DUSHANBE (UCAN) -- Giáo hội ở Tjikistan non trẻ về nhiều mặt.

Cơ cấu Giáo hội hiện nay được thành lập chưa tới một thập niên, và nhiều giáo dân tham dự lễ Chúa nhật còn trẻ, người Công giáo thế hệ thứ nhất.

Dimitry Flaum là một trong số đó. Anh không theo một tôn giáo nào cả cho đến khi trở thành người Công giáo năm 2002 trong khi đang học đại học. Hiện nay anh được 23 tuổi. Anh giải thích với UCA News rằng anh theo đạo Công giáo là nhờ các bạn cùng lớp người Công giáo. Anh thích "tính hiếu khách và lòng tốt" của họ, và họ đã mời anh đến nhà thờ.

Flaum là một trong 120 giáo dân của Giáo xứ Thánh Giuse, trong đó hơn một nửa còn trẻ tuổi. Giáo dân trong xứ và các thừa sai hải ngoại mời những người trẻ tuổi đến nhà thờ nếu họ có ý thích tìm hiểu nhiều hơn về đức tin.

Aripov Anushervon, 21 tuổi, đến giáo xứ cách đây sáu năm. "Bạn có thể nói tôi là người Công giáo gốc bởi vì mẹ tôi là người Látvi", sinh viên kinh tế học nói, trong khi ám chỉ người Látvi có truyền thống theo Công giáo. "Tuy nhiên, tôi theo đạo khi đã trưởng thành".

Hầu hết người Công giáo ở Tajikistan là người gốc Nga, Latvi và Armenia. Người bản xứ Tajikistan và Uzbekistan chiếm chưa tới 5% trong số 250 người Công giáo trong quốc gia này. Người Nga, Latvi và Armenia đến Tajikistan dưới thời Xô Viết để tìm việc làm hay phục vụ trong quân đội.

Người Công giáo địa phương có rất nhiều dân tộc khác nhau mới cách đây hơn một thập niên. Đến thời nội chiến (1992-1994), Giáo hội địa phương chủ yếu là người Đức, gồm các gia đình gốc Đức bị lãnh đạo Xô Viết là Joseph Stalin trục xuất vào những năm 1940 đến từ vùng Volga của Nga.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Tajikistan giành được độc lập năm 1991. Cuộc nội chiến diễn ra giữa chính quyền thân Xô Viết và các nhóm Hồi giáo phản đối khiến người Đức bỏ trốn sang Nga hay Đức. Việc này làm cho Tajikistan không còn có một linh mục nào cho đến khi cha Carlos Avila dòng Ngôi Lời Nhập Thể đến đây năm 1996.

Cha Avila, một thừa sai người Argentina hiện đứng đầu Giáo hội Tajikistan, nói với UCA News rằng cuộc nội chiến "đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt cộng đoàn chúng tôi". Vị linh mục cho biết, hầu hết người Công giáo hiện nay "đã từng theo các tôn giáo khác hay không theo một tôn giáo nào hết. Bạn hầu như không thể gặp được một người Công giáo địa phương nào có bố mẹ cũng là người Công giáo trước đây".

Cha Avila cho biết thêm: "Không có nhiều gia đình theo Công giáo 100%. Chúng tôi gặp một tình huống mà trong đó chỉ có một hoặc hai người trong gia đình là người Công giáo. Số còn lại theo Hồi giáo hay Chính thống Nga, hay không theo tôn giáo nào cả". Dựa trên thực tế này, truyền giáo là hoạt động chính của Giáo hội địa phương, so với cái có thể gọi là công việc thường lệ trong một cộng đoàn có truyền thống Công giáo mạnh hơn.

Larissa Kviathovskaya, giáo lý viên 61 tuổi của Giáo xứ Thánh Giuse, nói với UCA News: "Nhà thờ có thể là nơi duy nhất để những người trẻ nghe kể về Chúa bởi vì một số bố mẹ hoàn toàn không quan tâm đến việc giáo dục tôn giáo cho con cái mình". Bà nói thêm một số bạn trẻ bắt đầu đi nhà thờ, nhưng họ đã bỏ khi bố mẹ họ biết và cấm họ tiếp tục.

Tajikistan có khoảng 6,5 triệu người, trong đó 96% là người Hồi giáo, và 3% theo Chính thống Nga.

Cha Avila và bốn tu sĩ bạn dòng Ngôi Lời Nhập Thể phục vụ 250 người Công giáo trong ba giáo xứ. Ba nữ tu dòng Tôi Tớ Chúa và Trinh Nữ Matara làm việc với trẻ em và thanh niên tại Giáo xứ Thánh Giuse, và bốn nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái phục vụ người nghèo và người bị bỏ rơi trong thủ đô.

Khi Đức Thánh cha Gioan Phaolô II thành lập giáo điểm sui iuris (tự quản) Tajikistan năm 1997, ngài giao giáo điểm cho dòng Ngôi Lời Nhập Thể coi sóc mục vụ và chỉ định cha Avila làm bề trên đầu tiên của giáo điểm.

Trông coi Giáo hội "non trẻ" này là một việc nặng nề đối với cha Avila, nhưng ngài và các linh mục khác chắc chắn rằng các ngài mang niềm vui thú vào cuộc sống của Giáo hội. Đó là lý do các ngài tổ chức các trận đá bóng, kịch, hội họp giới trẻ và leo núi. Qua các hoạt động như thế, các thừa sai biết mình đang giúp các bạn trẻ phát triển tính cách cũng như đức tin.