Xin cho tôi trái tim đó

BÀI CHIA SẺ TRONG THÁNH LỄ THỨ NĂM 17.9.2009
TUẦN THƯỜNG HUẤN CÁC LINH MỤC GIÁO PHẬN QUI NHƠN


(1Tm 4, 12-16; Lc 7, 36-50)

Trọng kính….., kính thưa…..

Trong những ngày nầy, và đặc biệt, trong năm nay, Năm Linh Mục, anh em linh mục chúng ta sẽ được dịp nghe, thấy, biết nhiều hơn về huyền nhiệm linh mục, về căn tính và những qui tắc hướng dẫn đời sống linh mục mà điểm qui chiếu chính là cha sở thánh Gioan Maria Vianney. Nội dung nầy đã được nêu bật trong Tông Thư của Đức Thánh Cha Bênêđictô nhân dịp Năm Linh Mục mà linh mục G. Trần Đức Anh đã tóm tắt như sau:

Trong thư, ĐTC cho biết Năm Linh Mục được ngài ấn định, cho tới ngày 19-6-2010, là để cổ võ quyết tâm đổi mới nội tâm của tất cả các Linh Mục, để các vị làm chứng tá Tin Mừng một cách quyết liệt và mạnh mẽ hơn trong thế giới ngày nay. Ngài đề nghị với các Linh Mục một hành trình cụ thể và đơn sơ theo gương Thánh Cha Sở họ Ars.

ĐTC đề cao hồng ân vô biên là các chính các Linh Mục, đây là hồng ân không những đối với Giáo Hội nhưng còn cho toàn thể nhân loại. Ngài nhắc đến những vất vả vì công việc tông đồ, việc phục vụ âm thầm và không biết mỏi mệt cũng như lòng bác ái của bao nhiêu linh mục, tận tụy phụng sự Chúa và tha nhân giữa những khó khăn và nhiều khi không được thông cảm, đôi khi còn phải chịu những bách hại đến độ lấy máu đào làm chứng tá tột đỉnh. ĐTC đau lòng nhắc đến những tình trạng đáng trách trong đó chính Giáo Hội chịu đau khổ vì sự bất trung của một số Linh Mục, và thế gian lấy đó làm gương mù và phủ nhận.

Tiếp tục lá thư, ĐTC lần lượt nêu bật những yếu tố đã biến Cha sở họ Ars thành một mục tử theo con tim của Chúa: trước tiên thánh nhân là một người rất khiêm tốn, đồng thời ý thức rằng trong tư cách là Linh Mục, mình là một trong những hồng ân quí giá nhất của lòng từ bi Chúa đối với các tín hữu.. Thánh nhân nói: “Nếu chúng ta hiểu rõ Linh Mục trên mặt đất là gì, chúng ta sẽ chết không phải vì kinh hãi, nhưng vì tình yêu”.. ”Điều đầu tiên mà chúng ta phải học nơi thánh cha sở họ Ars là sự hoàn toàn đồng hóa với sứ vụ của ngài”.

ĐTC nhắc đến sự kiện thánh Vianney chăm chỉ viếng thăm các bệnh nhân và các gia đình, tổ chức các dịp đại phúc cho dân chúng và các lễ bổn mạng; quyên góp tiền bạc cho các công việc bác ái và truyền giáo, làm đẹp nhà thờ, chăm sóc các trẻ mồ côi, giáo dục các trẻ em, thành lập các hội đoàn.. Tấm gương của thánh nhân đưa tôi đến chỗ nêu bật sự cộng tác cần phải có giữa các Linh Mục và giáo dân.

Thư của ĐTC cũng đề cao gương của thánh Vianney chăm chỉ cầu nguyện trước nhà tạm Mình Thánh Chúa, cử hành thánh lễ sốt sắng và giải tội. Thánh nhân xác tín rằng toàn thể đời sống nhiệt thành của một Linh Mục tùy thuộc thánh lễ.. và lý do khiến Linh Mục nguội lạnh là vì Linh Mục không để ý tới thánh lễ! Thánh nhân đã thốt lên: “Lạy Chúa tôi, thật là đáng than trách dường nào một Linh Mục cử hành thánh lễ như một chuyện tầm thường!”.

ĐTC đặc biệt khuyên các Linh Mục theo gương thánh Vianney tín thác mạnh mẽ nơi bí tích thống hối và đặt bí tích này ở trung tâm các quan tâm mục vụ của mình. Thánh Vianney nhiều khi giải tội tới 16 tiếng mỗi ngày: ngài khích lệ những người sầu khổ, đánh động người nguội lạnh, biến đổi tâm hồn của bao nhiêu người.

Trong Tông thư nhân dịp khai mạc năm Linh Mục, ĐTC Biển Đức 16 cũng nhắn nhủ các Linh Mục sống một lối sống mới như thánh Vianney, với 3 lời khuyên Phúc âm đã được Chúa Kitô khởi xướng: thanh bần, khiết tịnh và vâng phục như một con đường bình thường để thánh hóa đời sống theo tinh thần Kitô. Vốn là người thanh bần, thánh Vianney đã có thể nói: “Bí quyết của tôi thật là đơn giản: cho đi tất cả và chẳng giữ lại điều gì”.

ĐTC không quên nhắc nhở các Linh Mục hãy biết đón nhận mùa xuân mới mà Thánh Linh đã khơi dậy trong thời đại ngày nay qua các phong trào Giáo Hội và cộng đoàn mới. Ngài cũng nhấn mạnh sự cần thiết của sự hiệp thông giữa các Linh Mục với các GM bản quyền, trong tình huynh đệ linh mục trong hành động cũng như trong tâm tình. Chỉ như thế các Linh Mục mới biết sống trọn hồng ân độc thân và có khả năng làm cho các cộng đồng Kitô được triển nở”.

Sau cùng, ĐTC nhắc lại lời Đức Phaolô 6: “con người thời nay thích nghe các chứng nhân hơn là các thầy dậy, và nếu họ nghe các thầy dạy, chính là vì các bậc thầy này cũng là những chứng nhân” (SD 18-6-2009)

Chắc chắn, trong suốt tuần thường huấn nầy, chúng ta có cơ hội để đào sâu thêm những nội dung cơ bản trên để sống và sống phong phú cuộc đời mục tử. Trong khuôn khổ Phụng vụ Thánh lễ hôm nay, chỉ xin được mạo muội chia sẻ đôi điều mà các bài đọc Lời Chúa hôm nay vừa công bố:

Trước hết, thật là thích hợp, chính trong ngày thứ Năm nầy, ngày vẫn thường được qui chiếu để nhắc nhớ kỷ niệm Chúa Giêsu thiết lập hai Bí tích cao cả: Thánh Thể và thánh chức linh mục, chúng ta được nghe Thánh Phaolô (trong BĐ 1) nhắn gởi cho đồ đệ Timôthê những lời tâm huyết, liên quan đến căn tính và cuộc đời của một mục tử, đặc biệt là các mục tử trẻ, mà chúng ta có thể cô đọng lại với 3 điều cốt yếu sau:

1. Nêu gương đời sống vẹn toàn:

“Chớ gì đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ. Trái lại, anh hãy nêu gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch.

2. Luôn ý thức và không ngừng canh tân hồng ân thánh chức :

“Đừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục dặt tay trên anh”

3. Trung thành và chăm chuyên với sứ vụ, cẩn trọng trong cách sống

“Trong khi chờ tôi đến, hãy chuyên cần đọc Sách Thánh trong các buổi họp, chuyên cần khuyên nhủ và dạy dỗ…Hãy tha thiết với những điều đó, chuyên chú vào đó, để mọi người nhận thấy những tiến bộ của anh. Anh hãy thận trọng trong cách ăn nết ở và trong lời giảng dạy…”

So với thời đại của Timôthê, xã hội mà chúng ta đang dấn thân phục vụ hôm nay rất phức tạp, tiến bộ và cũng lắm cạm bẩy. Vì thế hãy tỉnh táo, và không ngừng đào luyện bản thân. Chủ quan và lười biếng sẽ khiến chúng ta tụt hậu và dễ có nguy cơ biến chất thành thứ “muối nhạt”.

Sống thiên chức linh mục cũng giống như bao ơn gọi khác. Thời gian sẽ làm phai nhạt dần “tình yêu thuở ban đầu” (Kh 2,4). Nếu không khiêm hạ, tỉnh táo và trung tín, thì sự sốt sắng, trân trọng, trung thành, nghiêm túc của những thời mới chịu chức sẽ phai nhạt dần dễ nhường chỗ cho thái độ coi thường, sơ sài, thiếu chuẩn bị và thiếu cả thái độ nội tâm, đức tin cần thiết cho các tác vụ thánh. Sự thánh hiến của chức linh mục chỉ đạt được hiệu quả trọn vẹn khi được sống từng ngày trong cố gắng và trung thành.

Trong khi đó, Tin Mừng Luca hôm nay lại đề nghị với chúng ta một hành vi căn bản, một thái độ nội tâm thường xuyên mà cuộc sống linh mục không thể nào xem thường hay bỏ qua: Tình yêu hoán cải dành cho Chúa Giêsu và trái tim nhân ái dành cho con người.

Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên…

Một trong những tội đáng trách nhất của thời đại chúng ta đó là hội chứng “trơ lỳ”. Trơ lỳ trước những đòi hỏi sống thánh thiện, hoán cải; trơ lỳ trước các suy đồi luân lý, trơ lỳ trước các tội nặng. Các linh mục là những người thường xuyên tiếp xúc với các sự thánh, các cử hành thánh, thường xuyên nghe lời thú tội…rất có thể chúng ta sẽ biến thành kẻ trơ lỳ trước Chú Giêsu, trước các mầu nhiệm Phụng vụ, trước những đòi hỏi của sự thánh thiện hay trước các tội lỗi. Thánh Gioan Maria Vianney được mệnh danh là “Vị Tử Đạo của Tòa Giải Tội”, vì Ngài thường kiệt sức vì ngồi tòa. Tuy nhiên, trái tim và tâm hồn Ngài càng vì thế mà càng nhạy cảm hơn về tình yêu sám hối dành cho Chúa Giêsu và con người. Nếu không tìm được những giọt nước mắt và dầu thơm của các linh mục dành cho Chúa Giêsu, thì đào đâu ra những giọt nước mắt và dầu thơm của giáo dân, những người luôn hướng mắt dõi theo đường đi nước bước của các vị mục tử …

Và để minh hoạ thêm cho ý tưởng nầy như một lời kết thúc, xin được đọc lên mấy vần thơ cuối của bài thơ “Trên cánh đồng Hợp tác” trong tập thơ Người Chăn Chiên Vô Hình của Linh mục thi sĩ Trăng Thập Tự:

Tôi cúi xuống
Thấy Ngài trước mắt
Lội suối băng đồng tìm con chiên lạc
Xin cho tôi tấm lòng
Của kẻ có con chiên lạc mất
Xin cho tôi tấm lòng
Của người Cha tìm đứa con đi hoang
Và là tấm lòng
Của kẻ nhìn đám đông bơ vơ
Mà dạt dào thương xót
Của kẻ không đành tâm bỏ sót
Một em bé nào
Hay bất cứ một người đuôi mù què quặt...
Xin cho tôi trái tim,
Của người đã khóc
Trước sự đau khổ của kẻ khác
Xin cho tôi trái tim không biết mệt mõi
Khi thân xác đã rã rời
Ngồi bệt bên bờ giếng
Mà chưa nỡ nghỉ ngơi...
Khi suốt ngày đã hụt hơi
Suốt ngày đã khản tiếng
Rao giảng cho đám đông
Mà tối đến vẫn còn thức khuya
Vì phần rỗi của một người trong đám họ
Xin cho tôi trái tim đó
Trái tim yêu mấy cho vừa
Cây sậy dập đong đưa
Không đành bẻ gãy...
Không nỡ tắt ngọn đèn leo lét
Trái tim yêu thương cho đến chết
Và chết rồi còn nở hoa.