Ngọn Lửa Thế Vận Olympia 2008 chập chờn trong gió bão tại phương Tây

Chú Tàu cộng sản đã tốn bao nhiêu lao nhọc và công quỹ cho việc chuẩn bị Olympia 2008 Peking từ năm 1990 khi bắt đầu đệ đơn lên Tổng Cục Thế Vận Quốc Tế (IOC). Hàng tỉ người Tàu ăn ngon ngủ yên với giấc mộng vàng Olympia Peking vì mọi sự đều thuận trời thuận đất trong suốt quá trình chuẩn bị và xây dựng. Song song đấy với bộ máy tuyên truyền mở công suất tối đa nói tốt về cộng sản Tàu cũng như họ ban nhiều đặc ân về giao thương kinh tế cho khối tự do phương Tây và coi đấy như là quà tặng ban phát cho giới tư bản. Họ ngỡ rằng vườn cây Olympia 2008 đang tươi tốt chỉ cần hơn 4 tháng nữa vừa chín tới và cuối cùng chỉ cần đưa tay ra hái thu lợi nhuận dễ dàng.

Olympia là cơ may ngàn năm từ trên trời rơi xuống đúng lúc chú Tàu khổng lồ đang chuyển mình trong cơn lốc phát triển kinh tế và kỹ thuật. Nhưng Olympia cũng là cơ hội “trời cho” để dân tộc Tây Tạng ngóc đầu vùng dậy sau hơn nửa thế kỷ bị Tàu đô hộ và đàn áp. Những cuộc nổi dậy của người Tây Tạng vẫn xảy ra lẻ tẻ và cách quãng, nhưng họ đều bị đè bẹp ngay từ trứng nước. Giới báo chí ước lượng khoảng 1,3 triệu người Tây Tạng đã bị Tàu cộng sản giết từ năm 1950, khi tên khát máu Mao Trạch Đông xua bộ đội xâm lăng nước này.

Chú Tàu cộng sản vẫn dùng cảnh sát - quân đội như “bổn cũ soạn lại” để đàn áp thẳng tay khi người Tây Tạng biểu tình ngay tại thủ đô Lhasa vào ngày 14, 15/3/2008. Lần này do tức nước vỡ bờ những người trẻ Tây Tạng bạo động đốt đồn cảnh sát, phá tan các cửa hàng hóa của người Tàu và với tay không chống trả lại công an bộ đội, cho dù biết là cái chết sẽ đến rất gần với họ. Cuộc bạo động lần này giống như là “giọt nước tràn ly” làm lan tỏa nhanh chóng đến các miền đông Tây Tạng và một số vùng thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Thanh Hải, các vùng ở Tàu có dân cư gốc Tây Tạng đông đảo. Không dấu kín được sự thật, hãng tin Tân Hoa Xã của Tàu cộng vào ngày 20/3/008 lần đầu tiên đã thú thực là quân đội đã nổ súng xả đạn vào đoàn người biểu tình Tây Tạng tại quận Aba thuộc vùng Sichuan. Tân Hoa Xã cho biết có 22 người chết, nhưng văn phòng chính phủ lưu vong Tây Tạng cho biết 140 người đã bị giết chết tại nhiều nơi khác nhau. Chính phủ lưu vong đã thu thập được danh sách của 40 người dân bị giết. Ngoài ra 1.300 người Tây Tạng đang bị tù tội trong chiến dịch càn quét của giặc Tàu. Và cũng từ ngày 20/3/2008 cánh cửa sắt đã bao trùm kín mít Tibet khi 2 người phóng viên cuối cùng của phương Tây là anh người Đức Georg Blume và chị người Áo Kristin Kupfer bị trục xuất ra khỏi Tibet.

Nếu kể lại quá trình nổi dậy đấu tranh từ ngày 10/3/2008 nơi người Tây Tạng, thì dân tộc này chưa đầy 1 tháng đã đạt được quá nhiều thiện cảm và lôi kéo được sự chú ý của phương Tây. Ngược lại bộ máy tuyên truyền của đảng cộng sản Tàu đang trên đường dẫn đến sự phá sản và làm cho bộ mặt Olympia Peking 2008 thật lem luốc.

Việc tự bôi nhọ được bắt đầu vào dịp khai mạc Lễ Thắp Ngọn Lửa Olympia vào buổi trưa ngày 24/3/2008 tại đền thờ thần Hera trong sân vận động Olympia cổ đại Hy Lạp. Đúng lúc ấy một thanh niên thuộc tổ chức „Phóng viên Không biên giới“ đã lọt qua được hàng rào an ninh để mang lá cờ đen và „5 chiếc còng Olympia“ phất cao qua trưởng đoàn Liu Qi, chủ tịch Ủy Ban tổ chức Olympia của cộng sản Bắc Kinh, khi ông ta đang đọc diễn văn khai mạc. Hình ảnh này đã được truyền thông thế giới trực tiếp và gây cảnh náo nhiệt cho toàn cầu, nhất là một thiếu nữ Tây Tạng bôi màu máu trên mặt và ngực nằm dài trên con đường nhằm ngăn cản cuộc rước đuốc Olympia đầu tiên. Kể từ lúc này Bắc Kinh lâm vào cảnh bối rối và phải đối phó đủ mọi mặt với phương Tây, là giới quan sát hay nhạy cảm về vấn đề nhân quyền.

Hy Lạp đã thở phào nhẹ nhõm khi đã trao “LỬA” vào tay cộng sản Tàu trong vòng đai kiểm soát an ninh nghiêm ngặt tại thủ đô Athens vào ngày 30/3/2008, tại sân vận động Panathinaiko, nơi thi đấu được xây dựng đặc biệt cho thế vận hội năm 1896. Ngọn lửa thế vận Olympia về đến Bắc Kinh vào ngày 31/3/2008 thì công trường Thiên An Môn cũng được phong tỏa kỹ lưỡng. Tàu cộng sản “gian trá” khi làm sai lệch 40 giây trong lúc truyền hình trực tiếp để tránh trường hợp cảnh cờ đen với 5 chiếc còng đã phất phới trước mặt đồng chí Liu Qi tại vận động trường Olympia bên Hy Lạp. Hành động đánh lận con đen này nhằm mục đích, nếu sự cố xảy ra họ vẫn có đủ thời gian của 40 giây để cắt phim loại bỏ.

Chương trình rước Lửa Thế Vận trong suốt 130 ngày đã bắt đầu vào ngày 02/4/2008 từ điểm khởi hành Bắc Kinh và sẽ vượt qua một chặng đường kỷ lục dài 137.000 cây số, qua 21 thành phố lớn như: London, Paris, San Francisco, Buenos Aires, Kuala Lumpur, Jakarta, Canberra, Bangkok, Seul, Ho-Chi-Minh-City (29/4/2008)… và xuyên qua 113 thành phố nội địa cộng sản Tàu trước khi về Bắc Kinh vào ngày 6/8/2008.

Khi lửa thế vận mới đến Âu Châu là gặp gió bão lớn của các làn sóng “Phò Tây Tạng” và các tổ chức của người Tây Tạng hải ngoại biểu tình chống đối với nhiều hình thức. Chủ đích không phải chống “ngọn lửa của sự thuận hòa”, nhưng là chống lại chính quyền Bắc Kinh đàn áp, giết người Tây Tạng trên quê hương của họ. Thế giới truyền thanh, truyền hình, internet hình như cũng bị lôi cuốn hút vào trong cơn gió bão này để chạy tin.

06/4/2008, Chặng đường London lắm chông gai: Cuộc chơi thật ngoạn mục như “mèo vờn chuột” trở nên thú vị cho những người Phò Tây Tạng để dành lấy cây đuốc thế vận. Đôi lúc cuộc chơi hào hứng quá đã gây nên xô xát với công an cảnh sát. Đội ngũ an ninh phải chạy bộ và đi xe đạp để bảo vệ tối đa không cho người dân đến gần ngọn đuốc. Tuy vậy hai người vẫn xâm nhập được vòng an ninh để muốn dập tắt ngọn đuốc nhưng họ bị giữ lại kịp thời. Một người khác lọt vào vòng bên trong suýt chút nữa là cướp giật được ngọn đuốc. Anh ta bị vật ngã và bị bắt lại. Tại một đoạn lại có người cầm bình chữa lửa phụt trắng xóa khu đường khi ngọn đuốc đi qua. Như một trò hề cụt cỡn của Tàu cộng đến nỗi đại sứ của họ tại Anh quốc là bà Fu Ying cũng dấu diếm kỹ lộ trình cầm đuốc của bà vì sợ sẽ được phủ khăn đen với 5 chiếc còng. Khoảng 2.000 công an cảnh sát dàn quân bảo vệ ngọn đuốc trước một ngàn người biểu tình. Tất nhiên không thể thiếu cờ quạt, biểu ngữ chống Tàu cộng và tiếng hò hét “Free Tibet” vang dội khắp nơi. Tại một quãng đường có vài người Tàu cầm cờ đỏ ủng hộ cuộc rước đuốc. Nước Anh đang đứng trước ngã ba đường và bị kẹt cứng trong thế chủ động cho chính kiến riêng của mình vì London sẽ là nơi tổ chức Olympia 2012. Ông thủ tướng Gordon Brown không có cách nào hơn là phải đón nhận ngọn đuốc ngay trước nơi làm việc ở đường Downing Street số 10. Tuy vậy trước đó, ông Gordon Brown quyết định sẽ tiếp kiến Đức Dalai Lama vào tháng 5 tại London. Cuối cùng tổng kết có 35 người bị giam giữ trong các cuộc giằng co với cảnh sát, tuy vậy cuộc biểu tình tại London chống lại Tàu cộng là chất xúc tác gây niềm cảm hứng cho những chặng đường kế tiếp.

08/4/2008, Chặng đường Paris đầy bão tố: Đúng là lửa thế vận gặp phải bão tố nơi kinh thành ánh sáng Paris, đã vậy còn gặp phải giá lạnh buốt giá mùa đông. Bắc Kinh càng kinh hoàng hơn nữa khi 40 dân biểu Pháp vai đeo cờ Pháp cầm biểu ngữ lớn màu trắng có chữ đỏ đứng trước Quốc Hội Pháp: “Hãy tôn trọng nhân quyền tại nước Tàu”. Thị trưởng thành phố Paris, ông Bertrand Delanoe đã cho treo biểu ngữ khổ thật lớn 20x5 mét với nền trắng và dòng chữ màu xanh “Paris bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới” ngay trên cao mặt tiền tòa thị trưởng. Cũng tại tòa thị trưởng một lá cờ Tây Tạng được một người leo lên treo cao và từ đó không lạ gì khi cộng sản Bắc Kinh đã phải hủy bỏ trạm ngừng nơi đây. Điểm nổi bật về chiến lược không thể bỏ qua là tháp cao Effel, trên đấy đã treo cờ đen với 5 chiếc còng và dòng chữ màu đỏ Pékin 2008

Chưa bao giờ ngọn lửa thế vận mới đi được vài cây số đã phải dụi tắt đến 3 lần và phải dấu kín trong chiếc xe bus với nhiều người bảo vệ. Dọc đường hàng vạn người hò reo cũng như phản đối. Nhóm người Phò Tây Tạng có mặt trên mọi lộ trình từ dưới sông Seine, đường bộ cho đến trên tháp cao Effel. Quãng đường đã dự định kéo dài 20 km từ tháp Effel qua đại lộ Chams-Elysées, sau đấy chạy qua tòa thị trưởng và tòa quốc hội cho đến đích điểm vận động trường Charléty-Stadion nằm về hướng nam Paris. Ban an ninh thủ đô Paris đã huy động 3.000 công an cảnh sát bảo vệ ngọn đuốc. Học kinh nghiệm tại London ban an ninh được trang bị chu đáo hơn, ngoài xe đạp, chạy bộ còn có cả người đi giày trượt pa-tin nữa để dễ dàng di chuyển. Các vệ sĩ chuyên nghiệp Tàu cộng càng đông hơn với quần áo thể thao màu xanh và trắng. Có thể nói chung quanh cây đuốc một người lạ không thể lọt vào trong vòng kính 200 mét. Tuy vậy trước sức mạnh reo hò của hàng ngàn người biểu tình, cuối cùng ban an ninh đã quyết định hủy bỏ chương trình rước đuốc vào buổi chiều.

Tại công trường Trocadéro, ngay bên cạnh tháp Effel, một địa điểm phát xuất cuộc rước đuốc đã tụ họp được đoàn biểu tình đông đảo với rừng cờ Tây Tạng và có cả những lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa. Một nhóm du học sinh Việt Nam tại Paris cũng mang cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ lớn nền màu trắng viết bằng tiếng Anh màu đỏ và xanh: “Tây Tạng của người Tây Tạng, Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Tàu cộng hãy chấm dứt xâm lăng!”

Ngọn đuốc chưa rước được 200 mét thì phải tắt đuốc lần thứ nhất và cũng là những màn ngoạn mục được tái diễn gây xáo trộn như đã xảy ra tại London khi một thành viên của Đảng Xanh, Sylvain Garel đã nhào đến cướp đuốc nơi tay lực sĩ Stephane Diagana, lực sĩ vô địch chạy 400 mét và là người cầm đuốc đầu tiên tại Paris. Tuy nhiên người bảo vệ kịp thời kéo ông Sylvain Garel trở lại. Bão tố của làn sóng biểu tình tại Paris càng lúc càng gia tăng đã làm cho ban tổ chức hoảng sợ phải tắt đuốc đến 3 lần. Hình ảnh chiến bại của ngày rước đuốc được biểu lộ rõ ràng trên khuôn mặt của nhà thể thao quần vợt Arnaud di Pasquale khi anh ta thả lòng cây đuốc không còn ánh lửa chúi xuống dưới đất. Hình ảnh trông thật não nùng của kẻ thất bại xuôi tay. Đó cũng là hình ảnh không vui cho chú Tàu cộng sản. Ngọn đuốc di chuyển về Paris làm cho bộ mặt lem luốc Bắc Kinh càng lem luốc hơn.

Nơi đây được nhắc lại là tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, một nguyên thủ quốc gia phương Tây đầu tiên cân nhắc đến danh từ „Olympia-Boykott“ đã tuyên bố ngày 24/3/2008: „Tôi không loại bỏ giải pháp tẩy chay Olympia 2008.”

Chỉ trong vòng 2 ngày ngọn đuốc thế vận di chuyển về Anh và Pháp thay vì sẽ là một cuộc quảng cáo rầm rộ có một không hai để tô vẽ vẻ đẹp huy hoàng của Bắc Kinh nhưng đã gặp phải bao nhiêu chông gai và gió bão. Chắc chắn lộ trình dẫn tới Hoa Kỳ còn nhiều náo động, hấp dẫn và đầy tính bi kịch hơn.

09/4/2008, Lộ trình San Francisco có thể trở thành huyền thoại và cũng có thể là ngày bức tử lửa thế vận: Hôm nay nghe các bình luận báo chí là cho chúng ta phải phì cười: “Olympia nên thiết lập thêm một bộ môn mới để tranh tài tại thế vận hội là môn cướp đuốc.” Và một bình luận gia viết thêm: “Đuốc chưa đến San Francisco thì các nhà Phò Tây Tạng đã nhanh chóng có mặt tại đấy rồi.” Sáng ngày 08/4/2008 các truyền hình Âu Châu cho người xem tin tức hằng giờ từ Kim Môn Cầu Golden Gate với những người can đảm lủng lẳng đu đưa dọc theo dây cáp trên cao của cây cầu. Hàng chữ thật to và rõ ràng được treo thật đẹp trên nền trời màu xanh: “One World One Dream” – “ Free Tibet”. Ý tưởng thực hiện này quá tuyệt vời do sự can đảm đu đưa trên cao của những người Phò Tây Tạng, cho dù 3 thanh niên người Tàu sau đó bị cảnh sát giam giữ vì vi phạm trật tự công cộng nhưng sự việc này đã làm náo động thế giới. Hành động chớp nhoáng này sẽ là một điểm son ghi dấu đặc biệt cho lịch sử Olympia.

Những người Phò Tây Tạng không thể kiên nhẫn đợi chờ ngọn lửa Olympia cho nên đã tổ chức một cuộc rước đuốc giữa thành phố vào ngày 08/4/2008 ngay trước tòa lãnh sự cộng sản Tàu tại San Francisco. Đó là lễ hội của dân tộc Tây Tạng, chưa bao giờ họ có được cảm giác thế giới nâng đỡ họ và thông cảm họ cho bằng lúc này. Chắc chắn các cứ điểm quan trọng mà ngọn đuốc đi qua thì sẽ được dàn chào bằng những đoàn người biểu tình. Thành phố San Francisco đang lên cơn sốt chống Tàu cộng sản do ngọn nửa Olympia nung nấu. Thị trưởng San Francisco, Gavin Newsom quyết định cắt ngắn lộ trình 10 km dọc theo hải cảng. 500 cảnh sát gìn giữ an ninh và hàng chục nhân viên an ninh bảo vệ tòa lãnh sự cộng sản Tàu.

Những ghi chú quan trọng trong 2 ngày qua được tạm tổng kết như sau:

• Thành phố San Francisco đã quyết định cắt ngắn lộ trình rước đuốc Olympia và họ dấu kỹ lộ trình như là “mèo dấu c…”

• Giám mục Desmond Tutu, người lãnh giải Nobel hòa bình và tài tử đóng phim Richard Gere đã tham gia vào đoàn biểu tình tại San Francisco, một dấu hiệu đoàn kết và sẽ làm gương cho những người khác noi theo.

• Ấn Độ đã quyết định cắt ngắn lộ trình rước đuốc Olympia vì sợ các nhà hoạt động Phò Tây Tạng có thể làm náo động như ở London và Paris.

• Tổng cục thế vận IOC ra thông báo sẽ họp mặt vào thứ sáu, 11/4/2008 để cân nhắc có nên chấm dứt chương trình rước đuốc thế vận hay không?

• Các nhà chính trị phương Tây đang tạo sức ép với IOC là không được trừng phạt các lực sĩ khi họ phát biểu chính kiến riêng tại Olympia, một điều tối kỵ và cấm đoán nghiêm khắc cho đến nay.

• Các lực sĩ phương Tây đang có chiều hướng ngả qua Phò Tây Tạng và sẽ sẵn sàng thực hiện trong tầm tay (chẳng hạn lúc nhận huy chương trên bục cao) về việc bảo vệ nhân quyền cho người Tây Tạng.

• Tại Sàigòn đang có dự định tạo ngạc nhiên khi đuốc Olympia đến Việt Nam vào ngày 29/4/2008. Một lá thư của người rước đuốc Lê Minh Phiếu, một nghiên cứu sinh tại Trung tâm Tư liệu và Nghiên cứu Châu Âu và Quốc tế Trường Cao học Luật, Đại học Montesquieu – Bordeaux IV đã được gửi đến Bá tước Jacques Rogge (IOC) phản đối việc Tàu cộng xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mong rằng điều này gợi lòng yêu nước của dân Việt Nam chống lại Tàu cộng tại quốc nội. Trong thư ông Phiếu viết: “… Trung Quốc chẳng những ngang nhiên không trao trả lại Hoàng Sa cho Việt Nam, mà càng ngày càng có những hành động thách thức chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này …”

• Lần đầu tiên Tổng cục thế vận IOC lên tiếng khiển trách Bắc Kinh về nhân quyền.

• Ứng cử viên Hillary Clinton và 15 thượng nghị sĩ yêu cầu tổng thống Georg Bush không đến tham dự ngày khai mạc Olympia Bắc Kinh.

• Lần đầu tiên quốc hội Đức bàn thảo công khai tại quốc hội vào sáng 09/4/2008 về vấn đề Tây Tạng.

• Tổng cục thế vận IOC chính thức từ chối lời đề nghị “gian trá” của Tàu cộng sản là sẽ truyền hình trực tiếp Olympia 2008 với 40 giây chậm lại so với thời gian trực tiếp, để họ kịp thời kiểm soát các lời nói phản động và các hành động Phò Tây Tạng của các lực sĩ thi đấu.

• Sáng 09/4/2008 lại xảy ra cuộc biểu tình chớp nhoáng ngay tại thủ đô Lhasa của các tăng sĩ Tây Tạng trước một phái đoàn phóng viên quốc tế. Các vị tăng sĩ trẻ đã gào to nguyện vọng xin Đức Dalai Lama trờ về Tây Tạng.

Từ biến cố Thiên An Môn 1989 chưa bao giờ Bắc Kinh bối rối và bất an như trong các ngày qua. Olympia 2008 đã trở thành công tác quan trọng hàng đầu của cộng sản Tàu và cũng có thể là trò chơi “Bumerang” sẽ bị phản ngược tác dụng gây hại uy tín của chú Tàu trên toàn thế giới. Có thể tạm nói giấc mơ Olympia Bắc Kinh 2008 đang trở thành cơn ác mộng cho 1,3 tỉ người Tàu.