Các vua nhà Nguyễn, giới Văn Thân và sự bại vong của Việt Nam

LTS : Bài nghiên cứu dưới đây của Giáo Sư Tôn Thất Thiện, được đăng trong nguyệt san Thông Luận số 191, ra ngày 17/04/2005, đề cập đến nhiều vấn đề như văn hóa Khổng Nho, Văn Thân, Công Giáo.

VietCatholic xin trích đăng lại bải khảo cứu giá trị này với mục đích cung cấp thêm tài liệu cho những ai muốn hiểu thêm về lý do tại sao triều đình và lớp sĩ phu Việt Nam đã không giữ được nền độc lập cho nước nhà. Tuy nhiên, nội dung các bài nghiên cứu được trích đăng từ các mạng lưới điện toán khác không nhất thiết phản ảnh quan điểm và lập trường của VietCatholic.

Riêng với người Công Giáo, đây là tài liệu giải thích vì sao vua quan nhà Nguyễn, nhất là Văn Thân đã nhân danh văn hoá Khổng Nho để tàn sát người Công Giáo.


Các vua nhà Nguyễn, giới Văn Thân và sự bại vong của Việt Nam

PHẦN II


Giáo sư Tsuboi đã để rất nhiều công nghiên cứu đặc biệt giới Văn Thân, và trong sự nghiên cứu này, ông đã làm sáng tỏ một khía cạnh rất đặc biệt của chế độ quân chủ thời các vua nhà Nguyễn, và đặc biệt là thời vua Tự Đức, mà các nhà nghiên cứu về Việt Nam khác không chú ý đến, tuy rằng nó rất cần thiết để hiểu rõ những gì xảy ra trong thời gian này.

Chế độ quân chủ Việt Nam thời Nguyễn được các nhà chính trị học và các nhà luật học xếp vào loại "chuyên chế" thuộc hệ thống Khổng giáo, trong đó vua nắm quyền hành tối thượng tuyệt đối. Quanh vua là những viên chức có quyền nhất, những vị đại thần thuộc Cơ Mật Viện. Vua và những vị đại thần này là "triều đình". Kế đến là các đình thần cao cấp, rồi các quan trong bộ máy hành chánh. Trong chế độ này, uy quyền đi từ trên xuống, trên ra lệnh, dưới thi hành. Nhưng, trong thực tế, nó không phải vậy.

Trong tư tưởng chính trị nhà Nguyễn, khởi đầu với triều Gia Long, quyền hành của vua dựa trên khái niệm "thuận Thiên, ứng dân". Đây là khái niệm mà chúa Nguyễn Phước Ánh viện dẫn khi các đình thần tôn ông lên ngôi vua năm 1802. Theo quan niệm chính trị thời đó, vua là "Thiên tử", con Trời, người được Trời lựa chọn để trị dân. Làm vua là theo ý Trời, do "Thiên mệnh", nhưng "Thiên mệnh" này thể hiện qua "dân ý" - lòng dân. Được lòng dân mới chiếm và giữ được Vương vị. Điều này rất rõ trong trường hợp Chúa Nguyễn Phước Ánh. Nhờ có dân bảo vệ mà ông ta thoát được sự truy nã của Tây Sơn trên khắp miền Nam trong hơn 20 năm trời, gây dựng lại được lực lượng, và cuối cùng đánh bại được Tây Sơn.

Phần khác, có được lòng dân, vua mới làm tròn sứ mạng của mình được. Đây là điều mà vua Tự Đức ý thức rất rõ. Về những quyết định lớn, vua không độc đoán, mà nương theo dư luận, qua phương thức "đình nghị". Điều này giải thích tại sao, trong sự đương đầu với những tấn công của Pháp, vua Tự Đức không theo đuổi được một số chính sách cần thiết để tránh cho xứ sở những đổ vỡ mà ta biết.

Một học giả người Pháp thời đó, từng làm trú sứ Pháp ở Huế, hiểu rõ tâm lý, phong tục và rất thiện cảm với dân Việt Nam, ông Paul Philastre nói : "Ngay trước khi nói đến những cận thần của nhà vua, chính những giới trung lưu gồm những quan chức nhỏ, những thơ lại, những nhà có tài sản lớn, những người thể hiện ý muốn của dân, lại là những chướng ngại xem ra có vẻ không đáng kể, nhưng thưc sự lai là những chướng ngại mạnh nhất ngăn cản bất cứ sáng kiến hay thử nghiệm thay đổi nào" (Tsuboi, tr. 243).

Theo giáo sư Tsuboi, "không gian xã hội" Việt Nam thời đó bị các quan chức, Nho sĩ - giới Văn Thân - và thân hào choán chỗ. Đây là "nhóm xã hội có uy thế nhất", triều đình cần có sự đồng thuận và hợp tác của nhóm này để thực hiện những chính sách mong muốn.

Theo giáo sư Tsuboi, "Văn Thân" là một thành phần xã hội gồm những Nho sĩ (người biết chữ), thân hào, thơ lại, công chức hưu trí. Tuy giữ những địa vị khác nhau, nhóm này cùng hấp thụ một nền giáo dục căn bản như nhau về xã hội-văn hóa. Là những người đọc được chữ Hán, và với tư thế đó, họ đóng vai trò trung gian giữa triều đình và dân vì là những người chuyển những công bố của triều đình đến quần chúng, không những vào những dịp quan trọng và ngay cả trong đời sống hàng ngày. Điểm chung của "tập đoàn nho sĩ" này - gồm từ vua đến các quan, đến các thơ lại, các giáo viên, thân hào, những người chuẩn bị đi thi và những người đã thi đỗ... - là biết chữ Hán. Họ là những người phổ biến Khổng giáo, và thấy có nhiệm vụ phải bảo vệ đạo lý Khổng giáo.

Một điều rất đáng để ý nữa là những Nho sĩ chuẩn bị thi cử. Họ là những thành phần tạo dư luận và quảng bá dư luận hiệu nghiệm hơn cả. Nhân các kỳ thi, hàng ngàn thí sinh từ khắp các tỉnh trong xứ tụ hội đông đảo tại các trung tâm thi như Huế, Nam Định (trên 5.000 tại Huế và cùng số đó tại Nam Định nhân kỳ thi năm 1864), đã trao đổi tin tức với nhau về tình hình đất nước. Khi về lại tỉnh nhà, họ là những người quảng bá và bình luận thời sự, tạo ra dư luận. Có thể ví các dịp thi cử này như những đại hội toàn quốc của các đảng chính trị lớn.

Giới Văn Thân chống sự du nhập của đạo Công giáo vì cho rằng những người theo đạo này - "giáo dân" - sống cuộc sống khác lối sống của người dân thường - "lương dân". Những giáo dân này tụ tập riêng với nhau, sống ngoài lề cộng đồng, và nhất là từ chối một số nghi lễ liên hệ đến một tục lệ mà người Việt coi là tối trọng : thờ cúng ông bà, tổ tiên. Họ từ bỏ tục lệ này vì một quyết định của Giáo Hoàng Benoit XIV năm 1742 cho đó là một "mê tín Tàu". Vì tư tưởng, văn hóa Khổng giáo đặt nặng vấn đề "chính thống", "chính-tà" và không chấp nhận sự khác biệt ý kiến, nên giới Văn Thân coi Công giáo như là "Tả đạo".

Ngoài các yếu tố về đạo lý và tư tưởng, còn một yếu tố nữa là yếu tố kinh tế. Điều này rất sáng tỏ sau vụ Pháp chiếm Bắc Kỳ, sa thải quan chức do triều đình bổ nhiệm, và thay thế bằng những viên chức theo đạo Công giáo, không thuộc giới khoa bảng. Trước hiện tượng này, giới Nho sĩ cảm thấy bị đe dọa vì không còn thấy tương lai, nhất là những người chưa đỗ đạt, và cho dầu có đỗ đạt đi nữa cũng không còn được trọng dụng và quý nể. Địa vị ưu đãi của họ bị đe dọa, do đó phải có phản ứng.

Một lý do khác, có lẽ quan trọng hơn cả, là giới Văn Thân coi người Công giáo là những người dọn đường cho quân xâm lăng Pháp. Họ dựa trên những sự kiện là trong các cuộc tấn công của người Pháp thường có sự hợp tác của người Công giáo, và trong những âm mưu chống lại triều đình, những kẻ chủ mưu thường tìm sự ủng hộ của người Công giáo. Điều này cũng dể hiểu vì bị cấm đoán, ngược đãi và chém giết, người Công giáo phải tìm một lực lượng bảo vệ mình và một chính quyền nâng đỡ họ để tự tồn. Lực lượng đó là Pháp, chính quyền đó là chính quyền Công giáo. Vô tình, giới Văn Thân đã đẩy người Công giáo vào thế phải đi với Pháp và chống triều đình.

Thái độ của giới Văn Thân trong giai đoạn này gồm hai phần : truyền thống chống xâm lăng và sự hấp thụ sâu đậm văn hóa Khổng giáo. Phản ứng chống sự xâm lăng của Pháp không có gì ngạc nhiên vì dân Việt Nam có truyền thống chống ngoại xâm từ lâu đời. Cho nên sự kiện giới Văn Thân chống hòa với Pháp và chủ chiến là điều đương nhiên. Nhưng qua đó, Pháp có cớ để gây chiến. Phần khác, giới Văn Thân chủ chiến trong khi Việt Nam ở vào thế rất yếu so với Pháp. Điểm này sẽ được xét ở đoạn dưới.

Trong việc chống Pháp có một khía cạnh ít được nói đến là khía cạnh văn hóa. Thái độ của triều đình, và đặc biệt là của giới Văn Thân, là hậu quả tai hại không tránh được của sự hấp thụ sâu đậm, nếu không muốn nói là mù quáng tôn sùng, văn hóa Khổng giáo mô hình Trung Hoa. Cho đến cuối thế kỷ XIX, giới Nho sĩ - trí thức - Việt Nam chỉ biết có văn minh Trung Hoa và coi văn minh đó là tuyệt mỹ, tuyệt đối, không có văn minh nào có thể hơn được. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, đó là đỉnh cao của trí tuệ, khuôn mẫu để mọi người bắt chước. Tất cả những biễu hiện khác với văn minh đó đều là man di, thấp kém, không đáng học hỏi, bắt chước. Đây là thái độ của Nho sĩ Việt Nam đối với người Tây phương, nói chung, và người Pháp, nói riêng, khi người Pháp xuất hiện và xin giao dịch với Việt Nam. Thái độ này dẫn đến sự gạt bỏ tất cả các đề nghị canh tân, hiện đại hóa kiểu Tây phương để đạt phú cường và đương đầu với ý đồ bành trướng của Pháp.

Quan điểm và thái độ của giới Văn Thân được trình bày rất rõ ràng trong Hịch Văn Thân ngày 19-3-1874. Hịch này kêu gọi "kẻ Nho gia" ném bút cầm vũ khí để chống "Tây tặc" và "Dương di". Mà chống Pháp trước hết là diệt hết Công giáo thì "Tây tặc không cửa bước vào mà Dương di cũng không chỗ nào tới được". Khẩu hiệu được tung ra là "Sát Tả, Bình Tây". Đạo Gia Tô đột nhập Việt Nam là một đạo giáo "vô phụ vô quân như loại chó dê... bỏ phải trái nói điều mạnh yếu"...

Tại sao vua Tự Đức không sử dụng uy quyền tối thượng của mình ? Ông không thể làm như thế được, về nguyên tắc cũng như về thực tế.

Về nguyên tắc thì, như giáo sư Tsuboi nhận xét ở trên, triều đình - vua, các đại thần và các quan cao cấp - cũng nằm trong "tập đoàn nho sĩ", nên quan điểm căn bản của họ về người Tây phương và Công giáo cũng không khác gì quan điểm của các Nho sĩ trong nước hồi đó. Thời Minh Mạng đã phân biệt rõ Nho đạo là "Chính đạo" và Công giáo là "Tả đạo". Dụ cấm đạo đầu tiên, năm 1825 nói : "Đạo Tây phương là tả đạo, làm mê hoặc lòng người và hủy hoại phong tục cho nên phải nghiêm cấm để khiến người ta phải theo chính đạo". Ông Trần Trọng Kim nhấn mạnh : "Lúc bấy giờ không phải là một mình vua Thánh Tổ ghét đạo mà thôi, phần nhiều những quan lại cũng đều một ý cả...". Sau vụ dấy loạn của Lê Văn Khôi trong những năm 1830-1833, vấn đề Công giáo trở thành một vấn đề chính trị. Người Công giáo bị coi là những phần tử chống lại triều đình và sự cấm đạo được giới Nho sĩ ủng hộ mạnh.

Đến triều Thiệu Trị, vấn đề Công giáo lại thêm một khía cạnh an ninh quốc gia. Tuy vua Thiệu Trị không nặng tay với Công giáo, người Tây phương vẫn bị coi là "cuồng di", và sau vụ Pháp bắn chìm tàu của Việt Nam năm 1847, việc cấm đạo lại càng gắt gao hơn nữa, vì Công giáo được đồng hóa với Tây phương.

Nhưng dưới triều Tự đức sự cấm đạo gay gắt hơn cả, sau vụ Pháp tấn công Đà Nẵng lần thứ hai, tháng 4 năm 1959. Giữa năm 1858 và năm 1862 có đến 15 Dụ cấm đạo. Việc cấm đạo gay gắt này là cớ mà Pháp viện dẫn để xâm chiếm Việt Nam, và sự bất đồng trong cách đối phó với sự kiện này đã làm rạn nứt mối quan hệ giữa triều đình và giới Văn Thân.

(Còn tiếp. Ngày mai: Phần III)