Hungary: Giám chức Vatican đề cao liên văn hóa thay vì đa văn hóa

ROMA - Thay vì đa văn hóa, đây là lúc để nói về liên văn hóa, theo Đức Tổng Giám Mục Antonio Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Chăm sóc Di dân và Lữ hành.

Ngày 2-6, Đức Tổng Giám Mục đưa ra đề nghị này khi Ngài phát biểu tại một hội nghị về đối thoại liên tôn giữa Kitô giáo, Do thái giáo và Hồi giáo, đang diễn ra tại Hungary. Hội nghị được bảo trợ bởi Chủ tịch người Hungary của Hội đồng Liên minh châu Âu, và gồm nhiều đại diện cấp cao của ba tôn giáo độc thần.

Đức Tổng Giám mục Vegliò phát biểu đề tài "Các giá trị chung trong phạm vi ảnh hưởng của người nhập cư về tôn giáo và xã hội”, nhấn mạnh rằng giáo dục và đối thoại là hai công cụ chính cho một mô hình mới của cuộc sống dựa vào liên văn hóa.

Đức Tổng Giám mục, đang ở Hungary đến ngày 6-6 cho một chuyến viếng thăm mục vụ theo lời mời của Đức ông Janos Szekely, phụ trách Ủy ban Mục vụ Chăm sóc Di dân và Lữ hành của Hội đồng Giám mục Hungary, nói về cách thức Châu Âu là một thực tại đa văn hóa về mặt lịch sử.

Ngài đã nói đây là một hiện tượng tích cực như thế nào, làm cho nó có thể làm phong phú đời sống riêng mỗi người, và giữ cho khỏi bị khép kín, và do đó bị nghèo khổ.

Tuy nhiên, theo Ngài, thay vì nói đa văn hóa, người ta nên nói liên văn hóa thì đúng hơn. Ngài nói rằng đa văn hóa chỉ mô tả hai hay nhiều văn hóa trong cùng một không gian.

Trong khi đó, liên văn hóa bao hàm "các quan hệ ổn định giữa các nền văn hóa hiện diện trong một không gian địa lý nhất định, và nhấn mạnh đến thái độ, mục tiêu đạt được, và hành trình giáo dục dẫn đến cuộc gặp gỡ này của các nền văn hóa".

Ngài nhấn mạnh: “Phương pháp tiếp cận là không đủ, bởi vì ‘sự trao đổi’ cũng là cần thiết - và không phải là một trao đổi đơn giản của những gì ta có, nhưng trên tất cả của những gì ta là".

Một chiều

Đức Tổng Giám mục 73 tuổi khẳng định: “Hội nhập không phải là tiến trình một chiều. Người bản địa cũng như người nhập cư phải sẵn sàng để thực hiện con đường đối thoại và làm phong phú lẫn nhau, để có thể đánh giá cao và chấp nhận các khía cạnh tích cực của từng nền văn hóa”.

Về vấn đề này, Ngài công nhận rằng sự tôn trọng người nhập cư và bản sắc văn hóa của họ tất nhiên phải được đề cập đến, trong khi coi chừng các yếu tố "trái với các giá trị đạo đức và phổ quát, hoặc trái với các quyền cơ bản của con người".

Người không mặt

Đức Tổng Giám mục Vegliò xem giáo dục và đối thoại là các công cụ "cần thiết" để tạo ra liên văn hóa.

Ngài giải thích, sự đối thoại phải là công cụ quan trọng nhất để sử dụng trong tương tác hàng ngày.

Tuy nhiên, Ngài than phiền rằng "một vấn đề lớn" đã phát sinh, khi nói "Châu Âu đã che dấu các nguyên tắc và giá trị, vốn là đặc trưng cho châu Âu khai sinh và uốn đúc nó" - thậm chí phủ nhận các gốc rễ Kitô giáo của mình.

Ngài gợi ý: "Điều này cản trở một tiếp nhận phù hợp và sự hội nhập thực sự của người nhập cư, đến từ một bối cảnh văn hóa khác, bởi vì đối với họ không thể thiết lập một cuộc đối thoại với một vùng đất dường như bị tước khuôn mặt và lịch sử, một vùng đất không có các nguyên tắc chung hoặc các giá trị cơ bản".

Tổng Giám mục nói, một lý do khác cho sự thất bại của châu Âu trong việc tiếp nhận người nhập cư là một thực tế rằng "việc tiếp nhận được thực hiện theo một cách thụ động và được biện minh với một ước muốn cho sự khoan dung".

Ngài nói: “Chúng ta thường nhầm lẫn giữa khái niệm về lòng khoan dung với một sự chấp nhận không phê bình mọi lối sống, bắt đầu với sự tôn trọng không giới hạn và tránh đưa ra bất kỳ phán quyết nào”. (Zenit 2-6-2011)

Phạm Kim An