PHẢN HỒI BÀI VIẾT CỦA GS TS PHẠM VĂN HƯỜNG:

ĐI TÌM NGUỒN GỐC CHỮ QUỐC NGỮ.



Ngày 07-01-2007, báo Người Lao Động đã đăng bài "Đi tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ" http://www.nld.com.vn/tintuc/the-gioi/ho-so-tu-lieu/176647.asp (1) của GS-TS Phạm Văn Hường liên quan đến Alexandre de Rhodes (mà ông gọi là Alexandro Rhodes). Trong bài viết của mình tác giả dùng những từ ngữ phê phán rất nặng đối với Alexandre de Rhodes, ví dụ như: đạo công trình, lừa đảo, gian dối, gian trá...

Đọc bài của ông, tôi thấy buồn. Buồn không phải vì một nhà vật lý thì không có quyền nói lên ý kiến mình trong lãnh vực lịch sử, nhưng buồn vì khi nêu ý kiến ở một lãnh vực không thuộc chuyên môn của mình, ông lại khẳng định quá chắc và kết án một nhân vật lịch sử, dựa trên những cứ liệu rất ít ỏi của mình.

TS. Hường được giới khoa học biết đến nhờ công trình nghiên cứu về chất diamite (kim cương nhân tạo) tại Đại Học Bordeaux I, và kiến thức vật lý của ông có thể làm cho tiếng nói ông có uy tín khi đề cập đến những lãnh vực dính dấp đến chuyên môn của mình, như ngành khảo cổ, ví dụ như bài viết của ông về “Kinh thành Thăng Long cổ...” mà báo Người Lao Động đã đăng ngày 12-02-2004. Tuy nhiên, trong lãnh vực lịch sử và ngôn ngữ thì ông đã không cập nhật những thông tin trong vòng 7 năm trời, để rồi nói ra như một khám phá mới những điều mà các nhà nghiên cứu lịch sử và ngôn ngữ Việt Nam đã đi đến kết luận từ lâu. Đó là chưa nói đến những kết luận quá vội vàng dựa trên một số quá ít dữ kiện, mà không đưa ra một tham chiếu nào để cho người đọc có thể kiểm chứng những khẳng định của mình.

Thật vậy, bài viết của Ts Hường lấy lại y nguyên suy nghĩ về Alexandre de Rhodes mà ông đã đăng từ năm 1999 trên tạp chí điện tử Văn Học Nghệ Thuật (2), và từ ấy đến nay nhiều vấn đề ông đề cập không còn gì là mới mẻ nữa. Vì thế tôi viết bài này để nói lên một vài vấn đề liên quan đến bài báo của ông.

I. Những vấn đề đặt ra:

1. Vấn đề thiếu tham chiếu văn kiện.

- T.S Phạm Văn Hường viết: “Vậy Alexandro de Rhodes là ai, có phải là Alexandre Rhodes hay không? Tôi có đi Macau, tìm nguồn nhưng vô hiệu. Tôi cũng tìm đến nơi gia đình họ Rhodes ở gần Avignon. Gia đình người Pháp này có gốc Y Pha Nho. Linh mục Công giáo địa phận này cho tôi tài liệu in bức thư của Alexandro Rhodes khi ông này xin giáo hội dòng Jesus cho ông đi truyền đạo ở Đông Nam Á”

Câu nói trên bao hàm nhiều vấn đề mà ông không cho độc giả biết. Ông tìm đến nơi gia đình họ Rhodes nào ở gần Avignon? Trong niên giám điện thoại nước Pháp, tại Avignon chỉ có một người họ Rhodes tên là Rouby-Rhodes Laurence, và toàn Departement de Vaucluse thì chỉ có thêm Rhodes Leslie tại thành phố Sainte Cécile Les Vignes. Ông có gặp hai người này không? Và nếu có thì liệu hai người ấy có liên hệ huyết thống gì với Alexandre de Rhodes không? Ông gặp một linh mục công giáo địa phận, đó là linh mục nào? Phải chăng là linh mục Michel Barnouin, người có tiếng nói uy tín nhất về Alexandre de Rhodes tại Avignon? Nếu muốn tìm nguồn gốc xem tên đúng khai sinh của Alexandre de Rhodes thì tại sao phải sang Macao? Ông tìm nguồn gì? ở đâu? gặp ai? Đọc lại bài ông viết năm 1999 mới thấy ông nói rằng khi đến Macao ông có gặp ‘cha Manual Teixera, một thừa sai dòng Tên người Bồ Đào Nha, 84 tuổi’ và vị linh mục này ‘chia sẻ với tôi niềm tin tưởng sâu xa của ông rằng Rhodes đã ký tên vào một cuốn từ điển mà ông không hề viết bao giờ’ (3)

Không biết ngoài lần gặp gỡ đó ra, từ ấy đến nay T.S Hường có sang Macao để tìm nguồn nào nữa không. Nếu có thì bài của ông không nói rõ. Nếu không thì những kết luận của ông thiếu tính thuyết phục, khi ông chỉ căn cứ trên ‘tin tưởng’ của một người mà ông gặp ở Macao, rồi dùng những từ ngữ ‘lừa đảo’ hay ‘đạo công trình’ mà gán cho Alexandre de Rhodes; nhất là khi trong đoạn văn vỏn vẹn 10 chữ: “Father Manual Teixera, a Portuguese Jesuit missionary of 84 years” , thì đã có hai lỗi chính tả và hai thông tin không chính xác: tên của vị giáo sĩ là ‘Manuel Teixeira’ chứ không phải là ‘Manual Teixera’ (chính tả); năm 84 tuổi, vị giáo sĩ này là đức ông (Monsenhor; Monsignor) chứ không phải là cha thừa sai (Missionary Father) và ông là một giáo sĩ triều chứ không phải là một linh mục dòng Tên (thông tin thiếu chính xác). (4)

- Ông cũng nêu lên một dữ kiện khác, ấy là De Rhodes đã ‘tái diễn’ trò ‘đạo công trình’ đối với “quyển Tường trình về Nhật Bản với sự tài trợ của công chúa Đan Mạch” , nhưng ông không cho biết xuất xứ của khẳng định này, nên khó lòng phản biện.

Có thể ông muốn nói đến một bản trong bộ ký sự về các vị tử đạo tại Nhật Bản, mà trong lời tựa của tập cuối cùng, tập Histoire de la vie et de la glorieuse mort de cinq pères de la compagnie de Jesus, qui ont souffert au Japon, avec trois séculiers, en l’année 1643, Alexandre de Rhodes đã ghi lời tri ân lên công chúa Đan Mạch vì đã tài trợ để in ấn tập sách này. Quả thật, ông đã đề tên mình trên một tuyển tập các truyện ký do nhiều anh em dòng Tên viết, nhưng hành vi này, thời bấy giờ, không thể coi là ‘gian trá’ được, như lời nhận định sau đây của Roland Jacques:

“Thật vậy, ý niệm về sở hữu trí tuệ trong lãnh vực văn chương nơi các tu sĩ dòng Tên vào thế kỷ XVII không y như ý niệm ta có bây giờ; chúng tôi đưa ra đây hai thí dụ: Ta thấy bản tường thuật về việc tử đạo của thầy giảng Anrê, mà bản gốc bằng tiếng Bồ Đào Nha chắc chắn do chính linh mục Rhodes viết ra, nhưng đôi khi được viết lại đúng từng chữ một dưới tên các tác giả Matias da Maia, Antônio Francisco Cardim hoặc Manuel Ferreira. Ngược lại, Rhodes đã xuất bản dưới tên mình một bản tường thuật liên quan đến các vị tử đạo Nhật Bản, mà tổng thể lại lấy lại những ký sự của các tu sĩ dòng Tên. Như thế, khi người ta quyết định cho xuất bản hoặc tái bản một bản văn được thuận nhận để phổ biến, thì người được đề cử làm công việc nầy lại ghi tên mình vào đó, và mang trách nhiệm cá nhân về công tác của mình. Trong trường hợp của linh mục Rhodes và các vị tử đạo của Nhật Bản, có lẽ các thừa sai đã dựa vào danh tiếng đang lên của con người Avignon nầy để mang cho cuốn sách được phổ biến rộng rãi hơn.” (5)

2. Vấn đề thiếu cập nhật thông tin.

- Ông viết: ‘Alexandro tự ý ghép tên mình thêm chữ de kệch cỡm’.

Ông không nói mình gặp vị linh mục nào ở Avignon, nhưng nếu ông gặp người linh mục ở Avignon từng có tiếng nói thế giá trong tạp chí Études Vauclusiennes, cha Michel Barnouin, thì hẳn ông biết rằng, từ năm 1994, cha đã tra cứu các sổ sách rửa tội và những văn kiện hành chánh dân sự tại Avignon để tìm ra gia phả của Alexandre de Rhodes; và cha đã cho thấy dòng họ của Alexandre từng mang chữ ‘de’ từ lâu đời; bằng chứng là ông tổ của Alexandre, sống vào đầu thế kỷ thứ 16, có tên bằng tiếng Tây Ban Nha là ‘Juan Chimenes de Ruedes’, mà nếu đọc theo tiếng Pháp là ‘Jean Chimène de Rhodes’. (6)

- Ông cũng viết: “Có lẽ trước sự hoang mang, bán tín bán nghi, không biết lễ chủ nhật nằm đầu tuần hay cuối tuần nên Rhodes sinh ý Phép giảng tám ngày.”

Nếu Ts Hường tra cứu tài liệu Công Giáo thì hẳn đã biết rằng, trong Cựu Ước, một người muốn xác định mình theo Thiên Chúa thì phải chịu cắt bì (cắt da qui đầu) vào ngày thứ tám (7). Sau này, khi một người muốn gia nhập Công Giáo thì phải chịu bí tích Thanh Tẩy (cũng còn gọi là phép Rửa Tội). Vì thế mà Alexandre đã xếp những bài giảng trong vòng 8 ngày để cho một dự tòng nhận phép Rửa Tội. Điều này được ông cho thấy rõ ngay ở tựa cuốn sách mình: “Phép giảng tám ngày. Cho kẻ muốn chịu phép rửa tội, mà vào đạo thánh Đức Chúa Trời” . Sở dĩ ông dùng tám ngày là vì ông muốn đi theo truyền thống Công Giáo, chứ không phải vì ‘hoang mang’ như Ts Hường khẳng định. Thực ra, ông biết rất rõ giáo huấn của một trong những Tiến sĩ Giáo Hội là thánh Âu Tinh: “Dù đứa trẻ được rửa tội bất cứ ngày nào sau khi ra đời thì cũng đúng nếu ta bảo rằng trẻ ấy chịu cắt bì vào ngày thứ tám, vì cháu bé ấy được cắt bì trong Đấng mà, vì sống lại ba ngày sau khi chết, nên đã thực sự sống lại ngày thứ tám trong tuần (8)

- Ngoài những vấn đề nho nhỏ trên, còn lời buộc tội Alexandre de Rhodes là ‘đạo công trình’. Vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã làm rõ qua bài viết “Về bài báo vu khống và phỉ báng Cha Đắc Lộ’, đăng trên tuần báo Công Giáo & Dân Tộc, số 1592. Mặt khác, những vấn đề chính yếu ấy, chẳng hạn vai trò của Alexandre de Rhodes, hoặc chữ quốc ngữ dựa trên phiên âm Bồ Đào Nha, thì Roland Jacques (9) đã nghiên cứu tận nguồn, và phổ biến những công trình của mình từ năm 1995 cho đến nay, đặc biệt là trên tập san Định Hướng (10). Không biết những khẳng định của TS Hường năm 1999 về việc ông nghi ngờ Alexandre de Rhodes có trùng lắp với suy nghĩ của Roland Jacques hay không, nhưng Roland Jacques chính là người đã phát hiện bức thư của Francisco de Pina vào tháng 07 năm 1994 tại Biblioteca da Ajuda ở Lisbonne (11). Trong bức thư ấy, Pina cho biết về công việc soạn thảo những tài liệu viết bằng quốc ngữ; và dựa vào bức thư ấy, Roland Jacques là người đầu tiên có chứng cứ để đặt lại vấn đề về người cha đẻ của chữ quốc ngữ. Vì thế, tôi xin ghi lại những nhận xét của ông về bài báo của Ts Hường, với tư cách là đồng tác giả cho bài phản hồi này. Phần sau đây là bản dịch bức thư của ông gửi cho tôi.

II. Nhận định của Tiến sĩ Roland Jacques (Dương Hữu Nhân).

1. Những chuyến đi của Giáo sư Hường đến Macao và Avignon không có giá trị gì đối với những vấn đề mà ông nêu lên. Các bản văn chính gốc từ tay của de Rhodes mà hiện nay còn tồn tại thì được cất giữ ở Rôma, tại Phòng Lưu Trữ lịch sử của Dòng Tên, tại Phòng Lưu Trữ Quốc Gia hay Phòng Lưu Trữ của Propaganda Fide; như thế, lá thư độc đáo mà Gs. Hường có trong tay là một bản sao (photocopy) của một phóng ảnh trích ra từ một trong các tập sách; ngoài ra còn nhiều bản văn được viết sau đó nữa.

2. Rhodes không phải là người Y Pha Nho (Tây Ban Nha). “Y Pha Nho gốc Do Thái” theo một vài dị bản, ấy là truyền thuyết mà vài tác giả đề ra. Truyền thuyết này đã bị phủ nhận qua những nghiên cứu chiều sâu mà Michel Barnouin thực hiện khi tra cứu các văn kiện lưu trữ của thành phố Avignon. Một trong các ông tổ của Rhodes hẳn là đến từ Aragon; riêng Alexandre de Rhodes thì lại là một người dân Avignon và dòng họ của ông theo Công Giáo từ nhiều thế hệ trước. Thế thì xin để yên nước Y Pha Nho. Nước này chẳng dính dấp gì đến sự nghiệp của Rhodes. Rhodes cũng chẳng phải là một người Pháp. Ông không ra đời trên nước Pháp. Vào thời ấy, Avignon là một là một lãnh thổ của Giáo Hoàng (như Gs Hường đã biết), và vùng này chủ yếu nói tiếng Provençal, dù cũng có nói tiếng Ý và tiếng Pháp. Tiếng Provençal thì khác tiếng Pháp. Rhodes viết tiếng Pháp rất kém (nên rất ít khi viết), như Michel Barnouin đã cho biết.

3. Rhodes học tại Rôma. Ở đấy, tiếng La Tinh là ngôn ngữ chính tại học đường, và trong đời sống hàng ngày thì người ta thường dùng tiếng Ý. Khi Rhodes sang Á Châu (Goa, Macao v.v) thì trước đó ông đã gia nhập hoàn toàn vào Dòng Tên Bồ Đào Nha. Ông đã học tiếng Bồ Đào Nha, và ngôn ngữ này trở thành ngôn ngữ chính để làm việc. Những văn bản của ông hầu hết được viết bằng tiếng La tinh hay tiếng Bồ Đào Nha.

4. Về tên “Alexandre”: Thông lệ trong tiếng La Tinh, tiếng Ý và tiếng Bồ Đào Nha - một thông lệ mà hiện nay vẫn còn thấy ở Ý và Bồ Đào Nha - ấy là DỊCH tên của một người ra ngôn ngữ mà mình sử dụng (cũng giống như đối với Giáo Hoàng: Benedictus, Benedetto, Benedict, Bento, Benoît, Bênêđitô…). Như vậy tự nhiên và hiển nhiên là Rhodes cũng như những ai viết cho ông hay viết về ông đều thay đổi chính tả, tùy theo trường hợp: Alexandre, Alexandro, Alessandro, Alejandro hay Alexander, và theo tiếng Hán Nôm là Á-lịch-san. Trong những văn bản bằng tiếng Pháp hay tiếng Bồ, Rhodes luôn ghi là ‘Alexandre’, vì đó là dạng đúng cho hai ngôn ngữ ấy. Từ đấy, không thể rút ra được một điều gì cả về tên của ông khi thấy một bản văn mà ông ghi là Alexandro: đấy chỉ là một trong các biến thể của tên ông.

5. Họ của ông là ‘Rhodes’ hay ‘de Rhodes’ thì cũng ở trường hợp tương tự. Ví dụ, trong Wikipedia tiếng Pháp, ta đọc ở mục “particule onomastique” (chữ đệm trước họ) : “Ngược với ý nghĩ rập khuông, chữ đệm (De) KHÔNG THỂ XEM TRONG BẤT CỨ TRƯỜNG HỢP NÀO như là một dấu chỉ của hàng quí tộc (trái lại, thiếu chữ ấy thì cũng không phải là phủ nhận tính chất quí tộc)” . Cái trò thêm vào chữ đệm để ‘quí tộc hóa’ họ của mình (như Giscard d’Estaing) khởi sự ở nước Pháp vào thời Đế Chế Thứ Hai (Second Empire: hậu bán thế kỷ XIX). Thật là.... (người dịch tự ý bỏ một chữ) khi nghĩ rằng chữ đệm ấy có thể đóng một vai trò nào đó vào thế kỷ XVII!

Dù sao, trường hợp của Rhodes cũng không dính dấp gì đến giai cấp quí tộc, nhưng họ của ông có thể liên quan đến nguyên quán. Có gì là quí tộc trong những cái họ tầm thường như Delarue / Larue (= con đường), Dupont / du Pont (= cây cầu), Moulin / du Moulin (= cối xay), Desfossés / des Fossés (= hầm hố)? Trong tiếng Provençal, ‘de Rhodes’ có nghĩa là ‘ở chỗ rừng trống’ (de la roue/clairière), và trong tiếng Tây Ban Nha, ‘de Ruedes’ có nghĩa là ‘quê quán làng Ruedes’ (tỉnh Asturias)!

Cũng như bao nhiêu người thời ông, Alexandre viết tên mình hoặc không có chữ đệm (rất thường), hoặc có chữ đệm, tùy theo bối cảnh, tâm trạng vui tươi hay buồn rầu. Thật là phí công khi phải trích dẫn vô số lần ông viết tên mình trong hồ sơ lưu trữ của Dòng Tên. Trong tiếng La tinh, chữ đệm thường không được ghi, nhưng cũng có những ngoại lệ. Tôi chỉ nêu làm ví dụ hai bản văn viết cùng một thời điểm, hiện được cất giữ trong phòng lưu trữ lịch sử ở Rôma, tại Propaganda Fide, Hồ sơ Acta da SC de PF, 1652, tập 21, tờ 10, số 31 : “Alexandro/Alexandri Rhodes” (tiếng La tinh, theo các biến cách của danh từ); và cũng tại phòng lưu trữ ấy, Hồ sơ SOGC, tập 193, tờ 484, năm 1652, số 2 : “Alessandro de Rhodes” (tiếng Ý).

Philiphê Bỉnh, một người rất ngưỡng mộ de Rhodes, chứng tỏ cho ta thấy rằng hai cách viết đều được dùng như nhau. Trong sách có tựa đề “Livro Mappa do Mundo” (Thư Viện Vatican, ngăn Codici Borgiani Tonchinesi, số 10), ông đã viết trong chương 1 bằng tiếng Bổ Đào Nha “Vida do Pe. [Padre] Alexandre de Rhodes” (Cuộc đời của Cha Alexandre de Rhodes). Ở trang 3, ông chỉ viết có ‘Rhodes’, sau đó, trong một văn bản tiếng La tinh (trang X), ông lại viết ‘Rhodius’, mà nếu dịch ra cho đúng thi phải là ‘de Rhodes’, do thuộc cách (génitif) chỉ nguồn gốc. Cũng trong cuốn sách ấy, ở chương bằng tiếng Việt nói về các vị tử đạo, Bỉnh viết : “Thày cả Alexandre Rhodes”.

6. Giáo sư Hường dựng lên cả một luận thuyết liên quan đến tên của ngày trong tuần. Luận thuyết đó không đứng vững. Rõ ràng là tên các ngày trong tuần trong tiếng Việt xuất phát từ tiếng Bồ Đào Nha hay tiếng La tinh. Trong tiếng La tinh, Thứ Hai là ‘Feria Secunda’, được dịch ra tiếng Bồ Đào Nha là ‘Segunda-Feira’ (ngày thứ nhì); Chủ / Chúa Nhật, trong tiếng La tinh là ‘Dies Dominica’ (ngày của Chủ / Chúa), và sang tiếng Bồ Đào Nha thì được rút gọn thành Domingo. TOÀN BỘ các thừa sai vào thời ấy tại Việt Nam, kể cả Alexandre de Rhodes, đều sử dụng thông thạo tiếng La tinh để cầu nguyện và để viết những tác phẩm có tính khoa học, và dùng tiếng Bồ Đào Nha để trao đổi hàng ngày và viết thư cho nhau. Không có một dữ liệu nào cho phép xác nhận rằng các linh mục thừa sai (= họ) là những người đặt tên các ngày trong tuần Việt Nam, hoặc phủ nhận việc họ đặt tên cho các ngày ấy; đấy là chưa kế đến việc cho rằng Alexandre de Rhodes ‘hoang mang’ không biết phải xem Chủ Nhật là đầu tuần hay cuối tuần... Quả là lạ lùng nếu có một tác giả khả kính nào lại rút ra từ đấy những kết luận táo bạo mà ta có thể đọc được trong bài viết của Giáo Sư Hường.

7. Chưa bao giờ Rhodes đòi quyền làm cha đẻ chữ quốc ngữ. Chính hậu thế, nhất là vào thời kỳ thuộc địa, đã tặng cho ông danh hiệu ấy. Chưa bao giờ ông muốn phớt lờ đối với sự đóng góp chủ yếu của những bậc tiền bối và cộng tác viên của ông. Chính ông là người đã tôn vinh, trong lời nói đầu cuốn tự điển, những công trình của Pina, Amaral và Barbosa. (trong ngoặc đơn : tên của người đầu tiên thì người ta viết có lúc là ‘Francisco Pina’ có lúc là ‘Francisco de Pina’, và người thứ hai thì ‘Gaspar Amaral - Gaspar de Amaral - Gaspar do Amaral hoặc d’Amaral’... !) Chính Rhodes đã viết, ở số nhiều, rằng cuốn sách được xuất bản dưới tên ông là ‘phương pháp mà CHÚNG TÔI sử dụng để trình bày các mầu nhiệm...’ . Khi ông ghi tên mình ở ngoài bìa của hai tác phẩm này (mà có chắc là chính ông đã tự tay viết lấy hay do nhà in ghi tên tác giả?), thì điều đó chỉ nói lên rằng chính ông, với sự đồng ý của các bề trên, là người cuối cùng chính thức chịu trách nhiệm về cuốn sách ấy.

Dù sao đi nữa, không thể phủ nhận sự kiện là Rhodes đã có công lớn đối với Việt Nam và đối với chữ quốc ngữ. Hẳn là ông không đáng bị mạt sát trong một bài báo đăng trên Người Lao Động và những tập san phổ biến rộng rãi trên đất nước Việt Nam, rồi sau đó chuyển lên Internet. Tên tuổi của ông cần được tôn vinh như là một biểu tượng của thành công trong một công trình đáng ngưỡng mộ, mà ông đã cộng tác thực hiện trong môi trường giao lưu văn hóa tại Việt Nam vào tiền bán thế kỷ thứ XVII.

Như tôi từng viết trong bài ‘Đối thoại với Phan Đình Cho’, một chương trong cuốn ‘Các thừa sai Bồ Đào Nha...’:

“Cuối cùng, công trình của de Rhodes là gì? Ở đây, ta lại đi vào lãnh vực giả thuyết :

- Giả thuyết tối đa: Rhodes tham khảo những gì đã có trước, nhưng ông tự tay viết một tác phẩm hoàn toàn độc đáo, toàn bộ là từ ngòi bút của mình.

- Giả thuyết tối thiểu: Rhodes chỉ xem lại và sửa chữa một bản văn đã viết xong hoàn chỉnh, và chỉ ghi tên mình lên đó để bảo chứng.

Theo thiển ý, không thể nào có thể loại trừ hoàn toàn bất cứ giả thuyết nào trong hai giả thuyết trên. Nhưng tôi nghĩ rằng sự thật thì nằm đâu đó ở giữa hai thái cực ấy. Bởi lẽ rất khó mà tìm ra chứng cứ, vì thế ta nên thận trọng. Hẳn là tôi hơi thiếu thận trọng khi đề ra một giả thuyết chưa ai nêu và có vẻ gây xáo trộn. Tôi không ân hận vì đã nêu ra giả thuyết ấy.”


8. Chính tả của chữ ‘Annnam’ - mà Gs Hường cho là bằng chứng về sự ngu dốt của de Rhodes - chỉ là một sơ sót do người sắp chữ thiếu tập trung, như vẫn xảy ra với bất cứ tác phẩm in ấn nào khác! Khi nhìn vào nhiều lỗi chính tả trong các bài viết của Giáo Sư Hường (ví dụ, ‘feria secundo’ thay vì ‘segunda feira’ trong tiếng Bổ Đào Nha, chỉ ngày Thứ Hai - hoặc ‘Manual Teixera’ thay vì ‘Manuel Teixeira’), thì ta không biết phải nghĩ làm sao về lời mỉa mai của ông đối với Alexandre de Rhodes; và thật sự, ta không còn gì để nói thêm nữa!

III. Những dư âm còn đọng lại.

Tiến sĩ Roland Jacques không còn gì để nói, nhưng tôi thì còn. Đọc những câu mào đầu của T.S Hường: ‘Bài viết này có tính chất nghiên cứu khoa học.... với mong muốn làm sáng tỏ lịch sử chữ quốc ngữ’, rồi đọc trọn bài viết của ông, tôi khá ngỡ ngàng vì ông đã mạt sát Alexandre de Rhodes hơn mức cần thiết để làm sáng tỏ lịch sử chữ quốc ngữ. Mà việc ‘làm sáng tỏ lịch sử chữ quốc ngữ’ thì nhiều nhà chuyên môn đã đi xa lắm rồi, trong khi đó, văn phong mang tính mạt sát trong một bài nghiên cứu lại vô cùng hiếm thấy dưới ngòi bút của một nhà khoa học, nhất là khi người ấy chưa nắm đủ yếu tố để kết luận, mà mọi sự chỉ còn là giả thuyết.

Những lời buộc tội của ông làm tôi nhớ đến một bài khác của tác giả Bùi Kha. (12) Khởi đầu ông trích dẫn một đoạn văn của Gs Nguyễn Lân:

Năm 1993, nhân kỷ niệm 335 năm ngày mất của Alexandre de Rhodes, Trung tâm KHXH và NV đã tổ chức hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của Alexandre de Rhodes, GSTS Nguyễn Duy Quý đã kết luận: Trước mắt, đối với Alexandre de Rhodes – như chúng ta đã có kiến nghị với chính phủ – để thiết thực ghi nhận những đóng góp của ông, chúng ta sẽ tiến hành đưa tấm bia ghi công ông trong việc điển chế hóa chữ Quốc ngữ vào khuôn viên thư viện quốc gia và sẽ khôi phục lại tên phố Alexandre de Rhodes ở thành phố Hồ Chí Minh...

Dựa trên đó, Bùi Kha nhận định như sau:

“Đoạn văn nầy, một lần nữa, cho thấy các giáo sư, các nhà khoa học trong cuộc hội thảo nói trên đã không tìm hiểu rõ ràng nên đã sai lầm trong việc kiến nghị với chính phủ để ghi nhận, thay vì lên án, Linh Mục A. de Rhodes. Nguyên nhân chính dẫn đến việc khôi phục lại địa vị của Alexandre de Rhodes như trên, được Giáo Sư Chương Thâu trình bày rõ hơn trong bài “Từ Một Câu Chữ Của Alexandre de Rhodes Đến Các Dẫn Dụng Khác Nhau”. Theo bài viết nầy thì trong cuộc hội thảo tháng 3.1993 nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, Giáo Sư Sử Học Đinh Xuân Lâm và cả Giáo Sư Chương Thâu đã đồng ý với Linh Mục Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch cụm từ “Plusieurs Soldats” là “mấy chiến sĩ” và còn chú thích, chiến sĩ ở đây được hiểu là “lính thừa sai” tức là “các giáo sĩ” chứ không phải lính chiến là các người có súng để đánh giặc. Vì việc dịch sai lầm nên mới đưa đến có kiến nghị phục hồi vị trí (sai lầm) cho ông A. de Rhodes như vừa nói trên.

... Linh Mục Alexandre de Rhodes viết rất rõ: “Tôi nghĩ nước Pháp là nước ngoan đạo nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi nhiều binh lính (Plusieurs Soldats) để chinh phục tòan cõi Phương Đông (la conquête de tout l’Orient.”... Nước Pháp hay nói đúng hơn là chính phủ Pháp thì không thể có lính thừa sai mà chỉ có lính chiến (Soldats) mà thôi. Và chỉ trong giáo hội Pháp mới có “lính” thừa sai (missionnaires).

... Đoạn văn trên đã cho thấy, chính Linh Mục Alexandre de Rhodes đã nhờ Giám Mục thành Puy, Henri de Maupa cũng là tuyên uý của Hòang Hậu vợ vua Luis, dẫn vào triều đình để vận động xin giúp nhiều lính chiến (Plusieurs Soldats) để chinh phục tòan cõi Đông phương (la conquête de tout l’Orient, trong đó có Việt Nam). Tuy sự vận động đó chưa thành hình vào thời điểm của ông, nhưng nó đã mở đường cho Pháp xâm lăng nước ta 206 năm sau. Lính Pháp đổ bộ lên Đà Nẵng ngày 1.9.1858.

Thế mà một số các nhà nghiên cứu của ta, bảo hoàng hơn vua, lại cứ muốn “cưỡng ép” ông Rhodes (Đắc Lộ) phải đóng vai cha đẻ chữ quốc ngữ cho bằng được, và tìm cách chối bỏ cái tội mà ông đã vào trong triều đình Pháp vận động để Pháp đánh chiếm nước ta...”


Rõ ràng là Bùi Kha căn cứ trên hai cụm từ trên mà lên án Alexandre de Rhodes ‘vận động để Pháp đánh chiếm nước ta’. Ông cứ chắc như đinh đóng cột rằng mình hiểu đúng mọi nghĩa của tiếng Pháp. Dù sao đi nữa thì một người Pháp là tiến sĩ Roland Jacques cũng từng viết như sau:

“Chúng tôi sẽ đề cập đến lối phê phán này... và không tranh cãi theo tiên kiến ý thức hệ, nhưng dựa vào những nguồn tài liệu đang có. Sự thực thì Alexandre de Rhodes đôi khi đã dùng một lối nói bóng bảy trong các tài liệu ông đã xuất bản: "Tôi đã nghĩ rằng Pháp quốc vốn là vương quốc sùng đạo nhất trên thế giới, hẵn có thể có thể cung ứng cho tôi nhiều chiến sĩ lên đường chinh phục toàn Ðông phương, để đưa về Chúa Giêsu Kitô, và đặc biệt tôi mong xứ ấy giúp tôi có được những giám mục, là những bậc làm cha, làm thầy của chúng tôi trong các giáo hội ấy... ” Thế mà có những bậc học giả ở cấp đại học từng giải thích các hình ảnh tỷ dụ trong ngôn ngữ sùng đạo ‘chiến sĩ’ theo nghĩa đen của chúng! Còn thành ngữ mà tây phương thường dùng ‘romanisation du vietnamien’ (La Mã hóa tiếngViệt) lại là một sự trùng hợp rủi ro dễ tạo hiểu lầm. ‘Romanisation’ (La Mã hóa) có thể bị hiểu sai như là một ‘sự sửa đổi ngôn ngữ bởi những người Roma’ (người Âu Châu) theo quan điểm riêng của họ với những âm hưởng tiêu cực của chủ nghĩa thực dân. Kỳ thực, đây là lối diễn tả các âm tố của tiếng nói Việt Nam dựa vào một hệ thống mẫu tự của vần La tinh, thay vì dựa vào các âm hiệu lấy từ hệ thống chữ viết Trung Hoa. Vì sử dụng đã quen, thuật ngữ đó bất đắc dĩ phải lặp lại” . (13)

Nhìn lại như thế, khi đọc những lời lẽ phê phán của TS Phạm Văn Hường đối với Alexandre de Rhodes, tôi tự hỏi có nên tin lời của ông chăng, khi ông bảo rằng “mọi ý kiến phản biện, tranh luận, tác giả sẵn sàng lắng nghe” ? Bởi vì một bài viết với văn phong hậm hực và đay nghiến như thế thì đã vượt quá giới hạn của ‘tính chất nghiên cứu khoa học’ mà ông tuyên bố ở những dòng đầu tiên của bài mình. Và đó là dư âm còn đọng lại sau khi đọc bài của ông.

Trần Duy Nhiên, Saigon

Roland Jacques, Canada

---------------------

Chú Thích:

1. Có thể đọc lại bài ấy trên website Người Lao Động, ở địa chỉ này: http://www.nld.com.vn/tintuc/the-gioi/ho-so-tu-lieu/176647.asp

2. Arts and Literary E-Magazine (Văn Học Nghệ Thuật) số 463 - 13/8/1999

3. ibid. “Father Manual Teixera, a Portuguese Jesuit missionary of 84 years just as I met him in Macao, made me part of his deep conviction that Rhodes signed a dictionary that he never wrote

4.Đức ông Manuel Teixeira là một người từng viết nhiều tác phẩm liên quan đến thời kỳ Bồ Đào Nha truyền giáo tại Việt Nam. Có thể tham khảo một số bài viết sau của Teixeira, Manuel: Missionários Jesuítas no Vietnão, Macao: Centro de Informação e Turismo, 1964. – 93 p.; As Missões portuguesas no Vietnam. – Macao, Imprensa nacional, 1977. – 554 p. [Macau e a sua diocese, t. 14]; Relações comerciais de Macau com o Viêtnam, Macao: Imprensa Nacional, 1977. – 259 p. [Macau e a sua diocese, t. 15] và nhất là những bài viết từ 1951 đến 1960 của ông với tựa đề “Os Missionários portugueses no Vietnão,” trong Boletim Eclesiástico da Diocese de Macau.

Cần nói thêm rằng Đô. Manuel Teixeira là một giáo sĩ triều Bồ Đào Nha có tinh thần ‘quốc gia’ mãnh liệt. Ông không có cảm tình với Alexandre de Rhodes, một linh mục dòng Tên gốc Avignon, và trong các bài viết của mình, những nhận xét của ông về Alexandre de Rhodes không hoàn toàn khách quan.

5. Roland Jacques - Bồ đào nha và công trình sáng chế chữ quốc ngữ : Phải chăng cần viết lại lịch sử?, đăng lần đầu trên Định Hướng, số 17, 1998. Có thể tham khảo trên website của BBC tại địa chỉ: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/specials/1232_jacques_roland/page2.shtml; và những trang kế tiếp.

6. Cf. M. Barnouin - La parenté vauclusienne d’Alexandre de Rhodes (1593-1660), trong Mémoires de l’Académie de Vaucluse (Avignon), Số 8, tháng 4, 1995, trang 9-40.

7. Sách Lê vi, chương 12, câu 5.

8. “Quocumque igitur die suae nativitatis infans baptizatur in Christo, tamquam octavo circumciditur die: quoniam in illo circumciditur, qui tertio quidem ex quo crucifixus est, sed octavo in hebdomadibus resurrexit die”. Thánh Âu Tinh: De Gratia Christi et de Peccato Originali contra Pelagium... - Liber secundus - De Peccato Originali - Số 37.

9. Roland Jacques, quốc tịch Pháp, bút danh tiếng Việt là Dương Hữu Nhân, khoa trưởng khoa Giáo Luật trường Đại Học Saint Paul, Ottawa, tuy là tiến sĩ lịch sử luật - Đại Học Paris XI, tiến sĩ giáo luật - Institut Catholique, nhưng lại là một nhà nghiên cứu có uy tín về chữ quốc ngữ, bởi vì ông từng lấy bằng cử nhân tiếng Việt và thạc sĩ về Ngôn Ngữ và Văn Hóa Đông Phương với luận văn: Công trình của vài nhà tiên phong Bồ Đào Nha trong lãnh vực ngữ học Việt Nam cho đến năm 1650 (L’oeuvre de quelques Pioniers Portugais dans le domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’en 1650). Sở dĩ công trình nghiên cứu ngôn ngữ của ông phong phú ấy là nhờ ông biết nhiều thứ tiếng: ngoài tiếng Pháp, Anh và Việt, ông còn nắm vững tiếng Ý, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, La tinh, Hy Lạp và có ít nhiều kiến thức về tiếng Hoa; hơn nữa, ông có nhiều cơ hội để truy tầm tận nguồn các văn kiện lịch sử liên quan đến lãnh vực mình nghiên cứu tại Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Macao và Việt Nam.

10. Từ năm 1997, Định Hướng là tập san đã tiên phong đăng hầu hết những bài viết của Tiến Sĩ Roland Jacques, gồm 13 bài liên quan đến các nhà thừa sai Bồ Đào Nha và tiến trình hình thành chữ quốc ngữ. Sau đây là những bài tiêu biểu nhất:

1. Các nhà tiên phong người Portugal và ngôn ngữ học Việt Nam. Định Hướng. 34:148-160, 2003.

2. Một tài liệu ngôn ngữ học đối chiếu Nhật–Hoa–Việt biên soạn tại Áo Môn (Macao) năm 1632. Định Hướng, 33:4-26, 2002;

3. Liên quan đến các cuốn tự điển và giáo lý của Alexandre de Rhodes. Định Hướng. 32:33-39, 2002.

4. Tên tiếng Việt của thầy giảng Anrê Phú Yên: Nghiên cứu lịch sử và ngôn ngữ học. Định Hướng. 18:56-72, 1998.

5. Công cuộc truyền giáo tại Quảng Nam năm 1623 và vấn đề ngôn ngữ: Bức thư của Francisco de Pina. Định Hướng. 29:20-51, 2001.

6. Bồ đào nha và công trình sáng chế chữ quốc ngữ: Phải chăng cần viết lại lịch sử? Định Hướng. 17:18-62, 1998

11. Sau khi phát hiện bức thư của Pina năm 1994, Roland Jacques nói về bức thư này trong bài “Ðể hiểu nguồn gốc chữ quốc ngữ: một bức thư chưa được công bố của Francisco de Pina”, trên tập san Ngôn Ngữ [TTKHXHNV] Việt Nam, Hà Nội, 1966 - Bản dịch với những nghiên cứu dưới dạng chú thích được đăng lại trên Định Hướng năm 2001, số 29; và trên Nguyệt San Công Giáo và Dân Tộc năm 2002, số 90. Cuối cùng toàn bộ công trình nghiên cứu để xác định tiến trình hình thành chữ quốc ngữ, mà Pina là một người tiên khởi, đã trở thành một chương trong cuốn sách song ngữ Anh Pháp (và hy vọng bản dịch tiếng Việt sẽ ra mắt một ngày gần đây) tựa đề là : Portuguese Pioneers of Vietnamese Prior to 1650. L’Œuvre de quelques pionniers portugais dans le domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’en 1650 (Bangkok, Orchid Books, 2002).

12. Bùi Kha - Alexandre de Rhodes - Những Nhầm Lẫn Đáng Tiếc. Websites Talawas và Giao Điểm: http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III04/704_buikhaII.htm

13. Roland Jacques - Bồ đào nha và công trình sáng chế chữ quốc ngữ.. . Cf chú thích 5.