Trò Chuyện Với Linh Mục Chủ Tịch Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ

Tham Dự Đại Hội Nối Kết Các Sắc Tộc Đa Văn Hóa Công Giáo


+ Linh Mục Giuse Nguyễn Thanh Liêm, Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, đã tham dự Đại Hội Nối Kết Các Sắc Tộc Đa Văn Hóa Công Giáo, do Văn Phòng Đa Văn Hóa Trong Giáo Hội trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tổ chức từ ngày 6-8 tháng 5, 2010 tại University of Notre Dame, thành phố South Bend, IN., vừa qua. Phóng Viên của Website Liên Đoàn có cuộc trò chuyện thân mật với Cha sau Đại Hội như sau.

PV: Xin Cha cho biết mục đích của Đại Hội này và thành phần tham dự?

LM Liêm: Theo tinh thần thư mời tham dự do Cha Allan F. Deck, S.J, Giám Đốc Văn Phòng Đa Văn Hóa trong Giáo Hội trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (HĐGM Hoa Kỳ) gởi ra, Đại Hội nhắm đến hai mục đích:

- Nâng cao sự hiểu biết về các Cộng Đồng Công Giáo, từ đó chấp nhận các nền Văn Hóa đa dạng trong Giáo Hội.

- Bổ sung các nền văn hóa khác biệt vào trong cuộc sống và lãnh đạo ở các địa phận, giáo xứ và những tổ chức của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ.

Xem hình đại hội

Về thành phần tham dự, ngoài khách mời danh dự như Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, TGM Pietro Sambi, Đức Cha Jaime Soto, Giám Mục Địa Phận Sacramento và là Chủ Tịch Ủy Ban Đa Văn Hóa HĐGM Hoa Kỳ, Đức Cha Wilton Gregory, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Atlanta và là Chủ Tịch Hội Đồng Liên Tôn HĐGM Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 300 người gồm Tổng Giám Mục, Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ nam nữ, Cố Vấn Quốc Gia các Sắc Dân tại Hoa Kỳ, Học Giả, Chuyên Gia, Giáo Sư Đại Học, các nhà lãnh đạo các văn phòng Sắc Dân ở địa phận, trường học, các nhà xuất bản v.v.. Họ là đại biểu cho sáu (6) nhóm hay còn gọi ‘gia đình’ chính: Người Bản Xứ Hoa Kỳ (Người da Đỏ); Người Tây Ban Nha/Latinh; Người Hoa Kỳ gốc Âu Châu; Người Hoa Kỳ gốc Phi Châu; Người Á Đông và Thổ Dân Thái Bình Dương và Những người thuộc giới Di Dân, Tị Nạn và Du Hành.

PV: Xin Cha cho biết thêm về đại biểu cho sắc dân Việt Nam tham dự?

LM Liêm: Ngoài sự tham dự của Đức Cha Mai Thanh Lương, Giám Mục Phụ Tá địa phận Orange và là thành viên Giám Mục trong Ủy Ban Á Châu Thái Bình Dương, Ủy Ban hiện do Đức Giám Mục Randolph R. Calvo làm Chủ Tịch, còn có một số Linh Mục, nam nữ Tu Sĩ và Giáo Dân làm việc tại các địa phận và cá nhân chúng tôi.

PV: Xin Cha cho biết khái quát về số liệu người gốc Á Châu và Thái Bình Dương tại Hoa Kỳ?

LM Liêm: Theo tài liệu từ sự nghiên cứu của bà Tiến Sĩ Ruth Narita Doyle, Đại Học Fordham, và bà Cecile Motus, Phó Giám Đốc Văn Phòng Đa Văn Hóa Trong Giáo Hội của HĐGM Hoa Kỳ, dân số người thuộc gốc Á Châu và Thái Bình Dương sinh sống tại Hoa Kỳ đã gia tăng rất nhanh trong vòng 50 năm vừa qua. Kể từ năm 1990, chỉ trong vòng 17 năm, số người đã tăng hơn gấp đôi. Năm 2007, American Community Survey đã cho biết tổng số là 16,141,315.

Trong năm 2007, người Trung Quốc chiếm đa số với 3,045,592 người, người Ấn Độ hạng nhì với 2,570,166, và người Phi Luật Tân đứng hàng thứ ba với 2,412,446.

PV: Thế còn người Việt Nam chúng ta và các nhóm kế tiếp khác thì sao?

LM Liêm: Người Việt Nam chúng ta đứng ở hàng thứ tư với số người là 1,508,489. Người Hàn Quốc là 1,344, 171, và người Nhật là 803,092. Đây là những nhóm người có số dân nhiều nhất. Những nhóm khác có con số ít hơn 300,000 người.

PV: Cha vừa nói đến người gốc Á Châu, thế còn các thổ dân ở các đảo Thái Bình Dương?

LM Liêm: Cũng theo American Community Survey, trong năm 2007, thổ dân ở đảo Hawaii là nhóm đông dân nhất với 142,919, tiếp đó là Guamanian hoặc Chamorro 74,947, và Samoan với 69,615.

Dĩ nhiên, theo hoàn cảnh và thời gian, các nhóm sắc dân nói trên ở Hoa Kỳ càng ngày càng tăng trưởng và bành trướng, hoặc cũng có thể ít dần đi, và một số sắc dân khác lại tiếp tục đến nữa.

PV: Thưa Cha, người gốc Á Châu hiện nay tập trung ở những tiểu bang và địa phận nào?

LM Liêm: Theo thống kê, hơn 2/3 tập trung ở sáu (6) tiểu bang: California, Hawaii, Illinois, Texas, New Jersey và New York. Nếu phân chia theo địa phận trong Giáo Hội, địa phận với hơn 200,000 người gốc Á Châu và Thái Bình Dương gồm: Los Angeles, Honolulu, Brooklyn, San Jose, Oakland, Orange, Seattle, San Francisco, Sacramento, New York, San Diego, Chicago, Galveston-Houston, Arlington, San Bernardino, Newark, Atlanta, Boston, Washington D.C., Dallas, Philadelphia và Metuchen.

PV: Trở lại với Đại Hội, xin Cha cho biết thêm về nội dung các buổi thảo luận?

LM Liêm: Các nhóm đã hội thảo và chia sẻ rất cặn kẽ về Căn Tính của từng nhóm/gia đình của mình; thêm vào đó là Thiên Chúa và Giáo Hội đã ảnh hưởng và tác động như thế nào trong đời sống của từng người; đồng thời các nhóm cũng thảo luận về những cuộc khủng hoảng, thách đố, khó khăn, kỳ thị xảy ra, và sau cùng đưa ra một đường hướng mới cho nhóm/gia đình của mình.

PV: Đâu là những khó khăn và thách đố?

LM Liêm: Trở ngại về ngôn ngữ, đặc biệt đối với người gốc Á Châu và Thái Bình Dương, là bức tường ngăn cách lớn nhất trong việc hội nhập, sống đạo và thành công trong xã hội Hoa Kỳ. Ngoài ra phải kể thêm về những sự khác biệt trong cách sống, phong tục, tập quán và văn hóa đưa đến những hiểu lầm, hiểu sai và thật đáng tiếc còn xảy ra các việc kỳ thị chủng tộc ngay trong các giáo xứ và cộng đoàn, và cả trên bình diện quốc gia nữa!

PV: Hướng về tương lai, người gốc Á Châu và Thái Bình Dương chú tâm đến vấn đề nào?

LM Liêm: Vấn đề được các đại biểu quan tâm và bàn thảo liên quan đến giới thanh niên thiếu nữ. Hầu như tất cả các sắc dân đều thú nhận bị ‘khủng hoảng’ chung trong việc thiếu tổ chức và không có một chương trình sinh hoạt có ‘tầm cỡ’ cho giới này.

Các đại biểu được khuyến khích sau Đại Hội này cần liên lạc và trao đổi với nhau thường xuyên hơn, để có thể lập nên một chương trình Chung với nhau. Họ cũng mong học hỏi và tìm hiểu các chương trình và sinh hoạt nơi các sắc dân khác, hầu có thể giúp cho chính sắc dân của mình.

PV: Người Việt Công Giáo tại Hoa Kỳ có đóng góp được những gì trong các vấn đề này?

LM Liêm: Có dịp trao đổi và trò chuyện với các đại biểu sắc dân khác, chúng tôi thật vui khi đa số đều ngưỡng mộ và khâm phục về các tổ chức, sinh hoạt, và những chương trình đạo giáo, tâm linh của người Việt Nam chúng ta ở khắp nơi trên Hoa Kỳ qua các giáo xứ, họ đạo, cộng đoàn. Họ cũng cho biết là thường xuyên theo dõi và trao đổi với nhau về những sinh hoạt và chương trình của chúng ta để học hỏi và rút tỉa kinh nghiệm cho sắc dân của họ. Chúng tôi cũng ước mong, chúng ta cũng nên tìm hiểu và học hỏi về các tổ chức, sinh hoạt, chương trình của các sắc dân khác ngay trong giáo xứ và cộng đoàn nơi chúng ta sinh hoạt, nhờ đó, tránh được nhiều việc hiểu lầm đáng tiếc xảy ra, và cũng làm phong phú hơn cho chính đời sống đạo của chúng ta. Hiện nay, các địa phận đều có nhiều giáo xứ gồm có hai ba sắc dân sống và sinh hoạt với nhau, và càng ngày mô thức giáo xứ đa văn hóa này sẽ trở nên kiểu mẫu ở Hoa Kỳ. Do vậy, hướng về tương lai, việc hiểu nhau và cùng cộng tác làm việc chung với nhau là điều cần thiết.

PV: Cha có thể cho biết một vài chương trình nào của người Việt chúng ta được họ nhắc đến?

LM Liêm: Cuộc Hành Hương Đức Mẹ LaVang ở thủ đô Washington DC do Liên Đoàn tổ chức trong tháng 6 tới đây; Ngày Thánh Mẫu hàng năm vào tháng 8 ở Missouri do Tỉnh Dòng Đồng Công tổ chức. Ngoài ra, họ cũng thông tin với nhau về các sinh hoạt dành cho giới trẻ như Đại Hội Về Đất Hứa của các Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể vào tháng 7 tới đây ở California, hoặc nỗ lực học hỏi và tìm hiểu về ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc khác, như Chương Trình Mục Vụ Học ngôn ngữ Spanish của các Linh Mục Việt Nam vào tháng 9, 2010 tại Costa Rica.

PV: Cha có nhận xét gì về Đại Hội cũng như ảnh hưởng của nó trong tương lai?

LM Liêm: Đại Hội đã được tổ chức hết sức kỹ lưỡng và quy mô. Thành phần được mời tham dự cũng chọn lọc và phong phú và đến từ các sắc dân khác nhau, ngoài ra có sự tham dự của hơn 10 Giám Mục Hoa Kỳ. Chương trình Đại Hội cũng đã được Ban Tổ Chức cẩn thận chuẩn bị ngay cả. ...trước khi Đại Hội xảy ra chính thức vài tháng, qua các việc mời gọi các đại biểu trao đổi tư tưởng, ý kiến với nhau bằng email, phone, panel discussion. Đại Hội cũng được chiếu LIVE trong website của HĐGM Hoa Kỳ, và là phóng sự của các đài truyền hình.

Quy tụ khá đông đủ đại biểu các sắc dân sống trên Hoa Kỳ cùng về với nhau để trao đổi, học hỏi các tư tưởng, ý kiến khác nhau, và cùng ngồi lại đề ra những đường hướng thiết thực trong tương lai là điều cần thiết và ích lợi. Thêm vào đó, qua Đại Hội cùng với những tài liệu, sách vở phổ biến và những đóng góp thiết thực, hàng Giáo Phẩm Hoa Kỳ nhận ra tầm quan trọng qua sự hiện diện đông đảo của các sắc dân trên Hoa Kỳ, cũng như không thể phủ nhận được những khác biệt giữa các sắc dân với nhau về phong tục, tập quán, ngôn ngữ và văn hóa. Tuy vậy, các sắc dân cũng làm phong phú cho xã hội và Giáo Hội Hoa Kỳ với những đóng góp và cống hiến tuyệt vời qua khả năng của từng cá nhân và cộng đồng. Sự tham dự đông đảo Giám Mục Hoa Kỳ, cũng như các vị dành thời gian để trả lời những thắc mắc, chia sẻ những tư tưởng, chính kiến trong Đại Hội nói lên sự quan tâm sâu sắc của các chủ chăn trong Giáo Hội. Từ tình hình thực tế, hàng Giáo Phẩm Hoa Kỳ cũng học hỏi và dần dần ‘điều chỉnh’ lại các tổ chức, nhân sự, chương trình sinh hoạt, sống đạo trong Giáo Hội Hoa Kỳ và tại địa phương, sao cho phù hợp với tâm thức, lối sống của các sắc dân hơn. Đây cũng một thách đố cho Giáo Hội Hoa Kỳ nói chung vốn có truyền thống bắt nguồn từ người Công Giáo gốc Âu Châu mang Đức Tin đến Hoa Kỳ trong các thế kỷ trước. Đây cũng là thách đố cho từng sắc dân nữa! Chúng ta có biết cởi mở, khiêm nhường học hỏi và trao đổi để thoát ra khỏi óc thành kiến hẹp hỏi của Cá Nhân Chủ Nghĩa và Dân Tộc Chủ Nghĩa, từ đó đưa đến sự hiểu biết, cảm thông và chấp nhận lẫn nhau, cũng như cùng giúp cho nhau thăng tiến trong đời sống đạo và đời hay không?

PV: Đại Hội được diễn ra trong những ngày Tổng Giáo Phận Hà Nội có những chuyển biến lớn qua sự bổ nhiệm của Đức Thánh Cha Benedict XVI cho Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn về làm Tổng Giám Mục Phó có quyền kế vị, cũng như tin tức về sức khỏe của Đức Tổng Kiệt mỗi ngày mỗi xấu đi cần phải đi chữa và dưỡng bệnh. Một số đại biểu có trao đổi với Cha về vấn đề này không khi Cha tham dự Đại Hội với tư cách là Cố Vấn Quốc Gia về sắc dân Việt Nam tại Hoa Kỳ?

LM Liêm: Vâng có. Một số đại biểu khi trao đổi với chúng tôi về tình hình Giáo Hội Việt Nam và về Tổng Giáo Phận Hà Nội - tâm điểm của những tranh cãi, bàn luận trong nước lẫn hải ngoại hiện nay - về khả năng thay đổi nhân sự, đều bày tỏ sự bất ngờ về sự bổ nhiệm, nhất là với lý do ‘sức khỏe’ của một vị Tổng Giám Mục 58 tuổi - Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt -, nổi tiếng qua những lần can đảm lên tiếng cho công lý, công bằng, dân chủ và bác ái, và vị Tổng Giám Mục Phó là Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, đương kim Chủ Tịch HĐGM Việt Nam, tuổi hạc cũng đạt 72 tuổi, gần với tuổi Giám Mục phải đệ đơn về hưu theo Giáo Luật rồi!

Tuy nhiên, các vị Đại Biểu đó cũng hiểu biết, cảm thông và đều cầu nguyện cho cả hai vị Tổng Giám Mục. Hai ngài đều vì lòng yêu mến Chúa và Giáo Hội, và về sự vâng phục Đức Thánh Cha, đại diện Thiên Chúa, nên đến bất cứ nơi nào các ngài được sai đến để phục vụ. Các vị đại biểu cũng tin tưởng rằng Tòa Thánh luôn luôn nhìn xa và có hướng đi cho tương lai Giáo Hội Việt Nam nói chung, và cho Tổng Giáo Phận Hà Nội nói riêng, cũng như có lý do chính đáng cho sự bổ nhiệm ‘khá bất thường’ nhưng không biệt lệ này.

Chúng tôi nhớ lại tấm gương vâng phục của chính Đức Thánh Cha Benedict XVI, qua việc chấp nhận làm Giáo Hoàng, bởi quyết định của Hồng Y Đoàn sau vài lần bỏ phiếu, mặc dù ngài lúc đó đã 78 tuổi, và luôn nghĩ đến những tháng ngày về hưu sống thanh thản với người anh của mình. Nhiều người cũng bày tỏ sự ngạc nhiên, nghi ngờ về tuổi tác và khả năng của Hồng Y Joseph Ratzinger trong sứ vụ mới. Nhưng năm năm trôi qua, nhìn lại những nỗ lực của ngài, ngài được nhiều người, nhiều giới nể trọng và đánh giá cao vì những thành công hết sức đáng kể trong sứ vụ Giáo Hoàng của mình.

PV: Cám ơn những chia sẻ của Cha.