Một chuyến đi đầy lý thú

Trung Hoa, đất nước lớn, dân đông, kề sát Việt Nam, đã từng gắn bó với ta về nhiều mặt, lại có nền văn minh cựu trào và mới đây phát triển kinh tế cũng đáng nể. Tôi nghĩ ai có thời giờ, điều kiện, chắc chắn không thể bỏ qua dịp đến Trung Hoa.

Phái đòan chúng tôi gồm 24 thành viên ( 21 linh mục Saigon, Phú Cường, Mỹ Tho, Vĩnh Long) 2 giáo dân và 1 hướng dẫn viên đáp chuyến bay Air China từ Saigon đi Bắc Kinh, quá cảnh Nam Ninh. Rồi từ Bắc Kinh, đi Macao, Thẩm Quyến. Cuộc hành trình xem ra khá dài (23-28/4/2007) nhưng rất lý thú.

Bắc Kinh đã là trung tâm chính trị của Trung hoa từ năm 1057 trước Công nguyên với nhiều tên gọi khác nhau và được phát triển rất mau khi Trung Hoa mở ra thế giới bên ngòai. Diện tích hiện nay là 16.808 km2 chia làm 18 quận, hạt với dân số trên 15 triệu, phần lớn là người gốc Hán.

Thăm Bắc Kinh
Cảm giác đầu tiên của chúng tôi khi đến Bắc Kinh là tất cả đều bị chóang ngợp bởi những dẫy nhà cao vút nằm sát nhau dọc theo hai bên phố dài như bất tận. Đường rộng, xe như mắc cửi, tuyệt nhiên không một xe gắn máy. Bắc Kinh cấm đi xe gắn máy cả 10 năm nay. Xe hơi ở đây khá rẻ, tòan nội địa. Dân Trung Hoa khéo bắt chước phương Tây: lối sống, ăn mặc, nhà cửa và cả cách bố trí, điều hành xã hội: kỳ luật lắm, cái nào cũng đâu vào đấy cả. Người Hoa bản chất thảnh thơi, vui vẻ; sau mệt nhọc vất vả là hỉ hả, vui chơi, đúng như triết gia Anh Bertrand Russell nhận định khi ông đến Bắc Kinh: Khắp nơi chúng tôi đều được tiếp đón niềm nở, tận tình và gần gũi như ở nhà.

Sâu đậm nhất còn đọng lại trong chuyến đi là được viếng Macao, cái nôi truyền giáo Đông Á của các cha dòng Tên, Phanxicô và Đa Minh thế kỷ 16. Nơi đây, bất chấp gian khổ, bắt bớ, tù đầy, các nhà truyền giáo đã ra đi thiết lập Giáo Hội nơi các dân tộc, trong đó có Việt Nam chúng ta. Quỳ cầu nguyện trước Thánh Thể trong nhà thờ các cha dòng Tên, nứơc mắt chúng tôi cứ trào ra vì xúc động khi nghĩ đến biết bao công lao của các nhà truyền giáo. Chúng tôi còn như thấy bóng dáng các thừa sai đi lại trên bến dưới thuyền, nghe văng cẳng đâu đây tiếng Thánh Phanxicô Xaviê từ đảo Thượng Xuyên ngòai khơi vọng lại hối thúc anh em Ngài mau đem Tin Mừng cho các dân trong lục địa.

Macao gồm 3 đảo: Macao (sau là bán đảo), Taipa và Colone, nằm phía Nam, cách Hồng Công 70km, từ năm 1862 thuộc Bồ Đào Nha, 1999 đã trả về Trung Quốc và hưởng quy chế Đặc Khu Hành Chánh, giống Hồng Công. Dân số chừng 508.500 người. Công giáo khá đông. Nhiều nhà thờ, sinh họat khá sầm uất, đâu đâu cũng có ảnh thánh, bầu khí đạo khác hẳn bên Hoa Lục. Giáo phận Macao lập từ 1576. Hiện tại Giám Mục chính tòa là Đức Cha Jose Lai. Một Giám Mục hưu trí.

Nhà thờ nổi bật nhất phái đòan đến viếng là nhà thờ chính tòa cũ mang tên thánh Phaolô, bị cháy trong cơn bão 1853 (Ruins of St Paul), nơi có đại học công giáo đầu tiên trong vùng, do các cha dòng Tên thiết lập và điều hành. Hiện nay chỉ còn tiền sảnh làm di tích, biểu tượng của Macao. Ngòai ra đòan còn ghé thăm nhà thờ thánh Phanxicô Xaviê, có ảnh Á Thánh Anrê Phú Yên, do một cha dòng thánh Phaolô, người Phi Luật Tân phụ trách; Nhà thờ thánh Augustinô do các cha dòng Tên trông coi. Cạnh nhà thờ có cộng đòan các cha các thày dòng Tên thuộc đa quốc gia, gồm 16 vị, trong đó có cha Fernando de Larranaga (quen gọi là cha Lâm). vị sáng lập tổ chức bác ái Viet Nam Service, đã trợ giúp Việt Nam nhiều dự án xã hội, vẫn còn họat động đến ngày nay nhưng do cha Ngô Minh phụ trách vì cha Fernando đã nghỉ hưu.

Thẩm Quyến là nơi dừng chân cuối cùng của đòan. Nơi đây đúng là Đặc Khu Kinh Tế, mọi cái đều hiện đại và tấp nập. Mới mở cửa 26 năm nay do công của ông Đặng Tiểu Bình; từ một vùng quê nghèo nàn, nay phát triển gần bằng Hồng Công. 50% tiền đổ vào đây là của người Hồng Công. Đường phố thênh thang sạch sẽ, nhà cưả đồ sộ, đồ ăn hấp dẫn, hàng cơ khí điện máy tràn ngập…

Có lẽ phải ở đây một tháng mới bõ một chuyến đi!

TRẦN HÒA