Những tin đồn về một chuyến viếng thăm cuả các viện chức Vatican đến Trung Hoa đã được loan truyền một thời gian khá lâu trước đây và ngày thứ Năm vừa qua thì phòng báo chí Vatican đã nhìn nhận tin đồn ấy.

Một phái đoàn gồm đại diện cuả Phủ Quốc Vụ Khanh và Thánh Bộ Truyền Giáo đã hội đàm với các đại diện cuả nhà nước Trung Quốc trong một chuyến viếng thăm kéo dài 11 ngày tại quốc gia này.

Theo thông cáo, phái đoàn cuả Vatican gồm có sáu người và trong thời gian ở Trung Quốc, họ đã đến thăm Nhà thờ chính toà Bắc Kinh và Đại Chủng Viện, đồng thời đã gặp Đức Cha Giuseppe Li Shan, là người được cả Tòa Thánh và chính phủ Trung Quốc công nhận.

Cuộc thảo luận giữa các quan chức tại Bắc Kinh kéo dài 5 ngày từ ngày 11 tháng 10 cho đến ngày 16 và đã thảo luận một số vấn đề còn giữ kín.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh, nói với các phóng viên rằng Vatican hiện đang tham gia vào một cuộc đối thoại với chính quyền Trung Quốc, là điều mà Tòa Thánh coi là một biến cố "rất tích cực".

"Đó là một phần của một quá trình nhằm bình thường hóa quan hệ với nhau. Chỉ một thực tế là có thể nói chuyện với nhau mà thôi thì đã là rất có ý nghĩa rồi," Đức Hồng Y Parolin cho biết như vậy.

Nhắc lại ĐTC Phanxicô thường bày tỏ sự mong muốn được tới thăm Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn với tuần báo Paris Match cuà Pháp tuần qua, Ngài nói: "Trung Quốc đang ở trong trái tim tôi. Nó ở đây. Luôn mãi."

Và trước đây trên chuyến bay trở về Rome sau khi tông du Hoa Kỳ, Ngài cũng nói với các phóng viên: "Tôi thực sự rất muốn đi đến Trung Quốc. Tôi yêu người dân Trung Quốc ... Tôi hy vọng có một khả năng để có quan hệ tốt với Trung Quốc."

"Chúng tôi đã liên lạc, chúng tôi có nói chuyện. Tiếp tục nữa là điều rất cần thiết," Đức Giáo Hoàng nói thêm.

Đức Hồng Y Parolin nói rằng Vatican lạc quan về một cơ hội của một chuyến tông du tới Trung Quốc.

"Chúng tôi chân thành hy vọng như vậy," Đức Hồng Y Parolin nói. "Tất cả mọi thứ chúng tôi làm, chúng tôi làm với mục tiêu là đạt được một sự hiểu biết và để thiết lập quan hệ bình thường với Trung Quốc và Bắc Kinh, như chúng tôi đã có với đại đa số các nước trên thế giới. Đương nhiên, việc chúng tôi đang tham gia vào đối thoại là một điều tích cực. "

Không ai đã biết những gì đã được thảo luận giữa Bắc Kinh và Vatican, nhưng Cha Jeroom Heyndrickx, một chuyên gia kỳ cựu về Trung Hoa tại Viện đại học Verbiest Leuven Catholic University ở Bỉ, nói rằng các cuộc đàm phán đã né tránh một số vấn đề đang gây tranh cãi.

"Trong hành lang, có tin đồn rằng cả hai bên đã đồng ý gác qua một bên - trong gian đoạn hiện tại - các vấn đề gai góc ," Cha Heyndrickx viết như vậy trên ucanews.com.

Cùng trong lúc đó, những tin tức từ Trung Quốc cho thấy hình như chính quyền tại đây đang thực hiên một chiến thuật 'vừa đánh vừa đàm', hay ít ra là tạo ra những trở ngại để mặc cả.

Những nguồn tin đó cho biết là tại Trung Quốc, các nhà chức trách giám sát tôn giáo đã nói với một nhóm giám mục và lãnh đạo Công Giáo là cần phải nhấn mạnh vào yếu tố "Trung Hoa hóa", trong một cuộc học tập diễn ra ngay sau khi Bắc Kinh và Vatican kết thúc các cuộc họp kín.

Ngay sau cuộc họp kín, 25 người gồm giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân Trung Hoa đã được mời đi học tập với các quan chức của Cục Quản lý tôn giáo từ ngày 19 cho đến ngày 24 Tháng 10 tại tỉnh Quí Châu.

"Tại thời điểm này, thì tình yêu Giáo Hội và đất nước phải được thể hiện bằng cách đề cao việc 'Trung Hoa hóa' và tăng cao mức độ quản lý tại các nhà thờ một cách sâu sắc hơn ," là lời ông Chen Zhongrong, phó giám đốc điều hành công tác tôn giáo.

"Trung Hoa hóa", là danh từ được sử dụng bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên vào hồi tháng năm, là một chính sách trong đó Giáo Hội được khuyến khích thích ứng với xã hội Trung Quốc qua sự hướng dẫn của đảng cộng sản.

"Yêu nước và yêu Giáo Hội đều là 'tình yêu [đến] từ Thiên Chúa," họ Trần (Chen) nói. Ông thêm rằng ông hy vọng các nhà lãnh đạo Công Giáo sẽ "tiếp tục bước đi trên con đường của một Giáo Hội độc lập với một ý chí vững chắc."

25 nhà lãnh đạo Công Giáo này là những thành viên cuả Hiệp hội Công Giáo Yêu nước cuả Chính quyền, và không được Tòa Thánh công nhận.

Dù cho như thế, thì nhiều nhà bình luận đã cho rằng việc tổ chức một lớp 'học tập' khẩn cấp như vậy chứng tỏ rằng chính quyền Trung Quốc đang cảm thấy một 'sự bình thường hoá ngoại giao' với Vatican là không thể tránh khỏi, và sự việc họ phải lên tiếng kêu gọi các giám mục quốc doanh 'giữ độc lập' chứng tỏ là ngay trong Hiệp hội này đã có những lay chuyển ngấm ngầm từ gốc rễ.

Mọi người đang chờ đợi những biến chuyển mau lẹ sắp xảy ra.