NGƯỜI VIỆT NAM CÔNG GIÁO (14)
CHƯƠNG X: DÂN CHÚA VIỆT NAM
(Tiếp theo)

II.- NHỮNG HÌNH ẢNH ĐỂ HIỂU GIÁO HỘI

Giáo Hội Công Giáo là một mầu nhiệm. Muốn hiểu một mầu nhiệm, chúng ta phải dùng các hình ảnh.

- Cây nho. Nếu Giáo Hội Dân Chúa là cây nho, thì mọi người tín hữu là cành. Chúa Giêsu nói rõ: « Ta là cây nho, các con là cành » (Gn. 15,5).

Thánh Sử Gioan còn mời gọi chúng ta đi xa hơn, và đưa chúng ta đến khám phá mầu nhiệm của cây nho: Nó là biểu tượng và hình ảnh không những của dân Thiên Chúa. Ngài là gốc cây nho, còn chúng ta, môn đệ Ngài, chúng ta là cành. Ngài là « Cây Nho thật », các cành phải kết hợp để được sống (Gn, 15:1…).

Công đồng chung Vatican II lái lại hình ảnh cây nho trong Thánh Kính để giải thích Giáo Hội: « Cây nho thật chính là Chúa Kitô; chính Ngài ban phátsự sống và sức sinh sản cho các cành là chúng ta. Qua Giáo Hội, chúng ta sống trong Ngài, và không có Ngài chúng ta chẳng làm được việc gì. » (Ánh sáng muôn dân số 6).

- Dân Chúa. Mọi tín hữu hợp thành Dân Chúa, tức Giáo Hội. Đức Thánh Cha Piô XII quả quyết: « Các tín hữu giáo dân là người đứng ở mặt tiền phong trong đời sống của Giáo Hội. Nhờ họ, Giáo Hội trở nên nguyên lý sự sống cho xã hội loài người. Vì thế, chính họ phải ý thức ngày càng rõ rệt là họ không những thuộc về Giáo Hội mà là Giáo Hội, nghĩa là cộng đồng các tín hữu trên mặt đất, dưới sự hướng dẫn của vị thủ lãnh chung là Đức Giáo Hoàng và các Đức Giám mục hiệp thông với Người. Họ là Giáo Hội. » (AAS 38-149, 1946)

- Nhiệm thể Chúa Kitô và chính Ngài là đầu. Hình ảnh cây nho, Hình ảnh Dân Chúa đưa chúng ta đền hình ảnh cuối cùng: Giáo Hội là Nhiệm thể Chúa Kitô và Ngài là đầu. Như vậy, Ơn Gọi người giáo dân trong Giáo Hội là được làm con Chúa. Tông Huấn về giáo dân tóm gọn trong câu: « Phép Rửa Tội tái sinh chúng ta trong sự sống ơn Chúa; nó hợp nhất chúng ta với Chúa Giêsu Kitô, với thân thể Ngài là Giáo Hội, xức dầu cho chúng ta trong Chúa Thánh Thần bằng cách cho chúng ta trở nên những Đền Thờ Thiêng Liêng. » (Tông Huấn về giáo dân số 10).

Phẩm giá mới của con người được chịu phép Rửa Tội là làm Con Chúa. Họ gọi Chúa là Cha và trở thành anh em với nhau (Gal 3; 26-29; 4,4-7). Hằng ngày họ tuyên xưng lời cầu nguyện của Chúa Kitô: « Lạy Cha chúng con ở trên trời… » (Mt.6, 9-13).

III.- GIÁO HỘI HOÀN VŨ.

1. ĐỨC THÁNH CHA.

Danh từ ‘Pape’, tiếng Pháp, và ‘Pope’, tíếng Anh, có nghĩa đơn giản là ‘Cha’. Trong cổ ngữ Hy Lạp, đó là một từ của một người con dùng để diễn tả tình cảm dành cho một cha trong gia đình, nhưng bây giờ, từ này được mượn nhờ tiếng La Tinh để ám chỉ đến sự tôn kính. Người Công Giáo, Đông Phương nói tiếng Hy Lạp và Tây Phương nói tiếng La Tinh đều dùng chữ ‘Cha’ dành cho các vị Linh Mục, ‘Đức Cha’ cho các Giám Mục và các Giáo Trưởng (patriarchs) cũng như Đức Thánh Cha, là những vị đứng đầu của các gia đình thiêng liêng.

Đức Thánh Cha là Giám Mục Giáo phận Roma, được duy trì nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã trao cách đặc biệt cho Phêrô, Người đứng đầu các Tông Đồ, và phải được chuyển tiếp cho các người kế vị Ngài, là thủ lãnh của tập đoàn Giám Mục. Người là Đại diện Đức Kitô và Chủ chăn của toàn thể Giáo Hội đang lữ thứ trần gian. Vì thế, do uy lực của nhiệm vụ, Người có quyền tối cao, trực tiếp và phổ quát trong Giáo Hội Hoàn vũ, và luôn tự do hành sử quyền ấy. [Giáo Luật (GL) điều 331]

Đức Thánh Cha nhận lãnh quyền tối cao, trực tiếp và phổ quát trong Giáo Hội do sự bầu cử hợp lệ mà Ngài đã chấp nhận cùng với sự tấn phong Giám Mục. Vì thế, ai được đắc cử vào chức Giáo Hoàng mà đã có chức Giám Mục, thì lãnh quyền nói trên ngay chính lúc chấp nhận. Còn nếu người đắc cử không có chức Giám Mục, thì lập tức phải được truyền chức Giám Mục. (Hiện tại, trong Hồng Y Đoàn có nhiều Đức Hồng Y chỉ là Linh mục). Nếu Đức Thánh Cha từ chức, thì sự từ chức chỉ trở thành hữu hiệu khi phải được tự do và được bày tỏ cách hợp thức nhưng không cần được ai chấp nhận. (GL điều 332)

Công Đồng Florence (năm 1439) xác nhận đây là một vấn đề của đức tin. Công Đồng Vatican I (năm 1870) chuẩn phê xác nhận đó. Công Đồng Vatican II (năm 1964), xác nhận rằng Chúa Giêsu Kitô đã trao ban vị trí đứng đầu Giáo Hội chỉ cho Phêrô mà thôi khi đã trích dẫn ra những đoạn Tin Mừng:

a. « Ông đưa Simon đến với Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn Simon mà nói: ‘Ngươi là Simôn, con của Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha - nghĩa là: Đá.’ » (Gioan, 1:42)

b. « Khi họ đã lót lòng rồi, Đức Giêsu nói với Simôn Phêrô: ‘Simôn, con của Gioan, ngươi có mến Ta hơn các kẻ này không?’ Simôn thưa với Ngài: ‘Vâng, lạy Chúa, Ngài biết con yêu mến Ngài!’ Đức Giêsu nói với ông: ‘Hãy chăn giữ chiên của Ta!’ » (Gioan, 21:15)

c. « Và Ta, Ta bảo ngươi: “Ngươi là Đá và trên Đá ấy, Ta sẽ xây Hội Thánh của Ta, và quyền môn âm phủ sẽ không thắng nổi. » (Máthêu, 16:18)

d. « Nhưng Ta đã cầu xin cho ngươi, ngõ hầu lòng tin của ngươi khỏi bị tiêu diệt. Phần ngươi, một khi đã trở lại, ngươi hãy củng cố anh em ngươi ». Chúa Kitô là Người đã chọn Thánh Phêrô như là vị đứng đầu các Tông đồ và là người lãnh đạo Giáo Hội hữu hình, có toàn quyền xét xử để truyền lại một cách liên tục đến cho những vị kế thừa chức vị Giáo Hoàng của Ngài, cùng với thẩm quyền tuyệt đối để công bố về các vấn đề có liên quan đến Đức tin hay Luân lý.

(1) Đức Thánh Cha, do uy lực của sứ vụ, có quyền không những trên toàn thể Giáo Hội, mà còn có quyền tối thượng trên tất cả các Giáo Hội địa phương và các hợp đoàn Giáo Hội địa phương. Quyền tối thượng ấy tăng cường và bảo vệ quyền riêng biệt, thông thường và trực tiếp mà các Giám Mục nắm giữ trong các Giáo Hội địa phương được giao phó cho các Đức Giám mục coi sóc.
(2) Trong khi thi hành nhiệm vụ Chủ Chăn tối cao của Giáo Hội, Đức Thánh Cha luôn luôn thông hợp với các Giám Mục khác và kể cả với toàn thể Giáo Hội. Tuy nhiên, việc quyết định phương cách, hoặc đơn phương hoặc tập đoàn, để thi hành nhiệm vụ, tùy theo nhu cầu của Giáo Hội, là quyền của Ngài.
(3) Không thể kháng cáo hoặc thượng tố chống lại một án văn hay nghị định của Đức Thánh Cha. (GL điều 333)

Trong khi thi hành nhiệm vụ, Đức Thánh Cha được hỗ trợ bởi các Giám Mục; các vị có thể cộng tác với Đức Thánh Cha bằng nhiều phương cách khác nhau, một trong những phương cách đó là Thượng Hội Nghị Giám Mục. Ngoài ra, Ngài còn được sự giúp đỡ của các Hồng Y, các nhân vật khác và các định chế khác nhau, theo nhu cầu của mọi thời đại. Tất cả các nhân vật và các định chế ấy lo chu toàn trách vụ đã giao phó nhằm thiện ích của tất cả các Giáo Hội nhân danh và với quyền hành của Giáo Hoàng, theo những quy tắc luật định. (GL điều 334).

Hầu hết các Đức Thánh Cha đều là những người rất thánh thiện. Trong tổng số 265 vị Giáo Hoàng tính cho đến thời của Đức đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI, thì đã có 81 vị là Thánh và 9 vị Chân Phước. Trong số này, có 41 vị Giáo Hoàng đầu tiên được trở nên Thánh. Trong số 32 vị Giáo Hoàng đầu tiên, những vị đã cai quản Giáo Hội suốt thời kỳ bách hại tại La Mã (vốn chấm dứt vào năm 312), thì có tới 28 vị đã tử đạo.

Những Tước Vị của Đức Thánh Cha:

- Giám Mục Rôma (Bishop of Roma, tiếng Anh, và Eùvêque de Rome, tiếng Pháp);
- Đại Diện Đức Kitô ở trần gian (Vicar of Christ, Vicaire du Christ);
- Thừa kế Vị Hoàng Tử (có nghĩa là ‘Thứ Nhất’ hay Phêrô) của các Tông Đồ ở Tòa La Mã (hay Tòa Rôma);
- Giám Mục đứng đầu trong các Giám Mục anh em thuộc Giáo Tỉnh Truyền Giáo Rôma, nghĩa là, Ngài chính là Đức Tổng Giám Mục (Archbishop and Metropolitan, Archevêque et Métropolitain);
- Giáo chủ (Primate, Primat) toàn Giáo Hội Ý Đại Lợi;
- Giáo Trưởng của Tây Phương, tức tất cả những Giáo Hội theo Lễ Nghi La Tinh;
- Tôi Tớ của Những Tôi Tớ (Serviteur des Servicteurs, tiếng Pháp), để bắt chước Chúa Kitô, được mời gọi để phục vụ Dân Thiên Chúa;
- Cha tinh thần của tất cả các tín hữu Công giáo, được kính mến gọi là Đức Giáo Hoàng, hay Đức Thánh Cha hay Người Cha Thánh Thiệân (Holiness, Sainteté), vì tuy Người không phải là một Vị Thánh nhưng tất cả những điều của Chúa Kitô mà Người cai quản đều là thánh thiện cả.
- Quốc Trưởng Quốc Gia Vatican, với những luật lệ quốc tế để giúp bảo toàn nền tự trị của nhiệm kỳ Giáo Hoàng của Người.

Chiếc Mũ Ba Tầng của Đức Giáo Hoàng là một vương miện tượng trưng cho ba loại Quyền Bính Tối Cao của Đức Thánh Cha:

- Quyền Chủ Chăn Hoàn Vũ;
- Quyền Giáo Huấn;
- Quyền Quốc Trưởng một quốc gia Vatican độc lập và có chủ quyền.

Chiếc Mũ Ba Tầng còn mang một ý nghĩa thiêng liêng về ba chức vụ của Chúa Kitô là: Tư Tế, Tiên Tri và Vương Giả. Thiên Chúa thực thi các chức năng này qua các Tông Đồ, và cụ thể qua Phêrô, để tất cả họ được thánh hóa, daỵ dỗ và được cai quản vì Danh Ngài và bởi Quyền Bính của Ngài như đã được đề cập trong các Sách Tin Mừng:

« Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: ‘Người ta nói Con Người là ai?’ Các ông thưa: ‘Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ’. Đức Giêsu lại hỏi: ‘Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?’ Ông Simon Phêrô thưa: ‘Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’. Đức Giêsu nói với ông: ‘Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.’ » (Matthêu, 16:13-19)

« Rồi Chúa nói: ‘Simon, Simon ơi, kìa Xatan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh’. » (Luca, 22:31-32)

Lúc cuối Công Đồng Vatican II, Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục, vị Giáo Hoàng cuối cùng đội mũ ba tầng này, bước xuống các bậc tam cấp từ ngai giáo hoàng tại Vương Cung Đại Thánh Đường Thánh Phêrô và, bằng một cử chỉ thật cảm động, đã đặt mũ trên bàn thờ, nói lên sự khiêm nhường và coi đó như là một dấu chỉ sự từ bỏ danh vọng cùng quyền lực để cùng thông hiệp với tinh thần canh tân, đổi mới của Công Đồng Chung Vatican II. Sau đó, mũ ba tầng này được bán đi và tiền được biếu cho người nghèo.

2. HỒNG Y ĐOÀN

Hồng Y Đoàn gồm những vị được Đức Thánh Cha cất nhắc lên chức vị Hồng Y, có nghĩa vụ cố vấn và cộng tác thân cận với Đức Thánh Cha trong việc cai quản Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, và để bầu ra người kế vị Người. Các Đức Hồng Y là những viên chức làm việc tại Giáo Triều Rôma hay các Đức Tổng Giám Mục chính tòa khắp thế giới, và những vị khác được chọn ra tùy theo ý muốn của Đức Thánh Cha.

Các Đức Hồng Y là những vị ‘cadre’, tiếng La Tinh, có nghĩa là bản lề hay mấu chốt điểm, bắt đầu từ thế kỷ thứ IV. Từ năm 1059, các Đức Hồng Y có nhiệm vụ bầu phiếu Đức Giáo Hoàng, và Hồng Y Đoàn được thành hình kể từ năm 1150. Qua nhiều thế kỷ, con số các Đức Hồng Y được gia tăng, từ 70, một con số mang ý nghĩa Kinh Thánh, vì có 70 người đứng tuổi (niên trưởng) đã giúp Môisê trong việc lãnh đạo dân Israel và 70 Môn đệ, bên cạnh các Tông Đồ, đã giúp trong sứ vụ của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, hai Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Gioan Phaolô Đệ Nhị đã tấn phong Hồng Y vượt quá số 70 này, nhằm để quốc tế hóa Hồng Y Đoàn cùng với các vị trong chức vụ giám mục đến từ khắp thế giới. Ngày hôm nay, có 119 Đức Hồng Y có quyền bầu Đức Giáo Hoàng và 78 Đức Hồng Y, trên 80 tuổi, không còn quyền bầu.

Giáo Hội Việt-Nam, từ 1976 đến giờ, đã có ba Đức Hồng Y Tổng Giám mục Hà nội (Giuse-Maria Trịnh như Khuê, Giuse-Maria Trịnh văn Căn và Phaolô-Giuse Phạm đình Tụng), một Đức Hồng Y Tổng Giám mục Sài gòn Gioan Baotixita Phạm minh Mẫn và Đức Hồng Y Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận. Trong dịp tiến cử Hồng Y ngày 21.10.2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên bố tên 30 Đức Hồng Y và giữ kín tên một Đức Hồng Y in pectore (giữ kín trong lòng). Một vài nguồn tin đoán đó có thể là Đức Cha Stanislaw Dziwisz, khi đó là thư ký Đức Thánh Cha, nay là Hồng Y Tổng Giám mục Cracovie (Ba lan) hoặc một Hồng Y thuộc các Giáo Hội bị kiểm soát như Soudan hay Trung quốc và, tại sao không thể là Việt-Nam (lời hứa trả lại Tòa Khâm sứ cho Giáo phận Hà nội chưa được thi hành từ hơn hai tháng qua là một thí dụ Việt-Nam không tôn trọng tôn giáo).

Giáo Luật, điều 351, triệt 3, qui định: vị được bổ nhiệm làm Hồng Y, nếu, trong khi loan tin, Đức Giáo Hoàng không tiết lộ tên (in pectore), thì trong thời gian chờ đợi, vị này không có bổn phận và quyền lợi nào của các vị Hồng Y; nhưng khi nào tên được công bố, thì không những Đức Hồng Y có bổn phận và quyền lợi của một Hồng Y, nhưng còn được hưởng quyền kể từ ngày Đức Thánh Cha được tuyển chọn nhưng ‘in pectore’. Nếu không có bút từ gì về vị Hồng Y ‘in pectore’ do Đức Giáo Hoàng trước để lại, thì vị Kế Nghiệp không bị buộc theo những quyết định của Vị Tiền Nhiệm mình. Và lúc đó, vị Tân Giáo Hoàng được hoàn tự do trong mọi quyết định.

Việc giữ kín tên của vị Hồng Y ‘in pectore’ đã có từ thời Đức Alexandro VI (1492-1503) hay từ thời Đức Giulio II (1503-1513).

a.- Các Hồng Y Giám Mục là những thành viên có thứ bậc cao nhất trong Hồng Y Đoàn và có nhiệm vụ bầu cử một vị Niên Trưởng Hồng Y Đoàn, với sự phê chuẩn của Đức Giáo Hoàng, sẽ đứng ra chủ trì những cuộc phiên hội họp.

Danh hiệu Hồng Y Giám Mục được bắt nguồn từ hai phần trong lịch sử:
- Hồng Y là danh hiệu được trao phó cho người cố vấn cho vị Giám Mục Rôma, đã có từ thế kỷ IV. Sau đó, nó được trao cho những người đang giữ một số chức vụ chính trong các văn phòng giáo sĩ liên đới với Tòa Thánh La Mã. Kể từ năm 1059, những vị Hồng Y được bổ nhiệm này trở thành những vị có đặc quyền bầu phiếu của vị Giám Mục Rôma. Tuy nhiên, mặc cho danh hiệu được dùng để phân biệt ra các vị Hồng y bởi những văn phòng cổ xưa (như các hạt, các giáo xứ và các giáo phận); thì ngày hôm nay các vị Hồng Y đã không còn có một vai trò chính thức trong việc cai quản của các vị.
- Ngày nay, Đức Hồng Y thường là các Đức Giám Mục của các Giáo phận hay các viên chức của Giáo triều, và với tư cách là Hồng Y, các Vị này có nhiệm vụ bầu phiếu và cố vấn cho Đức Giáo Hoàng.

Danh hiệu Giám Mục là nhằm ám chỉ đến một trong những giáo phận thuộc vùng ngoại ô (hay còn được gọi là những tòa ngoại ô) nhằm hình thành nên Giáo tỉnh Rôma. Kể từ thế kỷ thứ IV, các vị Giám Mục của những Giáo phận này đóng vai trò trong việc tôn và tấn phong Đức Giáo Hoàng. Để làm được việc này, một thành viên trong các vị sẽ đứng ra chủ trì, gọi là vị Giám Mục Ostia.

Ngày hôm nay, những vị Giám Mục thật sự của 7 tòa ngoại ô này chẳng đóng một vai trò nào trong việc bầu chọn Đức Giáo Hoàng. Thay vào đó, sáu vị Hồng Y Giám Mục giữ danh hiệu của những tòa này, cùng với vị Niên Trưởng của Hồng Y Đoàn, là người nắm hai chức vị, thuộc Tòa Ostia và Tòa mà vị ấy đã có trước khi được bầu để trở thành Niên Trưởng.

b.- Các Hồng Y Linh Mục là những vị Hồng Y có số đông nhất là 142 vị, trong số các Hồng Y Đoàn. Các vị này bao gồm luôn cả các viên chức của Giáo Triều Rôma, cũng như những vị Tổng Giám Mục của các địa phận chính trên khắp thế giới. Những vị Hồng Y Linh Mục giữ một hiệu tòa cụ thể nào đó trong Tòa Rôma, một sự phản ánh mờ nhạt của lịch sử vào thời kỳ đầu của các giáo sĩ Rôma trong việc tham dự phần vào việc bầu chọn ra Đức Giáo Hoàng. Nội trong cấp bậc của Hồng Y Linh Mục, các vị Hồng Y có mức độ thâm niên dựa trên ngày được bổ nhiệm làm Hồng Y, và có thể được thăng tiến lên cấp bậc cao hơn là Hồng Y Giám Mục.

Việt-Nam hiện có 2 Đức Hồng Y Linh mục là Đức Tổng Giám Mục Danh Dự
của Tổng Giáo Phận Hà Nội (trên 80 tuổi) và Đức Tổng Giám Mục Phạm Minh Mẫn của Tổng Giáo Phận Sài Gòn (dưới 80 tuổi). Trong hoàn cảnh hiện tại Việt-Nam thiếu Giám mục, vì nhiều Giáo phận chỉ có Giám quản hay Giám mục đã quá 75 tuổi chưa được thay thế, chứ không thiếu Hồng Y.

c.- Các Hồng Y Phó Tế hay Trợ Tá là các viên chức của Giáo Triều Rôma và các nhà thần học được vinh danh bởi Đức Giáo Hoàng vì sự đóng góp của họ cho Giáo Hội. Ngày nay có khoảng 30 vị Hồng Y Phó Tế đều giữ danh hiệu được trao phó một giáo xứ trong 3 địa hạt của Rôma.

Trong quá khứ, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận đã là Hồng Y Phó Tế.

(Còn tiếp)