DI THẢO SỐ 21: KẾ HOẠCH VẬN ĐỘNG Ở PHÁP ĐỂ GIỮ BA TỈNH MIỀN TÂY

(19 tháng 9 năm Tự Đức 19, tức 27 tháng 10 năm 1866)

Tôi là Nguyễn Trường Tộ kính bẩm.

Sau khi thuyền Tây từ Kinh về nghe Tây soái trình bày với giám mục rằng: “Triều đình trả lời như vậy. Tuy chưa giải quyết được nhưng sự việc đã có manh mối, cũng nên đợi xem như thế nào”. Còn các quan Tây muốn cầu công thì cho rằng: “Ý của Triều đình hình như chư dứt khoát, bởi vì nếu rõ ràng thuận theo thỉnh nguyện thì sợ người trong nước bàn tán xôn xao. Nếu ta nhân cơ hội đó mà lấy quách thì rồi Triều đình cũng thuận theo ta thôi và có thể che mắt bịt tai thiên hạ không can ngại gì”. Bọn họ lại nói rằng: “Theo Hòa ước Triều đình phải triệt thoái hết các quan viên tiềm tàng trong ba tỉnh ngoài thì ta mới giao trả Vĩnh Long lại. Nay Tây soái đã bắt được bằng chứng rằng các quan viên ở ba tỉnh trong (1) đã ngấm ngầm thông đồng với các quản đội, hiện có chứng từ chính xác, rõ ràng là ngấm ngầm vi phạm Hòa ước, như thế thì ta lấy lại Vĩnh Long cũng là lẽ đương nhiên vậy!”. Không biết họ nắm được bằng chứng ở đâu mà nói như vậy?

Theo thiển kiến của tôi nhận xét thì ba tỉnh trong vốn nằm trong ý đồ của họ rồi, nhưng hiện tình trước mắt thì cũng chưa chắc đã nhanh chóng rơi vào tay họ được. Vì rằng:

- Một là Cao Miên vốn là một nước nhỏ yếu, khắp nơi có rừng rậm chướng khí, mà quân của anh vua Miên lại xuất nhập bất thường, nếu quân Pháp không ra chống đỡ thì không giữ trọn lời ước bảo hộ để tổn uy vũ đối với thiên hạ. Ví dầu muốn đuổi thú đến cùng rừng thì chẳng khác nào dùng đạn quý bắn chim sẻ, dao mổ trâu cắt cổ gà kể cũng trái lẽ. Nhưng cái thế khó nửa chừng bỏ dở, mà muốn cày quét cho bằng những chỗ gồ ghề thì việc tốn kém không thể kể xiết. Một tên giặc quèn ấy khó mà bù được chỗ đó, một tên giặc bé nhỏ ấy mà khạc chẳng ra nuốt chẳng vào. Nếu như Triều đình họ biết được sự việc đó thì tất cả những lời nói của quan dân lính trước đây đã quay mặt phản đối sẽ có chứng cớ thêm. Như thế chẳng những việc cầu công không thành mà bị bại lộ những điều tâng công trước đây. Có chỗ dùng dằng không xuôi như vậy cho nên tuy trong bụng có ý đồ riêng, cũng phải giật mình vì phải cái sai lầm là vốn lời đều mất.

- Hai là, Triều đình họ đã muốn y theo lời nói của Hà Ba Lý trước đây, lại có tiếng kêu bất bình của dân họ, lại có cái tình của Triều đình ta là phàm việc gì cũng nhường họ một bước, rõ ràng ai cũng nghe thấy, lại có số nửa các quan của họ không muốn nhọc sức làm thân một con chó lập công, lại có giám mục trình bày cái ý muốn hòa của Triều đình ta. Những việc đó Tây soái đều nghe thấy hết cả, trong lòng cũng lấy làm lo ngại đấy, nhưng nếu làm càn tất sẽ có ngày cùng đường mà bỏ bễ cũng nên. Tôi còn thấy lúc giám mục mới đến Tây soái đối đãi rất thân thiết nhiệt tình. Nay thì dần dần lạnh nhạt, có lẽ vì Tây soái nghe được những điều các quan nói, giám mục nói, về sự giao hảo thành thật của Triều đình ta, tựa hồ có căn cứ. Tuy là nói vô tình nhưng trong bụng vẫn mang ẩn ý, chưa chắc sẽ không đang tâm gây chuyện. Thế nhưng cũng khó mở miệng nói với ai, đành ngậm đắng nuốt cay mà thôi. Cho nên xem có vẻ không ưa gì giám mục và tôi. Nhưng cũng bắt buộc phải theo hai đường (một là hòa, hai là lấy) làm việc phiêu lưu cầu may để hãm vua vào cái thế “sự đã rồi tất phải theo” để được công đầu, sau sẽ trút cái gánh khó giữ cho người mới đến để về nhàn du nơi thôn dã. Dầu một ngày kia có vì danh nghĩa ép buộc, mà vua họ đã có lệnh “cho họ về nhà” họ cũng chẳng kể gì. Chuyện đó cũng chưa biết. Đây những ý kiến đoán chừng của tôi không biết có đúng hay không.

Nay tôi muốn nhân lúc giám mục đi Tây xin Triều đình nên viết một bức thư cho Đại học sĩ của Triều đình bên ấy nói rõ ràng tất cả sự lý và duyên do chuyến đi Tây lần này của giám mục để tỏ rõ lòng chân thành của Triều đình ta. Trong thư còn viết thêm một hai điều về những tình trạng khó khăn nan giải như dân tình ba tỉnh ngoài, sự thế ba tỉnh trong và Triều đình ta cũng đã trừng trị những quan đi theo quản đội, để lấy lòng họ. Lại thêm một hai đoạn để tỏ ý như ta muốn thông đồng với họ nhưng vì trong nước còn nhiều chuyện, chưa kịp sắp xếp được. Bức thư này không nên dịch trước ra tiếng Tây, chỉ nhờ giám mục đề bì bằng chữ Tây gửi cho Tây triều mà thôi. Đợi đến bên ấy, tất họ sẽ nhờ giám mục dịch ra, thì thế nào những chỗ mập mờ họ sẽ sinh nghi mà hỏi kỹ, hỏi nhiều thì giám mục cũng trả lời nhiều, như thế ta mới nói hết sự tình được.

Lại xin viết một bức thư nữa giao cho tôi để bí mật gởi cho Hà Ba Lý, trong đó nhắc lại cái tình cảm nồng hậu mà ta đã đối đãi với ông ngày trước, và nói cái tình cảm tốt đối với nhau ấy vẫn còn cho đến mai sau. Như nói trước đây ông thật có lòng muốn trả ba tỉnh, tuy việc không thành là do tình thế, nhưng tấm lòng tốt đó vẫn còn mãi. Lại nói, ông là người vốn am hiểu sự thế Nam triều, nay Nam triều như vậy như vậy… nếu ông có cách gì hay giúp cho Tây Nam vĩnh viễn hòa hảo thì xin ông chỉ giáo cho. Đồng thời gởi biếu ông ta một ít món đồ chơi để tỏ tình thân ái. Nhận được thư ấy ông ta sẽ nghĩ lại rằng: “Lòng tốt của Triều đình nước Nam thuỷ chung như vậy, không vì việc trước kia không xong mà bất bình; trước đây ta có nói qua thế mà được Triều đình ấy hậu đãi, chỉ vì lý do riêng nên việc không thành khiến ta cũng mất mặt. Nay lại nghe lời bàn bạc của Tây triều cũng giống như những ý kiến của ta trước đây, sao ta không nhân cơ hội này mà phụ họa vào để thực hiện lời nói của ta trước đây để hả cái hận đã bị khuynh loát trước kia”.

Tôi cũng lấy cái tình thân thiện bí mật viết cho ông ta một bức thư nói sơ cho ông ta biết nỗi khổ tâm của Triều đình ta và hình như có ý muốn đem việc quan trọng nhờ ông ta, nhưng còn sợ trở ngại nên giấu kín không nói ra. Ông ta vốn đã hận Tây soái lại đọc thư tôi nghe kể sự thế hiện nay ở Gia Định như vậy tất sẽ bất bình nghĩ cách đối phó với Tây soái và sẽ không làm lộ chuyện của ta mà ta thì ngấm ngầm được lợi.

Trên đây là ý kiến tho thiển của tôi, không biết có nên hay không. Nếu thấy dùng được xin trả lời gấp, để sớm lo liệu.

Nay kính bẩm.

Hai tập này không dám đưa cho Tây soái sợ chuyện tiết lộ. Vì vậy xin phái quý viên thân hành mang đến Vĩnh Long để gởi gấp.

Nguyễn Trường Tộ ký.

Chú thích

(*) Nguyên văn chữ Hán: Hv 189/1 tờ 127-131; Hv 634/4 tờ 20-27.

Bài này được viết tại Sài Gòn và gởi cùng lúc với văn bản số 20

(1) Nội tam tỉnh, tức 3 tỉnh Miền Tây, gồm Vĩnh Long, An Giang, và Hà Tiên.