Trung Quốc: Bài học đắt giá cho công cuộc kỹ nghệ hóa vội vàng

Vào ngày 09.09.1976, khi nhà độc tài Mao Trạch Ðông đành đầu hàng định mệnh, xuôi hai tay nằm xuống, chấm dứt những trang sử đen tối và đẫm máu nhất của Trung Hoa với hơn bảy mười triệu sinh mạng phải hy sinh cho những tư tưởng « cách mạng » và đường lối chính trị của ông (1), và Ðặng Tiểu Bình, sau bao năm bị chèn ép và bó buộc phải lùi vào bóng tối chờ thời, đã xuất hiện như vừng thái dương đầy hy vọng, khởi đầu cho một kỷ nguyên mới. Ông đã phổ biến một cuộc các mạng kinh tế toàn diện, nhắm canh tân, đổi mới và kỹ nghệ hóa tận gốc đất nước ông. Năm 1997, cũng đến lượt ông phải chấp nhận định luật đào thải của trời đất mà trở về với lòng đất lạnh. Nhưng tư tưởng cách mạng kinh tế do ông khởi xướng vẫn được các đồng chí của ông tiếp tục duy trì và phát huy mạnh mẽ.

Ðúng vậy, sau hơn kém 30 năm hiện đại hóa nền kinh tế, Trung Quốc đã hiên ngang bước vào hàng ngũ các nước kỹ nghệ tân tiến. Từ một « nước xe đạp » thuần nông đã trở thành một quốc gia sản xuất xe hơi và các máy móc khác : Mười ba triệu chiếc xe hơi (theo thống kê hiện tại) đang lưu thông trên mọi nẻo đường đã đẩy lui hàng triệu triệu chiếc xe đạp kẽo kẹt năm xưa vào quá khứ. Nền kinh tế tăng trưởng hàng năm lên tới từ 14 đến 15, 16 %, trong khi Nhật Bản và các nước kỹ nghệ Âu Châu và Bắc Mỹ chỉ đạt được mức tăng triển từ 1,5 đến 2% và tối đa là trên dưới 3% mà thôi. Sau khi được gia nhập Thị Trường Thương Mại Thế Giới (WTO) các hàng hóa mang nhãn hiệu « Made in China » với giá cả rẻ mạt đã tràn ngập thị trường thế giới, đã và đang làm nhức đầu các nhà tư bản Âu-Mỹ không ít, đến nỗi Hoa Kỳ và Âu Châu đã phải ra luật cấm bán phá giá để ngăn chận. Mới đây, ngày 02.02.2007, chính phủ Hoa Kỳ đã đâm đơn lên WTO kiện chính phủ Trung Quốc đã chi viện cho các công ty sản xuất của họ. Ðặc biệt ở Việt Nam, từ các tiệm buôn bán xe máy, đồ điện, máy lạnh, quạt điện cho đến các tiệm tạp hóa buôn bán nồi niêu, xoong chảo, bát đĩa, cả những hộp tăm xỉa răng và những cuộn giấy vệ sinh, v.v… đa số là sản phẩm « Ba Tàu ». Các thành phố lớn đầy ổ chuột năm nào như Bắc Kinh, Thượng Hải, v.v… đã bỗng nhiên trở thành những thành phố tối tân nhất nhì thế giới với các cao ốc, các nhà chọc trời, các biệt thự, các khu phố sang trọng, và đều được trang bị bằng những tiện nghi hiện đại nhất. Ngoài ra, Trung Cộng còn là một cường quốc nguyên tử và đang phát triển thành công ngành khoa học không gian.

Ðó là một sự thành công kinh tế đáng ghi nhận của Trung Quốc vào cuối thế kỷ XX và vào đầu thế kỷ XXI này. Và theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế quốc tế, thì thế kỷ XXI này sẽ là thế kỷ thuộc về các nước mà nền kỷ nghệ vừa phát triển mạnh mẽ, như Trung Cộng và Ấn Ðộ và có lẽ cả Việt nam nữa. Trong khi đó, nền kinh tế của Hoa Kỳ sẽ còn cầm cự được mức phát triển trung bình hiện tại, còn nền kinh tế của các nước kỹ nghệ hàng đầu khác, như Ðức, Pháp và Nhật Bản, v.v… sẽ có chiều hướng đi xuống.

Tuy nhiên, một điều quan trọng mà chúng ta không được phép bỏ qua, đó là cái giá quá đắt mà Trung Quốc đã, đang và sẽ phải trả cho nền kinh tế phát triển quá nhanh, quá vội vàng và cũng thiếu tổ chức hợp lý hiện nay của họ, về lãnh vực môi sinh.

Vâng, theo các quan sát viên quốc tế về môi trường thiên nhiên, thì hiện nay môi sinh tại Trung Quốc bị nhiễm độc một cách hết sức trầm trọng ngoài sức tưởng tượng (2):

  • 2/3 các sông ngòi, các khe suối và hồ ao lớn nhỏ đã trở thành những chỗ đổ rác. Các xác súc vật chết và các rác rến đủ loại, của tư gia cũng như của các công ty nhà máy, đều được thẩy xuống các sông lạch.
  • 350 triệu dân không có nước uống sạch sẽ.
  • 16 trên tổng sống 20 thành phố dơ bẩn nhất trên khắp thế giới nằm ở Trung Quốc. Và đứng đầu trong số 16 thành phố dơ bẩn nhất của Trung Quốc đó là thành phố Bắc Kinh, thủ đô của một nước với một tỷ ba trăm ba mươi triệu dân.
  • Ngoài khói tro, cát và bụi bặm do các nhà máy, các hãng xưởng thải ra bay mù mịt trên các thành thị, còn có những khối lượng khổng lồ chất độc lưu huỳnh (SO2) và chất độc khí than (CO2) thải ra vào vùng khí quyển trái đất bằng tổng số lượng của tất cả các nước Âu Châu cộng lại. Từ năm 2000 đến 2005, Trung Quốc đã thải ra 26 triệu tấn khí độc SO2 vào không khí và khuynh hướng còn gia tăng khủng khiếp nữa. Trong số chất độc CO2 hiện đã thải vào không khí thì trên 15% là xuất phát từ nền kỹ nghệ Trung Quốc.
  • 69% tất cả các nhà máy Trung Quốc được đốt bằng than đá. Trong năm 2004, Trung Quốc đã xử dụng 2,1 tỷ khối than đá có chất độc, nhiều hơn số than mà Hoa Kỳ, các nước Liên Hiệp Âu Châu và Nhật Bản cộng lại. Và theo thống kê thì cứ khoảng 10 ngày lại có thêm một nhà máy được thành lập.
Những đám mây khổng lồ phát xuất từ Ôzon, bụi bặm và mòng hóng không những ngày đêm bao phủ lấy các thành thị và thôn xóm Trung Quốc, nhưng đang di chuyển dần về hướng Hoa Kỳ và Âu Châu. Hậu quả là 25% chất khói độc ở Los Angeles được phát sinh từ những đống rác dơ bẩn khổng lồ ở Trung Quốc

Cho đến năm 2005, chất khí độc CO2 do Trung Quốc thải ra tăng 145%, nhanh gấp ba lần hơn cả các nước Tây Âu và Hoa Kỳ cộng lại.

Trung tâm thám hiểm không gian Âu Châu ESA đã khám phá thấy rằng Trung Quốc dự trữ chất đạm khí (NO2) cực kỳ độc hại nhất hoàn cầu.



Nếu hiện nay Trung Quốc mới có 13 triệu chiếc xe hơi mà đã làm nhiễm độc khí quyển trái đất như thế, thì nếu một ngày nào đó cứ 2 người dân Trung Quốc có một chiếc xe hơi như ở các nước Âu-Mỹ, tức vào khoảng 600 triệu chiếc, thì thử hỏi trái đất còn có đủ khí trong lành để thở nữa hay không ?

Quả thực, nền kỷ nghệ Trung Quốc đã phải trả một cái giá quá đắt. Và cái giá quá đắt đó không chỉ trên 1,3 tỷ dân Trung Hoa phải trả mà cả hơn 6 tỷ nhân dân của các nước khác trên khắp thế giới, cộng thêm hàng tỷ súc vật đủ các loại cũng như thiên nhiên cây cối, cũng phải trả.

Thật đáng tiếc, Thiên Chúa Tạo Hóa đã ban cho con người một thiên nhiên tươi đẹp và lành mạnh để hưởng dùng, nhưng nay chính con người lại ra tay phá hủy thiên nhiên đó một cách vô trách nhiệm. Bởi vậy, vào ngày thứ sáu, 02.02.2007, trong Hội nghị Quốc tế về môi trường tại Paris/Pháp, ủy ban về môi trường của Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo là khí hậu trái đất đã và đang thay đổi nước vọt theo chiều hướng xấu. Vào cuối thế kỷ này, tức vào năm 2100, khí hậu trái đất sẽ tăng gấp đôi, so sánh với khí hậu của thế kỷ vừa rồi; từng tỷ khối băng ở Bắc và Nam Cực sẽ tan chảy hết và mực nước biển dâng lên cao dữ dội, vì thế nhiều nước và nhiều vùng lãnh thổ sẽ bị chôn sâu dưới đáy biển. Theo 2500 các nhà khoa học đến từ 135 nước trên thế giới, thảm trạng thiên nhiên đó xảy ra do con người gây ra (3). Bởi vậy, Dr. Achim Steiner, giám đốc ủy ban về môi trường của UNO đã cảnh tỉnh hiểm họa đó : « Các bằng chứng đã quá rõ ràng, vậy giờ đây cộng đồng quốc tế phải thực sự ra tay hành động !»

Nhưng trước hết, đây là một bài học quý báu đúng lúc cho Việt Nam chúng ta, khi chúng ta vừa mở cửa hội nhập vào đời sống kinh tế và thị trường thế giới và hàng ngàn các công ty đủ loại - trong cũng như ngoài nước - được nhà nước ta khuyến khích và dành cho mọi ưu đãi, đã và đang ồ ạt đổ tiền bạc đầu tư vào nước ta, khiến các nhà máy và các cơ xưởng mỗi ngày mọc lên như nấm. Việc kỹ nghệ hóa đất nước, hiện đại hóa và làm giàu cho đất nước là một điều phải làm và là một bổn phận của mỗi người dân phải chu toàn, vì chúng ta không thể cúi đầu chấp nhận cảnh nghèo nàn, cảnh lạc hậu và thua kém các nước khác mãi được. Nhưng cũng không vì thế mà chúng ta nhắm mắt làm giàu bằng bất cứ giá nào, nhắm mắt kỹ nghệ hóa một cách mù quáng, quá khích và bất hợp lý được, bởi vì chúng ta không muốn nhân dân chúng ta và cả nhân dân hoàn cầu - hiện tại cũng như trong tương lai - phải trả giá quá đắt như trường hợp Trung Quốc láng giềng của chúng ta hiện nay.

Nếu chúng ta muốn khỏi phải trả giá quá đắt như thế, muốn cho những người đồng bào của chúng ta hiện tại và cho con cái cháu chắt của chúng ta trong các thế hệ tương lai còn có đất để sống, còn có khí hậu trong lành để thở, còn có nước sạch để uống và còn sản xuất ra được lúa thóc hoa trái lành mạnh để ăn, v.v…chứ không bị bất hạnh như những người dân Trung Hoa hiện nay, thì chúng ta cần phải kế hoạch hóa một cách hợp lý ngay từ bây giờ nền kỹ nghệ vừa mới chớm nở của chúng ta. Một cách cụ thể :

  • * Trước hết, chúng ta đừng để bị lóa mắt trước những lợi nhuận thu được từ nền kỹ nghệ, mà dễ dàng biến đất ruộng canh tác mầu mỡ thành nơi xây dựng cơ xưởng máy móc như nhiều nơi ở các miền ven đô đã và đang làm.
  • * Các nhà máy tuyệt đối phải được trang bị hệ thống lọc khí độc, trước khi thải vào không khí; các thứ nước nhiễm trùng do các máy móc thải ra tuyệt đối phải có bể lọc đúng khoa học, trước khi cho chảy ra các ao hồ công cộng.
  • * Cần phải có các lò đốt các rác rưởi, nhất là rác rưởi do các nhà máy thải ra, chứ không được đổ ra bừa bãi mất vệ sinh ở các vùng đất trống ngoại ô hay đổ xuống các sông lạch, gây ô nhiễm cho môi sinh.
  • * Các thứ nước bẩn thải ra từ các nhà dân trong các thành phố, thị trấn, v.v… cần phải được gạn lọc và khử trùng cẩn thận trước khi cho chảy ra biển hay các sông ngòi.
  • * Một điểm khác thuộc lãnh vực tâm lý còn quan trọng hơn, đó là việc giáo dục quần chúng nhân dân. Vâng, người dân cần phải trưởng thành, cần phải hiểu được cách rõ ràng tầm quan trọng của việc gìn giữ và bảo vệ môi trường, cần phải nhìn thấy được sự sống còn của họ hoàn toàn được trực tiếp gắn liến với môi trường. Vì chỉ khi người dân đã ý thức được môi trường quan trọng như thế nào đối với sự sống còn của họ, thì bấy giờ họ mới tự cảm thấy có trách nhiệm phải ra sức bảo vệ môi trường.
Thế nhưng trong thực tế, các cơ quan và ban ngành liên hệ vẫn chưa quan tâm đủ, vẫn chưa đặt nặng vấn đề này, vì thế người dân, nhất là người dân ở các thị trấn và thành phố vẫn tỏ ra thờ ơ và vô trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường, nếu không nói là rất ích kỷ. Một thí dụ điễn hình : Một số lớn dân chúng ở các thành phố, mỗi khi quét dọn nhà cửa, sân hay đường sá, v.v… thì thay vì hốt rác rến, đất bụi bỏ vào các bao rác đề ty vệ sinh đến chở đi, họ lại mang đổ xuống các lỗ thoát nước ở bên lề đường, vì muốn tránh không phải trả tiền rác; do đó, khi trời mưa xuống là nước đọng lại đầy trên mặt đường. Ðặc biệt nhất là ở thành phố Saigon, mỗi lần trời mưa liên tiếp từ 20 đến 30 phút thì đương nhiên một số lớn các đường phố bị nước ngập tới quá đầu gối, làm bế tắc việc giao thông trầm trọng. Hiện tượng đó là hậu quả các ống dẫn nước bị tắc nghẽn do rác rến dân cư đổ xuống gây ra.

Nói tóm lại, theo sự nhận định của các khách du lịch ngoại quốc cũng như mỗi người trong chúng ta có thể nhìn thấy rõ được, đó là Thượng Ðế đã đặc biệt ban tặng cho người Việt Nam chúng ta một đất nước quá xinh đẹp, quá mỹ miều, quá trù phú. Ðồng thời, đó cũng chính là gia sản quý báu đã từng được tổ tiên, cha ông chúng ta hao công gầy dựng, giữ gìn từ hàng ngàn năm trước và nay trối lại chúng ta. Vậy, chúng ta phải có trách nhiệm và có bổn phận phải chăm sóc và bảo tồn gia sản gấm vóc đó, để khỏi phụ ơn đối với tổ tiên, để con cháu chúng ta sau này còn có đất sống, nhất là để khỏi mắc tội với Trời, mắc tội với Thượng Ðế, Ðấng đã giao phó chúng ta mãnh đất chữ S tươi đẹp này. Muốn được vậy, chúng ta phải học thuộc nằm lòng bài học quá đắt giá mà dân Trung Hoa đang phải trả cho việc làm sai trái trong công cuộc kỹ nghệ hóa của họ đối với môi trường thiên nhiên.

___________________________

(1) ZDF-Sendung 20.01.2007, vào lúc 8 và 17g15 : « Die grossen Diktatoren » 3. Teil, Mao Tse-tung. www.zdf.de

(2) Nhật báo Bild-Zeitung, số ra ngày 30.01.2007

(3) www.zdf.de, Alarmierender Klimabericht von UNO, Sendung am 02.02.2007; Nhật báo Bild-Zeitung, số ra ngày 03.02.2007