Nói đến đa văn hóa là nói tới di dân. Tài liệu công bố ngày 20 tháng 7 năm 2011 tựa là “Catholic Archdiocese of Sydney Multicultural Policy” vì thế đã bàn rộng rãi tới vấn đề di dân trong Tổng Giáo Phận Sydney. Tài liệu này thực ra là bản sửa lại tài liệu năm 1997, dựa vào các khuyến cáo trong kế hoạch mục vụ của Tổng Giáo Phận tựa là “Starting Afresh With Christ”. Theo Đức Hồng Y George Pell, Tổng GM Sydney, chính sách mới này “cung cấp các tiêu chuẩn và mục tiêu” cho việc chăm sóc mục vụ đối với di dân.

Tỷ lệ di dân Công Giáo

Theo tài liệu trên, dân số Công Giáo tại Sydney là 594,696 người, trong đó 221,745 người là di dân, chiếm 37.28%. Tại hai giáo phận kế cận, dân số Công Giáo của Parramatta là 319,241 người, trong đó 103,006 người là Công Giáo, chiếm 32.26%; dân số Công Giáo của Broken Bay là 213,285 người, trong đó, 51,116 người là di dân, chiếm 23.96%. Như thế, tỷ lệ di dân Công Giáo của Tổng Giáo Phận là 33.34% (375,867/1,127,222). Tuy nhiên, vì tài liệu chỉ đề cập tới chính Tổng Giáo Phận, chứ không nhắc chi tới hai giáo phận thành viên, nên ta thấy con số di dân Công Giáo tại Sydney là một thực tại đáng lưu ý. Họ được phân bổ trong 32 nhóm khác nhau, trong đó nhóm Ý đông nhất, chiếm 29,815 người; thứ nhì là nhóm Phi Luật Tân, chiếm 16,170 người; thứ ba là nhóm Libăng, chiếm 13,243; nhóm Việt Nam đứng hàng thứ tư với 11,608 người. Nhóm ít nhất là Hòa Lan chiếm 1,105 người.

Họ đã được chào đón theo qui mô lớn từ thập niên 1950 và cho đến nay, Tổng Giáo Phận vẫn giang rộng đôi tay đón chào họ, tuy với một qui mô không lớn bằng. Việc chào đón này, theo Đức Hồng Y George Pell, hoàn toàn phù hợp với sứ điệp Tin Mừng, theo đó, tiếp nhận ngoại nhân và tỏ lòng hiếu khách đối với người xa lạ là thành phần làm nên bản chất sinh hoạt của Giáo Hội, nói lên đặc điểm phổ quát của Giáo Hội, khiến Giáo Hội Úc trở thành như Giáo Hội sơ khai, thờ phượng Chúa bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Bản sắc di dân

Đức HY Pell cho rằng tài liệu này nhìn nhận sự đóng góp lớn lao của di dân vào đời sống Công Giáo của Tổng Giáo Phận, cũng như vai trò quan yếu của các tuyên úy di dân trong việc trợ giúp các di dân tham dự vào sinh hoạt của Tổng Giáo Phận.

Di dân tới đây không chỉ mang theo khả năng làm việc và sản xuất, mà còn mang theo cá tính, đặc điểm, qui ước xã hội, tôn giáo, phong tục và truyền thống. Vì con người luôn được qui định bởi nền văn hóa trong đó họ sinh ra và lớn lên; bởi gia đình và các nhóm xã hội vây quanh; bởi nền giáo dục và nhiều loại ảnh hưởng khác nhận được từ môi trường sống. Cùng với những yếu tố ấy, di dân còn mang theo cả cảm thức quốc gia nữa, vì văn hóa luôn mặc lấy cấu hình quốc gia, đem lại cho người ta một bản sắc quốc tính.

Khi rời quê mẹ, vượt qua biên giới một nước khác, giao tiếp với những con người lớn lên trong một môi trường khác, với những qui ước xã hội khác, nói một ngôn ngữ khác, họ sẽ ngỡ ngàng thấy mình khác với những người khác này và càng thấy mình khác, họ lại càng ý thức rõ ràng hơn về bản sắc của mình. Với tâm trạng ấy, tài liệu cho rằng: nếu họ không từ từ cởi mở đối với đời sống và nền văn hóa của xã hội chủ nhà, họ có thể rơi vào thái độ khép kín dẫn đến việc hình thành các khu biệt lập (ghettos) và, bất hạnh thay, việc họ càng bị đẩy ra bên lề nhiều hơn.

Hội nhập

Dĩ nhiên, theo tài liệu, liên hệ thích đáng giữa di dân và người dân của xã hội chủ nhà là con đường “hội nhập” chân chính với một nhãn quan cởi mở. Nhãn quan này được định nghĩa là từ khước việc chỉ nhìn các khác biệt giữa di dân và người bản xứ. Trái lại, phải cởi mở đối với nhóm khác để chào đón nền văn hóa của họ.

Tài liệu nhấn mạnh tới diễn trình hai chiều của hội nhập và cho rằng diễn trình này là một diễn trình lâu dài. Di dân Công Giáo đem tới Tổng Giáo Phận các biểu tượng, các thực hành và lòng sùng kính đặc biệt làm phong phú thêm sinh lực hữu hình của tính công giáo. Họ là dấu chỉ cho thấy tính cởi mở và tính bao gồm của Giáo Hội, vì Giáo Hội bao gồm mọi người và mọi nền văn hóa. Thành thử cùng với người bản xứ, họ nói lên hình ảnh đích thực của Giáo Hội với đặc tính phổ quát, quá khứ lịch sử, sự phong phú về truyền thống và nghi lễ. Như vậy thì di dân và người bản xứ phải cùng nhau chia sẻ các truyền thống này, trân quí chúng.

Giáo Hội tại Sydney được mời gọi trợ giúp di dân về phương diện nhân đạo, nhưng trên hết là các trợ giúp mục vụ, thiêng liêng và truyền giáo. “Là một Giáo Hội, ta được mời gọi đón chào Chúa Kitô nơi di dân và đón chào di dân như Chúa Kitô”.

Khía cạnh hội nhập quan yếu nhất, dĩ nhiên, là văn hóa. Tài liệu xem sét văn hóa theo nghĩa rộng rãi của nó để chỉ bất cứ điều gì nhờ đó a) con người phát triển và hoàn thiện các khả năng thể xác và tinh thần của mình, b) dùng nhận thức và lao công để kiểm soát thế giới, c) làm cho đời sống xã hội nhân bản hơn, cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội, bằng cách cải thiện các phong tục và định chế, d) với thời gian, phát biểu, thông đạt và gìn vàng giữ ngọc các kinh nghiệm và hoài bão lớn lao về linh đạo.

Văn hóa chủ yếu được lưu truyền trong và nhờ gia đình, được cử hành, củng cố và tiến diễn trong cộng đoàn. Chính các cộng đoàn đức tin tạo cơ hội để ta tôn vinh, củng cố và cử hành ý nghĩa thâm sâu nhất của mỗi nền văn hóa. Giáo Hội tại Sydney đặc biệt hỗ trợ các gia đình và cộng đoàn đức tin trong khía cạnh này.

Tiếp nhận

Đại diện các nhóm di dân Công Giáo của Tổng Giáo Phận Sydney đã tham dự buổi ra mắt tài liệu này một cách đông đảo và hào hứng. Linh Mục Nguyễn Văn Toàn, Tuyên Úy Trưởng Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Sydney nói với phóng viên tờ The Catholic Weekly rằng chính sách đa văn hóa của Tổng Giáo Phận là cơ hội “để những người mới tới hiểu được Giáo Hội Úc Châu… đồng thời, cũng là dịp may để người Úc hiểu được các di dân. Tôi tin chắc rằng di dân đang làm cho Giáo Hội Công Giáo tại Úc, và tại Sydney nói riêng phong phú hơn về văn hóa và thiêng liêng”.

Bertha Silva, phục vụ tại Cộng Đồng Công Giáo Tây Ban Nha ở Fairfield, thì cho hay chính sách này sẽ tạo nhiều tiến bộ, nhiều hội nhập hơn. “Chúng tôi cảm thấy được thừa nhận, và điều này chắc chắn giúp chúng tôi hội nhập”.

Nhưng thực ra, hội nhập không đơn giản như thế. Chính tài liệu cũng cho đó là một diễn trình lâu dài. Đúng hơn, phải nói là phức tạp. Một văn kiện, dù cần tới ba năm để duyệt lại, vẫn chỉ có tính hướng dẫn. Tất cả còn tùy việc áp dụng. Về khía cạnh này, ai cũng công nhận Giáo Hội tại Sydney đã làm rất nhiều để trợ giúp người di dân. Nhưng có người cho rằng phần lớn các trợ giúp này thuộc loại được tài liệu xếp vào loại “trợ giúp nhân đạo”. Về trợ giúp mục vụ và thiêng liêng, ta thấy Giáo Hội tại Sydney luôn cung cấp cho di dân các tuyên úy nhiệt thành cũng như các cơ sở thờ phượng và sinh hoạt thích hợp. Còn về trợ giúp văn hóa? Đây là khía cạnh tế nhị nhất, và do đó, ít “hữu hình” nhất xét về cố gắng và thành quả. Nhưng nó lại là đỉnh cao của cố gắng hội nhập. Không có nó, hội nhập kể như vô nghĩa, cùng lắm chỉ tạo nên một xã hội đa văn hóa. Phải chăng vì thế mà tài liệu được đặt tên là “Chính Sách Đa Văn Hóa” (Multicultural Policy)?

Đa văn hóa hay liên văn hóa

Ít ai còn nhắc đến chính sách đa văn hóa. Thực vậy, Đức Tổng Giám Mục Antonio Vegiò, Chủ Tịch HĐGH về Di Dân và Du Lịch của Tòa Thánh, trong một bài phát biểu trước hội nghị đối thoại liên tôn tại Hung Gia Lợi hồi tháng 6 năm 2011, cho hay: thay vì chủ nghĩa đa văn hóa, đã đến lúc ta nên nói tới chủ nghĩa liên văn hóa. Đa văn hóa chỉ có nghĩa hai hay ba nền văn hóa cùng hiện diện với nhau tại một nơi nào đó. Trong khi liên văn hóa chỉ các mối liên hệ bền vững giữa các nền văn hóa hiện diện tại một không gian địa dư nào đó và nhấn mạnh tới các thái độ, các mục tiêu cần nắm lấy và các hành trình giáo dục dẫn tới cuộc gặp gỡ văn hóa này. Trong phạm vi này, tiếp cận mà thôi chưa đủ mà còn cần trao đổi, trao đổi không chỉ những gì mình có, mà cả những điều mình là nữa. Đa văn hóa chú trọng tới khoan dung trong khi liên văn hóa chú trọng tới việc chấp nhận mọi lối sống mà không cần phê phán. Đó mới thực sự là mục tiêu của hội nhập. Hội nhập văn hóa.

Về điểm này, người ta nhớ lại câu truyện của đợt di dân Công Giáo đầu tiên từ các giáo hội Đông Phương đến Úc gần đầu thập niên 1950, những người từng gây “kinh hoàng” cho người Công Giáo Úc, như lời tường trình của một giáo dân Úc thời đó: “Trời đất, sáng nay có một ông từ tầu bước xuống, tự xưng mình là linh mục mà lại có vợ mới khổ!”. Người giáo dân bình thường “kinh hoàng” như thế không có gì lạ, nhưng cả các chức sắc như Đức Hồng Y Gilroy, người từng học tại Trường Truyền Giáo Rôma, nơi rất nhiều bạn đồng học Đông Phương có vợ, vậy mà vẫn “bỗng nhiên tái mặt giữa lúc đang vui vẻ dùng tiếng Latinh phỏng vấn một linh mục theo nghi lễ này, chỉ vì vị linh mục này cho ngài hay: ‘sum uxuratus’ (con có vợ!). Hậu quả: hàng giáo phẩm Úc chỉ cho phép các giáo sĩ theo nghi lễ Đông Phương nào sống độc thân mới được quyền thi hành thừa tác vụ cách công khai tại nước Úc mà thôi. Khuyến cáo này bị Thánh Bộ Giáo Hội Đông Phương bác bỏ bằng văn thư ngày 5 tháng 10 năm 1949.

Nhắc đến quá khứ, không thể nào không nhắc tới Tông Hiến Exul Familiaban hành hồi tháng 8 năm 1952 về mục vụ di dân tị nạn. Tông hiến này dự liệu việc thiết lập ra các Giáo Xứ Quốc Tịch (national parishes), ban cho các nhà truyền giáo di dân năng quyền chăm sóc các linh hồn, và mỗi nhóm truyền giáo thuộc một quốc tịch có quyền có một giám đốc toàn quốc. Giáo Hội Úc không tiếp nhận mẫu Giáo Xứ này, cũng như không trao cho các nhà truyền giáo di dân quyền chăm sóc các linh hồn, mà yêu cầu các tuyên úy di dân cộng tác với các cha xứ là những người thực sự có năng quyền chăm sóc các linh hồn. Giáo quyền Úc cũng không đề cử giám đốc toàn quốc cho các tuyên úy di dân của một quốc tịch, coi điều đó không thích hợp với việc tông đồ di dân tại đây… Việc này khiến Tòa Thánh phải ban hành tông thư Pastoralis Migratorumvào năm 1969, theo đó, hàng giáo phẩm địa phương được thay thế Thánh Bộ Di Dân trong việc bổ nhiệm các tuyên úy di dân, phần nào nhượng bộ quan điểm của Giáo Hội Úc, nhưng nhấn mạnh tới việc không nên chỉ nhìn vấn đề di dân dưới con mắt riêng của mình mà quên đi gia tài thiêng liêng của họ.

Các thái độ lịch sử ấy phản ảnh lịch sử di dân nói chung của Úc, một đất nước từng có chính sách Nước Úc Da Trắng. Tuy chính sách này chính thức bị kết liễu vào năm 1973, nhưng ảnh hưởng của nó dai dẳng hơn nhiều. Đến tận năm 2003, Alan Jones, một người ủng hộ Thủ Tướng John Howard, vẫn còn phát biển trên Đài 2GB rằng “Úc không phải là một xã hội đa văn hóa… mà là một xã hội đa sắc tộc với một nền văn hóa duy nhất (multiracial monocultural society)”. Nói cho cùng, Úc vẫn là quốc gia đế quốc (imperial state); các chính phủ của nó cảm thấy bó buộc phải bảo vệ mảnh đất vốn tước đoạt được bằng vũ lực từ tay người Thổ Dân. Phải bảo vệ nó cho bằng được, chống lại các chính phủ hay các nhóm văn hóa nào dám thách thức sự tước đoạt kia. Họ cần phải kiểm soát cả người Thổ Dân lẫn những người mới tới để đảm bảo cho bằng được cái trật tự văn hóa, xã hội và kinh tế hiện hữu. Họ muốn người di dân tan hòa (assimilated) vào cấu trúc xã hội Úc.

Do hoàn cảnh lịch sử, Giáo Hội Công Giáo Úc là một Giáo Hội phải tự tranh đấu để sống còn và vươn lên, vì thoát thai từ những tội đồ Ái Nhĩ Lan trên một mảnh đất do người Anh Giáo gốc Anh cai trị một cách hà khắc và đầy kỳ thị. Phó sản của cuộc tranh đấu này là thái độ e dè đối với bất cứ di dân nào không cùng gia tài Ái Nhĩ Lan với mình. Nhưng rồi thành phần dân số trong Giáo Hội Công Giáo cứ mỗi ngày một thay đổi đáng kể, đến nỗi, căn cứ vào cuộc tổng kiểm tra dân số năm 1986, linh mục Adrian Pittarello, cho rằng tỷ lệ di dân Công Giáo tại Sydney lên tới gần 60%. Theo ngài, không thể kể họ như những người được thêm vào cho Giáo Hội ở đây mà thực ra họ đã trở thành Giáo Hội ở đây rồi…

Cơ cấu hay văn hóa

Do hoàn cảnh trên, cơ cấu tổ chức dành cho các cộng đồng Công Giáo di dân đã từ từ thay đổi, phù hợp hơn với tinh thần của tông hiến Exul Familia. Theo tài liệu mới, hiện nay tại Tổng Giáo Phận Sydney, có 3 mô hình chăm sóc mục vụ cho di dân:

a) Sứ bộ có năng quyền chăm sóc các linh hồn(Mission with the care of souls): Sứ bộ này thường được sáp nhập vào một giáo xứ tòng thổ, nhất là trong trường hợp giáo xứ này được điều hành bởi đoàn viên của một cộng đoàn tu sĩ vốn phục vụ nhu cầu thiêng liêng của nhóm di dân này. Điển hình là các sứ bộ tại Leichhardt và Mascot.

b) Các trung tâm mục vụ(Pastorales centres): Được thiết lập ở một số nơi, các trung tâm này được điều hành gần như các giáo xứ. Thí dụ giáo xứ của người Đại Hàn tại Silver Water, hay giáo xứ của người Croatian tại St John’s Park.

c) Tuyên uý đoàn (chaplaincy): Đây là mô hình phổ thông nhất của việc chăm sóc mục vụ di dân tại Tổng Giáo Phận Sydney. Các vị tuyên úy do chính Đức Tổng Giám Mục cử nhiệm với một số năng quyền nhất định để chăm sóc đời sống thiêng liêng cho tín hữu di dân, chính yếu, dĩ nhiên là để cử hành các bí tích. Hiện nay, các bí tích đang được cử hành bằng 25 thứ tiếng khác nhau trong khắp Tổng Giáo Phận.

Đây cũng là mô hình mà đại đa số di dân Công Giáo Việt Nam muốn có. Khoảng một năm trước đây, khi nghe tin về dự án sửa đổi chính sách đa văn hóa của Tổng Giáo Phận, một số người trong Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Sydney tỏ ra ưu tư không biết mô hình tổ chức hiện tại của mình có phù hợp với đường lối tương lai của Tổng Giáo Phận hay không. Hẳn giờ đây, họ cảm thấy an tâm, vì mô hình ấy, chí ít, cũng đã được liệt kê là một trong ba mô hình chính của Tổng Giáo Phận và là mô hình phổ thông nhất.

Như thế, về phương diện cơ cấu tổ chức, Giáo Hội Công Giáo tại Sydney rất mềm dẻo và nhạy cảm đối với nhu cầu của các cộng đồng di dân. Tuy thế, cả hàng giáo sĩ lẫn hàng giáo dân gốc Úc hình như chưa ý thức được đầy đủ các thách đố do hoàn cảnh trên tạo nên, nghĩa là hoàn cảnh, trong đó, di dân không phải chỉ là những người được thêm vào, mà họ đã trở thành giáo hội. Tới tận những năm 1990, linh mục Frank Mecham, chủ nhiệm tam cá nguyệt san The Australasian Catholic Record vẫn còn có thể tường thuật lại như sau: “Gần đây tôi khá buồn về nhận xét của một linh mục Úc gốc Ý lúc ấy đang mừng kỷ niệm 40 năm đời linh mục… Ngài tâm sự với tôi rằng với cái tên và gốc gác Ý, dù ngài từng theo học một trong các chủng viện của chúng ta, nhưng ngài cảm thấy không bao giờ được chấp nhận hoàn toàn nơi các giáo xứ ngài từng làm việc qua" (1).

Vậy thì cái gì khiến vị linh mục Úc gốc Ý này không được hoàn toàn chấp nhận tại giáo xứ địa phương? Adrian Pittarello đưa ra nhận định sau: làm gì có niềm tin Ý hay niềm tin Ái Nhĩ Lan, chỉ có một niềm tin Công Giáo mà thôi: bản sắc định chế dưới quyền lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng chỉ là một; tổ chức các giáo xứ và các học thuyết do các linh mục dạy dỗ chỉ là một; Thánh Lễ và các Bí Tích như nhau hoàn toàn. Kinh sách và việc sùng kính cũng như nhau. Khác nhau chỉ là các yếu tố văn hóa xã hội mà thôi. Thành ra, “tôn giáo, trong yếu tính, là một gia tài văn hóa, và cũng giống như bất cứ tôn giáo nào khác, đức tin Công Giáo đã được tiếp nhận nhờ văn hóa” (2). Khác biệt văn hóa dường như vẫn đang làm một số giáo dân công giáo bản địa thấy Công Giáo của họ khác với Công Giáo của di dân. Thiển nghĩ tài liệu ít đề cập đến khía cạnh này. Có chăng cũng chỉ là những nét tổng quát như phải chia sẻ mọi gia tài văn hóa. Chia sẻ bằng thái độ nào đây? Ngược lại, hình như tài liệu muốn nhấn mạnh đến việc di dân phải từ từ cởi mở để đón nhận văn hóa người khác, nhất là nền văn hóa của xã hội chủ nhà. Khiến di dân vẫn thấy lẩn quẩn đâu đó thứ hội nhập văn hóa một chiều, chiều của xã hội chủ nhà.

Đã đành, tài liệu có đưa ra nhiều khuyến cáo nhằm làm tăng nét hữu hình của văn hóa di dân nơi cộng đoàn Công Giáo bản địa như tiếp nhận các hình thức cử hành phụng vụ và ca hát của di dân, đọc lời nguyện giáo dân, cũng như lời chào đón đầu lễ, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, bản dịch giúp di dân tham dự phụng vụ, giới thiệu các ngày lễ văn hóa của di dân… Nhưng ai cũng biết, đó chỉ là những việc phụ thuộc, thoáng qua, khó lòng đi sâu vào tâm thức tín hữu Công Giáo bản địa.

Một khía cạnh khác là khi nói tới vai trò tuyên úy di dân, tài liệu nhấn mạnh nhiều hơn đến nhiệm vụ của các vị đối với cộng đồng địa phương. Trước hết, các ngài phải trợ giúp di dân trở thành thành phần sống động của cộng đồng Công Giáo địa phương. Do đó, các ngài được trợ giúp để hiểu rõ đời sống, truyền thống và chính sách của Giáo Hội địa phương, đồng thời để cổ vũ các truyền thống xã hội văn hóa và tôn giáo của sắc dân mình nơi Giáo Hội địa phương. Còn về phía mình, Giáo Hội tại Sydney cần nhìn nhận và trân quí các biểu thức của lòng đạo di dân. Nhưng tài liệu không nhắc gì tới nhiệm vụ của hàng giáo sĩ và giáo dân bản địa phải học hỏi ra sao để có thể nhìn nhận và trân quí các biểu thức ấy. Trái lại, đã nhấn mạnh đến việc giáo dân sở tại được quyền duy trì bản sắc văn hóa của họ, một bản sắc mà di dân phải tôn trọng và hiểu rõ. Xét cho cùng, mục đích của việc chăm sóc mục vụ di dân là giúp họ từ từ hội nhập vào Giáo Hội địa phương, có chỗ đứng thích đáng trong việc chăm sóc mục vụ thông thường của Tổng Giáo Phận.

Thứ hai, khi nói tới liên hệ giữa tuyên úy di dân và các cha sở, người ta cũng có cảm tưởng tài liệu đặt gánh nặng nhiều hơn lên vai tuyên úy di dân: trình bày nhu cầu của di dân lên cha sở để ngài tùy nghi cho phép sử dụng các phương tiện của giáo xứ. Khi có căng thẳng, thì dù cha sở nên có tinh thần hoan nghinh, nhưng tuyên úy di dân cần phải tôn trọng vai trò của cha sở và các nhu cầu đặc biệt của cộng đồng giáo xứ.

Thiển nghĩ các khuyến cáo của tài liệu đối với việc hội nhập của di dân rất có giá trị và cần thiết. Chỉ có thế, họ mới có thể trở thành thành viên sống động của giáo hội địa phương mà vẫn duy trì được bản sắc riêng của mình. Nhưng vì hội nhập là một diễn trình hai chiều, đáng lý ra tài liệu nên đề cập một cách chi tiết tới việc giáo dục tín hữu bản địa biết cách chào đón nền văn hóa di dân nói chung và nét văn hóa Công Giáo riêng của họ. Chỉ có thế, người di dân mới thực sự coi họ là anh chị em và sẵn sàng hòa nhập với họ trong một hội nhập đúng nghĩa. Ước mong sao, những nhận định tiêu cực về người Công Giáo Úc, như nhận định của Christina người Uruguay: “Người Công Giáo Úc không nhận chúng tôi như thành viên của họ” (3) sẽ không còn nữa.

Tài liệu

(1) Mechem, Rev. F., The Church And Migrants, 1946-1987, St Joan Of Arc Press, 1991
(2) Pittarello, A. ‘Multiculturalism and the Catholic Church’, CCJP Occasional Papers, no.8, 1986.
(3) Naomi Turner, Catholics In Australia, Collins Dove, Melbourne 1992, Vol 2.