NGƯỜI VIỆT NAM CÔNG GIÁO (16)

CHƯƠNG X: DÂN CHÚA VIỆT NAM
(Tiếp theo)

Trong chương 10 về Dân Chúa Việt-Nam, chúng ta đã xem qua các Văn Bản của Giáo Hội Công giáo (Người Việt-Nam Công giáo 13), Giáo Hội Hoàn vũ (Người Việt-Nam Công giáo 14) và Giáo Triều (Người Việt-Nam Công giáo 15).

Trở về Dân Chúa tại Việt-Nam, chúng tôi cũng đã trình bày về Hội đồng Giám mục Việt-Nam trong Người Việt-Nam Công giáo 3. Hôm nay, chúng ta tìm hiểu đến Giáo phận, Giáo Hội địa phương…

IV. GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG

Điều 369 Giáo Luật ngày 25.01.1983 định nghĩa: « Giáo phận là một phần Dân Chúa được giao phó cho một Giám mục săn sóc cùng với sự cộng tác của Linh Mục Đoàn, để nhờ sự liên kết với Chủ Chăn mình và sự tập hợp bởi Chủ Chăn trong Chúa Thánh Linh, nhờ Phúc Âm và Thánh Thể, cộng đồng ấy lập thành Giáo Hội địa phương, trong đó Giáo Hội của Đức Kitô, duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, thực sự hiện diện và tác động. »

Một cộng đồng Dân Chúa, gồm giáo sĩ và giáo dân, tạo thành một giáo phận hoặc một Giáo Hội địa phương mới, được giới hạn trong một lãnh thổ nhất định. Giáo phận này phải được Quyền Bính tối cao của Giáo Hội (Đức Thánh Cha), sau khi tham khảo ý kiến của các Hội Đồng Giám Mục liên hệ, xét thấy ích lợi, thì có thể thiết lập trong cùng một lãnh thổ nhiều Giáo Hội địa phương khác biệt (đ. 372 Giáo Luật). Chỉ duy có Quyền Bính tối cao mới có thẩm quyền thiết lập các Giáo Hội địa phương; các Giáo Hội địa phương một khi đã được thiết lập hợp lệ, thì được hưởng tư cách pháp nhân chiếu theo luật (đ. 373 Giáo Luật).

Thí dụ: năm 1957, Tòa Thánh cắt hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận (thuộc Giáo phận Qui Nhơn) và hai tỉnh Bình Thuận và Bình Tuy (thuộc Giáo phận Sàigòn) để thiết lập Giáo Phận Nha Trang. Tân giáo phận này được trao cho Đức Cha Piquet Lợi làm Giám mục tiên khởi.

Hiện nay, Việt-Nam chia thành 3 Giáo Tỉnh (thành lập ngày 24.11.1960) với 26 Giáo Hội địa phương hay 3 Tổng Giáo phận và 23 Giáo phận:

+ Giáo Tỉnh Hà Nội bao gồm Tổng Giáo phận Hà Nội (1679) và các Giáo phận Lạng Sơn (1913), Hải Phòng (1678), Hưng Hóa (1895), Bắc Ninh (1883), Phát Diệm (1901), Bùi Chu (1848), Thái Bình (1936), Thanh Hóa (1932) và Vinh (1846).

+ Giáo Tỉnh Huế bao gồm Tổng Giáo phận Huế (1850) và các Giáo phận Qui Nhơn (1844), Nha Trang (1957), Kontum (1932), Đà Nẵng (1963), và Ban Mê Thuột (1967).

+ Giáo Tỉnh Sài Gòn bao gồm Tổng Giáo phận Sài Gòn (1844) và các Giáo phận Vĩnh Long (1938), Cần Thơ (1955), Đà Lạt (1960), Mỹ Tho (1960), Long Xuyên (1960), Phú Cường (1966), Xuân Lộc (1966), Phan Thiết (1975) và Bà Rịa (2005).

V. CÁC GIÁM MỤC

A. Các Giám mục Nói Chung

Điều 375 Giáo Luật 1983 định nghĩa:

(1) Các Giám mục là những người, do ý định của Thiên Chúa, kế vị các Tông Đồ do quyền lực của Chúa Thánh Linh đã ban cho họ, được đặt làm các Chủ Chăn trong Giáo Hội để làm những thầy dạy đạo lý, tư tế phụng tự và tác viên lo việc quản trị.

(2) Các Giám mục, nhờ chính việc thụ phong Giám mục, nhận lãnh cùng với nhiệm vụ thánh hóa, cả các nhiệm vụ giảng dạy và quản trị nữa. Tuy nhiên nhiệm vụ giảng dạy và thánh hóa, theo bản tính, chỉ có thể hành sử trong sự hiệp thông phẩm trật với thủ lãnh và với mọi phần tử tập đoàn.

Điều 376: Các Giám mục được gọi là Giám mục chính tòa, những vị đã được giao phó cho việc săn sóc một giáo phận nào đó; các vị khác gọi là Giám mục hiệu tòa.

Đức Thánh Cha được tự do bổ nhiệm các Giám mục, hoặc phê chuẩn những vị đã được bầu cử hợp lệ như qui định trong diều 377 Giáo Luật từ một bản danh sách các linh mục Giáo phận và Dòng Tu xem ai có tư cách làm Giám mục được các Đức Giám mục của một giáo tỉnh hay Hội Đồng Giám Mục kín đáo gởi cho Tòa Thánh. Phái viên (Đức Sứ thần hay Đức Khâm sứ) của Đức Thánh Cha có nhiệm vụ điều tra các Linh mục ứng viên.

Khoản 4 diều 377 cũng dự liệu: Giám mục Giáo phận nào xét thấy cần một phụ tá cho giáo phận của mình thì sẽ đệ trình lên Tòa Thánh bản danh sách gồm ít là ba Linh mục xứng đáng hơn cả để lãnh nhiệm vụ này.

Tại Việt-Nam, Nhà Nước cộng sản đòi phải có ‘ý kiến’ trong vấn đề bổ nhiệm các Giám Mục. Do đó, các Phái đoàn Tòa Thánh thường xuyên phải được cử sang Việt-Nam để thảo luận về vấn đề này.

Ngày 22.02.2004, nhân ngày Lễ kính Tòa thánh Phêrô, Thánh Bộ Giám mục đã ban hành ‘Kim Chỉ Nam về Tác Vụ Mục Tử của các Giám mục’. Đây là quyển Kim Chỉ Nam thứ hai từ sau Công đồng Vatican II. Kim Chỉ Nam I được ban hành ngày 22.02.1973 theo đề nghị của Sắc lệnh Christus Dominus số 44. Thượng Hội đồng Giám mục họp năm 2001 (Tông huấn Pastores gregis ngày 16.10.2003) bàn về tác vụ Giám mục đã gợi ý cập nhật văn kiện đó cho thích hợp với Bộ Giáo luật 1983 và những hoàn cảnh của thời thế.

Chương Một ‘Kim Chỉ Nam về Tác Vụ Mục Tử của các Giám mục’ bàn đến chức vụ Giám mục trong mầu nhiệm của Chúa Kitô và của Hội Thánh. Việc quy hướng về Đức Kitô nhằm giới thiệu một tấm gương cho sứ mạng Giám mục, đó là thể hiện nếp sống của Vị Mục tử nhân lành, Đấng đã hiến mạng sống vì đàn chiên (x. Ga 10:11), Đấng đã đến để phục vụ chứ không để được hầu hạ (x. Mt 20:28). Sự quy hướng về mầu nhiệm Hội thánh nhằm trình bày vị trí của Giám mục trong lòng Dân Thiên Chúa, với nhiều đặc sủng khác nhau, họp thành nhiều cộng đoàn địa phương hiệp thông với Hội thánh phổ quát. Giám mục là nguyên ủy hiệp nhất trong mỗi Giáo Hội địa phương, đồng thời cũng là gạch nối giữa các Giáo Hội địa phương trong tập đoàn (collegium) các Giám mục. Mặt khác, Hội thánh vừa xây dựng sự hiệp thông vừa hướng đến sứ vụ mang Tin Mừng đến cho mọi ngưòi.

B. Các Giám Mục Giáo Phận

Điều 381 Giáo Luật qui định:

(1) Ở trong giáo phận đã được giao phó, Giám mục Giáo phận có mọi quyền hành thông thường, riêng biệt và trực tiếp, cần có để thi hành nhiệm vụ mục vụ của Người, ngoại trừ những vụ mà pháp luật hoặc sắc luật của Đức Thánh Cha đã dành lại cho quyền bính tối cao hoặc một quyền bính nào khác trong Giáo Hội.

(2) Tất cả những ai đứng đầu các cộng đoàn giáo hữu khác như đã nói ở điều 368*, đều được đồng hóa với Giám mục Giáo phận, trừ những gì đã rõ cách khác theo bản tính sự việc hoặc theo quy tắc luật định.

* Điều 368: Các Giáo Hội địa phương, trong đó và từ đó mà một Giáo Hội Công Giáo duy nhất hiện hữu, ám chỉ trước hết là các giáo phận; các lãnh thổ thuộc giám hạt tòng thổ và đan viện tòng thổ, Đại Diện Tông Tòa và Phủ Doãn Tông Tòa và cả Giám Quản Tông Tòa được thiết lập cách thường trực cũng được đồng hóa với các Giáo phận, trừ khi đã rõ cách nào khác.

Trong khi thi hành chức vụ Chủ Chăn, Giám mục Giáo phận

(1) hãy tỏ ra ân cần đối với hết mọi tín hữu đã được giao phó, bất cứ thuộc tuổi, điều kiện hoặc quốc tịch nào, những người cư ngụ trong lãnh thổ cũng như những người ở đó tạm thời; Người cũng hãy tỏ nhiệt huyết tông đồ cho cả những ai, vì điều kiện sinh sống, không thể thụ hưởng cách đầy đủ sự săn sóc mục vụ thông thường, cũng như những ai đã bỏ bê việc giữ đạo.

(2) Nếu trong Giáo phận có những tín hữu thuộc lễ điển khác, thì Người hãy dự liệu cho mọi nhu cầu thiêng liêng của họ hoặc nhờ các linh mục hoặc các cha sở thuộc chính lễ điển đó, hoặc nhờ một vị Đại Diện Giám Mục.

(3) Đối với anh em không hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo, Người hãy cư xử với tình nhân đạo và bác ái và cổ võ phong trào đại kết theo đường hướng của Giáo Hội.

(4) Người hãy coi những người chưa chịu phép Rửa Tội như cũng được Chúa giao phó cho mình, ngõ hầu tình thương của Đức Kitô cũng chiếu sáng cho họ, xét vì Giám mục phải là chứng nhân của Đức Kitô trước mặt mọi người (Điều 383 Giáo Luật).

(5) Giám mục Giáo phận phải lo lắng đặc biệt cho các linh mục, hãy để ý lắng nghe họ như là những phụ tá và cố vấn; hãy bênh vực các quyền lợi của họ; lo cho họ chu toàn đúng mức những nghĩa vụ riêng cho bậc của họ, và giúp cho họ đủ phương tiện và định chế cần có để thăng tiến đời sống thiêng liêng và trí tuệ; cũng phải trù liệu cho họ được trợ cấp xứng đáng và có bảo hiểm xã hội theo như luật định. (Điều 384 Giáo Luật)

(6) Các Giám mục giáo phận phải tận lực cổ động những ơn gọi vào các tác vụ khác nhau và vào đời tận hiến; đặc biệt lưu ý đến các ơn gọi làm linh mục và thừa sai. (Điều 385 Giáo Luật)

(7) a. Giám mục Giáo phận phải trình bày và giải thích cho các tín hữu những chân lý Đức Tin mà họ phải tin theo và áp dụng trong đời sống, vì vậy chính Người phải năng đích thân rao giảng; Người cũng phải canh chừng để các quy định trong giáo luật liên quan tới tác vụ Lời Chúa được tuân hành chu đáo, nhất là về các bài giảng lễ và việc giáo huấn, làm sao để toàn bộ đạo lý Kitô Giáo được truyền thụ cho tất cả mọi người.
b. Người hãy cương quyết dùng mọi phương thế hữu hiệu hơn cả để bảo vệ sự toàn vẹn và duy nhất của Đức Tin; tuy đồng thời nhìn nhận sự tự do chính đáng trong việc tìm hiểu chân lý cách sâu rộng hơn. (Điều 386 Giáo Luật)

(8) Ý thức rằng mình phải làm gương mẫu thánh thiện bằng tình bác ái, khiêm tốn và sống đơn giản, Giám Mục giáo phận hãy ra sức cổ động bằng mọi cách để các tín hữu nên thánh tùy theo ơn gọi riêng của từng người; và bởi vì là người phân phát chính yếu của mọi mầu nhiệm của Thiên Chúa, ngài hãy hoạt động không ngừng để mọi tín hữu đã giao phó cho mình săn sóc được tăng trưởng trong ơn thánh nhờ việc cử hành các Bí Tích, và để cho họ nhận biết và sống mầu nhiệm Vượt Qua. (Điều 387 Giáo Luật)

Quyền hành Giám mục Giáo phận

Quyền hành của Giám mục mang tính cách thánh thiêng (sacra potestas) bởi vì nhắm đến mục tiêu siêu nhiên là xây dựng cộng đoàn của Đức Tin, Đức Ái và Truyền Giáo, Giám mục cai quản Giáo phận với tư cách là thầy dạy đạo lý, tác viên phụng tự và và cai quản. Lãnh vực của ba chức vụ này (giảng dạy, thánh hóa và cai quản) được giải thích trong các Chương V-VII ‘Kim Chỉ Nam về Tác Vụ Mục Tử của các Giám mục’. Trong chương IV, văn kiện phân tích quyền hành mục vụ của Giám mục dựa theo ngôn ngữ pháp lý: quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp (số 67-69).

1/ Lập pháp. Giám mục nắm giữ quyền lập pháp trong Giáo phận. Đây là thẩm quyền chuyên quyết của Giám mục. Tuy vậy Giám mục nên bàn hỏi các cơ quan tư vấn, đặc biệt là Công nghị Giáo phận. Dĩ nhiên, khi ban hành luật pháp, Giám mục cần tôn trọng giới hạn của mình, không được phép quy định những điều thuộc thẩm quyền cấp cao hơn (Tòa Thánh, các công đoàn miền, Hội đồng Giám mục). Ngoài ra, cũng không nên bỏ qua những khía cạnh kỹ thuật của việc làm luật (từ ngữ sáng sủa, rõ ràng; tránh những mâu thuẫn).

2/ Tư pháp. Trước khi tiến hành thủ tục tố tụng, Giám mục nên tìm cách giải quyết tranh chấp bằng đường lối hòa giải. Trong những vụ hình sự, Giám mục cần tiến hành cuộc điều tra kín đáo để kiểm chứng thực hư, và tìm cách sửa chữa bằng đường lối luật định. Giám mục cũng có trách nhiệm giám sát việc điều hành tòa án Giáo phận (hoặc liên Giáo phận).

3/ Hành pháp. Văn kiện nhắc nhở nh quy định của Giáo Luật về việc ủy quyền, về thủ tục ban hành nghị định (thu nhập dữ kiện, soạn thảo văn bản với sự viện dẫn lý do), trong thời gian nhanh chóng.

Điều 391 Giáo Luật ngày 25.01.1983 cũng qui định:

(1) Giám mục Giáo phận cai quản Giáo Hội địa phương đã được ủy thác cho Người với quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp chiếu theo quy tắc luật định.

(2) Giám mục đích thân hành sử quyền lập pháp; quyền hành pháp được hành sử do chính ngài hoặc nhờ các Tổng Đại Diện hoặc các Đại Diện Giám mục, theo quy tắc luật định; quyền tư pháp được hành sử do chính Người hoặc nhờ Đại Diện Tư Pháp và các thẩm phán, theo quy tắc luật định.

Điều 392 Giáo Luật dự trù:

(1) Xét vì Người có nghĩa vụ bảo vệ sự duy nhất của Giáo Hội phổ quát, Giám mục phải cổ cõ kỷ luật chung của toàn thể Giáo Hội, và vì thế phải thôi thúc việc tuân hành tất cả mọi luật lệ của Giáo Hội.

(2) Người phải đề phòng đừng để du nhập những lạm dụng kỷ luật trong Giáo Hội, nhất là về tác vụ Lời Chúa, việc cử hành các Bí Tích và các Á Bí Tích, việc tôn kính Thiên Chúa và các Thánh và việc quản lý tài sản.

Điều 393 nói rõ: Giám mục Giáo phận là đại diện cho Giáo phận trong hết mọi công việc pháp lý của Giáo phận.

Giám mục có quyền kinh lược thông thường, như quy định của điều 397 Giáo Luật, những nhân sự, cơ sở công giáo, sự vật và các nơi thánh nằm trong lãnh thổ của giáo phận. Người chỉ có thể tới kinh lược các phần tử các Dòng Tu thuộc luật Giáo Hoàng và các tu viện của họ, trong những trường hợp được luật quy định rõ rệt.

C. Các Giám Mục Phó Và Giám Mục Phụ Tá

Khi nào nhu cầu mục vụ của Giáo phận đòi hỏi, sẽ được đặt một hoặc nhiều Giám Mục phụ tá, theo lời yêu cầu của Giám mục Giáo phận; Giám mục phụ tá không có quyền kế vị.

Nếu thấy xét thích hợp, Tòa Thánh có thể chiểu nhiệm vụ đặt một Giám mục phó, cùng với những năng ân đặc biệt; Giám mục phó có quyền kế vị (điều 403 Giáo Luật).

Điều 409 Giáo Luật quy định:

(1) Trong khi Tòa Giám mục trống ngôi, thì Giám mục phó tức khắc trở thành Giám mục của Giáo phận mà Người đã được đặt, miễn là Người đã tựu chức hợp lệ.

(2) Trong khi Tòa Giám mục trống ngôi, nếu nhà chức trách có thẩm quyền không ấn định thể khác, thì cho tới khi Tân Giám mục tựu chức, Giám mục phụ tá duy trì tất cả và chỉ những quyền hành và năng ân đã có như Tổng Đại Diện hoặc như Đại Diện Giám mục khi Giám mục chính tòa còn tại chức. Nếu sau đó không được bầu làm Giám Quản giáo phận, thì Giám mục phụ tá hành sử quyền của mình do luật pháp đã trao, dưới quyền của Giám Quản Giáo phận là người lãnh đạo Giáo phận.

Điều 410: Giám mục phó và Giám mục phụ tá có bổn phận phải cư trú trong giáo phận cũng như Giám mục Giáo phận; các Vị Giám mục chỉ được rời Giáo phận trong thời gian ngắn, trừ khi vì lý do phải thi hành một nhiệm vụ ngoài Giáo phận hoặc vì đi nghỉ, nhưng kỳ nghỉ không được quá một tháng.

Về sự từ chức, sẽ áp dụng cho Giám mục phó và Giám mục phụ tá các quy định của điều 401 và 402 triệt 2 Giáo Luật.

D. Các Giám Mục Phó Và Giám Mục Phụ Tá

Điều 401 Giáo Luật ấn định:

(1) Khi đã trọn bảy mươi lăm tuổi, Giám mục Giáo phận được yêu cầu đệ đơn từ chức lên Đức Thánh Cha, và Đức Thánh Cha sẽ dự liệu sau khi đã cân nhắc tất cả mọi hoàn cảnh.

(2) Nếu vì đau yếu hoặc vì lý do trầm trọng nào khác khiến cho khả năng chu toàn chức vụ bị suy giảm, thì Giám mục Giáo phận được khẩn khoản yêu cầu đệ đơn từ chức.

Giám mục nào đã được chấp thuận từ chức thì sẽ giữ tước hiệu là Cựu Giám mục của Giáo phận cũ. Hội Đồng Giám mục phải lo việc chu cấp tương hợp và xứng đáng cho Giám mục đã từ chức, tuy dẫu bổn phận chính yếu thuộc về Giáo phận mà trước đây vị ấy đã phục vụ. (điều 402 Giáo Luật)

Hiện tại, Giáo Hội Việt-Nam có 41 Đức Giám mục đang sống tại Quê Hương, trong đó 11 Đức Giám mục đang nghỉ hưu. Do đó, mỗi lần Thượng Hội đồng Giám mục được triệu tập, Hội đồng Giám mục Việt-Nam cử hai Giám mục đi tham dự vì quốc gia có tới 25 Giám mục có một Giám mục đại diện. Việt-Nam có trên 25 nhưng dưới 51 Giám mục nên có hai Giám mục đại diện.

Ngoài ra, chúng ta còn phải kể 3 Đức Cha người Việt đang sống tại Hải ngoại:
- Đức Cha Phêrô Nguyễn văn Tốt, Tổng Giám mục Rusticana, Sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Tchad;
- Đức Cha Đa Minh Mai Thanh Lương, Giám mục phụ tá Giáo phận Orange Country (California, Hoa kỳ);
- Đức Cha Antôn Nguyễn văn Thiện (sinh ngày 13.03.1906), cựu Giám mục Giáo phận Vĩnh Long, hiện là Đức Giám mục cao niên nhất thế giới với hơn 102 tuổi, đang sống tại Nice (Pháp quốc).

Ghi chú: Bài nầy được viết dựa theo Bộ Giáo Luật ngày 25.01.1983 « Hàng Giám mục Việt Nam 1933-2003 » của Linh mục Giuse Trần Anh Dũng.

(Còn tiếp)