Washington Ðặc sứ của Ðức Giáo Hoàng Gioan II, Ðức Hồng Y Pio Laghi người Ý đã gặp gỡ Tổng Thống Hoa Kỳ George W Bush và lập lại lời phản kháng của Tòa Thánh đến cuộc xâm lăng do Hoa Kỳ cầm đầu, khi nói rằng một cuộc chiến không có sự đồng thuận của Liên Hiệp Quốc sẽ là cuộc chiến "vô luân ... bất hợp pháp và bất chính".


Ðức Hồng Y Pio Laghi đã trao thư riêng của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho Tổng Thống Bush trong buổi gặp gỡ vào ngày 5/3 tại Tòa Bạch Ốc, Ngài nói rằng Tòa Thánh tin là "những con đường đề bạt hòa bình" vẫn còn để chấm dứt cuộc khủng hoảng Iraq.

"Mặc dầu với tình thế hiện tại, tôi sẽ ra về với niềm hy vọng"

Trong cuộc họp báo tại Câu Lạc Bộ Báo Chí sau buổi gặp gỡ, Ðức Hồng Y Laghi không cho biết chi tiết, nhưng Ngài nhắc đến câu cuối trong bức thư riêng của Ðức Giáo Hoàng gởi cho Tổng Thống Bush: "Tôi đảm bảo với ông, thưa Tổng Thống, tôi đang cầu nguyện cho ông và cho quốc gia Hoa Kỳ, và tôi cầu xin Thiên Chúa linh cảm cho ông để tìm kiếm ra con đường cho nền hòa bình vững vàng, là những nỗ lực của con người đáng khâm phục nhất"

Buổi hội thảo tại Tòa Bạch Ốc còn có sự tham gia của Bà Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Condoleezza Rice và ông Jim Nicholson, Ðại Sứ Hoa Kỳ làm việc cạnh Tòa Thánh.

Qua ngày mùng 6/3, Ðức Hồng Y đã gặp gỡ Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Colin Powell trước khi dừng chân tại Nữu Ước để trở về Roma vào sáng Thứ Bảy 8/3 và chắc chắn Ngài sẽ tường trình ngay lên Ðức Thánh Cha, trước khi Ðức Thánh Cha và Giáo Triều Roma tham dự tuần tĩnh tâm bắt đầu từ chiều Chúa Nhật 9/3/2003.

Phát biểu cho đài phát thanh Vatican sau cuộc gặp gỡ, Ðức Hồng Y nói Ngoại Trưởng Powell xem ra mở ngõ với tư tưởng bổ túc nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, một nghị quyết sẽ khiến Hoa Kỳ xử dụng biện pháp quân sự để buộc Iraq giải giới.

So với những người khác trong chính quyền của ông Bush, Ðức Hồng Y nhận định "Có lẽ cho thấy ít nhất ông Powel là người đi cùng con đường với Anh Quốc", tức là ông nhận thức đển việc sửa đổi để cho các thanh tra vũ khí Liên Hiệp Quốc có thêm thời gian.

Ðức Hồng Y Pio Laghi, cựu Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ làm việc trong 10 năm từ 1980 đến 1990 và là người bạn với ông Bush cha, George H.W. Bush, đã thường chơi quần vợt khi Bush Cha còn là phó Tổng Thống sau này thắng cử Tổng Thống. Năm nay Ngài đã 80 tuổi, về hưu vào năm 1999 khi giữ chức vụ Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục. Ðối với Ðức Thánh Cha và giáo triều Roma, ai cũng đồng ý Ngài là người am tường quan điểm của Hoa Kỳ đối với nạn khủng bố và các vấn đề quốc tế. Chính Ngài cũng là vị giáo sĩ Vatican đầu tiên đến cầu nguyện tại "Ground Zero" ở Nữu Ước sau ngày khủng bố Tháp Song Sinh 11/9. Ngài cũng đến Ngũ Giác Ðài để cầu nguyện cho những nạn nhân tử nạn trong biến cố này.

Thời Bush cha đã qua đi nay đến Bush con, Ðức Hồng Y Pio Laghi cho biết cuộc gặp gỡ với Tổng Thống Bush diễn ra khoảng 40 phút trong bầu khí tốt đẹp.

Ðức Hồng Y nói: "Tôi lắng nghe và tôi nói, rồi tôi lắng nghe và lại nói. Ông ta (Bush) lắng nghe tôi và dĩ nhiên là ông ta nói chuyện với tôi. Chúng tôi giải bày rất thẳng thắn và rõ ràng".


Nhưng trong cuộc họp báo sau khi Ðức Hồng Y cử hành Thánh Lễ tại Ðền Thánh Quốc Gia Mẹ Vô Nhiễm ở Washington, Ðức Hồng Y nói Ngài không biết là "sứ điệp của Ngài (Ðức Thánh Cha) có được tiếp nhận với sự chú ý hay không". Ðức Hồng Y nói thêm "Chẳng có sao nếu họ không nghe chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục với tư cách là một giáo hội".

Ðức Hồng Y đã nhấn mạnh đến cuộc khủng hoảng giữa Israel và Palestine với ông Bush, Ðức Hồng Y đã nói với ông Bush "Chúng ta nên giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt hơn là để lại sau này".

Ðức Hồng Y Laghi cũng phản đối đến những lời lẽ nói rằng chiến tranh sẽ thúc đẩy cho chính nghĩa hòa bình và tự do tại Iraq. Ngài nói "Kìa hãy xem những gì xảy ra tại Afghanistan. Chẳng rõ là những gì đã xảy ra nữa, nhưng hòa bình và tự do đã không thấy tại nơi ấy".

Ðức Hồng Y cũng nói đến những hậu quả cuộc chiến ảnh hưởng tới sự quan hệ của Kitô Giáo và Hồi Giáo. "Chúng ta đã cố gắng xây dựng nhịp cầu giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo và chúng ta không muốn tiêu diệt những nhịp cầu này".

Trong buổi họp báo trước đó, Ðức Hồng Y đã nói với Tổng Thống Bush" Hôm nay là ngày Thứ Tư Lễ Tro, theo chỉ thị của Ðức Giáo Hoàng, tất cả mọi người Công Giáo trên toàn thế giới ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình..."

Một quyết định xử dụng lực lượng quân sự "chỉ có thể thực hiện trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc". Ðức Laghi cũng nói trước khi tuyên chiến, cộng đồng quốc tế phải xét đến "những hậu quả nghiêm trọng" đến sự tranh chấp vũ khí, kể cả sự chịu đựng đau khổ của dân Iraq và quân lực của cả hai bên, gia tăng thêm sự bất ổn tại Trung Ðông và tạo nên một vực thẳm mới giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo.

Ðức Hồng Y nói Iraq phải thi hành những bắt buộc do quốc tế để giải trừ vũ khí và tôn trọng nhân quyền, nhưng Tòa Thánh giữ vững lập trường rằng Liên Hiệp Quốc cũng có thể buộc Iraq tuân thủ theo những nghị quyết Liên Hiệp Quốc mà không cần đến sự tuyên chiến của Hoa Kỳ.

Khi nói đến Tổng Thống Saddam Hussein, Ðức Hồng Y nói với các ký giả: "Nếu ông ta đã có ý giải trừ vũ khí, chắc chắn trong tình thế này ông ta sẽ tiến hành rất chậm chạp. Ông ta đã hứa cả 12 năm nay rồi còn gì, nhưng hiện thời chúng ta đã đi tới đâu?".

Tòa Thánh vẫn duy trì rằng không có sự thích đáng về đạo đức cho một cuộc chiến chống Iraq. Ðức Giáo Hoàng và các giáo sĩ Tòa Thánh tranh luận rằng một cuộc chiến trên Iraq không cân xứng với mối đe dọa của nó, có tiềm tàng gây thảm họa đến cho cư dân và đi ngược lại tác dụng cho cuộc chiến tòan cầu chống nạn khủng bố.

Tuy nhiên, chính quyền Bush cho rằng đó là sự bắt buộc về luật pháp và luân lý để ngăn ngừa Sađam không xử dụng đến vũ khí giết người hàng loạt hay bán vũ khí cho quân khủng bố để xử dụng chống lại Hoa Kỳ.


Trong buổi họp báo, một ký giả đã hỏi Ðức Hồng Y Laghi sự gì sẽ xảy ra nếu ông Bush không nghe những chỉ thị của Ðức Giáo Hoàng và Hoa Kỳ đi vào cuộc chiến với Iraq. Ðức Hồng Y trả lời: "Ðức Thánh Cha không có đưa chỉ thị; Ðó là Phúc Âm đã đưa chỉ thị cho chúng ta và Phúc Âm nói về hòa bình. Cho nên tùy thuộc vào chính quyền Hoa Kỳ để nhận thức đến những hậu quả".

Ðức Hồng Y cũng nói Ngài không thể nói với các ký giả tại Tòa Bạch Ốc sau cuộc gặp gỡ Tổng Thống vì "họ nói với tôi không được làm".

Các ký giả thường trực tại phòng báo chí Tòa Bạch Ốc cho biết thật là một sự việc chưa hề xảy ra, khi một người đã gặp Tổng Thống và bị yêu cầu không được ra khu bên ngoài dành cho báo chí để tiếp các ký giả. Một phóng viên lâu năm tại Tòa Bạch Ốc nói "Thật là một sự sỉ nhục".

Ðức Hồng Y Laghi đã không được trình bày lý do tại sao Ngài không được gặp các ký giả tại Tòa Bạch Ốc, nhân viên tại đây chỉ nói là các ký giả tại Tòa Bạch Ốc không được phép.

Ðại sứ Hoa Kỳ Nicholson làm việc bên cạnh Tòa Thánh cũng từ chối không đưa ra những chi tiết cho các ký giả tại Tòa Bạch Ốc, dầu vậy ông cũng trả lời một câu hỏi đến sự liên hệ giữa Tòa Thánh và Hoa Kỳ.

Ðại Sứ Nicholson trả lời: "Sự liên hệ vẫn còn chặt chẽ vì chúng tôi có một nền tảng tiêu chuẩn chung .... về tư dọ và nhân phẩm con người".

Trước khi Ðức Hồng Y Laghi gặp Tổng Thống Bush, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Ari Fleischer đã nói: "Tổng Thống nghĩ đến đến hành động vô luân nhất trong tất cả là nếu Saddam Hussein chuyển vũ khí bằng cách nào đó cho quân khủng bố để chúng có thể dùng chống lại chúng ta. Cho nên Tổng Thống xem việc dùng võ lực là một vấn đề hợp pháp, cũng như là một vấn đề luân lý và như là một vấn đề để bảo vệ dân Hoa Kỳ".

Ðức Hồng Y Pio Laghi, đặc sứ của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trở về Roma, tại phi trường quốc tế Leonardo Da Vinci ở Roma, Ngài đã nói với ký giả:

"Xét về một mặt tôi có thể nói, họ rất thân thiện, nhưng xét về mặt khác, thân thiện thôi cũng chưa đủ. Chúng tôi nhấn mạnh rằng họ nên đi và hãy nhận đèn xanh từ Liên Hiệp Quốc, và điều đó rất quan trọng. Theo đường lối đó, bất kỳ sự can thiệp nào sẽ trở nên hợp pháp và chính đáng".

Trong những tháng ngày qua, Tòa Thánh đã nỗ lực rất nhiều để lên tiếng chống lại chiến tranh đối với Iraq và thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới hãy làm mọi cách có thể tìm lấy những giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Những nhân vật quan trọng mà Ðức Thánh Cha đã tiếp kiến kỳ vừa qua là Thủ Tướng Anh Tony Blair một đồng minh ủng hộ mạnh mẽ nhất với Tổng Thống Bush, và Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan.

Vào trung tuần tháng 2, Ðức Giáo Hoàng đã phái đặc sứ của Ngài đến Iraq là Ðức Hồng Y Roger Etchegaray để trao thư riêng của Ðức Thánh Cha cho Tổng Thống Saddam Hussein.