Theo bản tin CNA ngày 25 tháng 3 năm 2023, các giám mục từ năm quốc gia Bắc Âu, nơi vốn có tiếng là cấp tiến về phương diện luân lý tính dục, đã công bố một lá thư đề cập tới giáo huấn Kitô giáo truyền thống về tình dục, ủng hộ “sự toàn vẹn của ngôi vị có thân xác” chống lại các ý thức hệ chuyển giới hiện đại.



Tám thành viên của hội đồng giám mục Bắc Âu nói trong bức thư được công bố hôm thứ Bảy: “Hiện nay, các quan niệm về việc thế nào là một con người, và do đó, một hữu thể tình dục, đang thay đổi liên tục. Những gì được coi là đương nhiên hôm nay có thể bị bác bỏ vào ngày mai. Bất cứ ai đặt cuộc nhiều vào các lý thuyết chóng qua đều có nguy cơ bị tổn thương nặng nề. Chúng ta cần những gốc rễ sâu xa”.

Các ngài viết tiếp: “Vậy thì chúng ta hãy cố gắng sở đắc các nguyên tắc căn bản của nhân học Kitô giáo trong khi vươn tay ra trong tình bạn, trong sự tôn trọng, với những người cảm thấy xa lạ đối với chúng. Chúng ta có bổn phận với Chúa, với bản thân và thế giới của chúng ta, phải giải trình về điều chúng ta tin và lý do tại sao chúng ta tin điều đó là đúng.”

Bức thư mục vụ đang được đọc to trong các Thánh lễ cuối tuần này tại các nhà thờ Công Giáo ở Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch và Iceland. EWTN Na Uy đã cung cấp cho CNA một bản sao của bức thư.

Đức Hồng Y Anders Arborelius, giám mục Stockholm, Thụy Điển, là một trong tám người ký văn kiện.

Những người khác là: từ Na Uy, Giám mục Erik Varden của Trondheim, Giám mục Berislav Grgić của Tromsø, và Giám mục Bernt Eidsvig của Oslo; từ Đan Mạch, Giám mục Czeslaw Kozon của Copenhagen; từ Iceland, Đức Giám Mục Dávid Tencer của Reykjavik và Đức Giám Mục Danh dự Pierre Bürcher của Reykjavik; và từ Phần Lan, cha Marco Pasinato, giám quản tông tòa Helsinki.

Các giám mục viết trong thư: “Sứ mệnh và nhiệm vụ của chúng tôi trong tư cách giám mục là chỉ ra con đường hòa bình, mang lại sự sống theo các điều răn của Chúa Kitô, hẹp ở lúc khởi đầu nhưng ngày càng rộng hơn khi chúng ta tiến lên”.

Các giám mục viết tiếp: “Chúng tôi sẽ làm các bạn thất vọng nếu chúng tôi cung ứng ít hơn, chúng tôi không được sắc phong để rao giảng những quan niệm nhỏ nhặt của riêng mình.”

Các giám mục giải thích rằng có chỗ cho tất cả mọi người trong Giáo hội, mà theo một bản văn từ thế kỷ thứ tư, đó là “lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại.”

Bức thư viết: “Lòng thương xót này không loại trừ một ai. Nhưng nó đặt ra một lý tưởng cao cả”.

Thư mục vụ bắt đầu bằng việc nhắc lại 40 ngày đêm mưa làm ngập lụt trái đất vào thời Nôê.

Nó nói rằng khi Nôê và những người thân của ông quay trở lại trái đất đã được thanh tẩy, Thiên Chúa đã lập giao ước đầu tiên với con người, hứa rằng một trận lụt sẽ không bao giờ hủy diệt trái đất nữa.

Các giám mục nói: Thay vào đó, Thiên Chúa yêu cầu nhân loại tôn kính Thiên Chúa, xây dựng hòa bình và sinh hoa trái. Để phê chuẩn giao ước, Thiên Chúa đã tạo ra một dấu hiệu: cầu vồng.

Các giám mục lưu ý: “Dấu hiệu giao ước này, cầu vồng, trong thời đại của chúng ta được coi như biểu tượng của một phong trào vừa mang tính chính trị vừa mang tính văn hóa. Chúng tôi nhận ra tất cả những gì cao quý trong khát vọng của phong trào này. Trong chừng mực những điều này nói lên phẩm giá của tất cả con người và mong muốn được nhìn thấy của họ, chúng tôi chia sẻ chúng.

Lá thư tiếp tục: “Giáo hội lên án sự phân biệt đối xử bất công dưới bất cứ hình thức nào, kể cả trên cơ sở giới tính hoặc xu hướng. Tuy nhiên, chúng tôi tuyên bố bất đồng quan điểm khi phong trào đưa ra quan điểm về bản chất con người vốn xa lìa khỏi tính toàn vẹn của ngôi vị có thân xác, như thể phái tính thể lý là chuyện ngẫu nhiên.”

Các giám mục cũng nói trong thư rằng họ phản đối việc quan điểm như vậy được áp đặt lên trẻ em không như “một giả thuyết táo bạo mà là một sự thật đã được chứng minh”.

Chủ nghĩa chuyển đổi phái tính “áp đặt lên trẻ vị thành niên như một gánh nặng về quyền tự quyết mà chúng chưa sẵn sàng,” các giám mục ta thán như thế, đồng thời gọi là “một sự kỳ lạ” khi trong một xã hội cực kỳ coi trọng cơ thể, cơ thể thực tế lại bị coi nhẹ quá mức.

Các ngài nhận xét rằng giờ đây người ta bác bỏ coi cơ thể “có ý nghĩa chỉ bản sắc, cho rằng bản ngã duy nhất có hệ quả là thứ được tạo ra bởi sự tự tri nhận chủ quan, khi chúng ta tự xây dựng mình theo hình ảnh của chính mình”.

Các giám mục giải thích rằng thay vào đó, chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa, cả về thể xác lẫn tâm hồn.

Bức thư viết: “Hình ảnh của Thiên Chúa trong bản chất con người tự biểu lộ trong sự bổ sung cho nhau giữa nam và nữ. Đàn ông và đàn bà được tạo ra cho nhau: Điều răn sinh hoa trái tùy thuộc vào sự hỗ tương này, được thánh hóa trong sự kết hợp hôn nhân.”

Bức thư tiếp tục nói rằng sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, như một hình ảnh về sự thông hiệp của Thiên Chúa với loài người, không phải lúc nào cũng dễ dàng hoặc không đau đớn.

Các giám mục thừa nhận: “Đối với một số người, đó dường như là một lựa chọn bất khả. Nói một cách sâu xa hơn, việc tích hợp các đặc điểm nam tính và nữ tính bên trong chúng ta có thể khó khăn. Giáo hội công nhận điều này. Giáo Hội muốn ôm ấp và an ủi tất cả những người gặp khó khăn”.

Các giám mục Bắc Âu nói rằng các ngài nhìn nhận rằng “sự khao khát tình yêu và tìm kiếm sự trọn vẹn về mặt tình dục chạm đến con người một cách mật thiết” và các ngài muốn ở đó để đồng hành với mọi người khi họ dần dần lớn lên trong sự khôn ngoan và nhân đức.

Các ngài nói trong thư: “Chúng ta được kêu gọi để trở thành những người đàn ông và đàn bà mới. Trong tất cả chúng ta đều có những yếu tố hỗn loạn cần được sắp xếp cho có trật tự. Rước lễ bí tích giả định phải có sự đồng ý bằng cách sống nhất quán với các điều khoản của giao ước được đóng ấn bằng máu của Chúa Kitô.”

Các ngài chỉ ra rằng hoàn cảnh có thể có nghĩa là một người Công Giáo không thể lãnh nhận các bí tích trong một thời gian. Nhưng “anh ấy hay chị ấy không vì thế mà thôi là tín hữu của Giáo hội. Kinh nghiệm lưu đày nội tâm được sống trong đức tin có thể dẫn đến cảm thức thuộc về sâu sắc hơn. Những người lưu vong thường trở nên như vậy trong Kinh thánh. Mỗi người chúng ta đều có một hành trình xuất hành để thực hiện, nhưng chúng ta không bước đi một mình”.

Lá thư của các giám mục cũng đưa ra một số lời khuyên cho những ai đang bối rối trước giáo huấn truyền thống của Kitô giáo về tính dục.

Các giám mục khuyên: “Thứ nhất: Hãy cố gắng làm quen với lời kêu gọi và lời hứa của Chúa Kitô, để biết Người rõ hơn qua Kinh thánh và trong lời cầu nguyện, qua phụng vụ và nghiên cứu giáo huấn đầy đủ của Giáo hội, chứ không chỉ là những đoạn trích đây đó. Hãy tham gia vào đời sống của Giáo hội.

“Thứ hai, xem xét các hạn chế của một diễn ngôn thuần túy thế tục về tình dục. Nó cần phải được làm cho phong phú. Chúng ta cần những ngôn từ thỏa đáng để nói về những điều quan trọng này.”

Các ngài nói rằng Giáo hội “sẽ có một đóng góp quý giá nếu chúng ta phục hồi bản chất bí tích của tính dục trong kế hoạch của Thiên Chúa, vẻ đẹp của đức khiết tịnh Kitô giáo và niềm vui của tình bạn, điều cho phép chúng ta thấy rằng sự thân mật tuyệt vời và tự do này cũng có thể được tìm thấy trong các mối quan hệ phi tình dục”.