Hôn Nhân, Đức Tin Và Tình Yêu (4)

CHƯƠNG BA: THỰC TẠI TÂM LÝ

Trong chương trước, khung cảnh xã hội của hôn nhân hiện đại đã được trình bày khái quát và một điểm được nhấn mạnh là các thay đổi khác nhau đã khiến cho liên hệ vợ chồng trở nên thân mật nhiều hơn, khiến họ đem vào mối liên hệ cái phần bản ngã sâu sắc hơn của mình. Nhưng cái phần sâu sắc hơn của bản ngã ấy là gì ?

Trong các cuộc hôn nhân ở các xã hội Phương Tây hiện nay, ta thấy có mối liên hệ giao ước giữa chồng và vợ, trong đó cảm quan, xúc cảm và bản năng tạo thành một cái khung chính cho các tham chiếu và hoài mong căn bản. Người ta không còn coi là đủ nữa khi người chồng chỉ đóng vai kiếm kế sinh nhai và làm chủ gia đình, và người vợ thì đóng vai sinh sản con cái và trông nom việc gia đình, còn tình cảm chỉ đóng vai trò phụ thuộc với giòng đời trôi qua. Trái lại ngày nay, ngay từ thuở đầu, đã có sự tương hành của tình cảm và tính dục, được hai vợ chồng biểu lộ dựa trên những kinh nghiệm học hỏi được từ gia đình, đặc biệt từ cha mẹ hai bên. Liên hệ cha mẹ và con cái với những đóng góp đáng kể của thân nhân đã tạo nên mối liên hệ thân mật đầu tiên giúp vợ/chồng có được những trang bị cần thiết cho các liên hệ thân mật sẽ có sau này, trong đó liên hệ hôn nhân là liên hệ quan trọng thứ hai trong cuộc sống của vợ chồng.

Ðối với 90 đến 95% các cặp vợ chồng, thì cuộc đời bao giờ cũng là vở kịch hai màn. Màn một là kinh nghiệm giữa đứa trẻ và các thành viên quan trọng của gia đình, và màn hai là sự lập lại và phát triển thêm kinh nghiệm đó trong liên hệ vợ chồng. Lý do vì bất cứ khi nào ta giáp mặt với một liên hệ thân mật tình cảm, ta đều lập tức sử dụng đến những kinh nghiệm đã học được trong hai mươi năm đầu tiên trong đời. Thời trước, những đáp ứng tình cảm luôn luôn giữ vai trò phụ thuộc đối với các yếu tố xã hội. Ngày nay thì ngược lại, chúng giữ vai trò chủ yếu trong mối liên hệ ngay từ buổi đầu. Chính trong thực tế ấy mà ta gặp một trong những nguy hiểm chính của hôn nhân hiện đại, và việc thiếu hiểu biết về tâm lý học cũng như chuẩn bị thích đáng về phương diện này hiện là một trong những lý do chính đưa tới thất bại và cay đắng trong hôn nhân. Sự tương hành về xã hội và tâm lý đã tiến tới trình độ khiến cho sự chuẩn bị cũng như trợ giúp của xã hội hiện dành cho hôn nhân trở thành thiếu sót.

ÐÓNG GÓP TÂM LÝ - YẾU TỐ SINH HỌC

Có hai thành tố chính góp phần vào việc tăng trưởng nhân cách ta. Nói một cách tổng quát, thành tố thứ nhất chính là yếu tố sinh học (biological). Lúc thụ thai, hai đơn vị di truyền (genes) của cha và mẹ kết hợp với nhau và quyết định việc ra đời của con cái. Nhưng các đơn vị di truyền không phải là yếu tố duy nhất có tính quyết định. Trong giai đoạn bào thai, đứa trẻ có thể chịu ảnh hưởng những yếu tố tác hại, như sự nhiễm trùng của người mẹ phát sinh bệnh ban đỏ chẳng hạn, hoặc những hậu quả trầm trọng hơn liên quan đến các thứ thuốc như Thalidomide.

Các nghiên cứu trong lãnh vực di truyền học cho thấy những đặc điểm như lo âu (1), tính khí thất thường (2), thích sống cô độc và các đặc điểm phân tâm loạn trí (schizoid) (3) một phần được quyết định bởi các ảnh hưởng di truyền nhận được từ cha mẹ. Ðiều này có nghĩa là những người thừa hưởng các đặc điểm trên có thể để lộ chúng ra trong thời niên thiếu cũng như nhiều năm sau. Vì các đặc điểm trên ảnh hưởng nhiều đến hành động giữa chồng và vợ, nên sự hiện diện của chúng có một hiệu quả mạnh đối với mối liên hệ của họ. Sự góp phần của yếu tố sinh học này được gọi là yếu tố tự nhiên; trái với nó là yếu tố dưỡng dục tức các kinh nghiệm đứa trẻ học được trong khung cảnh gia đình.

Cuộc tranh luận về phần đóng góp chính xác của hai yếu tố này vào nhân cách người trưởng thành hiện vẫn đang tiếp diễn, với một bên là các nhà phân tâm học và tâm lý học có khuynh hướng sinh học chủ trương rằng yếu tố thể lý đóng góp nhiều hơn, và bên kia là các nhà phân tâm học và tâm lý học nghiêng về năng động học (dynamic) chủ trương rằng môi trường nhân bản và các ảnh hưởng của gia đình góp phần quan trọng hơn. Không có chủ trương nào làm tất cả mọi người hài lòng. Có điều chắc là cả hai yếu tố đó cùng đều đóng góp đáng kể.

ÐÓNG GÓP TÂM LÝ - YẾU TỐ NĂNG ÐỘNG

NĂM ÐẦU TIÊN:

Từ lúc sinh ra đời, đứa trẻ chịu ảnh hưởng các tác động hỗ tương của cả cha lẫn mẹ. Tác động hỗ tương này có tính năng động học, theo nghĩa, nó được diễn tiến kèm theo cảm quan là thứ luôn luôn ở trạng thái thay đổi. Các cảm quan này xác định ra phẩm chất của tình thân mật giữa đứa trẻ và cha mẹ cũng như các khuôn mặt quan trọng khác như anh chị, thân nhân, các thày giáo và bạn bè.

Các cảm quan ấy sẽ được diễn dịch thành những mẫu mực xúc cảm nhất định mà đứa trẻ sẽ lĩnh hội được trong diễn trình lớn lên. Như Erickson đã nói: cái mà nó lãnh hội là "sự cảm thức vễ" những gì xẽ được xây vào hoặc sẽ bị đào thải đi trong những năm sau này (4).

Trong năm đầu tiên, đứa trẻ được bế, được chơi với, được bú vú mẹ, và thường được mẹ, cha hoặc một người thay thế ôm ấp vỗ về. Từ những kinh nghiệm sớm sủa ấy, đứa trẻ lãnh hội được cái cảm nhận căn bản về sự tin tưởng trong việc gần gũi tuyệt đối về thể lý (5). Sự nên một do gần gũi này làm đứa trẻ có được sự hợp nhất có tính cộng sinh (symbiotic union) qua đó nó cảm thấy là một với mẹ. Tùy theo phẩm chất của sự hợp nhất đó, mà sau này, trong diễn biến của cuộc sống, đứa trẻ sẽ nhớ lại sự gần gũi thể lý ấy như là một cảm nhận của lòng tín nhiệm, hoặc ngược lại, như một cảm nhận của sự bất tín nhiệm. Ðiều này rất quan trọng trong sinh hoạt dục tính, thể hiện qua sự kết hợp giữa hai thể xác, trong đó cảm quan tin tưởng và an ổn không thể thiếu được. Có những trường hợp trong đó nhiều người đàn ông cũng như đàn bà nói rằng họ không chịu được sự gần gũi giữa hai thân xác, ngại bị đụng tới, chứ đừng nói chi đến việc làm tình. Thành thử cái cảm quan về sự an ổn thể lý, vốn đi kèm với bất cứ giao tiếp yêu đương nào, có thể trở thành cơn mộng hãi hùng khiến cho sự gần gũi không sao thực hiện được.

Trong khi ấy, lòng tin tưởng tiếp tục phát triển: đứa trẻ hoặc được bú sữa mẹ, bú sữa bình hoặc được cai sữa trong năm thứ nhất. Hoạt động này tập trung ở miệng và đó là "giai đoạn miệng", theo quan điểm của Freud. Miệng, môi, lưỡi, tất cả đều tham dự vào hoạt động nuốt và nhai. Ðặc tính mềm của môi và phía bên trong của miệng làm phát sinh một cảm giác khoan khoái, mà theo Freud, đó là vùng gợi dục đầu tiên trong biến hóa của dục năng (libido)(6). Cho bú mang lại sự thoả mãn liên tiếp cho miệng, nhưng miệng cũng là chỗ để hôn hít và các hoạt động tính dục khác. Một lần nữa, cần có cảm nhận tin tưởng giúp hai con người có thể tới với nhau và thông đạt qua miệng.

Freud, Erickson và Bowlby đều là những lý thuyết gia chính chủ trương tâm động học. Các công trình nghiên cứu của Bowlby tương đối gần đây, mới chỉ khoảng 50 năm qua, nhưng rất quan trọng để hiểu các mối liên hệ nhân bản. Ðối với Freud, sợi dây liên kết giữa mẹ với con trong năm thứ nhất là liên hệ qua miệng. Ðứa trẻ chú ý đến mẹ vì mẹ luôn luôn thỏa mãn các nhu cầu ăn uống của nó. Sợi dây liên kết mẹ và con được giả định dựa trên sự trao đổi ấy. Bowlby không đồng ý như vậy. Ông cho rằng sự gắn bó của đứa trẻ vào mẹ dựa trên sự tiếp xúc rộng hơn thế nhờ các mạch chuyển có tính bản năng của xúc giác, thị giác và thính giác. Ðứa trẻ nhận ra và gắn bó với mẹ vào tháng thứ tư, khi nó nhận ra bà bằng thị giác, quen thuộc với giọng nói của bà và hơn hết với sự mơn trớn của bà. Bowlby viết ba cuốn sách về đề tài này (7) và một cuốn nhỏ hơn tóm tắt các ý tưởng của ông (8). Như thế sợi dây tình cảm hoặc sự gắn bó yêu thương đã bắt đầu có ở sáu tháng đầu đời và tiếp tục suốt thời thơ ấu. Khởi đầu, sự gắn bó này rất thân mật và gần gũi. Ðứa trẻ, lúc đó đang tập bò, tập đi, vẫn không ở quá xa mẹ. Mẹ là trung tâm thể lý và xúc cảm của đời nó và nó luôn luôn chạy lại với mẹ mỗi khi có gì đe dọa hoặc làm nó lo lắng ở khu vực chung quanh. Những người lạ, các con vật, tiếng động, nước là một vài yếu tố quấy rối khiến đứa trẻ vội chạy lại với mẹ để tìm sự an ổn. Sự gắn bó này là sợi dây liên kết yêu thương trong đó sự lo âu và sự an ổn đóng một vai trò then chốt. Sự khởi đầu của yêu thương chính là cảm nhận an ổn vì có sự gần gũi thể lý và, như Erickson đã cho thấy, sự an ổn này mang theo đặc tính tin tưởng.

Tất cả những điều xẩy ra trong năm đầu tiên như trên sẽ tiếp tục trong suốt cuộc đời. Các tình bạn và các liên hệ thân mật sau này của ta đều là những dây liên kết tình cảm gắn bó. Bất cứ nơi nào sợi dây liên kết đó mạnh mẽ, hôn nhân là một, thì người bạn của ta luôn mang đến một cảm quan an ổn và tin tưởng, và ta sẽ hướng về họ để tìm được an tâm và nâng đỡ.

NĂM THỨ HAI VÀ NĂM THỨ BA

Năm thứ nhất là thời của thân mật thể lý trong đó nền tảng của tin tưởng, của an toàn và gắn bó được xây dựng. Nhưng khi đứa trẻ lớn lên, nó sẽ dần dị biệt hóa bản thân nó với mẹ. Erickson gọi thời gian này là giai đoạn "cảm nhận về tự chủ mà chưa mất tự hào"(9).

Trong hai năm này, đứa trẻ đi qua giai đoạn đầu của tự chủ. Ðây là lúc nó cảm thấy nhu cầu phải làm lấy mọi chuyện. Nó muốn đút ăn lấy, học cách tự mặc lấy quần áo, tự chạy đi đây đi đó, và làm việc này việc nọ. Nó thực hiện việc đó một cách dò chừng, hễ sai thì làm lại, với sự giúp đỡ tích cực của mẹ. Có lúc được mẹ khen nức nở vì làm khéo, nhưng đôi khi cũng bị mẹ vì sốt ruột rày la là kém cỏi và bị mẹ làm thế, do đó vô tình mẹ làm nó buồn tủi vì cảm thấy mình không làm gì nên trò.

Có lẽ kinh nghiệm tự chủ đặc biệt nhất là khả năng kiểm soát việc đại tiện. Trong việc huấn luyện đi vệ sinh này, nhiều biểu lộ xúc cảm đã xảy ra. Ðương nhiên, mẹ bao giờ cũng muốn con mình được huấn luyện về chuyện đi cầu càng sớm càng tốt. Tuy nhiên điều quan trọng là đứa trẻ cần cảm nhận là nó làm chủ được cơ thể nó, không phải vì sợ hoặc để vui lòng mẹ, cho bằng vì nó được tự do làm việc ấy. Với cha mẹ hiểu biết, thì điều này là điều tốt và vì thế việc huấn luyện đi cầu trở thành một phần thành công của giai đoạn tự lập.

Freud chú tâm đến diễn trình điều khiển việc đi cầu. Ông ta gọi giai đoạn này là giai đoạn hậu môn (anal phase). Ðứa trẻ học cách giữ lại hoặc tống khứ cái nó cảm nhận như là thế giới bên trong của nó. Ðiều ấy làm đứa trẻ cảm thấy trong tay nó một sức mạnh lớn lao, và đôi khi, giai đoạn này cũng là thời gian của nhiều sáo trộn. Ðây là những năm có những dấu hiệu rõ rệt của tính gây hấn. Việc kềm chế chất bài tiết có thể là một hành vi gây nổi loạn, nhưng việc không vâng lời mẹ một cách tổng quát có thể là dấu hiệu đầu tiên của độc lập. Nếu độc lập ấy bị trừng phạt, thì đứa trẻ có thể cảm nhận lần đầu tiên sự tương phản ý nghĩa trong cùng một sự kiện (ambivalence), tức là nó có thể sẽ yêu và ghét cùng một con người. Lúc thì mẹ là nguồn của mọi điều tốt đẹp, lúc mẹ lại giận dữ, la hét và có thể phét đít nó. Khả năng di động từ yêu thương qua giận dữ, ghét bỏ, hối hận, tha thứ và rồi lại trở lại với yêu thương là một chu trình quen thuộc mà đứa trẻ sẽ nhận xét thấy trong giai đoạn này, dù một số nhà phân tâm học như Melanie Klein cho rằng chu trình đó xẩy ra sớm hơn. Với tự chủ và giai đoạn hậu môn, ta thấy có hiện tượng lưỡng gía trị (ambivalence) đã bàn ở trên. Freud cũng nhấn mạnh rằng hậu môn, giống như môi và miệng, có một lớp da mịn, tạo ra một khu vực khoái cảm. Việc đi cầu có thể là việc gây khoái và, như người ta thấy, hậu môn đã được một số người sử dụng cho mục đích tính dục. Thành ra hiện tượng sinh dục trẻ thơ này cũng sẽ có vang dội trong thời trưởng thành.

Một phần của tự lập là việc đứa trẻ dần dần tách rời mẹ về phương diện thể lý. Việc tách rời này là một vấn đề tế nhị và cần được xảy ra từ từ. Dần dà đứa trẻ có thể đương đầu được với sự đơn độc thể lý mà không cảm thấy hoảng hốt vì cô lập và lẻ loi. Khoảng năm thứ ba, nó có thể sống xa mẹ mấy tiếng đồng hồ để đi tới vườn trẻ hoặc các nhóm chơi đùa. Giờ đây nó sẵn sàng không chú ý đến sự có mặt về thể lý của mẹ, vì nó đã an ổn ghi vào ký ức sự hiện diện của bà, và điều ấy mang lại cho nó thời gian an ổn đầu tiên phải sống xa mẹ. Thời gian sống xa mẹ sẽ dần dần được kéo dài hơn trong suốt thời thơ ấu, và đứa trẻ sẽ phát triển được thế quân bình giữa sự gần gũi và sự xa cách. Thế quân bình này cần thiết trong bất cứ liên hệ thân mật nào, đặc biệt là liên hệ hôn nhân. Quá nhiều gần gũi chứng tỏ sự lệ thuộc có tính trẻ thơ, nhưng ít gần gũi quá lại cho thấy tình thân mật không có chi bảo đảm an toàn.

Khả năng trở nên tự lập một phần, tức là tách rời khỏi mẹ mà vẫn an tâm về sự tách rời ấy, là một bước rất quan trọng trong diễn trình tạo được lòng tự hào (self-esteem) và cảm thức tự chủ. Theo Erickson (10), nét đối nghịch chính là cảm thức hoài nghi và xấu hổ. Trong cuộc sống trưởng thành, nhiều người sẽ ray rứt vì thiếu lòng tự hào khiến họ cảm thấy bất lực không tự làm được việc gì; và do đó dễ dàng rơi vào chỗ tự hoài nghi chính mình và cảm thấy xấu hổ về sự thiếu sót của mình khi thất bại. Trong hôn nhân, những người phối ngẫu nào nặng nề với những khó khăn xúc cảm loại này rất dễ là mồi cho nhau chỉ trích, và do đó, mối liên hệ của họ có thể trở thành một chuỗi liên tục những kết tội lẫn nhau.

NĂM THỨ TƯ VÀ NĂM THỨ NĂM:

Theo Erickson (10), trong năm thứ tư và năm thứ năm, đứa trẻ phát triển được cảm thức tạo sáng kiến. Cảm thức này được biểu lộ qua hiện tượng xâm nhập (intrusion): xâm nhập vào không gian bằng chuyển động mạnh bạo, vào những cái lạ lẫm bằng cách khám phá tò mò, vào người khác bằng giọng nói gây hấn, xâm nhập bằng tấn công thể lý và nỗi sợ của vật đực đi vào vật thể nữ.

Giai đoạn sáng kiến này có thể gây nên hỗn loạn trong gia đình vì đứa trẻ la hét, nhào lộn, leo trèo, làm gián đoạn cuộc nói truyện. Ở nhiều trường hợp, hiện tượng đó kéo dài đến lúc trưởng thành, người ta tiếp tục coi người khác như những đối vật để họ thăm dò khám phá và xâm nhập, để họ chơi đùa với mà không cần phải chú ý tới các ý muốn của những người này. Khi họ khám phá ra sự vô tâm của họ, họ có thể cảm thấy hối hận, nhưng vì không phát triển được cái nhìn xâu sắc nào, nên chẳng chóng thì chầy, họ lại trở về với cái tính trẻ con nông cạn của mình. Tất nhiên điều đó khác với trẻ em. Với trẻ em, thì ngưòi ta còn châm chước được, chứ người lớn mà hành động như thế thì quả là người chưa trưởng thành.

Các đặc điểm ngược lại với hiện tượng tìm tòi tích cực này là cảm thức thụ động, và hôn nhân giữa những người thụ động và những người hoạt bát và ưa thống trị vẫn thường xảy ra. Sự thụ động có thể được châm chước một thời gian, nhưng sau ít năm, nó sẽ bị thù ghét, vì người phối ngẫu kia có cố gắng bao nhiêu cũng không thể tạo được một chút hứng thú nào hoặc một chút hành động nào nơi họ.

Tình huống xâm nhập cũng bao gồm việc đụng chạm đến dương vật. Và ở đây, Erickson, một đồ đệ của Freud, chỉ lập lại luận đề cổ điển của thày, đó là mặc cảm Oedipe ba chiều: đứa trẻ trai bị mẹ lôi cuốn về phương diện tính dục, muốn chiếm hữu bà, nhưng sợ cha nên đã khước từ ý muốn trên và tự đồng hóa với cha. Khi Freud đưa ra giai đoạn ba tức giai đoạn dương vật (phallic phase) trong lý thuyết của ông về dục năng với giải đáp Mặc cảm Oedipe, rất ít người chấp nhận lối giải thích ấy nơi đứa trẻ. Ngày nay, ta có nhiều hiểu biết hơn về dục tính của trẻ em và những mối liên hệ phức tạp có tính vô thức của nó. Ðứa trẻ trai nào vẫn cứ gắn bó với mẹ trong khi đang lớn lên, khó có thể thấy những người đàn bà khác hấp dẫn về phương diện tính dục và vì vậy, có thể chỉ lấy những người đàn bà này để tiếp tục tìm lại mối liên hệ có tính mẫu tử. Cũng thế, thiếu nữ nào vốn thần tượng hóa cha mình hoặc ngược lại không bao giờ có sự gần gũi với cha, có thể chỉ lấy những người gợi lại được hình ảnh cha mình.

Người ta cho rằng cái mặc cảm Oedipe và cảm thức xâm nhập của Erickson luôn đi kèm với tâm thức tội lỗi. Thực ra, cái tâm thức tội lỗi này, như ta thấy, đã bước vào đời đứa trẻ sớm hơn thế, khi nó cảm thấy nó đang tấn công và có thể gây hại hoặc tàn phá mẹ qua giận dữ. Ghen tuông, đặc biệt khi có người thứ ba đe dọa lấy mất sự âu yếm mà đứa trẻ vốn nhận được từ người thân yêu, cũng có thể có mặt ở giai đọan này. Ganh tị là một kinh nghiệm hai chiều trong đó có sự cạnh tranh giữa hai người, và cảm quan này có thể có mặt bất cứ lúc nào trong thời thơ ấu khi đứa trẻ cảm thấy ghen tị đối với cha hoặc mẹ hoặc một anh chị nào đó.

GẮN BÓ XÚC CẢM TỪ XA

Lúc đứa trẻ đi học, khoảng 5 hoặc 6 tuổi, nó đã có thể ở xa mẹ cả ngày và càng lớn, nó càng có thể ở một mình lâu hơn mà không cảm thấy sợ sệt lo âu chi. Sự gắn bó với mẹ và cha được cảm nhận là vững ổn. Cảm thức được nhìn nhận, được ước muốn và được quý chuộng giờ đây trở thành một cảm nghiệm được phát biểu qua cái nhìn và lời nói, chứ không còn nặng về xúc giác như trước nữa. Ðứa trẻ ý thức được rằng liên hệ tình cảm của nó đã vững ổn. Tuy thỉnh thỏang bị ngắt quãng gián đoạn qua những biến cố bất đồng nhỏ, nhưng liên hệ ấy lại được tái lập mau chóng. Chúng mang trong thâm tâm cảm quan được nhìn nhận, được chấp thuận và được ước muốn. Tuy cảm quan này vẫn cần được khẳng nhận luôn luôn, nhưng nó không cần phải được liên tục tạo lập như mới nữa.

Tuy nhiên, chuyện gì sẽ xảy ra,nếu sự gắn bó kia không vững ổn? Ðâu là những yếu tố góp phần vào sự gắn bó không vững ổn, một gắn bó từng là nguyên nhân chủ yếu gây trở ngại cho các cuộc hôn nhân sau này, khi một trong hai vợ chồng không được thừa nhận, ước muốn và quý chuộng, phải sống trong nỗi sợ sệt bị bỏ rơi bất cứ lúc nào?

Bowlby miêu tả sự gắn bó đầy lo âu như thế này: “Các cuộc nghiên cứu cho thấy(những người có tác phong trên) từng chịu ít nhất là một (và thường là nhiều hơn một) trong những cách đối xử không lành mạnh sau đây của cha mẹ:

(i) Một hoặc cả hai cha mẹ liên tục không đáp ứng tác phong đòi săn sóc của đứa trẻ và/hoặc tích cực coi nhẹ và từ khước đứa trẻ;

(ii) Việc săn sóc của cha mẹ bị gián đoạn, bao gồm thời gian nằm bệnh viện hoặc đi tù;

(iii) Cha mẹ luôn đe dọa không thương đứa trẻ, cốt ý để kiểm soát nó;

(iv) Cha mẹ đe dọa rời bỏ gia đình, như cách dể răn đe kỷ luật con hoặc như cách để khuất phục người phối ngẫu;

(v) Một trong hai cha mẹ đe dọa bỏ bê hoặc giết người kia, nếu không sẽ tự tử;

(vi) Làm đứa trẻ có mặc cảm tội lỗi bằng cách cho rằng tác phong của nó sẽ làm cha mẹ lâm bệnh hoặc chết.

Bất cứ kinh nghiệm nào trong số các kinh nghiệm trên đều khiến một đứa nhỏ, một thiếu niên hoặc một người trưởng thành phải sống trong lo âu liên tục vì sợ phải mất người thân yêu và do đó, không dám biểu lộ tình cảm gắn bó nữa” (11).

Người trưởng thành nào đã kết hôn mà có sự gắn bó đầy lo âu như trên luôn luôn sợ vợ hoặc chồng mình sẽ ra đi. Có điều nghịch thường là điều ấy có thể dẫn họ đến tác phong coi mình như thể hoàn toàn độc lập và cóc cần lưu tâm đến việc người phối ngẫu mình đi hay ở nữa. Tuy nhiên, nếu họ ra đi thực, thì người tự hào cóc cần kia sẽ thất vọng ê chề. Người có gắn bó bất ổn luôn lo âu, ám ảnh, ghen tuông và tìm cách bao vây cuộc sống của người phối ngẫu để khống chế họ. Nhiều người vợ hoặc chồng than rằng họ cảm thấy ngột ngạt hoặc tù túng vì thái độ sống đó. Gốc rễ của tác phong lo âu đó thường thấy trong tuổi thơ, và mẫu tác phong này tiếp tục trong liên hệ vợ chồng: nỗi sợ mất người phối ngẫu làm họ do dự không dám biểu lộ sự giận dữ và thường hay giận hờn sôi sục dưới cái vỏ bề ngoài tuỳ thuộc và khiếp sợ kia.

CHỐNG CHẾ VÀ LO ÂU

Lo âu xao xuyến đóng một vai trò nổi bật trong các gắn bó của con người. Trong diễn trình lớn lên, ta cảm thấy lo âu xao xuyến khi ta còn nhỏ và sợ bị bỏ rơi. Sự lo sợ này tiếp tục trong đời sống trưởng thành và là cội rễ của tác phong lo âu. Lo âu gia tăng khi đứa trẻ sợ cơn giận của nó có thể gây hại hoặc làm tiêu tan bậc cha mẹ mà nó thương yêu. Lo âu cũng có thể xảy ra khi đứa trẻ cảm thấy bị đe doạ bỏ rơi hoặc khi người ta cho nó cảm nhận rằng nó không đáng yêu, vô nghĩa hoặc bị xử như một đồ vật. Những xao xuyến lo âu này tự lặp lại trong các liên hệ thân mật lúc đã trưởng thành, khi người ta phải sống lại với nỗi sợ bị bỏ rơi hoặc bị từ khước, sợ cảm thấy mình vô nghĩa, hoặc những cảm nghĩ tồi bại, tội lỗi hoặc khiêu khích.

Các lo âu xao xuyến này làm ta khổ đến nỗi phải đưa ra các biện pháp chống chế. Ta có thể từ chối không chấp nhận trách nhiệm hoặc đổ trách nhiệm đó lên đầu người phối ngẫu khiến họ phải lãnh hậu quả của bất cứ trục trặc nào, hoặc ta cũng có thể giận cá chém thớt bằng cách trút những cảm nghĩ xấu của ta lên đầu vợ con thay vì lên đầu kẻ ta vốn sợ như ông xếp của ta chẳng hạn. Ta cũng có thể lý giải tác phong của mình khiến vợ con quên khuấy các hậu quả của việc ta làm hoặc bỏ sót không làm. Những cách chống chế như vậy đã được Anna Freud miêu tả rất chi tiết(12).

Như thế, trong khi lớn lên, đứa trẻ học cách đương đầu với nỗi xao xuyến của nó bằng cách tự bảo vệ về phương diện tâm lý chống lại hậu quả của xao xuyến bằng các cơ chế chống chế. Khi các cơ chế chống chế này được sử dụng trong các liên hệ thân mật của người trưởng thành, như hôn nhân chẳng hạn, thì hình thức thường thấy nhất là chối, đổ tội, lý giải, ức chế và đè nén, qua đó, người phối ngẫu từ khước trách nhiệm đối với các trục trặc xảy ra.

Các hình thức khác của chống chế trong tác phong gắn bó lo âu có thể dẫn ta đến chỗ tin cậy nhau ít đến nỗi gần như chẳng còn gắn bó gần gũi nào nữa. Hoặc nếu còn một chút gắn bó nào đó, thì ta cũng có thể cho người phối ngẫu thấy ta không cần đến sự hiện diện của họ chút nào, qua đó, ta tạo ra một thứ độc lập giả tạo giúp ta tránh khỏi phải đau khổ khi trục trặc xảy ra. Ngược lại, cũng có thể ta vẫn tiếp tục lệ thuộc người phối ngẫu với hy vọng là nếu ta làm vui lòng họ, ta có thể tránh được cảnh bị họ bỏ rơi. Những mẫu tác phong này cần được khảo sát kỹ lưỡng hơn, tuy nhiên gốc rễ của chúng nằm ở chỗ lo âu xao xuyến thái quá, và nguồn gốc của chúng tìm thấy trong tuổi thơ.

NHỮNG NĂM ÐI HỌC

Khỏang cuối 10 năm đầu, những cảm nghiệm căn bản của mối liên hệ đã được ổn định hẳn. Tuy những biến động liên tiếp của 10 năm sau có thể làm méo mó sự phát triển đó, nhưng một cách tổng quát, kinh nghiệm của 10 năm đầu sẽ được phát triển thêm và được củng cố. Trong các biểu đồ của Freud, thời gian vào tuổi lên sáu đến lúc dậy thì là giai đoạn yên lặng trong đó không còn sự phát triển nào về dục năng nữa.

Ðối với Erickson, trong những năm đó, đứa trẻ bước vào thế giới của những hoạt động có tính xã hội, với việc phát triển cảm thức khéo léo (sense of industry) và cảm quan đối nghịch là tự ti. Chắc chắn một điều, trong các xã hội phương Tây, người ta nhấn mạnh đến trí thông minh và trí hiểu, nên những đứa trẻ kém thông minh thường bị mặc cảm tự ti về phương diện tri thức. Tuy nhiên, như đã đề cập ở phần trên, giá trị của đứa trẻ đã được vun trồng ở những năm trước đó khi nó nhận được sự chấp nhận vô điều kiện dựa trên giá trị nội tại của nó trước khi nó thực hiện được những thành quả. Người an tâm, vốn được yêu thương cách trên, sẽ tiếp tục cảm nhận mình có giá trị và có niềm tự hào cao bất kể các thành quả về thể lý và tri thức. Người thiếu niềm tự hào sẽ đi tìm bù trừ qua các thành quả. Sự bất tương hợp của những người đạt thành quả cao nhưng thiếu niềm tự hào về phương diện xúc cảm là một trong những vấn đề cố hữu trong các nhân cách đau khổ và trong hôn nhân. Những người bề ngoài thành công đôi khi làm vợ hoặc chồng họ phải ngạc nhiên vì họ biểu lộ một loạt những cảm quan và những vấn đề thuộc xúc cảm chứng tỏ họ không có khả năng yêu thương và ghi nhận yêu thương.

DẬY THÌ VÀ TUỔI THIẾU NIÊN:

Dạy thì là thời gian những đặc điểm đệ nhị đẳng của dục tính tự bộc lộ ra. Bản sắc của người thiếu niên cần thâu nhập và hoà hợp chiều kích mới này, giúp họ tiến tới chỗ từ từ tách rời hẳn cha mẹ, với khả năng tự biết và tự chiếm hữu mình, đủ để có thể liên hệ với những người trưởng thành khác.

Tuy vậy, một số thiếu niên tiến tới ngưỡng cửa trưởng thành mà vẫn chưa rõ về chính bản sắc mình. Họ vẫn còn chưa biết họ là ai, đi về đâu, giá trị của họ như thế nào và họ sẽ làm gì. Với thời gian, các vấn đề đó sẽ được giải quyết. Nhưng giải pháp tệ nhất là kết hôn ở tuổi 18 hoặc sớm hơn với hy vọng là hôn nhân sẽ giải quyết các khúc mắc bằng cách đem lại cho họ một vai trò và một bản sắc nào đó. Có được như vậy đi chăng nữa, thì đó chỉ là những thành quả ngắn hạn, trong khi những vấn đề căn bản thuộc nhân cách chẳng chóng thì chày phải được giải quyết. Nhiều khi để giải quyết chúng, người ta phải hy sinh cả cuộc hôn nhân của mình.

LIÊN HỂ THÂN MẬT THỨ HAI: HÔN NHÂN

Nhiều người đàn ông cũng như đàn bà bước vào liên hệ thân mật thứ hai mà vẫn còn mang theo cái phức tạp của diễn trình trưởng thành với nhiều mâu thuẫn chưa được giải quyết và đôi khi cả vết thương nặng về tình cảm nữa. Việc bước vào liên hệ thân mật thứ hai sẽ dẫn vợ chồng vào mối liên hệ xã hội và tâm lý, là mối liên hệ có mục đích đem thế giới nội tâm của họ, là cái tầng sâu kế tiếp của bản ngã, chủ yếu mang tính chất tâm lý, vào các tiếp xúc thân mật giữa họ với nhau. Sự tương hành tâm lý sẽ khởi sự ngay từ buổi đầu của hôn nhân và, tuỳ theo tình trạng trưởng thành và tính khí, một liên lập sẽ được thiết dựng trong đó, hai vợ chồng sẽ đem các khả năng của họ để tạo thành một liên hệ xã hội và tâm lý thoải mái. Nếu các vết thương hoặc các khó khăn mà hai vợ chồng đem đến cho nhau tỏ ra quá rộng và quá sâu, thì việc đương đầu với chúng sẽ là một thách đố lớn đối với họ. Ðối với phần lớn các cuộc hôn nhân, các khó khăn ấy thường được biểu lộ ngay từ buổi đầu; đối với một số khác, chúng có thể được biểu lộ muộn hơn. Nhưng bất kể được biểu lộ lúc nào, chúng đều giữ vai trò chủ chốt đối với hạnh phúc và sự ổn định của hôn nhân.

Trong quá trình đương đầu với các khía cạnh tình cảm của liên hệ thân mật thứ hai này, sẽ có những khó khăn và những khó khăn này có thể đè bẹp hai vợ chồng, nhưng cũng có thể là cơ hội để họ nâng đỡ nhau, chữa lành nhau và cùng giúp nhau lớn mạnh; nhờ thế, họ tạo được căn bản để biến giai đọan si tình thành giai đoạn yêu thương đúng nghĩa.

TÓM LƯỢC

Liên hệ thân mật của hôn nhân hiện nay là một liên hệ trong đó, cảm quan, xúc cảm và bản năng đóng vai trò quan trọng. Hai vợ chồng liên hệ với nhau ở một trình độ sâu hơn qua cam kết bản thân của họ. Cái cảm thức về bản thân ấy, bản thân một con người biết yêu thương và đáp trả yêu thương trong một liên hệ thân mật, đã thu lượm được ngay ở buổi thiếu thời. Hôn nhân trở thành màn thứ hai của một vở kịch hai màn, trong đó màn thứ nhất chính là tuổi thơ. Hai vợ chồng bước vào hôn nhân với một pha trộn những kinh nghiệm tốt và những kinh nghiệm xấu về yêu thương. Sự ổn định của hôn nhân tuỳ thuộc ở chỗ các kinh nghiệm tốt có trổi vượt hơn các kinh nghiệm xấu hay không.

Tài Liệu Tham Khảo:

1. Slater, E., and Shields, J., Genetical Aspects of Anxiety in Studies of Anxiety, (ed. M. H. Lader), RMPA, 1969.

2. Price, J., British Journal of Psychiatry, Special Publication (1968) Nọ 2, 37.

3. Shields, J., Psychological Medicine, 1977, 7, 1, 7.

4. Erickson, E.H., Identity,Faber and Faber, 1968

5. Ibid. p. 96

6. Freud, S., Three Essays on Sexuality, Hogarth Press, 1968

7. Bowlby,J., Attachment and Loss,Vol.1: Attachment (1969) Vol. 2: Separation: Anxiety and Anger (1973); Vo. 3: Loss, sadness and Depression (1980). Hogarth Press.

8. Bowlby, J., The Making and Breaking of Affectional Bonds. Tavistock Publications, 1979

9. Erickson p. 109

10. Ibid. p.116

11. Bowlby, J., Affectional Bonds, p.137.

12 Freud, A., The Ego and the Mechanism of Defence. Hogarth Press, 1966.


13. Dominian, J., Cycles of Affirmation.Darton, Longman and Toff, 1975