DI THẢO SỐ 31: VỀ VIỆC LẬP SỨ QUÁN VÀ CỬ PHÁI BỘ (*)

(Ngày 19 tháng 2 Tự Đức 21, tức 12 tháng 3 năm 1868)

Tôi là Nguyễn Trường Tộ xin đem các công việc ngoại giao bẩm rõ sau đây:

Một là, các nước đều có công sứ nước mình lưu trú ở Kinh thành các nước khác. Điều này rất có ích. Năm Tự Đức thứ 19 trước đây, trong một tờ bẩm, tôi đã bẩm sơ qua về khoản đó. Phàm nước nào có việc lớn, thì gửi thư ngay cho công sứ nước mình trú ở Kinh đô nước đó, công sứ có quyền đối kháng thương lượng với Triều đình nước ấy. Nếu hòa hảo tử tế được thì thôi. Nếu Triều đình nước ấy không chịu, thì công sứ nước mình cuốn cờ mà về, rồi mới gây việc binh đao.

Các công sứ các nước cũng đóng ở Kinh thành nước khác lâu ngày, kết giao với nhau, càng ngày càng thân. Cho nên một khi xảy ra việc gì, sẽ có nhiều tay góp phần gỡ rối, nhiều người góp ý giúp đỡ, nên thường thường việc lớn hóa ra việc nhỏ. Bằng chứng như thế rất nhiều, không thể nói hết.

Vả công sứ quyền năng hơn nguyên soái, bất luận việc gì, trước hết phải thông qua tay công sứ, vạn bất đắc dĩ mới giao cho nguyên soái liệu định.

Năm trước, lúc họ mới bàn hòa với ta, cứ theo thể lệ phương Tây, thì ta với họ đều phải đặt công sứ. Sau họ thấy ta một mực từ chối, họ biết ngay sự từ chối đó là hại cho ta, mà lợi cho họ, nên họ cố giả bộ yêu cầu hai ba lần để cho ta càng sinh nghi mà càng từ chối. Do đó họ mới được tha hồ muốn làm gì thì làm. Nay nếu muốn giao thiệp với các nước thì ta qua họ, họ qua ta, sau lâu rồi cũng phải đặt lãnh sự công sứ ở nước của nhau, mà khoản này ta chưa làm được, vì ta chưa biết rõ lý thế giao kết tung hoành phải như thế. Khó là vì vậy.

Hai là, nếu mở rộng cửa ngõ giao thông với nhau sẽ có lợi ích lớn, như trong bài Lục lợi từ đã nói và bài Ngôi vua là quý, chức quan là trọng đã trình bày 14 khoản cùng các lý lẽ đã nói rõ trong bài Khai hoang từ. Như thế thì họ với mình cùng nhau qua lại ăn ở mọi việc rõ ràng, dễ điều hành. Nhưng hiện nay ta còn nhiều trở ngại, chưa làm được. Khó là vì vậy.

Hai khoản này, trong các tờ bẩm trước, tôi đã nói qua. Nay có sứ bộ đi Tây, nên tôi xin nhắc lại để rõ sự nên hoãn, nên gấp trong việc ngoại giao. Nếu thế chưa làm được thì không nên đi chu du các nước, để thêm phí tổn. Hai khoản này là bước đầu khởi sự, có nhiều trở ngại khó khăn. Nếu còn nghi ngại thì hãy nán lại sẽ cử đi sau cũng chưa muộn.

Còn như đại thế phân hợp tôi nói rõ ở đoạn đầu trong bài Tế cấp bát điều, thì sau này dù ta không muốn làm, người khác cũng sẽ làm thay ta, rồi bắt buộc ta cũng phải theo đuổi. Đấy là sự thế nhất định không thay đổi.

Nếu thế sứ bộ đi Tây lần này, cũng nên đi giao thiệp cho rộng, hết sức thăm dò một phen, để về quyết định xem nên làm hay không.

Còn như chuyến đi của sứ bộ lần này với những sự thế trong ý định của Triều đình, chúng tôi nghĩ kỹ, tính kỹ tình thế của họ, thì mọi việc cũng chưa chắc muôn phần đều được như ý muốn. Nhưng được một điều lớn, như những lời tôi đã nói ở đoạn cuối trong bài trình bày về việc duy trì ba tỉnh là “Nay ta hết sức làm cái kế có thể duy trì thật là hết lòng hết dạ thương dân. Nếu việc thành công thì phúc cho nhân dân, còn nói đến phải núi cùng sông hết mà phải giao cho trời định đoạt, thì cũng có thể đem tâm tình này mà tạ cùng thiên hạ và còn lưu lại cho ngày sau lòng nhớ sáu tỉnh cũ mà khôi phục mai sau”. Đấy là một điều lớn sẽ đạt được trong chuyến đi này.

Sau nữa nếu thế không thể vãn hồi được mảy may thì trong khi lập điều ước, tôi sẽ bẩm rõ tất cả trong đó nên giao ước như thế nào, để có thể bảo đảm sau này, họ không dám tràn lan ra chỗ khác (Nhưng ta phải đừng phạm lỗi trước thì mới có thể giao kết lâu dài được) để có thể kéo dài ngày tháng, khiến cho ta có thể tự cường, mà dần dần mưu việc báo phục. Đấy cũng là đạt được một điều lớn.

Sau nữa, phải hết sức dò xét thế tung hoành, để phân biệt việc gì nhất định làm được, việc gì chưa thể làm được. Việc gì có thể làm được thì hết sức làm ngay. Về sau nhất định được ích lợi lớn, như Tây Châu. Nếu muốn trái với mọi người mà đứng riêng ra một mình, thì lúc về tôi sẽ bẩm rõ sách lược thứ hai, mà hết sức thi hành trong vài năm, cũng đủ sức tự củng cố, thế không chung sống với họ. Còn như việc thành hay bại, đều phó cho trời. Vả lại lần đi này quan hệ đến đại thế, cho nên đem kiến thức thô thiển mà nói hết ra, nếu có sự gì mạo phạm, đấy là do một tấm chân tình, vì không am hiểu sự thế mà ra. Muôn lần mong Triều đình rộng lượng tha thứ, để mở đường ăn nói.

Xin bẩm thêm: Nếu sứ bộ cần tiêu dùng chi phí, xin nói rõ với Tây soái trước đến nước họ mượn tiền mà tiêu, rồi trả ở Gia Định. Nếu mang tiền Gia Định sang Tây, mỗi đồng chỉ đổi được 4 quan 9 tiền hoặc 5 quan mà thôi mà ở các phố lại không thông dụng. Ngày trước chúng tôi đem tiền Gia Định mua bên ấy, đã không lợi mà lại khó tiêu dùng. Về đồ đạc của công nên bỏ vào hòm to chắc chắn (Mỗi hòm nặng chừng bốn năm người khiêng) mới bớt phí tổn. Nếu dùng hòm nhỏ, thì bao bì nặng mà đựng chẳng được mấy. Lại nên dùng ván nhẹ đóng đinh vào cho chắc chắn (Xin phái thợ đến sứ quán, mượn một cái hòm không về làm mẫu). Nếu không, đi chưa đến nửa đường mà đồ đạc của cải đã hư hỏng.

Nay kính bẩm.

Chú thích

(*) Bản văn chữ Hán: Hv 189/3 trang 28-32; Hv 634/1 trang 155-161; Hv 135 trang 117-123.