TRÍ BƯU, THIÊN HÙNG CA MUÔN THUỞ

HUẾ -- Lúc 8 giờ 00 ngày 7.9.2007, Ngay tại nơi chôn cất thi hài của hơn 600 giáo dân Trí Bưu anh dũng chết vì đức tin cách đây đúng 122 năm (7.9.1885 – 7.9.2007), Đức cha FX. Lê Văn Hồng, GM. phụ tá Giáo phận Huế, quê quán Trí Bưu - con cháu của những bậc tiền nhân anh dũng - đã chủ sự Nghi Lễ Khánh Thành Nhà Bia Lăng Tử Đạo.

Bà con giáo dân thuộc địa sở Trí Bưu (1350 người), và một số người đang ở xa từ lâu đã từng ước ao sớm có một Nhà Bia Lăng Tử Đạo xứng đáng để tôn vinh các bậc tiền nhân, họ đồng tâm hiệp lực cùng với Cha Ga. Baot. Lê Quang Quý, quản xứ Trí Bưu khởi công xây dựng, và hôm nay giấc mơ đã thành hiện thực.

Trí Bưu, một giáo xứ kỳ cựu của Giáo phận Huế (1690), toạ lạc cạnh thành cổ Quảng Trị, cách La Vang 6 km. Trước gọi là Cổ Vưu, đến thời nhà Nguyễn, Cổ Vưu được chọn để xây nhà bưu trạm, đã cải tên làng thành Trí Bưu.

Giáo xứ được biết đến nhờ các nhà giáo sử ghi chép lại:

-Ngày 7.8.1798: Vua Cảnh Thịnh bí mật sai 4 cơ binh (mỗi cơ binh gồm 50 lính tinh nhuệ) bủa vây 4 họ đạo lớn là Thợ Đúc, Kim Long, Dương Sơn và Cổ Vưu để tìm bắt ĐGM. Jean Labartette… Lần bố ráp này binh lính bắt được cha Emmanuen Nguyễn Văn Triệu (ở Thợ Đúc) và 32 chức việc.

-17.8.1798: Vua Cảnh Thịnh ra sắc dụ cấm đạo. Giáo dân Cổ Vưu, Thạch Hãn… chạy vào ẩn trốn tại phường La Vang. Và trang sử Đức Mẹ La Vang đã tiếp tục được viết từ dạo đó.

-7.9.1885:

Cuối tháng 7.1885, hai quan phụ chính là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đưa vua Hàm Nghi đi lánh nạn tại Tân Đô Cùa (Cam Lộ). Quân Văn Thân ủng hộ nhà vua và đã bí mật ra phong trào “Bình Tây sát Tả”.

Nghe tiếng súng nổ báo hiệu quân Văn Thân đã làm chủ thành cổ Quảng Trị, Cha Matthêu (tức cố Thiện, là cha sở của Trí Bưu lúc đó), chia 800 giáo dân làm thành 2 toán lên rừng La Vang lánh nạn.

Nhóm Cha Thiện đến được La Vang, rồi mở đường vào Huế. Một số ở lại. Trong số những người ở lại này có ông Thoàn và 29 người bị Văn Thân bắt. Tất cả họ xin được chết thiêu ngay trên nền nhà thờ La Vang.

Toán thứ 2 do cha phó Bửu chăm sóc bị kẹt lại. Sáng 7.9.1885, ông Đội Cự, tướng chỉ huy quân Văn Thân bao vây làng Cổ Vưu, lùng các ngã đường, giết người trong nhà, ngoài đường, giữa ruộng. Có đến 400 giáo dân tìm đến ẩn thân trong nhà thờ. Họ trấn an nhau, cùng nhau đọc kinh cầu nguyện.

Nhóm Văn Thân chất rơm rạ quanh nhà thờ, dùng súng bắn xả vào các cửa nhà thờ, mà bên trong là 400 người không một tấc sắt trong tay, không hề kháng cự, đa số là đàn bà trẻ nít…

Để sớm kết thúc cuộc tàn sát, họ phóng hoả đốt nhà thờ, khiến tất cả đều bị chết ngạt hoặc chết cháy.

Trong số 800 giáo hữu thì có đến 600 và 1 linh mục bị tàn sát vì đạo Chúa. Họ đạo Cổ Vưu chỉ còn lại 170 người may mắn thoát nạn nhờ trốn trong bụi, núp dưới ao, vào rú La Vang hoặc chạy vào Huế.

Tất cả các thi hài tử đạo, sau đó, được các linh mục và giáo dân kính cẩn đưa đến một nơi, và cho xây một tháp cao 18 mét, tháp vẫn còn đứng mãi cho đến nay như một chứng tích lưu dấu muôn đời.

Bên trong khuôn viên mới xây là Toà Tháp cổ này và nhà Bia Lăng. Nhà nổi bật lên với tấm bia phù điêu khắc ghi tóm tắt lịch sử, bên trên là bức hoành phi rực rỡ với 3 hán tự: “PHƯỚC TRƯỜNG SINH”.

Sau Nghi Lễ Khánh Thành Nhà Bia, mọi người tiến về Nhà thờ Trí Bưu (cách nhà Bia khoảng 70 mét) để hiệp dâng thánh lễ. Các thành phần tham dự gồm Đức cha FX. Lê Văn Hồng chủ tế, 30 linh mục đồng tế, nhiều tu sĩ nam nữ và 500 giáo dân. Tất cả đang mang trong mình nhiều cảm xúc: ngậm ngùi có, hân hoan có, tự hào có, và quyết tâm nhủ lòng sống sao cho xứng đáng cũng có…

Một chứng từ đã khiến các tham dự viên ngỡ ngàng, đó là lời phát biểu của một giáo dân Thạch Hãn, bà Agnès Nguyễn Thị Thanh (họ nhánh của Trí Bưu). Bà nói: “Dòng máu mà quý vị đang mang trong huyết quản là dòng máu của các vị tử đạo, còn tôi, tôi thuộc dòng máu của những người đi bắt đạo. Bà ngoại tôi là công chúa, ngoại tôi gọi vua Gia Long là ông nội. May mắn cho tôi, thầy mẹ tôi đã được ơn trở lại”.

Quả đúng như lời thánh Tertulianô đã nói: “Máu các vị tử đạo đã làm trổ sinh nhiều người theo đạo”.

Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cầu cho chúng con.