LINH MỤC CÓ THỂ HỌC ĐƯỢC GÌ NƠI NGƯỜI SỐNG ĐỜI HÔN NHÂN?

Đây là câu hỏi mà Cha Angelo Pennazza, chính xứ Pavona, đặt ra cho ĐGH Bênêđictô XVI trong một buổi họp mặt tại nhà nghỉ hè Castel Gandolfo, ngày 31 tháng 8 vừa qua. Bài được đăng trên Zenith.org, hôm 28 tháng 9, 2006. Xin lược dịch để cống hiến bạn đọc câu trả lời thâm thúy của vị cha chung, rất đáng cho ta suy gẫm, dù là linh mục hay giáo dân.

Nguyên văn câu hỏi được đặt ra như thế này:

Thưa Đức Thánh Cha (ĐTC), trong sách Giáo Lý Công Giáo, ta đọc thấy rằng: “Bí tích Truyền Chức Thánh và Bí Tích Hôn Phối đều hướng đến phần rỗi của tha nhân…Các bí tích ấy đảm nhận một sứ mệnh đặc thù trong Hội Thánh và nhằm xây dựng Dân Chúa” (Số 1534). Điều này xem ra rất căn bản, không chỉ cho việc mục vụ, mà còn cho lối sống linh mục của chúng con nữa.

Vậy với tư cách là linh mục, chúng con có thể diễn đạt ý nghĩa này như thế nào trong công việc mục vụ, và làm sao để tích cực chuyển đạt vẻ đẹp của hôn nhân ngõ hầu hấp dẫn được thanh niên thiếu nữ thời đại tìm đến nhau trong tình yêu? Ân sủng bí tích hôn phối có thể giúp cho đời sống linh mục như thế nào?


ĐTC trả lời như sau:

Thật là hai câu hỏi then chốt. Câu hỏi thứ nhất là: làm thế nào để chuyển đạt được vẻ đẹp của hôn nhân đến cho con người thời đại? Ta thấy biết bao nhiêu thanh niên thiếu nữ tỏ ra miễn cưỡng khi phải kết hôn trong Hội Thánh, bởi vì họ sợ chính mục tiêu của hôn nhân; thật ra, họ cũng miễn cưỡng khi phải kết hôn theo lẽ đời nữa.

Hiện nay, đối với nhiều người trẻ, và ngay cả với một số những người không còn trẻ nữa, tính dứt khoát được coi như một hạn chế, một giới hạn cho tự do của con người. Mà tự do chính là điều họ mong muốn tiên quyết. Họ sợ rồi ra sẽ thất bại. Họ đã chứng kiến quá nhiều những hôn nhân bị đổ vỡ. Họ sợ cái hình thức pháp lý này, theo như họ hiểu, sẽ trở thành một gánh nặng dập tắt mất tình yêu.

Điều quan trọng là phải hiểu rằng đây không phải là vấn đề ràng buộc pháp lý, tựa như một thứ gánh nặng đè xuống hôn nhân. Mà trái lại, chiều sâu và vẻ đẹp của hôn nhân nằm ở nơi mục tiêu của nó. Chỉ như thế tình yêu mới có thể trưởng thành và đạt tới vẻ đẹp sung mãn của nó. Nhưng làm sao để chuyển đạt được điều ấy? Cha thấy đây là thắc mắc chung của mọi người chúng ta.

Hội nghị Valencia vừa qua là một thời điểm quan trọng, không chỉ vì Cha đang nói về biến cố này, mà còn quan trọng vì có nhiều gia đình, đông đủ vợ chồng con cái đã đến tham dự và đến tự giới thiệu với Cha. Trong tiềm ẩn, mỗi gia đình đã là một “giáo xứ;” với rất nhiều trẻ em. Sự hiện diện và chứng tá của các gia đình này thực sự mãnh liệt hơn cả lời nói.

Trước tiên, nó cho thấy tất cả những điểm phong phú mà các gia đình đã cảm nghiệm được: một gia đình lớn thật sự đã trở thành một gia sản văn hóa, một thời cơ giáo dục cho mỗi người và mọi người, một khả năng làm cho mọi khác biệt văn hóa hôm nay có thể cùng hiện hữu với nhau, việc trao hiến bản thân, tương thân tương ái trong cảnh khốn cùng, v.v.

Thế nhưng chứng tá của họ về những cuộc khủng hoảng họ đã gánh chịu cũng có ý nghĩa không kém. Một cặp vợ chồng kia sắp sửa đi đến chỗ ly dị giải thích rằng họ đã sống qua cơn khủng hoảng này, đã nếm cảm được nỗi đau khổ về tha tính, về tha nhân, cũng như việc chấp nhận nhau trở lại. Chính trong khi vượt qua được thời điểm khủng hoảng và nỗi mong mỏi chia lìa mà họ khám phá ra được một chiều kích mới của tình yêu, có khả năng mở toang được cánh cửa của một chiều kích sống mới, điều không có gì khác ngoài việc chịu đựng nỗi đau đớn của cơn khủng hoảng mới có khả năng làm được.

Đối với Cha, điều này rất quan trọng. Ngày nay, khủng hoảng xẩy ra khi người ta nhận thức được sự khác biệt về tính tình, sự khó khăn trong cảnh sống chịu đựng nhau hằng ngày, suốt cả cuộc đời. Để rồi rút cục lại là đi đến quyết định chia tay. Từ những chứng từ này, ta hiểu rõ rằng chính giữa cơn khủng hoảng, chính trong giây phút tưởng như không còn có thể chịu nổi nữa, thì các cánh cửa mới và một nét đẹp tươi tắn của tình yêu đang thực sự hé mở.

Một vẻ đẹp mà chỉ duy có nét hài hòa mà thôi thì chưa thực sự là một vẻ đẹp. Vì còn thiếu một cái gì đó, cho nên nó chưa trở thành toàn hảo. Vẻ đẹp chân chính phải mang cả nét tương phản nữa. Bóng tối và ánh sáng thì bổ khuyết cho nhau. Trái nho chẳng hạn, muốn chín mọng, không phải chỉ cần nắng, mà phải cần cả mưa nữa, không chỉ cần ban ngày, mà còn cần cả ban đêm.

Linh mục chúng ta cũng thế, dù già hay trẻ, cũng đều phải tập sống trong đau khổ, trong khủng hoảng. Phải kiên nhẫn chịu đựng và vượt qua đau khổ. Có thế, đời sống mới phong phú được. Cha tin rằng việc Chúa mang lấy những dấu đinh cho đến mãi muôn đời thật sự mang một gía trị biểu tượng. Như một biểu hiện nét hung tợn của đau khổ, ngày hôm nay, các dấu đinh đang trở thành dấu ấn cuộc khải hoàn của Chúa, dấu ấn vẻ đẹp sung mãn của cuộc vinh thắng và tình yêu thương Ngài dành cho ta. Dù là linh mục hay là người đã kết hôn, tất cả chúng ta đều phải chấp nhận việc kiên nhẫn chịu đựng cuộc khủng hoảng về tha tính, về tha nhân, cuộc khủng hoảng này khiến ta có cảm tưởng không còn có thể ở lại bên nhau được nữa.

Vợ chồng cũng phải tập cùng nhau tiến tới, vì yêu thương con cái, nhờ đó mà trở nên thân thiết với nhau trở lại, yêu thương nhau trở lại, bằng một tình yêu sâu xa hơn và chân thực hơn. Nhờ thế, trên bước hành trình lâu dài, giữa muôn vàn khổ đau, tình yêu sẽ thực sự chín mùi.

Thiết tưởng, là linh mục, ta còn có thể học được nơi những kẻ sống đời hôn nhân từ chính nỗi đau khổ và hy sinh của họ. Ta thường cho rằng sống độc thân tự nó đã là một hy sinh rồi. Thế nhưng, hãy thử nhìn vào những hy sinh của những kẻ có gia đình mà xem: nào là con cái, nào là những vấn đề nẩy sinh từ nỗi sợ hãi, đau khổ, bệnh tật, nổi loạn, và cả những đêm mất ngủ vì tiếng khóc của trẻ thơ—ta phải học sự hy sinh từ nơi họ, từ những hy sinh của họ. Đồng thời ta cũng phải hiểu rằng thật là đẹp đẽ biết bao khi ta sống trưởng thành qua hy sinh, và hiến thân cho phần rỗi của tha nhân.

Thưa cha Pennazza, cha đã đúng khi bảo rằng Công Đồng dậy rằng hôn nhân là một bí tích hướng đến phần rỗi của người khác: người khác đây trước hết phải là người vợ hay người chồng, rồi đến con cái, trai cũng như gái, rồi cuối cùng là toàn thể cộng đoàn. Cũng vậy, linh mục sẽ trưởng thành trong lúc làm việc dấn thân vì phần rỗi của tha nhân.

Lại một lần nữa, Cha thấy lại phải nói đến các gia đình. Những cuộc lễ mừng trong gia đình thật là quan trọng, Cha nghĩ thế. Những dịp lễ lạc ấy thật sự cho thấy vẻ đẹp của gia đình. Các chứng tá của gia đình, cho dù đôi lúc có vẻ hơi thời trang chăng nữa, cũng vẫn có thể thực sự trở thành một lời công bố, một sự giúp đỡ cho tất cả chúng ta.

Để kết luận, Cha thấy thật thấm thía lời thư của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Êphêsô, khi nói đến cuộc hôn nhân của Thiên Chúa với nhân loại qua việc Chúa nhập thể, được hoàn tất trên thập giá, mà từ đó nhân loại mới, tức là Hội Thánh, được khai sinh.

Chính từ cuộc hôn nhân của Thiên Chúa mà hôn nhân Kitô giáo đã được khai sinh. Như thánh Phaolô dậy, đó chính là sự cụ thể hoá có tính chất bí tích những gì xẩy ra trong mầu nhiệm vĩ đại này. Do đó, ta phải luôn học đi học lại mối liên hệ giữa thập giá và Phục sinh, giữa thập giá và nét đẹp của ơn cứu chuộc, và hòa nhập vào bí tích này. Ta hãy cầu xin Chúa giúp ta công bố và sống mầu nhiệm này một cách tốt đẹp, biết học nơi những kẻ có gia đình cách họ sống mầu nhiệm ấy, ngõ hầu ta có thể sống mầu nhiệm thập giá, và có thể đạt tới những khoảnh khắc hoan lạc của mầu nhiệm phục sinh.