Hí trường Côlôsê
Theo truyền thống, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI sẽ chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh hôm nay tại hí trường Côlôsê lúc 9:15 tối. Văn bản của các chặng đàng Thánh Giá năm nay do một học giả nổi tiếng về Thánh Kinh, Đức Ông Gianfranco Ravasi biên soạn.

Đức Ông Gianfranco Ravasi năm nay 65 tuổi thuộc tổng giáo phận Milan, Italia. Ngài là tác giả của hơn 50 cuốn sách về Thánh Kinh. Ngài là giáo sư môn Thánh Kinh tại phân khoa Thần Học Bắc Italia, thành viên Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh. Ngài cũng là thư viện trưởng thư viện Ambrôsiô tại Milan.

Xin giới thiệu với quý cha và anh chị em 6 chặng đầu tiên.

Chặng thứ Nhất

Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu

Rồi Người đi ra núi Ô-liu như đã quen. Các môn đệ cũng theo Người. Đến nơi, Người bảo các ông: "Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ."

Rồi Người đi xa các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá, và quỳ gối cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha."

Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người. Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.

Cầu nguyện xong, Người đứng lên, đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ vì buồn phiền, Người liền nói với các ông: "Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ."


(Lc. 22:39-46)

Suy Niệm:

Khi màn đêm buông xuống thành Giêrusalem, những cây ôliu trong vườn Giệtsimani với tiếng lá xào xạc cả ngày nay cũng như muốn đưa chúng ta trở về cái đêm đau khổ và cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã trải qua. Ngài nổi bật, cô đơn, giữa quang cảnh đó, qùy gối trên đất của khu vườn. Như mọi người đang phải đối diện với cái chết, Chúa Kitô cũng đầy những đau khổ; thực ra chữ nguyên thủy mà Thánh Gioan dùng là "agonia", chiến đấu. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu thật thống thiết, căng thẳng như trong một trận chiến, và mồ hôi Ngài pha lẫn với máu chảy trên khuôn mặt Ngài là bằng chứng của một trạng thái bị hành hạ cam go, dữ dội.

Ngài kêu thấu lên trời cao, lên Chúa Cha Đấng dường như đang im lặng một cách bí ẩn: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này khỏi con”, chén đau khổ và chết chóc. Trong một đêm tối, Giacóp, một trong các tổ phụ của dân Do Thái, bên bờ một nhánh sông Giođan, cũng đã từng gặp gỡ Thiên Chúa như một nhân vật huyền nhiệm, và “đã chiến đấu với ông cho đến tảng sáng”[2]. Cầu nguyện trong lúc bị thử thách là một kinh nghiệm đảo lộn hồn xác, và Chúa Giêsu cũng vậy, trong tăm tối của đêm ấy “với tiếng kêu lớn và nước mắt đã dâng lời van xin khẩn nguyện lên Thiên Chúa là Đấng có thể cứu Người khỏi chết”[3]

Trong Chúa Kitô của vườn Giệtsimani, đang chiến đấu và đầy lo âu, chúng ta cũng tìm thấy chính mình khi chúng ta trải qua đêm đau khổ xé lòng, đêm cô đơn vì xa cách bạn bè, vì sự yên lặng của Thiên Chúa. Theo nghĩa này, như đã từng có người nói, “Chúa Giêsu sẽ còn đau khổ cho đến tận thế, Ngài không thể nghỉ yên vì Ngài tìm kiếm sự đồng hành và sự cảm thông”[4] như bao nhiêu người đau khổ khác trên trái đất này. Trong Ngài, chúng ta cũng thấy khuôn mặt chúng ta, đẫm lệ và hằn lên nỗi sầu khổ.

Tuy nhiên, cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu không dẫn đến cám dỗ tuyệt vọng và đầu hàng, nhưng dẫn đến lời tuyên xưng sự tín thác nơi Chúa Cha và ý định mầu nhiệm của Ngài. Đó chính là những lời kinh Lạy Cha mà Ngài đưa ra cho chúng ta trong giờ phút cay đắng ấy: “Các con hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ… không phải theo ý con nhưng xin vâng theo ý Cha!”. Và này đây thiên thần an ủi, củng cố, và cảm thông hiện ra để giúp Chúa Giêsu, và giúp chúng ta bền đỗ cho đến cùng của cuộc hành trình.

[2] x. Sáng Thế 32:23-32.

[3] x. Do Thái 5:7.

[4] Blaise Pascal, Pensées, số. 555, ed. Brunswieg.

Chặng thứ Hai

Chúa Giêsu bị Giuđa phản bội và bị bắt

Người còn đang nói, thì một đám đông xuất hiện, và kẻ dẫn đầu tên là Giuđa, một người trong Nhóm Mười Hai. Hắn lại gần Đức Giêsu để hôn Người. Đức Giêsu bảo hắn: "Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao? "

Thấy việc sắp xảy ra, những kẻ đứng chung quanh Người liền hỏi: "Lạy Chúa, chúng con tuốt gươm chém được không? ". Thế rồi một người trong nhóm chém tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai bên phải. Nhưng Đức Giêsu lên tiếng: "Thôi, ngừng lại." Và Người sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành.

Sau đó Đức Giêsu nói với các thượng tế, lãnh binh Đền Thờ và kỳ mục đến bắt Người: "Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến? Ngày ngày, tôi ở giữa các ông trong Đền Thờ, mà các ông không tra tay bắt. Nhưng đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm."


Lc 22:47-53

Suy Niệm:

Giữa những cây ôliu trong vườn Giệtsimani đang chìm trong bóng đêm, một nhóm nhỏ đang tiến ra: dẫn đầu nhóm này là Giuđa, “một trong nhóm Mười Hai”, một môn đệ của Chúa Giêsu. Trong trình thuật của Thánh Luca, Giuđa không nói một lời nào, ông ta chỉ hiện diện, một sự hiện diện lạnh lùng. Dường như ông ta đã không thể hôn mặt Chúa Giêsu vì bị chặn lại bởi những lời đang vang lên, là lời của chính Chúa Giêsu: "Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao? ". Đó là những lời đau lòng nhưng cương quyết; những lời này vạch trần gút mắc của tội lỗi đang cư trú trong con tim xáo trộn và chai cứng của người môn đệ, một người có lẽ đã bị lừa gạt, thất vọng và đang trên bờ tuyệt vọng.

Suốt dòng lịch sử, sự phản bội và cái hôn Giuđa đã trở thành biểu tượng của cơ man những bất trung, bội giáo, và lường gạt. Và vì thế Chúa Kitô đang phải đối diện với một thử thách khác: sự phản bội và hệ quả của nó là cảm giác bị bỏ rơi và cô đơn. Đó không phải là trạng thái cô tịch ngài yêu thích khi lui vào trong chốn hoang vắng để cầu nguyện, đó không phải là trạng thái cô tịch là nguồn mạch của bình an và yên hàn mà nhờ đó chúng ta cảm nghiệm được mầu nhiệm của tâm hồn và của Thiên Chúa. Trái lại, đó là một kinh nghiệm cay đắng của tất cả những ai, chính trong giây phút chúng ta tụ họp nơi đây, cũng như tại những thời khắc khác trong ngày, đang thấy họ cô đơn trong một căn phòng, đối diện với một bức tường trơ trụi hay trước một chiếc điện thoại im bặt, bị mọi người bỏ rơi vì họ là người già yếu, là ngoại kiều hay khách lạ. Cùng với họ, Chúa Giêsu đang phải uống từ trong chén chứa đựng nọc độc của sự bỏ rơi, cô đơn và thù nghịch.

Cảnh tượng của vườn Giệtsimani khi đó đột nhiên trở nên náo nhiệt: ngược lại với hình ảnh trước đó của cầu nguyện, trang trọng, thân tình và yên tĩnh giờ đây, dưới những cây ôliu, là hình ảnh của đối nghịch, huyên náo, và cả bạo lực. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn đứng ở vị thế trung tâm, không lay chuyển. Ngài biết rõ rằng sự dữ bao trùm lịch sử con người bằng chiếc khăn liệm của bắt nạt, gây hấn và tàn bạo: “Đây là giờ của các ngươi, là thời của quyền lực tối tăm”.

Chúa Kitô không muốn các môn đệ của Ngài, đang sẵn sàng tuốt gươm, phản ứng lại sự ác bằng sự ác, bạo lực bằng bạo lực hơn nữa. Ngài chắc chắn rằng quyền lực của tăm tối – bề ngoài có vẻ là bất khả chiến bại và thỏa mãn với những chiến thắng – nhưng cuối cùng nó sẽ bị đánh bại. Đêm tối sẽ phải nhường bước cho rạng đông, bóng tối phải lui đi trước ánh sáng, sự phản bội sẽ bị khuất phục trước ăn năn. Như chính Đức Giêsu đã dạy chúng ta trên núi Tám Mối Phúc Thật, chúng ta cần phải “thương yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại chúng ta”[5] nếu chúng ta muốn thấy một thế giới mới và khác biệt.

[5] Mt 5:44

Chặng thứ Ba

Đức Giêsu bị Thượng Hội Đồng Do Thái kết án

Khi trời sáng, đoàn kỳ mục trong dân, các thượng tế và kinh sư nhóm họp. Họ điệu Người ra trước Thượng Hội Đồng và hỏi: "Ông có phải là Đấng Mê-si-a thì nói cho chúng tôi biết! "

Người đáp: "Tôi có nói với các ông, các ông cũng chẳng tin; tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời. Nhưng từ nay, Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng."

Mọi người liền nói: "Vậy ông là Con Thiên Chúa sao? "

Người đáp: "Đúng như các ông nói, chính tôi đây."

Họ liền nói: "Chúng ta cần gì lời chứng nữa? Chính chúng ta vừa nghe miệng hắn nói! "


(Lc 22:66-71)

Suy Niệm:

Bình minh của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh vươn lên từ Núi Cây Dầu, sau khi chiếu sáng các thung lũng sa mạc miền Giuđa. Bẩy mươi mốt thành viên Hội Đồng Công Tọa, cơ chế cao nhất của Do Thái, đã tập trung thành một vòng bán cung chung quanh Chúa Giêsu. Phiên xử khai mạc với thủ tục thông thường của tòa án: kiểm tra lý lịch của bị cáo, đưa ra những lý do để buộc tội, nghe các nhân chứng. Việc xét xử một vấn đề tôn giáo thuộc về thẩm quyền của tòa án này. Điều này được biểu lộ từ hai câu hỏi chủ yếu: “Ông có phải là Đấng Kitô? Ông có phải là con Thiên Chúa không?”

Câu trả lời của Chúa Giêsu khởi đầu từ một căn bản hầu như thất vọng: “Tôi có nói với các ông, các ông cũng chẳng tin; tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời”. Ngài biết rằng nghi ngại, ngờ vực và hiểu lầm đang vây quanh Ngài. Ngài có thể thấy mình đang bị vây quanh bởi bức tường của nghi kỵ và thù địch, và cảm thấy nặng nề hơn bởi bức tường đó được dựng lên bởi chính cộng đồng tôn giáo và quốc gia của Ngài. Vịnh gia đi trước Ngài đã có một kinh nghiệm chán chường như thế: “Nếu sự lăng mạ cho ta đến từ một kẻ thù, ta có thể chịu được; nếu kẻ cạnh tranh với ta nổi lên chống lại ta, ta có thể tránh né. Nhưng chính là ngươi, bạn đồng hành của ta, bạn thiết của ta! Tình nghĩa chúng ta thân thiết là dường nào. Chúng ta đã không từng tiến bước thuận thảo trong nhà Thiên Chúa đó sao?”[6].

Thế nhưng, mặc dù có sự nghi kỵ ấy, Chúa Giêsu đã không ngần ngại công bố mầu nhiệm nơi Ngài, mầu nhiệm mà từ giờ phút đó sẽ được tỏ lộ như một sự hiển linh. Sử dụng ngôn từ của Thánh Kinh, Ngài tuyên xưng mình là “Con Người ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng”. Vinh quang của Đấng Cứu Thế được Israel trông đợi giờ đây hiển thị nơi người tù này. Thật vậy, đó chính là con Thiên Chúa, Đấng mà giờ đây, oái oăm thay lại xuất hiện dưới hình dạng của một người bị kết án. Câu trả lời của Chúa Giêsu – “Tôi là” – thoạt đầu nghe có vẻ là lời tự thú của một bị cáo, nhưng thực tế là một lời tuyên xưng trang trọng về thần tính của Ngài. Trong Thánh Kinh, hai chữ “Tôi là” chính là tên gọi và là danh xưng của chính Thiên Chúa[7].

Lời cáo buộc, mà tối hậu dẫn đến một án tử, vì vậy trở nên một mạc khải, và cũng là lời tuyên xưng đức tin của chúng ta nơi Chúa Kitô, Con Thiên Chúa. Người bị cáo ấy, bị hạ nhục bởi một nhóm kiêu căng, một phiên tòa kiêu hãnh, bởi một bản án đã được đóng dấu sẵn, nhắc nhở chúng ta nghĩa vụ chứng tá cho sự thật. Một chứng tá phải được mạnh mẽ đưa ra vang dội ngay cả khi ta bị cám dỗ mạnh mẽ muốn che đậy, cam chịu, hay chiều theo ý kiến đang thịnh hành. Nói theo một phụ nữ trẻ Do Thái bị kết án phải chết trong một trại tập trung[8]: “ đối lại với mỗi trò kinh tởm hay một tội ác mới, chúng ta phải đưa ra một mảnh mới của sự thật và điều thiện chất chứa trong chúng ta. Chúng ta có thể phải đau khổ nhưng chúng ta không thể đầu hàng”.

[6] Tv 55(54): 12-15.

[7] x. Xh 3:14.

[8] Etty Hillesum, Nhật Ký 1941-1943 (3/7/1943).

Chặng thứ Tư

Ông Phêrô chối Chúa Giêsu

Họ bắt Đức Giêsu, điệu Người đến nhà vị thượng tế. Còn ông Phêrô thì theo xa xa. Họ đốt lửa giữa sân và đang ngồi quây quần với nhau, thì ông Phêrô đến ngồi giữa họ. Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ gái nhìn ông chòng chọc và nói: "Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!”

Ông liền chối: "Tôi có biết ông ấy đâu, chị! "

Một lát sau, có người khác thấy ông, liền nói: "Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng! " Nhưng ông Phêrô đáp lại: "Này anh, không phải đâu! "

Chừng một giờ sau, có người khác lại quả quyết: "Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Galilê."

Nhưng ông Phêrô trả lời: "Này anh, tôi không biết anh nói gì! "

Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy.

Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: "Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần."

Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.


Lc 22:54-62

Suy Niệm:

Chúng ta hãy quay lại đêm chúng ta đã bỏ lại đằng sau khi tiến vào phòng Chúa Giêsu bị xử án lần thứ nhất. Bóng đêm và cái lạnh đã bị xuyên thủng bởi những ánh lửa bập bùng trong sân của dinh Hội Đồng Công Tọa. Các người đầy tớ và lính tráng đang hơ tay cho ấm; ánh lửa soi rõ mặt họ. Và ba giọng nói, lần lượt tiếp nối nhau, vang lên, và ba cánh tay chĩa thẳng vào khuôn mặt mà họ nhận ra, khuôn mặt ông Phêrô.

Đầu tiên là một giọng đàn bà. Chị ta là người tớ gái trong dinh; nhìn thẳng vào mắt người môn đệ, chị ta thốt lên: “Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!”. Rồi một giọng đàn ông vang lên: “Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng!”. Một người đàn ông khác sau đó cũng đã đưa ra một cáo buộc tương tự sau khi nghe giọng miền Bắc của ông Phêrô: "Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Galilê.".

Đối diện với những tuyên bố này, vị Tông Đồ, trong một phản ứng tự vệ hốt hoảng đã không ngại nói dối “Tôi không biết ông Giêsu! Tôi không phải là môn đệ ông ấy! Tôi không biết ông đang nói gì!”. Ánh lửa bập bùng trong sân xuyên thấu qua khuôn mặt của ông Phêrô và phơi bày tâm hồn tan nát của ông, sự yếu đuối, tính ích kỷ và nỗi khiếp nhược của ông. Chỉ vài giờ trước đó, ông đã tuyên bố “"Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không… Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy." [9]

Tuy nhiên, tấm màn đã không buông xuống trên sự phản bội này như trường hợp của Giuđa. Trong đêm đó một tiếng nói chọc thủng sự yên tĩnh của Giêrusalem, đặc biệt là lương tâm của chính ông Phêrô, đó là tiếng gà gáy. Chính ngay lúc này, Chúa Giêsu tiến ra từ trong phiên tòa đã kết án Ngài. Thánh Luca mô tả ánh mắt trao đổi giữa Chúa Kitô và ông Phêrô bằng một từ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là nhìn chằm chặp vào mặt một người nào. Nhưng như vị Thánh Sử ghi nhận, đó không phải là ánh mắt một người nhìn một người, đó là “Chúa”, với ánh mắt nhìn thấu thẳm sâu tâm hồn, nơi tận cùng của những bí ẩn trong lòng người.

Từ đôi mắt vị Tông Đồ nhỏ ra những giọt lệ ăn năn. Trong câu chuyện của ngài cô đọng biết bao những câu chuyện về bất trung và hoán cải, về yếu đuối và tự do. “Tôi khóc và tôi tin!” trong hai chữ đơn giản này, hàng trăm năm sau, một người hoán cải [10] đã so sánh kinh nghiệm của mình với kinh nghiệm của ông Phêrô, qua đó nói thay cho chúng ta, những người trong cuộc sống hàng ngày đã có những phản bội nho nhỏ, trong khi tự biện hộ cho mình với những lời biện minh hèn nhát, và để cho chính mình bị khuất phục bởi sợ hãi. Nhưng, như vị Tông Đồ, chúng ta cũng có thể chọn con đường đem chúng ta đến với ánh mắt Chúa Kitô và chúng ta có thể nghe Ngài ủy thác cho chúng ta với cùng một sứ vụ: cả anh nữa “một khi anh đã trở lại, hãy củng cố anh em mình”[11].

[9] Mc 14:29, 31.

[10] FRANÇOIS-RENÉ DE CHATEAUBRIAND, Sự chân thật của Kitô Giáo (1802).

[11] Lc 22:32.

Chặng Thứ Năm

Chúa Giêsu chịu quan Philatô xét xử

Bấy giờ ông Philatô triệu tập các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng lại mà nói: "Các ngươi nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các ngươi, mà không thấy người này có tội gì, như các ngươi tố cáo. Cả vua Hêrôđê cũng vậy, bởi lẽ nhà vua đã cho giải ông ấy lại cho chúng ta. Và các ngươi thấy đó, ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra."

Vào mỗi dịp lễ lớn, ông Philatô phải phóng thích cho họ một người tù. Nhưng tất cả mọi người đều la ó: "Giết nó đi, thả Baraba cho chúng tôi! "Tên này đã bị tống ngục vì một vụ bạo động đã xảy ra trong thành, và vì tội giết người.

Ông Philatô muốn thả Đức Giêsu, nên lại lên tiếng một lần nữa. Nhưng họ cứ một mực la lớn: "Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá! "

Lần thứ ba, ông Philatô nói với họ: "Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra." Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội.

Ông Philatô quyết định chấp thuận điều họ yêu cầu.Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Còn Đức Giêsu thì ông trao nộp theo ý họ muốn.


(Lc 23:13-25)

Suy Niệm:

Chúa Giêsu giờ đây bị bủa vây với những dấu hiệu của đế quốc, những cờ xí, những con ó và những tiêu chuẩn của thẩm quyền đế quốc, và còn thêm nữa, một thành trì của quyền lực là dinh tổng trấn Philatô, một con người khó hiểu mà tên tuổi không ai biết đến trong lịch sử Đế Quốc La Mã. Nhưng đó lại chính là tên chúng ta nghe mỗi ngày Chúa Nhật trên khắp thế giới, chính phiên tòa đã diễn ra nơi đây nên trong Kinh Tin Kính các tín hữu Kitô tuyên xưng Chúa Kitô “chịu đóng đinh dưới thời quan Phongxiô Philatô”. Đàng khác, con người này dường như là hóa thân của một sự áp chế tàn bạo, cỡ như Thánh Luca đã mô tả trong một trang khác trong Phúc Âm ngài khi nói về cái ngày mà bên trong đền thờ ông này đã trộn máu của người Do Thái với máu súc vật bị sát tế [12]. Về phía ông này, chúng ta chứng kiến một quyền lực tối tăm và lạ lẫm khác: quyền lực tàn bạo của đám đông bị lèo lái bởi những lực lượng bí mật đang giăng bẫy trong hậu trường. Kết quả là quyết định phóng thích một tên nổi loạn và giết người là Barabas.

Mặt khác, chúng ta lại thấy ló dạng một hình ảnh khác của Philatô: ông ta dường như tiêu biểu cho một sự bình đẳng pháp luật truyền thống và cho tính khách quan của luật La Mã. Thật vậy, đã ba lần Philatô có ý muốn thả Chúa Giêsu vì không có đủ bằng chứng, trong khi đề ra phán quyết cùng lắm là đánh đòn mà thôi. Các cáo buộc chống lại Chúa Giêsu không đạt tiêu chuẩn của một cuộc điều tra tư pháp nghiêm chỉnh. Như những gì mà các Thánh Sử đã trình bày, Philatô biểu thị một sự cởi mở nhất định, một thái độ đón nhận mà cuối cùng đã dần dà phai nhạt và biến mất.

Bị áp lực bởi ý kiến công chúng, Philatô chọn một thái độ thường thấy trong thời đại chúng ta: thờ ơ, thiếu quan tâm, lo cho mình trên hết. Để tránh rắc rối và có thể vươn lên nữa, chúng ta sẵn sàng giày đạp sự thật và công lý. Sự vô luân minh nhiên tối thiểu còn gây ra được một cú sốc hay một phản ứng nào đó, chứ cách hành xử thuần tuý phi luân này không gây ra chút băn khoăn nào; nó làm tê liệt lương tâm, đè nén sự hối hận, và làm chai lỳ tâm trí. Sự thờ ơ là cái chết chậm của nhân loại đích thật.

Hậu quả có thể thấy được trong lựa chọn cuối cùng của Philatô. Như những người La Mã xưa thường nói, một thứ công lý sai lầm và lãnh đạm giống như một mạng nhện trong đó những con ruồi kẹt lại và chết đi nhưng những con chim có thể xé toạc đi bằng sức mạnh lực bay của mình. Chúa Giêsu, một trong những con người thấp cổ bé họng trên trần gian này, không có quyền bật lên một lời, bị chết nghẹt trong mạng lưới này. Và như chúng ta thường làm, Philatô đứng nhìn từ xa xa, rửa tay, và như một người vô can, quay đi – qua đó Thánh Sử Gioan chỉ ra cho chúng ta [13] – câu hỏi muôn đời tiêu biểu cho mọi hình thái của chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa luân lý tương đối : “Sự thật là gì?”.

[12] x. Lc 13:1.

[13] Ga 18:38

Chặng thứ Sáu

Chúa Giêsu bị đánh đòn và bị đội mão gai

Những kẻ canh giữ Đức Giêsu nhạo báng đánh đập Người. Chúng bịt mắt Người lại, rồi hỏi rằng: "Nói tiên tri xem: ai đánh ông đó? "

Chúng còn thốt ra nhiều lời khác xúc phạm đến Người.


(Lc 22:63-65)

Một ngày kia, khi đang tiến bước trong thung lũng Giođan, không xa Giêricô bao nhiêu, Đức Giêsu đã dừng lại và nói với nhóm Mười Hai những lời bốc lửa, những lời họ thấy khó hiểu: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và tất cả những gì các ngôn sứ đã viết về Con Người sẽ được hoàn tất. Quả vậy, Người sẽ bị nộp cho dân ngoại, sẽ bị nhạo báng, nhục mạ, khạc nhổ. Sau khi đánh đòn, họ sẽ giết Người” [14]. Giờ đây, cuối cùng ý nghĩa đầy đủ của những lời lạ lùng này được tỏ lộ: trong sân quan tổng trấn, địa sở của vị toàn quyền Rôma tại Giêrusalem, nghi thức tra tấn dã man bắt đầu, trong khi bên ngoài dinh, những lời bàn tán của đám đông mỗi lúc một rộ lên, trong niềm trông đợi được thấy cảnh điệu ra pháp trường.

Trong căn phòng đóng kín với công chúng, những gì xảy ra sẽ tiếp tục được lặp lại hết đời này sang đời khác trong hàng ngàn những cách thế tàn bạo và gian ác, trong tăm tối của cơ man những nhà tù. Chúa Giêsu không chỉ bị đánh đập thể lý nhưng còn bị chế nhạo. Thật vậy, để tường thuật những sỉ nhục này, Thánh Sử Luca đã dùng từ “xúc phạm” như muốn đưa ra ý nghĩa sâu xa của thứ bạo lực mà các binh sĩ này gây ra trên nạn nhân của chúng. Những tra tấn gây thương tổn cho thân xác Chúa Kitô đã được kèm theo với những lời nhạo báng chà đạp lên nhân phẩm của Ngài.

Thánh sử Gioan tường thuật về màn sỉ nhục này, được quân lính bắt chước theo trò chế nhạo thường thấy. Một vương miện làm bằng gai nhọn; tấm khăn choàng tím vương giả được thay bằng chiếc áo khoác đỏ; và lời kính chào dành cho một vị vua “Chào Caesar!”. Tuy nhiên, đằng sau tất cả trò chế nhạo này chúng ta có thể thấy một dấu chỉ vinh quang: đúng thế, Chúa Giêsu bị nhạo cười như một vị vua giả nhưng thực tế Ngài là Chủ Tể thực sự của lịch sử.

Cuối cùng, khi vương quyền của Ngài được hiển trị - như một Thánh Sử khác, Thánh Matthêu đã nói với chúng ta [15] Ngài sẽ lên án những kẻ tra tấn và những kẻ độc tài, và sẽ triệu vời vào vinh quang của Ngài không chỉ những nạn nhân của chúng, nhưng còn tất cả những ai đã từng thăm viếng các nhà tù, chữa lành các vết thương và các sầu khổ, giúp đỡ những ai đói khát và bị bách hại. Tuy nhiên, trong giờ này đây, khuôn mặt đã được biến hình trên núi Tabor[16] đang bị biến dạng; Đấng là “phản ánh của vinh quang Thiên Chúa”[17] đang bị đánh đập và tơi tả; như tiên tri Isaiah đã công bố, Đấng Mêsia Tôi Tớ Thiên Chúa đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu, đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ [18].Trong Ngài, Thiên Chúa của vinh quang, sự đau khổ của nhân loại được tỏ lộ; trong Ngài, Chúa của lịch sử, sự yếu đuối của mọi loài thọ tạo được phơi bày; trong Ngài Đấng Dựng Lên trời đất, tiếng kêu đau thương của mọi loài thọ tạo tìm thấy tiếng vang.

[14] Lc 18:31-32

[15] x. Mt 25:31-46.

[16] x. Lc 9:29.

[17] x. Dt 1:3.

[18] x. Is 50:6