NGƯỜI VIỆT NAM CÔNG GIÁO 5

CHƯƠNG 5. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN SUY NGHĨ

Biến cố ngày 30.04.1975 đã làm thay đổi sâu rộng đời sống người dân Miền Nam đất Việt trên mọi lãnh vực chánh trị, kinh tế … và tôn giáo. Việt-Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của đảng Lao động.

Người Việt-Nam Công giáo, không là một ngoại lệ, đã sống toàn vẹn với vận mạng của Dân Tộc trên Quê Hương. Các Đức Giám Mục (kể cả Đức Cha Henri Lemaitre, Khâm sứ Tòa Thánh, đại diện Đức Giáo Hoàng bên cạnh Hội đồng Giám Mục Việt-Nam) đã chấp nhận mọi gian nguy, hiểm trở có thể đến với mình, quyết chu toàn nhiệm vụ Chủ chăn mà Giáo Hội giao phó để dẫn dắt Cộng đồng Dân Chúa. Nhờ thế, Giáo Hội Công Giáo Việt-Nam vẫn sống kiên cường dưới sự linh hướng của Hội đồng Giám Mục.

Ngày 05.05.1975, Đức Cha Phaolô Nguyễn văn Bình, Tổng Giám mục Sài-gòn gửi thư đến các tín hữu công giáo : « Chúng ta làm hết những gì có thể được để mọi anh em đồng bào hiểu nhau hơn, tin nhau hơn, mến nhau hơn. Đó chính là tinh thần Phúc Âm mà thánh Phanxicô Assisi đã nhắc lại trong kinh Hòa Bình : Để đem yêu thương vào nơi oán thù, đem trông cậy vào nơi thất vọng, đem niềm vui vào chốn ưu sầu. »

Ngoài ra, như chúng ta đã đọc thấy, trong ‘NGƯỜI VIỆT NAM CÔNG GIÁO 3’, Thông cáo chung ngày 20.12.1975 và Thư Chung ngày 16.07.1976 của các Giám mục Miền Nam Việt-Nam cũng như Thư của Hội đồng Giám mục Việt-Nam gởi toàn thể linh mục, tu sĩ và toàn thể giáo dân cả nước ngày 01.05.1980, Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh văn Căn và các Đức Giám mục xác định ý muốn sống đạo theo tinh thần Công Đồng Chung Vatican II trong đối thoại và phục vụ. Việc thực hiện ý muốn này luôn gặp nhiều khó khăn…

I. NHỮNG KHÓ KHĂN TỪ BÊN NGOÀI LẪN BÊN TRONG.

1. Giáo hội công giáo đối thoại với chính quyền không trên cơ sở bình đẳng.

Đảng Lao động, ngày trước, và đảng Cộng sản, hiện nay, trong chế độ xã hội chủ nghĩa, luôn khẳng định rõ ràng rằng Đảng là người lãnh đạo duy nhất và cũng là người duy nhất quyết định chung cuộc về mọi vấn đề trong nước. Đảng trao đổi, lắng nghe người có đạo nhưng Đảng chỉ nghe trong mức độ những đề nghị của hàng giáo phẩm các tôn giáo phù hợp và có lợi để đạt được những hiệu quả mà Đảng đang theo đuổi. Vả chăng, đối với chủ nghĩa Mác-Lê, thì tôn giáo là một tồn tại của quá khứ, sẽ tàn lụi dần trong tương lai. Trong quá trình xây dựng xã hội tương lai, tôn giáo còn sống chỉ vì tôn giáo chưa chết; nhưng không có tôn giáo trong mẫu hình lý tưởng về xã hội.

Để sớm đi đến điều đó, Đảng đã làm cho Giáo hội mất nhiều phương tiện để sinh tồn : các cơ sở giáo dục (trường học, chủng viện, tu viện), cơ sở xã hội (bệnh viện,..) và kinh tế đã bị trưng dụng dài hạn. Có trên một trăm Linh mục, kể cả một Tổng Giám mục phó, và Tu sĩ; thậm chí có nhiều người đã phải ra pháp trường. Trong những năm đầu sau 1975, các chủng viện đã bị đóng cửa, không phong chức Linh mục, không chuẩn bị đủ theo đúng qui cách đội ngũ thừa kế, và dĩ nhiên, về phương tiện vật chất, thì Giáo hội phải nghèo hơn.. Không như thời kỳ bắt đạo thời xưa, nhà thờ mở rộng cửa để giáo dân đến làm việc thờ phượng, nhưng các Giáo sĩ cần phải cảnh giác lời ăn tiếng nói.

Khi Liên xô đổi mới, thì Việt-Nam cũng mở cửa tiếp đón toàn cầu hóa, Đảng mới chấp nhận để Đức Hồng Y Roger Etchegaray, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình kiêm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm) cùng Đức Ông Barnaba Nguyễn văn Phương, thuộc Bộ Truyền giáo, đến Việt-Nam viếng thăm mục vụ từ 01 đến 13.07.1989. Từ đó, Đảng có sự nới rộng trong chính sách tôn giáo, cũng như trong những lãnh vực khác, nhất là về kinh tế. Nhiều nhà thờ được xây mới, các chủng viện mở lại, những Linh mục mới được tấn phong, nhiều tu sĩ trẻ và sinh hoạt tôn giáo đa dạng hơn.

Hồi tưởng lại thời kỳ đối thoại đầy khó khăn này, chúng ta kính nhớ các vị Chủ Chăn, bằng những lý do khác nhau, đã từ chối đề nghị của Nhà Nước muốn biến Giáo hội Công giáo Việt-Nam thành Giáo hội tự trị với Đức Giáo Hoàng như Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc, vào đầu thập niên 1980.

2. Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt-Nam.

Sau ngày 30.04.1975, những Linh mục, mà người dân Việt gọi là ‘quốc doanh’, đã thành lập nhóm ‘Linh mục yêu nước’ mà danh xưng không ngừng thay đổi : Ủy ban Liên lạc công giáo Toàn quốc, Ủy ban đoàn kết công giáo yêu nước Việt-Nam… và, cuối cùng, đã dừng lại với tên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt-Nam (UBĐKCG). Tổ chức này ủng hộ những hoạt động của đảng Cộng Sản, và nhóm này xuất bản tờ báo "Công Giáo và Dân Tộc" trong khi, từ sau ngày 30.04.1975, tất cả các nguyệt san Công giáo đều bị đình bản. Ngày 15.02.2002, tờ Hiệp Thông, Bản Tin của Hội đồng Giám mục Việt-Nam, đã được tái bản, phát hành hai tháng một lần, chỉ được phép in 100 bản (số người đặt mua, lúc đó, là 1200). Hiệp Thông từ số 33 đã được Ủy Ban Văn Hóa Hội đồng Giám mục trao cho dunglac.net đưa lên mạng lưới. Do đó, rất nhiều người lầm tưởng "Công Giáo và Dân Tộc" là cơ quan thông tin của Giáo hội Công giáo.

Trong lá thư đề ngày 25.12.1997 để báo cáo với lãnh đạo Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và Ban Tôn giáo TP. Hồ chí Minh về Phan khắc Từ và Trương bá Cần, Vương đình Bích viết : « Tôi thành khẩn nói rõ với hai anh Từ và Cần, là vấn đề thật của Tổ chức chúng ta, không phải là Nhóm Nghiên cứu (bị Phan khắc Từ giải tán vì lem nhem tiền bạc), mà là Nhóm bốn anh em chúng tôi, Minh, Cần, Từ, Bích đã được lãnh đạo gầy dựng và giao cho nhiệm vụ điều động Phong trào Công giáo Yêu nước tại Thành phố này… ». Điều lệ của UBĐK ghi rõ: UBĐKCGVN ‘là tổ chức đại diện phong trào yêu nước của người Công giáo Việt-Nam’, là ‘thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt-Nam’. (Mặt trận Tổ quốc Việt-Nam do Đảng Cộng sản dựỉng nên, bao gồm các đoàn thể nhân dân).

Giáo dân không tham gia UBĐKCG nhiều, nhưng có đông Linh mục. Hằng trăm Linh mục dự Đại hội đâu có ít, mỗi lần ? Có lẽ nhiều người đi cho yên, lấy lệ ? Điều có thể kiểm kê được là trong số đó chỉ có mấy người chủ chốt năm này qua năm khác và ôm tất cả. Đức Cha Nguyễn văn Bình trong một bài phỏng vấn của báo Eglises d’Asie (Pháp quốc) số 95, tháng 09.1990, khi được hỏi : « Thưa Đức Cha, có bao nhiêu Linh mục trong UBĐKCG? » đã trả lời : « Có lẽ tất cả có chừng 30 người. Nhưng thực tế, chỉ có 5 hay 6 người, những người khác chẳng mấy quan tâm đến Ủy ban. Họ là những Linh mục làm việc trong các giáo xứ. Thỉnh thoảng họ tới dự một phiên họp thế thôi.

Tại Hội nghị thường niên của UBĐKCG ngày 11.11.1993, Linh mục Huỳnh công Minh, Tổng đại diện Giáo phận Sài gòn, đã khuyến cáo các linh mục, tu sĩ nên nhường chổ cho giáo dân trong một tổ chức có tính cách trần thế như UBĐKCG, và rút về công việc chuyên môn của mình (xem ‘Công giáo và Dân tộc’ số ra 14.11.1993). Trong thư gửi các Linh mục, sau Hội nghị thường niên Hội đồng Giám mục Việt-Nam, Đức Cha Huỳnh văn Nghi cũng không nói gì khác để trả lời ông Trưởng ban Tôn giáo: « Ông Trưởng ban Tôn giáo giới thiệu UBĐKCG và lợi ích của tổ chức chánh trị dành cho người công giáo này. Các Giám mục nhận định là trong tiến trình đổi mới và phát triển của đất nước hiện nay, nên dành cho giáo dân tham gia và lãnh đạo tổ chức này (…). Linh mục, tu sĩ là những người chuyên làm công tác tôn giáo. Hãy để họ trong ngành chuyên môn của họ. Đức cố Tổng Giám mục Nguyễn văn Bình, lúc sinh thời, đã có chủ trương này, nhưng Ngài đã phải hối tiếc ra đi trước khi được thấy nguyện vọng mình được thực hiện » (xem Tin Nhà số 31, tr. 15). Các Giám mục thừa biết và ông Trưởng ban Tôn giáo lại quá biết rằng các Giám mục biết : UBĐKCG là Ủy ban Đoàn kết Linh mục yêu nước, Linh mục rút đi thì thì làm còn gì UBĐKCG nữa. (Trích Tin Nhà số 32 – Mars 1998).

Ngày 29.10.1993, báo ‘La Croix’, phát hành tại Pháp, đăng bài phỏng vấn Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận (khi đó còn là Đức Tổng Giám mục phó Sàigòn) về những tín hữu Công giáo cộng tác với Nhà nước cộng sản. Đức Hồng Y cho biết Người không phán xét về những người nầy: họ có những lý do của họ. Chớ nên kết án tất cả mọi người… Đây là nhận định đúng của một Mục tử nhân lành.

Thư Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài gòn gửi quyền Chủ tịch UBĐKCGVN

Ngày 25.12.2002, Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài gòn Gioan Baotixita Phạm minh Mẫn đã gởi linh mục Nguyễn Tấn Khóa, quyền Chủ tịch UBĐK.CGVN và các Đại biểu Đại hội những người công giáo Việt-Nam xây dựng và bảo vệ tổ quốc lần thứ IV. Trong đó, Đức Cha cho biết: vì công việc mục vụ không cho phép tôi đến dự Đại hội. Đức Cha viết tiếp: tôi xin mượn lá thư này góp vài ý kiến với các Đại biểu trong nhiệm vụ xây dựng Đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong hoàn cảnh hiện nay.

“Phục vụ con người là mục đích tối cao” của mọi tổ chức và cơ chế xã hội (xem Nghị quyết Đại hội Đảng lần VI). Khẳng định này đặt con người làm mục đích, làm cứu cánh, làm trọng tâm của mọi hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội trong cộng đồng dân tộc. Phải chăng khẳng định nầy muốn nói lên chân lý căn bản nảy ra những nhu cầu, những đòi hỏi bức thiết phải đáp ứng trong hoàn cảnh hiện tại để xây dựng một xã hội nhân bản hơn cho tổ quốc Việt Nam. Những đòi hỏi bức thiết đó gồm có hai việc chính sau đây:

I. Xóa bỏ dần những khuyết tật hiện hữu của xã hội :

1. Xóa bỏ khuyết tật lớn thứ nhất là hiện tượng tha hóa con người vì sựỉ tha hóa là hiện tượng đánh mất phẩm giá con người.

2. Xóa bỏ khuyết tật lớn thứ hai là cơ chế bất công và tha hóa con người : cơ chế xin-cho. Cơ chế này là một cơ chế bất công và tha hóa con người vì những lý do sau đây:

- Cơ chế xin-cho biến những quyền tự do của công dân thành những thứ quyền Nhà Nước nắm trong tay và ban bố lại cho người dân dưới dạng những cái phép. Như thế cơ chế xin-cho vừa xóa đi các quyền tự do của người dân, vừa biến một nhà nước của dân, do dân và vì dân thành một chủ nhân ông nắm trong tay các quyền tự do của người dân và thi ân cho họ theo cảm tính hoặc ngẫu hứng của mình.

- Theo thông tin của báo chí, cơ chế xin-cho còn là nguyên nhân làm thất thoát 50% từ các nguồn thu vào của công quỹ, và làm thất thoát 50% của phần còn lại khi phải chia ra cho công ích.

II. Phát huy những giá trị nhân bản làm cho mọi công dân ngày càng sống ấm no, sống “độc lập, tự do và hạnh phúc”, sống xứng với phẩm giá con người.

1. Phát huy phẩm giá và nhân cách con người.

2. Phát triển xã hội và thăng tiến con người trên nền tảng chân lý.

3. Phát huy tính liên đới trong cộng đồng dân tộc.

4. Phát huy tính phụ đới của tổ chức xã hội.

5. Phát huy ý thức và thiện chí phục vụ công ích.

II.- NHỮNG SỰ KIỆN ĐÁNG TIẾC.

Với sự tiếp tay của các Linh mục này, Nhà nước Việt-Nam đã:

1. Trục xuất Đức Khâm sứ Tòa Thánh. Nhóm Linh mục ‘quốc doanh’, trong có Linh mục Huỳnh công Minh, đã hành hung Đức Khâm Sứ Tòa Thánh Henri Lemaitre trước khi chánh quyền đã yêu cầu Đức Cha rời khỏi Việt-Nam, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican.

Hiện nay, Nhà nước Việt Nam, đang mong muốn Tòa Thánh tái thiết lập bang giao với Việt-Nam.

Ngày 25.01.2007, nhân dịp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đến bệ kiến Đức Giáo hoàng Benedict XVI tại Vatican, Linh mục Huỳnh công Minh, phát ngôn viên của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Sài Gòn, đã trả lời phỏng vấn của ký giả Xuân Hồng (đài BBC) như sau :

BBC : Thưa cha vậy cái liên hệ giữa tòa thánh Vatican và chính phủ Việt Nam còn những cái khúc mắc nào nữa không?

LM HCM : Cho tới bây giờ cái mối quan hệ chính thức giữa tòa thánh Vatican, với tư cách là một nhà nước, với chính phủ Việt-Nam chưa có cho nên nó có một cái trở ngại đó là khi mà Tòa thánh Vatican có muốn trao đổi những vấn đề liên quan giữa hai bên cho đến bây giờ cứ mỗi lần Tòa thánh Vatican phải cử một phái đoàn đi sang Việt Nam rồi mới gặp chính thức ban Tôn Giáo của Chính phủ rồi mới trao đổi.

Có khi là mỗi năm được một lần, có khi là như năm vừa rồi có phái đoàn của tòa thánh nhưng không có qua được vì chính phủ Việt Nam có lý do thời điểm tòa thánh sang chính phủ VN nói rằng họ phải bận với đại hội Đảng, rồi hội nghị APEC, cho nên cuối cùng phải rời ra cho đến tháng Ba này mới có một phái đoàn chính thức của tòa thánh Vatican tới thăm. Sẽ qua Việt Nam.

Một đằng để gặp gỡ trực tiếp với chính phủ VN, đồng thời cũng đi thăm, mỗi lần qua cũng đi thăm một địa phương chẳng hạn như dự kiến tháng Ba tới đây đoàn tòa thánh đi thăm cái phía Tây Nguyên, Gia Lai, Kon Tum. Rồi có khi xuống Đăklak, Ban Mê Thuột, đó là chuyến thăm ở địa phương, còn bình thường thì thường trao đổi với Ban Tôn giáo chính phủ tại Hà Nội.

Còn nếu sau này có quan hệ ngoại giao mà bình thường nữa thì không cần những phái đoàn như thế. Đó là cái tình hình đấy anh Xuân Hồng ạ.

Ghi chú : Thật đáng tiếc. Đánh đuổi Đức Khâm Sứ Tòa Thánh và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Vatican thì dễ, nhưng để tái lập quan hệ ngoại giao với Vatican thì cần phải có thời gian…

2. Bắt bớ Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận. Trong phiên họp ngày 27.06.1975, tại Dinh Độc lập, kéo dài từ 15 đến 19 giờ, Đức Cha đã đối diện với ba Cán bộ cao cấp của Ủy Ban Quân Quản TP Hồ Chí Minh cùng các Linh mục ‘yêu nước’ (?). Đối với Chính quyền Cộng sản, sự thuyên chuyển độ một tuần trước khi họ tiếp thu Sàigòn vào ngày 30.04.1975, là bằng cớ âm mưu giữa Vatican và các Đế Quốc. Để trả lời sự cáo buộc đó, Đức Cha chỉ xác nhận sự vâng lời của Ngài đối với Bài Sai của Đức Thánh Cha.

Ngày 15.08.1975, Ủy Ban Quân Quản TP Hồ Chí Minh bắt giam Đức Cha. Đức Cha đã bị tù 13 năm, không bản án, ở nhiều nơi khác nhau, trong đó, có 9 năm bị biệt giam, cho đến ngày 23.11.1988 ngài được thả ra và, tiếp tục, bị quản chế tại Hà Nội.

Năm 1989, Nhà nước Việt-Nam cho Đức Cha đi Rôma và đã không cho Đức Cha trở lại Quê Hương.

3. Phong Thánh cho 117 Chân phuớc Tử đạo.

Ngày 16.11.1985, Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh văn Căn, Tổng Giám mục Hà nội, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt-Nam ký gởi đến Đức Thánh Cha một Thỉnh nguyện thư xin Tòa Thánh phong Thánh cho 117 Chân phuớc Tử đạo Việt-Nam.

Ngày 23.06.1987, Đức Hồng Y Agostino Casaroli, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, báo tin cho Đức Hồng Y Trịnh văn Căn biết là trong buổi họp Cơ Mật Viện đã quyết định việc Phong Thánh cho các Chân phuớc Tử đạo Việt-Nam sẽ cử hành trong tháng sáu năm tới vào một ngày sẽ định sau.

Ngày 24.06.1987, Đức Hồng Y Trịnh văn Căn đã gởi diện văn cảm tạ Đức Thánh Cha và Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh và hy vọng có thể đến đông đảo tham dự lễ nghi.

Ngày 19.09.1987, Ủy ban Thường vụ Hội đồng Giám mục gởi thư đến các Đức Giám mục để cho biết:

- hôm qua, Ủy ban Thường vụ đã họp và tiếp Đại diện Ban Tôn giáo của Chánh phủ thông báo một số vấn đề có liên quan đến lịch sử, đến chính sách đoàn kết, đến luật pháp hiện hành của Đất Nước về việc Phong Hiển Thánh cho các Chân Phước Việt-Nam,

- xin Đức Cha cứ duy trì cách thức mừng các Chân Phước Việt-Nam như cũ.

Ngày 25.02.1988, Mặt trận Tổ Quốc Sài gòn đã tập hợp để trao đổi với 600 linh mục, tu sĩ và giáo dân về vấn đề Phong Thánh.

Ngày 04.03.1988, Ủy ban Thường vụ Hội đồng Giám mục đã có thông cáo:

- Hội đồng Giám mục Việt-Nam đã họp Khóa Bất Thường từ ngày 02 đến 04.03.1988 để bàn về vấn đề Phong Hiển Thánh các vị Chân Phước Tử Đạo tại Việt-Nam,

- Hội đồng đã được cụ Trưởng Ban Tôn giáo Chánh phủ tiếp và cho ý kiến.

- Hội đồng nhận thấy rằng: Việc tôn phong các vị Chân Phước Tử Đạo tại Việt-Nam lên hàng Hiển Thánh chỉ là giai đoạn cuối cùng trong tiến trình phong thánh và là việc thuộc phạm vi tín điều, nên theo Giáo luật khoản 333 số 3 việc đó ngoài thẩm quyền của các Giám mục.

Ngày 19.06.1988, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Rôma, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, đã long trọng chủ tọa Đại Lễ Phong Thánh các vị Chân Phước Tử Đạo Việt-Nam, với đông đảo tín hữu người Việt đến từ khắp Năm Châu, trừ Việt-Nam vì Nhà nước không cấp phép cho bất cứ ai đi.

3. Trường hợp Đức Cha Philippe Nguyễn kim Điền.

Hai ngày trước khi Giáo hội Hoàn vũ Phong Thánh các Chân Phước Tử Đạo Việt-Nam, báo ‘La Croix’, xuất bản tại Pháp, ngày 17.06.1988 loan tin sự Qua Đời của Tổng Giám mục Huế (Décès de l’Archevêque de Hué). Đức Cha được Thiên Chúa gọi ra khỏi thế gian ngày 08.06.1988. Đức Cha Điền ‘đau bệnh tim, tiểu đường và tăng áp huyết’, một thành viên của UBĐKCG yêu nước Sài gòn nói với AFP. Theo một nguồn tin công giáo đáng tin cậy thì sức khoẻ Đức Cha đã suy giảm nhanh sau những ‘phiên làm việc’ – thẩm vấn thật căn thẳng của công an – để buộc Người phải vào ‘khuôn khổ‘.

Đức Cha, ngay từ năm 1983, đã từ chối chấp nhận UBĐKCG yêu nước được xem như một ‘Giáo hội yêu nước’ theo kiểu Trung quốc. Hai năm sau, Đức Cha đã ngưng chức Linh mục của Cha Bính vì, mặc dù đã bị cấm, đã tham gia Ủy ban nói trên. Mặc dù có những áp lực từ phía nhà cầm quyền, Đức Cha từ chối tha và, cuối cùng Cha Bính, năm 1986, đã xin lỗi và được tha thứ.

4. Bổ nhiệm Đức Cha Huỳnh văn Nghi vào chức vụ Giám quản Tông tòa Sài gòn.

Vì Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn văn Bình bị bệnh trầm trọng, trong lúc cấp bách, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức Cha Nicôlaô Huỳnh văn Nghi, Giám mục Phan thiết, vào chức vụ Giám quản Tông tòa Sài gòn ngày 10.08.1993, bằng Tông sắc số 3677/93. Việc bổ nhiệm này gặp sự chống đối từ phía chính quyền vì không được sự chấp nhận của Hội đồng Bộ trưởng.

Do vâng lời Bài Sai của Đức Thánh Cha, Đức Cha Huỳnh văn Nghi bị Ban Tôn giáo TP.HCM cho là không biết bảo vệ chủ quyền của Việt-Nam vì sự bổ nhiệm đã trái với Nghị định 69 của Hội đồng Bộ trưởng, ngày 23.03.1993. Điều 19 qui định: ‘Đối với chức sắc từ bậc Hòa thượng trong đạo Phật, Hồng Y, Giám mục, Giám quản trong đạo Thiên Chúa và những bậc tương đương trong các tôn giáo khác phải được sự chấp thuận của Hội đồng Bộ trưởng’.

Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục trong Thư gởi Thủ tướng, ngày 29.03.1995, xác nhận hoàn toàn nhất trí với Đức Giáo Hoàng về việc bổ nhiệm trên và đề nghị Thủ tướng tạo mọi điều kiện thuận lợi để Giám mục Huỳnh văn Nghi được thi hành chức vụ Giám quản cách dễ dàng.

‘Tài liệu trao đổi trong linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân công giáo Thành phố Hồ chí Minh’ cho biết: trong Hội nghị tổng kết 6 tháng cuối năm của ỦBĐKCG TpHCM năm 1995 có những linh mục và giáo dân đã nêu lên nguyện vọng là sớm có được một giám mục đứng đầu giáo phận. Nguyện vọng đó là chính đáng…’.

Đồng ý, nguyện vọng đó là chính đáng, nhưng đoạn : ‘Như ở Pháp, theo niên giám của Hội đồng Giám mục Pháp ‘trước khi việc bổ nhiệm được công bố, tên của Giám mục được thông báo cho Chính phủ (Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ) theo như thông lệ từ năm 1921, để tham khảo và chờ sự chấp thuận của Chính phủ sở tại.’

Đúng vậy, nhưng thủ tục đó hoàn toàn trái với ý nghĩa của điều 19 Nghị định nói trên. Ở Pháp, tiến trình sự bổ nhiệm Giám mục được diễn ra như sau: Đức Sứ thần Tòa Thánh điều tra về Linh mục được các Giám mục liên hệ giới thiệu và trình cho Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm với sự ưng thuận của đương sự. Trong thời gian chờ công bố, Tòa Thánh tham khảo với Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ (kiêm Tôn giáo). Từ trước tới nay, chánh phủ Pháp chưa hề từ chối vì họ biết tôn trọng sự phân quyền giữa Nhà Nước và Giáo hội. Sau đó, Tòa Thánh công bố việc bổ nhiệm của Đức Giáo Hoàng.

Sau 4 năm 5 tháng với nhiều khó khăn, cảnh cáo của các cấp chính quyền, Đức Cha Nicôlaô Huỳnh văn Nghi đã hoàn tất sứ nhiệm Bề Trên giao phó. Ngày 09.03.1998, Đức Gioan Phaolô II thuyên chuyển Đức Cha Gioan Baotixita Phạm minh Mẫn, Giám mục phó Giáo phận Mỹ tho, lên hàng Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài gòn. Ngày 02.04.1998, tại nhà thờ Chính tòa, Đức Cha Nicôlaô Huỳnh văn Nghi, được Nhà nước chính thức công nhận Giám quản Tông tòa Sài gòn lần đầu và cũng là lần cuối, đã bàn giao trách nhiệm chủ chăn Giáo phận Sài gòn cho Đức tân Tổng Giám mục.

5. Đức Thánh Cha thăm viếng Việt-Nam ?

Hội Đồng Giám Mục Việt-Nam, họp Đại Hội 7 tại Hà nội từ ngày 11-17.10.1998, đã quyết định chính thức mời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến viếng thăm Việt Nam vào tháng 08/1999, để chủ sự Thánh Lễ bế mạc kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang.

Ngày 11.11.1998, Đức Hồng Y Phaolô Phạm Đình Tụng, Tổng Giám Mục Hà Nội, và Đức Cha Barthôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Giám Mục Thanh Hóa đã gửi lên chính phủ Việt-Nam thư yêu cầu chính quyền chấp thuận cho chuyến viếng thăm Việt-Nam của Đức Thánh Cha.

Theo tin hảng thông tấn Reuters 22.03.1999: Đức Ông Celestino Migliore, trưởng phái đoàn Tòa Thánh vừa viếng thăm Việt Nam từ 15-19.03.1999, đã bày tỏ sự lạc quan rằng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II có thể viếng thăm nước này, theo lời mời của Hội đồng Giám mục Việt-Nam.

Cuối cùng, chuyến viếng thăm không thành hình.

Mới gần đây, nhân dịp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đến bệ kiến Đức Giáo hoàng Biển Đức 16 tại Vatican ngày 25.01.2007, nhiều người Việt-Nam hy vọng một cuộc viếng thăm Việt Nam của Đức Thánh Cha, chúng tôi xin nhắc lại bản tin sau :

« Ngày 03.03.2005, Đức Hồng Y G.B. Phạm minh Mẫn, Tổng Giám mục Sài gòn trả lời phỏng vấn của Đài Italia như sau:

Hỏi: Một trong các ước mong mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã không thể thực hiện được. Đó là đến viếng thăm Việt-Nam như một người hành hương hòa bình. Đức Hồng Y có nghĩ là một ngày kia, người kế vị thánh Phêrô có thể đến viếng thăm Việt-Nam hay không?

Đáp: Tôi hy vọng. Có một lần dùng bửa với Đức Thánh Cha với các Giám mục khác. Tôi đã trao đổi với Ngài qua cuộc đối thoại như sau:

- Thưa Đức Thánh Cha, nhân dân Việt-Nam sẽ sung sướng tiếp đoán Đức Thánh Cha thăm Việt-Nam. Tôi nói.

- Nhân dân Việt-Nam đó là ai?

- Đó là các tín hữu Công giáo và không Công giáo?

- Còn người cộng sản thì sao?

- Chắc sẽ có một số người cộng sản cũng sẽ sung sướng về chuyến viếng thăm đó.

- Vậy Trung quốc thì sao?

- Thôi thì Đức Thánh Cha nên viếng thăm Trung quốc trước Việt-Nam.

Sau câu trả lời nầy, các Giám mục khác cũng bày tỏ ước mong được tháp tùng Đức Thánh Cha viếng thăm Trung quốc.

III. CHÁNH TRỊ HAY KHÔNG CHÍNH TRỊ.

Hoạt động chánh trị là một nghệ thuật tổ chức xã hội để mọi người được hạnh phúc, tức mưu cầu ‘công ích’ cho dân tộc.

‘Công ích’ được Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám mục Mỹ tho, định nghĩa khi phát biểu bài ‘Xây dựng Xã hội Công bằng theo Học Thuyết Xã hội Công giáo’ tại Hội thảo khoa học quốc tế về Công bằng Xã hội, Tránh nhiệm Xã hội và Liên Đới Xã hội do tổ chức Misereor của Giáo Hội Công giáo Đức cùng với Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam (Viện Triết Học) đồng tổ chức, diễn ra tại Hà Nội, trong ngày 15 và 16.10.2007:

« Con người có tính xã hội, nên lợi ích cá nhân phải đặt trong tương quan với lợi ích chung. Phải hiểu công ích là toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cần thiết cho các tập thể cũng như cá nhân có thể phát triển đầy đủ và dễ dàng hơn (x. GS số 26). Công ích ngày hôm nay không chỉ dừng lại bình diện quốc gia, mà phải hiểu trên cả bình diện quốc tế. Công ích liên quan tới đời sống của mọi người, đòi hỏi mỗi người phải thận trọng, nhất là những ai đang cầm quyền (x. GLHTCG, số 1906).

Dù mỗi cộng đồng xã hội nhằm một lợi ích chung để thể hiện chính mình, chỉ trong cộng đồng chính trị, công ích mới được thể hiện trọn vẹn nhất. Nhà Nước có nhiệm vụ bảo vệ và thăng tiến công ích của xã hội dân sự, của các công dân và các tập thể nhỏ hơn. Con người trên địa cầu ngày càng lệ thuộc lẫn nhau. Gia đình nhân loại gồm những con người có phẩm giá bình đẳng, đòi phải có một nền công ích toàn cầu. Nền công ích này đòi hỏi phải có những tổ chức quốc tế liên kết nhiều quốc gia, để có khả năng đáp ứng những nhu cầu muôn mặt của con người trong xã hội.

Công ích hướng tới việc thăng tiến con người; “trật tự của muôn vật phải lệ thuộc vào trật tự của các nhân vị chứ không ngược lại”. Trật tự này đặt nền tảng trên chân lý, được thiết lập trong công bằng, được sinh động bởi tình yêu (x. GLHTCG, các số 1910-1912).

Người công giáo còn nhìn xa hơn : làm sao để cho dân tộc mình chẳng những được hạnh phúc trần thế, mà còn được hạnh phúc vĩnh viễn, điều mà mọi người đều mong ước. ‘Công ích’ đời đời vĩnh cửu. Vì thế, Đức Phaolô VI đã dám quả quyết : ‘làm chính trị là một việc bác ái có tầm vóc quốc gia’. Đức Piô XI còn quả quyết trước rằng : ‘Lãnh vực chánh trị là phạm vi mênh mông của bác ái, bác ái chánh trị’ (18.12.1927). »

Chúng tôi xin được phép đơn giản chia 2 hoạt động chánh trị như sau :

1. Chánh trị công dân. Để là một dân tộc có Dân Chủ, trước đó, dân tộc đó phải có Độc Lập với ngoại bang và, phải có Tự Do. Về lý thuyết, Dân Chủ là ngưới dân làm chủ quốc gia mình. Nhưng, thực tế, từng người chủ không thể điều khiển quốc gia mình được. Do đó, cần phải có bầu cử để mỗi người ủy quyền cho ứng cử viên làm thay mình trong việc điều khiển quốc gia.

Đây là quyền và cũng bổn phận của người dân. Người công dân công giáo vừa là công dân nước trần thế, đang lữ thứ trong hành trình hướng về nước Trời, nên phải tham gia bầu cử nếu cuộc bầu cử được tổ chức dân chủ, công bằng và hợp pháp. Chúng ta cũng nên tìm hiểu cách tổ chức các cơ quan công quyền cũng như cần phải có một lập trường chánh trị cho mình để việc sử dụng lá phiếu tốt hơn.

Chúng tôi xin phép góp ý. Chúng tôi quan niệm rằng Quê hương là gia tài của Tổ tiên để lại, chúng ta có bổn phận phải bảo vệ, xây dựng và yêu Nước. Thế hệ này sang thế hệ khác, Ông, Cha chúng ta đã dạy như vậy. Do đó, tham gia bầu cử là vâng lời Ông Bà, Cha Mẹ, tức chúng ta tuân theo điều 4 trong 10 điều răn Đức Chúa Trời là ‘Thảo kính cha mẹ.’

2. Chánh trị đảng phái. Nếu muốn tích cực hơn, nhứt là trong chế độ đa đảng, người dân, khi thấy đồng ý các mục tiêu, chủ trương của một đảng (hay nhóm) chánh trị hợp pháp nào đó, thì gia nhập đảng (hay nhóm) đó. Nếu nhận thấy mình có khả năng làm người điều khiển quốc gia (hay địa phương), người công dân đảng viên đề nghị đảng giới thiệu ra ứng cử để phục vụ đồng bào, tức vì Công Ích, trong đó cũng có ích riêng cho mình qua lương bổng hay uy tín được gia tăng.

Ngoài ra, ai nhận thấy mình có khả năng tự ứng cử, có thể nộp đơn ứng cử với tư cách ứng cử viên tự do.

Tuyên bố “không làm chính trị” vì bất cứ lý do gì, như an toàn bản thân hay tổ chức, nhát sợ thất bại, khôn ngoan để người khác làm thay, tránh né nguy hiểm…, cũng là một hình thức “làm chính trị” theo nghĩa tiêu cực.

Tại Quê hương, nhiều Linh mục đã và đang tham gia UBĐKCG, là đại biểu Quốc hội hay thành viên những Ủy ban nhân dân các cấp. Trong khi đó, Giáo Luật ban hành ngày 25.01.1983 qui định :

Điều 285 : (1) Các giáo sĩ nên xa tránh tất cả những gì không xứng hợp với bậc mình, theo như những qui định của luật địa phương.

(2) Giáo sĩ nên tránh tất cả những gì, cho dù không xấu xa, nhưng xa lạ không thích hợp với bậc giáo sĩ.

(3) Cấm các giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền có kèm theo việc hành sử quyền bính dân sự.

(4) Nếu không được phép của Bản Quyền riêng, giáo sĩ không được nhận làm Quản Lý những tài sản thuộc các giáo dân hoặc những chức vụ trần thế kèm theo nghĩa vụ phải kế toán sổ sách; cũng không được làm bảo chứng cho dù dựa vào tài sản riêng của mình nếu không tham khảo ý kiến của Bản Quyền riêng; phải tránh không nên cam kết những khế ước bảo lãnh trả một món nợ mà không định rõ căn nguyên.

Điều 287: (1) Các giáo sĩ hãy tận lực cổ võ duy trì hòa bình và hòa đồng giữa mọi người, dựa trên nền tảng công bằng.

(2) Các giáo sĩ không được tham gia tích cực vào các đảng phái chính trị, hoặc dự phần lãnh đạo trong các nghiệp đoàn, trừ khi nào, theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội, việc bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội và cổ võ công ích đòi hỏi như vậy.

(Trích http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/veritas/index.html)

Qua các tờ báo điện tử, chúng ta hình như không bao giờ đọc thấy các đại biểu linh mục phát biểu tại diễn đàn Quốc hội thì làm sao có thể cho rằng họ nói lên nguyện vọng của những cử tri đã tin tưởng và tín nhiệm họ và hoàn thành trách nhiệm vì ‘công ích’ cho đồng bào… Nhiều người trong chúng ta có nghe đến tên ‘Abbé Pierre‘, vị Linh mục người Pháp. Khi là dân biểu Quốc hội, Cha đã tranh đấu quyền có nơi cư trú cho mọi người, nhất là cho người nghèo và người ngoại quốc. Biết bao năm, Cha được bầu là người được dân Pháp yêu chuộng nhất cho đến khi Cha yêu cầu đừng bầu cho Cha nữa. Abbé Pierre lìa trần ngày 22.01.2007, giữa sự thương kính của hàng triệu người, giàu lẫn nghèo, Pháp và ngoại quốc, tín hữu các tôn giáo…

Trường hợp Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý

Thầy Tađêô Nguyễn Văn Lý (LM Lý) được Đức Tổng Giám Mục Philippe Nguyễn Kim Điền truyền chức Linh Mục vào ngày 30-4-1974 tại Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam Huế.

Xuất thân gia đình nông dân nghèo khó nên sau khi thụ phong Linh Mục, LM Lý xin gia nhập vào Hội Thừa Sai do Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền thành lập để đi hoạt động truyền giáo ở những vùng dân cư nghèo khó. LM Lý được phép vào phụ trách Cộng Đoàn Thừa Sai Cộng Hòa Gò Vấp (Sài gòn) từ 14.07.1974 đến 22.03.1975. Trước ngày 30.04.1975, LM Lý đã trở về Huế gặp Đức Cha Điền và nhận nhiệm vụ Thư Ký của Đức Cha từ 10.04.1975 đến 07.09.1977 thì bị Công An bắt giam tại lao xá Thừa Phủ Huế vì Cha phân phát bài tham luận của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền phát biểu trước Mặt trận Tổ quốc Huế, nội dung lên án chế độ Cộng Sản chủ trương tiêu diệt tôn giáo. Cha bị kết án 20 năm tù nhưng mấy tháng sau thì được phóng thích vào dịp lễ Thiên Chúa Giáng Sinh, chiều ngày 24-12-1977, tạm trú tại nhà hưu dưỡng và không được thi hành sứ vụ Linh Mục.

Giữa năm 1978, Đức Cha Điền sai LM Lý về làm Cha Xứ Đốc Sơ (Thừa Thiên). Tháng 8-1981, LM Lý cùng giáo dân âm thầm đi hành hương đến Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang (Quảng Trị) thì bị Công An chận đường và bắt buộc mọi người phải trở về. Cha Lý và một số giáo dân không tuân lệnh, vẫn đứng giữa đường và bắt đầu đọc kinh cầu nguyện, lần hạt Mân Côi. Chính quyền cho đó là một thái độ khiêu khích. Sau vụ nầy, một số chủng sinh diễn kịch trong nhà, có LM Lý hiện diện, Cha bị mời ra Tòa... và LM Lý không chấp hành lệnh cấm dạy Giáo Lý trong trường học. Kết hợp nhiều vấn đề, nên ngày 17.01.1983, chính quyền Thừa Thiên đã ra quyết định trục xuất LM Lý khỏi nhà thờ giáo xứ Đốc Sơ, bắt phải trở về nhà cha mẹ tại xứ Quảng Biên, tỉnh Đồng Nai).

LM Lý không chấp nhận quyết định đó và gởi một văn thư đến Chính quyền, các Linh Mục, các Tu Viện, các giáo xứ tố cáo chính quyền Cộng Sản không tôn trọng tự do và đòi hỏi được quyền giữ đạo và hành đạo. Cha dùng loa phóng thanh để đọc nội dung thư gởi chính quyền cho đồng bào nghe... Lúc 6 giờ ngày 18.05.1983, một lực lượng Công An hùng hậu đã bắt Cha Lý đem đi biệt giam. Ngày 13.12.1983, Cộng Sản đã mở phiên tòa xét xử và tuyên án Cha 10 năm tù và 4 năm quản lý qua các trại tù Thanh Cẩm (Thanh Hóa) và Ba Sao (Nam Hà). Trong tù, LM Lý sống rất thiếu thốn, đói rách vì gia đình quá nghèo không có gì để tiếp tế. Nhưng Cha tỏ ra rất hiên ngang và bất khuất. Sau khi Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản VN được một thời gian thì chính quyền phát động chiến dịch bài trừ tham nhũng...Bộ Nội Vụ cũng cho cán bộ đến các trại tù cải tạo tổ chức các lớp học tập về chính sách...Năm 1988, Cha Lý được đưa lên làm Đội Trưởng Đội Nhà Bếp trại Nam Hà, lo nấu ăn cho tù. Nhà bếp là nơi Cán Bộ thường ăn bớt tiền chợ và lương thực, thực phẩm của anh em. Chúng lấy bớt tiền chợ để mua heo giống và bớt gạo và rau của tù để nuôi heo. Khi bắt heo làm thịt, một con heo nặng 100 kilo, chúng chỉ ghi vào sổ 70 kilô, còn 30 kilô chúng đem bán ra ngoài hoặc mang về nhà riêng...

Nhân một buổi học tập tại trại Nam Hà, LM Lý đã phát biểu rằng: ‘Tôi có vấn đề, nếu cán bộ Trung Ương hứa bảo đảm tính mạng cho tôi thì tôi xin gặp riêng cán bộ Trung Ương (Bộ Nội Vụ) để trình bày.’

Trước mặt anh em tù cải tạo, cán bộ Bộ Nội Vụ đã nhận lời và LM Lý được gặp riêng phái đoàn Trung Ương. LM Lý đã trình bày tất cả những tệ nạn tham nhũng trong trại cho Cán Bộ Trung Ương, cụ thể là những hành động của Trung úy Vượng, cán bộ công an coi về Nhân Lực (tức An Ninh trại Nam Hà). Kết quả tên Vượng bị mất chức. Nhưng sau đó Cha Lý cũng bị chúng trừng trị trả thù dưới mọi hình thức khác nhau...

Ngày 31.07.1992, LM Lý được phóng thích và về ở tại Tòa Giám Mục, không được làm nhiệm vụ Linh Mục. Khoảng 5 năm sau, LM Lý được đưa về an trí tại nhà thờ Nguyệt Biều, Linh mục quản xứ là Cha Trần văn Quý, là nơi chỉ có vài chục gia đình Công Giáo, dân chúng rất nghèo và đa số thất học. Nhờ bạn bè giúp đỡ, LM Lý mua máy vi tính về dạy cho học sinh và cũng dạy bổ túc văn hóa cho giới trẻ tại địa phương không phân biệt tôn giáo. Trận lụt năm 1999, LM Lý cùng chia khổ với mấy thanh niên phải ngồi trên nóc nhà ba bốn ngày, chịu đói và rét. Sau lụt, Cha đi vận đồng tiền bạc, mua tôle, vật liệu giúp đồng bào làm lại nhà cửa, xin quần áo, thực phẩm giúp đồng bào. Linh mục gửi thư đi cho bạn bè khắp thế giới để "kêu cứu" và một số anh em quen biết với LM Lý đã đáp ứng, giúp đỡ LM Lý làm công tác xã hội, từ thiện. Xã Thủy Biều chỉ có hơn 1% người Công Giáo, phần còn lại là Phật Giáo hoặc bên lương. Do đó, LM Lý được dân chúng trong vùng thương mến.

Nhân dịp kỹ niệm sáu năm ngày Cha Lý ra tuyên ngôn 10 điểm về Tự Do Tôn Giáo tại Việt-Nam, (24.11.1994 – 24.11.2000). LM Lý đã cùng đồng bào công giáo Nguyệt Biều đòi lại đất của giáo xứ bị chính quyền tịch thu cách nay 24 năm...Và LM Lý trưng biểu ngữ "Tự do tôn giáo hay chết" để tranh đấu cho Tự do tôn giáo tại Quê hương...

Chính quyền, muốn đẩy LM Lý ra khỏi Nguyệt Biều, đồng ý để LM Lý đi giáo xứ An Truyền. Đây là ý muốn của Đức Tổng Giám mục Stêphanô Nguyễn như Thể từ ba năm trước, nhưng bị họ ngăn chận. Đức Cha đã đến Nguyệt Biều để trao Bài Sai cho LM Lý và, ngày 05.02.2001, đến trao sứ nhiệm Mục tử cho Cha Lý, Linh mục quản xứ An Truyền, long trọng, đầy tình Cha Con.

Lúc đó, Việt-Nam chưa là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO: World Trade Organization), lại muốn hưởng những điều kiện buôn bán bình thường với Hoa kỳ, nên cần phải có một Thương ước. Hiệâp ước Thương mại song phương đó đòi hỏi phài có sự phê chuẩn của Quốc hội. Quốc hội Hoa kỳ, để rõ sự việc trước khi biểu thảo luận, đã tham ý Ủy ban Hoa kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, cơ quan có nhiệm vụ cố vấn Hành pháp và Lập pháp về tình trạng vi phạm Tự do Tôn giáo trên thế giới. Vì thế, Ủy ban đã mời nhiều thuyết trình viên nguời Việt lẫn ngoại quốc, trong có LM Lý và Thượng tọa Thích Thái Hòa ở Việt-Nam tham gia cuộc điều trần ngày 13.02.2001. Sau phiên điều trần, Ủy ban đưa ra các khuyến cáo giới cầm quyền Việt-Nam mà các điểm chính là:

- Quốc hội chỉ chấp thuận Thương ước Việt-Mỹ sau khi đã thông qua nghị quyết đòi Việt-Nam phải cải thiện Tự do Tôn giáo,

- Trả tự do cho tất cả những người bị giam cầm và bị quản chế vì lý do tôn giáo,

- Các Tôn giáo được tự do hành động (tự quản lý, đề cử lãnh đạo, phân phối các ấn phẩm tôn giáo), thực hiện các công tác giáo dục, từ thiện, nhân đạo.

Sau đó, Ban Đối thoại về Việt-Nam Quốc hội Hoa kỳ lại mời LM Lý điều trần tại Hạ nghị viện vào ngày 16.05.2001 (giờ Washington). Cha vẫn không thể đến được. Ngày hôm sau, LM Lý bị 600 công an đến bắt khi Cha đang chuẩn bị dâng Thánh Lễ sáng ngày 17.05.2001, khoảng 6 giờ. Ngày 19.10.2001, tòa án ở Huế đã tuyên phạt LM Lý 15 năm tù và 5 năm quản chế vì phạm tội “phá hoại đoàn kết quốc gia” và “không tuân theo lệnh quản chế hành chánh”.

Trước áp lực của hành và lập pháp các quốc gia tây phương và các tổ chức phi chính phủ, LM Lý đã được trả tự do ngày 01.02.2005, nhưng phải bị quản chế tại Nhà Chung Tòa Tổng Giám mục Huế.

Ngày 8-4-2006, LM Lý thành lập ‘khối 8406’ cùng với Đỗ Nam Hải (Sàigòn) và Trần Anh Kim (Thái Bình) làm đại diện ba miền, với 118 người (trong đó có 16 Linh mục) ký tiên khởi và hiện có 3884 người Việt ký (2217 ở trong nước) đã ký tên vào ‘Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ cho Việt-Nam’.

Lúc 20g ngày mồng hai Tết (18-02-2007), khoảng 60 công an tự tiện phong tỏa cổng Nhà Chung Tòa Giám mục Huế để lục soát phòng LM Lý. Trước sự việc ngang ngược này, LM Lý tuyên bố tuyệt thực vô thời hạn, nhưng vẫn trả lời những câu hỏi của công an với điều kiện có Linh mục Nguyễn Văn Thăng (thư ký tòa Giám mục) và sau mỗi câu hỏi của công an và câu trả lời của Cha Lý, đều có chữ ký xác nhận của Cha Thăng, đề phòng Việt Cộng thay đổi câu trả lời, xuyên tạc sự thật.

Hôm 24.02.2007, lúc 15 giờ, giờ Việt Nam, khoảng 60 công an, trong đó có những sĩ quan cao cấp, đã đến Nhà Chung, sau đó tiến vào phòng LM Lý. Cha đã từ khước không đi theo họ. Họ đã dùng vũ lực lôi kéo và đẩy Cha Lý lên xe, đưa đến giáo xứ Bến Củi, không do lệnh của Đức Tổng Giám mục Huế.

Chúa nhật 04-03-2007, lúc cử hành Thánh Lễ cho giáo dân Bến Củi như thường lệ, Linh mục Lê Đình Du đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối Cộng sản ngang nhiên biến nhà xứ Bến Củi là một cơ sở tôn giáo thành một nhà tù của công an, còn gây hoang mang lo sợ cho toàn thể giáo dân của Cha.

Ngày 30.03.2007, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tuyên xử LM Lýù 8 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt-Nam" qui định tại Khoản 1, Điều 88 - Bộ luật hình sự của CHXHCN Việt Nam, trong phiên tòa không có luật sư biện hộ và LM Lý bị công an bịt miệng nhiều lần. Trong phiên tòa đó, họ cũng xử các lãnh đạo của Đảng Thăng Tiến, hầu làm cho người ta tưởng lầm là : Cha Lý làm chánh trị.

Chúng ta hãy đọc những lời khuyên nhủ sau của Đức Cha Phaolô Nguyễn văn Bình :

« … Công giáo Tiến hành và hoạt động Xã hội (người viết xin thêm : nghĩa vụ của người Công dân công giáo) là hai việc làm riêng biệt, anh chị em đừng lẫn lộn. Một vài tôn giáo vì đã không phân biệt lãnh vực Đạo Đời, nên gây một vài ấn tượng không tốt đẹp nơi quần chúng. Đạo Đời cần bổ túc cho nhau nhưng phải riêng biệt. Đó cũng là tinh thần của Công đồng Vaticanô thứ II.

Hãy nhận thức vai trò mà Giáo hội trao cho anh chị em, để các Linh mục có nhiều thời giờ lo việc đạo, các công việc khác có thể giao cho giáo dân. Linh mục là Sứ giả của Đức Chúa Trời lo dâng lễ và ban phát ân sủng Chúa cho anh chị em. Muốn được như vậy, anh chị em phải chuẫn bị ngay từ bây giờ, không những toàn thể, mà từng cá nhân, dần dần trưởng thành.

Đành rằng toàn thể anh chị em đang đốc toàn lực lo bổn phận công dân trong lúc Việt-Nam lâm nguy, nhưng đừng bao giờ quên rằng anh em là môn đệ Chúa Giêsu Kitô. Dầu làm chánh trị công dân hay chánh trị đảng phái, anh chị em đừng quên mình là men trong bột, là ánh sáng của Chúa Giêsu. Trước khi hành động việc gì, anh chị em cần hội ý với các Vị Cố Vấn để sau khỏi hối hận… »

(Huấn từ của Đức Tổng Giám mục Sài gòn ngày 05.12.1964 tại nhà Bêtania -Chí hòa- với các Giáo dân hoạt dộng Công giáo Tiến hành.)

LM Lý không phải là đảng viên của Thăng Tiến, nhưng chỉ là Cố Vấn mà thôi. Là tín hữu công giáo như LM Lý, chúng ta hãy có cái nhìn đúng theo Học thuyết xã hội công giáo. Và, sự kiện lịch sử sau chứng minh lời Đức Tổng Giám mục tiên khởi Sài gòn:

« Thời chánh phủ liên hiệp xã hội và cộng sản Pháp do ông Pierre Mauroy làm Thủ tướng. Chánh phủ đã đệ nạp tại Quốc hội một dự án luật có liên quan đến Giáo dục tư lập (đa số các trường tư là trường công giáo) với nhiều bất công và không hợp lý. Các Giám Mục Pháp lên tiếng trên đài phát thanh và truyền hình đề nghị những cuộc họp với chánh phủ (đề xứng đối thoại) để đi đến thỏa thuận có lợi cho quốc gia. Nhưng, các dân biểu phe đa số từ chối tu chỉnh các đièu khoản bất công, khiến các thỏa thuận không được thi hành nghiêm chỉnh.

Cuộc biểu tình lớn (từ 1,2 đến 1,7 triệu người tham dự, tùy nguồn tin) tại Paris ngày 24.06.1984. Do đó, ngày 12.07, chánh phủ phải rút lại dự án luật. Kế tiếp, ngày 15, Tổng trưởng Giáo dục Savary phải từ chức. Hôm sau, tới phiên Thủ tướng từ chức, chánh phủ tan rã.

Sự kiện nầy cho chúng ta thấy các Giám Mục đã lên tiếng bày tỏ lập trường của mình theo các nhìn ‘công bình và công ích xã hội’ và, sau đó, chính người giáo dân, ý thức trách nhiệm công dân qua tín lý xã hội Công Giáo, hành động chánh trị bằng ‘bỏ phiếu bằng chân'' đến thành công. »

Đài Vatican đã phỏng vấn Đức Ông Pietro Parolin, Thứ Trưởng ngoại giao và cũng là trưởng Phái đoàn Tòa Thánh trong chuyến đi Việt-Nam vừa qua :

H. Thưa Đức Ông, trong các cuộc nói chuyện của Phái đoàn Tòa Thánh với chính quyền Việt Nam, có đề cập đến vụ cha Nguyễn Văn Lý hay không?

Đ. Có, trong các cuộc nói chuyện, chúng tôi đã hỏi những vị đối thoại với chúng tôi tin tức về vụ phức tạp là vụ Cha Lý, như đã biết cộng đồng quốc tế rất quan tâm tới vấn đề này. Chúng tôi ghi nhận những thông tin mà phía Việt Nam đã cho chúng tôi. Phái đoàn Tòa Thánh đã nêu ý kiến rằng cần phải đảm bảo cho cha Lý một cuộc xét xử đúng đắn, để Cha ấy có cơ hội tự biện hộ, và trong tư cách là linh mục, cho phép cha ấy được có những tiếp xúc với các Bề trên của cha trong Giáo Hội.

Giờ đây, LM Lý bị cấm nhận sách ‘Phụng vụ các giờ kinh’ cũng như sách ‘Tin Mừng Đức Kitô’ (Các ‘con tin’ bị bắt tại Liban, sau khi được thả ra, cho biết sách Phúc Âm đã giúp họ sống trong nơi bị giam giữ. Luật sư Lê thị Công nhân cũng bị cấm đem sách Phúc Âm vào nhà tù, đã rất vui mừng khi chị được thành viên Ủy ban Hoa kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế biếu cho một quyển, theo lời mẹ chị nói với đài RFA). Tuy nhiên, trong tình cảnh hoàn toàn cô độc đó, LM Lý biết sống trong niềm hy vọng Kitô giáo như Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã viết trong Thông Điệp SPE SALVI (Được cứu rỗi nhờ Hy vọng), ban hành ngày 30.11.2007, về gương mẫu của hai nhân vật người Việt-Nam. Đó là Cha Thánh Lê Bảo Tịnh, gương mẫu của sự vượt thắng và biến đổi sự đau khổ nhờ quyền lực của hy vọng trong Đức Tin (số 37), và gương của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận về sức mạnh của việc cầu nguyện và niềm hy vọng.

Để kết luận, đề nghị chúng ta nhớ lại : ‘Bốn trụ cột hoà bình’ mà Chân Phước Giáo hoàng Gioan XXIII viết trong Thông Điệp PACEM IN TERRIS (Hòa Bình trên Thế giới) : « Điều kiện cần thiết của hòa bình, tức là bốn yêu sách chính xác của trí khôn con người: chân lý, công lý, tình yêu và tự do. Chân Lý làm nền tảng cho hòa bình nếu tất cả mọi người ý thức cách lương thiện rằng, ngoài những quyền lợi của mình, mình cũng có những bổn phận đối với kẻ khác. Công Lý sẽ xây dựng hoà bình nếu mỗi người tôn trọng cách cụ thể những quyền lợi kẻ khác và ra sức thực hiện trọn vẹn những bổn phận mình đối với kẻ khác. Tình Yêu sẽ là chất men hòa bình nếu những con người xem những nhu cầu kẻ khác như những nhu cầu mình và chia sẻ với kẻ khác những gì mình có, bắt đầu từ những giá trị tinh thần. Sau hết, sự Tự Do sẽ nuôi dưỡng hoà bình và làm cho hòa bình sinh hoa quả nếu, trong việc chọn những phương tiện để tới đó, các cá nhân theo lý trí và can đảm gánh lấy trách nhiệm những hành vi của mình. »

Để tuyên bố năm 1969 là Năm Đức Tin của Giáo phận Nha Trang, Đức Cha Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã cho phổ biến Thư luân lưu ‘Vững mạnh trong Đức Tin? Tiến lên trong An Bình’, đó là đường lối xây dựng và củng cố, phát triển một nền Hòa bình chân chính, trường cửu theo quan niệm Công giáo. Cha viết: “Người Công giáo Yêu Chuộng Hòa Bình, nhưng người Công giáo không yêu chuộng Hòa Bình cách thơ ngây, quá lạc quan. Người Công giáo rất thận trọng. Hòa bình theo quan niệm Công giáo:

- Hòa bình không có nghĩa là không chiến tranh.

- Hòa bình không phải là thế quân bình giữa hai lực lượng đối lập.

- Hòa bình chân chính không phải là Hòa bình chiến lược.

- Hòa bình là con đường duy nhất đi đến tiến bộ nhân loại.

- Hòa bình phải được xây dựng trên nền tảng Chân lý, Công bằng, Tự do và Bác ái.

- Hòa bình phải được xây dựng trên tinh thần mới: Kích động đời sống cộng đồng các dân tộc.

- Hòa bình phải được xây dựng trên não trạng mới: Tôn trọng mối bang giao giữa các quốc gia, quí trọng tình huynh đệ giữa các dân tộc, cộng tác giữa các sắc tộc vì tiến bộ chung; nhìn nhận và tin tưởng các tổ chức Hòa bình quốc tế.

- Hòa bình phải được xây dựng trên sự tôn trọng và nhìn nhận những quyền lợi của con người và nền độc lập của mỗi quốc gia.

Trong ‘Sứ điệp cho Ngày Hoà Bình Thế Giới 01.01.2003, Đức Gioan Phaolô II đã nhắc lại những ý nghĩa của Thông Điệp ‘Hòa Bình trên Thế giới’, nhân dịp Thông Điệp này được 40 tuổi.

Hiện nay, hồ sơ phong Chân phước cho Đức Gioan Phaolô II và Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đang được xúc tiến. Hiển Thánh và Chân phước là những tín hữu Công giáo mà đời sống đáng được chúng ta noi theo.

Ngày Quốc tế Nhân Quyền 10.12.2007