư của Giáo Hội Southern Baptist, hiện là viện trưởng Đại Học Regent và Chủ tịch Hệ Thống Truyền Hình Kitô Giáo (CBN), và từng vận động làm ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa tranh chức tổng thống Mỹ vào năm 1988 nhưng không thành công. Pat Robertson theo khuynh hướng cực hữu, đôi khi có những tuyên bố gây tranh cãi như khi ông bảo trận bão Katrina là hành động Thiên Chúa trừng phạt chính sách phá thai của Mỹ. Ông cũng là người tiên báo tận thế vào tháng 10 hay tháng 11 năm 1982!

Không lạ gì khi một thính giả tâm sự với ông rằng bà đang rất khổ tâm trong cố gắng tha thứ cho ông chồng lừa dối, Pat Robertson đã đưa ra nhiều nhận định kỳ lạ, nhất là đã đồng hóa việc lừa dối với thân phận đàn ông: “muốn hay không, đàn ông có khuynh hướng lang bang”.

Đã đành về mặt tâm sinh lý, đàn ông thường bị kích thích bởi hình ảnh khiêu dâm hơn đàn bà, và do đó, dễ bị thương tổn hơn, nhưng lời lẽ của mục sư Robertson cho thấy một thế giới quan trong đó, đàn ông nguyên tuyền chỉ là nạn nhân vô vọng và đáng thương không hơn không kém, trong khi đàn bà phải đóng vai trò hỗ trợ và nửa thụ động nửa năng nổ biến gia đình thành nơi đàn ông không muốn bỏ để đi lang bang.

Điều đáng buồn là cách tiếp cận đàn ông và tội bất trung đầy lạc hậu và lỏng lẻo trên không phải chỉ Robertson mới có, mà là một quan điểm khá chung chung của nhiều Kitô hữu. Dĩ nhiên, giống phần đông Kitô hữu, mục sư Robertson mong cho cuộc hôn nhân của thính giả ông được phục hồi và phương cách phục hồi nó là nhớ lại điều từng khiến bà thương yêu chồng lúc ban đầu. Đây là lời khuyên chính xác và đúng đắn. Nhưng mục sư sai ở chỗ coi tội nặng về tính dục là điều không thể nào tránh được và ta nên sẵn sàng đón nhận nó chỉ nguyên vì phái tính. Ông cũng sai khi coi thường người vợ bị thương tổn qua việc vô tình làm ngơ cơn đau của bà vì cho rằng đó chỉ là con đường phải xẩy ra khi bà cưới một người đàn ông. Ông cũng bác bỏ cả vấn đề gốc rễ của tội ngoại tình và mọi tội xã hội khác: tức tội lỗi con người. Ông vô tình coi thường cả lời mời gọi nên thánh của Thiên Chúa, nên thánh như Người là Đấng Thánh.

Không thừa nhận các điều ấy, việc cho ý kiến chính xác khó mà có được.

Tính dục con người là điều quan yếu để họ hiện sinh. Nói theo ngôn từ ngày nay, nó là chuyện lớn (big deal). Trong một buổi yết kiến chung, Chân Phúc Gioan Phaolô II đã dạy rằng trong mỗi cuộc phối hợp vợ chồng, “đều có sự canh tân nào đó đối với mầu nhiệm sáng tạo trong toàn bộ cái sâu sắc và sức mạnh sinh động lúc ban đầu của nó”. Nói cách khác, hành động làm tình với một ai đó nói lên một điều gì. Một điều gì rất cao cả. Nó phản ảnh các thực tại sâu xa hơn điều “vì cảm thấy nó tốt nên nó hẳn phải là điều tốt để làm”, hay như phần đông Kitô hữu vẫn nghĩ “vì nó cho ta cảm giác tốt và vì chúng ta đã lấy nhau, nên đây hẳn là phương tiện thoả đáng để thỏa mãn tính dục”. Như thể việc cảm thấy được thỏa mãn tự nó đã là một cùng đích đầy đủ rồi.

Không, tính dục cao đẹp, lớn lao và đẹp đẽ hơn thế. Thực tế, nó là một điều hết sức mạnh mẽ, vì nó là khả năng kết hợp trọn vẹn với một ai đó và phát sinh ra sự sống mới. Thiên Chúa chắc chắn có thể vẫn tiếp tục tạo dựng con người như cách Người đã tạo dựng Ađam và Evà. Nhưng không, thay vào đó, Người đã chia sẻ năng lực tạo dựng với chúng ta. Và điều này phải khiến ta coi rất trọng việc phát biểu tính dục, coi nó như một điều ta phải tiếp cận một cách kính trọng, tôn kính. Nó cũng khiến ta phải tìm cách bảo vệ tính tháng thiêng của nó bằng bất cứ khả năng nào có trong ta và nếu vấp ngã, ta phải chỗi dậy và tiếp tục chiến đấu.

Thêm vào đó, con người nhân bản, vì vinh dự được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nên thẩy đều được tự do từ lúc được tạo dựng. Ta được tự do chọn lựa, tự do làm điều đúng và cả điều sai nữa. Hẳn ta nhớ Bà Evà trong Địa Đàng? Hay tiếng Xin Vâng của Đức Mẹ? Điển hình đầu là điển hình lạm dụng tự do của mình; điển hình thứ hai là điển hình phó thác, vâng theo Thánh Ý Chúa. Điều này không có nghĩa: đứng trước cám dỗ, ta luôn cảm thấy việc chọn lựa là chuyện hết sức rõ ràng (đôi khi rất ngược lại) hay ta luôn ở trong trạng huống tốt cả về trí lẫn tâm để biện phân được chiều hướng hành động đúng ngay trong thử thách nóng bỏng nhất. Đôi khi ta phải tranh đấu cam go mới làm được việc đúng, và bước theo Chúa trong những điều nhỏ mọn là cách tốt nhất để chắc chắn có thể bước chân theo Người trong những điều lớn lao. Quan điểm cho rằng sự bất trung vợ chồng là điều có thể tha thứ được vì đàn ông sinh ra vốn bất trung là một chủ trương có vấn đề vì nó bác bỏ phẩm giá con người và do đó, bác bỏ khả năng con người có thể chọn lựa đúng.

Như thế, điều bất hạnh cho người đàn bà vấn kế là mục sư Robertson gần như không có một chút cảm thương nào đối với bà. Nhưng cả người chồng của bà cũng không được vị mục sư này tôn trọng bao nhiêu khi coi ông ta hoàn toàn ở dưới mức con người (subhuman) vì đã không cho thấy một chút khả năng tự kiểm soát nào, tự làm chủ các đam mê nào. Người đàn ông được miễn chấp trách nhiệm, nhưng đồng thời cũng được “miễn” điều khiến ta ra khác với súc vật, tức khả năng lý luận và chọn lựa. Tất cả những điều này chắc chắn chỉ làm thương tổn người đàn bà và chính cuộc hôn nhân, nhưng xét cho cùng chúng gây hại nhiều nhất cho linh hồn người đàn ông vì nó giả thiết ông ta mãi mãi chìm đắm trong tội trọng về tính dục. Điều này khiến ông ta xa cách Thiên Chúa song song với việc bẻ gẫy mối liên hệ với vợ. Điển hình này coi thường lễ hy sinh của Chúa Giêsu trên thập giá, vẻ đẹp và sức mạnh của ơn cứu chuộc. Nó coi nhẹ Bí Tích Hòa Giải, bí tích mà Mục Sư Robertson vốn không tin. Nó tước mất khỏi người đàn ông một người bạn đời lành mạnh và toàn vẹn khi nó thu gọn vai trò người vợ trong hôn nhân chỉ còn là đảm bảo sao mọi sự phải êm ấm vì sợ rằng không làm thế chồng bà sẽ đi hoang. Như thể phải đi giầy cao gót mà bước trên vỏ trứng hòng làm dịu cái thói thiếu tự chủ của chồng hay cái thói ưa trăng hoa của chàng.

Thực ra, không phải thế, đàn ông không sinh ra để lừa dối. Họ sinh ra với cùng một phẩm giá như người đàn bà, tức để sống trong tình bạn với Thiên Chúa và được ở với Người mãi mãi trên thiên đàng. Đáng buồn thay, làm ngơ tác phong xấu và nhắm mắt đối với tội lỗi chỉ đi ngược lại mục tiêu này. Ta phải khuyến khích mọi người đàn ông và mọi người đàn bà, có gia đình hay không, biết tìm lại cái hiểu chân thực và toàn bộ về tính dục, về đức trong sạch, về bản tính con người, và về tội lỗi. Vì người ta rất sợ rằng không thế, đến cố gắng chống trả cơn cám dỗ trong phạm vi này, ta cũng sẽ làm không được.

Có lẽ điều hay nhất có thể làm cho người đàn bà vấn kế này là lời xin lỗi. Là khích lệ bà cầu nguyện, tiếp tục mưu tìm sự tha thứ, vì lợi ích của riêng bà và lợi ích của người chồng, và trông lên Chúa Giêsu, xin Người ban cho sức mạnh và ơn thánh để yêu thương chồng. Là khẳng định rằng hôn nhân lúc nào cũng đòi dũng cảm để có cái nhìn lâu dài; nó cũng là chất súc tác để ta lớn lên trong nhân đức, điều không dễ dàng chút nào. Là góp tiếng cổ vũ ý niệm đúng đắn này: yêu thương ai không có nghĩa tự biến mình thành chiếc thảm chùi chân ở ngoài cửa, mặc tình cho họ lạm dụng về xúc cảm hay thể lý. Yêu thương họ đôi khi buộc ta phải nói “vì tôi yêu anh nên tôi không thể để anh đối xử với tôi như vậy”. Tốt nhất nên cương quyết và rõ ràng cho người đàn bà vấn kế hay việc chồng bà bất trung không hề là lỗi của bà, vì một lẽ đơn giản là ai trong chúng ta cuối cùng đều chịu trách nhiệm đối với tội lỗi của riêng mình.

Và trên hết, là nhắc bà nhớ rằng bà được Thiên Chúa yêu thương và biết rõ, Đấng sẽ không bao giờ rời bỏ bà hay bỏ rơi bà. Người là Đấng trước nhất biết rõ phản bội và cô đơn có nghĩa gì.