Phỏng vấn: Chân dung Nữ Tu Việt Nam

Chân dung Nữ Tu Việt Nam, Ảnh Nguyễn Trung Tây

...Rất nhiều nữ tu của Giáo Hội Công Giáo nói chung và Giáo Hội Việt Nam nói riêng từ bao lâu rồi, họ vẫn hằng ngày âm thầm hoạt động mục vụ cho nước Chúa hoặc trong dòng Kín hoặc tại các giáo xứ, hoặc tại những trung tâm mục vụ của trại phong, viện mồ côi....

Nói về Nữ Tu Việt Nam, chắc hẳn độc giả Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu cũng nhớ Nguyệt san đã từng đi một bài viết về Sơ Mary Mỹ Lệ (www.nguyentrungtay.com/somary.html) của giáo xứ Lộc Hưng bên Việt Nam trong số 157 của tháng 5 năm 2008. Trong bài viết đó, tác giả đã nhắc đến những công lao khổ cực và âm thầm của một đời tu sĩ gần năm mươi năm đêm ngày vất vả “cấy cày” trên nương đồng của cánh đồng truyền giáo Lộc Hưng. Hy sinh cho nước Chúa tới như thế đó, nhưng khi tới tuổi về hưu, Sơ Mary Mỹ Lệ yên lặng rút lui về nhà Dưỡng Lão tại Thủ Thiêm và sau cùng âm thầm nghỉ an trong Chúa vào ngày 28 tháng 2 năm 2008.

Sơ/Soeur trong tiếng Pháp, Sister trong tiếng Anh, cả hai đều có nghĩa là Chị. Trong tiếng Việt người ta gọi Nữ Tu, một người nữ sống đời tu hành. Nói tới Sơ, Phóng viên Dân Chúa Úc Châu (PvDCUC) tự nhiên nhớ tới Nguyễn Tất Nhiên với bài thơ Em Hiền Như Ma-Sơ,

…Em hiền như Ma-Sơ
Trái tim ta bốn mùa…


Ngoài nét dịu hiền, Nữ Tu Việt Nam nói riêng còn mang trên khuôn mặt và ngay trong người những nét thánh thiện. Riêng bản thân của PvDCUC, đã bao nhiêu lần rồi, PvDCUC vẫn gặp gỡ rất nhiều người nữ tu thánh thiện, ngày đêm kinh sách, và âm thầm phục vụ nước Chúa trong những vai trò nhỏ bé, nhiều khi phải nói là vô danh ở những giáo xứ sầm uất bóng người. Cho nên, nếu phải dùng hình ảnh để so sánh, có lẽ không còn so sánh nào khá chính xác cho bằng công thức sau đây:

Nữ Tu (đồng nghĩa với) = Âm Thầm Hy Sinh + (cộng với/và) Lặng Lẽ Ra Đi


Thật vậy, rất nhiều nữ tu của Giáo Hội Công Giáo nói chung và Giáo Hội Việt Nam nói riêng từ bao lâu rồi, họ vẫn hằng ngày âm thầm hoạt động mục vụ cho nước Chúa hoặc trong dòng Kín hoặc tại các giáo xứ, hoặc tại những trung tâm mục vụ của trại phong, viện mồ côi.

Cho nên Nguyêt san Dân Chúa Úc Châu quyết định đi một số chủ đề về các Nữ Tu Việt Nam, nữ tu tại Úc (Sơ Thùy Linh), nữ tu Đài Loan (Sơ Bạch Yến), nữ tu tại Việt Nam (Sơ Chân Mỹ) để vinh danh các nữ tu Việt Nam. Xin được hân hạnh giới thiệu tới quý độc giả bài phỏng vấn đặc biệt sau đây: Chân Dung Nữ Tu Việt Nam.

PvDCUC: Kính chào các Nữ Tu Việt Nam, Sơ Chân Mỹ, Sơ Bạch Yến, và Sơ Thùy Linh. Xin các Sơ tự giới thiệu về nhà Dòng, về mình, nghề nghiệp, và những điều khác mà có thể Phóng viên Dân Chúa Úc Châu thấy các Sơ, tự nhiên (cười nho nhỏ) hơi run cho nên quên đi...

Nữ tu Maria Chân Mỹ


Nữ tu Maria Chân Mỹ: Kính chào độc giả Dân Chúa Úc Châu và PvDCUC, tôi là nữ tu Maria Chân Mỹ, Dòng Mến Thánh Giá Tân Việt. Về nghề nghiệp của nữ tu thì rất “đa hệ”, tuỳ theo sự sắp xếp của Bề Trên và nhu cầu mục vụ của mỗi nơi mình được gởi tới. Hiện nay tôi đang ở Cộng Đoàn MTG Tân Việt Giáo Xứ Dầu tiếng, với công việc là giáo viên Mầm Non.

Nữ tu Bạch Yến


Nữ tu Bạch Yến: Kính chào độc giả Nguyệt san Dân Chúa Úc Châu. Tôi tên là Bạch Yến, thuộc Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt. Trực thuộc quyền Đức Cha giáo phận Đà Lạt. Công việc chính của Dòng là: Giáo dục các thiếu nữ và trẻ em, cộng tác với linh mục trong các công việc mục vụ của giáo xứ và giáo phận. Riêng tôi, dạy học và giúp xứ khoảng hai năm sau khi khấn tạm, Hội Dòng gửi tôi đi Đài Loan học và làm việc. Sau khi tốt nghiệp Đại Học, vì nhu cầu của công việc trong văn phòng Tư vấn Tâm Lý và Tôn Giáo của trường Đại Học. Tôi được gửi sang Úc để học lên cao hơn và chuyên sâu thêm về Tư Vấn Tâm Lý. Vì vậy, công việc chính của tôi bây giờ là sách cặp tới trường để đi học (Cười nho nhỏ).

Nữ tu Thùy Linh


Nữ tu Nguyễn Thùy Linh: Xin cám ơn phóng viên DCUC và xin kính chào quý độc giả Dân Chúa. Sơ tên là Nguyễn Thùy Linh, thuộc dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu (Daughters of Mary Help of Christians), thường được gọi là dòng Salêdiêng Nữ (Salesian Sisters). Nghề nghiệp là… nữ tu (cười mím chi), một nghề nhưng có ba “ngôi”: ngôi thứ nhất là cầu nguyện, ngôi thứ hai là “xoa đầu” trẻ (vì bên này mà “gõ đầu” thì chắc có rắc rối to!), và ngôi thứ ba là phục vụ cho nhà dòng và Dân Chúa Úc Châu… Dòng tu của Sơ cũng có ba đặc điểm đáng chú ý. Thứ nhất là dòng được mệnh danh là “đọc kinh ít mà chơi nhiều”. (Nếu có ai tò mò muốn biết rõ hơn về điểm này xin liên lạc với các nữ tu Salêdiêng…). Thứ hai là tuy rằng cũng chịu cảnh tre già mà măng chưa mọc như hầu hết các dòng khác, nhưng đếm đầu người dòng còn được xếp hạng thứ hai trên thế giới, nên rất đông và vui! Thứ ba là người anh em của chúng tôi là dòng Salêdiêng Nam, tên chính thức là dòng Salêdiêng Don Bosco, có một cái tên “cúng cơm” rất nổi tiếng và rất hấp dẫn... chắc PvDCUC đoán ra rồi phải không ạ?

PvDCUC: Vâng, thưa Sơ, có phải là dòng Đông Các Cô không ạ?

Nữ tu Nguyễn Thùy Linh: Dạ đúng rồi. PvDCUC giỏi quá ta!

PvDCUC: (Cười vang vang) Giời ạ! Cám ơn rất nhiều cho lời khen tặng của Sơ Linh. Thưa các Sơ, như các Sơ cũng đã biết, số báo tháng này, Nguyệt san Dân Chúa Úc Châu đi số chủ đề Nữ Tu Việt Nam, những người nữ tu thánh thiện đẹp như thiên thần và hiền hơn con gái. Vâng, xin các Sơ cho biết nguyên nhân nào đã khiến các Sơ quyết định không lập gia đình nhưng lại dấn thân làm việc cho Nước Chúa qua vai trò của một nữ tu nhỏ bé và hiền lành như thế?

Nữ tu Maria Chân Mỹ: (Suy nghĩ) Nguyên nhân tôi chọn đời sống Dâng Hiến là vì lúc nhỏ tôi rất thích đọc hạnh các thánh, và tôi yêu mến nhất là Thánh Têrêsa, tôi cũng hâm mộ thánh Máctinô với truyện “Tấm Lòng Vàng” và muốn có một đời sống dành riêng cho Chúa trong đời cầu nguyện và dấn thân phục vụ anh chị em, phục vụ những người nghèo khổ, bệnh tật… theo gương các thánh. Năm 13 tuổi tôi xin Bố đi tu, nhưng Bố chưa đồng ý với lý do tôi chưa trưởng thành đủ để chọn lựa, quyết định. Đến năm 19 tuổi, tôi vẫn giữ lập trường này, dù có một vài người thanh niên trong Giáo xứ đến ngỏ lời cầu hôn, lúc đó Bố tôi mới cho phép đi theo cô họ (là nữ tu Hội Dòng MTG Tân Việt), và ơn gọi của tôi khởi đầu là vậy. Cũng hơi vất vả lao đao vào thuả ban đầu (Cười)

Nữ tu Bạch Yến: Nguyên nhân chính để tôi dấn thân qua vai trò của một nữ tu cũng là một ơn gọi đặc biệt Chúa đã ban cho tôi. Tôi đã bị đánh động bởi bài hát bắt đầu với câu “Khi con nghe tiếng kêu mời, gọi con đi gieo niềm tin mới…”. Với sứ mạng là đi đến với những người đau khổ, hoặc bị bỏ rơi trong xã hội...

Nữ tu Nguyễn Thùy Linh: Xin chân thành cám ơn DCUC đã dành đặc ân này cho các nữ tu, và cám ơn PvDCUC đã quá khen!! Sơ thực sự không dám nhận lời khen đó! Hành trình ơn gọi thực sự là một ân sủng và một huyền nhiệm mà Sơ vẫn hằng suy niệm nhưng nghĩ rằng có lẽ cả đời cũng không hiểu thấu đáo được! Giải thích về ơn gọi của mình trong khuôn khổ bài phỏng vấn này thì thật khó mà có thể được! Có lẽ Sơ chỉ có thể nói tắt và nôm na rằng, Sơ đã chọn đi tu vì bị… quyến rũ, tương tự như… các nàng bị các chàng quyến rũ thôi… (cười nho nhỏ). Thực vậy, chưa nói đến bản chất là Thiên Chúa, Giêsu là một con người thật, đã từng sống và bước đi trên địa cầu này – một con người đã dám sống và dám chết cho niềm tin của mình. Chỉ như vậy thôi, một con người như thế cũng đã có sức thu hút rất mạnh mẽ rồi! Huống chi con người này lại chính là hiện thân của một vì Thiên Chúa - Thiên Chúa của Tình Yêu, đến để thực hiện một chương trình cứu độ tuyệt đối cao siêu, tuyệt đối nhiệm màu, vượt qua muôn thế hệ và bao trùm cả vũ hoàn! Thật khó mà cưỡng chống lại khi được mời gọi tham gia vào một chương trình vĩ đại như thế!

PvDCUC:Sống trong nhà dòng với lời khấn vâng lời, chắc hẳn không ít thì nhiều đã có những lần Sơ đã vâng lời Mẹ Bề Trên, tâm niệm rằng vâng lời Mẹ cũng là vâng theo thánh ý Chúa. Nhưng nếu cho chọn lựa, ước một cái là được ngay, Sơ thích phục vụ Thiên Chúa và tha nhân trong công tác mục vụ nào?

Nữ tu Maria Chân Mỹ: Như đã chia sẻ ở phần trên, tôi rất thích được dấn thân phục vụ những anh em khuyết tật, thiếu may mắn, những bệnh nhân HIV, những trại phong… Nhưng do sự sắp xếp của Bề trên, hiện nay tôi đang chăm sóc các bé Mầm Non hai tuổi, và tôi rất yêu thích công việc này, bởi tất cả mọi công việc Chúa trao cho tôi qua Hội Dòng, qua các Bề Trên đều dễ thương và tốt đẹp, vì đều giúp tôi thể hiện tình yêu của tôi đối với Chúa và tha nhân.

Nữ tu Bạch Yến: Đã lâu rồi tôi không còn để ý đến sự chọn lựu trong đời sống tận hiến. Vì vậy, giáo dục hay công tác mục vụ ở nhà xứ là công việc chính của Dòng đều rất thích hợp cho các nữ tu thuộc Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt. Nếu được chọn, tôi sẽ chọn công việc giáo dục các thiếu nữ.

Nữ tu Nguyễn Thùy Linh: Ồ, đây là một câu hỏi thú vị nhưng cũng rất khó trả lời, vì Sơ…có nhiều mơ ước lắm, không biết chọn cái nào để tâm sự với quý độc giả!! Tuy nhiên Sơ yêu nghề dạy học, và dòng Salêdiêng chuyên về giáo dục, nên nói một cách tổng quát, những công tác mà Sơ được giao cũng thường là những công tác thích hợp với khả năng và nguyện vọng của Sơ. Tất nhiên cũng có khi vì một hoàn cảnh cụ thể nào đó của tỉnh dòng, mà Sơ có thể phải chọn lựa làm những điều mà Sơ không thật sự thích, hay phải từ bỏ hoặc tạm gác “không thời hạn” (mỉm cười) những ước mơ phục vụ của mình… Tuy vậy, sự vâng lời này luôn được thực hiện trong tinh thần đối thoại nên có sự cảm thông và hiểu biết giữa Bề Trên và các Hội Viên Dòng.

PvDCUC:Cũng vẫn nói về lời khấn vâng lời. Sơ Chân Mỹ đang làm việc ở bên Việt Nam thì chắc đỡ bị áp xuất nặng nề hơn, nhưng nói chung sống trong những xã hội mà tự do cá nhân được đề cao và tôn trọng, Sơ nghĩ sao về lời khấn vâng lời của một người nữ tu. Sơ có cảm thấy khó khăn (cười) hay là vất vả lao đao (cười be bé) với lời khấn vâng lời hay không?

Nữ tu Maria Chân Mỹ: Câu hỏi được đặt ra rất hay, bởi khách quan mà nói, lời khấn vâng lời có làm hạn chế ý chí tự do và quyền tự quyết của người tu sĩ. Nhưng theo tôi, cá nhân không là cùng đích tối hậu của chính mình, bên trên họ, luôn tồn tại những giá trị cao cả, mà đôi lúc cá nhân phải hy sinh cả mạng sống để bảo vệ và thăng tiến, như hạnh phúc của gia đình và những người thân, nền độc lập dân tộc… Lý tưởng đời tu cũng là một trong những giá trị siêu vượt, đáng cho tu sĩ dâng hiến cả tự do cá nhân. Hơn thế, một ý chí tự do chỉ có giá trị khi nó hướng đến hạnh phúc cho tha nhân, khi nó phục vụ cho đức ái. Tôi không cảm thấy khó khăn hay vất vả lao đao với lời khấn vâng lời, có lẽ vì tôi hoàn toàn tự nguyện với tất cả tình yêu và ý thức dâng hiến.

Nữ tu Bạch Yến: Sống trong xã hội thời nay, vâng lời trong đối thoại cũng đang được tôn trọng trong các Hội Dòng. Vì vậy, khi đối thoại đã dược chấp nhận rồi thì giữ lời khấn vâng lời cũng không mấy khó khăn. Điều quan trọng hơn hết trong vâng lời là lòng yêu mến, yêu mến Chúa, Hội Dòng, chị em trong dòng và công việc thì “vâng lời” lại trở nên thật dễ dàng và nhẹ nhàng.

Nữ tu Nguyễn Thùy Linh: Đây là một câu hỏi rất hay! Xin cám ơn PvDCUC đã cho các nữ tu có cơ hội trả lời câu hỏi này. Sơ nghĩ cách dịch chữ “vâng lời” có thể gây ra một vài hiểu lầm, và có thể làm cho giới trẻ ngày nay cảm thấy “sợ” đi tu!! Nên Sơ xin mạn phép được cố gắng làm rõ nghĩa từ ngữ này một chút theo sự hiểu biết của Sơ… Vâng lời, tiếng Anh là obedience, bắt nguồn từ nguyên ngữ La-tinh là oboedire, có nghĩa là “lắng nghe”. Khi hiểu như vậy thì khấn vâng lời không có nghĩa là tùng phục bất cứ điều gì Bề Trên nói, nhưng là vâng nghe (lắng nghe và vâng theo điều ta lắng nghe được). Như Sơ có nói qua ở trên, sự vâng lời luôn được thực hiện trong tinh thần đối thoại, nghĩa là trước hết phải biết lắng nghe – lắng nghe Chúa Thánh Thần trong chính mỗi người chúng ta, và lắng nghe nhau – rồi mới cùng nhau quyết định và thi hành. Vì có sự lắng nghe nhau và đối thoại với nhau như vậy nên đức vâng lời không bao hàm sự thiếu tôn trọng cá nhân như nhiều người vẫn thường nghĩ. Ở đây, ngay cả nếu quyết định cuối cùng là do Bề Trên ban ra, thì quyết định đó cũng là kết quả của một quá trình mà trong đó sự vâng nghe được diễn ra theo một mô hình vòng tròn – vâng nghe nhau, chứ không phải là một mô hình kim tự tháp – chỉ có “bề dưới” vâng nghe Bề Trên mà thôi! Theo Sơ hiểu, một người tu sĩ trưởng thành trong đức vâng lời là một người tu sĩ biết lắng nghe Sự Thật từ trong sâu thẳm tâm linh mình, từ Bề Trên của mình, từ cả những người dưới mình và chung quanh mình, và can đảm vâng theo Sự Thật đó. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là đức vâng lời là một nhân đức dễ thực hiện! Cái thử thách của đức vâng lời trước hết là sự biết lắng nghe, và sau đó là dám can đảm vâng theo sự lắng nghe đó, kể cả khi điều này đòi hỏi phải từ bỏ cái “tôi”, hay ý riêng của mình! Và chúng ta đều biết, việc từ bỏ cái “tôi” hay ý riêng mình là “kenosis” - tự hủy mình, và nhất định không phải là một điều dễ dàng chút nào!

Thách đố lớn lao như vậy chắc chắn là có lúc làm Sơ “vất vả lao đao” rồi! Thật vậy, trong thân phận con người, có những lúc Sơ thấy sao mà từ bỏ cái “tôi” hay ý riêng của mình, ngay cả trong những chuyện nhỏ nhặt “trong nhà ngoài phố”, sao mà khó đến thế!! Ôi, dường như Sơ chỉ có lắng nghe mà không có vâng theo! Những khi ấy, ngoài việc cầu xin và cậy trông vào ơn Thánh, Sơ cố gắng bám vào một, hai hoặc cả ba “lá bùa hộ mạng” mà Sơ tạm gọi là bộ óc, trái tim và tâm linh, để cố gắng vượt qua khó khăn. “Lá bùa bộ óc” giúp Sơ ý thức rằng Sơ không phải chỉ là một hữu thể (being), nhưng là một hữu-thể-trong-tương-quan (being-in-relationship), lệ thuộc lẫn nhau (inter-dependent) vào các hữu thể khác. Điều này nhắc nhở Sơ sự cần thiết phải “vâng nghe nhau”, biết nhìn nhận vấn đề từ góc cạnh của người khác nữa chứ không phải chỉ là của chính mình. “Lá bùa trái tim”, đi xa hơn một bước nữa, nhắc nhở Sơ rằng, không những Sơ tất yếu phải tồn tại trong quan hệ với mọi người và vạn vật chung quanh, mà đó còn là một quan hệ yêu thương. Tình yêu thương này giúp Sơ can đảm từ bỏ cái “tôi” hay ý riêng mình khi cần thiết để đến với đối tượng mà Sơ yêu. “Lá bùa tâm linh” là lá bùa lớn nhất và bao gồm cả hai lá bùa kia – đó là phải luôn giữ một đời sống cầu nguyện liên lỉ và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, Đấng chính là Sự Thật mà Sơ phải yêu mến và vâng nghe theo! Mà một trong những điều Sơ đã… lỡ chọn và vâng nghe theo là “đi tu” và “khấn vâng lời”, nên thôi thì… yêu nhau mấy núi cũng trèo… (cười)

PvDCUC:Cám ơn các Sơ cho những câu trả lời rất chân tình. À, PvDCUC nhớ trong một lần hội ngộ tại Melbourne, có một Sơ thắc mắc hỏi, “Là một nữ tu, không biết mình có nên ghi danh đi học thần học hay không?”. PvDCUC mang câu thắc mắc này đi hỏi cha Nguyễn Trung Tây, thì ông ấy gật đầu nói ngay, “Nên, mà cũng không phải là nên, mà đúng ra là phải học thần học để mà biết thêm về Chúa, bởi vô tri bất mộ, không biết thì không yêu, có học có biết nhiều về Chúa thì mình mới yêu Chúa nhiều hơn chứ.” Riêng Sơ, Sơ nghĩ sao về điều này? Nữ tu có nên học thêm và học nhiều về thần học hay không?

Nữ tu Maria Chân Mỹ: Điều này tôi cũng nhất trí với cha Nguyễn Trung Tây. Và các Hội Dòng lúc này luôn tạo mọi điều kiện cho chị em được học thần học như là một điều căn bản và bắt buộc. Hội Dòng tôi, các em Học Viện mới khấn ra đều được đi học thần học ba năm. Nếu như xin được học bổng, Bề Trên sẽ tuỳ khả năng tiếp tục cho chị em đi học ở Phi, Ý, Pháp, Mỹ.

Riêng tôi, tôi thấy nữ tu rất nên học thêm và học nhiều về thần học để yêu Chúa nhiều hơn, bước theo Người sát hơn.

Nữ tu Bạch Yến: Tôi nghĩ rằng: Nữ tu rất nên học thần học, nhưng không có nghĩa là những nữ tu (tu sĩ sống ở nơi hẻo lánh) không có cơ hội và điều kiện đi học thần học sẽ yêu mến Chúa ít hơn. Nữ tu cũng có thể học hỏi để biết và yêu mến Chúa qua Bí Tích Thánh Thể. Ví dụ hình ảnh của cha thánh John Vianney, Ngài có tình thân hữu mật thiết với Chúa biết bao qua Bí Tích Thánh Thể. Nhờ đó, Cha đã có một lòng yêu mến Chúa và tha nhân hơn ai hết.

Nữ tu Nguyễn Thùy Linh: Dạ Sơ đồng ý với cha Trung Tây 101 phần trăm! (mỉm cười)

PvDCUC:Ngày hôm nay, phong trào nữ quyền, nhất là tại những quốc gia Tây phương, đang phát triển và bùng nổ rất cao. Thượng nghị sĩ Hillary Clinton mới đây thôi cũng đã từng ra tranh cử một chín một mười với ứng cử viên Barack Obama của đảng Dân Chủ. Mẹ Teresa một nữ thánh của thiên niên kỷ thứ ba lẫy lừng hiển nhiên đã vượt qua mặt nhiều vị nam nhi cùng thời. Riêng Sơ, Sơ nghĩ sao về phong trào nữ quyền (woman right movements) trong thế giới ngày hôm nay? Sơ ủng hộ hay không ủng hộ?

Nữ tu Maria Chân Mỹ: Với phong trào nữ quyền, con người muốn tự uốn nắn mình theo ý của mình, được giải phóng khỏi tất cả những gì giới hạn nó. Nói cách khác, con người muốn mình phải là kẻ sáng tạo chính mình như Thiên Chúa. Thượng nghị sĩ Hillary Clinton và Mẹ Têrêsa là hai phụ nữ hoàn toàn khác nhau về chính kiến cũng như quan điểm nên không thể đem ra so sánh. Mẹ Têrêsa chắc chắn không có tham vọng được lẫy lừng và vượt qua mặt nhiều vị nam nhi cùng thời, nhưng mọi công việc của Mẹ làm xuất phát từ tình yêu mãnh liệt dành cho Thiên Chúa và anh em. Riêng tôi, tôi ước mong những người phụ nữ sống đúng phẩm giá của người phụ nữ, và hạnh phúc, vui sướng với “Thiên chức Phụ nữ” của mình. Klapin phát biểu: “Không có mặt trời hoa hồng không nở, không có phụ nữ không có tình yêu. Không có tình yêu không có hạnh phúc. Không có người mẹ không có anh hùng”.

Nữ tu Bạch Yến: Nếu trong một thể chế hay một xã hội bình đẳng thì sẽ không có chuyện phân biệt giữa nam quyền và nữ quyền. Vì vậy, ủng hộ cho những người mà quyền lợi của họ bị xâm phạm là lẽ thường tình.

Nữ tu Nguyễn Thùy Linh: Vâng, tất nhiên là phụ nữ không có thua nam giới rồi! (cười nho nhỏ) Thú thật là Sơ chỉ nghe nói về phong trào này thôi chứ không biết nhiều về nó, nên không thể nói là ủng hộ hay không ủng hộ. Tuy nhiên sự thật là người phụ nữ vẫn còn bị đối xử bất công, bị đẩy ra bên lề xã hội (marginalised) trong nhiều lãnh vực, và ở nhiều nơi trên thế giới. Là môn đồ theo chân Chúa, Sơ nhất định là ủng hộ những người bị như vậy rồi! Còn nếu sống ngoài đời biết cống hiến tài năng như TNS Hillary Clinton, sống đời tu có can đảm hy sinh như Mẹ Teresa thì có lẽ là ước mơ của rất nhiều người phụ nữ…

PvDCUC:Như đã giới thiệu ở trên về Sơ Mary Mỹ Lệ, Sơ có nghĩ người nữ tu ngày hôm nay chỉ nên ở trong nhà xứ, lo dậy học Giáo lý và rồi sau đó lặng lẽ nghỉ an trong Chúa. Hay là nữ tu cũng nên dấn thân nhiều hơn nữa vào trong đời sống hằng ngày như Mẹ Teresa?

Nữ tu Maria Chân Mỹ: Vườn hoa Giáo Hội muôn màu muôn sắc. Nhìn lại lịch sử đời tu Kitô Giáo từ Thế Kỷ I đến nay qua nhiều giai đoạn: Đời sống khổ hạnh tại gia; Ẩn tu và Đan tu; các Dòng Khất thực (Đa Minh, Phanxicô); các Dòng Trợ thế (Dấn thân phục vụ trong các môi trường xã hội, y tế, từ thiện, giáo dục); các Dòng truyền giáo (Dòng Tên…); các Hội Dòng tại thế: làm men, muối giữa đời… Cho thấy mỗi dạng đời tu là một đặc sủng riêng mà Thánh Thần ban cho Giáo Hội trong một hoàn cảnh đặc biệt, nhằm canh tân dân Chúa và giúp Giáo Hội thích nghi với những hoàn cảnh mới của Thế giới. Trong thực tế, mỗi Dòng tu ra đời nhằm đáp ứng cho một nhu cầu cụ thể của Giáo Hội trong một giai đoạn. Như vậy, người nữ tu nên tuỳ theo đặc sủng của Hội Dòng, cùng với sự canh tân và thích nghi để dấn thân và kéo dài sự phục vụ của mình bao lâu Chúa còn muốn.

Nữ tu Bạch Yến: Dạ thưa, tất cả các công việc trong nhà xứ hay ngoài xã hôi đều tốt đẹp và nên được khuyến khích. Mỗi Hội Dòng có sứ mạng và linh đạo riêng trong công tác phục vụ. Các nữ tu làm việc theo sứ mạng của Dòng mình, đó là trách nhiệm và bổn phận hằng ngày của họ. Mỗi Hội Dòng như là một bộ phận của một thân thể là Giáo Hội, nên đều rất quan trọng và cần thiết.

Nữ tu Nguyễn Thùy Linh: Sơ nghĩ rằng điều đó tùy thuộc vào khả năng, khuynh hướng (aptitude) và ơn gọi riêng biệt của mỗi người. Như hoa hồng rực rỡ, hoa cúc nhu mì, hoa lan thanh thoát, hoa cỏ đơn sơ, vườn hoa của Chúa có muôn màu muôn vẻ, và thiên nhiên có đẹp chính là nhờ sự muôn màu muôn vẻ ấy. Đời sống dấn thân của Mẹ Teresa tuyệt vời như hoa hồng rực rỡ, mà đời sống hy sinh âm thầm của Sơ Mỹ Lệ cũng tuyệt đẹp như hoa cúc hoa lan. Sơ nghĩ không nên và không thể gò bó tất cả các loài hoa vào một khuôn khổ chật hẹp mà làm mất đi vẻ đẹp của vườn hoa của Chúa!

PvDCUC:Nói một cách tổng quát, Sơ nghĩ nữ tu ngày hôm nay nên hay không nên mặc áo dòng khi đi ra ngoài nơi công cộng? Sơ có cảm thấy vướng víu hay bất tiện khi mặc áo nữ tu trong những lần giao tế ở bên ngoài bốn bức tường của tu viện hay không?

Nữ tu Maria Chân Mỹ: Về vấn đề tu phục, tôi nghĩ nữ tu hôm nay vẫn nên mặc áo Dòng khi đi ra ngoài nơi công cộng. Ví dụ: Tham dự Thánh Lễ, dạy Giáo Lý, tập hát cho ca đoàn, Viếng Xác… Riêng Hội Dòng tôi, quy định tham dự Thánh Lễ sẽ mặc áo Dòng chính, còn các công việc mục vụ khác thì mặc áo Dòng ngắn (áo manteau), và tôi không cảm thấy có gì vướng víu hay bất tiện cả.

Nữ tu Bạch Yến: Mặc áo dòng đi ra ngoài nơi công cộng còn tùy thuộc vào hoàn cảnh xã hội và công việc. Thứ nhất, công việc phục vụ của các nữ tu ngày nay cũng trở nên đa dạng. Vì thế, một số nữ tu có thể mặc những bộ trang phục giản di thay cho áo dòng trong khi làm công việc giáo dục hay văn phòng trong các học đường hay cơ quan của chính phủ, không mang tính cách tôn giáo. Thực sự, qua cách sống và giao tế, ăn mặc giản di, người khác cũng có thể nhận ra một cách dễ dàng đó là một nữ tu. Kế đó, nếu làm việc ở những xứ truyền giáo, mặc áo dòng khi đi ra ngoài nơi công cộng rất được khuyến khích, như sự giới thiệu về đạo Thiên Chúa, như dấu chỉ mời gọi và là chứng nhân Tin Mừng giữa lòng dân chúng. Vì vậy, vấn đề vướng víu hay bất tiện không phải là lý do để nữ tu sẽ mặc hay không mặc áo dòng đi ra ngoài nơi công cộng. Nhưng điểm chính yếu là do yêu cầu của công tác phục vụ nên có sự thay đổi uyển chuyển trong vấn đề mặc tu phục.

Nữ tu Nguyễn Thùy Linh: Khi Sơ vào dòng thì tỉnh dòng của Sơ đã không còn mặc áo dòng nữa, nên Sơ không có kinh nghiệm bản thân về việc này. Sơ suy nghĩ có lẽ việc mặc áo dòng hay không mặc áo dòng cũng đều có những điểm tích cực và tiêu cực của nó. Chiếc áo dòng thực sự là y phục bình dân của những người xưa sống vào thời gian các dòng tu mới được bắt đầu. Vì vậy nếu theo tinh thần đó thì người tu sĩ cũng nên hòa đồng và trang phục như những người bình dân đương thời hơn là ăn mặc cách biệt. Tuy nhiên điểm tích cực là chiếc áo dòng lại giúp mọi người ý thức về sự hiện diện của người tu sĩ và là một lời chứng rõ ràng về đời sống tận hiến. Về mặt thực tế, chiếc áo dòng giúp người tu sĩ không phải chọn lựa suy nghĩ về trang phục, nhưng lại có thể không thích hợp cho nhiều công tác phục vụ… Hiện giờ Sơ thấy có một số dòng tu, các Sơ mặc áo dòng trong các dịp lễ trang trọng như ngày Chủ nhật, nhưng mặc thường phục khi đi làm việc và phục vụ. Sơ nghĩ cũng có thể đây là một hướng hay và dung hoà được cả hai trường phái… Dù theo bất cứ trường phái nào, Sơ nghĩ điều quan trọng là chúng ta cũng phải nên nhớ rằng, “chiếc áo không làm nên thầy tu”. Như Chúa Giêsu đã nói, chúng ta phải thờ Chúa trong “Thần Khí và Sự Thật”, nên sự tu hành cũng phải như vậy, phải được thể hiện trong “Thần Khí và Sự Thật”.

PvDCUC:Có lẽ cũng do ảnh hưởng của phong trào nữ quyền, có một số nữ tu đã tự động phong chức Linh Mục cho nhau. Câu hỏi này thì hơi khó đấy, nhưng Sơ nghĩ người nữ tu cũng nên tranh đấu để mình được bước nên bàn thánh hay không?

Nữ tu Maria Chân Mỹ: Mục đích ơn gọi của tôi là thuộc về Chúa cách trọn vẹn và mãi mãi. Và không có niềm vui, hạnh phúc nào khác cho tôi là được làm cho Chúa vui. Ước mong lớn nhất của tôi là làm đẹp lòng Chúa và thực thi ý Ngài. Và tôi nghĩ chẳng cần tôi phải bước lên bàn thánh thì Chúa mới vui…

Nữ tu Bạch Yến: Theo sự thường, con người ta chỉ tranh đấu khi bị áp bức. Sống trong thể chế và cơ cấu của Giáo Hội Mẹ, vui với điều luật và thông điệp của Giáo Hội thì không cần phải đấu tranh làm gì cả. Với vai trò là một nữ tu rồi thì không cần thiết phải có thêm một vai trò khác mà vai trò ấy Đức Thánh Cha và giáo Hội chưa phê chuẩn.

Nữ tu Nguyễn Thùy Linh: Sơ nghĩ câu hỏi này không thể được đặt ra một cách chung chung, vì việc tranh đấu hay không không phải là vấn đề, nhưng là việc cá nhân mỗi người phải có trách nhiệm, bổn phận và can đảm nói lên sự thật của mình. Nếu một cá nhân nào đó, sau khi cầu nguyện và lắng nghe Sự Thật trong sâu thẳm tâm linh mình mà cảm thấy người nữ tu cũng phải được phép theo đuổi ơn gọi linh mục, thì cá nhân ấy hãy nói lên Sự Thật này của mình. Việc trình bày Sự Thật này phải theo một tinh thần cởi mở, xây dựng, biết đối thoại và lắng nghe nhau, đầy đức tin và đức mến, và không đi ngược lại giáo quyền của giáo hội.

PvDCUC:Có người nói mấy nữ tu vào ngày khấn là đã bước lên xe hoa chọn Chúa Giêsu làm Đức Lang Quân. Hình ảnh so sánh này có đúng không, thưa Sơ?

Nữ tu Maria Chân Mỹ: Hình ảnh so sánh này cũng đúng, bởi người nữ tu tuyên khấn ba lời khuyên Phúc Âm để thuộc trọn về Chúa và chỉ phụng sự Người. Lời cam kết linh thánh ấy là một khế ước tình yêu giữa Thiên Chúa và người tu sĩ, nên gọi Đức Giêsu là Đức Lang Quân cũng không có gì sai.

Nữ tu Bạch Yến: Lời khấn Dòng của các nữ tu không chỉ mang màu sắc cá nhân người đó với Thiên Chúa mà thôi, nhưng mang một ý nghĩa và với tư cách như là một thành phần của Hội Thánh thề hứa với Chúa trước mặt toàn thể cộng đồng dân Chúa trong một Thánh Lễ. Mà theo Thánh Kinh “Hội Thánh là Hiền Thê của Đức KiTô”. Vì vậy, nên hiểu theo ý nghĩa này thì đúng hơn.

Nữ tu Nguyễn Thùy Linh: Sơ thấy cũng đúng lắm, nhưng Chúa Giêsu còn nhiều hơn là Đức Lang Quân nữa! Người có thể là Bạn, là Anh, là Thầy, là Cha… là Tất Cả!

PvDCUC:Cái này thì hơi tò mò một chút (vụ này sự thật là do cha Nguyễn Trung Tây vẽ đường cho hươu chạy để PvDCUC théc méc với các Sơ), Sơ ơi, có khi nào Sơ cảm thấy hụt một nhịp tim khi gặp phải hình ảnh một đấng nam nhi “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” hay không?

Nữ tu Maria Chân Mỹ: Cũng xin chia sẻ một cách chân tình rằng, cảm tạ Giêsu vì Ngài chẳng để tôi xa Ngài một giây. Và tôi xác tín rằng, người ta chỉ có thể hiểu được hạnh phúc khi người ta trung thành.

Nữ tu Bạch Yến: Vì đã dấn thân cho đời sống chứng nhân, nên tôi cũng chẳng mấy quan tâm hay để ý đến chuyện hình ảnh này nọ. Vả lại, nét đẹp của tâm hồn và nội tâm cũng rất đáng quý trọng.

Nữ tu Nguyễn Thùy Linh: (cười) Dạ nhờ ơn Chúa, từ ngày “phải lòng” với Giêsu thì chưa ai đánh thắng (“compete”) lại Người được…

PvDCUC:Sơ nghĩ nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng các nhà thờ của các nước ảnh hưởng văn minh Tây Phương vắng bóng con chiên tham dự các chương trình mục vụ và thánh lễ cuối tuần? Sơ có đề nghị nào để giải quyết tình trạng giáo đường vắng bóng này hay không?

Nữ tu Maria Chân Mỹ: Theo tôi, nguyên nhân chính vẫn là Chúa chưa là đối tượng lớn nhất, và các chương trình mục vụ, thánh lễ cuối tuần chưa khơi dậy, chưa đáp ứng được những khao khát tâm linh của họ. Chưa có sức hấp dẫn, lôi cuốn… Ở đây tôi muốn nói đến lực hút thiêng liêng, chứ không phải những hào nhoáng bên ngoài… Một đề nghị, là mỗi Kitô hữu, không riêng gì linh mục, tu sĩ, phải vào được trong trái tim của Thiên Chúa và bày tỏ tình yêu ấy trong cuộc sống thường ngày. Bởi những tâm hồn có lòng mến bừng cháy trong tim, thì làm cho lửa ấy bừng lên trong những ai tới gần họ.

Nữ tu Bạch Yến: Các con chiên cần sự thông cảm và quan tâm của các Chủ chiên. Giáo dân sẽ có hứng thú tham gia các chương trình mục vụ và thánh lễ cuối tuần, nếu các đấng chăn chiên nhân hiền chịu khó chăm sóc cho từng con chiên của mình bằng cách thăm viếng, ủi an, nâng đỡ… Mặt khác, ‘Tông đồ giáo dân’ cần được chú trọng hơn. Sự mời gọi giáo dân đóng góp vai trò, tiếng nói, công việc của nhà xứ sẽ làm tăng thêm lòng nhiệt thành và sự gần gũi, tình liên đới với các thành phần khác của giáo xứ, như vậy các sinh hoạt sẽ trở nên sống động hơn.

Nữ tu Nguyễn Thùy Linh: Đây là một vấn đề lớn mà một người tầm thường như Sơ không thể nhìn thấy hết các chiều cao, sâu, rộng của nó! Nhưng vì PvDC đã hỏi thì thôi dù suy nghĩ nông cạn Sơ cũng xin được chia xẻ để hầu độc giả báo Dân Chúa! Sơ nghĩ việc này do nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ nguyên nhân chính là vì cuộc sống vật chất dư thừa ở các nước này làm con người tưởng rằng mình không còn cần đến Thiên Chúa nữa. Có lẽ nhiều người cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chúng con ở trên Trời, xin Cha cứ ở trên ấy làm công việc của Cha để chúng con ở dưới này làm công việc của chúng con…”! Bởi vì đây chỉ là một sự lầm tưởng, nên có lẽ nếu có thể làm cách nào giúp con người ý thức lại được sự lầm lẫn này của họ thì họ có thể trở về lại với Chúa.

PvDCUC:Mới tháng trước, Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu đi một chủ đề về Niềm tin Á Châu, trong đó, Nguyệt San đã trích lời nhắn nhủ của Đức Giáo Hoàng Biển Đức tới các Giám Mục Mã Lai, Singapore là “…nếu muốn cho đức tin được phát triển, nó cần phải đâm rễ sâu trên đất Á Châu, nếu không người ta sẽ coi nó như một thứ đồ nhập cảng từ ngoại quốc, xa lạ với văn hóa và truyền thống của dân tộc quý huynh…” (Phạm Xuân Khôi, Kitô Giáo và Sự hiểu biết về Linh đạo Á Đông, Vietcatholic.net, 6/6/2008). Sơ nghĩ sao về lời nhắn nhủ này của Đức Giáo Hoàng?

Nữ tu Maria Chân Mỹ: Theo tôi, lời nhắn nhủ của vị cha chung đến các Giám mục Á Châu muốn nhấn mạnh đến giọng điệu mới mẻ của truyền thống đức tin của từng dân tộc phải được gắn liền với lịch sử, với truyền thống và văn hoá của dân tộc đó. Như đức tin của dân tộc Việt Nam đã được thấm đẫm máu của 117 Vị anh hùng tử đạo Việt Nam, và còn biết bao vị tử đạo không chính thức được phong thánh… trong đó có cả các chị em Mến Thánh Giá.

Nhân dịp kỷ niệm Tam Bách chu niên Dòng MTG, tôi muốn nhắc lại lời ông Phạm Đình Khiêm đã phát biểu: “Một Giáo Hội và một dân tộc đã hiến dâng cho Thiên chúa những công nghiệp và tâm hồn như tâm hồn và công nghiệp của các nữ tu MTG trong ba thế kỷ (chưa nói đến các cộng đồng tương tự khác), Giáo Hội ấy quyết không phải là một Giáo Hội cằn cỗi, và dân tộc ấy quyết không phải là một dân tộc đoạ đầy, mà trái lại, là một Giáo Hội được chúc phúc, một dân tộc nhiều triển vọng”.

Nữ tu Bạch Yến: Hội nhập đức tin công giáo trên đất Á Châu là điều hiển nhiên và thiết yếu. Bên cạnh đó, sự gặp gỡ Đức KiTô, Đấng vượt trên mọi giới hạn của văn hóa và quốc gia chính là cội rễ gốc và quan trọng hơn hết và cần được đâm sâu vào lòng dân Chúa, ở mọi nơi trên cùng thế giới qua sự Hiệp Thông.

Nữ tu Nguyễn Thùy Linh: Đây là một lời nhắn nhủ rất thâm thúy và xác thực, là một tin mừng và cũng là một bổn phận và trách nhiệm cho Giáo hội Á Châu.

PvDCUC:Một ngày bình thường của Sơ ra sao? Một ngày cuối tuần, thứ Bẩy và Chúa Nhật của Sơ thì thế nào?

Nữ tu Maria Chân Mỹ: Ngày thường và Chúa Nhật tôi đều thức dậy 4 giờ sáng và 10 giờ tối thì nghỉ.

Ngày thường thức dậy 4 giờ, 4 giờ 30 đọc kinh Phụng Vụ sáng, Nguyện ngắm, Tham dự thánh Lễ. Sau Thánh Lễ điểm tâm sáng, và ra Nhà Trường đón trẻ từ 6 giờ 45 phút. Dạy học suốt cả ngày cho đến 5 giờ chiều trẻ mới về hết. 5 giờ 30 phút đến 6 giờ 30 phút đọc kinh Phụng vụ chiều, sau kinh chiều ăn tối. Kinh tối lúc 7 giờ 30. Sau đó cầu nguyện riêng, đọc sách thiêng liêng, học hành…

Ngày thứ bảy không dạy trẻ, lo chưng bông Nhà Thờ, giặt đồ lễ… Dời giờ kinh chiều lên 3 giờ để tham dự thánh lễ lúc 4 giờ 30 chiều.

Chúa Nhật đi hai lễ sáng chiều và thừa tác trong Thánh Lễ. Dạy Giáo Lý cho các em thiếu nhi từ 2 giờ 30 đến 3 giờ 30, cùng tham dự Thánh Lễ với các em.

Chiều thứ hai, thứ ba trong tuần đi thăm những gia đình bà con giáo dân, đặc biệt những gia đình rối, những bà con nghèo, cách đó khoảng 9,10 cây số (Km).

Nữ tu Bạch Yến: Ngày bình thường cũng như cuối tuần, chu toàn bổn phận là một nữ tu trong việc thờ phượng và cầu nguyện, công việc quan trọng thứ hai được Hội Dòng giao phó là học tập. Ngoài ra còn có thể tham gia vài sinh hoạt của hội đoàn, các cộng đồng hay nhà xứ khi cần thiết.

Nữ tu Nguyễn Thùy Linh: Trong tuần thì sau khi đọc kinh và chiêm niệm ban sáng, hầu hết Sơ đi dạy học ở trường Đại học Công Giáo Úc, và cũng đi lễ tại đây. Tối về đọc kinh và ăn cơm với cộng thể nếu kịp. Tùy học kỳ, mỗi tuần có một ngày hoặc đôi khi hai ngày Sơ làm việc ở nhà. Thời gian này là dành cho soạn bài, nghiên cứu, làm công tác trong nhà dòng, hoặc làm các việc chuẩn bị cần thiết cho sinh hoạt cuối tuần ở nhà thờ hay các việc thiện nguyện khác. Trong tuần cũng có một buổi tối Sơ dạy giáo lý cho các em nhỏ trong giáo xứ, một buổi họp cộng thể, và khi có thể, một buổi họp báo Dân Chúa. Thứ Bảy ngoài việc đọc kinh và đi lễ thì thường là ngày dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn nhà nguyện, giặt giũ, đi chợ, v.v… và tĩnh tâm mỗi tháng một lần. Chủ nhật thì Sơ sinh hoạt giới trẻ ở nhà thờ cha Chủ nhiệm tại Brunswick.

PvDCUC:Trước khi chấm dứt buổi phỏng vấn, xin hỏi các Sơ còn có tâm tình chi muốn gửi đến quý độc giả hay không?

Nữ tu Maria Chân Mỹ: Xin kính chúc mọi người luôn an vui, hạnh phúc trong tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Ước mong Chúa có thể tự do thực hiện hết chương trình của Người nơi quý vị. Xin gởi đến quý vị lời của văn hào và thi sĩ Ấn Độ, R. Tagore: “Khi tôi ngủ, tôi mơ rằng cuộc đời là niềm vui; lúc thức dậy, tôi thấy rằng cuộc đời là phục vụ; khi phục vụ, tôi mới thấy rằng phục vụ là niềm vui”.

Nữ tu Bạch Yến: Xin chân thành cám ơn sự kiên nhẫn của quý độc giả khi đọc những dòng chữ này. Xin kính chúc quý vị luôn an khang và tràn đầy ân sủng trong Tình Yêu bao la của Thiên Chúa và Mẹ Maria luôn mãi!

Nữ tu Nguyễn Thùy Linh: Xin cám ơn quý độc giả đã theo dõi cuộc phỏng vấn này, và ủng hộ báo DCUC. Xin quý độc giả tiếp tục ủng hộ tờ báo! Và xin cám ơn PvDC Úc Châu đã cho Sơ có được cơ hội tâm sự với quý độc giả, và đã có những câu hỏi rất hay!

PvDCUC:Đại diện Nguyệt san Dân Chúa Úc Châu, xin được gửi lời cám ơn cho thì giờ quý báu của các Sơ. Xin kính chúc các Sơ tiếp tục nhận lãnh được ân sủng thiên đàng tuôn đổ trên đời tận hiến. Và nếu có dịp ghé vào Melbourne, Úc Châu, đặc biệt là Sơ Chân Mỹ hiện đang công tác mục vụ tại Việt Nam, mời các Sơ ghé vào tòa soạn Dân Chúa Úc Châu, PvDCUC hứa sẽ lấy tiền của cha Chủ Nhiệm dẫn các Sơ đi ăn thịt Kangaroo bẩy món.

www.nguyentrungtay.com