Washington DC. 17/12/05 - Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI hôm qua đã bổ nhiệm đức Tổng Giám Mục Pietro Sambi làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ để thay thế đức TGM Gabriel Montalvo về hưu vì quá 75 tuổi. Tân Sứ Thần được coi là nhà ngoại giao lỗi lạc của Tòa Thánh Vatican

Đức TGM Pietro Sambi
Đức TGM Pietro Sambi sinh ngày 27 tháng 6 năm 1938 tại Sogliano sul Rubicone miền Bắc nước Ý, thụ phong linh mục năm 1964, thông thạo ba ngoại ngữ: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, đậu Tiến Sĩ Thần Học và Giáo Luật, gia nhập ngành ngoại giao Tòa Thánh từ năm 1969.

Đức tân Sứ Thần tại Hoa Kỳ đã phục vụ tại các Tòa Khâm Sứ ở Cameroon, Jerusalem, Cuba, Algeria, Nicaragua, Bỉ và Ấn Độ. Năm 1991, Ngài được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Nam Dương, đến năm 1998 được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel kiêm nhiệm luôn chức Đại Diện Tòa Thánh tại Jerusalem và Palestine.

Với người Do Thái và Palestine, Ngài được coi là nhà ngoại giao can đảm, luôn luôn lên tiếng cổ vũ hòa bình và bênh vực quyền lợi chính đáng của đôi bên. Ngài đã dàn xếp thành công vụ quân đội Do Thái đòi tấn công Vương Cung Thánh Đường Chúa Giáng Sinh bị quân của Palestine chạy vào đó cố thủ. Thánh đường này là một di tích lịch sử rất qúy giá đối với thế giới vì được coi là nơi Chúa sinh ra ở đó.

Với vụ Do Thái xây bức tường ngăn cách Do Thái và Palestine, đức Sứ Thần đã mạnh mẽ lên án và tuyên bố một câu bất hủ: “Bức tường là mối ô nhục cho nhân loại và khu vực này cần những chiếc cầu nối nhịp qua lại, chứ không cần bức tường phân chia ngăn cách.”

Với vụ sách giáo khoa của người Palestine, đức Sứ Thần đã nghiêm khắc chỉ trích nội dung sách vì chứa đựng tư tưởng bài người Do Thái. Ngài đã vận động chính quyền Ý không tài trợ cho người Palestine in ấn sách giáo khoa này.

Vào ngày 12 thánh 7 năm 2005, khi quốc hội Do Thái tưởng niệm đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Ngài được mời đến đọc diễn văn và nhân dịp này Ngài đã lên tiếng phàn nàn chính quyền Do Thái không chịu thi hành thỏa ước giữa Vatican và Do Thái đã ký kết từ năm 1993 và 1994.

Riêng tại Jerusalem, Ngài tranh đấu để nơi này có một quy chế đặc biệt nhằm duy trì các di sản tôn giáo và văn hóa, đồng thời bảo đảm quyền tự do tôn giáo cho tất cả mọi người thuộc các tôn giáo khác nhau.

Ngài cũng luôn luôn lên tiếng tố cáo chính quyền Palestine định soạn thảo bản hiến pháp dựa trên luật Sharia của Hồi Giáo theo đó quốc gia Palestine không công nhận quyền của người Do Thái Giáo và Kitô Giáo.

Ngài cũng rất quan tâm về vấn đề đào tạo linh mục. Dù bận rộn với công việc ngoại giao, Ngài cũng luôn luôn quan tâm đến các vần đề giáo dục tại các đại học Công Giáo. Ngài được bầu làm Viện Trưởng Viện Đại Học Bethlehem ở Thánh Địa và làm cho đại học này có được môi liên kết với các đại học nổi tiếng khác trên thế giới.