DI THẢO SỐ 13: NGÔI VUA LÀ QUÝ; CHỨC QUAN LÀ TRỌNG (*)

(Tháng tư năm Tự Đức 19, tức cuối tháng 5 năm 1866)

Kính thưa,

Trong bài Khai hoang từ trước đây, ở điều thứ hai tôi có nói: Người Pháp xưa nay lấy ngôi vua làm quí, chức quan làm trọng. Trong phần cuối điều đó cũng nói: Vua các nước thường giao việc nước cho quan đại thần để chu du các nước, mở rộng kiến văn, mà không phải bận tâm việc trong nước nữa. Vì việc yên trị lâu dài là do liên kết giao thiệp với các nước, khác với thời xưa chỉ biết lấy bùn trét cửa để tự giữ là thế… Trong bài ấy, có 5 điều, nhưng điều này là căn bản. Các việc phúc lợi trong nước đều do đó mà ra.

Tôi sở dĩ khinh bỏ danh lợi cốt để Triều đình tin nghe, vì thâm ý của tôi là sang các nước xem nắm tình hình, không những nôn nóng chứng tỏ mình là người không có hại, có thể làm được những việc chính nghĩa cho vua mà còn để trở thành một kẻ mưu trí gấp lo chống đỡ hoạn nạn cho nước nhà nữa. Cho nên bây giờ lại bộc bạch tâm huyết một lần nữa cho hết từ đầu đến cuối. Sau này dù có ngàn vạn lần nữa cũng không có gì thêm.

Người xưa có nói: “Dân là gốc của nước”. Nói như vậy cũng chưa đúng. Tôi cho rằng vua quan là gốc của nước. Vì không có vua quan thì chẳng bao lâu dân sẽ loạn, tranh nhau làm trưởng, giành giật lẫn nhau, tàn sát lẫn nhau, oán thù lẫn nhau. Cho nên nước dù có vua bạo ngược còn hơn không vua. Trong kinh thánh xưa của đạo giáo có nói: Tuy vua bạo ngược dân cũng không thể hai lòng. Vì nếu dân dấy loạn thì chưa tổn hại đến vua mà trước hết là hại dân.

Ngũ luân thì vua quan đứng đầu. Đạo giáo coi vua hơn cha, cho nên gọi trung phụ là để cho đạo vua được tôn nghiêm hơn. Vì nếu không có đạo vua thì không thành thế gian. Phương Tây gần đây không có ai phạm tội giết vua, không có hành vi khinh thị quý tộc. Tuy những xứ man mọi như Trâu, Cử (1) cũng không khinh lờn, vì đã hiểu rõ ý chỉ của Kinh thánh. Trong kinh xưa còn nói: Tạo vật đã từng vì tội của vua quan mà trừng phạt dân ở đời này. Lại nói: Vua tuy vô đạo cũng không được gọi bằng thằng, và sát hại bừa bãi. Bởi vì phạt dân thì trong nước chỉ hại nhỏ, còn phạt vua trong nước thì sẽ bị hại lớn; mà thường khi hại dân có tội, Chúa cũng đặt biệt mượn vua quan làm roi vọt để thay Chúa mà trách phạt. Cho nên giết vua chẳng khác gì giết Chúa. Vua được coi trọng đến như vậy. Cái lý này xưa nay các sách Nho chưa từng nói rõ.

Như Mạnh Tử có nói: “Dân là quý, rồi mới đến vua”. Câu nói này đã từng mở đường cho vô số bọn hủ nho sau này lấy cớ mượn việc công để làm việc tư. Thành Thang giết Kiệt. Võ Vương giết Trụ. Thang, Võ đã từng là bề tôi Kiệt, Trụ thế mà lại giết Kiệt, Trụ. Nếu để cho người khác giết rồi sau cướp lấy thiên hạ trong tay người đó thì mới không hại danh nghĩa. Nếu bảo đó là nguyện vọng của nhân dân thì giả sử dân bảo làm điều bất nghĩa cũng làm hay sao? Phàm nhân thì phải thuần hậu, nghĩa thì phải cho trọn vẹn. Trong lúc giao phong phải cứu người vô tội. Như thế là giết người mà cứu người. Nếu mạo danh giết vua để được cái nghĩa cứu dân thì cái nghĩa đó càng chưa trọn vẹn. Thế mà xưa nay các bậc thánh hiền đều ngợi khen Thang Võ là hết sức nhân nghĩa.

Đến như Khổng Phu Tử mà cũng không chỉ rõ điều sai đó để làm sáng tỏ cái nghĩa vua tôi, để cho Thang Võ không có chỗ trốn tránh trong khoảng trời đất này nữa. Nay Thang Võ đã có chỗ trốn tránh rồi. Mối ấy một khi đã khơi ra khiến thiên hạ đời sau dòm ngó ngôi vua, rồi thêm nhiều tiếng ác cho bậc quân phụ để che giấu cái xấu của mình. Cho nên trong bài Lục lợi từ, tôi có nói: Mọi quyền lợi hành vi trong một nước phải do vua nắm, và cùng với quốc dân chia sẻ nỗi vui buồn. Ngoài quy luật này ra đều là tội cả. Tôi xem khắp các nước trong thiên hạ, hễ nước nào có một họ được bề tôi đời đời giúp rập thì tuy có đôi khi suy vi nhưng trong nước cũng không đến nỗi có loạn lớn. Như Nhật Bản đã mấy nghìn năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã nghìn năm, các nước phương Tây đều như thế cả, ở Nam Tây Châu cũng vậy. Sở dĩ dân ở đấy phần nhiều chỉ có loạn nhỏ mà không có loạn lớn là vì danh nghĩa đã xác lập ngôi vị ổn định, nghe thấy đã quen ít xảy ra việc thoán đoạt làm loạn. Bởi vì nếu tục lệ dễ dãi lơi lỏng, thì nhân dân một khi thấy có điều không như ý, không biết tự hối lại nói bừa là vua quan không xứng đáng, rồi chê trách lung tung, bàn chuyện thị phi, mưu đồ họ khác lên thay, hoặc hy vọng có một sự thay đổi nào đó, đứng núi này cho núi kia là cao hơn… nhân tình đại để như vậy. Từ đó bịa ra đủ thứ những câu sấm, bảo là có điềm ứng hiện để gây phiến động trong dân chúng. Do đó dễ sinh ra họa loạn. Các nước phương Tây đã hiểu rõ cái lý do.

Kẻ làm vua biết rõ cái điều trời phó thác cho mình là nặng nề, mọi phúc họa đều do trách nhiệm ở vua, cho nên tự hạ mình ghép vào vòng pháp luật. Người làm dân biết rõ ngôi tôn quý đã định rồi, quyền hành đã có người nắm rồi, phận sự đã được đặt để rồi, cái thế đã có người giữ, cho nên quy tiếng đẹp lên trên. Mỗi người tự do lấy danh nghĩa của mình không dám manh tâm gây chuyện họa loạn. Họ biết rõ mình có nhiều tội ác, Chúa dùng nhiều tai biến để răn đe, nên mới có những sự chênh lệch không đồng đều, chứ không phải do vua quan gây ra nên không dám oán giận bề trên. Những điều hay đẹp này là do tình vua với dân hợp nhau hoặc xuất phát từ tình cảm đó mà ra.

Kẻ làm dân chỉ có một điều giúp đỡ vua, kính trọng quan mà thôi. Vua quan nếu có điều sai thất, thì các nước đều đau đớn khổ sở. Vì thế mà thành thói quen, họ đều lấy việc giương cao uy tín của nước, bảo vệ thế lực của nước làm trọng, chạy ngược chạy xuôi chống giặc như sợ không kịp, lăn vào những nơi nước sôi lửa bỏng như đi vài nơi bình thường, cả nước có một tiếng xấu thì coi như do tự mình mà ra. (Những điều tốt đẹp trên đây là nói về toàn thể, là chỉ về đại dụng, tuy nhiên trong đó cũng có vài điều nhỏ nhặt không phải vậy).

Đối với những điều này, là sĩ phu bé phải học, lớn phải làm. Là người thôn dã, trong nhà ngoài xóm phải bàn luận khuyên bảo nhau. Nhờ đó dần dần trở thành truyền thống, thuần phong mỹ tục được lưu truyền. Ví dầu ai có lòng dạ nào khác, cũng không thể không theo đại thế, không thể không theo cái chung. Bởi vì trí xảo con người ta do tập tành mà được, thiện ác bắt nguồn từ học thuật và phong hóa cũng do từ học thuật sinh ra. Trong sách dạy như thế nào, thầy giáo chỉ vẽ như thế nào thì người học phải làm sao cho hơn những gì sách đã dạy, thầy đã chỉ. Trong nước ai ai cũng phải có thái độ học tập như thế, và hành vi như thế. Bất kỳ Đông Tây, đó là cái lý lẽ chân xác không bao giờ thay đổi. Bởi vì:

1. Các nước đã có thuần phong mỹ tục rồi mà các vua quan lại biết khéo nhân thời lập thế, biết rõ phép tung hoành để kiềm chế lấy nhau, để dựa vào nhau, các nước đều liên hợp với nhau, mở toang các lớp cửa thì ta và người đều biết rõ mọi vật đều có chủ.

2. Đi lại giao hảo thân tình với nhau, tính kế ăn ở lâu dài với nhau, không chịu giúp họ khác lên thay ngôi vua mà mình chưa biết tình ý họ ấy như thế nào.

3. Bề trên lo giữ pháp độ, lo việc nước thì chỉ dùng người hiền, đã theo công lý giữ pháp luật thì trên sẽ hợp điển chế không ai dị nghị, sự nghiệp không suy đốn.

4. Kẻ làm dân thấy thiên hạ ca tụng vua mình, so sánh người và ta, thì hết lòng làm sao cho thiên hạ kính trọng vua mình hơn.

5. Các bè đảng biết rõ danh phận của vua quan đã định, thì vị tất trong một lúc mà các nước đầu giúp cho mình làm bậy.

6. Các nước Tần Tấn Tề Sở sức lực đều mạnh ngang nhau không chịu để cho ai lợi mà mình hại.

7. Người ở thế lực trọng yếu biết rõ nhân tâm đã có chỗ chuyên hướng, những người đồng liêu đã liên kết ngoại giao, thì làm sao có thể thuyết phục hết người này đến người khác, cần gì phải ngấm ngầm kết bè kết đảng riêng nữa, bởi vì chỉ sự tổn hại cho mình mà không được lợi gì cả.

8. Nếu lập một họ khác thay ngôi thì phải có một sự thay đổi lớn, may mà được người khác giúp cho toại ý riêng, thì như thế là làm hại chonhững người an phận thủ nghiệp, lợi riêng thì ít mà hại người thì nhiều, e rằng mọi người sẽ oán giận khó mà làm được.

9. Các nước đều bắt chước nhau, tranh mạnh lẫn nhau, tự phấn đấu cho tài xảo ngày càng thịnh.

10. Chỗ có và chỗ không giao thông trao đổi với nhau, chung nhau cái hay, đồng nhau cái lợi, bắt chước lẫn nhau để cho đạo đức phong tục được thống nhất.

11. Điều thẳng lẽ cong đều công bố ra cho thiên hạ, việc sai đúng phải cho mọi người bàn luận, không dám tự mình che giấu bào chữa cho cái xấu.

12. Vua có bổn phận của vua, quan có bổn phận của quan, dân có bổn phận của dân. Danh phận mỗi người đều có cái quý trọng riêng. Người quý kẻ tiện không cướp đoạt ngôi thứ nhau. Cho nên người nối nghiệp, từ nhỏ đã không dám làm sai bổn phận của mình, lớn lên thi hành phận sự tất phải tinh thuần, cũng không dám vượt qua phận sự mà cải đổi sự nghiệp, vì e rằng trong bụng không có cái chí báo phục, thì một khi có việc gì cấp thiết sẽ khó bề chống đỡ. Hơn nữa, mỗi bổn phận có một cái cao quý riêng, không được có ý tưởng được voi đòi tiên.

13. Mỗi người đều được đặt để một vị trí. Khả năng nào thì vào nghề ấy. Trách nhiệm nhỏ thì dễ đền bù. Chức vụ nhỏ thì dễ giữ. Nghề tinh thì không sai. Dùng chuyên thì không bị xâm lấn. Việc bình thường thì không đến nỗi bỏ phế.

14. Mỗi người tinh một nghề. Mỗi nghề có cái kỳ diệu đáng quý của nó, đều có tiếng hay tiếng tốt đáng khen của nó, không có sự so bì bên khinh bên trọng. Như cái áo, có cái rộng cái hẹp, cái dài cái ngắn khác nhau để thích dụng cho hình vóc từng người. Người thấp thì không ghét áo dài, người nhỏ thì không chê đai rộng. Mọi việc có cái quý trọng riêng của nó, khi thành công thì đều giá trị như nhau. Như tay chân trong thân thể người ta, tuy có cao hạ quý tiện khác nhau nhưng cũng không vì thế mà ghét bỏ làm tổn thương lẫn nhau. Cho nên một người có cái kỹ xảo thì mọi người đều thêm vinh, một người có tài thì cả nước được tăng phần kính trọng. Mọi người tài giỏi đều cảm thông nhau thì không có cái hận ta hơn người thua, không có tình trạng ta mạnh người yếu. Cho nên trên dưới đều hết lòng với việc làm của mình, không có cái bệnh ghen ghét kẻ tài hiền.

Trên đây là mười mấy điều đại cương rút trong cái thuật tung hoành mà ra. Ngoài ra trong nhân dân còn có những sự liên kết với nhau để phụ giúp lẫn nhau như là kẻ đứng bên cạnh giúp vào, để giúp thêm vào mười mấy điều kia thì không thể nào kể hết được. (Còn như có những đường lối chính trị như thế nào đúng với tình cảm và lý lẽ này mà hợp với chính trị nước ta thì càng không thể kể hết, không cần phải nói rõ ở đây.)

Đó là những điều mà sách kinh đời xưa đã ghi chép như vậy, các bậc hiền triết đã làm khuôn phép như vậy, những người khai sáng đã tạo lập quy mô như vậy, phong tục đã kết thành như vậy, các nước đã noi theo trật tự như vậy, mà một mai có người muốn lập lại một cái gì khác, thật cũng khó có thể làm được. Cho nên, bậc làm vua biết rõ cái thế trường cửu đã có, không có bụng nghi ngờ bề tôi ở dưới, kẻ làm dân biết rõ cái lợi hại của việc trị việc loạn nên không có cái chí phạm thượng. Trên dưới tự mình không nghi cũng không ngờ lẫn nhau. Mọi việc gì đều có sự phó thác rõ ràng, người nhận lãnh vui lòng, không có điều gì tối tăm, lo lắng, cho nên dễ đi đến chỗ đúng đắn, dễ bày tỏ, dễ cởi mở, dễ phân giải, tất cả đều là do thật lòng tin tưởng nhau, cho nên dù có sự bất bình cũng tin nhau, không nỡ trách cứ hà khắc. Được như vậy là đều do không nghi kỵ gì nhau mà ra. Nếu đã nghi thì hại đến lòng tin. Không tin tưởng thì đa kỵ, đa kỵ thì hại đến trí khôn, trí bị tổn hại thì dễ bị hỏng việc, việc hỏng thì sinh hại, hại sinh thì có lắm điều lo buồn, lo buồn nhiều thì tâm loạn rồi sinh ra lắm sự sợ hãi, sợ hãi nhiều thì khí chất kém đi mà sinh ra nhu nhược, nhu nhược thì mọi việc chần chừ do dự không dám quyết đoán. Nếu trong bụng không có định kiến chủ trì thì khi có ngoại hoạn nổi lên tấn công ta, ta sẽ không có cái gì đối phó lại, tất sẽ tán loạn tan tành, đại thế sẽ ngày càng giảm. Những cái đó đều do chỗ ta với người nghi ngờ nhau mà sinh ra cả.

Tôi nhìn chung thấy cái thế các nước trong thiên hạ xưa nay, các nước phương Đông phần nhiều cái hoạn ấy do tích tụ lâu ngày thành thói quen. Nhưng về học thuật thì cũng có cái giống nhau cái khác nhau. Nhưng hùng biện hay mà làm cho rối rắm điều phải trái khiến người ta có cái ý bỏ đây theo kia. Đó là do cái tệ quá đề cao hoặc quá hạ thấp mà ra. Có phú quý rồi mới thấy có tật; vinh nhục đã định rồi mới thấy điều tranh chấp, nhân tình là như thế đấy. Nghệ Tổ có nói rằng: “Ở địa vị như thế thì ai mà chả muốn làm”. Cho nên khi được gia ân lớn thì chiếm giữ lấy chỗ quan trọng để rồi họa hoạn sinh ra từ trong tay áo. Đã có trị tất có loạn, đó là lẽ thường tình. Người hay sinh chuyện thì lại mượn cớ người ta nói vua thất đức, trời sinh tai biến làm thực chứng, để ôm lấy cái ước vọng sai lầm của mình. Làm quan khi có điều gì sai thất, thì người ta sẽ nhân lúc bề trên nghi ngờ mà dèm pha vu khống, khiến người ta bắt chước làm con trượng mã, sợ nó hý lên một tiếng thì có người bị đuổi. Người nào cũng lo giữ lấy mình, không dám có phát minh sáng kiến gì. Người thợ không tinh kỹ xảo, người học trò không lo họ để mãi sau ra làm quan. Hễ có nhiều những chuyện trục xuất, giáng chức, đổi chức, điều động, thì những mối lo được lo mất luôn luôn hiện ra trước mắt. Những tuồng đẩy người ta để tiến mình lên, rình mò sau lưng, đương chức mà như là ngồi trên đệm có kim chích, làm việc thì lo như là bị gai đâm, không được thung dung để phát triển điều hay.

Kẻ đắc thời biết có con đường có thể tiến thân, có thể thừa cơ được, cho nên cứ muốn vượt người ta mà ngoi lên. Như người xưa nói: “Thà làm đứa chăn trâu đầu đàn, chứ không làm ông quan lớn hạng nhì trong triều”. Biết có chỗ phục thù, bọn người đắc chí, cứ hớn hở mà đi để quyết hả cái hận “được làm vua thua làm giặc”, như người xưa nói: “Không lưu tiếng thơm muôn thuở, thì để tiếng xấu vạn năm”. Lại có một loại người, động một tý là mượn thánh hiền, hễ có việc bất bình thì vội đòi phế lập.

Có cái chí như Y Doãn cũng nên. Sao không biết rằng người đâu phải ai cũng là Nghiêu Thuấn cả mà việc gì cũng làm được hay được tất cả. Theo lẽ thường tình mà nói, thì vua quan đều có phận sự riêng, ai chẳng muốn ở cho yên hưởng cho lâu. Cho nên ra làm điều gì thì muốn việc cho được, công cho thành, đó là bản chí của mọi người. Nếu có làm điều gì sai lầm ngoài ý muốn, hoặc cơ hội lầm lẫn thì lo thay đổi gấp để cho người ta không sửa đổi kịp. Như thế là giáo dưỡng người rất khó mà vứt bỏ người thì quá dễ. Đường tài đức xét ra không cùng dẫu muốn đoạt hết lấy tài đức trong thiên hạ cũng không lấy hết được. Như uống nước sông, tuỳ lượng chứa của mình rộng hẹp, nhưng tất cả đều được no đủ, không cần phải đoạt lấy của người để làm dồi dào cho mình.

Hơn nữa, hiền tài là sinh lực của quốc gia, sinh lực con người ta mà mạnh thì mọi gân cốt trong người đều mạnh. Thế thì tại sao không nghĩ đến lợi ích chung, không lo đến hạnh phúc chung? Mình đã không tốt lại còn muốn người khác xấu để chia cái xấu với mình. Như ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Kéo người ta xuống vũng nước do mong cùng lấm như mình”. Mình đã không có tài thì không muốn cho người có tài để khỏi lộ cái dở mả của mình ra, rồi làm đủ cách để chôn vùi người ta đi. Như người ta thường nói: Tài là hay đi với cái họa, thật là cái họa của sự có tài vậy. Kẻ sĩ bất kỳ có tài giỏi hay không, cứ vào triều là sinh tệ cả. Thế thì nước nhà còn mong gì mà dành tài được? Sĩ phu tội gì mà ôm tài hại thân? Lại có một loại tệ hơn, tiếng là đào tạo tài, nhưng thực ra vứt bỏ tài. Sở dĩ được thành tài phần nhiều là do tích luỹ thuận đạo, như người ta thường nói: Con nhà tướng ra cửa nhà tướng.

Nay hễ nghe khen thì mời về, nghe chê thì đuổi đi. Việc chứa giữ tài nguồn gốc của nó thật sâu xa, mà việc dùng hay bỏ tài thì lại bỗng chốc tạm bợ. Như vậy chẳng những cô phụ việc cầu tài của trên mà kẻ có tài cũng vô dụng; khiến đến nỗi kẻ có tài sau này bế tắc không đường thẳng tiến; khiến kẻ có tài mà không gặp hội phải vất bỏ hết bao công lao trước kia mà thay đổi nghề nghiệp như Hứa Hành, thật là chua cay, khiến đến nỗi sau này có cái hận làm điều thiện mà không được báo đáp, như người xưa có câu than thở “giận mình đã lầm lỡ làm kiếp nhà Nho”. Cho nên nhiều người tức tối thất vọng, thất chí không có nơi nương tựa để phải mắc vào nhiều tội ác. Người ta đâu phải gỗ đá trơ trơ, ai không muốn sửa chữa tội lỗi trở thành người hiền lành. Dù có kẻ ngu ngốc không đổi nết thì cũng nên nghĩ đến công lao trước kia của người ta, để khuyến khích kẻ hậu tiến, để bù đắp cho hậu đạo, ai lại nỡ để mình làm quan đại thần mà con cái đi ăn xin. Đến nỗi khiến người xưa có câu: “Có thể làm quan thanh liêm được, nhưng không thể làm”. Con cháu của Thang Võ cũng không có đất cắm dùi.

Như thế thì hiện nay ai chịu bỏ sự hưởng dụng cả một đời để đổi lấy cái cơ cầu ngày sau chưa chắc chắn ấy? Cho nên người đời xưa có câu: “Cười chê chửi mắng mặc thây, Quan to lộc hậu thì đây cứ làm”. Những cái đó đều do biết rõ cái thế không được lâu dài, hưng vong chưa ổn định, thịnh suy không biết lúc nào, phải trái không đích xác, được mất bất thường, thực hư không phân biệt, thưởng phạt không lâu dài, ra làm quan hay ở nhả không định trước, tiến thoái không tính liệu, như nước trong ống xe đạp nước, như sóng nơi trường giang, như tiếng sáo điều, như hình mây cầu vồng. Kẻ thất phu lên làm vua thì không kể gì thế hệ. Vua xuống làm dân quê thì tính chi đến chuyện cao thấp. Từ trên xuống dưới không ai là không ôm cái quái thai ấy. Cho nên phải giải quyết cái căn bản là phải thấy được cái gì làm cho lòng người dao động.

Các nước lớn ở phương Đông, xưa nay lên xuống đại loại đều như thế cả. Là vì không tinh thuần đạo học, không đồng nhất tâm thuật, không có cái thế liên hợp, không coi trọng danh vị mà gây ra cả.

Còn như các nước Đại Tây, Tiểu Tây cùng các nước Nam Tây Châu thì trái lại, đúng như đầu mỗi bài kinh đã ghi, tuy có sớm muộn khác nhau, nhưng đến nay đều đã dần dần biến đổi cả rồi. Khi chưa biến đổi, các nước ấy còn tệ hơn ở phương Đông, điều đó sử cũ đều có ghi chép, chỉ nhìn qua cũng thấy rõ. Nhưng những việc đó đã thuộc về dĩ vãng không nói làm gì, bây giờ chỉ nhìn vào sự tân tiến của họ cũng đủ chứng tỏ sự xưa và ngay khác nhau rất xa. Người ta ai cũng lo gấp phòng bị hoạn nạn, mà không biết cách làm sao cho hoạn nạn đừng sinh ra, không biết làm sao cho hết hoạn nạn, mà chỉ lo sắm những công cụ phòng bị hoạn nạn. Như thế thì dù có xua hết thiên hạ ra làm cũng không đủ. Nếu biết dựa vào sức và nhờ vào thế của nhiều người, sao cho mọi người đều quan trọng việc công và lòng người đều tôn kính bề trên, như Giả Nghị nói: “Gieo vào lòng người sự tôn kính” thì thiên hạ không có loạn. Vì rằng danh đã định, vị đã lập, lý đã chính, thế đã đồng, các nước đều như vậy cả; lẽ nào một nước lại có thể trái với các nước mà đứng riêng một mình một cõi được sao?

Tôi đã hiểu rõ cái chính lý của đạo trong ái trong kinh, biết rõ danh vị là lợi ích cho nhân dân, thấy thiên hạ có sự yên trị lâu dài, lợi ích to lớn là do chỗ một họ cầm quyền, do chỗ đời đời truyền nối. Mà chế ngự được nhân tâm là do trị lý về kinh tế, và duy trì được đời đời dài lâu là nhờ ngoại giao. Cho nên tôi thiết tha muốn cho nước nhà cũng được hạnh phúc tốt lành như thế.

Kính bẩm.

Chú thích

(*) Bản Hán văn: Hv 189/1 tờ 83-94.

Ở đầu bài ghi là “Tháng 4 năm Tự Đức 19” tức từ 14-5 đến 12-6 năm 1866. Nhưng theo bài tấu của Trần Tiễn Thành ngày 19-4 năm Tự Đức 19 tức 1-6-1866, thì có nhân của Nguyễn Trường Tộ gởi từ Nghệ An ba bản, chắc trong đó có bản “Ngôi vua là quý, chức quan là trọng”, nên bài chắc phải được viết trước 1-6-1866 tức vào cuối tháng 5-1866.

(1) Trâu, Cử: Những nước nhỏ đời Xuân Thu (Trung Quốc).