GIẢI CỨU 900 GIÁO DÂN TỈNH PHÚ YÊN NĂM 1885 (ĐÔNG ĐÀNG TRONG)

“Les missions catholiques” n. 870, Février 1886

Khoảng cuối tháng Chín đầu tháng Mười, Đức Cha hiệu tòa Hiérocésarée[1] nhiều lần nhận được tin có một số đông giáo dân, và có thể cả một thừa sai nữa, hiện vẫn còn sống sót sau những cuộc thảm sát vào tháng Tám, ở vùng núi Trà Kê trong tỉnh Phú Yên, cách cửa Ma Liên khoảng bốn mươi cây số về hướng Tây. Người ta còn nói rằng các quan lại và binh lính vẫn còn tấn công thế nhưng giáo dân luôn kháng cự mạnh mẽ. Nếu không được hỗ trợ tức khắc, có thể họ sẽ phải chịu thúc thủ. Đức Cha Van Camelbeke kiên quyết phải mau chóng giải cứu họ. Khoảng một trăm giáo dân Bình Định được huấn luyện sử dụng lối bốn mươi cây súng mà chúng tôi có được. Đây là số vũ khí tạp nham mà mười cây phải nạp đạn qua nòng súng. Thêm vào đó, để phô trương thanh thế, là khoảng ba mươi cây súng nữa mà trước đây đã mượn được của ông Trú Sứ Pháp để bảo vệ chủng viện. Vũ khí của chúng tôi chỉ có thế cùng với ba mươi cây giáo. Thêm vào đó là khoảng một trăm rưỡi người nữa để tải lương thực và quân nhu: khi trở về họ có nhiệm vụ cõng trẻ con, người tàn tật, bị thương và người già … Chúng tôi cho rằng có khá đông những người như thế này đang ở Trà Kê.

Sau khoảng bốn năm ngày huấn luyện, binh lính của chúng tôi chưa có vẻ gì là thiện chiến; tuy nhiên vào thứ Năm ngày 1 tháng Mười, khi Đức Cha đến thông báo rằng hạm trưởng Le Gorrec, chỉ huy chiến hạm Chasseur, người đã giải cứu hàng ngàn giáo dân ở Tư Ngãi, sẽ đến chở họ đến Phú Yên vào ngày 3 tới đây, thì những chiến binh trừ bị của chúng tôi vui mừng chuẩn bị hành trang, và đến trưa thì mọi sự đã sẵn sàng. Trước khi ra đi, người ta hứa đặc biệt cầu nguyện cho chúng tôi trong thời gian vắng mặt. Nhận những lời cầu chúc của đồng hương ở Qui Nhơn, chúng tôi ra đi lòng đầy tin tưởng. Hơn nữa, nếu còn có lo ngại gì về kết cục của cuộc ứng cứu thì nỗi lo cũng nhanh chóng tan biến đi vì sự tiếp đón tử tế dành cho chúng tôi trên tàu Chasseur.

Vào lúc bốn giờ chiều cùng ngày, chúng tôi vào vịnh Vũng Lắm và ba giờ rưỡi sáng hôm sau đoàn quân chúng tôi (gồm 283 người) đổ bộ lên một vịnh nhỏ gần “Dốc Găng” mà con đường cái quan đi ngang qua. Nhờ tàu hơi nước và thuyền con mà vị chỉ huy đã có nhã ý cho chúng tôi sử dụng, cuộc đổ bộ kết thúc vào lúc bảy giờ.

Sau khi ngỏ lời biết ơn với ông Le Gorrec và các sĩ quan, tôi[2] dẫn đầu đoàn quân, linh mục Huề[3] người Annam đón cuối; một thầy sáu và tám thầy giảng có nhiệm vụ giám sát toàn đoàn.

Vấn đề bây giờ là nội trong ngày đó phải đến cho được Trà Kê, nằm cách địa điểm đổ bộ khoảng 50 đến 60 cây số; chúng tôi cho rằng Cha Chatelet và giáo dân vẫn còn đang cầm cự ở đấy. Thế nhưng điều bình thường đối với một người đi bộ giỏi và không mang vác gì thì lại trở nên bất khả đối với đoàn quân gần ba trăm người tiến bước theo hàng một qua những con đường mòn khó đi, vai mang nặng hành trang nên không thể đi mau được. Không thể tránh khỏi những khoảng trống trong hàng ngũ nên buộc phải dừng lại để chờ những người bị tụt lại đàng sau. Hai lá cờ màu quốc kỳ Pháp dùng để điều chỉnh hàng ngũ, một đằng đầu một đằng đuôi và dễ dàng nhìn thấy từ cả hai đầu.

Dầu gặp nhiều trở ngại, chúng tôi di chuyển cũng khá nhanh để quân địch không có thời gian tấn công trên đường đi. Vào khoảng trưa, chúng tôi lội qua con sông từ trên núi hướng Tây đổ xuống phía dinh trấn Phú Yên. Một con đèo rất cao mà chúng tôi vượt qua gần cả buổi sáng đã che chúng tôi khỏi mắt quân thù cho đến lúc này, và bây giờ là lúc dễ bị phát hiện nhưng chúng tôi vẫn tiến lên phía trước để tránh mọi nguy hiểm.

Khoảng ba giờ rưỡi chiều, đi ngang qua nơi trước đây là nhà thờ Đồng Dài[4] đẹp đẽ, tôi nhìn cảnh hoang tàn nơi đây; chỉ có tường rào là còn đứng vững, cây cối đều bị chặt sát đất. Nhưng thê lương nhất là những gì tôi thấy khi trở ra! Bên trái nhà thờ đổ nát là vũng đất trũng dài khoảng năm mét và rộng hai mét; đó là chiếc hố mà người ta đã vứt bừa những xác chết của giáo dân bị thảm sát cách đây một tháng rưỡi. Nhờ sự trợ giúp của những cơn mưa, một ít đất mà người ta đã lấp lên những phần thân thể quý giá này bị sụp xuống, đây đó lộ ra những chiếc sọ người giữa đống quần áo và rơm rạ bị thối rữa. Thật là một thảm kịch khinh hoàng phải trải qua! Chắc là cũng giống như ở Bình Định, không phải là họ đã chôn sống những giáo dân bất hạnh của chúng ta rồi đốt lửa rơm trên hố để gia tăng thêm sự tàn ác của cuộc hành hình sao? Sau khi đọc kinh trên nấm mộ hiển vinh này, tôi lại dẫn đầu đoàn quân. Vào khoảng sáu giờ rưỡi, chúng tôi vẫn còn ở khá xa Trà Kê. Trời đã về khuya nên chúng tôi đóng trại dưới chân những ngọn đồi bắt đầu vùng cao nguyên rộng lớn của Trà Kê.

Tôi đoán chừng đã đi được một lèo khoảng hai muơi lăm, hai mươi sáu cây số rồi. Mặc dù ở ngay trong vùng thù địch và có thể bị tấn công bất cứ lúc nào, mọi người đều chìm vào trong giấc ngủ sâu.

Trên đường đi, tôi đã nhận được vài tin báo về Cha Chatelet hoặc chí ít về các Kitô hữu rằng họ vẫn còn đang kháng cự không phải ở Trà Kê mà là Cây Da.

Người ta còn nói rằng ngày hôm nay có thể xảy ra một cuộc tổng tấn công đã được chuẩn bị từ lâu.

Ngày hôm sau, thứ Hai ngày 5 tháng Mười, chúng tôi lại lên đường.

Vượt qua những ngọn đồi đầu tiên, chúng tôi dừng chân ngắn ngủi trong thung lũng vòng tròn hình thành phía trước cao nguyên. Sau một loạt leo dốc và xuống dốc, càng lúc càng gian nan và rất tiếc cũng đã làm chậm trể cuộc hành trình, chúng tôi đã tiến sát vùng cao nguyên. Địa sở Cây Da nằm ở bên kia, cách khoảng một cây số.

Thật bất ngờ, khi chúng tôi còn cách bờ rào của nhà thờ khoảng hai trăm thước, thì từ phía Đông có một nhóm chừng hai ba trăm người, và trên mô đất ở phía Tây nhà thờ có một nhóm thứ hai khoảng độ năm sáu mươi người. Chẳng biết họ là giáo dân hay người ngoại giáo, tôi ra lịnh cho mọi người lập thế trận trên mô đất cao cách nhóm này khoảng tám chín trăm thước. Từ phía trái, họ tiến về phía chúng tôi. Tôi dẫn theo mười người để dò xét tình hình. Thật phân vân ghê gớm, có phải là giáo dân đang ở đằng trước kia không? … Thế nhưng sao họ vây quanh nhà thờ và hò hét xung trận, đánh trống khua chiêng? … Họ chiến đấu với ai? Với chúng tôi sao? Họ không nhìn thấy lá cờ Pháp phía trước chúng tôi sao? … Chắc họ là những người ngoại, đang bao vây Cha sở và bổn đạo ở trong nhà thờ.

Một cú đại bác từ phía trước nhà thờ réo ngang qua đầu làm tôi xác quyết mối nghi ngờ. Tôi đáp trả lại bằng vài phát súng và nhập đoàn với đội quân nhưng họ cũng cố phân chia chúng tôi ra. Họ chỉ còn cách chúng tôi khoảng hai trăm thước. Lại một viên đạn nữa bay đến gần; tôi ra lệnh nổ súng ở mọi tuyến thì bỗng nghe thấy quân địch vừa hét lên vừa làm dấu thánh giá:

“Cha ơi! Cha ơi! Đừng bắn, chúng con là bổn đạo đây!”

Những bổn đạo tội nghiệp đã bị quân địch lừa phỉnh biết bao nhiêu lần và họ cũng không ngần ngại dùng hết mọi mưu mẹo để kháng cự! … Mọi người giơ cao súng lên. Nhóm bổn đạo hoà lẫn với nhóm chúng tôi trong sự vô trật tự và niềm vui khôn tả. Lại một phát đại bác thứ ba, xém chút nữa thì chúng tôi lãnh đủ. May thay người ta đã có thể thông báo cho anh pháo binh can trường ở đàng kia đừng bắn nữa vì chúng tôi cũng đã đủ đau đớn lắm rồi.

Cảm xúc lại dâng trào lên: mọi người chúng tôi đều khóc. Chúng tôi không có gì để hỏi nhau sao? Nước mắt cắt ngang những lời nói và sự hỗn độn trong hàng ngũ đã gây ồn ào đến nỗi chẳng dễ mà nghe được gì.

Sự vắng mặt của Cha Chatelet làm tôi ngạc nhiên; thầy Cậy, người phục vụ Cha, đã cho biết rằng người đồng sự yêu dấu này của tôi đã đổ máu mình ra để làm chứng cho Chúa từ một tháng nay; và trong khắp miền này không một nhà thờ nào còn đứng vững, những giáo dân còn sống sót đã tụ họp lại với nhau với con số lên đến tám trăm rưỡi đến chín trăm người quanh nhà thờ Cây Da, gồm người lớn và trẻ em.

Khó nhọc lắm tôi mới tái lập được trật tự trong nhóm, sau đó chúng tôi đi về hướng nhà thờ. Chúng tôi hết lòng tạ ơn Chúa, mọi người đều khóc nhưng lần này là vì vui mừng. Ngày thứ nhất, chúng tôi dành cho niềm vui và tìm sự nghỉ ngơi: lúc ấy khoảng mười giờ sáng.

Tuy nhiên tôi cũng chưa mấy an tâm vì từ lúc đến nơi cho tới khoảng hai giờ chiều, chúng tôi thấy quân địch tụ tập thành từng nhóm trên những ngọn đồi phía Nam và Đông Nam.

Nhưng để hiểu rõ hơn về những sự việc xảy ra trong thời điểm này, phải quay trở về ngày 26 tháng Tám, ngày tử nạn của Cha Chatelet[5] và những ngày trước đó.

LM Chatelet
Ngày 9 tháng Tám, Cha Chatelet khi ấy ngụ tại Trà Kê, địa sở cách Cây Da khoảng mười cây số về hướng Nam. Khi nghe thấy những tin tức loan truyền khắp xứ về những cuộc thảm sát, ngài cùng với những người phục vụ đi đến Cây Da.

Thật sự trong toàn địa hạt này thì đây là nơi mà kẻ thù khó tiếp cận. Một lá cờ Pháp được treo trên nhà thờ, dưới cây thập giá, và cha đã đưa bổn đạo đến đây để tìm một nơi trú ẩn gần mình.

Ngày lễ và tuần bát nhật Thăng Thiên qua đi mà không trở ngại gì.

Chúa Nhật ngày 23 tháng Tám, người ta biết sắp có cuộc tấn công vào nhà thờ. Thật vậy, ngay từ sáng 24, các băng nhóm có vũ trang đã dàn quân trên những ngọn đồi hướng Đông và Nam, họ ở đó suốt cả ngày để quan sát.

Ngày hôm ấy, Cha sở đã giải tội và khuyên nhủ các giáo dân tuân theo thánh ý Chúa.

Đầu ngày 25, lương dân xếp hàng thật chặt tiến vào, mang những tấm chắn bằng tre để đỡ những mũi tên của giáo dân, họ tiến chậm vì gặp phải hầm chông mà những người tử thủ đã cắm chung quanh theo kiểu người thượng để ngăn cản mọi tiếp cận. Giáo dân thì chỉ trang bị bốn năm cái nỏ và khoảng hai mươi cây giáo. Khoảng chín giờ, quân địch đông đúc đã có thể tiến đến khá gần để đốt hàng rào bao quanh nhà thờ. Sợ rằng những khẩu súng mà các quan lại cung cấp dư dã khắp các làng mạc có thể đốt cháy nhà thờ, Cha sở đã cho dỡ mái tranh nhà thờ, nhà xứ và các căn chòi kề bên. Nhờ sự đề phòng này và vì hàng rào bằng tre còn tươi nên không bắt lửa, việc làm của địch quân không thành công và khoảng mười một giờ thì những người tử thủ vui mừng thấy bọn tấn công rút lui. Khoảng một giờ chiều, họ quay trở lại mang theo củi và rơm dỡ từ các căn nhà trong làng công giáo bị bỏ trống, và dầu gặp phải sự kháng cự dũng mãnh của giáo dân, chỉ ít lâu sau, hàng rào tre bị chìm trong lửa.

Ở bên trong, những người tử thủ cố đẩy lùi bọn đốt phá bằng cách ném đá và bắn cung tên, trong khi đó người già và phụ nữ xách nước để dập tắt ngọn lửa đã ngấu nghiến hàng rào phía Nam, Tây và Đông. Phía Bắc khó tiếp cận vẫn chưa bị tấn công. Chiều đến, quân thù rút lui và ngọn lửa tắt dần. Không có cuộc tấn công nào xảy ra vào ban đêm, Cha sở lợi dụng dịp này để an ủi giáo dân kiệt quệ vì mệt mỏi và xáo trộn, và ngài lại ban xá giải cho họ: chẳng bao lâu sau họ chìm vào giấc nghỉ ngơi.

Tảng sáng, quân địch lại tấn công; trong đêm, hàng ngũ họ được các tân binh củng cố thêm. Cộng với những người Annam trong ba tổng, giờ lại có thêm bảy làng người thượng mà cung tên của họ đã làm bị thương khoảng chục giáo dân. Hàng rào bị cháy rụi và để lộ ra nhiều khoảng trống.

Đến đây, Cha sở thấy rằng không thể kháng cự được, ngài đã tập họp lại các giáo dân đang thất vọng, kiệt sức và gần như ngạt thở vì khói; ngài khuyến khích họ tuân theo ý Chúa, chúc lành và bảo họ vào hết trong nhà thờ để chờ giây phút hy sinh cuối cùng. Giáo dân vâng lời, và Cha sở trở về nhà ban bí tích cho khoảng mười hai đến mười lăm người bị thương đang chờ ngài ở đấy. Bên ngoài, tiếng la ó đầy giận dữ, tiếng nguyền rủa và lăng nhục của đám tấn công.

Mấy khắc trôi qua, và khoảng bốn giờ rưỡi chiều, bảy hoặc tám lương dân xâm nhập vào trong khuôn viên nhà thờ. Ba người trong bọn đi về phía nhà xứ nơi Cha sở và thầy Cậy mở toang cửa chờ đợi họ.

Những kẻ độc ác này bắt đầu lăng nhục và cứ tiếp tục giọng điệu này trong khoảng mười phút; cuối cùng họ yêu cầu vị thừa sai bước xuống sân, quỳ gối xuống để họ chém đầu, Cha sở nói:

- Tôi không đi đâu nữa, nếu muốn đầu tôi, hãy đến đây mà lấy.

Nói rồi ngài bước ra hiên nhà, ông thầy ở bên trái. Tiếng xỉ vả lại vang lên và cuối cùng một tên ném vào đầu Cha một cái tô bị mẻ, nó rơi xuống chân mà không trúng ngài. Một tên khác lén leo lên hiên phải, chầm chậm tiến lại gần và đâm lao vào cạnh sườn làm ngài ngã sấp mặt xuống đất. Tên thứ ba nhảy lên trước và đâm ngài hai nhát dao, một ở cổ bên phải, nhát kia ở sau gáy đã làm hoàn tất cuộc tử đạo của người đồng sự chúng tôi. Người thầy giảng[6] cũng bị thương ngay tại nơi ấy nhưng ít trầm trọng hơn; thầy giả chết và người ta bỏ lại thầy ngập trong vũng máu. Tôi nghe biết những chi tiết này chính từ miệng thầy. Đoạn ba tên sát nhân vào trong nhà xứ, sát hại những giáo dân bị thương nằm ở đấy mà Cha sở vừa mới ban bí tích cho và nhiều người trong họ còn sống sót vì bọn sát nhân còn bận cướp bóc nên chỉ làm một nửa công việc buồn thảm của mình. Tuy nhiên, họ không thể lấy đi bất kỳ chiến lợi phẩm nào được; nhờ Chúa giúp sức, giáo dân đã không cho họ có thời gian làm việc đó.

Trong khi xảy ra những biến cố vinh quang này dành cho các nạn nhân thì bốn hoặc năm lương dân khác nhập đoàn với đám người đầu tiên phá được một của sổ nhà thờ, và qua cánh cửa mở đó, họ ném cây giáo vào trong đám đông giáo dân đang cầu nguyện. Việc này kéo dài chỉ trong vài phút, một ông chức việc[7] của địa sở mới nói rằng:

- Chúng ta sẽ chết nếu đó là ý Chúa, nhưng ít nhất hãy giết một vài thằng vô lại này!

Nói xong tay ông rút cây giáo ra và đâm một tên tấn công dính vào cột nhà thờ, những tên khác cũng mau chóng cùng chung số phận; họ bị giết bởi những giáo dân bất thần trở thành người tấn công.

Thoát khỏi những kẻ thù đầu tiên và tham lam nhất này, tất cả giáo dân ùa ra khỏi nhà thờ, tổ chức lại hàng ngũ và bỗng nhiên gây nên một nhiệm vụ khó nuốt cho hàng ngũ của quân thù. Lương dân tin chắc vào thắng lợi nên không chờ đợi một công việc xảy ra như thế này. Họ chống trả yếu ớt và nhanh chóng quay lưng trốn mất, để lại tại chỗ khoảng hai mươi tên.

Kẻ thù bị đẩy lùi ra xa, những người chiến thắng trở về nhà thờ để làm hậu sự cho Cha sở. Tất cả họ đều thề hứa chiến đấu đến cùng và quyết tử, vũ khí trên tay, họ làm cho kẻ thù phải trả giá đắt bằng cái chết.

Ngày 27, lại bị phong toả, nhưng giáo dân không khoanh tay chờ đợi vòng vây siết chặt quanh mình, họ hô lớn tiếng và nhào lên phía trước, dũng mãnh phá tan hàng ngũ kẻ thù đến nỗi quân địch phải thấy khôn ngoan hơn là nên tìm cách tháo chạy thoát thân và để lại bốn xác chết.

Cả ngày 28 được yên tĩnh; địch quân chuẩn bị và củng cố hàng ngũ. Về phía giáo dân, trong cuộc chiến đấu hôm trước, họ đã tịch thu được ba khẩu đại bác, năm cây súng, một số giáo mác, gươm và cung tên, họ tập sử dụng vũ khí, tổ chức lại đội quân gồm có cả trẻ con, phụ nữ và người già.

Đêm xuống, họ thấy quân địch đóng quân ở đàng xa. Bình minh hôm sau, ngày 29, vòng vây dần dần siết chặt. Sau này người ta mới biết được rằng hàng ngũ quân địch có hết thảy là sáu ngàn người vũ trang tương đối, trong đó có hai ngàn lính của huyện, với sáu khẩu đại bác và mười cây súng trường: ông Huyện Thiện dẫn đầu đoàn quân. Nhiều nhóm người thượng đến để trợ giúp họ.

Nắm chắc chiến thắng vì tin rằng mình được Thiên Chúa bảo vệ, giáo dân tấn công vào bảy điểm: họ dễ dàng chiến thắng khắp mặt trận, ông quan Huyện bị giết, nhóm người thượng chỉ mất ba người và hàng ngũ tan rã ngay lập tức. Giáo dân tịch thu súng đại bác, đạn dược và một số lớn vũ khí; họ đã giết được khoảng hai mươi người, con số bị thương gấp đôi và chết sau đó vì vết thương. Phía giáo dân chỉ có một người bị tử trận.

Giáo dân thắng trận vẻ vang, mang về chiến lợi phẩm và thanh gươm có cán bằng ngà voi của ông quan Huyện (thanh gươm này sau đó họ mang tặng cho ông Le Gorrec, chỉ huy chiến thuyền Chasseur, để tỏ lòng biết ơn), họ trở về nhà thờ để tạ ơn Thiên Chúa.

Làm sao giải thích được chiến thắng quá dễ dàng của những giáo dân mình trần tay không này? Chắc chắn là do sự hèn nhát của những kẻ tấn công, họ tàn ác hơn là dũng cảm; tuy nhiên vẫn còn một điều không thể giải thích được rằng nhóm đàn ông, đàn bà và trẻ con này trước đây chưa từng cầm một ngọn giáo, một thanh gươm, chưa biết giương một cánh cung lại chiến thắng dễ dàng trước địch thủ có quân số áp đảo, có những cỗ máy chiến tranh đáng sợ đối với họ tay không mình trần. Chẳng phải là có một sự can thiệp siêu nhiên nào đó sao? Chính đây là điều mà những người ngoại giáo ở gần Cây Da đã nói sau ngày đáng ghi nhớ này khi họ vội vàng ký kết hoà bình với những người giáo dân chiến thắng; vì ở Annam cũng như tại nhiều nơi khác: «Lý của kẻ mạnh hơn bao giờ cũng thắng». Những lương dân nói trên quả quyết rằng trong suốt mọi cuộc chiến đấu cho đến ngày hôm ấy, họ đã nhìn thấy có vô số đội quân gồm toàn trẻ con, mặc áo đỏ và gương mặt sáng láng, chiến đấu bên cạnh những giáo dân; một bà mặc áo trắng đứng trên mái nhà thờ và dường như điều khiển mọi hoạt động.

Giáo dân thì không nhìn thấy gì nhưng họ tin chắc rằng Chúa ở với họ.

Tôi đã không đề cập đến chi tiết này nếu Cha Bruyère[8] mà tôi có cơ may gặp ngài cách đây mười ngày đã không nói với tôi rằng ngài cũng đã nghe chính miệng lương dân nói những chuyện như thế khi ngài và giáo dân của mình bị bao vây trong nhà thờ Trà Kiệu ở tỉnh Quảng Nam: vả lại những biến cố tương tự như vậy không phải là điều gì mới mẻ trong lịch sử Giáo Hội Annam.

Ngày 20 tháng Chín, người ta đem đến một bức thư của các quan tỉnh kèm theo bức thư giả của quan sứ Pháp tại Qui Nhơn: trong đó thông báo rằng hoà bình đã được ký kết, nhóm Văn Thân bị giải tán, và cuối cùng, giáo dân chỉ việc nộp vũ khí và trở về với cuộc sống trước kia. Họ mời các thầy giảng và chức việc đến để kiểm tra sự thật và nội dung bức thư.

Tuy vẫn còn phải được chăm sóc vết thương đã lãnh nhận bên cạnh Cha Chatelet, Thầy Cậy đã tổ chức lại và điều khiển hết mọi sự, thầy biết rõ mình phải làm gì với những lời lẽ của các quan lại nên chỉ gởi đi hai người để thăm dò: người ta vô vọng chờ đợi họ trở về, họ đã bị sát hại!

Sau khi đã tổ chức tấn công trong vòng hai mươi sáu ngày, địch quân một lần nữa lại xuất hiện vào ngày 4 tháng Mười, lễ Mân Côi: họ đứng phía đàng xa. Đầu ngày 5 tháng Mười, ba ngàn người thượng với voi trận nhập đoàn với bốn ngàn lính Annam do chính ông lãnh binh của tỉnh đích thân điều khiển, họ tụ tập trên ngọn đồi nhỏ, cách nhà thờ khoảng hai cây số về hướng Đông. Chính tại nơi này người ta đã chém đầu hai mươi lăm giáo dân từ xa đến để tìm kiếm nơi trú ẩn bên cạnh Cha Chatelet.

Giáo dân ý thức được mối nguy, lần này họ lên kế hoạch hành quân chi tiết, dự định đánh úp ông lãnh binh và quân của ông trước khi hàng ngũ của họ được ba ngàn người thượng tiếp ứng. Mọi người đều ra đi vừa đọc kinh sáng, chỉ để lại bệnh nhân trong nhà thờ, khoảng sáu giờ rưỡi thì họ đã đến bên cánh phải của quân thù và đánh úp chỉ trong vài phút với tiếng hô Giêsu, Maria. Tướng địch bị đâm một mũi giáo ngã chúi xuống và những kẻ chạy trốn bỏ lại trên đường rút quân bốn mươi xác chết. Giáo dân đã có thể giết nhiều hơn nữa, nhưng tiếng trống và tiếng chuông báo động vang lên từ phía nhà thờ; họ đành bỏ cuộc truy đuổi để chạy về tiếp cứu những bệnh nhân. Cuộc gặp gỡ xảy ra quá dễ dàng: nơi họ tưởng là quân địch, họ đã gặp chúng tôi ở đấy. Đàng khác, những kẻ vây hãm cũng nhanh chóng hay biết rằng chúng tôi đã đến nên không để chúng tôi có thời gian tấn công họ. Ngày hôm ấy, giáo dân thu được một khẩu đại bác rất lớn và nhiều vũ khí khác.

Tôi đã nhận lệnh của Đức Cha Camelbeke đưa tất cả giáo dân mà tôi có thể giải cứu được về Qui Nhơn: thứ Ba ngày 6 và thứ Tư ngày 7 tháng Tám, chúng tôi dành để tổ chức và chuẩn bị cho cuộc khởi hành. Mọi chuyện đều không dễ dàng. Trong số 900 giáo dân có gần 150 người không đi đứng được. Với sự giúp đỡ của Cha Huề và các thầy giảng, tôi phân chia ra làm mười bốn toán có các thủ lãnh chịu trách nhiệm di chuyển những người bị thương và người bệnh … và vì mỗi thủ lãnh này chính họ cũng có vợ con, đôi khi có thêm cha mẹ hay những thân nhân già lão, bổn phận của họ không dễ dàng gì. Nhưng nhờ có 150 người khuân vác mà tôi đã dẫn theo cùng với số ngựa thồ, chúng tôi đã có thể đưa về Bình Định cả đoàn giáo dân mà không để lại một người nào trên đường.

Cuối cùng, khi cuộc ra đi đã được chuẩn bị xong xuôi, sáng thứ Năm ngày 8 tháng Mười bắt đầu cuộc xuất hành của những người sống sót trong số 6.700 giáo dân của tỉnh Phú Yên trước khi xảy ra thảm hoạ; giờ đây họ chỉ còn 900 người; năm phần sáu đã bị giết và khoảng một trăm người nữa vẫn còn lang thang trong núi rừng; sự đói khát, sốt rét rừng, cọp beo và nhất là sự tàn ác của địch thù, hung dữ gấp trăm lần những thú hoang cộng lại chắc chắn sẽ chiến thắng họ!

Di chuyển đội quân này thật không dễ dàng chút nào; sáu giờ thì bắt đầu khởi hành mà phải cho đến bảy giờ rưỡi thì đoạn cuối cùng mới nhúc nhích được. Cha Huề đi đầu với hai mươi khẩu súng trường và hai khẩu đại bác; cứ cách một khoảng thì trang bị thêm ba mươi cây giáo, tôi bọc cuối đoàn quân với lực lượng tương tự. Vừa mới đi được một dặm thì chúng tôi thấy một cột khói lớn bốc lên ngay chỗ nhà thờ; lương dân trả thù cho sự thất bại của họ!

Đoạn đường đi được không dài lắm, tuy nhiên ở phía sau chúng tôi phải kéo theo khoảng hơn hai mươi người lê lết. Nhiều giáo dân tiếc của không muốn để lại chút của cải nhỏ nhoi của mình lọt vào tay quân thù nên đã giữ lại cho đến lúc này, làm cho họ càng thêm quá tải. Biết rằng chúng tôi phải khó nhọc lắm mới về được Qui Nhơn cách đây gần 140 cây số, tôi chỉ muốn thấy họ mang theo số gạo cần thiết trong suốt cuộc hành trình. Trọn buổi sáng ngày đầu tiên, chúng tôi đi được tám cây số; đến mười một giờ thì chúng tôi đến được một khu rừng trống.

Khoảng hai giờ chúng tôi lại lên đường và đến năm giờ thì chúng tôi vượt qua dãy đồi viền ở phía Nam thung lũng Đồng Tre dài và đẹp. Chúng tôi dừng chân tại một khu chợ lớn gần phế tích hoang tàn của nhà thờ Đồng Tre; lúc đó khoảng sáu giờ. Tôi đi qua thăm tàn tích đổ nát của nhà thờ; những sọ người nằm vương vãi và xương bị cháy đen một nửa. Bên cánh trái là một đống những mảnh vỡ vụn lấp dưới bùn đen và hôi thối, hài cốt quý giá của giáo dân Đồng Tre bị sát hại.

Cơn mưa phùn rơi xuống từ chín giờ tối cho đến sáng làm tôi hết sức lo lắng, cộng thêm với những tiếng rên rỉ của các bệnh nhân. Tôi không dám cắm trại trong ngôi chợ nơi chúng tôi tìm thấy chỗ trú ẩn nhưng không tránh khỏi một cuộc đột kích bất ngờ. Bầu trời phủ đầy những đám mây lớn và chúng tôi biết mùa mưa đến: biết làm sao vượt qua những con sông suối trên đường đây? Trời làm mưa suốt buổi sáng hôm sau, thứ Sáu ngày 9 tháng Mười, làm gia tăng nỗi e ngại thêm lên. Trong đêm, có tám giáo dân lang thang trong núi từ bốn mươi ngày qua đã đến nhập trại với chúng tôi.

Khoảng sáu giờ sáng, sau khi đọc kinh, chúng tôi lên đường. Trước khi khởi hành một chút, tôi đã rửa tội tạm cho một em bé vừa được sinh ra trong đêm trước. Niềm vui khi thấy đoàn quân gia tăng bỗng nhiên bị khựng lại khi phải tìm cách giải quyết vấn đề: phải tìm cho ra hai người khiêng và một cái võng cho bà mẹ và đứa trẻ! Điều này tương đối giải quyết dễ dàng: có phải luôn được như thế đâu? … Vì trời vẫn còn mưa nên trời dịu mát, nhờ thế mà đoàn quân của chúng tôi đi được một đoạn đường khá dài trong suốt buổi sáng.

Khoảng mười giờ thì mưa ngừng rơi. Tôi bớt lo lắng hơn. Tuy nhiên một nỗi lo khác lại tiếp đến. Từ chín giờ sáng, chúng tôi thấy bên trái chúng tôi có nhiều nhóm vũ trang theo dõi chúng tôi từ xa: họ đi theo chúng tôi. Đến trưa, chúng tôi lội qua sông Phú Yên ngay tại khúc khuỷu gần góc trái đổ về hướng Đông. Sau khi nghỉ ngơi, chúng tôi đi về hướng Bắc, đột nhiên chúng tôi thấy bên phải và trái có nhiều băng nhóm nấp sau hai ngọn đồi trước khi đi vào thung lũng La Hai mà chúng tôi phải vượt qua để đi về Bình Định.

Đàng khác, những nhóm vũ trang đi theo chúng tôi suốt buổi sáng, cũng đã qua sông và tụ họp lại phía đàng sau cùng với lính huyện, dễ nhận ra họ nhờ bộ đồng phục màu đỏ. Ở hướng Bắc nhô lên mấy cây giáo nhưng ít hơn. Tôi cố thúc giục tiến mau lên nữa. Quân thù không có bệnh nhân hoặc người tàn tật để mang vác, đã nhanh chóng dàn quân bên phải và bên trái. Nhờ mấy phát súng trường, chúng tôi đã có thể làm họ di chuyển chậm lại: nhưng mọi người đã thấy hoảng sợ. Tin rằng mình bị bao vây, một số người thét lên tiếng báo động, và để làm họ vui lòng, tôi phải ra lệnh dừng chân tại một nơi khuất giữa cao nguyên.

Sau khi đi thám thính hướng Bắc với một vài người và thấy rằng không còn chướng ngại nào khó vượt qua, tôi cho đoàn quân bắt đầu đi. Không hẳn đây là điều dễ dàng, sự kinh hoàng đã lên đến tột đỉnh, mọi người đồng loạt khóc lóc: không thể nào nói cho họ nghe hay bảo họ vâng lời. Tất cả đều nhất trí, phải dừng lại đây và chiến đấu với quân thù. Nhiều người cao giọng khóc than, Hỡi ôi! Phải từ bỏ xứ sở để đến chịu chết nơi chốn này sao?

Địch quân chiếm lĩnh phía phải và trái của khu đất: bất cứ giá nào phải mở một con đường dầu tổn thất nhiều, phải tiến lên phía trước: tôi thấy khó lòng làm được điều đó, nhưng sau khi đọc kinh Kính Mừng bằng hết cả tấm lòng, tôi thấy đội quân di chuyển tương đối nhanh nhẹn. Sự sợ hãi đã đến giúp sức, nó đã giúp cởi bỏ tất cả những hành trang vô ích: có người còn bỏ lại cả lương thực, những thứ mà sau này chúng tôi phải khó nhọc mới tìm được. Chúng tôi đi về hướng Bắc mà không gặp khó khăn nào, trong khi đó đoàn hậu quân dưới sự chỉ huy của Cha Huề đã chặn đường của quân địch, chúng không thể làm gì khác hơn là bắn một vài phát súng và nã vài trái đại bác vô hại cũng như gởi cho chúng tôi những lời nguyền rủa mà ngôn ngữ Annam rất phong phú. Khi đoàn quân chúng tôi tiến vào thung lũng hẹp Sông Mun, nối liền với La Hai thì địch quân bỏ cuộc và đoàn hậu quân theo kịp chúng tôi trong bình yên.

Trời đã bốn giờ rưỡi chiều, chúng tôi đã phải chiến đấu từ trưa: quân địch không gây hại gì cho chúng tôi. Tôi tin rằng họ có nhiều lý do để bất mãn với chúng tôi. Trước trận chiến, có sáu giáo dân đến nhập đoàn với chúng tôi, một bà mẹ và năm đứa con được những lương dân khác dấu ở trong nhà từ khi bắt đầu cuộc sát hại. Hai người khác cũng đến được khi chúng tôi đóng quân qua đêm tại Sông Mun. Họ nói cho chúng tôi biết về kế hoạch của quân địch. Cứ nghĩ rằng sẽ có một chiến thuyền Pháp đến chở giáo dân tại cảng Vũng Lắm họ đã dựng chướng ngại vật và giăng bẫy trên đường đi từ bảy ngày trước để chúng tôi không thể nào thoát được nếu đi hướng này. Chúa đã làm chưng hửng mọi ý tưởng tàn bạo này và giúp chúng tôi chọn con đường dễ dàng nhất, hay ít ra là an toàn nhất.

Thứ Bảy ngày 10 tháng Mười, chúng tôi chỉ đi tám tiếng đồng hồ và vượt qua một đoạn đường ngắn: đêm đến chúng tôi đóng quân tại làng Hà Nhao[9] nằm ở biên giới Bình Định và Phú Yên. Tại đây tôi nhờ hai lương dân đi Qui Nhơn để báo tin rằng chúng tôi đã đến được làng, để trấn an Đức Cha và các anh em đồng sự về số phận của chúng tôi. Sáng ngày thứ Hai họ mới đến được Qui Nhơn. Trong suốt ngày Chúa Nhật, lễ Đức Maria Thiên Mẫu [10], chúng tôi đi ngang qua một khu rừng rậm, nơi những chướng ngại vật thiên nhiên đã góp thêm phần khó khăn cho chúng tôi khi phải xếp đặt hàng ngũ lại cho trật tự và gom góp lại những người đi chậm. Vì nguy cơ bị tấn công không còn nhiều nữa nên tôi cho một người vác ba bốn cây súng để người khác rảnh tay mà chuyển những người tàn tật. Tôi có thêm được khoảng hai mươi người khiêng võng nữa để chuyển những bệnh nhân càng lúc càng nhiều vì đường xa. Sau một hành trình quá sức, tôi dừng toán tiền quân vào lúc bảy giờ tối và mãi đến chín giờ thì toán hậu quân và vô số những người tụt hậu mới dừng lại được. Nhờ ánh đuốc lập loè, chúng tôi đến gặp ông quan thu thuế ở gần biên giới với xứ người thượng và đêm hôm đó chúng tôi nghỉ ngơi tại nhà ông. Khi chúng tôi đến, ông quan vồn vã nhường chỗ và rồi trốn biệt sau đó. Nhóm người chúng tôi mệt nhọc quá nên nhiều người quên đọc kinh và bữa ăn tối.

Gần trọn một đêm chúng tôi phải tìm cách giải quyết một vấn đề mới là tìm cho ra một ngàn phần gạo, và cuộc khởi hành ngày hôm sau được hoãn lại cho đến tám giờ. Tuy nhiên, cũng vào cùng ngày 12 tháng Mười này, sau một hành trình cực nhọc dưới nắng gắt và dừng chân trong khoảng ba tiếng đồng hồ để nghỉ trưa, chúng tôi đã đến cảng Qui Nhơn bình an vô sự vào lúc bảy giờ tối mà không để lọt lại một người nào trên đường. Chúng tôi đã kiệt sức và không thể đi thêm một ngày nào nữa. Ở Qui Nhơn người ta lo lắng chờ đón chúng tôi vì nghe nhiều tin đồn kinh khủng. Ông Trú sứ Pháp tại Qui Nhơn đã giao toán cận vệ người Annam của mình cho Cha Lacassagne sử dụng để đến đón chúng tôi. Nhờ ơn Chúa, chúng tôi không cần họ.

Chúa đã gìn giữ và che chở chúng tôi trước quân thù và hỗ trợ chúng tôi trong mọi lúc khó khăn gặp phải trên đường đi mà nếu nói thật tình ra thì không thể nào thoát ra cách bình yên vô sự được. Biết làm thế nào để sao tỏ bày lòng biết ơn Ngài cho đủ!

Rồi cuộc sống của chín trăm người sẽ ra sao, cộng thêm với bốn ngàn người di tản ở tại Qui Nhơn nữa? Cũng như họ, những người này đến đây sống nhờ của bố thí và chờ đợi thời khắc chấm dứt sự thử thách của mình do Thiên Chúa quyết định. Nhưng cho đến khi nào? Đến khi nào thì mới được nhìn lại những nơi chốn mà chúng tôi đã bị đuổi đi? Thật không thể tiên đoán được điều này!

Con người hành động và Thiên Chúa dẫn dắt, Đúng vậy! Tuy nhiên, dầu cho lòng bác ái từ nước Pháp và những nơi khác có làm nên những điều kỳ diệu để cứu giúp chúng tôi, thì cũng không khỏi phải đối mặt với tương lai mà không tự hỏi rằng liệu có tìm đủ lương thực hằng ngày để phát cho những giáo dân này không, tôi không nói đến việc tìm lại quá khứ đã mất đi. Họ bị tước hết mọi phương tiện kiếm sống vì không thể đi ra khỏi nhượng địa thuộc Pháp tại Qui Nhơn mà không khỏi nguy cơ bị sát hại.

Nhưng bàn tay Thiên Chúa đã tỏ ra quá rõ ràng trong những gì mà tôi vừa mới thuật lại ở trên, vì thế sẽ thiếu đi lòng biết ơn nếu cứ dừng lại ở những vấn nạn về tương lai này.

Deus providebit! (Chúa sẽ quan phòng!)

chuyển ngữ

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính


Trích “Bản Thông Tin”, Giáo phận Qui Nhơn, số tháng 4/2010

Súng trường model năm 1831 được trang bị cho quân đội Pháp, dài 1,690 m.

Đại bác được quân đội Pháp sử dụng vào năm 1870-1871

Một “văn thân” (lettré) thời Pháp thuộc

Cuốn sách lễ của Cha Chatelet Thuông hiện được trưng bày tại Phòng tử đạo (Salle des Martyrs)

Hội Thừa Sai Truyền Giáo Hải Ngoại

Missions Étrangères de Paris (MEP)

128 Rue du Bac, Paris

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Đức Cha Désiré Francois Van Camelbeke Hân (1839-1901) sinh ngày 19 tháng Hai 1839 tại Nantes (Loire-Atlantique). Ngài vào Chủng Viện Thừa sai ngày 26 tháng Bảy 1862, chịu chức linh mục ngày 30 tháng Năm 1863 và đi nhận nhiệm vụ tại Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) vào ngày 16 tháng Bảy 1863. Trước tiên ngài coi địa sở Gia Hựu rồi sau đó làm bề trên Chủng Viện Làng Sông. Ngày 15 tháng Giêng 1884, ngài được chọn làm Giám Mục Đại Diện Tông Toà Đông Đàng Trong, hiệu toà Hiérocésarée. Năm biến cố “Văn Thân” 1885, ngài lánh nạn tại Qui Nhơn. Tháng Bảy 1887, ngài trở về Làng Sông và qua đời tại đây vào ngày 9 tháng Mười Một 1901. (Chú thích trong bài là của người dịch)

[2] Người dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất này là thừa sai Joseph Auger (1854-1891), tên Việt Nam là Đoài, sinh ngày 11 tháng Giêng 1854 tại Billom (Puy-de-Dôme). Ngài chịu chức linh mục ngày 15 tháng Sáu 1878 và đi nhận nhiệm vụ tại Đông Đàng Trong (hiện nay là giáo phận Qui Nhơn) ngày 4 tháng Bảy 1878. Ban đầu ngài phục vụ tại Bình Định rồi sau đó chuyển về Khánh Hoà. Trong thời gian nạn “Văn Thân” 1885, ngài dẫn giáo dân về Qui Nhơn và từ Qui Nhơn được Đức Cha Camelbeke sai đi Phú Yên để giải cứu giáo dân ở Cây Da. Năm 1890 thì ngài phát bệnh và qua đời tại quê hương Billom ngày 4 tháng Tám 1891.

[3] Cha Huề (1852-1911) sinh quán tại Phú Điền, Hoa Vông, Phú Yên. Ngài chịu chức năm 1885 và được Đức Cha Camelbeke sai đi cùng với cha Auger để giải cứu giáo dân tại Cây Da. Sau đó ngài lần lượt phục vụ tại Củng Sơn, Ninh Hoà, Vạn Giã, Bàu Gốc, Kim Châu, Tịnh Sơn.

[4] Còn được gọi là Bến Buôn, cách ngã ba Chí Thạnh 16 cây số về hướng Tây. Hiện nay, nơi đây còn di tích nấm mồ tập thể này.

[5] Francois Chatelet (1855-1885), tên Việt Nam là Thuông, sinh ngày 20 tháng Tư 1855 tại St-Didier-sur-Beaujeu (Rhône). Thụ phong linh mục ngày 26 tháng Chín 1880 và đi nhận nhiệm vụ ngày 10 tháng Mười Một. Ngài ở tại Trà Kê vào năm 1885 và bị giết tại Cây Da ngày 26 tháng Tám 1885.

[6] Thầy Cậy sau này được Đức Cha Van Camelbeke phong chức, và đi phục vụ tại các sở Đồng Dài, Gia Hựu, Nam Bình. Ngài sinh năm 1847 tại họ Suối Nổ, xứ Truông Dốc và chết năm 1936, hiện mộ phần nằm tại nghĩa địa các cha ở Làng Sông. Chính cha Simon Huỳnh Tấn Công (1919-2003, linh mục giáo phận Qui Nhơn) kể lại rằng lúc nhỏ ngài còn thấy Cha Cậy đi đầu nghiêng sang một bên vì vết thương vào năm 1885. Ngài cũng kể lại rằng mỗi khi thấy Cha Cậy sắp đi ngang qua thì các cố Tây quỳ gối xuống để cung kính đón rước ngài như một vị tử đạo.

[7] Theo thi phẩm trường thiên “Giáo nạn trong quốc biến”, đoạn IV “Biến loạn ở Phú Yên” thì người này tên là Ngữ:

Danh Ngữ phát ghét thói đời,

Lấy mác mà phóng một người trúng hông.

Nó liền vỡ chạy đùng đùng,

Dân đạo ào dậy đùng đùng xông ra.

(Lam Giang &Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn, Tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam, 1970, tr. 550)

[8] Cha Jean Bruyère (1852-1912), tên Việt Nam là Nhơn, sinh ngày 1 tháng Sáu 1852 tại Bloye (Haute-Savoie), chịu chức ngày 23 tháng Chín 1876 và đi nhận nhiệm vụ tại Đông Đàng Trong ngày 30 tháng 11 năm 1876. Sau sáu tháng học tiếng Việt tại Quảng Ngãi, ngài được sai đi Trà Kiệu. Năm “Văn Thân” 1885, giáo dân trong vùng tập trung ẩn náu tại Trà Kiệu và dưới sự chỉ huy của ngài, họ đã cố thủ trong vòng sáu tuần. Ngài qua đời tại Sàigòn ngày 29 tháng Tư 1912.

[9] Hiện nay là giáo xứ Đa Lộc.

[10] Năm 1931, nhân dịp mừng kỷ niệm 1500 năm ngày Công Đồng Êphêsô (431) xác định tín điều Maria Mẹ Thiên Chúa, Đức Piô đã thiết lập lễ “Đức Maria Thiên Mẫu” (Maternité Divine de la Très Sainte Vierge) được mừng kính vào ngày 11 tháng Mười hằng năm. Ngày nay lễ này được chuyển đến ngày 1 tháng 1, Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.