Năm Linh Mục: Nếu cha là con ba
(Trích bài diễn văn không bao giờ được đọc)


Những bước chân đầu

Hồi con còn nhỏ, gần ba mươi năm rồi, con tập đi. Đó là những bước đi đầu tiên trong đời con. Bà nội mừng lắm. Nội nói rằng: con đã lớn thêm lên. Sau khi con biết lật, biết trườn, biết bò, nay con biết đi, đó là một bước tiến trong đời của con. Cả nhà mừng lắm. Nội cứ ẵm con lên, rồi hôn, rồi nói: “Con chai nội dớn dồi!”. Con thì cứ đòi tuột xuống để đi. Con cứ bước đi rồi té, rồi đứng lên đi, rồi té. Cứ mỗi lần con té, mẹ sợ con đau. Nội nói làm sao khỏi té, chỉ cầu mong sao nếu té, con không bị đau nhiều, và rán giữ cho con không bị té nặng. Nói vậy chớ mỗi lần thấy con té, nội cằn nhằn: cứ để thằng nhỏ té hoài! Nội bắt ba phải dọn dẹp cho nhà thêm trống chỗ, để không còn có cái gì có thể làm cho con vướng chân mà té, không còn bất cứ cái gì có thể làm vấp chân con. Rồi con đã đi được, đi vững bước.

Hôm nay, con trở về giáo xứ nhà để “làm lễ mở tay”. Bắt đầu từ hôm nay, con sẽ lại bước đi những bước đầu tiên trong “cuộc đời mới” của con. Đứng bên cạnh con trên bàn thờ, không thể là ba được, mà là một cha giáo của con trong Chủng Viện. Ba để ý thấy cha cứ khom mình tới nói gì nho nhỏ với con, chắc là cha đang nhắc con. Ba lại nhớ lại hồi xưa khi con tập đi, ba đứng gần con, cứ phải chồm người tới để chụp con, để con khỏi té trong những ngày con còn chập chững bước đi. Nay trong khi con cũng “chập chững bước đi” trên bàn thờ, không còn phải là ba nữa nhưng cũng có người giữ bước cho con, còn ba, ba quỳ dưới đây, ba cầu nguyện cho con.

Đường đi nào cũng khó. Xưa con té khi con tập đi vì khi đó chân con còn yếu, con còn chưa quen với việc đi. Nay trên con đường mới mà con đi, tuy nó không lồi lõm gập ghềnh, nhưng nó cũng có những điều mới lạ mà con chưa quen và chắc chắn là có khó khăn. Những mới lạ và khó khăn đó là những cái có thể làm cho con té. Nay con được xem là trưởng thành rồi, ba không còn sợ con té như xưa nữa, nhưng ba sợ con vấp ngã. Con phải nhớ: trên đời này, không có con đường nào mà không có gai chông, cạm bẫy! Nó khó ngay ở chỗ mà con cứ tưởng là dễ dàng. Ba cầu nguyện cho con được vững bước.

Ngày con đi học

Hồi xưa, khi lớn lên chút nữa, con đi học. Con đâu có ở nhà hoài được, con phải đi học như những đứa trẻ khác. Ở trường, con có thầy, có bạn. Thầy dạy con học chữ và những điều lễ nghĩa. Ở trường, con có thêm tình thầy trò. Con có thêm người để kính trọng và biết ơn. Rồi con còn có bạn, những vây cánh trong cuộc đời của con. Con sẽ cùng các bạn con thi đua, thi đua học tập, thi đua chơi giỡn, vui đùa. Trường là một môi trường sống mới của con, sau gia đình.

Nhưng bạn bè của con, ba cũng kén chọn lắm. Bạn bè thì có đứa giàu đứa nghèo, đứa học nhanh đứa học chậm, ba khuyên con phải chơi với hết tất cả nhưng phải khôn ngoan chọn bạn mà kết thân. Những đứa mà hễ mở miệng ra là chửi thề nói tục là ba không cho chơi. Những đứa mà hở một cái là đánh là thụi, ba không cho chơi. Những đứa mà không biết lễ phép, kính nhường người lớn tuổi, thương kẻ tật nguyền là ba không cho chơi. Tuy dạy con phải chơi với tất cả các bạn bè nhưng ba khuyên phải khôn ngoan chọn bạn mà chơi tuy rằng con phải chơi với tất cả mọi đứa bạn.

Con học cũng khá. Hết lớp này tới lớp khác, con đã thành công trong việc học. Rồi ngày hôm đó, một ngày Chúa nhật, trong bữa cơm chiều, con nói với ba, có mẹ và em con nghe:
- Ba! Con muốn đi tu!

Ba ngồi im lặng. Con tưỏng ba không bằng lòng nên hỏi tiếp:
- Ba không muốn hả ba?

Ba ngồi im, nhớ lại:

***
Hồi đó, đi đâu, ông nội ba mà con gọi là ông cố, thường hay dắt ba đi theo, mà ba cũng thích đi với ông cố lắm, vì dễ có … ăn. Ba là cháu nội út mà. Hôm đó, gần Tết, chiều đi phép lành về. Ngang nhà bà cố năm L., nhà có cây vú sữa to, trái trổ xum xuê. Ông cố nhìn vô nhà bà cố năm rồi nói:
- Nhà thiệt có phước!

Ba nói liền:
- Cây vú sữa nhà mình cũng có nhiều trái vậy nội!
- Không! Nhà này có phước là vì có chú tám Liễu đi tu!
- Nhà mình cũng có cô bảy, bác chín bác mười đi tu đó nội!

Ba liếc nhìn lên ông cố. Ông cố làm thinh, tỉnh bơ! Trong những ngày ba lẽo đẻo theo ông cố, nhiều lần ông cố nói mà ba còn nhớ: đi tu là dâng mình cho Chúa, là bỏ hết thảy mọi sự thế gian, nhà có con đi tu là nhà có phước, … Rồi theo ngày tháng, ông cố già đi thêm. Ông cố chết. Ông cố được đặt nằm giữa nhà, trên một cái bàn dài có trải khăn trắng, mặc quần dài trắng, áo dài đen, chân mang vớ, đầu đội khăn đống. Mỗi lần cầu lễ cho ông cố, có bà cô bảy, bà phước, ông bác chín, ông bác mười, hai ông cha, ngồi đọc kinh bên cạnh ông cố. Ba có nhìn, ba thấy ông cố như mĩm cười…

***
Ngày con trưởng thành

Ba không trả lời con liền vì ba đang nghĩ vẫn vơ: con là con trai đầu lòng, con trai duy nhất… Ba không nghĩ đến việc có cháu đích tôn nối dõi, vì ngoài con, còn có hai em con, tuy tụi nó là gái, nhưng cháu nào cũng là cháu, con nào cũng là con, đứa con nào ba cũng cưng hết. Việc con đi tu là chuyện vạn đại hạnh phúc cho ba, cho gia đình mình, mong sao con đi được đến nơi đến chốn. Nghĩ được như vậy thì có gì đâu cản trở bước đường con đã chọn.

Thời gian con đi tu, ba cứ tưởng như là thời gian mẹ đang mang thai con mà ông bà xưa có nói: “con trong dạ, mạ đi tu”. Mấy năm trường con ở nhà tu xem như mấy tháng trường mẹ cưu mang con. Ba mẹ cầu nguyện, cầu nguyện cho con biết “đi tu là dâng mình cho Chúa, là bỏ hết thảy mọi sự thế gian” như ông cố thường hay nói với ba.

Trong nhiệm vụ mới mà qua thiên chức con vừa lãnh nhận, cũng như ngày xưa khi con đến trường, con sẽ có thầy có bạn. Thầy và bạn của con chính là các đấng bề trên, các cha và những người con sẽ tiếp xúc.

Con sẽ phải vâng lời và học hỏi ở các đấng bề trên, các cha khác là lẽ đương nhiên rồi. Con sẽ có nhiều “bạn” mới. Con sẽ có bạn bè là các cha và giáo dân, và ngoài ra còn có bà con trong cộng đồng giáo xứ. Đó là những người con sẽ phải tiếp xúc. Con sẽ phải tiếp xúc với tất cả mọi người, từ trẻ tới già. Ở mỗi lứa tuổi, người ta đều có những hoàn cảnh khác nhau. Các cha là bạn, là anh và là thầy con. Ngày hôm nay, con quả là hàng “út ít”. Con mới được có một ngày tuổi.

Đừng bao giờ nghe con: coi trọng người giàu, khinh chê người nghèo. Nhất là những người già và nghèo, những người này có nhiều mặc cảm lắm. Thường thì không ai nói tới, nhắc tới những người này. Họ sẽ được nói tới, và “vinh danh” khi họ được khiêng tới nhà thờ, chớ còn bình thường, khi họ còn đi được tới nhà thờ, không mấy ai ngó ngàng tới họ. Những người đó, họ thua con chữ nghĩa, họ thua con chức phận, nhưng nên nhớ họ không thua con tình đời. Trong cương vị của con, con sẽ phải làm công việc dạy dỗ, nhưng phải luôn luôn khắc tâm rằng con sẽ còn phải học, học ngay từ những người mà con dạy. Con có “chữ nghĩa”, giả dụ là như vậy, người ta có tình đời. Người ta có kinh nghiệm của một đời sống.

Nhớ nghe con: Có những điều, những người con cần năng lui tới. Có những việc, những người con cần phải tránh xa.
…..