Những Chiến sĩ cần vương cô đơn

Đối với sinh mệnh quốc gia, khi mọi sự đã lui vào dĩ vãng, thì cuối cùng lịch sử còn lưu lại được hai thực tại nổi bật nhất, ấy là sự xây dựng hay sự phá hoại của một số người chịu trách nhiệm trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

Phong trào Cần vương, khởi biến từ đêm mồng 5 tháng 7 năm 1885 và chung cuộc vào rạng ngày 2 tháng 11 năm 1888, có thời gian tổng cọng là 1,185 ngày đêm. Đây là một giai đoạn lịch sử tương đối ngắn ngủi, nhưng có một hậu qủa khá trầm trọng cho sự an nguy của tổ quốc. Giả thiết rằng vua Hàm Nghi không bị bắt, phong trào Cần vương kết hợp được sĩ dân cả nước, lật ngược thế cờ, làm chủ tình thế. Pháp thất bại trong thế công, trở về thế thủ. Trên đà thắng lợị, Cần vương tấn công nhiều mặt, buộc quân Pháp tại tòa khâm sứ Huế phải đầu hàng !

Tiếc rằng, sự thể đã không xảy ra như vậy. Phong trào Cần vương đã lui vào dĩ vãng gần 115 năm. Độ dài thời gian đã qúa đủ để chúng ta có quyền hỏi, những con người chịu trách nhiệm trong giai đoạn lịch sử ấy, họ là ai? Họ đã làm gì để ra nông nỗi như vậy?

Cần vương và phong trào Cần vương

Theo Từ Điển Hán Việt của Đào Duy Anh, Cần vương có nghĩa là hết sức với vua, hết sức cứu viện nhà vua. Trong triều đình một nước theo chế độ quân chủ phong kiến, thì từ hàng thân vương, hoàng tử, công chúa đến các quan lại đại thần trung ương cho chí địa phương, tất cả hợp thành một tập thể quần thần trực tiếp giúp vua, bảo vệ giang sơn tổ quốc bằng khả năng và trách nhiệm được nhà vua tin cậy giao phó. Người dân trong một nước quân chủ phong kiến cũng có nhiệm vụ cần vương theo tư cách công dân của mình. Nói chung, cần vương là bổn phận của toàn dân đối với vị hoàng đế mà họ phải tôn kính, tuân phục và bảo vệ.

Một biến cố chính trị quan trọng đã xảy ra lúc qúa nửa đêm mồng 5 tháng 7 năm 1885, nhằm ngày 23 tháng 5 năm Ất dậu tại kinh thành Huế, do hai vị phụ chính đại thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường huy động hơn 12,000 quân sĩ bất thần tấn công vào tòa khâm sứ Pháp tại Huế, nhằm thanh toán viên Toàn quyền De Courcy và đồng bọn. Nhưng lực lượng đồn trú của Pháp lúc bấy giờ có 31 sĩ quan, 1,387 binh sĩ với 37 khẩu đại bác và vũ khí cá nhân, đã án binh bất động, chờ đến rạng sáng mới phản công.

Bước qua giờ tị*Tây sang treo cờ

Trong thành thất lạc ngẩn ngơ

Giao chinh bốn giờ thiên hạ suy vi.

(*Giờ tị tức khoảng 9-11g sáng ngày 5-7-1885, Vè thất thủ Kinh đô 1

Khi biết kinh thành Huế thất thủ, toàn bộ triều đình gồm vua Hàm Nghi, tam cung hoàng hậu (Bà Từ Dũ mẹ vua Tự Đức, Bà Trang Ý chánh phi vua Tự Đức, Bà Học Phi mẹ nuôi vua Kiến Phúc) và các đại thần văn võ phải lên xa gía lánh nạn. Trên đường ra chiến khu Tân sở ở Quảng Trị, nhân danh vua Hàm Nghi, Binh Bộ Thương thư kiêm phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết, đã thảo hịch Cần vương tại chỗ nghỉ đêm ở làng Văn Xá thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Chín ngày sau, tức mồng 2 tháng 6 năm Ất dậu (13-7-1885), từ chiến khu Tân Sở, hịch Cần vương mới gởi đi khắp 40 tỉnh, từ Bình Thuận ra miền Bắc, mà Cao Bằng là tỉnh nhận được hịch Cần vương chậm nhất, sau một tháng 13 ngày phổ biến 2.

Từ thời điểm lịch sử đó, Cần vương đã trở thành một phong trào vừa chính trị vừa quân sự, kết hợp sĩ phu tại các địa phương thành một lực lượng để tiến hành việc bảo vệ vua và đánh trả thực dân Pháp. Tuy nhiên, cho đến ngày nay chưa tìm thấy một sử liệu nào nói về phong trào Cần vương đã được các sĩ phu miền Nam hưởng ứng và khởi nghĩa giúp vua Hàm Nghi, nhân danh hịch Cần vương do Tôn Thất Thuyết thừa lệnh kêu gọi.

Nên thấy rằng, trước biến cố Cần vương hơn 20 năm, các sĩ phu miền Nam như Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Trương Công Định, Võ Duy Dương, Trần Văn Thành tức Đức cố Quản...đã khởi nghĩa chống Pháp. Thời gian chiến đấu tuy dài ngắn khác nhau, nhưng tất cả đều uất ức vì vua Tự Đức đã liên tiếp để mất ba tỉnh miền Đông (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường), rồi ba tỉnh miền Tây(Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên), mà các Hòa ước Nhâm Tuất, 1862, và Giáp Tuất, 1874 đối với họ không khác gì những khế ước sang nhượng đất đai cho thực dân Pháp. Nhục nhã vì bị ngoại nhân xâm lấn, một số rời quê hương đi ẩn cư, bỏ dở việc thi cử, tìm sống cuộc đời bình dị như nghề bốc thuốc, xem dịch lý để gần gủi và giúp đỡ giới bình dân. Một số khác kết hợp đồng chí, mua sắm khí giới, tích trữ lương thực, lập chiến khu, rồi đi tìm Pháp để đánh. Nói theo ngôn ngữ Văn thân, các sĩ phu miền Nam đã thực hiện cuộc kháng chiến bình tây.

Riêng các danh sĩ miền Nam, như Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Phan Văn Trị (1830-1910), Học Lạc (1842-1915)...là những người sống đồng thời với phong trào Cần vương, nổi tiếng với phong trào tỵ địa (thấy địa phương hỗn loạn mà phải tránh xa) trong thời gian Pháp xâm lăng miền Nam, nhưng trong thơ văn của họ không thấy dấu tích việc hưởng ứng lời kêu gọi của vua Hàm Nghi.

Nguyễn Đình Chiểu được coi như linh hồn của nghĩa quân chống Pháp ở miền Nam. Ông đau lòng khi biết triều đình Huế đã để mất sáu tỉnh miền Nam vào tay Pháp, nên dù bệnh tật, ông đã dùng thơ văn để góp phần động viên các nghĩa quân kháng chiến trong suốt 20 năm cuối đời của mình. (Ngóng gío đông):

Bờ cõi xưa đà chia đất khác

Nắng sương nay há đội chung

Chừng nào thánh đế ơn soi thấu

Một trận mưa nhuần rửa núi sông.

Phan Văn Trị là mũi nhọn tấn công những kẻ rắp tâm làm tay sai cho Pháp, như trường hợp Tôn Thọ Tường(1825-1877) giữ chức Đốc phủ sứ, cọng tác với Pháp, đã bị Phan Văn Trị điểm mặt là kẻ phản bội.

Nguyễn Văn Lạc tức Học Lạc, là nhà thơ trào phúng nổi tiếng ở miền Nam, ông đã tiếp tay với Phan Văn Trị lên án những người đầu hàng giặc, làm tay sai và cả bọn cường hào hống hách ở địa phương. (Con tôm)

Chẳng phải vương công chẳng phải hầu,

Học đòi đai kiếm, lại mang râu,

Khoe khoang mắt đỏ trong dòng bích,

Chẳng biết mình va cứt lộn đầu.

Chúng ta thấy các sĩ phu miền Nam không nhắc đến hịch Cần vương, không nghe ai nói đến việc bôn đào của vua Hàm Nghi, cũng không thấy nói gì đến biến cố tứ nguyệt tam vương 3 vốn là những sự kiện rất nhạy cảm đối với lớp sĩ phu đương thời. Như vậy, phải chăng, việc chống Pháp của các sĩ phu miền Nam cũng là một việc cần vương đúng nghĩa như phong trào Cần vương đã phát động ở Tân sở, Quảng Trị năm 1885? Phải chăng họ là những chiến sĩ Cần vương cô đơn? Dầu sao, việc không thấy sử liệu làm chứng rằng phong trào Cần vương được phát động, được hưởng ứng ở miền Nam sau năm 1885, là một im lặng khó hiểu.

Hiển nhiên, vua Hàm Nghi là linh hồn của phong trào Cần vương, chẳng may nhà vua bị Pháp bắt ngày 2-11-1888. Sau biến cố nầy, có người nói là phong trào Cần vương còn tiếp tục hoạt động. Thật ra, khi vua không còn trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến nữa, thì hịch Cần vương có thể bị lạm dụng cho những mục đích khác. Bởi vậy, phải thấy rằng, sau năm 1888, hai chữ Cần vương đã mất hết ý nghĩa chính thống. Ngoài chiến khu Vụ Quang của Phan Đình Phùng (1844-1895), người đã hưởng ứng hịch Cần vương, mộ quân, lập chiến khu từ những ngày đầu tiên và cố thủ ròng rã 10 năm tại vùng núi rừng Ngàn Trươi Hà Tĩnh ra 4 còn các nơi khác có xuất quân chiến đấu bình tây hay sát tả sau năm 1888, thì chẳng qua là những hoạt động cuối mùa của phong trào Văn thân.

2. Cần vương không phải là cao điểm chiến đấu của Văn thân.

Từ Bình Thuận trở ra miền Bắc, nghĩa quân Văn thân đã có những hoạt động chống Pháp rất tích cực. Khi hay tin kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi phải bôn đào để lo việc phục quốc, tất nhiên Văn thân khắp nơi đã nhất tề hưởng ứng hịch Cần vương. ‘’Biết thì phải góp sức, nghiến răng, dựng tóc, thề giết hết giặc cho hả. Kẻ trí hiến mưu, người dũng hiến sức, ai giàu có bỏ của ra giúp, đồng bào đồng chủng chớ nề nguy hiểm. Cứu nguy chống đỡ, mở chỗ truân chuyên, giúp nơi kiển bách đều không thể tiếc tâm lực, ngõ hầu chuyển loạn thành trị, nguy ra yên, thu lại giang sơn bờ cõi ấy là cơ hội nầy’’ (Trích Hịch Cần vương, bản dịch của Phạm Văn Sơn, trong Việt Nam Cách Mạng cận sử).

Toàn văn bài hịch Cần vương là một lời kêu gọi thống thiết của một vị vua mới 14 tuổi đời, lên ngôi ngày mồng 1 tháng 8 năm Giáp thân, tức ngày 19-9-1884, chưa tròn một năm trên ngai vàng, nay đang gặp cơn thử thách có nguy cơ đến sinh mệnh của chính mình và của tổ quốc. Đọc hịch Cần vương, ai là con dân của nước mà không xúc động, mà không quyết tâm đóng góp phần mình cho sự tồn vong của cả dân tộc?

Nguyễn Bá Huân (1848-1899) quê ở Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định đã lên tiếng thay cho lớp sĩ phu :

Bán dạ long xa xuất đế thành

Tứ phương tề hưởng ngự thù thanh

Cần vương thệ trảm Lang sa thử

Phủ kiếm cao ca khảng khái hành.

Dịch : Đêm thẳm xe rồng bỏ đế cung

Khắp nơi đáp lại tiếng thù chung

Cần vương thề chém đầu quân Pháp

Vỗ kiếm vang ca khí phách hùng.

(Độc Cần vương hịch hữu cảm: Cảm xúc khi đọc hịch Cần vương, Việt Thao dịch).

Nhưng khi cùng nhau hưởng ứng hịch Cần vương, thay vì động viện toàn bộ lực lượng nhân dân, không phân biệt địa phương, sắc tộc, tôn giáo, giai cấp xã hội, phong trào Văn thân từ Bình Thuận trở ra miền Bắc đã lợi dụng cơ hội, tưởng rằng đây là cao điểm chiến đấu của họ, mà vua Hàm Nghi là linh hồn của cuộc kháng chiến đã xuất hiện đúng lúc họ mong ước. Phong trào Văn thân hồ hởi, mài gươm, tạo súng quyết một lần nữa dứt khoát với chủ trương sát tả trước khi bình tây. Vè Quan Đình [ Đình nguyên Phan Đình Phùng ]:

Cần vương xuống hịch ruổi sao

Phải lấy máu đào đền đáp giang sơn

Mười tám quân thứ rõ ràng

Suốt từ Thanh Hóa đi sang Quảng Bình

Trong tay mấy vạn tinh binh

Đã trừ quân đạo lại bình quân tây.

Linh mục tiến sĩ sử học Trương Bá Cần có một nhận xét về Văn thân lúc họ hưởng ứng hịch Cần vương như sau:’’ Việc triều đình Huế để mất chủ quyền quốc gia rơi vào tay thực dân Pháp lại gây phẫn nộ trong nhân dân. Phong trào Bình tây sát tả nổi dậy khắp nơi. Riêng tại Nghệ Tĩnh Bình, phong trào Văn thân đã có truyền thống, nhưng rút kinh nghiệm của năm 1874 bị triều đình đàn áp, nên vẫn án binh bất động cho tới khi vua Hàm Nghi ra hịch Cần vương’’5.

Nếu án binh bất động để chờ cơ hội, thì hịch Cần vương chính là cơ hội nghìn năm một thuở của Văn thân. Nhưng Văn thân đã lầm, khi cho rằng phong trào Cần vương là cao điểm chiến đấu của họ, có chung một chủ trương với họ. Kế đến việc Văn thân mưu đồ lợi dụng phong trào Cần vương, hâm nóng việc sát tả trên qui mô cả nước, đã làm mất chính nghĩa của phong trào Cần vương do vua Hàm Nghi kêu gọi.

Năm nay Ất dậu (1885) mùa Xuân

Sơn phòng quan chánh khởi quân Đồn Vàng

Sắc lệnh quân vào, đại pháo xe lên cao

Bắn nhà chung đổ nát, lệnh truyền chém hết

Giặc trẻ giặc tra, ơn trời sai tướng giúp ta 6.

Cần vương là một cuộc vận động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp mà kẻ đại diện là Toàn quyền De Courcy, đầy tham vọng thực dân, có mặt ở toà khâm sứ Pháp tại Huế đêm mồng 5 tháng 7 năm 1885. Bởi vậy, Bình tây là lá cờ kháng chiến có chính nghĩa của phong trào Cần vương. Tô đậm thêm vào trên lá cờ kháng chiến của phong trào Cần vương hai chữ sát tả, Văn thân đã làm hỏng đại cuộc cần vương ngay từ những ngày đầu khi tổ quốc cần sự hợp lực của toàn dân. Do việc lũng đoạn danh nghĩa Cần vương của phong trào Văn thân từ năm 1885, ở đây cần thiết phải đặt lại một câu hỏi trước lịch sử : Văn thân, ông là ai?

3. Văn thân, ông là ai ?

Theo sự phân tích của giáo sư Yoshiraru Tsuboi người Nhật Bản trong luận án tiến sĩ Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, bảo vệ trước Hội Đồng giám khảo trường Đại Học Khoa Học Xã Hội Pháp năm 1982, thì hai từ Văn thân có nghiã như sau: Văn là chữ, là người biết chữ. Thân theo nguyên nghĩa là cái dải thắt ngang lưng bằng tơ mà các thư lại Trung Hoa xưa thường dùng. Do vậy, từ Văn thân được dùng để chỉ chung các nhân sĩ, thân hào, thư lại ở địa phương, bao gồm các viên chức quan lại đã về hưu. Dĩ nhiên họ không có địa vị xã hội như nhau, nhưng có chung một vốn học thức hơn kém nhau về Nho giáo. Trong khi dân chúng giao dịch với nhau bằng tiếng nôm, thì các tuyên cáo, chỉ dụ chính thức của triều đình, của Tổng đốc, của Tuần phủ lại viết bằng Hán tự, do đó các Văn thân phải đảm nhận công việc phiên dịch và phổ biến. Vô hình chung, Văn thân trở thành lớp trung gian giữa cấp lãnh đạo và quần chúng bình dân. Đàng khác, khi không muốn nhấn mạnh đến chức vụ xã hội, từ Văn thân có nghĩa rộng, bao gồm cả vua chúa, quan chức, giáo thụ, thân hào, sĩ tử và cả người không theo khoa bảng nhưng có kiến thức chữ Nho.

Giới hạn trong mô hình xã hội phong kiến Việt Nam vào hạ bán thế kỷ 19, Văn thân là nhóm người chỉ có kiến thức xếp hạng tú tài. Họ chưa thành công như lớp quan lại đã đỗ đạt ra làm quan, nhưng hơn hẳn lớp hỏng thi và quần chúng ít học. Cũng vậy, khác nhau giữa quan lại và Văn thân là niềm tự hào. Một bên, quan lại tự cho mình là lớp Văn thân đàn anh, có trí thức hơn, điềm đạm hơn trong phê phán, vững vàng hơn trong lý luận, cân nhắc hơn trong phản ứng. Trong khi đó, Văn thân chỉ dừng lại ở học vị tú tài, nghĩa là chưa có địa vị rõ ràng trong xã hội, nên họ thường tỏ ra háo thắng để giành giật cơ hội, tỏ ra qúa khích trước thời cuộc để mong tìm sự chú ý của người khác. Họ vốn có mặc cảm tự ti và nhiều ganh tị với lớp Văn thân quan lại vì cuộc sống của họ cứ lẫn quẩn mãi trong sự túng thiếu về kinh tế, thấp kém về địa vị 7.

Một ông tú Từ Diễn Đồng (1866-1918) ý thức được hoàn cảnh bế tắc của chính mình và của lớp sĩ phu Nho học cuối mùa: (Đêm dài)

Đêm sao đêm mãi tối mò mò

Đêm đến bao giờ mới sáng cho

Con trẻ u ơ chừng muốn dậy

Ông già khúng khắng vẫn còn ho

------------------------------------

Hàng xóm láng giềng ai đã dậy

Dậy thì lên tiếng gọi nhà Nho.

Một ông Tú Xương, tức nhà thơ Trần Tế Xương (1870-1907) nhận ra sự lạc điệu của một nền học thuật không còn đất dụng võ: ( Cái chữ Nho)

Nào có ra gì cái chữ Nho

Ông Nghè ông Cống cũng nằm co...

Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình một ông tú, tiêu biểu cho sự bần cùng, thì hầu như ở đâu cũng giống nhau: (Tự trào):

Chẳng phải quan mà chẳng phải dân

Ngơ ngơ ngẩn ngẩn hóa ra đần

Hầu con chè rượu ngày sai vặt

Lương vợ ngô khoai tháng phát dần.

Riêng về những ông tú nổi tiếng với hịch Bình Tây sát Tả công bố ngày 19-3-1874 ở Nghệ An, như Tú Tấn (Trần Tấn), Tú Mai (Đặng Như Mai [Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh viết là Đậu Như Mai]), Tú Khanh (Nguyễn Huy Điển),Tú Uyển (Nguyễn Duật), Tú Bẩm (Nguyễn Mậu Bẩm), Tú Ngông (Đậu Bá Nghinh), Tú Đức (Lê Mẫn Đức)...là những ông tú thi mãi không đậu. Như trường hợp Tú Uyển Nguyễn Duật, nổi danh với hai bài Hỏng thi và Nhị liệt phú làm năm 1848, bày tỏ tâm sự một ông tú gìa 70 tuổi bị hỏng thi. Sự cố gắng trong tâm thức mang chiếc lều mực thước rắn tay gìa, chẳng qua chỉ vì lòng tự ái của lớp sĩ phu có học vị tú tài và cầu may một sự đãi ngộ muộn màng nơi Nho học.

Cho tới thời Cần vương (1885-1888), giới sĩ phu Văn thân Việt Nam đã có hơn 300 năm tiếp xúc với phương Tây qua nhiều ngã khác nhau. Họ đã có cơ hội biết ít nhiều về các giáo sĩ truyền giáo, các thương buôn, các nhà ngoại giao. Thậm chí họ đã có dịp đọc các điều trần xin cải cách đất nước của Nguyễn Trường Tộ (1830-1871), của Nguyễn Lộ Trạch(1852-1895), của linh mục Đặng Đức Tuấn (1806-1874), của Đinh Văn Điền...Nhưng từ lãnh đạo đến các cấp quan lại và giới nho sĩ trãi ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị đến Tự Đức, chẳng những không nghe, lại còn tỏ thái độ đối đấu và miệt thị mỗi khi có ai nói đến một nền văn minh khác. Lý do không phải vì đó là những cái gì xa lạ. Lý do là những cái gì không xuất phát từ Trung Hoa đều thấp kém và xấu xa. Cách họ bài ngoại là ném người phương Tây và cả văn minh kỹ thuật phương Tây vào một bọc, đem vất bỏ đi không thương tiếc.

Đây là tuyên ngôn của người lãnh đạo phong trào Văn thân trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, tức An Tĩnh Hiệp Đốc quân vụ đại thần Nguyễn Xuân Ôn (1825-1889) khi ông nhìn về thế giới phương Tây. (Thuật hoài):

Trần Lê tự cổ hưng bình quốc

Tăng hướng dương nhân học kỹ phần

Sĩ tâm dục đắc Dương nhân thuật,

Bất liệu Dương nhân thị địch nhân.

Dịch ý : Các triều đại Trần Lê xưa hùng mạnh, đâu cần học kỹ thuật người phương Tây. Nay

những kẻ muốn học kỹ thuật phương Tây, nên nhớ người phương Tây chính là kẻ thù vậy (8).

Thật ra, đa số sĩ phu Văn thân đã cảm nhận ra cảnh chợ chiều của một xã hội chỉ biết có Nho học làm lẽ sống. Nhưng vì cố chấp, họ vẫn giữ mãi một thái độ đối đầu, miệt thị đối với nền văn minh và người phương Tây mà giới nho sĩ thường gọi là bạch qủi.

Rủi cho Văn thân, vua Tự Đức đã không đủ sáng suốt để chấp nhận một cuộc giao hão bình thường với các nước phương Tây, cách riêng với nước Pháp. Việc tối trọng của quốc gia, cần sự lắng nghe và quyết định đúng đắn của nhà vua, thế mà chí ít là ba lần, Tự Đức và các đại thần cứ để mất hẳn rồi mới tìm cách chuộc lại. Trong biến cố Cần vương cũng vậy, chỉ mong thu lại giang sơn bờ cõi, một khi giang sơn đã mất hẳn vào tay kẻ thù!

Tìm lý do của những thất bại nầy, người ta thấy vua Tự Đức khi đóng vai Văn thân thường chỉ đưa ra những quyết định sai lầm, phi chính trị. Bởi vậy không thể không nói đôi điều về vuaTự Đức với phong trào Văn thân.

4. Vua Tự Đức là lãnh tụ của phong trào Văn thân

Do nhiều mặc cảm chi phối, vua Tự Đức đã có những hành động nửa vời, không dứt khoát nên việc triều chính thường lâm vào cảnh dở dang.

Trước hết, Tự Đức là một người đàn ông không bình thường. Theo các tài liệu để lại thì tháng 11 năm 1847, Hồng Nhậm, có tên húy là Thì, lúc đó đã 19 tuổi, lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Tự Đức. Nhà vua có thân hình gầy yếu, dáng vóc con gái, có giọng nói nhỏ. Dù đã có vợ từ năm lên 15 tuổi, về sau lấy thêm 103 bà khác nữa, mà đến năm 35 tuổi nhà vua vẫn không có con. Để mong có con nối dõi, nhà vua đã hạ cố lấy một người đàn bà đã có một đời chồng và đã có con. Nhưng ở với Tự Đức, người đàn bà ấy cũng chẳng sinh cho nhà vua đứa con nào cả. Biết rằng vô hậu là một cái tội làm buồn lòng hoàng thái hậu nhất, nên vua Tự Đức đã ở với mẹ rất đặc biệt và được tiếng là người con chí hiếu 9.

Về tư cách đế vương, Tự Đức lên ngôi trong tư thế lo sợ. Hồng Bảo sinh ngày 14-6-1829 là anh cùng cha khác mẹ, lớn hơn Hồng Nhậm 3 tháng tuổi. Theo truyền thống thế tập, đáng ra Hồng Bảo được quyền kế vị. Nhưng Hồng Nhậm được tiếng thông minh, hiếu thảo hơn, do đó được lòng vua Thiệu Trị nhiều hơn. Vì uất ức không được nối ngôi, trong lễ đăng quang tân vương, Hồng Bảo ngất xỉu nhiều lần, và Hồng Bảo thực sự đã có mưu đồ muốn cướp lại ngôi báu. Lúc bấy giờ giám mục Pellerin có mặt ớ Huế, Hồng Bảo có cho người đến vận động sự hậu thuẫn của Công giáo, nhưng giám mục Pellerin đã trả lời rõ ràng: ‘’ Người Công giáo không lật đổ vua chúa, ở đâu họ cũng muốn là những kẻ trung thành với nhà vua. Hồng Bảo sẽ biết đến lòng trung thành của họ nếu ngày kia ông được lên ngôi trị vì’’10. Riêng Tự Đức thì ngờ là có sự ngầm giúp của các thừa sai ngoại quốc và giáo dân Công giáo, nên giận cá chém thớt, đầu năm 1848, nhà vua ra chỉ dụ cấm đạo. Đến việc Hồng Bảo có ý trốn sang Tân gia ba bị bại lộ, vua Tự Đức ra chỉ dụ cấm đạo năm 1851. Khi Hồng Bảo bị bắt nhốt ngục rồi tự tử, Tự Đức có dụ cấm đạo năm 1855 nhằm làm lu mờ cái tội mà Giải nguyên Nguyễn Hàm Ninh (1808-1867) người Quảng Trạch, đặt tên là răng cắn lưỡi ( em giết anh).

Dụ cấm đạo năm 1857 nói là do việc giám mục Pellerin về Pháp, yêu cầu vua Napoleon lll đem quân qua cứu các thừa sai và giáo dân khỏi cơn bách hại. Tiếp theo là những biến cố dồn dập, năm 1858 mất Đà Nẵng, năm 1859 mất Sàigòn. Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng như vậy, Tự Đức không lo việc đánh Pháp, nhưng ra lệnh phân tháp người Công giáo.

Lệnh phân tháp ra đời ngày 17 tháng 1 năm 1860, có 5 điều như sau:

Tất cả mọi tín hữu Công giáo nam nữ, giàu nghèo, già trẻ đều phải phân tán trong các làng lương.

Mỗi làng lương phải chịu trách nhiệm nhận quản thúc những người Công giáo, theo tỷ lệ một người Công giáo cho năm người lương.

Tất cả các làng Công giáo phải bị triệt hạ, ruộng vườn nhà cửa được chia cho các làng lân cận và các làng nầy phải chịu trách nhiệm đóng thuế.

Đàn ông và đàn bà bị phân tán, chồng trong tỉnh nầy thì vợ trong tỉnh kia, không cho đoàn tụ, con cái được giao cho người lương nuôi.

Trước khi đem đi phân tháp, tất cả đều phải thích vào mặt : bên má trái hai chữ tả đạo, và bên má mặt là tên tổng và huyện nơi họ được chỉ định cư trú để khỏi trốn thoát.

Sách Đại Nam Chính Biên đệ tứ kỷ có chép một lệnh bổ túc: ‘’Năm Tân dậu (1861), Tự Đức 14 tháng 6...Sức lại cho các địa phương phải phân tháp dữu dân cho nghiêm ngặt. Trước đây việc phân tháp dữu dân có nhiều sót lọt. Nay các địa phương phủ huyện, phải thi hành nghiêm chỉnh, phàm tất cả dữu dân nam phụ lão ấu, bất kể đã xuất giáo hay chưa xuất giáo, đều thích vào mặt đem phân tháp vào vào các xã thôn không theo đạo, kiểm thúc chặt chẽ. Còn những tên đầu mục kiệt hiệt thì vẫn nghiêm giam như cũ. Nếu Tây đến thì đem bọn nầy ra giết hết. Nếu nơi nào còn chấp chứa kẻ gian để đến nỗi xảy ra chuyện thì cứ theo quân pháp trị tội.

Thật ra 12 năm trước, lệnh phân tháp đã được đem ra áp dụng, mà nạn nhân đầu tiên là linh mục chánh xứ Đan Sa, giáo hạt Bình chính thuộc giáo Phận Tây Đàng Ngoài, nay là giáo phận Vinh. Linh mục Phaolồ Cát, chánh quán làng Đông Kiên, xứ An Đại, trước làm chánh xứ Phi Lộc, sau đổi vào Đan Sa, bị bắt ngày 28-12-1848, bị thích vào má bốn chữ Tả đạo và Gia Định, bị đày vào Gia Định, rồi sau đem về Bình Thuận xử trảm quyết vào tháng 11 năm 1858 11.

Nhân khoa thi năm Giáp tí, Tự Đức thứ 17 (1864) tổ chức tại Huế, trường Thừa Thiên thi chung với trường Bình Định, số sĩ tử lên tới 4,000 người 12 phong trào Văn thân đã tung tin là Giám mục Joseph Hyacinthe Sohier(1818-1876) có tên Việt Nam là Bình, không đi Pháp mà lên núi huấn luyện người Công giáo sử dụng vũ khí tối tân để đánh chiếm kinh thành Huế. Đại diện Văn thân thảo tờ sớ trình vua Tự Đức biện pháp đối phó là giết sạch bọn Công giáo và các thừa sai đang có mặt tại Việt Nam. Họ yêu cầu nhà vua võ trang đầy đủ khí giới để họ tiến hành cuộc khởi nghĩa. Nếu yêu sách của họ không được thỏa mãn, họ sẽ bãi thi. Theo họ, lúc nầy không còn là lúc ngâm thơ vịnh phú gì nữa!

Đọc tờ sớ, vua Tự Đức hoảng hốt. Một mặt cách chức các cận thần trong triều vì đã không báo cáo kịp thời âm mưu của người Công giáo, một mặt ra lệnh Trấn thủ các tỉnh gấp rút đi lục soát các làng Công giáo trên toàn quốc, bắt hết bọn kiệt hiệt trong làng và tịch thu mọi vũ khí của họ. Nhưng khi biết rằng đây chỉ là một sự vu khống có chủ mưu của Văn thân, vì Giám mục Bình cùng với hai thầy người Việt có tên là Tuyên và Thơ đã lên tàu đi Pháp ngày 10-8-1864 13, đồng thời không nơi nào các Trấn thủ đã tìm ra vũ khí do người Công giáo tích trữ. Vua Tự Đức ra lệnh bắt và trị tội các lãnh tụ Văn thân trong âm mưu bạo loạn nầy và năm 1865 ra chỉ dụ khoan hồng đối với người Công giáo. Nội dung chỉ dụ có đoạn viết:’’Vì báo cáo sai lầm và đầy mâu thuẫn, tình thế lại bấp bênh, Trẫm không biết đâu là sự thật, không biết phải nghe ai, nên Trẫm và các quan đại thần đã dùng những biện pháp nghiêm ngặt...’’14.

Vua Tự Đức bản chất là một Văn thân, nên bao giờ cũng đứng về phía Văn thân trước, trong tất cả mọi biến cố chính trị, ít ra là từ năm 1848 đến năm 1874. Trường hợp nhà vua có thay đổi thái độ, thì cũng chỉ là sự ứng phó tạm thời đối với tình thế.

Việc vua Tự Đức không có tính dứt khoát và thiếu cương nghị trong các quyết định quan trọng còn thấy rõ trong di chiếu truyền ngôi. Đây là lời nhà vua ghi lại trong di chúc: ’’Trẫm nuôi sẵn ba con [Ưng Chân, Ưng Kỷ, Ưng Đường], Ưng Chân cố nhiên là học lâu trưởng thành, chính danh đã lâu, nhưng mắt hơi có tật, giấu kín không rõ ràng, sợ sau không sáng, tính lại hiếu dâm, cũng rất là không tốt, chưa chắc đương nổi việc lớn. Nhưng nước cần có vua nhiều tuổi, đương lúc khó khăn nầy không dùng hắn thì dùng ai? Sau khi Trẫm muôn tuổi, nên cho Quốc công Ưng Chân nối nghiệp...15. Chính sự mập mờ không có tính dứt khoát trong di chiếu của vua Tự Đức đã làm cớ cho các phụ chính đại thần thao túng quyền bính, nên mới xảy ra biến cố bốn tháng ba vua và di lụy Cần vương trong lịch sử.

Những chiến sĩ Cần vương cô đơn

Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan trong Nhật Ký 1988 có nêu lên mấy câu hỏi như sau :

- ‘’Vua quan nhà Nho và sĩ phu triều Nguyễn làm mất nước hay người theo tà đạo Hoa Lang đã làm mất nước?

-‘’ Chịu tội với đất nước mà tử tiết như Phan Thanh Giản (1867), Nguyễn Tri Phương (1873), Hoàng Diệu (1882)...đáng tôn kính hơn (ít nữa tương đối mà xét) hay đổ tội cho một con dê tế thần, giận cá chém thớt, tạo nên hàng trăm nấm mồ tập thể?

- ‘’Văn thân miền Trung và miền Bắc Bình Tây Sát Tả, nhưng phải chăng Sát Tả là đạt (!!) còn Bình Tây thì đã không làm phiền cho Tây bằng cả mấy ông đồng minh của họ là... giặc Cờ Đen!

- ‘’Có phải chính vì chủ trương Bình Tây thôi mà ở miền Nam phong trào kháng Pháp từ Trương Công Định đã có tính quần chúng cực kỳ sâu sắc, có thực chất hơn, có độ chắc, độ bền hơn, đáng Pháp nể hơn?

- ‘’Tôn Thất Thuyết, tác gỉa của hịch Cần vương (1885), ông là ai? Ai đã từng đuổi Phan Đình Phùng về vườn? Ông cõng vua Hàm Nghi đi rồi bỏ vua Hàm Nghi ở mô rồi? Bản thân ông tại sao lại đi lạc về Tàu mà kết thúc cuộc đời ở đó? Tìm về nguồn chăng?’’16.

Do những câu hỏi gợi ý trên đây, chúng tôi muốn nói đến những công dân tiến bộ sống đồng thời với các phong trào Văn thân rồi Cần vương. Khi gọi họ là những chiến sĩ Cần vương cô đơn, chúng tôi nhấn mạnh đến con người và thái độ công dân phò vua giúp nước của họ, hơn là địa vị, bổng lộc theo tư cách một quan lại hay một nho sĩ thành danh.

Trước hết, họ là người đã lấy cái chết để bảo vệ đức tin, vì họ là một tín hữu, đồng thời qua cái chết, họ cũng muốn bày tỏ lòng trung hiếu đối với nhà vua, vì họ là một công dân gương mẫu. Chẳng hạn, một lý trưởng tên là Hòa ở tỉnh Vĩnh Long, tin theo đạo Thiên Chúa, bị bắt và bị tra tấn. Khi đem ông ra pháp trương để trảm quyết, quan án tỉnh hỏi ông:’’Mày là một thằng dân của vua, miệng mày nhai gạo của vua, sao mày dám nói có thiên đàng hỏa ngục, có Thiên Chúa ?

‘’Đạo Công giáo dạy phải vâng phục Hoàng đế, chúng tôi sẵn sàng vâng phục Hoàng đế trong phạm vi một người dân như nộp thuế, nhập ngũ; đạo dạy không được vi phạm luật phép nhà nước. Nhưng luật cấm theo đạo Công giáo là một luật chúng tôi không thể nào theo được. Vì tuân theo luật nầy, chúng tôi sẽ phạm đến Thiên Chúa và phạm đến các đấng Tiền nhân tổ tiên của chúng tôi, đã nuôi nấng dạy dỗ chúng tôi trong đường đạo đức của Chúa. Sau Thiên Chúa và Vua, chúng tôi còn phải kính mến và vâng phục Tiền nhân, cha mẹ chúng tôi nữa’’. Lý trưởng Hòa bị xử trảm tại Vĩnh Long năm 185917.

Phan Văn Trung là một sĩ quan trong nhóm quân sĩ được gởi vào mặt trận Đà Nẵng để chận đường Pháp tiến quân ra kinh đô Huế, sau khi đã vô cớ đánh chiếm Đà Nẵng năm 1858. Trước khi lên đường vào Đà Nẵng, tất cả quân sĩ được lệnh phải bước qua thập tự gía để biết chắc là không có ai đã theo đạo Thiên Chúa. Đến lượt Phan Văn Trung, ông nhất định không chịu bước qua. Thấy vậy, viên quan phụ trách cuộc kiểm tra quát lớn:‘’Thằng kia, có phải mầy là Công giáo không?

- Phải, tôi là người Công giáo. Tôi sẵn sàng đi đánh quân địch để bảo vệ đất nước, nhưng tôi không bao giờ chịu bỏ đạo của tôi. Phan Văn Trung liền bị tống giam, ba lần bị nọc ra đánh, mỗi lần 50 roi nhưng ông vẫn không bước qua thập tự gía để chối đạo. Chỉ vì theo đạo mà Phan Văn Trung bị xử trảm quyết. Án lệnh được thi hành tại chợ An Hòa, gần kinh thành Huế ngày 16-10-1858 18.

Đó cũng là trường hợp quan Thái bộc tự khanh Hồ Đình Hy bị vua Tự Đức cho dẫn đi khắp các chợ và các nơi công cọng trong kinh thành Huế. Tại mỗi ngả ba đàng, Hồ Đình Hy bị nọc ra đánh 30 trượng vì tội theo đạo Thiên Chúa. Theo lệnh của Tự Đức ‘’làm như thế bọn Công giáo sẽ lấy làm tủi nhục mà cải dữ về lành...và sau khi đã dẫn nó đi ba ngày xung quanh thành xong thì chém đầu nó đi’’. Trên đường ra pháp trường phía bắc kinh thành, Hồ Đình Hy xin được chém tại cầu An Hòa, là chỗ thấy có nhiều bà con, bạn hữu đang theo ông ra pháp trường. Hôm đó là ngày 25-5-1857 19.

Trên đây chỉ là những công dân điển hình. Họ đã sống và chết cho một lý tưởng xét ra không có gì làm phương hại đến sự hưng vong của tổ quốc. Nhưng cần thiết phải nói đến một lớp sĩ phu khác không tin vào Nho học nữa, nên đã đơn phương tìm hiểu văn minh phương Tây qua các sách báo truyền bá kỹ thuật, khoa học tân tiến để học hỏi, mong góp phần canh tân đất nước đến chỗ cường thịnh.

Ở Việt Nam, nhóm sĩ phu tiến bộ nầy không nhiều, nhưng đóng góp của họ rất có giá trị. Họ chịu ảnh hưởng văn minh Âu châu vì đã có dịp đi ra ngoài, như trường hợp Phan Thanh Giản (1796-1867), Nguyễn Trường Tộ (1830-1871), Bùi Viện (18?? -1878), Trương Vĩnh Ký (1837-1898)...; hoặc có cơ hội được đào tạo trong nền giáo dục Âu châu, như các linh mục Đặng Đức Tuấn (1806-1874), Nguyễn Hoằng(1835-1901), Nguyễn Ngọc Tuyên (1829-1885) Nguyễn Hữu Thơ (cả hai là người Quảng Bình), Đoạn Trinh Hoan (1829-1885), Trần Ngọc Vịnh (1838-1885), Lê Văn Huấn (1840-1885)...; hoặc do đọc được các điều trần, các sách báo Trung Hoa, Nhật Bản mà thức tỉnh như trường hợp Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895), Đinh Văn Điền...Và trường hợp linh mục Trần Lục (1825-1899) là một cống hiến đặc biệt cho triều đình Tự Đức suốt thời gian có phong trào Văn thân và Cần vương.

Trải qua ba triều đại Minh Mạng, Thiệu Trị. Tự Đức, lớp sĩ phu tiến bộ nầy không ngừng dùng tâm tư, trí óc và lòng yêu nước cho đại cuộc, với hy vọng sự đóng góp của mình được lắng nghe. Nhưng cuối cùng, nói như quan Tổng Đốc Phan Thanh Giản:

Từ ngày đi sứ tới Tây kinh,

Thấy việc Âu châu phải giật mình.

Kêu tỉnh đồng bào mau kịp bước,

Hết lời năm nỉ chẳng ai tin !

Rõ ràng, họ là những chiến sĩ Cần vương cô đơn. Khi sống đã bị nghi ngờ, hất hủi, đến khi chết để mong báo đền ơn vua nợ nước cũng bị lên án, bị lột hết chức tước, bị xóa tên khỏi bia tiến sĩ 20, chỉ vì vua và đám triều thần chỉ biết bảo vệ một nền Nho học lỗi thời.

Nếu muốn vinh thân phì gia, những sĩ phu nầy cũng có thể là những Nguyễn Thân, Trần Bá Lộc, Hoàng Cao Khải 21 của thời Cần vương, làm tay sai cho giặc, quay lưng phản bội dân tộc bằng những hành động bỉ ổi và tàn ác để mua lợi lộc cá nhân. Tuyệt nhiên họ là những nhà yêu nước chân chính mà vẫn bị bạc đãi, bị tù đày, có người còn bị thảm sát dưới lưỡi gươm của Văn thân.

Tạm kết thúc, xin mượn lời một nhà tư tưởng Mác-xít nhận xét về tấm lòng của Nguyễn Trường Tộ qua 57 di thảo [quen gọi là các bản điều trần] như sau:’’Nếu Nguyễn Trường Tộ là một người lương, các điều trần của ông vẫn đặc biệt như Nguyễn Lộ Trạch, nhưng Nguyễn Trường Tộ là một tín đồ đạo Thiên Chúa, các điều trần của ông càng tôn vinh ông. Tôi không đi vào khía cạnh đổi mới tư duy mà ông kiên trì, tôi chỉ muốn nhấn mạnh những kiến nghị vì lợi ích của đất nước, mà với tư cách một tín đồ đạo Thiên Chúa đang bị triều đình ngược đãi, dân chúng nghi kỵ, ông không ngần ngại trình bày, hy vọng nhà vua đảo ngược thế cờ, chuyển nguy thành an, chuyển yếu thành mạnh, chuyển lạc hậu thành tiên tiến cho cả quốc gia, bấy giờ, đứng trước khả năng sụp đổ không phải khó thấy’’ 22.

Không có gì nguy hiểm đối với vị tướng cầm quân ngoài mặt trận, cho bằng việc coi khinh một nhóm quân sĩ dưới tay của mình. Không có gì bất công và gây chia rẽ hơn, bằng việc một nhà cai trị cố tình xử sự với dân có phần bên trọng bên khinh. Nếu vua Tự Đức không ra chỉ dụ phân tháp năm 1860, thì chắc chắn không có hịch Bình Tây Sát Tả của nhóm Văn thân qúa khích ở Nghệ An năm 1874. Cái di lụy trầm trọng sau khi Tự Đức nằm xuống, 19-7-1883, là quyền bính chính trị cung đình đã bị Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường, là hai phụ chính đại thần không mấy anh tài trên chính trường và ngoài mặt trận, nhưng lại biết thao túng và độc đoán. Sau Tự Đức, họ là những người phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về biến cố tứ nguyệt tam vương và cả hệ lụy Cần vương năm 1888.

Nghiêm Dức Thảo & Hoàng Dình Hiếu

Chú thích:

Phan Canh-Đào Đức Chương, Thi ca Việt Nam thời Cần vương 1885-1900, Nhà xb Văn Học, 1997, tt 13 và 264.

Phạm Văn Sơn, Việt Nam Cách Mạng cận sử, Sàigòn, 1963, tt 45 và 46: Bắc Kỳ quân thứ, vì trích lục việc như sau: ’’Trước đã phụng Dụ trong lược kế quốc gia, thần người phẩn uất, phàm ai có lòng căm thù giặc nước, là quan quân hay sĩ thứ, đều phải đến thành Cam Lộ hộ giá, hoặc khởi nghĩa tại địa phương để tiêu diệt giặc nước, tôn phù quốc tộ cứ việc tùy tâm, tùy sức mà làm. Triều đình sẽ có thành điển để định công ban thưởng. Nay gấp trích các lời trong Dụ để mọi người biết mà hưởng ứng ngay. Hàm Nghi nguyên niên tháng 7 ngày 15 [25-8-1885]. Cao Bằng hạ tỉnh phụng sao’’.

Ở Huế, trước thời Cần vương dân gian có truyền nhau một câu thơ không rõ ai là tác gỉa : Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết, Tứ Nguyệt tam vương triệu bất tường, nghĩa là Một sông hai nước làm sao nói, Bốn tháng ba vua ứng chẳng lành. Đặc sắc của hai câu thơ là đem tên hai vị phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường làm đối ngữ ở cuối mỗi câu. Trong thực tế chính trị ở Huế lúc bấy giờ, sau khi vua Tự Đức mất ngày 19-7-1883, Ưng Chân lên ngôi niên hiệu là Dục Đức mới được ba ngày thì bị Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường bức tử. Vua kế là Ưng Kỷ con thứ 29 cũng là con út của vua Thiệu Trị. Dù không muốn, Ưng Kỷ vẫn bị hai phụ chính ép buộc phải lên ngôi, lấy niên hiệu là Hiệp Hòa. Lúc đó là ngày 27 tháng 6 năm Qúi Múi, nhằm ngày 30-7-1883. Vua Hiệp Hòa làm vua được 4 tháng thì bị Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, họp triều đình nghị án, buộc phải chọn một trong tam ban triều điển (thanh gươm, dải lụa và chén thuốc độc) để tự tìm lấy cái chết, vì Tường và Thuyết nói vua không chịu nghe lời khuyến cáo của các quan phụ chính. Cái án tử khép cho vua Hiệp Hòa còn kéo thêm quan phụ chính Trần Tiễn Thành cũng bị Tường và Thuyết cho người tới tận nhà giết chết. Đó là một ngày mùa đông, 29-11-1883. Tiếp theo, Ưng Đăng mới 14 tuổi lên ngôi ngày 1-12-1883, lấy niên hiệu là Kiến Phúc. Số phận ông vua 14 tuổi nầy kết thúc do Nguyễn Văn Tường đầu độc chết khi làm vua được 8 tháng, lúc đó mới 15 tuổi.

Phan Canh-Đào Đức Chương, Sdd, tr 65 : Việc quân vâng mệnh trải mười đông, Chiến sự nay còn tính chửa xong, Phan đình Phùng, Làm trong khi sắp mất, Lê Thước dịch

Trương Bá Cần, Lịch sử Giáo phận Vinh, Tp HCM, 1998, tr 109.

Chu Thiên, Thơ Văn yêu nước nửa sau tk 19, Văn Học, Hà Nội, 1970, tr 494. Lê Doãn Nhạ làm sơn phòng sứ Nghệ An, khởi binh hưởng ứng hịch Cần vương ở Đồn Vàng thuộc huyện An Sơn, đem quân về tấn công làng Dừa ở gần sông Cả, huyện An Sơn, phía nam tỉnh Nghệ An, đốt nhà thờ (nhà chung), giết người Công giáo không kể gìa trẻ, nam nữ.

Theo Lê Hữu Mục, Cụ Sáu đối diện với Văn thân, trong Kỷ yếu Trần Lục, 1996, không đề nhà Xb, tr 337.

Phan Canh-Đào Đức Chương, Sdd, tr 75.

Quỳnh Cư-Đỗ Đức Hùng, Các triều đại Việt Nam, Nhà Xb Thanh Niên, Hà Nội, 1995, tr 326.

Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử, qI, in lần thứ hai, Cứu Thế Tùng thư, Sàigòn, 1965, tr 405.

Trương Bá Cần, Sđd, tt 69 và 73. Từ lệnh phân tháp, vua Tự Đức đã chia dân làm hai hạng : một bên là lương dân, nghĩa là dân hiền lành, lương thiện, một bên là đữu dân, nghĩa là dân hoang, như loại cỏ dữu làm hại ruộng lúa, phá hại mùa màng. Phân tháp dữu dân là đem tất cả người theo đạo Thiên Chúa, Văn thân gọi tả đạo, vào các làng lương, phân ly vợ chồng mỗi người một địa phương xa cách nhau. Con cái lớn nhỏ của họ thì giao cho các làng lương cầm giữ. Không thấy chỉ dụ nói đến các trẻ thơ xấu số ấy được nuôi sống như thế nào !

Cao Xuân Dục, Quốc Triều Hương Khoa Lục, Nhà Xb Tp HCM, 1993, tr 360.

Lê Ngọc Bích, Nhân Vật Giáo Phận Huế, Tập ll, Kỷ niệm 150 năm thành lập Giáo Phận Huế, 1850-2000, lưu hành nội bộ, tr 204.

Phan Phát Huồn, Sđd, tr 51.

Quỳnh Cư-Đỗ Đức Hùng, Sđd, tr 326.

Nguyễn Ngọc Lan, Nhật ký 1988, Tin Paris, 1993, Nói chuyện tử đạo với Ông Nguyễn Khắc Viện, tr 268.

17,18,19, Phan Phát Huồn, Sđd, tt 422, 427, 473.

20. Trịnh Vân Thanh, Thành Ngữ-Điển Tích-Danh Nhân Từ Điển, q ll, Nhà Xb Hồn Thiêng, Sàigòn 1967, tr 996.

Theo Phan Canh-Đào Đức Chương, Sđd, tt 58, 206, 240 : Phan Đình Phùng qua đời vì bệnh kiết lỵ tại núi Quạt, thuộc vùng rừng núi Vụ Quang, Hương Khê, Hà Tĩnh ngày 28-12-1895. Sau đó nghĩa quân tự phân tán, hoặc ra đầu hàng vào đầu năm 1896. Trước đó, khoảng giữa năm 1895, Nguyễn Thân với chức Khâm sai, kéo đại binh ra tiểu trừ chiến khu của Phan Đình Phùng. Khi biết lãnh tụ Phan Đình Phùng đã qua đời, Nguyễn Thân chụp cơ hội, cho thêu bốn chữ Tặc Phùng bố tử nghĩa là tên giặc Phùng sợ qúa mà chết, trên lá cờ đỏ rồi cho người vác chạy ngày đêm về kinh đô báo tin, đồng thời thẳng tay chém giết đám nghĩa quân đã ra đầu thú. Nguyễn Thân cho đào mả Phan Đình Phùng, đem xác về tổng Việt Yên, quê quán của ông Phan, đổ dầu đốt thành tro và bắt dân trong vùng tập trung về để chứng kiến. Sau đó Nguyễn Thân sai lấy tro cốt nhồi với thuốc súng, nạp vào thần công rồi bắn xuống sông La giang để mừng chiến thắng.

Nguyễn Thân đã từng dự vào việc bí mật của nghiã hội Cần vương do Nguyễn Duy Hiệu (1847-1887) ở Quảng Nam, Lê Trung Đình (1863-1885) ở Quảng Ngãi...nhưng lại trở mặt làm phản, tiêu diệt phong trào Cần vương bằng cách uy hiếp tinh thần các nhà yêu nước Nguyễn Duy Hiệu, Mai Xuân Thưởng (1860-1887) bắt các thân quyến của họ làm con tin. Nếu họ không đầu hàng thì Nguyễn Thân, treo cha mẹ họ lên cây, tra khảo vợ họ, nhét con nhỏ của họ vào cối để quết như quết thịt làm nem. Bài Vè khâm sai cũng gọi là Vè Sai Đạo [Đạo quân Khâm sai, 88 câu] là một lời lên án Nguyễn Thân của dân chúng ở Quảng Ngãi, Quảng Nam đến nay nhiều người còn thuộc lòng:

Lẳng lặng mà nghe, Tôi nói cái vè,

Cái vè Sai đạo...

Lũ quân đi lấy, các tướng về chia

Thôi đã tràn đìa, cái chi cũng xách

Cái quần đã rách, cái áo đã tơ

Cũng giành cũng quơ, huống chi cái khá

Kẻ thì đào mả, thằng lại phá nhà

Những chó những gà, những heo những vịt

Bắt mà làm thịt, lại bán lấy tiền,

Đem về Thừa Thiên, Nghĩa Bình, Quảng trị

Thậm vi khả bỉ, Quân lệnh Khâm sai...

Riêng Nguyễn Bá Huân (1848-1899) là một chiến sĩ Cần vương ở Bình Định, đã có bài thơ Vịnh Nguyễn Thân

Mại quốc cầu vinh giá Đào Văn dịch thơ: Phường cầu vinh bán nước

Thiên thu di xú danh Nghìn năm rõ nhuốc nhơ

Nguyễn Thân bản cẩu loại Nguyễn Thân vốn loài chó

Dữ Tần Cối song hành. Sánh Tần Cối cùng bè.

Trường hợp Hoàng Cao Khải, Nguyễn Hữu Độ, Lê Hoan, Trần Bá Lộc...cùng hưởng miếng đỉnh chung với Nguyễn Thân, nên đã bị dân chúng lên án qua ca vè, thơ văn, câu đối ở địa phương bản quán các đương sự và khắp nơi trên đất nước. Chẳng hạn năm 1919, một ông đồ xứ Nghệ mừng thất tuần thượng thọ Hoàng cao Khải câu đối:

Ông ra Bắc bấy lâu quyền Kinh lược, tước Quận công, bốn bể không nhà mà nhất nhỉ?

Cụ về Tây cũng tiếc, trong triều đình, ngoài thôn dã, một lòng vì nước có hai đâu!

Riêng ở miền Nam, có câu ca dao :

Trời Nam đương hội mở mang,

Bỗng nhiên mắc lũ gian loàn Tây dương,

Chó săn có lũ thằng Tường,

Thằng Lộc, thằng Tấn, thằng Phương một đoàn.

[Tôn Thọ Tường, Trần Bá Lộc, Hoàng Công Tấn, Đỗ Hữu Phương là những người miền Nam, bị dân chúng xếp vào hạng làm tay sai cho thực dân Pháp. Hai người con trai của Hoàng Cao Khải là Hoàng Mạnh Trí và Hoàng Trọng Phu đều làm tổng đốc, người con trai thứ ba là là Hoàng Gia Mô làm tri huyện. Hoàng Trọng Phu là rể của Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương. Tổng đốc Phương khét tiếng đàn áp dân chúng ở miền Nam. Hoàng Công Tấn là lãnh binh trước theo nghĩa quân chống Pháp, sau ra đầu thú, đã bắn chết Trương Công Định và bây bắt Nguyễn Trung Trực là những anh hùng chống Pháp ở miền Nam].

22. Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ, Con Người và Di Thảo, Nhà Xb Tp HCM, 1988, Trích Lời Tựa của Trần Bạch Đằng, tr 8.

Nguồn: www.dunglac.net