Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết: “Chúng tôi đang làm việc để mở quan hệ ngoại giao" với Vatican

VATICAN CITY 9/12/09.- Theo tin của thông tấn xã AP, Chủ Tịch Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghiã Việt Nam là ông Nguyễn Minh Triết đã dành cho nhật báo Corriere della Sera phát hành ở Milan, Ý một cuộc phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn đã được thực hiện tại Hà Nội vào ngày thứ Ba, một ngày trước khi Chủ Tịch Triết lên đường sang Ý

Tuyên bố với nhật báo Corriere della Sera, Ông Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết nói Việt Nam muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican. Ông nói nguyên văn như sau: “Chúng tôi đang làm việc để khai mở quan hệ với Vatican” "We are working to open diplomatic relations with the Vatican”)

Được biết trong chuyến công du Ý, Chủ Tịch Triết sẽ có cuộc hội kiến với ĐGH Bênêđictô XVI tại Vatican vào ngày 11/12/2009.

Vào đầu năm nay, ĐGH bày tỏ muốn có quan hệ “lành mạnh “ giữa nhà nước Việt Nam và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bản tin phát đi tuần này, đài phát thanh Vatican nói chính quyền Việt Nam vẫn đòi hỏi các bộ nhiệm vào các chức vụ của Giáo Hội VN phải có sự chấp thuận của chính quyền trước. Đaì phát thanh Vatican cũng nói thêm trong những năm gần đây mối liên hệ giữa chính quyền và Giáo Hội Công Giáo đã trở nên nồng ấm hơn, các hoạt động của các cộng đồng Công Giáo cũng bớt bị hạn chế hơn.

Trả lời câu hỏi về niềm tin tôn giáo, Chủ Tịch nguyễn Minh Triết cho tờ Corriere della Sera biết ông là người vô thần nhưng ông có đi nhà thờ và chùa mà theo nguyên văn lời ông lý do là vì: “Tôi nhận thấy giá trị văn hóa trong các buổi lễ tôn giáo” ( I recognize the cultural value" of religious feasts)

Cộng Đồng Công Giáo tại Việt Nam đang hy vọng cuộc gặp gỡ giữa Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết và ĐGH Bênêđictô XVI sẽ đưa đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời là dịp để ĐGH có thể viếng thăm Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số công giáo đông vào hàng thứ hai tại châu Á, chỉ sau Phi Luật Tân.

Tưởng cũng nên nói thêm, giữa chính quyền Việt Nam và Giáo Hội Việt Nam vẫn có những xung đột về quyền sở hữu tài sản mà nhiều khi chính quyền đã dùng bạo lực để trấn áp giáo dân.